"Trompe l'oeil" – nghệ thuật đánh lừa thị giác – là chủ đề của một triển lãm tại Paris, mở ra một lịch sử của ảo giác và sự mô phỏng, từ những bích họa cổ xưa cho đến thời trang và nghệ thuật trang trí. Trompe I’oeil được biết đến lần đầu tiên, theo một huyền thoại, là bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại, thể kỷ thứ 5 trước công nguyên, khi các nghệ sỹ Zeuxis vẽ một chùm nho thật đến mức một con chim đã sà xuống để mổ vào nó. “Đó là một trò chơi giữa tác giả và người xem, đó là tất cả về thực tế và sự nhận thức,” người phụ trách Veronique Belloir cho biết, tổng kết lại tất cả các chủ đề của chương trình kéo dài trong 18 tháng tại bảo tàng Nghệ thuật trang trí Paris. Một phần nhỏ của các bức họa sẽ hiển thị hơn 400 đồ tạo tác, một trong số đó là một tủ quần áo siêu thực của nghệ sỹ Pháp Marcel Jean, với cánh cửa tưởng tượng nứt ra để cho thấy một cái nhìn thoáng qua của cảnh quan bên ngoài. Nhưng trọng tâm của cuộc triển lãm là những ảo giác trong nghệ thuật trang trí, vốn đã cất cánh vào cuối thế kỷ 19 khi giấy dán tường được sử dụng để mô phỏng theo mọi thứ từ gốm, ren cho đến sơn mài. “Mô phỏng là một trong những chủ đề lớn nhất của nghệ thuật trang trí, Dominique Fourest, đồng phụ trách bảo tàng cho biết. “Giảm chi phí là một phần lý do, nhưng không phải là toàn bộ. Đây là nơi để những người sáng tạo phát triển tài năng của họ.” Những cải tiến kỹ thuật được thực hiện như vải sơn lót sàn được tái sử dụng để sản xuất sản hoặc khảm, trong khi thủy tinh được sử dụng để bắt chước mã não hay khoáng sản, và gốm trông giống như gỗ, da hay lau sậy. Những cuốn sổ tay cuối thế kỷ 19 cung cấp những hướng dẫn thủ công tinh xảo để mô phỏng vật liệu quý hiếm, như các loại đá cẩm thạch hay phong cách trang trí từ thời Hy Lạp hay Trung Quốc cổ đại. “Đây là một trò chơi vô tận,” Fourest nói. Trong lịch sử, có những chiếc bình từ thế kỷ 16 có lỗ ở các cạnh, và chất lỏng đổ vào trong những thành bình kép được che giấu đi. Một đống lớn những cuốn sách bọc da, gắn trên một chiếc ghế gỗ, mở ra để lộ ra một khoang rỗng, một phát minh gây ngạc nhiên của thế kỷ 18. Thời trang cũng được sử dụng phong phú trong nghệ thuật đánh lừa thị giác, bắt đầu từ những năm 1920 với nhà thiết kế Italy Elsa Schiapatelli, người đã tạo ra áo len dệt kim với những họa tiết khiến người ta tưởng rằng đó là khăn choàng hay các phụ kiện.
Chiếc đĩa được ghép từ 400 đồ vật khác nhau (Nguồn: AFP)
”Thời trang hoàn toàn không đáng xấu hổ khi nói về cổ áo giả, lông mi giả, tóc giả và da cá sấu giả,” Belloir nói. Trong số hàng chục bộ trang phục được trưng bày, chiếc áo khoác thể thao đàn ông có khóa kéo của Jean Paul Gaultier được in hình ảnh của một chiếc áo khoác vải tuýt. Tương tự, một phần của bộ sưu tập thời trang cao cấp của Chanel năm 1983, của Francois Lesage, được mô phỏng theo một bộ trang sức. Tình yêu thời trang của Trompe I’oeil được đánh dấu với một bức ảnh bên ngoài của triển lãm, một người đàn ông khỏa thân thân ngồi trong một quán café tại Paris, với một chiếc áo được vẽ bằng sơn trên cơ thể. Người phụ trách bảo tàng đã nghe được câu chuyện kỳ quặc về bức ảnh này vào đêm trước khai mạc, từ chính nhà thiết kế, Ruben Torres. Ông đã kể cho họ nghe rằng ông đã vẽ quần áo lên cơ thể người mẫu của mình do đã không kịp hoàn thành bộ sưu tập của mình cho một show diễn thời trang./.
(Vietnam+)