Mẹ ơi, con muốn đội mũ bảo hiểm

Các bậc cha mẹ hiện nay thường không muốn đội mũ bảo hiểm cho con khi chở chúng bằng xe máy, với lý do rằng mũ quá nặng sẽ gây thương tích vùng cổ cho trẻ dù chưa có bằng chứng nào chứng minh lo ngại này là có cơ sở.

Các bậc cha mẹ hiện nay thường không muốn đội mũ bảo hiểm cho con khi chở chúng bằng xe máy, với lý do rằng mũ quá nặng sẽ gây thương tích vùng cổ cho trẻ dù chưa có bằng chứng nào chứng minh lo ngại này là có cơ sở.

Tuy nhiên, họ lại không lường trước rằng nếu xảy ra tai nạn, việc không đội mũ bảo hiểm sẽ khiến nguy cơ trẻ bị thương tích là rất lớn và vì vậy, chúng hoàn toàn có quyền có được sự bảo vệ từ mũ bảo hiểm.

Chưa quan tâm mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công bố ngày 12/12 nhân kỷ niệm 1 năm Việt Nam thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, hơn 95% trong số 26 triệu phương tiện giao thông tại Việt Nam là xe máy và con số này đang gia tăng với hơn 9000 xe đăng ký mới mỗi ngày. Cùng với mức tiếp xúc cao này, ước tính 59% trong số các trường hợp tử vong do giao thông đường bộ là người đi xe máy.

Theo Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Nguyễn Huy Nga, trung bình mỗi năm Việt nam có 7000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích trong đó, tai nạn giao thông là nguyên nhân dẫn đầu gây tử vong cho các em và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thương tật.

WHO cho biết việc đội mũ bảo hiểm phù hợp về kích cỡ một cách thường xuyên và đúng cách có thể giảm nguy cơ và mức độ thương tích ở đầu tới khoảng 72% cũng như giảm xác suất tử vong tới 39%. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vào cuối tháng 10/2008, tử vong giao thông đường bộ giảm hơn 1.400 ca, thương tích nghiêm trọng giảm hơn 2.200 ca so với cùng kỳ 2007.

Tuy nhiên, trên thực tế, quan sát việc đội mũ bảo hiểm tại một số tỉnh ngay sau khi có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cho thấy tỷ lệ đội mũ trung bình ở người lớn là 96% nhưng tỷ lệ này ở trẻ em chỉ đạt 39%.

Ngoài lý do sợ mũ bảo hiểm ảnh hưởng đến trẻ, nhiều phụ huynh cũng "tặc lưỡi" bỏ qua việc trang bị mũ cho con trẻ vì không có chế tài áp dụng đối với người lớn khi đèo trẻ em trên xe mà không cho trẻ đội mũ bảo hiểm Ngoài ra, việc trẻ em dưới 16 tuổi không đội mũ cũng không phải chịu phạt vi phạm hành chính bằng tiền cũng là một hạn chế đối với việc thi hành luật đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (AIPF) đã chỉ ra rằng nếu xảy ra tai nạn, trẻ em đang ngồi trên xe máy sẽ rơi xuống đường với khoảng cách gần 1,5m và vận tốc rơi khoảng 19km/giờ. Với vận tốc này, sự va đập xuống mặt đường sẽ rất mạnh, có thể gây tử vong hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sọ não của trẻ. Cũng vì vậy mà trong thời gian qua, không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra mà trong đó trẻ em ra đi mãi mãi trong khi bố mẹ các em sống sót nhờ đội mũ bảo hiểm.

Đảm bảo an toàn cho trẻ phải là mục tiêu hàng đầu

"Hiện tại chúng ta cần tập trung sự chú ý sang vấn đề hiện nay một số lượng lớn các trẻ em Việt Nam không đội mũ bảo hiểm khi được đèo bằng xe gắn máy," Tiến sĩ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam tuyên bố.

Có thể khẳng định rằng nguy cơ chấn thương cổ hoặc cổ họng do quai mũ bảo hiểm gây ra rất nhỏ so với những lợi ích mũ bảo hiểm mang lại, nhất là khi trẻ đội mũ bảo hiểm được thiết kế đúng quy chuẩn và được cấp giấy chứng nhận chất lượng.

Mới đây, quy định về bảo đảm chất lượng mũ bảo hiểm cũng đã được cơ quan chức năng siết chặt. Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu tất cả mũ bảo hiểm sản xuất trong nước và nhập ngoại, phải được chứng nhận tuân thủ với tiêu chuẩn quốc gia trước khi được bán ra thị trường.

Một số bất cập khi thực hiện luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng được chỉnh sửa hợp lý như việc phạt tới 200.000 đồng đối với người lái và ngồi sau môtô, xe máy mà không cài quai mũ bảo hiểm đúng cách. "Mũ bảo hiểm phải được cài nếu không sẽ không có tác dụng bảo vệ nào cả," Tiến sĩ Olivé cho biết.

Vì vậy, tất cả trẻ em trên 6 tháng tuổi có quyền được đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn và quy cách khi ngồi trên xe máy, không có bất cứ ngoại lệ nào, không phải vì cảnh sát kiểm tra hay quy định, mà vì các bậc cha mẹ phải đặt lên hàng đầu việc bảo đảm an toàn của chúng./.


(Trung Hiền/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục