75 năm TTXVN

bia1-1599554170-92.jpg

Cách đây 75 năm, ngày 15/9/1945, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã phát đi toàn thế giới toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời khắc thiêng liêng ấy được in đậm trong lịch sử thông tin nước nhà và ngày 15/9 trở thành Ngày truyền thống của TTXVN.

Vẻ vang trong quá khứ, nhanh nhạy, hiện đại ở hiện tại và sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển trong tương lai, TTXVN luôn xứng đáng là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước và là một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế.

Tự hào 75 năm

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và 21 năm chống đế quốc Mỹ để làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đội quân cán bộ thông tấn mới mẻ và ít ỏi đã vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng phát triển và bảo đảm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. VNTTX đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ với 21 lần di chuyển địa điểm để tránh sự lùng sục, phát hiện của địch, hàng chục lần phá vòng vây giặc đánh vào căn cứ, vừa chiến đấu để bảo toàn lực lượng, vừa di chuyển máy móc thiết bị, bảo đảm thông tin phục vụ tin tức cho Ðảng và Bác Hồ. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng, trong đó có đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha thông tin, người phụ trách đầu tiên và cũng là người đầu tiên của VNTTX hy sinh (năm 1947).

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) trong trận chống càn Junction City (1967). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) trong trận chống càn Junction City (1967). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy.

Sau năm 1954, VNTTX bước vào giai đoạn phát triển mới. Cùng với việc đưa tin, ảnh về công cuộc cải cách ruộng đất, phong trào cải tạo công thương nghiệp, khôi phục và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, VNTTX còn đảm trách việc đưa tin về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống Mỹ-ngụy.

Trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, VNTTX vừa tổ chức lực lượng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cơ sở, vừa chuẩn bị cơ sở dự phòng, tăng cường trang thiết bị, từng bước lên chính quy; đồng thời mở rộng thông tin đối nội và đối ngoại.

Bút tích Bác Hồ sửa tin của TTXVN. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Bút tích Bác Hồ sửa tin của TTXVN. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Đầu năm 1960, cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn đồng khởi. Cùng với nhiệm vụ thu, phát tin, VNTTX đã tiến hành chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ để thành lập một cơ quan thông tin chính thức của cách mạng miền Nam. Ngày 12/10/1960 tổ chức này ra đời với tên gọi Thông Tấn xã Giải phóng (TTXGP) – cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, VNTTX đã không bỏ sót một sự kiện trong nước và quốc tế quan trọng nào, không để dòng thông tin ngừng một giây phút nào, kể cả khi ác liệt nhất. Phóng viên của VNTTX đã xông pha vào những địa bàn nóng bỏng, gian khổ nhất để ghi lại những hình ảnh chiến đâu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta.

Bên cạnh đó, VNTTX còn chi viện cho chiến trường miền Nam trên 450 cán bộ chủ chốt, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, chưa kể hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật từ miền Bắc theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Không một chiến trường, không một hướng tiến công, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của VNTTX. Nhiều tấm ảnh, bản tin của VNTTX đã trở thành những nhân chứng lịch sử.

Tại chiến trường miền Nam, cán bộ, phóng viên, điện báo viên của TTXGP đã bám trụ kiên cường trên những địa bàn vô cùng khốc liệt, bám trụ cùng với nhân dân ở những vùng còn bị kìm kẹp, kịp thời đưa tin, ảnh về các phong trào đấu tranh, góp phần cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước đấu tranh chống Mỹ xâm lược. TTXGP còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam, phục vụ đắc lực công việc đàm phán, đồng thời tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế, cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử mùa Xuân 1975.

(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đã có hơn 260 phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật đã anh dũng hy sinh…

Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đã có hơn 260 phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường từ Việt Bắc tới Cà Mau và làm nhiệm vụ quốc tế, chiếm hơn 25% số cán bộ nhân viên TTXVN trong thời kỳ chiến tranh, chiếm bốn phần năm số nhà báo cả nước hy sinh. Ðó là sự hy sinh to lớn nhưng cũng là niềm tự hào vì sự đóng góp của TTXVN cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau khi đất nước thống nhất, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, phóng viên TTXVN tiếp tục có mặt theo các mũi tiến quân, đưa tin ảnh kịp thời. Phóng viên Thông tấn cũng luôn có mặt tại các điểm nóng, những điểm nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, ở vùng sâu vùng xa để thông tin kịp thời, chính xác cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, VNTTX và TTXGP hợp nhất thành hãng thông tấn quốc gia với tên gọi TTXVN, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, hiện nay TTXVN là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực.

TTXVN hiện là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, cũng là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước với trên 60 sản phẩm thông tin thuộc mọi loại hình (báo in, báo nói, báo ảnh, báo hình, báo điện tử), được thực hiện bởi đội ngũ hơn 1.000 phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước (trong tổng số trên 2.200 cán bộ, công nhân viên toàn ngành).

(Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
(Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, hiện nay TTXVN là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực.

Hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đóng tại các địa bàn trọng điểm trên khắp các châu lục là một ưu thế của TTXVN mà không một cơ quan báo chí nào khác ở Việt Nam có được.

Trong công cuộc đổi mới, TTXVN luôn nỗ lực giữ vị trí tiền tiêu, xung kích trên mặt trận thông tin-tư tưởng. TTXVN đã kịp thời tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương, quan điểm đổi mới kinh tế đất nước, cổ vũ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những thành tựu to lớn đạt được của công cuộc đổi mới đất nước.

Và gần đây nhất, một “bức tranh” toàn cảnh về “cuộc chiến” chưa từng có về đại dịch COVID-19 ở Việt Nam và toàn cầu đã được tái hiện sinh động, chân thực và ấn tượng trên nhiều loại hình thông tin của TTXVN suốt gần 1 năm qua. Lăn xả vào điểm nóng, chấp nhận thiệt thòi xa gia đình làm việc ngày đêm khi cả xã hội đang giãn cách xã hội, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm của dịch bệnh… là cách mà nhiều nhà báo TTXVN theo dõi lĩnh vực y tế, thời sự đã đồng cam, cộng khổ với các chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch gần một năm qua. Có thể nói đây là một trong đợt thông tin lớn mà TTXVN huy động sức mạnh của toàn ngành, thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.

Bằng những sản phẩm thông tin của mình, TTXVN đã đóng góp một cách có hiệu quả vào việc định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị-xã hội. TTXVN thực sự trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hoá, mặt trận thông tin, truyền thông.

Cùng với đó, trong chặng đường phát triển của mình, TTXVN luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực. Thông tin đối ngoại không ngừng được cải tiến về hình thức và ngôn ngữ thể hiện, mang lại cho TTXVN thế mạnh là cơ quan báo chí có sản phẩm được thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ nhất hiện nay, góp phần mang tiếng nói chính thức của Việt Nam đến với đông đảo công chúng khắp thế giới, nâng cao vị thế của đất nước.

Sản phẩm Chatbot của Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) đoạt giải chất lượng thông tấn của OANA. Đây là giải thưởng được các hãng thông tấn thành viên Ban chấp hành OANA bình chọn tại Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44, diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) từ ngày 18-20/4/2019. Trong ảnh: Thay mặt TTXVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi nhận Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn của OANA do Chủ tịch OANA nhiệm kỳ 2016-2019 Aslan Aslanov trao tặng. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Sản phẩm Chatbot của Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) đoạt giải chất lượng thông tấn của OANA. Đây là giải thưởng được các hãng thông tấn thành viên Ban chấp hành OANA bình chọn tại Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44, diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) từ ngày 18-20/4/2019. Trong ảnh: Thay mặt TTXVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi nhận Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn của OANA do Chủ tịch OANA nhiệm kỳ 2016-2019 Aslan Aslanov trao tặng. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

TTXVN hiện là đối tác của hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới, là thành viên Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), và một số tổ chức báo chí khu vực, quốc tế khác. Đó là sự khẳng định vị thế không ngừng lớn mạnh của TTXVN tại các diễn đàn báo chí khu vực và thế giới.

TTXVN còn là kho tư liệu ảnh quốc gia lớn nhất với 1 triệu kiểu phim tư liệu có giá trị, trong đó có hàng vạn kiểu phim gốc về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, hơn 5 nghìn kiểu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng nghìn kiểu phim về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Luôn sẵn sàng và chủ động để đảm bảo tính hiệu quả cao nhất của dòng thông tin chủ lưu, đó là chính xác, kịp thời và đúng định hướng trong “biển” thông tin đa chiều ngày nay. 

Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TTXVN cũng chuyển sang giai đoạn mới, phát triển vượt bậc cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành, sản xuất thông tin và trang thiết bị kỹ thuật. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã mở ra một giai đoạn mới của truyền thông nói chung và TTXVN nói riêng, đánh dấu sự ra đời của nhiều loại hình thông tin hiện đại có tốc độ truyền tải nhanh chưa từng có.

Thực tế đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi các nhà báo thông tấn phải đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp, luôn sẵn sàng và chủ động để đảm bảo tính hiệu quả cao nhất của dòng thông tin chủ lưu, đó là chính xác, kịp thời và đúng định hướng trong “biển” thông tin đa chiều ngày nay.

Trong những năm tới, TTXVN sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới, phát triển, giữ vững vai trò là cơ quan thông tin chính thống, chính thức của Đảng và Nhà nước với chức năng định hướng thông tin. Để làm được điều này, TTXVN chủ chương phát triển theo mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện; tiếp tục củng cố các đơn vị thông tin nguồn; củng cố nâng cao hoạt động của hệ thống cơ quan thường trú; phát triển các loại hình thông tin mới; xây dựng cơ sở vật chất hiện đại; tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao vị thế, vai trò của TTXVN trong khu vực và trên thế giới.

BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH CỦA TTXVN

Danh hiệu:

– Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2001)- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2005)- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2020)Huân chương:- Huân chương Sao Vàng (1995)- Huân chương Hồ Chí Minh (1990, 2010)- Huân chương Độc lập hạng nhất (1980)- 3 Huân chương Kháng chiến hạng nhất- 9 Huân chương Lao động hạng nhất- Huân chương Thành đồng hạng nhất- 2 Huân chương Giải phóng hạng nhất- Huân chương ITXALA hạng nhất của Đảng và Nhà nước LàoVà nhiều phần thưởng cao quý khác./.

TIN TỨC CÀNG NHANH

kháng chiến càng mau thắng lợi

Trong lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là một trong số những cơ quan báo chí được Bác Hồ đặc biệt quan tâm.

Ngay cả tên gọi của TTXVN, lúc bấy giờ là Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) cũng do Bác đặt tên. Dấu ấn sự phát triển của TTXVN in đậm từ những lời dạy, bản tin in dấu tay Người và sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên toàn ngành.

/1/

“TIN VNTTX CÓ GÌ ĐẶC BIỆT KHÔNG?”

Bác Hồ cầm bút viết luôn bằng chữ Hán “Việt Nam Thông tấn xã” lên trên bản dự thảo, sau đó Bác viết tiếp dòng chữ tiếng Việt: Việt Nam Thông tấn xã và mở ngoặc VNTTX.

Theo Nhà báo Hồ Tiến Nghị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, ngày 24/8/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ra đón Bác Hồ vừa từ Việt Bắc về một cơ sở ở nội thành Hà Nội. Tình cờ đồng chí Nguyễn Lương Bằng mang theo một bản dự thảo do anh Trần Kim Xuyến biên soạn về việc thành lập Nha Thông tin Tuyên truyền, trong đó có các cơ quan báo chí để trình Bác. Bác đọc cẩn thận bản đề án dự thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và đồng chí Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với nhóm phóng viên thông tấn, báo chí phục vụ Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960). Người ngồi giữa Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh là nhà báo Huỳnh Thị Hường (phóng viên Việt Nam Thông tấn xã) và người đeo kính ngồi sau Bác Hồ là nhà báo Lê Bá Thuyên (Phó Giám đốc VNTTX). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và đồng chí Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với nhóm phóng viên thông tấn, báo chí phục vụ Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960). Người ngồi giữa Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh là nhà báo Huỳnh Thị Hường (phóng viên Việt Nam Thông tấn xã) và người đeo kính ngồi sau Bác Hồ là nhà báo Lê Bá Thuyên (Phó Giám đốc VNTTX). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Khi đến đoạn nói về các cơ quan báo chí, nhất là cơ quan Thông tấn, Bác đã nói: “Từ ngày 23/8 mà đã có bản tin đủ cả thế giới và trong nước, các chú ấy làm tốt và nhanh nhạy, nhưng phải có tên chứ?”. Rồi Bác Hồ cầm bút viết luôn bằng chữ Hán “Việt Nam Thông tấn xã” lên trên bản dự thảo, sau đó Bác viết tiếp dòng chữ tiếng Việt: Việt Nam Thông tấn xã và mở ngoặc VNTTX. Với vốn hiểu biết sâu sắc của Bác về chữ Hán… Chữ Xã có nghĩa rộng, như là một bộ, ngành lớn.

Được Bác trực tiếp sáng lập, rèn luyện và dìu dắt; được các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, trong lịch sử, hiện tại và tương lai, TTXVN luôn luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Tên gọi của TTXVN, lúc bấy giờ là Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Dấu ấn sự phát triển của TTXVN in đậm từ những lời dạy, bản tin in dấu tay Người

Trong lịch sử phát triển của ngành, rất nhiều lần Bác đã thăm hỏi, động viên, chỉ dạy TTXVN những điều quan trọng, từ việc lớn đến việc nhỏ. Năm 1952, Bác thăm T6 và căn dặn cán bộ, phóng viên VNTTX “Tin tức càng nhanh, kháng chiến càng mau thắng lợi.”

7 giờ 30 phút sáng ngày mồng Một Tết Ất Mùi năm 1955, Bác gọi điện thoại chúc Tết cán bộ, viên chức VNTTX: “Năm mới, cố gắng mới, thành công mới” và “Phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và bảo đảm sự thật”. Tết Mậu Tuất năm 1958, Bác cũng đã trực tiếp gọi điện thoại chúc Tết cán bộ, viên chức TTXVN. Vào tháng 5/1965, Bác mời đồng chí Hoàng Tuấn, Giám đốc VNTTX lên gặp và nêu các vấn đề tuyên truyền cụ thể trước mắt, phương hướng đưa tin, ảnh trong từng thời kỳ và lâu dài.

Bác rất coi trọng bản tin của TTXVN vì theo Bác, đây là nguồn cung cấp thông tin rất quan trọng với nhiều tin, bài phong phú, kịp thời và chính xác. Đối với các bản tin của TTXVN Bác hầu như không bỏ sót bất cứ một tin quan trọng nào; trong đó Bác đặc biệt chú ý đến những tin quốc tế có liên quan đến Việt Nam, tin chiến sự ở miền Nam. Với những tin, bài quan trọng, nhất là các tài liệu tham khảo, Người đều đánh dấu lại để đọc thêm vào buổi tối.

Hầu như các sự kiện trong nước và quốc tế nổi bật, Bác đều chờ tin của TTXVN và không ít trường hợp Bác chỉ có ý kiến sau khi đã tham khảo đầy đủ các bản tin do TTXVN cung cấp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên dành thời gian đọc, nhận xét và trực tiếp duyệt tin, bài của TTXVN. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên dành thời gian đọc, nhận xét và trực tiếp duyệt tin, bài của TTXVN. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đôi lúc do Bác đi công tác xa hoặc căn cứ vào tình hình sức khoẻ, Văn phòng Chủ tịch nước lại điểm báo những tin quan trọng và đều đặn gửi cho Bác và Người rất chú ý lắng nghe. Những khi không có thời gian đọc thông tin trên báo, Người lại hỏi anh em văn phòng: “Tin VNTTX có gì đặc biệt không?”, “Thế VNTTX không có tin à.”

Năm 1964, cũng bắt đầu từ một bản tin của TTXVN đưa tin về kế hoạch đánh phá miền Bắc nước ta bằng không quân của Mỹ, trong đó có nói đến việc địch sử dụng cả máy bay B52. Bác yêu cầu đọc lại tin đó lần thứ 2, rồi lặng lẽ cầm bản tin từ tay người cán bộ giúp việc. Bác viết to chữ B52 lên đầu bản tin và giữ lại luôn. Bác yêu cầu từ nay trở đi cứ bản tin nào của TTXVN có nói về B52 dù ở khía cạnh nào cũng đưa cho Bác. Những tin này Bác xếp lại và để thành tập riêng. Với tầm nhìn chiến lược, Bác dự báo điều gì sẽ đến và Bác đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trực tiếp là Quân chủng Phòng không Không quân “Phải tìm mọi cách đánh thắng B52.” Và quân, dân ta đã thực hiện xuất sắc chỉ thị của Bác bằng việc đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B52 của Mỹ vào Hà Nội tháng 12/1972.

/2/

HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC PHỤC VỤ BÁC

Trong cuộc đời làm báo, nhiều cán bộ, phóng viên VNTTX có được hạnh phúc lớn là được gặp và phục vụ Bác Hồ

Trong cuộc đời làm báo, nhiều cán bộ, phóng viên VNTTX có được hạnh phúc lớn là được gặp và phục vụ Bác Hồ như: Đinh Chương, Việt Thảo, Ngọc Khanh, Nguyễn Đình Cao, Nguyễn Tiến Lực, Trần Văn Chương, Lê Tư Vinh, Châu Quỳ… Một số phóng viên VNTTX vinh dự được cùng ăn cơm với Bác, được Bác thân mật hỏi thăm sức khoẻ và gia đình.

” Nhiều phóng viên TTXVN vẫn khắc ghi những lời căn dặn của Bác: “Không biết thì học. Học biết thôi. Dốt phải học. Đừng dại mà giấu dốt. Biết chữ còn phải biết nghĩa nữa;” “Phải nghe cho rõ, suy cho kỹ và viết cho đúng;” “Mọi việc phải có kế hoạch và nắm cho thật chắc kế hoạch;” “Viết phải công bằng, đúng liều lượng.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thuốc lá thơm cho nhà báo Lâm Hồng Long - tác giả của bức ảnh nổi tiếng Bác bắt nhịp Bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thuốc lá thơm cho nhà báo Lâm Hồng Long – tác giả của bức ảnh nổi tiếng Bác bắt nhịp Bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cho tập thể và những cán bộ, phóng viên khi có dịp được phục vụ Bác, tạo điều kiện cho phóng viên trong khi tác nghiệp. Năm 1954, trên đường chuyển tin của T6 cho Bác Hồ, nguyên phóng viên VNTTX Nguyễn Tiến Lực vinh dự được gặp và được Bác dạy: “Cháu hãy đưa tin cho Bác nhanh hơn nữa nhé. Tin càng nhanh, kháng chiến thắng lợi càng mau.

Trong một bài viết của mình, nhà báo Đinh Chương hồi tưởng khi chữa các bài viết, Bác hết sức chú ý đến nội dung chính trị trong từng chữ dùng, từng chi tiết nhỏ. Bác chu đáo đến từng dấu chấm, phẩy, từng cách đặt câu cho câu văn được sáng sủa, dễ hiểu. Từng lời, từng chữ Bác dùng rất chính xác, trong sáng. Nhà báo Lê Việt Thảo có hạnh phúc lớn được nhiều lần phục vụ Bác Hồ và được Bác căn dặn: Phải ghi chép cẩn thận, nghe cho rõ, suy cho kỹ và viết cho đúng. Đưa tin gọn thôi, đừng miêu tả.

Sự quan tâm của Bác đối với các nhà báo TTXVN, đúng như nhà báo Châu Quỳ từng viết: “Tôi hiểu rằng niềm vinh dự và hạnh phúc đó không phải là của riêng tôi mà là của cả một tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên chức TTXVN, đã được sự quan tâm chăm sóc của Bác và của Đảng, Nhà nước ta.”

/3/

BẢN TIN, BÀI VIẾT IN BÚT TÍCH CỦA BÁC

Bác Hồ đã duyệt trực tiếp nhiều tin, bài của VNTTX, căn dặn về nghề đối với phóng viên tin, ảnh. Bác đã xem và liên tục nhận xét tin của VNTTX, cả tin phổ biến cũng như tin tham khảo, chỉ cho VNTTX những thiếu sót (kể cả những từ dịch sai, phiên âm không chuẩn).

Điều vinh dự đối với TTXVN nói riêng và phóng viên, biên tập viên nói riêng là không chỉ được Bác dạy cách viết tin, chụp ảnh, cách dịch và phiên âm tiếng nước ngoài mà Người còn tự tay sửa từng câu, từng từ.

Một số phóng viên của TTXVN hiện còn giữ được những kỷ niệm quý về Bác: đó là bản tin phóng viên viết đã được tự tay Bác sửa lại tỷ mỉ, cẩn thận từ dấu chấm, dấu phẩy, tin ngắn gọn súc tích, rõ và hay.

Bút tích Bác Hồ sửa tin của TTXVN. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bút tích Bác Hồ sửa tin của TTXVN. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Không chỉ chữa tin, bài, Bác Hồ còn dành cho phóng viên TTXVN nhiều ưu ái khác như được phỏng vấn Bác. Bản tin của VNTTX ngày 6/7/1954, đã đăng bài phóng viên VNTTX phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tiến triển của Hội nghị Geneva về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và tiền đồ của Hội nghị đó.

Bác Hồ là người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước và Bác đã tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua ấy. Nguồn để xét thưởng Huy hiệu là bản tin VNTTX và các báo khác. Bác đọc tin của VNTTX và các báo từng ngày và dặn Văn phòng chú ý chọn những gương “người tốt, việc tốt” để Bác xét tặng Huy hiệu.

Trước khi đi xa, Bác còn nhận xét bản tin nhanh 7 giờ ngày hôm đó của VNTTX. Đó là lần nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin của VNTTX. Giấy Người viết toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc trước lúc “từ biệt thế giới” là mặt sau của tờ tin Tham khảo đặc biệt của VNTTX ngày 3/5/1969.

Tiếc thương Bác vô hạn, trong lễ truy điệu Người ngày 11/9/1969 do cơ quan tổ chức, Bộ Biên tập, Thường vụ Đảng ủy và Công đoàn TTXVN đã nhắc lại công ơn trời biển, những kỷ niệm sâu sắc của Bác đối với VNTTX và hô vang 7 lời thề để thực hiện tốt những điều Bác Hồ dạy và học tập tấm gương của Bác đưa sự nghiệp thông tấn ngày càng phát triển, phục vụ đắc lực công cuộc giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội./.

“Các đồng chí còn nhớ đến hình ảnh rất đẹp đẽ và rất thấm thía đối với mỗi người chúng ta: Trong thời kỳ kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã ngồi trên một cái ghế bằng tre, trước mặt cái bàn bằng nứa, chữa tin cho VNTTX. Một Cụ Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nhà nước trăm công nghìn việc như vậy, kháng chiến tin tức dồn dập về, rồi thì chỉ thị hỏi cái này, cái kia khẩn trương như vậy mà Hồ Chủ tịch có lúc (không phải Hồ Chủ tịch ngày nào cũng làm việc này) và nhiều lúc ngồi chữa tin của VNTTX. Và chính Hồ Chủ tịch có khi gọi đồng chí phụ trách VNTTX đến chỉ thị trực tiếp nếu có một vấn đề gì quan trọng… Và cho đến bây giờ Hồ Chủ tịch cũng có khi trực tiếp chỉ thị cho VNTTX về một vấn đề gì gấp rút và quan trọng” [Phát biểu của đồng chí Trường Chinh khi đến thăm VNTTX ngày 15-9-1959]

Phó Giám đốc Nha Thông tin Trần Kim Xuyến, người phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (ngoài cùng, bên phải), xuống tàu dự lễ đón, đưa tin và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi thăm Pháp và ký Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946) về nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Phó Giám đốc Nha Thông tin Trần Kim Xuyến, người phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (ngoài cùng, bên phải), xuống tàu dự lễ đón, đưa tin và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi thăm Pháp và ký Tạm ước Việt – Pháp (14/9/1946) về nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sẵn sàng hy sinh cho những dòng tin ‘chảy mãi’

Hơn 260 cán bộ, phóng viên, nhân viên của TTXVN đã ngã xuống từ Quảng Trị tới Cà Mau trong tư thế người chiến sỹ, chiếm hơn 25% tổng số cán bộ nhân viên TTXVN trong thời kỳ chiến tranh.

Trong lịch sử gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Thông tấn xã Việt Nam, nhiều phân xã Thông tấn xã bị địch xóa xổ, có lần vừa phát tin xong thì các cán bộ bị địch phát hiện, ba đồng chí hy sinh, một đồng chí bị bắt.

Thế nhưng, cứ mỗi lần phân xã bị hủy diệt thì ngay lập tức một phân xã mới lại được “hồi sinh” để đảm bảo những dòng tin “chảy mãi.”

NHÀ BÁO-CHIẾN SỸ TTXVN TRÊN TUYẾN ĐẦU CHỐNG XÂM LƯỢC

Ra đời chưa được bao lâu, nước Việt Nam non trẻ đã phải bước vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ấy, phóng viên TTXVN luôn có mặt ở những nơi ác liệt nhất, thực sự trở thành những chiến sỹ trên tuyến đầu chống quân xâm lược.

Được thành lập từ một bộ phận của Bộ Tuyên truyền, sau chuyển thành Nha Thông tin, TTXVN đã vượt lên mọi khó khăn, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng, phát triển, đảm bảo nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ mong đợi và công cuộc kháng chiến chống Pháp đòi hỏi.

Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Mặc dù thiếu thốn trăm bề, chiến đấu gian khổ ác liệt, TTXVN đã không ngừng phát triển. Phóng viên của TTXVN đã tỏa đi các địa bàn, các vùng địch hậu, mở rộng các đường liên lạc với các khu kháng chiến trong cả nước, bảo đảm thu và phát tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Hà Nội đến Việt Bắc, ở Sài Gòn hay bưng biền, đâu đâu cũng có mặt phóng viên và nhân viên kỹ thuật của TTXVN. Chẳng những phải đối mặt với hiểm nguy ngoài mặt trận, phóng viên, kỹ thuật viên thông tấn còn phải đối mặt với đói rét, bệnh tật.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, TTXVN đã 21 lần phải di chuyển để tránh sự lùng sục, phát hiện của địch, trong đó có 3 lần phá vòng vây giặc rút lên chiến khu Việt Bắc, vừa chiến đấu để bảo toàn lực lượng, vừa di chuyển máy móc thiết bị để bảo đảm thông tin.

Và chính trong một lần phá vòng vây địch rút lên Phú Thọ, đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông tin phụ trách TTXVN (hy sinh tại Trúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Đông) đã hy sinh ngày 3/3/1947 – ông cũng là nhà báo TTXVN đầu tiên và nhà báo cách mạng đầu tiên trong cả nước đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Ngoài ra, hàng chục cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật đã hy sinh anh dũng để TTXVN góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng của cả dân tộc.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, TTXVN được chuyển thành cơ quan độc lập trực thuộc Thủ tướng.

Là cơ quan báo chí đầu tiên được giao nhiệm vụ chuẩn bị nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam, TTXVN đã cử nhiều phóng viên từ miền Bắc vào kịp thời đưa tin, ảnh tố cáo tội ác của Mỹ – ngụy và phản ánh phong trào cách mạng sôi sục của đồng bào miền Nam.

Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)
Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Đầu năm 1960, cách mạng miền Nam bước vào cao trào đồng khởi. Bản tin “Đấu tranh thống nhất” của TTXVN ra đời năm 1960 chính là “đất” để anh chị em phóng viên kịp thời thông tin về những sự kiện đó.

Tình hình lúc đó cho phép TTXVN vừa trực tiếp thu tin vừa phát hành bản tin, vừa chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ thành lập một cơ quan thông tin chính thức của cách mạng miền Nam, của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam. Đó là Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).

19 giờ ngày 12/10/1960, đúng ngày Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 02/TW về tăng cường công tác thông tấn xã trong tình hình mới, bản tin đầu tiên của TTXGP từ chiến khu Dương Minh Châu được phát đi dưới cái tên GPX (Giải phóng xã), phát đối ngoại là LPA trên sóng điện là tiếng nói chính thức của những người yêu nước và nhân dân miền Nam Việt Nam.

Phóng viên Thông tấn xã đã xông pha vào những địa bàn nóng bỏng, gian khổ nhất, từ Hàm Rồng (Thanh Hóa), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đến Quảng Bình, miền đất lửa Vĩnh Linh, đường mòn Hồ Chí Minh… để ghi lại hình ảnh chiến đấu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta. Và nhiều tấm ảnh, bản tin của TTXVN đã trở thành những nhân chứng lịch sử.

Tại chiến trường miền Nam, cán bộ, phóng viên, điện báo viên của TTXVN đã bám trụ kiên cường trên những địa bàn vô cùng khốc liệt, vô vàn khó khăn, gian khổ, hoạt động trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, ở hầm, ăn đói, nhịn khát, khi tập trung, khi phân tán, khi đến với các chốt của những đơn vị giải phóng quân, khi về bám trụ cùng với dân ở những vùng còn bị kìm kẹp, bám sát các cơ sở địa phương, đưa tin viết bài kịp thời về các phong trào đấu tranh diệt ác phá kềm giành quyền làm chủ của quần chúng nhân dân.

Do những điều kiện khó khăn gian khổ và sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, căn cứ của TTXVN ở miền Nam đã phải di dời tới 9 lần. Nhiều lần căn cứ bị Mỹ – ngụy tràn tới, trên trời, chúng dùng máy bay ném bom, phóng rốc két, dưới đất thì chúng dùng cả pháo hạng nặng, xe bọc thép, xe tăng chà đi xát lại.

NHỮNG BẢN TIN, BỨC ẢNH ĐÃ TRỞ THÀNH ‘NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ

Không một nơi nào ở miền Nam lại không có cán bộ của TTXVN đã ngã xuống vì Tổ quốc. Có những phân xã có nhiều cán bộ, phóng viên hy sinh hoàn toàn, được tổ chức lại, rồi lại hy sinh, nhưng anh em còn sống hoặc bổ sung vẫn kiên cường bám trụ.

Phân xã TTXGP ở miền Nam Tây Nguyên (khu 10) chính là một trong những điển hình như thế, chịu đựng mọi gian khổ, ốm đau, đói khát, độc lập chiến đấu, bắn rơi trực thăng Mỹ và cũng ở đó, cả 5 anh em đã hy sinh cùng một lần trên đường làm nhiệm vụ.

Ở Long An, cửa ngõ của Sài Gòn, có 7 đồng chí hy sinh và đó cũng là phân xã ba lần bị địch giết hại toàn bộ. Mỗi lần bị xóa sổ, phân xã mới lại được thành lập để đảm bảo dòng thông tin liên tục. Có nơi, điện báo viên hy sinh hết, phóng viên làm luôn nhiệm vụ điện báo để kịp thời chuyển tin về Tổng xã.

Phân xã TTXVN tại tỉnh cực nam Nam bộ (Rạch Giá) 5 lần bị xóa sổ. Có lần cả phân xã vừa phát tin xong thì bị địch phát hiện, cả 3 đồng chí đều dũng cảm chiến đấu, kiên cường đánh trả địch đến người cuối cùng.

Trong số các liệt sỹ, có gia đình cả hai cha con hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như lão đồng chí Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp) và người con là Trần Văn Dũng đều là phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn cùng ngã xuống trên chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Có gia đình, hai anh em cùng hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như Bùi Văn Thưởng và em là Bùi Văn Tấn, phóng viên duy nhất có mặt trong trận Ấp Bắc. Má của các anh, bà Tám Nghiệp (tức Đoàn Thị Nghiệp) cũng là liệt sỹ, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Xúc động khi nói về sự hy sinh của các nhà báo-liệt sỹ TTXVN, ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh: “Chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 250 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam đã anh dũng ngã xuống. Có phân xã nhiều lần bị bom đạn địch giết hại hoàn toàn như phân xã Rạch Giá, phân xã Nam Tây Nguyên, phân xã Long An. Mỗi lần phân xã bị huỷ diệt, một phân xã mới lại được tổ chức lại, được ‘hồi sinh’ để đảm bảo thông tin liên tục.”

“Mỗi nhà báo, liệt sỹ, thương binh của Thông tấn xã Việt Nam lại là một câu chuyện đẹp, cảm động về những năm tháng dũng cảm đối mặt với khó khăn, hiểm nguy nơi chiến trường. Những cán bộ Thông tấn xã Việt Nam ngã xuống ở tuổi đôi mươi, có người quên mình khi đang tác nghiệp, có người trúng bom ngay trên đường Trường Sơn, có cả người hy sinh, bị thương vì sốt rét ác tính hay khi đang vận chuyển máy móc, điện đài…,” Tổng Giám đốc Nguyến Đức Lợi nói.

Vì nhiệm vụ cách mạng, vì sự nghiệp thiêng liêng của dân tộc, các cán bộ, phóng viên, công nhân viên của TTXVN đã không quản ngại gian khổ, hy sinh cả thân mình.

Hơn 260 cán bộ, phóng viên, nhân viên của TTXVN đã ngã xuống suốt từ Quảng Trị tới Cà Mau trong tư thế người chiến sỹ, chiếm hơn 25% tổng số cán bộ nhân viên TTXVN trong thời kỳ chiến tranh.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, phóng viên TTXVN đã có mặt theo các mũi tiến quân, đưa tin, ảnh kịp thời.

Phóng viên thông tấn cũng luôn có mặt kịp thời tại những điểm nóng, những điểm nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa để nắm bắt tình hình, thông tin kịp thời, chính xác cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG

Hàng năm, nhất là trong dịp tháng Bảy, các cán bộ lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam cùng các đoàn thể đã tổ chức dâng hoa, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại nhiều nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước, thăm, tặng quà và trao các sổ tiết kiệm tặng các gia đình liệt sỹ, thương binh của cơ quan có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trao sổ tiết kiệm cho các thân nhân gia đình liệt sỹ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trao sổ tiết kiệm cho các thân nhân gia đình liệt sỹ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tính từ năm 1995 đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã xây dựng được hàng chục nhà tình nghĩa, tặng gần 600 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng cho các gia đình thương binh, liệt sỹ của ngành. Thông tấn xã Việt Nam đã góp hơn 1,8 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương.

Riêng Quỹ “Vì nỗi đau da cam” của Thông tấn xã Việt Nam đã xây dựng hơn 50 nhà tình nghĩa, trao 110 xe lăn, hàng ngàn phần quà tặng các gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam trong cả nước, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Thông tấn xã Việt Nam cũng thường xuyên cử các đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ. Các đoàn thể cũng tổ chức hành hương về nguồn, thăm các khu di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, các hoạt động nghĩa tình biên giới, hải đảo; chăm sóc gia đình người có công; dâng hoa tưởng niệm hương hồn các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang ba miền…

Không chỉ tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” trong nhiều năm qua, Thông tấn xã Việt Nam thường xuyên tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Nhiều đoàn cán bộ được cử đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trên các địa bàn từ Bắc chí Nam.

Từ năm nhưng năm 1990 đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã quy tập được 39 hài cốt liệt sỹ và đưa về an táng tại các nghĩa trang.

Thông tấn xã Việt Nam đã nhiều lần cử cán bộ sang Campuchia, tìm kiếm hài cốt các nhà báo-liệt sỹ đã có mặt tác nghiệp thông tin bên cạnh các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, góp tính mệnh cho công cuộc giải phóng đất nước bạn.

Năm 2002, 4 hài cốt liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đã đưa được về các Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Năm 2011, Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng đã cùng gia đình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Đáo (quê Hải Dương, hy sinh tại Quảng Nam). Danh sách liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đến nay vẫn tiếp tục được bổ sung, cập nhật.

Trong một lần trao lại những kỷ vật thiêng liêng của liệt sỹ Hoàng Văn Đáo cho Phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam, anh Hoàng Hữu Nam, con trai liệt sỹ Hoàng Văn Đáo đã chia sẻ: “Những hành động như tạo việc làm cho con liệt sỹ, thăm khỏi thân nhân liệt sỹ khi ốm đau, tặng quà dịp lễ Tết… đã trở thành nguồn động viên lớn lao, giúp vơi đi bớt mất mát cho gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi. Chúng thôi thêm tự hào vì bố chúng tôi là cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam.”

Những tấm gương hy sinh anh dũng của các thương binh, liệt sỹ mãi mãi là niềm tự hào của Thông tấn xã Việt Nam. Vì vậy, lãnh đạo, các cán bộ Thông tấn xã Việt Nam luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” coi đó là trách nhiệm và tình cảm sâu nặng với các gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh.

Càng vinh dự, tự hào, những người làm báo của TTXVN càng biết ơn các liệt sỹ và biết bao cán bộ, phóng viên, nhân viên đã hy sinh xương máu xây dựng nên truyền thống vẻ vang của TTXVN; và lại càng thấy trách nhiệm phải sống, làm việc sao cho xứng đáng với hy sinh của các thế hệ cha anh, tô thắm thêm trang sử hào hùng của TTXVN./.

Thông tấn xã Việt Nam: Cái nôi tạo nên những bức ảnh kinh điển

Trong số hàng triệu bức ảnh mà phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ghi lại, đã có nhiều tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cùng nhiều giải thưởng cao quý khác, trở thành những bức ảnh kinh điển về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Đó không chỉ là ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân với những cống hiến to lớn của đội ngũ những người làm báo TTXVN, mà còn là sự khẳng định vị thế, uy tín của Cơ quan thông tấn quốc gia trong làng báo chí cách mạng Việt.

Ghi lại khoảnh khắc tiêu biểu, chân thực từ chiến trường

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phóng viên TTXVN đã có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, ghi lại bằng hình ảnh những khoảnh khắc tiêu biểu và chân thực nhất về sự chiến đấu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Hà Nội đến Việt Bắc, ở Sài Gòn hay bưng biền, đâu đâu cũng có mặt phóng viên TTXVN. Những lúc địch đánh vào căn cứ, anh chị em vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ, vừa phải truyền tin, ảnh về Tổng xã.

Trong số hàng triệu bức ảnh mà phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ghi lại, đã có nhiều tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cùng nhiều giải thưởng cao quý khác, trở thành những bức ảnh kinh điển về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Có những thông tin mà phóng viên phải ngồi viết ngay dưới hầm công sự khi quân địch vẫn đang nã súng bên ngoài.

Phóng viên thông tấn còn tỏa đi các địa bàn, các vùng địch hậu, mở rộng các đường liên lạc với các khu kháng chiến trong cả nước, bảo đảm thu-phát tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới; xông pha vào những địa bàn nóng bỏng, gian khổ nhất, từ Hàm Rồng (Thanh Hóa), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đến Quảng Bình, miền đất lửa Vĩnh Linh, đường mòn Hồ Chí Minh… để ghi lại hình ảnh chiến đấu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta.

Tác giả Triệu Đại (TTXVN) được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000 cho bộ ảnh về Điên Biên Phủ, trong đó có ảnh Toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng tung bay trên nóc hầm (7/5/1954). Ảnh: Triệu Đại - TTXVN
Tác giả Triệu Đại (TTXVN) được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000 cho bộ ảnh về Điên Biên Phủ, trong đó có ảnh Toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn, lá cờ Quyết chiến – Quyết thắng tung bay trên nóc hầm (7/5/1954). Ảnh: Triệu Đại – TTXVN

Mỗi phóng viên vì vậy ngoài túi phim và máy ảnh còn phải luôn mang theo bên mình vũ khí như: súng, đạn, lựu đạn… Tuy tác nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng cũng nhờ thế mà họ mới phản ánh kịp thời, chân thực cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Và nhiều tấm ảnh, bản tin của TTXVN đã trở thành những nhân chứng lịch sử.

Không chỉ thực hiện công tác nghiệp vụ sản xuất tin, ảnh phóng viên thông tấn còn tích cực tham gia phục vụ cách mạng với các công việc như: tải gạo, tiếp lương thực, đào hầm tránh bom, tăng gia sản xuất, vận động nhân dân trong vùng ủng hộ cách mạng…

Do đó, mỗi phóng viên thông tấn khi xuống đơn vị cũng được coi là một người lính, vừa làm nhiệm vụ nhà báo, vừa là chiến sỹ. Tuy cuộc sống gian khổ nhưng các phóng viên luôn lạc quan, tích cực. Bởi mỗi người đều mang trong mình ngọn lửa yêu nghề, yêu ngành cháy bỏng, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chẳng những phải đối mặt với hiểm nguy ngoài mặt trận, phóng viên thông tấn còn phải đối mặt với với đói rét, bệnh tật. Có người hy sinh vì thú dữ, hy sinh vì sốt rét ác tính, lại có người người hy sinh khi đang vận chuyển máy móc, điện đài…

Những tác phẩm kinh điển để đời

Trong số hàng triệu bức ảnh mà phóng viên TTXVN ghi lại, đã có nhiều tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật cùng nhiều giải thưởng cao quý khác, trở thành những bức ảnh kinh điển về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng cao quý nhất dành cho những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật) được trao cho nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long với tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt” (năm 1996) và nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” (năm 2017).

Tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của tác giả Lâm Hồng Long (TTXVN) được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I - năm 1996. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của tác giả Lâm Hồng Long (TTXVN) được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I – năm 1996. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Hai tác phẩm của nhà báo Lâm Hồng Long không hề có khói lửa, nhưng lại thể hiện một cách sâu sắc tinh thần đoàn kết và hình ảnh tiêu biểu cho cuộc đấu tranh thắng lợi của dân tộc.

Tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp ngày 3/9/1960, trong đêm Dạ hội nhân dân thủ đô mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Bức ảnh có bố cục chặt chẽ, vừa có tính khái quát cao vừa có những chi tiết sinh động, làm nổi bật chân dung vị lãnh tụ vĩ đại mà vô cùng giản dị, ung dung tự tại.

Bác không chỉ là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng năm ấy mà còn là người nhạc trưởng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam. Bức ảnh đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Tác phẩm thứ 2 của tác giả Lâm Hồng Long có tên “Mẹ con ngày gặp lại,” chụp ngày 6/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu, ghi lại khoảnh khắc người mẹ gặp lại con trai (tử tù từ Côn Đảo) trở về sau ngày miền Nam được giải phóng.

Bức ảnh đã trở thành biểu tượng của ngày thống nhất đất nước. Những giọt nước mắt của người mẹ già và người con trai tưởng đã phải chết, nhờ giải phóng mà trở về đã gây xúc động và ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Trong lần trao giải thưởng năm 2017, Giải thưởng Hồ Chí Minh về nhiếp ảnh được trao cho cố nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại,” gồm 5 tác phẩm “Lửa vây máy bay Mỹ,” “Nữ pháo binh Ngư Thủy,” “Đưa xe tăng vào trận địa,” “Xốc tới” và “Đánh chiếm cứ điểm 365.”

Qua 5 bức ảnh, nhưng người xem thấy được tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, đặc biệt là các chiến sỹ ngoài mặt trận. Đây là những khoảnh khắc bi tráng, khốc liệt, nóng hổi và rợn người trên các chiến trường, và cũng là những hình ảnh cho thấy sự dũng cảm, nhạy bén của nhà báo, dám lăn xả vào cuộc chiến, bám sát mục tiêu để ghi lại những hình ảnh chân thực trong chiến tranh, mà quên đi bom đạn đang bủa vây quanh mình.

Bên cạnh giải thưởng trên, tác giả Lương Nghĩa Dũng còn được trao Giải thưởng nhà nước năm 2007 cho tác phẩm “Đấu pháo ở Dốc Miếu.”

Phóng viên Lương Nghĩa Dũng được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 3 - năm 2006 với tác phẩm Đấu pháo ở Dốc Miếu. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)
Phóng viên Lương Nghĩa Dũng được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 3 – năm 2006 với tác phẩm Đấu pháo ở Dốc Miếu. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Theo nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành – nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, hai tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là thành công lớn của các nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh TTXVN, cũng là thành công của TTXVN.

Các phóng viên đã luôn bám sát sự thật, người thật, việc thật, vào những thời điểm nóng bỏng nhất của lịch sử để cho ra đời những tác phẩm có giá trị, tiêu biểu cho đất nước, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những tác phẩm nhiếp ảnh quý giá của các nhà báo đã trở thành những tài liệu lịch sử, những bằng chứng lịch sử quý giá của dân tộc.

Bên cạnh Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều phóng viên, nhiếp ảnh TTXVN đã được trao Giải thưởng Nhà nước. Đó là nhiếp ảnh gia Lâm Tấn Tài – người luôn quý trọng từng giây phút, sẵn sàng hy sinh, cống hiến hết mình vì nhiệm vụ được giao.

Bởi tình yêu và sự tận tụy trong công việc, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của ông đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử đầy hào hùng của dân tộc, như các tác phẩm “Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua,” “Vượt Trường Sơn,” “Biệt động Sài Gòn,” “Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân,” “Thần tốc tiến về Sài Gòn,” 5 tác phẩm này của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2017.

Đó là nhà nhiếp ảnh Hứa Thanh Kiểm (Hứa Kiểm) – cả cuộc đời cầm máy ảnh gắn bó với lớp lớp thanh niên xông pha ra trận. Bộ ảnh “Đường 20 Quyết thắng” của ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2017. Bộ ảnh đã khiến người xem rất ngạc nhiên và cảm phục tuổi trẻ Việt Nam thời chiến, dũng cảm kiên cường. Đồng thời họ cũng cảm phục người cầm máy đã có mặt tại nơi ác liệt đó ghi lại một cách trung thực, chính xác, sinh động những con người, những chiến công phi thường đó.

Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành với bộ ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” – đặc tả những khoảnh khắc cao trào nhất của niềm vui, cảm xúc vỡ òa của những người tù cách mạng khi được trở về với quê hương, gia đình, đồng đội…

Nhà nhiếp ảnh Lê Minh Trường với tác phẩm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” – một bức ảnh báo chí, cũng là một bức ảnh nghệ thuật – gây xúc động mạnh mẽ, thể hiện niềm tin của Việt Nam quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác: “Dù đốt cháy cả Trường Sơn vẫn giành cho được độc lập!”

Tác phẩm ảnh Cua chữ A, một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP của nhà báo Hứa KIểm (TTXVN) trong bộ ảnh Đường 20 Quyết Thắng được trao “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, lĩnh vực Nhiếp ảnh lần thứ 5. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Tác phẩm ảnh Cua chữ A, một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP của nhà báo Hứa KIểm (TTXVN) trong bộ ảnh Đường 20 Quyết Thắng được trao “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, lĩnh vực Nhiếp ảnh lần thứ 5. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Nhà báo, nghệ sỹ, chiến sỹ Hoàng Văn Sắc với các tác phẩm: “Đường ra tiền tuyến,” “Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc.” Đây là 2 trong hàng ngàn tấm ảnh mà nhà báo Văn Sắc đã chụp trong những năm 1965-1968 ở tuyến lửa khu IV cũ.

Với tinh thần dũng cảm, lòng say mê nghề nghiệp và lao động miệt mài, anh đã ghi được những tấm ảnh rất tiêu biểu, rất sống động trên tuyến lửa Nghệ-Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Tác giả Dương Thanh Phong với các tác phẩm: “Niềm hạnh phúc trong khắc nghiệt của chiến tranh,” “Khiêng nhà về làng cũ,” “Du kích đội rơm ngụy trang tiếp cận địch,” “Binh lính Sài Gòn hốt hoảng trút bỏ quân trang quân dụng tháo chạy trong ngày 30/4/1975.”

Trưởng thành trong lửa đạn, sống chết cùng quân dân, Dương Thanh Phong là tác giả của hàng trăm tấm ảnh quý giá, cũng là tấm gương sáng về sự dũng cảm, vượt mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những tháng ngày bám cung đường lửa, hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc trường chinh từ Bắc vào Nam, từ quê hương tới đất bạn Lào, Campuchia để rồi có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm thức những cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam.

Đó là những năm tháng họ đã sống, chiến đấu như những người lính; đồng thời đưa tin, bài viết, chụp ảnh phản ánh cuộc sống, chiến đấu của quân đội Việt Nam, những khoảnh khắc lịch sử khi Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, những cuộc gặp gỡ xúc động sau bao năm chia cách, những nụ cười rạng rỡ của người chiến thắng trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc./.

Danh sách tác giả và tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật của TTXVN

Giải thưởng Hồ Chí Minh

1. Tác giả Lâm Hồng Long với tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”“Mẹ con ngày gặp mặt,” giải thưởng năm 1996.

2. Tác giả Lương Nghĩa Dũng với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại”gồm “Lửa vây máy bay Mỹ,” “Nữ pháo binh Ngư Thủy,” “Đưa xe tăng vào trận địa,” “Xốc tới” và “Đánh chiếm cứ điểm 365,” giải thưởng năm 2017.

Giải thưởng nhà nước

1. Tác giả Văn Bảo với tác phẩm “Từ ‘thần sấm’ xuống xe trâu,” giải thưởng năm 2007.

2. Tác giả Vũ Đình Hồng với hai tác phẩm: “Bác Hồ thăm đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đang trực chiến,” “Bác Hồ với các anh hùng chiến sỹ thi đua các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc,” giải thưởng năm 2007.

3. Tác giả Võ An Khánh với các tác phẩm: “Phóng lựu đạn vào đồn địch, một phát minh độc đáo của chiến tranh nhân dân,” “Hàng vạn nhân dân 3 xã Trần Thới, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông biểu tình tuần hành ủng hộ bản tuyên bố 8 điểm với thiện chí hoà bình của đoàn đại biểu tại hội đàm Paris,” “Trạm Quân y dã chiến,” giải thưởng năm 2007.

4. Tác giả Lương Nghĩa Dũng với tác phẩm “Đấu pháo ở Dốc Miếu,” giải thưởng năm 2007.

5. Tác giả Vũ Tạo với tác phẩm “Hiên ngang,” giải thưởng năm 2007.

6. Tác giả Trần Bỉnh Khuôl với các tác phẩm: “Tấn công đồn Cái Keo, huyện Đầm Dơi, Cà Mau,” “Du kích Cà Mau kéo pháo để tấn công và chiếm cứ điểm Cái Keo của Quân Nam Việt Nam 1965,” giải thưởng năm 2007.

7. Tác giả Dương Thanh Phong với các tác phẩm: “Niềm hạnh phúc trong khắc nghiệt của chiến tranh,” “Khiêng nhà về làng cũ,” “Du kích đội rơm ngụy trang tiếp cận địch,” “Binh lính Sài Gòn hốt hoảng trút bỏ quân trang quân dụng tháo chạy trong ngày 30/4/1975,” giải thưởng năm 2007.

8. Tác giả Hoàng Văn Sắc với các tác phẩm: “Đường ra tiền tuyến,” “Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc,” giải thưởng năm 2007.

9. Tác giả Lê Minh Trường với tác phẩm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” giải thưởng năm 2007.

10. Tác giả Đinh Ngọc Thông với tác phẩm “Chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ đọc thư nhà dưới chiến hào,” giải thưởng năm 2007.

11. Tác giả Chu Chí Thành với bộ ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” gồm 4 bức ảnh: “Nghẹn ngào đón mừng chiến sỹ thắng lợi trở về,” “Hạnh phúc của những người chiến thắng,” “Thoát khỏi ngục tù,” “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng,” giải thưởng năm 2012.

12. Tác giả Hứa Kiểm với bộ ảnh “Đường 20 – Quyết thắng” gồm 5 bức: “Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe,”“Công binh vượt lầy,” “Chiến sỹ Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, lái xe vượt Đường 20 – Quyết thắng,” “Mở đường tại ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ,” “Xe qua cua chữ A – một trọng điểm ác liệt trong cụm liên hoàn ATP,” giải thưởng năm 2017.

13. Tác giả Lâm Tấn Tài với 5 bức ảnh: “Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua,” “Vượt Trường Sơn,” “Biệt động Sài Gòn,” “Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân,” “Thần tốc tiến về Sài Gòn,” giải thưởng năm 2017.

Tác giả Triệu Đại (TTXVN) được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000 cho bộ ảnh về Điên Biên Phủ, trong đó có ảnh Tướng De Castries và Bộ Chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ ra đầu hàng (1954). (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)
Tác giả Triệu Đại (TTXVN) được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000 cho bộ ảnh về Điên Biên Phủ, trong đó có ảnh Tướng De Castries và Bộ Chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ ra đầu hàng (1954). (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)

Dòng tin chính thống

không bao giờ ngừng chảy

Trong thời chiến cũng như thời bình, các nhà báo TTXVN đều khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới, để TTXVN luôn được đảm bảo là kênh thông tin chính thống, chuẩn xác, tin cậy của hệ thống báo chí trong và ngoài nước. 

Ngày 15/9/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời được Việt Nam Thông tấn xã phát ra thế giới cũng chính là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự ra đời của Việt Nam Thông tấn xã (TTXVN ngày nay).

Trong suốt hành trình 75 năm qua, những người làm báo TTXVN đã hòa mình cùng nhịp đập của đất nước. Lớp lớp nhà báo đã ra xung phong ra chiến trường, dùng mồ hôi, máu và mực để ghi lại chân thật và sống động cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thời bình, họ vững vàng tay bút cổ vũ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, đưa nhiều vụ việc trong bóng tối ra ánh sáng để góp phần xây dựng đất nước, để dòng tin chính thống không bao giờ ngừng chảy.

Hòa cùng dòng chảy lịch sử dân tộc

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN, trải qua 75 năm kể từ ngày ra mắt bản tin đầu tiên do đồng chí Trần Kim Xuyến thực hiện và được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp duyệt, đến nay, TTXVN đã trở thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia, sản xuất cả nghìn đầu tin mỗi ngày bằng nhiều loại hình truyền thống cũng như hiện đại, phát hành trên đa nền tảng và với độ bao phủ thông tin rộng khắp các châu lục.

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. (Ảnh: TTXVN)
Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. (Ảnh: TTXVN)

Từ một nhóm nhỏ cán bộ tuyên truyền và trí thức yêu nước thuộc Nha Thông tin nằm trong Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, TTXVN nay có hơn 2.200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên, có mặt tại 63 tỉnh/thành cả nước và 28 quốc gia thuộc cả 5 châu lục. TTXVN hiện là đối tác của hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới.

Theo “Tư lệnh” của TTXVN, trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, các phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, không chỉ ghi lại các trận đánh như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhiều lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và hơn 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Để có được dòng tin, bức ảnh, bài viết… mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường, nhiều nhà báo đã để lại một phần cơ thể mình, có những người mang trong mình bệnh tật trọn đời do chiến tranh.

Có thể nói, trong suốt các cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt, không nơi nào vắng mặt phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN. Họ thực sự là những “chiến binh báo chí” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không chỉ đưa thông tin từ các vùng bom đạn, các nhà báo-chiến sĩ của TTXVN còn mang lại niềm tin vào chiến thắng.

Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TTXVN cũng chuyển sang giai đoạn mới, phát triển vượt bậc cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành, sản xuất thông tin và đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, không ngừng ra mắt các ấn phẩm mới phục vụ đắc lực công tác thông tin đối nội và đối ngoại.

Theo kịp xu thế thời đại, vào đầu thập kỷ 80, TTXVN liên tiếp cho ra mắt các tờ báo tiếng Việt: Thể thao & Văn hóa (năm 1982), Tin tức (năm 1983), Khoa học & Công nghệ (năm 1983)… Đất nước đổi mới, đầu thập kỷ 90, TTXVN đi đầu xuất bản một loạt tờ báo tiếng nước ngoài: Việt Nam News (năm 1991), Vietnam Law and Legal Forum (năm 1994), Le Courrier du Vietnam (1994)… Rồi, khai trương mạng VNANET vào năm 1998, trở thành một trong những cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam hoạt động trên mạng Internet.

Trong ảnh: Nhà báo Phạm Bích Hà, Trưởng CQTT TTXVN tại Paris (Pháp) phỏng vấn người dân tham gia cuộc tuần hành lịch sử phản đối khủng bố tại Paris, ngày 11/1/2015. Ảnh: TTXVN
Trong ảnh: Nhà báo Phạm Bích Hà, Trưởng CQTT TTXVN tại Paris (Pháp) phỏng vấn người dân tham gia cuộc tuần hành lịch sử phản đối khủng bố tại Paris, ngày 11/1/2015. Ảnh: TTXVN

Bước vào xa lộ thông tin, sự tích hợp của thông tin đa phương tiện, TTXVN ngoài việc khẳng định vị thế thông tin nguồn, còn tiếp tục cho ra mắt nhiều loại hình báo chí mới chuyển tải kịp thời thông tin đến công chúng: Kênh Truyền hình Thông tấn – kênh thông tin chuyên biệt thời sự chính luận đầu tiên của cả nước; báo điện tử VietnamPlus với 6 thứ tiếng…

Ngày 24/3/2015, TTXVN tiếp tục ra mắt 5 sản phẩm thông tin mới là Tin đồ họa; Tin âm thanh; Trang tích hợp Tin – Ảnh; Bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam và Thế giới”; Báo ảnh song ngữ Dân tộc & Miền núi tiếng Tày, Xêđăng, Cơtu.

Từ một cơ quan thông tấn với số lượng cán bộ ít ỏi thuở ban đầu, TTXVN nay đã trở thành một cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia với tổng cộng 28 đơn vị, trong đó có 16 đơn vị thông tin, gồm 7 ban biên tập, trung tâm tin nguồn (Trong nước, Thế giới, Đối ngoại, Kinh tế, Ảnh, Tư liệu và đồ họa, Truyền hình), 9 tòa soạn (gồm cả báo in, báo điện tử và tạp chí) và Nhà xuất bản (VietnamPlus, Tin tức, Thể thao & Văn hóa, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Báo ảnh Việt Nam, Thời báo Việt-Hàn, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, Nhà Xuất bản Thông tấn). TTXVN sản xuất gần 60 sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: tin văn bản, ảnh, truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh, cùng nhiều sản phẩm thông tin hiện đại như Megastory, long-form, RapNews.., phát hành trên các bản tin, báo in, báo điện tử, truyền hình, truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội.

Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.

TTXVN cũng là cơ quan báo chí có hệ thống cơ quan thường trú ở trong và ngoài nước lớn nhất Việt Nam – với 30 cơ quan thường trú tại 28 quốc gia và mạng lưới cơ quan thường trú tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

“Bằng sức mạnh thông tin, TTXVN đã và đang tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, bằng sự lan tỏa thông tin về Việt Nam thông qua sự hợp tác với hơn 40 hãng thông tấn, báo chí trên thế giới, TTXVN đang đóng góp hiệu quả vào sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước, vào tiến trình hội nhập của Việt Nam với toàn cầu,” ông Lợi nhấn mạnh.

Xung kích vào điểm nóng

Ở thời điểm hiện tại, khi đại dịch COVID-19 đang đe dọa sự bình yên của toàn cầu, nhân loại đang trong một cuộc chiến đầy cam go với “giặc vô hình” mà Thủ tướng đã từng kêu gọi “chống dịch như chống giặc.” Và trong bối cảnh ấy, công chúng lại thấy một lần nữa lớp lớp người làm báo của TTXVN trong và ngoài nước đã tận hiến với nghề. Tinh thần quyết liệt, xả thân để có những dòng tin chủ lưu “nhanh-đúng-trúng-hay” như những bậc nhà báo lão thành trong thời kỳ kháng chiến hay ngọn lửa tuổi trẻ Đinh Hữu Dư vào tháng 10/2017 đã hy sinh khi tác nghiệp để có những thông tin sống động về đợt lũ kinh hoàng tại Nghĩa Lộ, Yên Bái lại được tái hiện.

Trưởng CQTT TTXVN tại Moskva Bùi Duy Trinh ghi hình sự kiện đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ Liên bang Nga về nước tại sân bay Sherementyevo, tháng 5/2020. Ảnh: TTXVN
Trưởng CQTT TTXVN tại Moskva Bùi Duy Trinh ghi hình sự kiện đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ Liên bang Nga về nước tại sân bay Sherementyevo, tháng 5/2020. Ảnh: TTXVN

Thực tế cho thấy, vào chiến dịch COVID-19, nhiều nhà báo thông tấn đã làm việc không kể ngày đêm, chịu những áp lực về thời gian và sự nguy hiểm cả cho bản thân lẫn gia đình…

Thực tế cho thấy, vào chiến dịch COVID-19, nhiều nhà báo thông tấn đã làm việc không kể ngày đêm, chịu những áp lực về thời gian và sự nguy hiểm cả cho bản thân lẫn gia đình, đặc biệt ở các tâm dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam hồi tháng 7 vừa qua, trước đó là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 3, và tại nhiều điểm nóng về dịch bệnh trên thế giới. Sát cánh bên họ là các đồng nghiệp trong công tác hỗ trợ hậu cần, trang phục bảo hộ, phương tiện tác nghiệp.

“Sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau, sự quan tâm lo lắng cho nhau khi có đồng nghiệp xung phong đến những địa điểm, địa bàn khó khăn để tác nghiệp trong những tháng ngày qua, khiến chúng ta nhớ lại hình ảnh những năm 60-70 của thế kỷ trước, các nhà báo Việt Nam Thông tấn xã sẵn sàng nhận lệnh bổ sung cho chiến trường miền Nam, sát cánh với các đồng nghiệp Thông tấn xã Giải phóng trên từng hướng tiến quân,” ông Lợi nhận định.

Người đứng đầu TTXVN cũng cho hay chiến dịch thông tin về dịch bệnh COVID-19 chỉ là một trong nhiều ví dụ về nỗ lực của các nhà báo TTXVN trong sứ mệnh đóng góp vào công cuộc duy trì ổn định xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Nhóm phóng viên ảnh TTXVN tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm 2016. Ảnh: TTXVN
Nhóm phóng viên ảnh TTXVN tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm 2016. Ảnh: TTXVN

Thực tế đã cho thấy, trong thời chiến cũng như thời bình, các nhà báo TTXVN đều khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới, để TTXVN luôn được đảm bảo là kênh thông tin chính thống, chuẩn xác, tin cậy của hệ thống báo chí trong và ngoài nước, với những sản phẩm thông tin hiện đại và hấp dẫn công chúng nhờ sự đa dạng về hình thức thể hiện và kênh phát hành…

Thông tin thông tấn có được các đặc tính nổi bật đó là nhờ sự tận tụy với nghề, sự năng động, nhạy bén và sáng tạo của đội ngũ người làm báo của ngành. Có không ít phóng viên đã trải qua những thử thách khắc nghiệt của nghề báo, tác nghiệp tại những địa bàn khó khăn như vùng núi, hải đảo và trong những thời điểm “nước sôi lửa bỏng.”

Có những phóng viên của chúng ta phải xông vào các điểm nóng về thiên tai, sự cố; phải bám sát hằng ngày, hằng giờ diễn biến của các phiên tòa “điểm,” thức trọn đêm ở Đồng Đăng để giữ được vị trí ghi hình tốt trong sự kiện Thượng đỉnh Mỹ-Triều, trắng đêm chờ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo về những trường hợp gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

VNews là kênh truyền hình chuyên biệt tin tức chính luận đầu tiên của cả nước, do Trung tâm truyền hình Thông tấn thực hiện, có sự tham gia của hầu hết các đơn vị thông tin của TTXVN cùng hệ thống 93 cơ quan thường trú TTXVN trên cả nước và khắp 5 châu lục. VNews liên tục cập nhật thông tin 24/24 giờ hằng ngày, phản ánh kịp thời, nhanh nhạy và chuẩn xác về các sự kiện, vấn đề thời sự nổi bật trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: TTXVN
VNews là kênh truyền hình chuyên biệt tin tức chính luận đầu tiên của cả nước, do Trung tâm truyền hình Thông tấn thực hiện, có sự tham gia của hầu hết các đơn vị thông tin của TTXVN cùng hệ thống 93 cơ quan thường trú TTXVN trên cả nước và khắp 5 châu lục. VNews liên tục cập nhật thông tin 24/24 giờ hằng ngày, phản ánh kịp thời, nhanh nhạy và chuẩn xác về các sự kiện, vấn đề thời sự nổi bật trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: TTXVN

Chúng ta cũng có thể kể ra đây những chiến dịch thông tin quên mình của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus trong vụ cháy Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước Sông Đà, dầm mình trong mưa rừng để đi tìm “Tội ác dưới tán rừng xanh”…

“Điều đó có được là nhờ sự tận tụy với nghề, sự năng động và ham học hỏi của đội ngũ người làm báo TTXVN, những con người luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề báo,” ông Lợi nói.

Bắt kịp xu hướng mới

Nhìn nhận báo chí đang đang trải qua những thay đổi to lớn, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi khẳng định TTXVN không nằm ngoài xu thế. Với sự phát triển bùng nổ chóng mặt của khoa học và công nghệ, những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng xuất đang là thách thức lớn đối với các hãng thông tấn và cơ quan báo chí.

“Nhưng ở góc độ nghề nghiệp, TTXVN nhìn nhận đây chính là cơ hội để thay đổi, cải tiến phương thức làm báo thời hiện đại, tránh theo lối mòn và hướng đến mục tiêu đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất,” ông Lợi nhìn nhận.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cùng đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo TTXVN thực hiện nghi thức khai trương Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN (2008) - một trong những tờ báo điện tử chính thống có lượng công chúng từ nhiều quốc gia nhất truy cập và là báo điện tử đa ngữ lớn nhất (xuất bản bằng 6 thứ tiếng Việt, Anh, Trung, Pháp, Tây Ban Nha và Nga) ở Việt Nam hiện nay, là tờ báo đi tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ truyền thông mới. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cùng đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo TTXVN thực hiện nghi thức khai trương Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN (2008) – một trong những tờ báo điện tử chính thống có lượng công chúng từ nhiều quốc gia nhất truy cập và là báo điện tử đa ngữ lớn nhất (xuất bản bằng 6 thứ tiếng Việt, Anh, Trung, Pháp, Tây Ban Nha và Nga) ở Việt Nam hiện nay, là tờ báo đi tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ truyền thông mới. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Nhận rõ vấn đề từ sớm, thời gian qua, không chỉ tạo ra các sản phẩm báo chí hội tụ thế mạnh của nhiều đơn vị, bổ sung cho hàng nghìn sản phẩm thông tin truyền thống được sản xuất mỗi ngày, năm 2018, TTXVN đã vận hành chính thức cổng thông tin mới, tập hợp tất cả các loại hình sản phẩm thông tin của ngành. Các sự kiện lớn của đất nước, các vấn đề thời sự quan trọng trên thế giới đều được TTXVN xây dựng kế hoạch thông tin một cách bài bản, huy động sức mạnh của tất cả các đơn vị thông tin trong ngành. Tháng 9/2018, đúng dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống, TTXVN khai trương màn hình thông tin điện tử lớn tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn quốc gia.

Thực tế TTXVN đã có sự chuẩn bị tốt để đón đầu xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với đầy đủ nền tảng kỹ thuật và con người, TTXVN đã từng bước phát triển theo mô hình đa phương tiện, trên cơ sở đa nền tảng nhằm phát huy thế mạnh của các loại hình báo chí, qua đó đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng.

Bằng chứng là nhiều đơn vị của TTXVN đã đoạt những giải thưởng báo chí cao quý không chỉ trong nước mà còn quốc tế như Ứng dụng Chatbot đoạt “Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn” của OANA tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các Hãng thông tấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44; năm 2015, VietnamPlus đã được WAN-IFRA chọn là một trong năm tòa soạn nhỏ nhưng sáng tạo nhất thế giới…

“Chúng ta có thể tự hào rằng, TTXVN đang nằm trong dòng chảy thông tin thế giới, bắt kịp sự phát triển của truyền thông thế giới về sản xuất các loại hình thông tin hiện đại đồng thời không ngừng mở rộng kênh phát hành,” ông Lợi cho biết.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của TTXVN trong 75 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng TTXVN 3 danh hiệu Anh hùng: 1 danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và 2 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (cho TTXVN và TTXGP), cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất…

Tuy nhiên, với tâm niệm chỉ có điểm khởi đầu và không có điểm dừng lại, thông tin đem đến sức mạnh cho TTXVN, nhưng nó chỉ mạnh khi tiếp cận được nhanh và tới đông đảo công chúng, được công chúng tiếp nhận và sử dụng lâu dài. Bởi thế, tập thể những người làm báo TTXVN vẫn đang nỗ lực sáng tạo không ngơi nghỉ để đưa thông tin tiếp cận độc giả khắp năm châu. Những danh hiệu và phần thưởng cao quý là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành.

Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.

Nhấn mạnh yếu tố con người, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định việc phát triển nhân lực TTXVN cần phải được đảm bảo đủ số lượng và coi trọng nâng cao chất lượng. Những người làm báo TTXVN cần tiếp tục chủ động học hỏi, nâng cao năng lực làm báo hiện đại và trình độ ngoại ngữ, không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp…

Ngoài ra, TTXVN sẽ tiếp tục tranh thủ hoạt động đối ngoại để học hỏi các đồng nghiệp quốc tế, vận dụng sáng tạo và phù hợp với điều kiện của ngành để gửi tới độc giả khắp thế giới những sản phẩm thông tin chất lượng cao theo tiêu chí làm báo hiện đại, góp phần tuyên truyền hiệu quả về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động đối ngoại, cũng như vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

“Bắt đầu ngày làm việc mới, mỗi chúng ta hãy tự giao nhiệm vụ cho mình – hôm nay mình sẽ làm gì cho ngành và cuối ngày nhìn lại để thấy kết quả chúng ta đã làm,” ông Lợi nhắn nhủ./.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ hai) của Chủ tịch nước tặng TTXVN tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (15/9/1945-15/9/2010). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ hai) của Chủ tịch nước tặng TTXVN tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (15/9/1945-15/9/2010). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

TTXVN tự hào khẳng định rằng lịch sử xây dựng và phát triển của ngành gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước.

Cụ thể, ngày 23/8/1945 là ngày ra bản tin đầu tiên. Ngày 24/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Việt Nam Thông tấn xã. Ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã phát ra thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng tiếng Việt, Anh và Pháp. Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn kháng chiến mới của dân tộc. Và một năm sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng hợp nhất thành TTXVN.

Đó là những dấu mốc lớn trong trang sử vẻ vang của ngành, được xây dựng bằng công sức và trí tuệ, bằng cả xương máu và sự hy sinh của nhiều thế hệ người làm báo TTXVN.