ASEAN triển khai ưu tiên trong bối cảnh đại dịch COVID-19

ttxvn2204as-1593073497-16.jpg

Ngày 26/6/2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, việc lần đầu tiên một Hội nghị Cấp cao ASEAN chính thức và các hội nghị liên quan được tổ chức bằng hình thức họp trực tuyến đã cho thấy vai trò điều hành hiệu quả của Chủ tịch ASEAN 2020, đảm bảo các yếu tố về nội dung và kỹ thuật, được các nước ASEAN đánh giá cao.

Phát huy vai trò của ASEAN trong thế giới đầy biến động

Hội nghị cấp cao ASEAN 36 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch COVID-19 đã và đang lan rộng trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của các nước, người dân thế giới nói chung, ASEAN nói riêng.

Tính đến ngày 24/6, cả thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 9,4 triệu ca mắc COVID-19, hơn 480 nghìn ca tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, việc lần đầu tiên một Hội nghị Cấp cao ASEAN chính thức và các hội nghị liên quan được tổ chức bằng hình thức họp trực tuyến đã cho thấy vai trò điều hành hiệu quả của Việt Nam – Chủ tịch ASEAN 2020.

Trong số đó, tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh đã lan đến toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN với tổng số ca lây nhiễm là hơn 132,5 nghìn ca nhiễm và hơn 3,8 nghìn người tử vong.

Indonesia hiện đang là quốc gia đứng đầu khu vực chịu tác động của dịch COVID-19, với gần 1 nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Tiếp sau đó là Singapore đứng thứ hai, rồi đến Philippines…

Chiều 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chiều 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Dịch bệnh còn gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ (chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN), gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhiều người dân đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức.

Nhiều hoạt động của ASEAN kể từ đầu năm 2020 đã phải tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức, trong đó có Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ (dự kiến vào tháng 3/2020) và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (lùi đến tháng 6/2020).

Với quy mô lan rộng của dịch bệnh COVID-19, việc chống dịch đã trở thành trách nhiệm chung của toàn cầu. Chính phủ và người dân mọi quốc gia đang triển khai các hành động quyết liệt để chiến đấu chống lại kẻ thù chung này.

Đặc biệt, các nước trong khu vực ASEAN đã có những nỗ lực trong cuộc chiến chống dịch, đến nay đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý có thể chia sẻ với nhau. Tiêu biểu là việc phát hiện sớm, thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, yêu cầu đeo khẩu trang đại trà, nâng cao ý thức và khuyến khích người dân cùng tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh…

Các quốc gia thành viên ASEAN còn quan tâm hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tối đa công dân ASEAN ở nước mình. Điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết và lớn hơn là sự hợp tác, phối hợp quốc tế là những thành tố thiết yếu hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, thời gian qua đã luôn nỗ lực thể hiện vai trò của mình, đảm bảo cho các hội nghị đạt những kết quả nhất định phù hợp với tình hình mới.

Phát huy tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng,” trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, chủ trì nhiều hội nghị trực tuyến đạt hiệu quả tích cực, góp phần duy trì đàn hợp tác của ASEAN, trong đó có Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 (tháng 4-2020), các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác (EU, Mỹ, Nga…).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


Các hoạt động này tạo hiệu ứng truyền thông tốt trong dư luận trong nước, quốc tế, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của nước Chủ tịch.

Đáng chú ý nhất là trong tháng 4 vừa qua, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, gây ra mối đe dọa lớn đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân, và là một thách thức lớn đối với an ninh y tế công cộng toàn cầu, việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 dưới hình thức trực tuyến là sự kiện rất kịp thời và có ý nghĩa to lớn.

Các hoạt động này cho thấy Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, chủ động của Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất ASEAN, đẩy mạnh cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, liên ngành, liên trụ cột của cả Cộng đồng ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác trong kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động về kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Triển khai các ưu tiên trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26/6 tới sẽ tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là một giải pháp linh hoạt và phù hợp, góp phần giúp ASEAN phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch COVID-19.

Trọng tâm của Hội nghị cấp cao ASEAN 36 là rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp khắc phục trong triển khai các nội dung, sáng kiến của năm Chủ tịch ASEAN 2020 dưới tác động của COVID-19.

 Quang cảnh Hội nghị Hội đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 23 ngày 23/6. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
 Quang cảnh Hội nghị Hội đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 23 ngày 23/6. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


Trên cơ sở đó, Việt Nam đề xuất tập trung triển khai 4 ưu tiên chính đã được các Lãnh đạo ASEAN nhất trí trước đó, gồm thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19; Xây dựng Kho dự trữ khu vực ASEAN về vật tư y tế; Xây dựng Quy trình tiêu chuẩn của ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; và Xây dựng Kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu COVID-19.

Theo dự kiến, trong vai trò Chủ tịch, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên Khai mạc, Phiên họp toàn thể, các Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số; Đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA-41 sẽ phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và dự phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với AIPA.

Trọng tâm của Hội nghị cấp cao ASEAN 36 là rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp khắc phục trong triển khai các nội dung, sáng kiến của năm Chủ tịch ASEAN 2020 dưới tác động của COVID-19.

Trước đó, các sự kiện diễn ra từ ngày 22 đến 24/6/2020 là những Hội nghị trù bị. Trong đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 21.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 23.

Theo Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn tích cực chuẩn bị và sẵn sàng cho Hội nghị cấp cao ASEAN 36 và các Hội nghị của năm 2020: “Việt Nam với tư cách Chủ tịch của ASEAN 2020 đã nỗ lực và tích cực cùng với các quốc gia thành viên của ASEAN để có thể tổ chức các hội nghị trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN thành công.”

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng thì khẳng định ưu tiên cao nhất vẫn là đảm bảo tính mạng của người dân ASEAN: “Một là ngăn ngừa, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Hai là hỗ trợ người dân của các nước ASEAN chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống học tập, làm việc tại các quốc gia thành viên của nhau và ở nước thứ 3. Và thứ 3 là giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.”

Có thể thấy, những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN 36 sẽ tiếp tục triển khai các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020, nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay trong đó có đại dịch COVID-19./.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)