Bác sỹ Lê Thành Đô

ngcha-1548907078-22.jpg

Sinh ra trong cuộc đời, không phải ai cũng vững vàng di chuyển trên chính đôi chân của mình. Những khiếm khuyết từ khi mới chào đời hay biến cố trong cuộc sống đã khiến không ít người phải đi bằng tay, bằng đầu gối…

Và, có một người Đảng viên đã quyết định dành cuộc đời mình để sản xuất, cung cấp miễn phí dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Người ta coi ông là “người cha” của những đôi chân – đó là bác sỹ Lê Thành Đô (74 tuổi).

Đồng hành trên mỗi bước chân

Khi đường phố đã nhộn nhịp đào, mai mừng Xuân Kỷ Hợi, tôi tìm tới căn nhà nhỏ ngăn nắp của bác sỹ Lê Thành Đô nằm ở ngõ 242 Minh Khai (Hà Nội). Bức tường phòng khách được trang trí bởi rất nhiều bằng khen, giấy khen, những bức ảnh ghi lại thành quả hơn chục năm miệt mài giúp đỡ người khuyết tật.

Rót chén trà mời khách, ông kể rằng tuổi thơ của mình vất vả vì mồ côi cha mẹ từ sớm và phải sống cùng ông bà nội… Khi đang là học sinh lớp 10, bác sỹ Lê Thành Đô viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông vào Sư đoàn 304 và trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Trong khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở cầu Hàm Rồng, không may ông bị thương ở mặt và phần cánh tay. Do sức khoẻ giảm sút, đơn vị buộc phải điều chuyển ông về tuyến sau.

Càng đi nhiều, làm nhiều, bác sỹ Lê Thành Đô càng thấy không thể dứt ra được công việc này, nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Và, cuộc đời của ông gắn liền với những mảnh đời khuyết tật từ ấy.

Với trình độ lớp 10, bác sỹ Lê Thành Đô được cấp trên tạo điều kiện, tiếp tục đi học tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sau sáu năm miệt mài đèn sách, cầm tấm bằng Cử nhân Y khoa, ông về nhận công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Người thương binh 2/4 đã đem kiến thức chuyên môn đã học để chăm sóc những thương binh nặng, phần lớn là những người bị liệt, khó khăn trong di chuyển.

Và, cuộc đời của bác sỹ Lê Thành Đô gắn liền với những mảnh đời khuyết tật từ ấy.

Suốt hơn 20 năm làm việc tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với nhiều đơn vị khác nhau, bác sỹ Lê Thành Đô được đào tạo về phục hồi chức năng cho người khuyết tật ở nước ngoài, tham gia vào các dự án hỗ trợ người khuyết tật. Càng đi nhiều, làm nhiều, ông càng thấy không thể dứt ra được công việc này, nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Bác sỹ Lê Thành Đô chia sẻ: “Là một thương binh, hơn ai hết tôi hiểu cái sự khó khăn và mặc cảm của những người khuyết tật. Ngày bị thương trở về tôi cũng mang trong mình mặc cảm của một người khuyết tật, nỗi lo lắng không thể lấy vợ, sinh con. Nhưng rất may mắn được sự giúp đỡ của nhiều người, tôi được đi học tập, lập gia đình, có cuộc sống ổn định. Vì vậy, tôi rất muốn giúp đỡ những người khuyết tật để họ có để hòa nhập vào cuộc sống.”

Xưởng sản xuất của bac sỹ Lê Thành Đô đã lắp tay, chân giả miễn phí cho hơn 650 người. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Xưởng sản xuất của bac sỹ Lê Thành Đô đã lắp tay, chân giả miễn phí cho hơn 650 người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Luôn đáu đáu việc giúp người, năm 2006 khi về hưu, bác sỹ Lê Thành Đô quyết định mở trung tâm tư vấn trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật. Căn nhà nhỏ giờ đây trở thành một ‘bệnh viện thu nhỏ,’ ông dùng những đồng lương hưu, trợ cấp thương binh để mua sắm các trang thiết bị phục vụ công việc chế tạo những đôi tay, chân giả.

Lần giở quyển sổ ghi chép từng trường hợp lắp tay, chân giả, bác sỹ Lê Thành Đô kể: “Tôi quyết định mở xưởng làm chân tay giả chủ yếu để làm miễn phí cho người khuyết tật bằng nguồn kêu gọi từ thiện từ các tổ chức, cá nhân. Sau hơn 10 năm, xưởng sản xuất của tôi đã lắp tay, chân giả miễn phí cho hơn 650 người. Tôi muốn bằng sức lực của mình bù đắp cho họ phần nào những khó khăn của người khuyết tật, giúp họ có cuộc sống thường ngày thuận lợi hơn.”

Rồi ông kể, để lắp một chiếc chân giả trải qua khá nhiều công đoạn như thử chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người. Thế nhưng, khó khăn nhất là động viên, tư vấn cho bệnh nhân cách tập, vận động để phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt. Mỗi khi bệnh nhân cảm thấy đau đớn, mệt mỏi, bác sỹ Lê Thành Đô lại kịp thời hỏi han, động viên để họ không nản lòng. Để rồi, mỗi khi xem những video bệnh nhân gửi để khoe về lần đầu tiên bỏ nạng, lần đầu tiên đứng thẳng bước đi, ông lại lặng lẽ mỉm cười hạnh phúc.

Chị Thúy kể, chị vẫn nhớ rất rõ cái lần đầu tiên có thể đứng lên và bước đi, cảm tưởng như chị được sinh ra một lần nữa…

Gần đây nhất, ông vừa lắp chân giả miễn phí cho chị Tô Thị Hồng Thúy (39 tuổi, quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội). Sau một trận ốm sốt hồi 3 tuổi chị Thúy đã bị liệt 2 chân, 36 năm nay chị không đứng lên đi lại được, muốn di chuyển, chị phải lê người bằng hai tay. Hơn 30 năm không đứng lên đi lại, xương của chị đã yếu, các cơ lại cứng nên bác sỹ Lê Thành Đô phải động viên rất nhiều chị Thúy mới đủ quyết tâm lắp chân giả vào tháng 10/2018.

Chị Thúy kể, chị vẫn nhớ rất rõ cái lần đầu tiên có thể đứng lên và bước đi, cảm tưởng như chị được sinh ra một lần nữa. Trên con đường quen thuộc hàng ngày chị vẫn qua là một quang cảnh khác, không còn giống như những ngày chị phải lết đi bằng tay.

Đến nay, chị Thúy đã có thể đứng đi lại bằng nạng, đạp may máy khâu bằng chân giả. Chị gửi từng hình ảnh luyện tập, may quần áo… cho bác sỹ Lê Thành Đô. Mỗi lần bị đau, khó di chuyển, chị Thúy lại gọi điện tâm sựu và được ông khích lệ, giúp chị nỗ lực luyện tập với hy vọng sẽ bỏ được nạng.

Ấp ủ những giấc mơ…

Trải qua mấy chục năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng có lẽ người thương binh già ấy chưa khi nào thỏa mãn với những gì mình đang có. Bác sỹ Lê Thành Đô luôn tìm tòi, học hỏi thêm để đưa những kỹ thuật tiên tiến nhất, hiệu quả áp dụng vào xưởng sản xuất của mình để có những đôi tay, chân tốt nhất với giá rẻ nhất cho người nghèo.

“Ngày càng có nhiều trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật nhưng vì họ chuyên làm dịch vụ nên giá thành cao tới 20-30 triệu đồng trong khi tay, chân giả giá rẻ họ sẽ không làm vì lãi ít. Nhưng tôi thì quan niệm dù lãi có thể ít nhưng phải cố gắng làm thật rẻ những người nghèo, khó khăn có thể lắp tay, chân giả,” bác sỹ Lê Thành Đô hiền hậu nói.

Ngoài ra, mỗi năm bác sỹ Lê Thành Đô lại gom góp tặng chân, tay giả cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An chia sẻ, bác sỹ Lê Thành Đô hỗ trợ lắp chân, tay giả, máng nẹp cho trẻ em khuyết tật tại trumg tâm từ năm 2007, mỗi năm có khoảng 15-20 trẻ được hỗ trợ. Đây chủ yếu là những trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đến từ các tỉnh phía Bắc đang được chăm sóc, phục hồi chức năng.

“Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An có cơ sở vật chất khá tốt nhưng nếu sử dụng máng nẹp, chân giả sẽ giúp các cháu đi lại tốt, chống co rút xương khớp khiến cho quá trình phục hồi chức năng kéo dài. Nhờ những chân giả, máng nẹp miễn phí lắp cho các em, công tác phục hồi chức năng đã có hiệu quả tốt hơn,” ông Tân nói.

Bác sỹ Lê Thành Đô lắp chân giả miễn phí cho trẻ em nghèo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ Lê Thành Đô lắp chân giả miễn phí cho trẻ em nghèo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiểu được tầm quan trọng trong việc can thiệp phục hồi chức năm sớm đối với trẻ khuyết tật, trong năm 2019, bác sỹ Lê Thành Đô vẫn tiếp tục kêu gọi các cá nhân, tổ chức hỗ trợ lắp tay, chân giả miễn phí cho trẻ em: “Nếu được lắp chân giả sớm, trẻ sẽ không bị lệch khung xương, co rút các cơ mà có thể đi lại tốt, cân đối trên đôi chân giả. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ còn phát triển nhanh, trung bình 6 tháng phải đến để điều chỉnh chân giả. Tôi đang vận động để tài trợ cho các em vì nếu can thiệp càng sớm các em càng dễ dàng, tự tin hơn trong hòa nhập với mọi người.”

Rất nhiều cảnh đời khuyết tật đã đến với ngôi nhà nhỏ của bác sỹ Lê Thành Đô và khi trở về, họ đã có những bước đi đầu tiên…

Ngày càng nhiều người biết đến người bác sỹ già lắp tay chân giả miễn phí cho người nghèo, trẻ em, không chỉ những người có hoàn cảnh khó khăn mà có cả những mạnh thường quân tìm đến ông ngỏ lời tài trợ. Mỗi khi thấy trường hợp khó khăn, ông lại gửi cho các tổ chức, cá nhân kêu gọi hỗ trợ và ngay khi được đồng ý, ông lên ngay lịch hẹn khám, lắp chân, tay giả miễn phí.

Cùng với việc giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bác sỹ Lê Thành Đô còn luôn hoàn thành tốt công việc của một cán bộ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, chuyên chăm sóc sức khỏe, vận động xóa nhà dột nát cho người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa. Ông đã được Đảng bộ Hội người cao tuổi Việt Nam đã tặng giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018.

Ghi nhận tấm lòng thiện nguyện của bác sỹ Lê Thành Đô, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã lựa chọn ông là một trong 10 cá nhân được trao tặng giải thưởng “Tình nguyện quốc gia  năm 2018”.

Giờ đây, đã ở cái tuổi ngoại thất thập cổ lai hy, nhưng bác sỹ Lê Thành Đô vẫn còn ấp ủ nhiều dự định: “Tôi đã kết nối với một doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm thợ may và đã giới thiệu được một người. Sắp tới sẽ tiếp tục giới thiệu những người khuyết tật đến đây lắp chân giả có khả năng đến đó làm việc để có một công việc ổn định cuộc sống.”

Cuộc đời là những bước chân, giống như những dấu chân, mỗi người khi đi qua đều để lại những dấu ấn rằng ta đã từng ở đó. Rất nhiều cảnh đời khuyết tật đã đến với ngôi nhà nhỏ của bác sỹ Lê Thành Đô và khi trở về, họ đã có những bước đi đầu tiên. Trong hàng chục năm qua, bác sỹ Lê Thành Đô đã hỗ trợ được cả nghìn người. Mỗi bước chân của người khuyết tật là niềm vui, sự tự hào, động lực để người bác sỹ già nhân hậu ấy tiếp tục hành trình thiện nguyện đã gắn với cuộc đời mình./.

Đã ở cái tuổi ngoại thất thập cổ lai hy nhưng bác sỹ Lê Thành Đô vẫn còn ấp ủ nhiều dự định giúp đỡ người khuyết tật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đã ở cái tuổi ngoại thất thập cổ lai hy nhưng bác sỹ Lê Thành Đô vẫn còn ấp ủ nhiều dự định giúp đỡ người khuyết tật. (Ảnh: PV/Vietnam+)