George Soros

“Khi Facebook và Google phát triển với quyền lực không ngừng gia tăng, họ dần trở thành trở ngại ngăn cản sự đổi mới và đã gây ra một loạt vấn đề mà giờ đây chúng ta mới chỉ bắt đầu nhận thức được.” VietnamPlus xin giới thiệu với độc giả bài viết thể hiện những ý kiến cá nhân đặc sắc của tỷ phú George Soros về truyền thông xã hội, được đăng trên trang Financial Review.

Thời điểm hiện tại trong lịch sử thế giới đang đầy sự đau đớn. Các xã hội mở đang trong cơn khủng hoảng và nhiều hình thức khác nhau của chế độ độc tài, các quốc gia “xã hội đen,” đang nổi lên. Đơn cử như ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump bị coi là đang muốn thiết lập nhà nước theo kiểu “xã hội đen” của riêng ông, nhưng không thể vì Hiến pháp Mỹ và một xã hội dân sự sôi nổi không cho phép điều đó.

Tuy nhiên câu hỏi không chỉ được đặt ra đối với sự tồn vong của xã hội mở, mà còn đối với sự tồn vong của toàn bộ nền văn minh của chúng ta.

Sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo như Kim Jong-un ở Triều Tiên và Trump ở Mỹ có liên quan mật thiết tới vấn đề này.

Cả hai nhà lãnh đạo dường như đều sẵn sàng mạo hiểm với một cuộc chiến tranh hạt nhân để duy trì quyền lực của bản thân. Nhưng nguyên nhân thực sự có nguồn gốc còn sâu xa hơn. Khả năng khai thác các nguồn lực tự nhiên của con người, vì các mục đích mang tính xây dựng cũng như phá hủy, tiếp tục phát triển, trong khi khả năng tự quản trị một cách hợp lý của chúng ta lại lên xuống thất thường, và hiện đang ở mức thấp.

Sự trỗi dậy và hành vi mang tính độc quyền của các công ty nền tảng Internet của Mỹ đang góp phần lớn gây ra tình trạng bất lực của chính phủ Mỹ. Các công ty này thường đóng một vai trò mang tính đổi mới và giải phóng.

Nhưng khi Facebook và Google phát triển với quyền lực không ngừng gia tăng, họ đã trở thành trở ngại đối với sự đổi mới, và đã gây ra một loạt vấn đề mà giờ đây chúng ta mới chỉ bắt đầu nhận thức được.

Các công ty thu lợi nhờ việc khai thác môi trường xung quanh họ. Các công ty khai khoáng và dầu mỏ khai thác môi trường vật chất; các công ty truyền thông xã hội khai thác môi trường xã hội.

Khi Facebook và Google phát triển với quyền lực không ngừng gia tăng, họ đã trở thành trở ngại đối với sự đổi mới.

Đây là một điều bất chính, vì các công ty này tác động tới cách thức suy nghĩ và hành vi của mọi người, những người không hề biết rằng mình đang bị tác động. Điều này gây trở ngại cho sự vận hành của nền dân chủ và tính liêm chính của các cuộc bầu cử.

Vì các công ty nền tảng Internet là các mạng lưới, nên họ được hưởng lợi nhuận biên ngày càng gia tăng, điều này góp phần tạo nên sự tăng trưởng nhanh chóng của họ. Hiệu ứng mạng lưới thực sự là không có tiền lệ và mang tính biến đổi, nhưng nó cũng không bền vững.

Facebook phải mất 8 năm rưỡi để vươn tới 1 tỷ người dùng, và chỉ mất một nửa số thời gian đó để đẩy con số đó lên 2 tỷ. Với tốc độ này, chỉ chưa đầy 3 năm nữa, Facebook sẽ không còn ai để “cải đạo” nữa.

Tỷ phú George Soros.
Tỷ phú George Soros.

“Thành trì” quảng cáo

Trên thực tế, Facebook và Google nắm trong tay hơn một nửa toàn bộ doanh thu quảng cáo số. Để duy trì sự thống trị của mình, họ cần mở rộng các mạng lưới của mình và tăng cường khả năng thu hút sự chú ý của người dùng.

Hiện nay, họ đang làm điều này bằng việc đem lại cho người dùng một nền tảng thuận tiện. Người dùng càng dành nhiều thời gian trên các nền tảng này thì càng trở nên có giá trị đối với các công ty.

Hơn nữa, vì các nhà cung cấp nội dung không thể tránh khỏi việc sử dụng các nền tảng này và phải chấp nhận bất kỳ điều khoản nào được đưa ra, nên chính họ cũng góp phần làm lợi cho các công ty truyền thông xã hội.

Quả thật, khả năng sinh lợi đặc biệt của các công ty này phần lớn phụ thuộc vào việc né tránh trách nhiệm, cũng như việc chi trả, đối với các nội dung trên các nền tảng của họ.

Các công ty này khẳng định rằng họ đơn giản chỉ đang phân phối thông tin. Nhưng thực tế rằng họ là những nhà phân phối gần như độc quyền khiến cho họ trở thành các dịch vụ công cộng và cần phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn, nhắm tới việc duy trì sự cạnh tranh, đổi mới và khả năng truy cập công bằng và cởi mở.

Khách hàng thực sự của các công ty truyền thông xã hội là các nhà quảng cáo của họ.

Khách hàng thực sự của các công ty truyền thông xã hội là các nhà quảng cáo của họ. Nhưng một mô hình kinh doanh mới đang nổi lên, không chỉ dựa vào quảng cáo mà còn vào việc trực tiếp bán các sản phẩm và dịch vụ cho người dùng.

Họ khai thác dữ liệu mà họ nắm được, tạo ra các gói dịch vụ mà họ cung cấp, và sử dụng giá cả phân biệt để duy trì các lợi ích mà nếu không làm như vậy thì họ sẽ phải chia sẻ với người tiêu dùng.

Điều này càng làm gia tăng khả năng thu lợi của họ, nhưng việc gộp các dịch vụ và đặt giá phân biệt làm suy yếu tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường.

Các công ty truyền thông xã hội lừa gạt người dùng bằng cách thao túng sự chú ý của họ, hướng nó theo các mục đích thương mại của mình, và cố ý tạo ra tính gây nghiện cho các dịch vụ mà họ cung cấp. Điều này có thể là rất có hại, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Có sự tương đồng giữa các nền tảng Internet và các công ty cờ bạc. Các sòng bạc đã phát triển các kỹ thuật để lôi kéo khách hàng đến mức họ dốc hết tiền của để đánh bạc, thậm chí dùng đến những đồng tiền mà họ không hề sở hữu.

Một điều tương tự như vậy – và có khả năng không thể đảo ngược được – cũng đang diễn ra với sự chú ý của con người trong kỷ nguyên kỹ thuật số của chúng ta. Đó không còn chỉ là vấn đề về sự xao lãng hay chứng nghiện; các công ty truyền thông xã hội trên thực tế đang xúi giục con người từ bỏ sự tự do ý chí của mình. Và sức mạnh định hình sự chú ý của con người đang ngày càng tập trung trong tay một vài công ty.

Bảo vệ tự do của chúng ta

Phải cần tới những nỗ lực đáng kể để đánh giá và bảo vệ điều mà John Stuart Mill gọi là tự do tư tưởng. Một khi đã đánh mất nó, những người lớn lên trong kỷ nguyên số khó có thể lấy lại sự tự do này.

Điều này sẽ kéo theo những hệ quả chính trị sâu rộng. Những người không có tự do tư tưởng có thể dễ dàng bị thao túng.

Thậm chí còn có một viễn cảnh mang tính cảnh báo hơn đang dần hiện ra: một liên minh giữa các chính quyền độc tài và các công ty độc quyền lớn, sở hữu nhiều dữ liệu trong ngành công nghệ thông tin, kết hợp những hệ thống giám sát tổ chức mới hình thành với các hệ thống giám sát được nhà nước tài trợ đã phát triển. Điều này rất có thể dẫn tới một mạng lưới kiểm soát cực quyền mà ngay cả George Orwell cũng không thể tưởng tượng ra nổi.

Mối liên hệ giữa sự thống trị của các nền tảng độc quyền và sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng cũng ngày càng được công nhận. Sự tập trung quyền sở hữu chung trong tay một vài cá nhân đóng một vai trò nào đó, nhưng vị thế kỳ lạ của những gã khổng lồ công nghệ thông tin thậm chí còn quan trọng hơn. Họ đã đạt được sức mạnh độc quyền, đồng thời cạnh tranh lẫn nhau. Chỉ họ mới đủ lớn để “nuốt” các công ty khởi nghiệp có khả năng phát triển thành các đối thủ cạnh tranh, và chỉ họ mới có các nguồn lực để xâm chiếm lãnh thổ của nhau.

Chủ sở hữu các nền tảng khổng lồ tự coi mình là những ông chủ của vũ trụ. Trên thực tế, họ là nô lệ cho việc duy trì vị thế thống trị của mình. Họ đang tham gia vào một cuộc đấu tranh mang tính hiện sinh nhằm thống trị các lĩnh vực tăng trưởng mới mà trí tuệ nhân tạo đang mở ra, chẳng hạn như xe hơi không người lái.

Chủ sở hữu các nền tảng khổng lồ tự coi mình là những ông chủ của vũ trụ. Trên thực tế, họ là nô lệ cho việc duy trì vị thế thống trị của mình.

Tác động của những sự đổi mới như vậy đối với tình trạng thất nghiệp phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ. Liên minh châu Âu (EU), và đặc biệt là các nước Bắc Âu, có tầm nhìn xa hơn nhiều so với Mỹ trong các chính sách xã hội của họ. Họ bảo vệ người lao động chứ không phải việc làm.

Họ sẵn sàng chi trả cho việc đào tạo lại hoặc cho nghỉ hưu những người lao động mất việc. Điều này đem lại cho các lao động ở Bắc Âu cảm giác an toàn hơn và khiến họ ủng hộ những sự đổi mới về công nghệ hơn so với lao động Mỹ.

Một mối đe dọa đối với cộng đồng

Các công ty độc quyền trên Internet không có ý chí cũng không có xu hướng bảo vệ xã hội trước hậu quả của những hành động của họ. Điều đó biến họ thành những mối đe dọa của cộng đồng, và trách nhiệm của các nhà chức trách và nhà quản lý là bảo vệ xã hội trước họ.

Ở Mỹ, các nhà quản lý không đủ mạnh để đứng lên chống lại ảnh hưởng chính trị của các công ty độc quyền. EU có vị thế tốt hơn, vì bản thân họ không có nền tảng khổng lồ nào.

EU sử dụng một định nghĩa khác so với Mỹ khi nói về sức mạnh độc quyền. Trong khi bộ máy thực thi pháp luật của Mỹ chủ yếu tập trung vào các công ty độc quyền được tạo ra nhờ việc mua lại, thì pháp luật EU lại cấm việc lạm dụng sức mạnh độc quyền, dù sức mạnh đó từ đâu mà ra đi chăng nữa. Châu Âu có những đạo luật bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu mạnh hơn nhiều so với Mỹ.

Hơn nữa, luật pháp Mỹ đã tiếp nhận một học thuyết kỳ lạ, trong đó đo đạc thiệt hại bằng sự gia tăng giá thành mà khách hàng phải trả cho các dịch vụ được cung cấp.

Nhưng điều này gần như hoàn toàn không thể đo đếm được, khi xét tới việc hầu hết các nền tảng lớn trên Internet đều cung cấp phần lớn các dịch vụ của họ một cách miễn phí.

Hơn nữa, học thuyết này bỏ qua việc xem xét các dữ liệu có giá trị mà các công ty cung cấp nền tảng thu thập từ người dùng.

Ủy viên EU về cạnh tranh Margrethe Vestager là người ủng hộ cách tiếp cận của châu Âu. EU phải mất 7 năm để xây dựng hồ sơ kiện Google.

Tuy nhiên, kết quả của thành công này là quá trình đặt ra các quy định tương xứng đã được tăng tốc đáng kể. Hơn nữa, nhờ có các nỗ lực của Vestager, cách tiếp cận của châu Âu đã bắt đầu tác động tới thái độ của người Mỹ.

Việc sự thống trị toàn cầu của các công ty Internet của Mỹ bị phá vỡ sẽ chỉ còn là vấn đề về thời gian. Chính quy định và thuế, mà dẫn đầu là những cố gắng của Vestager, sẽ khiến họ suy yếu.