Bầu cử ở Australia

skynewsaust-1558145589-69.jpg

Ngày 18/5, hàng triệu cử tri trên khắp Australia đi bỏ phiếu bầu nghị viện liên bang lần thứ 46, bao gồm toàn bộ 151 ghế hạ viện và 38 ghế trong tổng số 76 ghế thượng viện, đồng thời quyết định ai sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 3 năm tới.

Theo pháp luật Australia, một đảng hay liên đảng nào giành được đa số phiếu trong hạ viện, tức là 76 ghế trở lên, sẽ được coi là chiến thắng trong cuộc bầu cử và được quyền thành lập chính phủ. Lãnh đạo đảng đó sẽ làm thủ tướng. Nếu không có bên nào giành đủ 76 ghế trong hạ viện, các bên sẽ phải thỏa thuận với các đảng nhỏ khác và nghị sỹ độc lập để có đủ đa số ghế cần thiết cho việc thành lập chính phủ.

Tâm điểm sự quan tâm của dư luận vẫn chỉ là cuộc đấu “tay đôi” giữa liên minh hai đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền và Công đảng đối lập.

Ở Australia đi bầu cử là bắt buộc. Tại cuộc bầu cử lần này có khoảng 15,6 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu và gần 60 chính đảng tham gia tranh cử với tổng số 1.514 ứng cử viên (1.056 ứng cử ghế hạ viện và 458 cho ghế thượng viện).

Tuy nhiên, như thường lệ, tâm điểm sự quan tâm của dư luận vẫn chỉ là cuộc đấu “tay đôi” giữa liên minh hai đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền và Công đảng đối lập. Không giống như những dự đoán ban đầu về một thắng lợi dễ dàng cho Công đảng đối lập, càng sát đến ngày bầu cử, cuộc đua càng trở nên sít sao và khó dự đoán.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) tại chiến dịch vận động tranh cử ở Melbourne ngày 12/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) tại chiến dịch vận động tranh cử ở Melbourne ngày 12/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bước vào cuộc đua lần này sau hai nhiệm kỳ cầm quyền liên tiếp kể từ năm 2013, liên đảng của Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison gặp bất lợi rất lớn. Đó là lòng tin của cử tri vào đảng Tự do nói riêng và hệ thống chính trị của đất nước nói chung đã bị giảm sút nghiêm trọng sau cuộc “đảo chính” trong nội bộ đảng vào tháng 8 năm ngoái, phế truất ông Malcolm Turnbull khỏi chức chủ tịch đảng đồng thời là Thủ tướng Australia và bầu ông Scott Morrison lên thay thế.

Như vậy, kể từ năm 2007, nền chính trị Australia đã luôn rơi vào cảnh “thay ngựa giữa dòng” khi không có thủ tướng nào hoàn thành đủ 3 năm nhiệm kỳ của mình trước khi bị chính các thành viên trong đảng lật đổ.

Trong 5 năm qua dưới sự cầm quyền của liên đảng, Australia có tới 3 vị thủ tướng. Khó khăn nối tiếp khó khăn, chỉ 2 tháng sau khi ông Morrison lên làm thủ tướng, chính phủ liên đảng lại trở thành chính phủ thiểu số ở hạ viện sau khi đảng Tự do thất bại tại cuộc bầu cử bổ sung ở khu vực Wentworth, Sydney, vốn lâu nay là thành trì vững chắc của đảng này.

Kể từ năm 2007, nền chính trị Australia đã luôn rơi vào cảnh “thay ngựa giữa dòng” khi không có thủ tướng nào hoàn thành đủ 3 năm nhiệm kỳ

Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân của thất bại này là cử tri đã quá thất vọng với cảnh đấu đá nội bộ. Kết quả thăm dò dư luận vào thời điểm đó cũng cho thấy chỉ có 46% cử tri ủng hộ liên đảng so với 56% ủng hộ Công đảng đối lập.

Tuy nhiên, dưới sự chèo lái của ông Morrison, chính phủ liên đảng cầm quyền đã từng bước vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo, đưa ra các biện pháp và chính sách khôi phục lòng tin và thu hút sự ủng hộ của cử tri, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Ngay sau khi lên làm chủ tịch đảng Tự do, ông Morrison đã cho bổ sung vào điều lệ đảng quy định mới nhằm ngăn ngừa thay đổi lãnh đạo sau kỳ bầu kỳ tiếp theo.

Tình hình kinh tế đất nước tương đối thuận lợi trong thời gian qua, với tốc độ tăng trưởng đạt mức trên dưới 3%/năm, nhiều việc làm mới được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp thấp dưới mức 5%, lạm phát thấp, hướng tới thặng dư ngân sách trong năm tài chính 2019-2020, cũng là cơ sở để chính phủ của ông Morrison nuôi hy vọng giành thêm một nhiệm kỳ nữa.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) tại chiến dịch vận động tranh cử ở Melbourne ngày 12/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) tại chiến dịch vận động tranh cử ở Melbourne ngày 12/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong chương trình tranh cử của mình, đảng Tự do nhấn mạnh vào các mục tiêu phát triển kinh tế, với cam kết tiếp tục duy trì một nền kinh tế mạnh và các mục tiêu cụ thể như tạo thêm 1,25 triệu việc làm trong 5 năm tới, duy trì thặng dư ngân sách và trả hết nợ quốc gia, giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, tăng đầu tư vào giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng và bảo đảm an toàn cho người dân và an ninh biên giới.

Tình hình kinh tế đất nước tương đối thuận lợi trong thời gian qua là cơ sở để chính phủ của ông Morrison nuôi hy vọng giành thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Morrison đã tập trung thời gian và nỗ lực cho chiến dịch vận động tranh cử, luôn đề cao “năng lực” quản lý kinh tế của chính phủ liên đảng cầm quyền và nhấn mạnh phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục cơ bản cho người dân.

Ông công kích Công đảng không biết quản lý kinh tế, chỉ muốn tăng thuế và “chi tiêu vô tội vạ,” sẽ sớm đưa nền kinh tế đất nước rơi vào cảnh thâm hụt, nợ nần.

Về phần mình, Công đảng đối lập dưới sự lãnh đạo của ông Bill Shorten cũng hết sức nỗ lực cho cuộc bầu cử liên bang. Trong thời gian qua, ông Bill Shorten đã chứng tỏ được khả năng lãnh đạo và duy trì sự đoàn kết trong đảng. Cuộc bầu cử lần này là cơ hội thuận lợi để Công đảng quay trở lại nắm quyền lãnh đạo đất nước kể từ năm 2013.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Bill Shorten. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo Công đảng đối lập Bill Shorten. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với khẩu hiệu “công bằng cho mọi người,” nhất là tầng lớp trung lưu người lao động Australia, chương trình tranh cử của Công đảng đặt ra các mục tiêu chi tiêu lớn cho giáo dục, y tế, tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân trong khi vẫn cam kết thặng dư ngân sách, đặc biệt là tiến tới sử dụng 50% năng lượng tái tạo vào năm 2030 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực y tế, Công đảng đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ cắt giảm chi phí y tế cho bệnh nhân ung thư, đầu tư thêm giường bệnh, tăng số lượng bác sĩ và y tá để giảm thời gian chờ đợi để được khám chữa bệnh và tăng cường thiết bị, máy móc y tế cho các khu vực nông thôn.

Về giáo dục, Công đảng đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc tăng ngân sách cho các trường phổ thông để có thêm giáo viên và nguồn lực cần thiết, cung cấp hai năm giáo dục mầm non miễn phí cho trẻ em 3 và 4 tuổi, và tăng số lượng sinh viên đại học.

Cuộc bầu cử lần này là cơ hội thuận lợi để Công đảng quay trở lại nắm quyền lãnh đạo đất nước kể từ năm 2013. 

Trong các buổi vận động tranh cử, ông Bill Shorten còn tuyên bố một trong những ưu tiên hàng đầu của ông nếu như thắng cử là tăng lương cho 2,3 triệu người lao động.

Ông kêu gọi đã đến lúc Australia cần “thay đổi thực sự” và cam kết bảo đảm ổn định chính trị cho đất nước nếu Công đảng được quyền thành lập chính phủ.

Ông Bill Shorten tuyên bố một trong những ưu tiên hàng đầu của ông nếu như thắng cử là tăng lương cho 2,3 triệu người lao động. (Nguồn: AP)
Ông Bill Shorten tuyên bố một trong những ưu tiên hàng đầu của ông nếu như thắng cử là tăng lương cho 2,3 triệu người lao động. (Nguồn: AP)

Nhà lãnh đạo Công đảng còn tập trung chỉ trích đảng Tự do cầm quyền ở hai vấn đề: thứ nhất là gây bất ổn chính trị, thứ hai là không có hành động cương quyết để đối phó với biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề được cử tri Australia quan tâm nhất hiện nay.

Kết quả thăm dò dư luận Newspoll công bố một tuần trước ngày bầu cử cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ liên đảng đã tăng lên 49/51.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước mắt cả bên trong lẫn bên ngoài và người dân đang phải chịu sức ép của giá cả sinh hoạt, dường như những mục tiêu chi tiêu lớn của Công đảng chưa thật sự thuyết phục được hoàn toàn sự ủng hộ của cử tri.

Hai nhà lãnh đạo Scott Morrison và Bill Shorten đều đồng ý với nhau ở một điểm: cuộc bầu cử lần này quá sít sao và khó có thể dự báo trước điều gì.

Trong khi đó, thông điệp về “tài quản lý kinh tế” của liên đảng cầm quyền trong suốt thời gian vận động tranh cử đã mang lại kết quả nhất định. Chính vì vậy, đến thời điểm này, mặc dù có rất nhiều điểm khác biệt căn bản trong chương trình nghị sự tranh cử, hai nhà lãnh đạo Scott Morrison và Bill Shorten đều đồng ý với nhau ở một điểm: cuộc bầu cử lần này quá sít sao và khó có thể dự báo trước điều gì.

Thay vì dự đoán một chiến thắng vang dội cho Công đảng như lúc đầu, giới phân tích đã đưa ra hai khả năng chiến thắng cho Công đảng. Khả năng thứ nhất là Công đảng giành chiến thắng đa số phiếu tối thiểu.

Khả năng thứ hai là Công đảng không giành đủ đa số phiếu, phải thỏa thuận với một đảng nhỏ và các nghị sĩ độc lập để thành lập một chính phủ thiểu số.

Tuy nhiên, cũng chưa có ai dám loại trừ khả năng thứ ba là đảng Tự do giành đa số phiếu tối thiểu để có nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba liên tiếp.