Bê bối hối lộ của Samsung

samsung-1492772978-20.jpg

Jay Y. Lee, người thừa kế một trong những đế chế công ty lớn nhất thế giới, đã nối gót người cha nổi tiếng của mình. Ông phụ trách những hoạt động kinh doanh quan trọng. Ông thân thiết với tổng thống nước mình. Ông đưa ra những ý tưởng mới.

Thế rồi, cũng giống như cha mình, ông bị buộc tội phá luật.

Ông Lee, lãnh đạo trên thực tế của tập đoàn Samsung nổi tiếng Hàn Quốc, vừa qua đã bị truy tố với tội danh hối lộ, sau khi bị buộc tội tham gia một vụ bê bối chính trị làm rung chuyển nước nhà. Hình ảnh một người đại diện cho trụ cột của ngành công nghiệp, hai tay tra vào còng, được cảnh sát hộ tống từ nhà tù ra gặp các công tố viên gửi đến một thông điệp gây sốc với cả công chúng đang trong trạng thái rã rời: Trật tự kinh tế hậu chiến của Hàn Quốc đang bị đe dọa.

Samsung đã từng trải qua chuyện này trước đây. Từ những năm 1960, khi công ty bị phát hiện buôn lậu chất làm ngọt nhân tạo, các lãnh đạo công ty đã thoát khỏi rắc rối chỉ với những hậu quả nhỏ. Đã hai lần cha của ông Lee thoát cảnh tù tội nhờ nỗi lo của một tổng thống Hàn Quốc rằng bất kỳ điều gì gây tổn hại cho Samsung cũng sẽ gây tổn hại cho một cỗ máy kinh tế đã kéo hàng triệu người đứng dậy từ đống tro tàn của chiến tranh.

Suy nghĩ về việc ông Lee ở trong tù đã làm dấy lên một viễn cảnh không ngừng trêu ngươi nhiều người Hàn Quốc: Lần này có thể sẽ khác.

Những bất ổn chính trị tại Hàn Quốc có thể dẫn đến sự ra đời của một nhóm mới gồm các nhà lãnh đạo ít nghiêng về hướng cư xử cho vừa lòng những doanh nghiệp khổng lồ. Công chúng đang ngày càng phát ngán với tội phạm cổ cồn trắng. Hơn nữa, sự kết hợp độc nhất giữa kinh doanh, chính trị và quản lý phân cấp từ trên xuống của Hàn Quốc đang ngày càng trở nên khó đứng vững trong một kỷ nguyên hiện đại của sự đổi mới, bất mãn của công chúng với trật tự cũ và sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới.

Vụ bê bối nổi lên đe dọa sẽ làm lung lay chính phủ Hàn Quốc và dẫn đến những động thái cứng rắn hơn với những doanh nghiệp lớn ở đây.

Ông Lee và các phụ tá cấp cao bị buộc tội hối lộ để củng cố quyền kiểm soát của gia đình với đế chế Samsung – một lời buộc tội mà, nếu được chứng minh là thật, sẽ càng khẳng định niềm tin của dư luận rằng giới tinh hoa doanh nghiệp của quốc gia chỉ nỗ lực vì lợi ích của chính bản thân họ. Vụ bê bối nổi lên đe dọa sẽ làm lung lay chính phủ Hàn Quốc và dẫn đến những động thái cứng rắn hơn với những doanh nghiệp lớn ở đây.

Các công tố viên cũng đã truy tố một nhóm các giám đốc điều hành có nhiệm vụ củng cố sự kiểm soát của ông Lee với đế chế hùng mạnh này – một nhóm người mà các nhà phê bình xem như hình ảnh thu nhỏ của việc văn hóa doanh nghiệp của quốc gia đã đi chệch hướng như thế nào.

Hàn Quốc đang bắt đầu phải đối mặt với câu chuyện về quyền lực công ty và âm mưu gia đình. Nó bao gồm một người đứng đầu gia đình bệnh tật một cách bí ẩn, một người bạn tâm tình giống Rasputin của tổng thống, một văn phòng Samsung ma quái từng biến mất rồi lại xuất hiện, và một vụ hối lộ dưới hình thức một con ngựa.

Nhưng nó cũng bao gồm nhận thức ngày càng tăng rằng, để cạnh tranh, Samsung và Hàn Quốc như một tổng thể phải nghiên cứu thật kỹ cách họ làm ăn.

“Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội này để cắt đứt những quan hệ tham nhũng giữa chính trị và các doanh nghiệp,” Moon Jae-in, một nhà lập pháp kiêm lãnh đạo phe đối lập đang được ủng hộ để trở thành tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc. “Chỉ khi Samsung hối lỗi vì sự thông đồng với chính trị và những hoạt động chống thị trường của mình, như tìm kiếm những sự ủng hộ chính trị, thì nó mới trở nên mạnh mẽ hơn được.”

Lãnh đạo Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong (giữa) tới Văn phòng công tố ở Seoul để trả lời thẩm vấn ngày 22/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong (giữa) tới Văn phòng công tố ở Seoul để trả lời thẩm vấn ngày 22/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự trỗi dậy của một đế chế

Cũng giống như quê nhà của mình, Samsung là một gã khổng lồ đang trong quá trình chuyển đổi. Tập đoàn này là một trong những nhà sản xuất tivi và điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, một nhà cung cấp chính các linh kiện bên trong cho iPhone của Apple, và sản xuất những sản phẩm đa dạng từ tàu chở hàng tới thẻ tín dụng. Doanh số từ các công ty của tập đoàn cộng lại ước tính lên đến 262 tỷ USD. Một mình Samsung đóng góp một phần năm giá trị xuất khẩu của quốc gia.

Tất cả những thành tựu đó đang phải chịu áp lực lớn. Thất bại khét tiếng của chiếc điện thoại thông minh Galaxy Note 7 dễ cháy đã để lại một vết nhơ trong lịch sử công ty. Những đối thủ Trung Quốc đang sản xuất những mẫu điện thoại, tivi và đồ gia dụng rẻ hơn – và ngày càng tinh tế hơn. Ngành đóng tàu của công ty cũng đang cắt giảm việc làm. Chính quyền Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh tay cho các công ty sản xuất vi mạch và bộ nhớ. Vụ bê bối sẽ trì hoãn những nỗ lực dài hạn để giải quyết những vấn đề này.

Ông Lee vẫn có thể thoát khỏi vụ này một cách êm thấm. Ông lập luận rằng mình không hề đưa hối lộ và thay vào đó, ông là nạn nhân của một vụ tống tiền. Trong một tuyên bố, Samsung nói rằng công ty không đưa hối lộ cũng chẳng tìm kiếm sự ưu ái, và rằng sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng tại tòa án.

Nhưng những rắc rối của ông Lee – ông đã bị bắt, một điều chưa từng có tiền lệ với người đứng đầu công ty lớn nhất Hàn Quốc, trước khi bị truy tố – là một cơn choáng váng với những người cho rằng Samsung có thể một lần nữa nhờ cậy đến những mối quan hệ chính trị.

Samsung, cái tên có nghĩa là “ba ngôi sao” trong tiếng Hàn Quốc, đã từ lâu được hưởng sự thịnh vượng từ chính trị. Được ông nội của ông Lee thành lập với tư cách một nhà buôn đánh cá và sản xuất nhỏ năm 1938, công ty đã mở rộng sang các ngành kinh doanh khác sau Chiến tranh Triều Tiên, bao gồm dệt may, sản xuất đường và rượu – và sau đó vào năm 1969 là điện tử.

Sự bành trướng này, ở nhiều khía cạnh, được chính phủ tài trợ. Nhà độc tài quân sự Park Chung-hee muốn biến Hàn Quốc thành một quốc gia có thể sản xuất những thứ nó cần và xuất khẩu phần còn lại. Đồng thời, ông Park và những người kế vị của ông cũng đối mặt với những áp lực từ quần chúng đang vật lộn để trở nên cứng rắn hơn với những doanh nghiệp được xem như đang hưởng lợi từ những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của chính phủ.

Hai bên đã đi đến một sự thỏa hiệp. Ông Park đã cho phép ông nội của ông Lee và lãnh đạo các doanh nghiệp khác giữ tài sản của họ. Đổi lại, ông kêu gọi họ đầu tư cho sự phát triển kinh tế của quốc gia và chống lưng cho nỗ lực biến Hàn Quốc thành một cường quốc xuất khẩu của ông. Để giúp đỡ, ông tiếp tế cho họ những khoản vay ngân hàng giá rẻ, những chính sách “mua hàng Hàn Quốc” đầy lợi ích và những khuyến khích khác.

Các tập đoàn này được gọi là chaebol, hay “gia tộc giàu có” trong tiếng Hàn, và họ thống trị đời sống kinh tế của Hàn Quốc tới tận ngày nay.

Quan hệ đối tác doanh nghiệp-chính phủ này đã giúp những lãnh đạo doanh nghiệp giàu có cùng gia đình của họ bóp nghẹt những công ty nhỏ hơn và những đối thủ cạnh tranh quốc tế. Các tập đoàn này được gọi là chaebol, hay “gia tộc giàu có” trong tiếng Hàn, và họ thống trị đời sống kinh tế của Hàn Quốc tới tận ngày nay. Theo ước tính của các nhà phân tích, 10 chaebol hàng đầu quốc gia tạo ra doanh thu hàng năm tổng cộng bằng 80% tổng sản lượng kinh tế của Hàn Quốc.

“Với Hàn Quốc, chaebol có hai mặt,” Kim Sang-jo, một nhà kinh tế học thuộc đại học Hansung ở Seoul kiêm một tác giả viết về Samsung cho biết. “Một mặt, chaebol tượng trưng cho những quan hệ tham nhũng giữa doanh nghiệp và chính trị, vì thế mọi người kêu gọi cải cách chaebol. Mặt khác, nền kinh tế phụ thuộc vào các chaebol nhiều đến nỗi người ta lo sợ rằng đối xử quá nặng tay sẽ khiến họ sụp đổ.”

Ông nói thêm, “Người dân Hàn Quốc chưa bao giờ có cơ hội tìm hiểu cách một công ty toàn cấu hóa hiện đại cần được điều hành như thế nào.”

Cha của Jay Y. Lee, Lee Kun-hee đã trở thành chủ tịch của Samsung sau khi cha ông là Lee Byung-chull qua đời năm 1987. Ngay lập tức, ông phải đối mặt với một thách thức: Nền kinh tế Hàn Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế thành công nhất châu Á, nhưng ở nước ngoài, những sản phẩm Hàn Quốc vẫn bị xem là rẻ tiền và không đáng tin cậy.

Trong một động thái mà bây giờ đã trở thành một phần trong truyền thuyết nội bộ của Samsung, Lee Kun-hee đã nói với các giám đốc điều hành (hầu hết là nam giới) hãy “thay đổi mọi thứ trừ vợ con của các anh” và nỗ lực để cải thiện chất lượng của Samsung. Ông đã đưa các chuyên gia nước ngoài vào công ty. Khi một lô hàng điện thoại bị phát hiện có khiếm khuyết vào năm 1995, ông đã cho chất đống hàng nghìn chiếc điện thoại đó tại một trong số các nhà máy của Samsung rồi châm lửa đốt. Những nỗ lực đã có hiệu quả. Ngày nay, Samsung là một trong số không nhiều những nhà sản xuất đồ điện tử có thể ra giá cao cho các sản phẩm tivi, điện thoại thông minh và đồ gia dụng nhà bếp cao cấp của mình.

Nhưng Samsung cũng thấy mình liên tục vướng vào một số vụ bê bối tham nhũng lớn nhất Hàn Quốc. Lee Kun-hee đã hai lần bị kết án, đầu tiên là do hối lộ và sau đó là do trốn thuế. Mỗi lần như vậy, ông lại nhận một án tù treo và sau đó được tổng thống ân xá.

Năm 2014, Lee Kun-hee lên cơn đau tim và biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Samsung nói rằng ông không còn đủ sức lãnh đạo, nhưng không công bố thêm thông tin chi tiết nào. Thế nhưng, nhờ một nhóm các giám đốc điều hành và cố vấn quyền lực, sự kìm kẹp của nhà họ Lee với Samsung vẫn không hề bị thách thức.

Các công tố viên tại cuộc họp báo tuyên bố kết luận về vụ bê bối chính trị liên quan tới việc Tổng thống Park Geun-hye cấu kết với bạn thân Choi Soon-sil nhận hối lộ từ Samsung tại văn phòng công tố đặc biệt ở Seoul, Hàn Quốc ngày 6/3. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Các công tố viên tại cuộc họp báo tuyên bố kết luận về vụ bê bối chính trị liên quan tới việc Tổng thống Park Geun-hye cấu kết với bạn thân Choi Soon-sil nhận hối lộ từ Samsung tại văn phòng công tố đặc biệt ở Seoul, Hàn Quốc ngày 6/3. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Một thế hệ mới

Khi con trai của Lee Kun-hee là Jay Y. Lee lên nắm quyền đế chế của gia đình, ông ta không làm điều đó một mình.

Quyền sở hữu của nhà họ Lee ở rất nhiều công ty của Samsung không rõ ràng vì rất nhiều trong số đó không được giao dịch công khai, nhưng nhiều người tin rằng gia tộc này chỉ nắm một phần nhỏ cổ đông thiểu số. Thay vào đó, họ kiểm soát các công ty qua những giám đốc trung thành, cũng như qua những hợp đồng và cổ phần lồng nhau giữa các công ty và những mối liên kết mờ ám khác.

Tại Samsung, một số những giám đốc điều hành trung thành nhất là nhân viên của văn phòng chiến lược kinh doanh. Văn phòng này kết nối chủ tịch của Samsung với một loạt các giám đốc điều hành chuyên nghiệp vận hành hàng chục công ty con của Samsung, với tổng cộng nửa triệu nhân viên trên toàn cầu. Nhưng văn phòng này có một vai trò ít được công khai hơn: Nó hoạt động để cho phép nhà họ Lee thiết lập sự chuyển giao quyền kiểm soát lên bộ máy quản lý của Samsung.

Ông Lee, một người lịch thiệp và giản dị trái ngược với sự xa cách của cha mình, với chức danh phó chủ tịch Samsung, có vẻ ngoài của một lãnh đạo muốn đưa Samsung tiến vào thời kỳ hiện đại. Mặc dù bộ phận hàng điện tử của Samsung đã sản xuất ra những phần cứng tiên tiến, nhưng nó đã bỏ lỡ phần lớn cuộc bùng nổ ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến. Ông cũng tin rằng văn hóa công ty cứng nhắc của Samsung đang kìm chân sự đổi mới.

Ông Lee, một người lịch thiệp và giản dị trái ngược với sự xa cách của cha mình, có vẻ ngoài của một lãnh đạo muốn đưa Samsung tiến vào thời kỳ hiện đại.

Theo một vài cách, dưới thời của ông Lee, Samsung đã bắt đầu thả lỏng. Ông đã bắt đầu một chiến dịch không khuyến khích các quản lý sử dụng ngôn ngữ khắc nghiệt với người dưới, một hiện tượng phổ biến trong các văn phòng ở Hàn Quốc. Ông cũng cam kết cắt giảm các cuộc họp và giờ làm việc, khuyến khích người lao động thách thức các ông chủ của họ, và cấm nhân viên gọi nhau bằng chức danh phân cấp – một chuẩn mực trong thế giới doanh nghiệp Hàn Quốc. Sáng kiến được công ty hết sức quảng bá được gọi là Khởi động Samsung.

Nhưng các nhà phê bình vẫn nhìn thấy một cách tiếp cận từ trên xuống. Ví dụ, công ty đã tuyên bố chương trình Khởi động Samsung với cam kết phối hợp từ các giám đốc cấp cao.

Một số nhân viên và cựu nhân viên lên tiếng với điều kiện giấu tên vì sợ mất việc làm cho biết áp lực từ cấp trên chỉ trở nên tồi tệ hơn dưới thời ông Lee. Ngành kinh doanh điện thoại của Samsung – hiện đang mất thị phần ở Trung Quốc và nhiều nơi khác do những sản phẩm giá rẻ và ngày càng tinh tế do Huawei và OnePlus sản xuất – đã giành được lợi thế trước Apple ở phân khúc tầm cao của thị trường điện thoại thông minh. Hy vọng vốn hóa, các giám đốc của Samsung đã vội vã đưa chiếc điện thoại mạnh nhất của mình, Galaxy Note 7 ra thị trường trước khi Apple giới thiệu iPhone 7.

Kết quả là một thảm họa. Đầu tiên, một vài chiếc Note 7 bốc cháy. Rồi, sau một đợt thu hồi đáng xấu hổ và tốn kém, một số phiên bản mới cũng bốc cháy. Trong một động thái bất thường, Samsung đã thu hồi toàn bộ điện thoại khỏi thị trường và hủy bỏ chúng. Kim Sang-jo, nhà kinh tế học của đại học Hansung, và các chuyên gia bên ngoài cho rằng thất bại của Note 7 là do ông Lee và văn phòng chiến lược kinh doanh, rằng họ đã thúc đẩy những mục tiêu lớn mà không lắng nghe những quản lý cấp dưới.

Cùng lúc đó, văn phòng chiến lược kinh doanh của công ty phải đứng mũi chịu sào cho một động thái khác, một thỏa thuận sẽ tăng cường quyền nắm giữ của gia tộc với Samsung – cũng là thỏa thuận sẽ nuốt chửng nó trong một vụ bê bối.

Sự hỗn loạn ở cấp cao

Theo đề nghị của văn phòng, Samsung đã thúc đẩy việc sáp nhập hai đơn vị của mình là Tập đoàn công nghiệp Cheil và Samsung C&T. Nhiều cổ đông bên ngoài đã phản đối động thái này vì nó sẽ càng củng cố quyền kiểm soát của ông Lee với toàn bộ tập đoàn.

Cái khó ở đây là xin được chính phủ phê duyệt – và theo các công tố viên, để làm được điều đó, ông Lee cùng văn phòng chiến lược kinh doanh đã phạm luật.

Các công tố viên cho biết ông Lee đã gặp mặt tổng thống Park Geun-hye ba lần trong nỗ lực tạo sự vững chắc cho thương vụ và dọn đường cho ông Lee vươn tới quyền lực. Đổi lại, bà Park, người vừa bị luận tội, đã yêu cầu ông Lee hỗ trợ hai quỹ do người bạn thân của bà là Choi Soon-sil kiểm soát. Theo các công tố viên, ông Lee và các thành viên văn phòng chiến lược kinh doanh của Samsung đã trao cho các quỹ và công ty có liên hệ với bà Choi là 38 triệu USD. Những đóng góp của Samsung cho bà Choi bao gồm một chú ngựa giá 900.000 USD cho cô con gái mê cưỡi ngựa của bà.

Quỹ hưu trí quốc gia, một cổ đông lớn của hai công ty thuộc Samsung đã phê duyệt thương vụ này. Theo các công tố viên, vụ sáp nhập hoàn chỉnh đã làm tăng giá cổ phiếu của dòng họ Lee lên ít nhất 758 triệu USD. Quỹ hưu trí của quốc gia đã tổn thất ít nhất 123 triệu USD cho thương vụ này.

Trong một tuyên bố, Samsung cho biết các cổ đông của cả hai công ty đã phê duyệt thỏa thuận trước khi thực hiện bất kỳ quyên góp nào. Nhưng tuyên bố cũng nói rằng công ty đã đưa ra những biện pháp quản lý các khoản quyên góp, bao gồm công khai thông tin nhiều hơn với công chúng và thực hiện nhiều đánh giá của các quản lý điều hành và giám đốc hơn.

Quan hệ của bà Choi với bà Park đã châm ngòi cho một vụ bê bối toàn quốc hồi năm ngoái. Bà Choi, người không có chức danh chính thức nào trong chính phủ, được cho là đã tham gia viết các bài phát biểu của bà Park, lựa chọn các quan chức chính phủ cấp cao và thậm chí là chọn cả quần áo cho bà. Khi vụ bê bối này vỡ lở, những cáo buộc hối lộ đã thu hút sự chú ý của các công tố viên.

Một người biểu tình cầm hình bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Hàn Quốc, Jay Y. Lee, đồng phó chủ tịch Samsung Electronics Co., Chung Mong Koo, chủ tịch Hyundai Motor Co., Chey Tae-won, chủ tịch SK Holdings Co., Koo Bon-moo, chủ tịch kiêm tổng giám đốc LG Corp., và Shin Dong-bin, chủ tịch Lotte Group tại Seoul vào ngày 18/1/2017 (Ảnh: Getty Images)
Một người biểu tình cầm hình bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Hàn Quốc, Jay Y. Lee, đồng phó chủ tịch Samsung Electronics Co., Chung Mong Koo, chủ tịch Hyundai Motor Co., Chey Tae-won, chủ tịch SK Holdings Co., Koo Bon-moo, chủ tịch kiêm tổng giám đốc LG Corp., và Shin Dong-bin, chủ tịch Lotte Group tại Seoul vào ngày 18/1/2017 (Ảnh: Getty Images)

Với nhiều người Hàn Quốc, vụ bê bối vẫn để lại dư âm. Bà Park, người có thể sẽ sớm bị phế truất, là con gái của nhà độc tài đã cho gia đình của ông Lee sự ủng hộ cần thiết để biến Samsung thành một công ty khổng lồ như ngày nay. Suy nghĩ của nhiều người hiện nay là các lãnh đạo chaebol đang làm hại đất nước nhiều hơn là giúp đỡ.

Những người khác nói rằng văn hóa công ty đã trở nên khắt khe hơn từ khi cha ông Lee không còn nắm quyền và những áp lực phải làm tốt dưới thời ông Lee cũng tăng lên.

“Họ đã quên tinh thần kinh doanh của cha ông mình, và chọn cách kiếm tiền dễ dàng, “ ông Moon, lãnh đạo đảng đối lập nói về ông Lee và các lãnh đạo chaebol đời thứ ba khác.

Bị bê bối bủa vây, Samsung đã đóng cửa văn phòng chiến lược kinh doanh. Những ý kiến hoài nghi chỉ ra rằng Samsung cũng từng làm vậy trước đây. Cha của ông Lee đã giải tán văn phòng khi gặp rắc rối pháp lý, và chỉ mở lại nó sau khi những rắc rối được giải quyết. Chức năng của văn phòng này có thể được hòa nhập dễ dàng với một bộ phận khác của đế chế.

“Nhiệm vụ bây giờ là cứu Jay Y. Lee,” Chang Sea-jin, một giáo sư tại Đại học quốc gia Singapore cho biết. “Nó giống kiểu ‘Giải cứu binh nhì Ryan’ vậy.”

Sự giận dữ của công chúng về sự thông đồng giữa các công ty và chính phủ chưa bao giờ lớn hơn bây giờ, với nhiều cuộc biểu tình nổ ra trong năm.

Trong một tuyên bố, Samsung cho biết các công ty thành viên sẽ được quản lý độc lập bởi các giám đốc điều hành của mình.

Nhưng cũng có lý do để tin rằng lần này sẽ khác.

Ông Lee đã bị trừng phạt nhiều hơn cha mình, người chưa bao giờ phải ngồi tù. Vụ án này cũng dính líu đến tổng thống Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng thân doanh nghiệp của bà giảm mạnh, nghĩa là sự bảo vệ chính trị từ cấp cao sẽ khó xảy ra. Và sự giận dữ của công chúng về sự thông đồng giữa các công ty và chính phủ chưa bao giờ lớn hơn bây giờ, với nhiều cuộc biểu tình nổ ra trong năm.

Không rõ liệu có ai đó sẽ đứng ra dẫn dắt Samsung hay không. Lee Boo-jin, em gái ông Lee và cũng là người phụ nữ giàu nhất Hàn Quốc đang điều hành công ty liên kết của Samsung là khách sạn Shilla, cùng nhiều cửa hàng miễn thuế. Giờ đây khi anh trai ngồi tù, một số nhà phân tích dự đoán rằng bà có thể sẽ tìm cách tăng cường hình ảnh của mình trong đế chế công ty rộng lớn này. Nhưng hầu hết các nhà phân tích nói rằng hệ thống phân cấp phức tạp của Samsung đã bị thống trị bởi những giám đốc điều hành trung thành với ông Lee.

Trong khi các nhà phân tích cảnh báo rằng sẽ không có điều gì thay đổi ngay lập tức, Samsung chắc chắn sẽ phải đối mặt với một mức độ áp lực và giám sát mới.

“Điều cần nói về Samsung là, đó là một cuộn len khổng lồ của những quan hệ liên sở hữu rối rắm,” Geoffrey Cain, tác giả cuốn sách sắp xuất bản về Samsung cho hay. “Bối cảnh phức tạp đến nỗi đôi khi tôi tự hỏi liệu một nhóm những người thông minh có thể tìm ra một cách để lôi kéo mối liên hệ thích hợp và một cách để nới lỏng nó, tháo gỡ nó một chút, chỉ để xem xem họ có thể lôi nó ra khỏi công ty hay không.”

Ông nói thêm, “Chuyện đó chưa bao giờ xảy ra ở Hàn Quốc.”

Trụ sở của Tập đoàn Samsung Electronics ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở của Tập đoàn Samsung Electronics ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)