Bế tắc thương mại Mỹ-Trung

Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế “đáng kể” đối với hàng hóa Trung Quốc, và tuyên bố của Trung Quốc, rằng Bắc Kinh sẽ ngay lập tức đáp trả kiên quyết nhất trước những biện pháp bảo hộ đơn phương gây tổn hại lợi ích của mình, lại khiến “vòng xoáy” căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nóng trở lại.

Nhà Trắng dự kiến trong ngày 15/6 công bố danh sách các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD bị áp mức thuế 25%. Danh sách này sẽ bao gồm 800 danh mục sản phẩm, giảm so với 1.300 danh mục mà Tổng thống Trump đề xuất hồi tháng 4 vừa qua. Nhà Trắng cho biết quyết định trên sẽ được triển khai ngay sau khi danh sách sản phẩm trên được công bố chính thức, song chưa nêu rõ thời điểm.

Ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng Mỹ có thể giải quyết các vấn đề nhạy cảm một cách “cẩn trọng và thích đáng”

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bộ động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được sau các vòng tham vấn thương mại mới đây, đồng thời khẳng định Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Thông báo trên được đưa ra một tuần sau khi vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc với một số tiến bộ, trong đó Trung Quốc khẳng định sẵn sàng tăng nhập khẩu từ Mỹ và giảm căng thẳng thương mại trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ rõ kết quả của vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ dựa trên điều kiện tiên quyết rằng hai bên cần thỏa hiệp lẫn nhau và không khơi mào một cuộc chiến thương mại. Thông điệp này đã được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang ở thăm Trung Quốc tối 14/6.

Ông Tập Cận Bình nói rằng ông hy vọng Mỹ có thể giải quyết các vấn đề nhạy cảm một cách “cẩn trọng và thích đáng” để tránh “sự xáo trộn lớn” với quan hệ Mỹ-Trung.

(Nguồn: CFO)
(Nguồn: CFO)

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Mỹ vẫn quyết định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc cho thấy ông Trump quyết tâm thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.

Chuyên gia Dennis Wilder, người đứng đầu chương trình về quan hệ Mỹ-Trung của Đại học Georgetown, nhận định đây là một quá trình thương lượng, trong đó chính quyền Tổng thống Trump cho rằng việc tiếp tục gây áp lực với Bắc Kinh sẽ giúp Washington có thể nhận lại được những đề nghị tốt hơn. Theo một số nguồn tin, tại vòng tham vấn thương mại hồi đầu tháng 6 này, phái đoàn Mỹ trở về Washington với đề xuất của phía Trung Quốc về việc nhập thêm lượng hàng hóa có tổng trị giá gần 70 tỷ USD từ Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất này có vẻ chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Đặc biệt, sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6 vừa qua, dường như Washington đang “tự tin” hơn trong cuộc thương lượng với Trung Quốc, khi vai trò trung gian của Bắc Kinh đã không còn sức nặng như trước, bởi Washington và Bình Nhưỡng đã đạt được bước tiến trong việc thiết lập liên lạc chính thức. Khi đó, Mỹ có thể gây áp lực mạnh hơn với Trung Quốc mà không cần e ngại.

Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Nicholas Lardy thì cho rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang rơi vào “hỗn độn” khi giới chức Trung Quốc không chắc chắn được về mục đích thực sự của Tổng thống Trump.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang có xu hướng ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực

Thông báo mới của Nhà Trắng được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Mỹ vừa mới nhất trí nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Washington, theo đó giúp Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc tránh được nguy cơ phá sản. Tháng trước, Nhà Trắng cũng xác nhận chấm dứt đối đầu thương mại với Trung Quốc, chỉ vài tuần trước khi tuyên bố sẽ áp thuế thương mại với Bắc Kinh.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, vốn đã đạt mức cao kỷ lục trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, đang có xu hướng ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong năm 2018. Thực tế khó khăn này buộc Tổng thống Trump phải trông cậy vào chính sách đánh thuế cao để giải quyết một vấn đề khó khăn mà ông đã cam kết với cử tri Mỹ.

Sự phản đối từ các nghị sỹ của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đối với quyết định của Nhà Trắng giảm mức trừng phạt với công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc, đã bộc lộ những mâu thuẫn trên chính trường Mỹ về cách “ứng xử” với đối thủ Trung Quốc trong vấn đề thương mại.

Biểu tượng ZTE tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Biểu tượng ZTE tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc Tổng thống Trump tăng cường áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể để phản ứng với những chỉ trích rằng Chính quyền Mỹ đã quá nhượng bộ với những đối thủ như Bắc Kinh, trong khi lại “mạnh tay” với các đồng minh chủ chốt, như tăng thuế nhôm và thép nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU), Canada hay Nhật Bản.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định con số hàng chục tỷ USD mà Washington định áp thuế với Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với quy mô của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó hạn chế năng lực của Mỹ trong việc buộc Trung Quốc nhượng bộ theo mong muốn của Tổng thống Trump.

Mặt khác, một số chuyên gia khác lo ngại về những thông điệp của quyết định này, cũng như những tác động tiêu cực đối với kinh tế thế giới. Chính quyền Tổng thống Trump đang đối mặt cùng lúc với những mục tiêu đầy thách thức như việc theo đuổi thỏa thuận với Triều Tiên, trong khi thúc đẩy sự nhượng bộ toàn diện về kinh tế từ Trung Quốc. Nếu Mỹ mạnh tay áp thuế, điều này có thể khiến Trung Quốc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.

Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ Derek Scissors đánh giá Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc thay đổi hoàn toàn và hành động áp thuế đối với Bắc Kinh sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp nào.

Hành động Mỹ áp thuế đối với Bắc Kinh sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp nào (Chuyên gia Derek Scissors)

Trên thực tế, do bản chất hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau, nên không có nhiều cách thức để Mỹ “trừng phạt” Trung Quốc mà không gây tổn thương cho chính Mỹ. Nếu Washington áp đặt các biện pháp thuế mới, Bắc Kinh được cho là sẽ đáp trả bằng các dòng thuế nhằm vào hàng nhập khẩu Mỹ, bao gồm đậu nành, ôtô, hóa chất và máy bay.

Cho đến nay, chính sách áp thuế của Mỹ vẫn chưa ghi nhận được những biến chuyển từ Trung Quốc, bởi vậy đây có vẻ không phải cách tiếp cận hiệu quả nhất cho vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Chuyên gia về Trung Quốc Ryan Hass của Viện nghiên cứu Brookings khẳng định việc thực hiện chính sách bảo hộ đơn phương và kỳ vọng vào sự nhượng bộ lớn từ Bắc Kinh sẽ không phải là chiến lược thông minh để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc.

Theo chuyên gia này, cả hai bên vẫn có những mục tiêu mà không xung đột về lợi ích. Mỹ cần cho thấy sự tiến triển trong cân bằng quan hệ kinh tế Mỹ-Trung bằng cách mở rộng xuất khẩu và tạo việc làm tại Mỹ, trong khi Trung Quốc cần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng nội địa và các dịch vụ bền vững hơn nhằm tiếp tục thúc đẩy sản phẩm của Trung Quốc vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, cả Mỹ và Trung Quốc cần mở ra không gian cho các cuộc đàm phán thương mại để tìm ra giải pháp có thể hỗ trợ cho mục tiêu của mỗi bên./.

Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) nhận định Washington và Bắc Kinh nên tận dụng các cơ chế song phương trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) nhận định Washington và Bắc Kinh nên tận dụng các cơ chế song phương trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. (Nguồn: THX/TTXVN)