Bộ đội đặc công

daccong1-1493435592-12.jpg

Với các tiêu chí “đi không tiếng, về không tăm”, “luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng” và cách đánh: “từ trong đánh ra”, “đánh nở hoa trong lòng địch”, bộ đội đặc công trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù, là niềm tự hào của quân và dân ta.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, bộ đội đặc công đã chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, lập được nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bộ đội đặc công đánh trận then chốt trong chiến dịch Tây Nguyên

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng lực lượng chủ lực mạnh (một quân đoàn tăng cường) mở Chiến dịch Tây Nguyên, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và toàn bộ địa bàn chiến lược Tây Nguyên, thực hiện chia cắt, tạo thế chiến lược…

Thị xã Buôn Ma Thuột được chọn làm mục tiêu chủ yếu, đồng thời là trận then chốt mở màn chiến dịch. Nhiệm vụ của các đơn vị đặc công là: luồn sâu, đánh chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng trên hướng chủ yếu ở Buôn Ma Thuột, nghi binh, kiềm chế, chia cắt địch ở Plây-cu, Kon Tum. Thực hiện nghi binh, tạo thế, từ ngày 4 đến ngày 9-3; tập kích sân bay Cù Hanh, khu kho Pty Crông, đánh chiếm và vây ép chi khu Đức Lập.

Các chiến sỹ đặc công miền Nam với lời thề quyết tử (Ảnh: Viettimes)
Các chiến sỹ đặc công miền Nam với lời thề quyết tử (Ảnh: Viettimes)

Từ ngày 4 đến 9/3, bộ đội ta tác chiến nghi binh tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trận theo chốt mở đầu chiến dịch, đêm ngày 8 rạng ngày 9, Tiểu đoàn Đặc công Sư đoàn 10 tiến hành luồn sâu vào mỏm B Đức Lập đồng loạt nổ súng; sau hai giờ chiến đấu đã làm chủ hoàn toàn mỏm B để chủ lực triển khai hỏa lực (pháo 85 mm) bắn thẳng vào chi khu Đức Lập, tạo điều kiện cho bộ binh đánh chiếm toàn bộ chi khu vào ngày 10/3.

Như vậy, ta đã cắm chốt trên Đường 14, làm chủ đoạn đường từ Đức Lập-đường 14B-Lộc Ninh và uy hiếp trực tiếp Buôn Ma Thuột từ hướng Tây Nam. Tiểu đoàn 3 hỏa lực ĐKB (Trung đoàn Đặc công 198) đưa pháo vào sát hàng rào sân bay Cù Hanh từ ngày 4-3, liên tục đánh phá sân bay, phá hủy nhiều máy bay, bom đạn, xăng dầu, làm tê liệt sân bay địch.

Trên hướng tiến công chủ yếu, đêm ngày 9, rạng ngày 10-3 các tiểu đoàn 4, 5, 27 của Trung đoàn Đặc công 198 bất ngờ, đồng loạt tiến công sân bay thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 44, căn cứ Trung đoàn 53 ngụy; sau khi tiến công, các đơn vị đã tổ chức chiếm giữ mục tiêu, kiên cường bám trụ đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, tạo bàn đạp thuận lợi cho binh chủng hợp thành tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trên hướng Plâyku, Kon Tum các tiểu đoàn 1, 2, 3 của Trung đoàn Đặc công 198 phối hợp với bộ binh tiến công Đắc Soong, sân bay Cù Hanh, trận địa xe tăng, kho tàng… thực hiện chia cắt địch chi viện cho Buôn Ma Thuột.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch; đồng thời bổ sung, phát triển lý luận về nghệ thuật tác chiến và sử dụng đặc công trong chiến dịch tiến công; tác chiến binh chủng hợp thành; sử dụng đặc công tiến công đồng loạt các mục tiêu chủ yếu, quan trọng trong các trận then chốt, quyết định và chiếm giữ mục tiêu… làm cơ sở cho chỉ đạo hoạt động tác chiến tiếp theo trên các chiến trường.

Một buổi luyện tập của Đoàn đặc công B29 - đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Một buổi luyện tập của Đoàn đặc công B29 – đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Lực lượng đặc công giải phóng quần đảo Trường Sa

Ngày 5/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng lực lượng đặc công và hải quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Hải quân điều gấp 4 tàu của Đoàn 125 và lực lượng đặc công của Đoàn Đặc công nước 126 từ Hải Phòng vào Đà Nẵng.

Ngày 11/4, lực lượng đặc công gồm Đội 4 Đoàn Đặc công nước 126, một phân đội của Tiểu đoàn 471 Quân khu 5, 1 phân đội của tỉnh Khánh Hòa dưới sự chỉ huy của đồng chí Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn Đặc công nước 126.

Ngày 14/4, Đội 4 (Đoàn 126) giải phóng đảo Song Tử Tây.

Tiếp theo, từ ngày 21/4 ta giải phóng đảo Côn Sơn, rồi Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang.

Ngày 29/4, ta giải phóng hoàn toàn các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ.

Lực lượng đặc công đánh chiếm giữ 14 cây cầu và một số mục tiêu quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm đánh bại toàn bộ lực lượng địch còn lại, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong chiến dịch này, đặc công được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ 14 cây cầu (Rạch Bà, Biên Hòa, Rạch Chiếc, Tân Cảng, Bình Phước, Tân An, Chợ Mới, cầu Sắt, cầu Bông, cầu Sáng, Bà Hom, Nhị Thiên Đường, cầu Ghềnh, Rạch Cát), 6 căn cứ án ngữ cửa ngõ Sài Gòn, bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm cảng Nhà Bè, chia cắt sông Lòng Tàu, tạo thuận lợi và bảo đảm đường cơ động cho bộ đội binh chủng hợp thành thần tốc tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong nội đô, hỗ trợ quần chúng nổi dậy.

Trên hướng Đông và Đông Nam, đặc công đánh căn cứ thiết giáp Hốc Bà Thức, làm chủ đoạn đường từ ngã ba Bửu Hòa đến cầu Hóa An, đánh chiếm và bảo vệ cầu Ghềnh cho chủ lực tiến vào Sài Gòn; đánh cảng Nhà Bè, đồn bảo an Phước Khánh, khống chế sông Lòng Tàu; đánh chiếm cầu Đồng Nai, chi khu quân sự Bến Gỗ, phà Cát Lái, cùng lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào nội đô, chiếm Dinh Độc lập, Đài phát thanh, Ngân hàng, Bộ Tư lệnh Hải quân…; đánh chiếm cầu Rạch Bà, ấp Long Xuyên, cảng Rạch Dừa, phối hợp Sư đoàn 3 tiến công thị xã Vũng Tàu; đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, cầu Tân Cảng, cùng chủ lực tiến vào nội đô.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội đặc công đã đánh 19.329 trận, phá huỷ 6.316 máy bay các loại, 11.494 xe quân sự, 2.161 khẩu pháo, đánh cháy, đánh chìm hàng nghìn tàu địch.

Trên hướng Tây và Tây Nam, đặc công đánh sân bay Tân Sơn Nhất, phối hợp với Trung đoàn 3 đánh chiếm, làm chủ toàn bộ khu vực Tân Tạo, sau đó phát triển đánh chiếm Trường đua Phú Thọ; tiến công Chiến đoàn 7 nguỵ, khu ra-đa Phú Lâm… cùng với Trung đoàn 24 đánh chiếm căn cứ Ký Thúc Ôn, cầu Nhị Thiên Đường… sau đó phát triển vào quận 8; đánh chiếm trại biệt kích Diên Hồng và chi khu Phú Thọ; đánh chiếm trụ sở quốc hội ngụy và một số mục tiêu khác; dẫn đường và cùng chủ lực đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, làm nòng cốt phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở một số khu vực.

Trên hướng Bắc và Tây Bắc, đặc công đánh chiếm các cầu Chợ Mới, Rạch Cát, bắn pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất…; tiến hành mở và bảo vệ cửa mở ở Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, sẵn sàng đón chủ lực vào đánh chiếm sân bay; đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng và Thành Quan Năm…; cơ động về hướng Bình Dương tiến công các vị trí địch co cụm trên đường số 8, đánh chiếm căn cứ Hải Thuyền, đồng thời truy quét tàn quân địch; đánh chiếm cầu Bình Phước, phối hợp với chủ lực tiến công Lữ đoàn kỵ binh 3 án ngữ từ cầu Bình Phước đến cầu Vĩnh Bình; đánh chiếm trung tâm điện toán, cùng chủ lực đánh chiếm khu Bộ Tổng Tham mưu…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội đặc công đã đánh 19.329 trận, phá huỷ 6.316 máy bay các loại, 11.494 xe quân sự, 2.161 khẩu pháo, đánh cháy, đánh chìm hàng nghìn tàu địch, tiêu huỷ và thu nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh của địch. Bộ đội đặc công đã trực tiếp tham gia hầu hết các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1972, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến dịch nào bộ đội đặc công cũng là những đội quân thiện chiến, tinh nhuệ và chủ lực.

Với những thành tích xuất sắc, những chiến công kỳ diệu, Binh chủng Đặc công đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 16 chữ vàng: “Đặc biệt tinh nhuệ/ Anh dũng tuyệt vời/ Mưu trí táo bạo/ Đánh hiểm thắng lớn.”

Ghi nhận công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ngày 21-4-2007, Binh chủng Đặc công đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta./.

Sáng 19/3/2017, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Binh chủng Đặc công (19/3/1967-19/3/2017) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)
Sáng 19/3/2017, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Binh chủng Đặc công (19/3/1967-19/3/2017) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)