BREXIT

brexit-1489992271-19.jpg

Quyết định của cử tri Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2016 đã đẩy khối này vào hỗn loạn. Nhưng ý nghĩa của nó đối với nước Anh có thể thậm chí còn sâu rộng hơn nữa, báo trước sự tan rã của Vương quốc Liên hiệp Anh. Thủ tướng Theresa May có thể kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu lịch trình 2 năm để đàm phán các điều khoản “ly dị” của Anh và EU.

Thủ tướng Anh nên biết rõ có vẻ gần như chắc chắn rằng Chính quyền Scotland sẽ phản ứng bằng cách kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về nền độc lập của Scotland. Kết quả cuối cùng có thể là một nước Scotland có chủ quyền sẽ lại tái xuất, hơn 300 năm sau khi các Đạo luật Liên hiệp (1706-1707) thống nhất lá cờ Scotland với lá cờ Anh.

Khi người Scotland từ chối độc lập với tỷ lệ 55-45% trong một cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 9/2014, phần lớn cho rằng vấn đề này sẽ bị quên lãng trong ít nhất một thế hệ. Cuộc bỏ phiếu Brexit gây sốc đã lật ngược kỳ vọng đó. Theo Thủ hiến có tư tưởng độc lập của Scotland Nicola Sturgeon, những người Scotland đã bỏ phiếu cho “liên hiệp” chưa đến 3 năm trước nghĩ rằng Vương quốc Liên hiệp sẽ vẫn nằm trong EU. Và trong cuộc bỏ phiếu Brexit gần đây hơn, đa số họ (62%) ủng hộ phe “Ở lại”. Trong bối cảnh thay đổi sâu sắc, người Scotland xứng đáng có cơ hội để cân nhắc lại quan hệ của họ với Vương quốc Liên hiệp Anh.

Thủ tướng May đã thúc đẩy phong trào độc lập của Scotland bằng việc nhấn mạnh  quá trình “Brexit cứng” khỏi EU.

Theo bà Sturgeon, kết quả Brexit đã cho thấy “một sự thiếu dân chủ rộng hơn bên trong nước Anh, nơi những quyết định về Scotland quá thường xuyên đi ngược lại ý muốn của người dân sống tại đó”. Đảng Dân tộc Scotland (SNP) của bà đã được tung hô bởi những bình luận của không ai khác ngoài cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người nói rằng Brexit khiến lập luận Scotland độc lập trở nên đáng tin hơn nhiều. Hồi tháng 10/2016, Chính quyền Scotland đã công bố một dự thảo luật (nếu được Quốc hội Scotland ở Holyrood thông qua) sẽ mở các cuộc tham khảo ý kiến để tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai.

Dù có chủ ý hay không, Thủ tướng May đã thúc đẩy phong trào độc lập của Scotland bằng việc nhấn mạnh  quá trình “Brexit cứng” khỏi EU. Các nghị sĩ Scotland trong Quốc hội Anh ở Westminster lo ngại sẽ đánh mất quyền tiếp cận thị trường chung của EU. Quả thực, thương mại giữa Vương quốc Liên hiệp Anh và Scotland (trị giá 49,8 tỷ bảng trong năm 2015) gấp 4 lần giá trị hàng hóa Scotland xuất khẩu sang phần còn lại của EU. Nhưng lợi ích của thị trường chung rất lớn – và nhiều người Scotland không sẵn sàng đẩy chúng vào rủi ro để đổi lấy những biện pháp hạn chế lớn hơn của Vương quốc Liên hiệp Anh về di cư.

Ngày 7/2/2017, Quốc hội Scotland đã bỏ phiếu với kết quả 90/34 ủng hộ một kiến nghị cho rằng Dự luật Liên minh châu Âu (thông báo rút khỏi EU) không nên được tiếp tục. Mặc dù hoàn toàn mang tính tượng trưng, nó đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Scotland phản đối một Brexit “cứng”.

Trong một nỗ lực nhằm bảo lưu quyền tiếp cận thị trường lục địa của Scotland, chính quyền đảng SNP của bà Sturgeon hồi tháng 12/2016 đã công bố văn kiện Vị trí của Scotland ở châu Âu. Văn kiện này đặt ra các “đề xuất thỏa hiệp” nhằm cho phép một Scotland hậu Brexit duy trì nhiều liên kết nhất có thể với EU.

Kế hoạch phức tạp và có lẽ là không khả thi này sẽ đòi hỏi Quốc hội Anh trao thêm quyền lực cho Quốc hội Scotland – trong đó có quyền kiểm soát nhập cư, quy tắc kinh doanh, và đàm phán thương mại quốc tế, trong số những điều khác. Nhưng Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh vẫn không chính thức đáp lại văn kiện của SNP, và các quan chức SNP đã cáo buộc Chính quyền May cố gắng giấu đi các tài liệu trình bày lập trường của họ.

Các quan chức Scotland ngày càng khó chịu rằng những mối lo ngại của họ đang bị phớt lờ khi Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh tiếp tục các kế hoạch Điều 50 của mình. Việc tách Anh khỏi EU sẽ có những ý nghĩa to lớn đối với dàn xếp phân quyền của Vương quốc Liên hiệp Anh với Scotland (cũng như với xứ Wales và Bắc Ireland), theo giải thích của tổ chức tư vấn chiến lược Chatham House có trụ sở ở London.

Vì nhiều luật và quyền lực bắt nguồn từ Brussels, các quan chức Vương quốc Liên hiệp Anh và Scotland sẽ tranh cãi về sự phân chia quyền lực trong các vấn đề từ nhập cư đến nông nghiệp hay thương mại. Bà Sturgeon than phiền về việc thiếu tham vấn giữa London và Edinburgh. Bà nói: “Tiếng nói của Scotland đơn thuần là không được lắng nghe bên trong Vương quốc Liên hiệp Anh”.

Bà May đẩy mạnh cuộc chia tách càng khắc nghiệt thì người Scotland sẽ càng cảm thấy bị phớt lờ và cô lập, có khả năng khiến dư luận xoay sang ủng hộ độc lập.

Bà May có nền tảng pháp lý vững chắc trong quyết định sẽ tiếp tục một mình. Ngày 24/1, Tòa án tối cao Vương quốc Liên hiệp Anh đã phán quyết rằng Quốc hội Vương quốc Liên hiệp Anh phải thông qua mọi đàm phán về Điều 50. Nhưng chính quyết định đó cũng tuyên bố rằng bà May không có nghĩa vụ pháp lý nào phải tham vấn với Scotland về Brexit.

Tuy nhiên, bối cảnh chính trị rắc rối hơn. Quyết định của tòa án đã làm các chính trị gia Scotland tức giận, phơi bày những rạn nứt trong cấu trúc lập hiến của Vương quốc Liên hiệp Anh và nối lại động lực đòi độc lập cho Scotland.

Chắc chắn, kết quả của bất kì cuộc trưng cầu ý dân nào khó có thể được định trước. Sự ủng hộ độc lập đã tăng vài điểm so với một tháng trước, nhưng theo một cuộc thăm dò gần đây của BMG cho tờ The Herald, người Scotland vẫn chia rẽ gần như ngang nhau, với đa số sát sao (51% so với 49%) ủng hộ việc ở lại Vương quốc Liên hiệp Anh. Những con số như vậy đương nhiên nên được nhìn nhận với sự hoài nghi. Chính hãng thăm dò này đã tính toán thiếu sự ủng hộ cho Brexit 4 điểm hồi tháng 6/2016, dự đoán sai chiến thắng 52%-48% cho phe “Ở lại”.

Đáng nói hơn, tình hình này hay thay đổi. Các cuộc đàm phán Brexit thực sự vẫn chưa bắt đầu, và bà May đẩy mạnh cuộc chia tách càng khắc nghiệt thì người Scotland sẽ càng cảm thấy bị phớt lờ và cô lập, có khả năng khiến dư luận xoay sang ủng hộ độc lập.

Sự xa lánh Westminster và sự vỡ mộng đang dâng cao ở Scotland. Sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập thất bại năm 2014, chính phủ của Thủ tướng David Cameron đã tìm cách lấy lòng người Scotland bằng cách thông qua Đạo luật Scotland năm 2016. Được dự định là một dàn xếp trao quyền mới và cải thiện hơn, nó nói rằng Quốc hội Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ làm luật trên danh nghĩa các vấn đề nhất định chỉ khi có sự đồng ý đặc biệt của các thành viên được bầu lên từ Scotland.

Ông Cameron đã hứa hẹn rằng Scotland sẽ có “quốc hội phân quyền mạnh mẽ nhất trên thế giới”. Một trong những điểm thuyết phục của đạo luật này là lập luận rằng quyền thành viên tiếp tục trong Vương quốc Liên hiệp Anh là cách duy nhất để Scotland ở lại EU (một điều mà Scotland khó có thể làm được nếu là một nước độc lập).

Kết quả của cuộc bỏ phiếu Brexit đã thay đổi hoàn toàn logic đó. Scotland đã ở lại Vương quốc Liên hiệp Anh nhưng đột ngột đánh mất EU. Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Scotland Michael Russel tuyên bố Brexit đã cho thấy sự phân quyền là “vô giá trị”. Nó đã “phơi bày những tuyên bố” của các quan chức Anh “rằng Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Scotland là đối tác ngang bằng” là “ngôn từ rỗng tuếch, nghi binh”. Thủ tướng May đã đề xuất tham vấn Scotland (cũng như xứ Wales và Bắc Ireland) về các cuộc đàm phán về Điều 50, nhưng cũng đã nói rõ rằng các chính quyền phân quyền sẽ không đóng vai trò quyết định trong Brexit. Các quan chức SNP lập luận rằng trong bối cảnh này, Scotland không có lựa chọn nào ngoài bỏ phiếu một lần nữa về vấn đề độc lập.

Nhiều nhà quan sát mong đợi một tuyên bố táo bạo từ bà Sturgeon vào ngày 17/3, khi SNP tổ chức hội nghị mùa Xuân ở Aberdeen. Việc này có thể có cả xác định ngày cụ thể cho cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về độc lập (có thể được tổ chức vào mùa Thu năm 2018).

Theo Đạo luật Scotland năm 1998, đạo luật đã thiết lập Quốc hội phân quyền Scotland, Quốc hội Anh phải đồng ý với mọi cuộc trưng cầu ý dân mới của Scotland.

Đây là lúc mọi thứ trở nên rắc rối hơn – và có thể làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Theo Đạo luật Scotland năm 1998, đạo luật đã thiết lập Quốc hội phân quyền Scotland, Quốc hội Anh phải đồng ý với mọi cuộc trưng cầu ý dân mới của Scotland. Bà Sturgeon đã tuyên bố rằng “không thể hiểu được” khi Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh, sau vụ Brexit, tìm cách ngăn cản người Scotland thực thi quyền tự quyết của họ.

Đây có thể chỉ là mơ tưởng. Ngày 2/2/2017, Michael Fallon, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Liên hiệp Anh, dự đoán Hạ viện sẽ phủ quyết bất kì cuộc trưng cầu ý dân nào như vậy. Các quan chức Anh khác, trong khi tránh dùng từ “phủ quyết”, xác nhận rằng chính phủ của bà May định hành động như thế. Tuy vậy các nguồn tin đang cho thấy rằng bà May có thể đồng ý với một cuộc trưng cầu ý dân chừng nào nó diễn ra sau Brexit. Trong khi đó, các nghị sĩ Bảo thủ Scotland đang cáo buộc SNP là “quân sự hóa” cuộc tranh luận Brexit, “khởi động cỗ máy bất bình” ở Scotland để đảm bảo Anh sẽ tan rã.

Nhưng nếu bà Theresa May có nhiều thứ để lo lắng, bà Nicola Sturgeon cũng thế. Trong số nhiều điều không chắc chắn trong điệu nhảy Brexit/”Scexit” là liệu một Scotland độc lập, có chủ quyền có thực sự được chào đón vào EU hay không – và nếu vậy thì sớm đến mức nào và trong điều kiện nào. Một số chuyên gia lập luận rằng một Scotland độc lập có thể được đẩy nhanh vào EU, có thể vào năm 2023. Tuy nhiên, điều này dựa vào những giả định hào phóng về phản ứng có thể có của các nước thành viên khối.

Một số nước EU (nhất là Tây Ban Nha) có thể lưỡng lự phê chuẩn cho Scotland gia nhập EU, vì sợ sẽ khuyến khích các khu vực khó bảo của chính họ (trong trường hợp này là xứ Catalonia và Basque). Scotland cũng phải đối mặt với khoản thâm hụt 15 tỷ bảng, cao hơn mọi nước thành viên EU nếu tính theo tỷ lệ GDP, kể cả Hy Lạp, nước đã tạo ra rối loạn cho Khu vực đồng euro.

Có một điều rõ ràng. Tháng 3/2017 đang trở thành tháng quan trọng trong lịch sử của Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh, và Scotland, khi các nhà lãnh đạo cố gắng tiến hành những đàm phán mới về cách thức quyền chính trị và chủ quyền nên được phân phối ở cấp độ siêu quốc gia, quốc gia và và dưới quốc gia./.

(Hội đồng quan hệ đối ngoại, Mỹ – 2/3/2017)