Đăng Dương

1. Lần đầu tiên, sau hai mươi năm ca hát, Đăng Dương tổ chức live concert cho riêng mình với tên gọi “Mặt Trời của tôi” vào tối 14, 15/10 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Với giọng hát thính phòng chuẩn mực, ngay từ lần đầu tiên xuất hiện làng nhạc tại Liên hoan Tiếng hát Sinh viên năm 1998 cùng Trọng Tấn, Việt Hoàn tam ca bài “Đường chúng ta đi” (Huy Du), Đăng Dương đã chiếm được cảm tình của khán thính giả, để rồi, mỗi một ngày lại có thêm dấu ấn và tạo lập chỗ đứng vững chắc trong trái tim công chúng yêu nhạc.

Cùng vời Trọng Tấn, Việt Hoàn, Đăng Dương với điểm nhấn riêng cả về phong thái biểu diễn, lẫn chất giọng tenor vừa có chất hào sảng vừa thơ thới, đầy xúc cảm đã tạo nên thế ba ngọn núi vững chãi hòa ái thuộc hàng xưa nay hiếm trong làng nhạc trong ngót 20 năm qua.

20 năm ca hát chỉ ra hai đĩa nhạc, không có “hit” thật “khủng” nào cũng chưa có đêm nhạc của riêng mình, giá trị định vị Đăng Dương chính là giọng hát.

20 năm ca hát chỉ ra hai đĩa nhạc, không có “hit” thật nổi bật nào cũng chưa có đêm nhạc của riêng mình, giá trị định vị Đăng Dương chính là giọng hát. Nhưng dấu ấn mà Đăng Dương tạo dựng được đã cho phép anh nới rộng địa hạt biểu diễn và thể loại khi phù hợp cả với opera và romance cổ điển.

Đó là lý do dù không nổi tiếng nhất, ăn khách nhất trong dòng nhạc Đỏ, thính phòng nhưng vị trí của Đăng Dương là không thể thay thế (thậm chí vắng mặt) trong các hòa nhạc lớn, những chương trình chính thống quan trọng của quốc gia.

Nhiều lý giải cho rằng ngoài lộc “tổ đãi ” thì nhờ 10 năm học đàn bầu (1987-1997), tinh hoa âm nhạc truyền thống và mạch nguồn dân gian đã ngấm vào máu của Đăng Dương giúp ca sỹ này dù hát trường ca hay nhạc cách mạng thì người nghe đều không cảm thấy nặng nề gân guốc mà thay vào đó là cảm thức linh thiêng, lay động lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hướng xứ sở…

(Nguồn: Nhân vật cung cấp)
(Nguồn: Nhân vật cung cấp)

Việc sử dụng ít nhiều các phong cách biểu diễn cổ điển và âm hưởng ngũ cung dân gian trong những không gian đậm đầy thính phòng mỗi lần biểu diễn, Đăng Dương như cho khán giả nghe một thứ nhạc cách mạng mới – sang trọng nhưng chân phương, thanh thản chạm được vào những rung động sâu thẳm nhất của người nghe.

Vẫn nhớ mãi lần được ngồi trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 2/9/2015 nghe Đăng Dương hát thật xuất thần ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” khép lại hòa nhạc “Điều còn mãi.” Khi cảm xúc của người hát dấn trên mi thì không ít người nghe cũng chực trào. Tiếng hát vạm vỡ, ấm nóng ấy đã lay gọi tới những ngóc ngách sâu nhất, linh thiêng nhất của con người, là nỗi niềm hoài hương, tiếng gọi của Tổ quốc.

Phong thái đĩnh đạc, uy nghiêm cùng giọng hát hào sảng, đầy xúc cảm của Đăng Dương chiều hôm ấy chắc chắn sẽ mãi mãi ở lại trong trái tim yêu nhạc. Trong âm nhạc, khoảnh khắc tiếng hát của nghệ sỹ chạm tới nỗi lòng của người nghe để cùng thăng hoa, đồng vọng như thế thực ra không có nhiều.

2. Trong âm nhạc, nhạc thính phòng, cổ điển được xếp đầu bảng cả về kỹ thuật hát và hòa âm, biên chế dàn nhạc. Nhạc thính phòng đòi hỏi giọng hát tenor (nam) hoặc soprano (nữ), quãng phải đủ rộng, vang sáng và tinh tế. Nó là một đỉnh cao mà bất cứ giọng hát nào cũng muốn chạm tới nhưng không mấy ai đủ lực chinh phục.

Hát hay và làm ra chất một đêm nhạc thính phòng ở Việt Nam luôn là một thách thức với nghệ sỹ cũng như nhà tổ chức nên live concert “Mặt Trời của tôi,” có thể là một bước dấn thân có phần liều lĩnh.

Nói là liều lĩnh bởi chính bản thân Đăng Dương chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó trong cuộc đời mình sẽ (hoặc cần) phải làm một đêm nhạc để tổng kết hay kỷ niệm. Anh quan niệm, nghề ca sỹ, nếu còn hát được thì cứ mang tiếng hát làm đẹp cho đời, thế là trọn niềm đam mê và tận tình với công việc. Nếu đã nghe Đăng Dương hát hay biết đến ca sỹ này ngoài đời, ai cũng cảm nhận được sự “thủng thẳng” ấy.

Tính cách và tự trọng làm nghề khiến Đăng Dương không bị sốt ruột. Trong khi ranh giới các dòng âm nhạc ngày càng được nới rộng để giao thoa và tiệm cận, kéo theo xu hướng nhiều ca sỹ nhạc chính thống hát nhạc nhẹ và ngược lại, nhưng Đăng Dương vẫn tiếp tục trung thành với dòng nhạc thính phòng và nhạc cách mạng vốn không thuộc thị hiếu của đa phần khán giả hiện đại.

Đăng Dương thừa nhận rằng anh chưa bao giờ thử hát nhạc nhẹ, hoặc nếu có thì cùng lắm là bán cổ điển. Đăng Dương bảo không phải do anh “lười” thử nghiệm mà quan điểm âm nhạc của cá nhân anh coi trọng sự phù hợp. Phù hợp, tương thích với tạng giọng của chính mình cũng như trong mọi sự kết hợp.

Đối với nhạc chính thống cũng vậy, ca sỹ này cũng rất thận trọng trong việc phá cách vì theo Đăng Dương, nhạc thính phòng, cách mạng vốn có tính chuẩn mực rất cao và việc làm mới là rất khó.

Tính cách và tự trọng làm nghề khiến Đăng Dương không bị sốt ruột.

Đăng Dương cũng tự nhận mình là một người khó tính trong âm nhạc, điều này thể hiện rõ trong quá trình biên soạn album thứ hai “Khi nắng mai về.” Từ việc cẩn thận lựa chọn từng bài hát, tự tay tìm người phối nhạc cho hợp với giọng hát và phong cách của mình, thậm chí có nhiều bài phải thu đi thu lại đến hài lòng mới thôi.

Đến đây, người viết bài cho rằng trong âm nhạc Đăng Dương cực đoan hơn là an toàn. Và càng không phải vì “vợ giục quá” mà tổ chức live concert lần này như anh nói vui tại họp báo giới thiệu chương trình.Bên cạnh những xu hướng cách tân và giao thoa, giá trị của Đăng Dương chính là sự chuẩn mực và kiên định theo đuổi lý tưởng một cách quyết liệt.

Ngay cả việc sử dụng tiêu đề một bài hát “Mặt Trời của tôi” đặt tên cho live concert cá nhân lần này hoàn toàn không vô tình, ngẫu nhiên. Nó hàm chứa sự xác tín của Đăng Dương: “Mặt Trời của tôi” hay chính là lý tưởng nghệ thuật, “đền thiêng” trong âm nhạc, là đam mê nhiệt huyết với phong cách thính phòng và âm nhạc cổ điển. Dù chưa được gán với một danh xưng nào, nhưng nếu đến buổi họp báo chương trình mới đây ở Hà Nội, ai thì cũng sẽ có chung một cảm nhận – Đăng Dương như “Mặt Trời” niềm tin và hy vọng của anh em nghệ sỹ trong địa hạt nhạc thính phòng cổ điển.

(Nguồn: Nhân vật cung cấp)
(Nguồn: Nhân vật cung cấp)

3. Lý tưởng và sự ngoan cố của Đăng Dương trong âm nhạc khiến “Mặt Trời của tôi” còn là“đại công trình” quy tụ những tên tuổi hàng đầu của nhạc cổ điển.

Đó là giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng – nhạc sỹ hàng đầu ở Việt Nam về phối khí các tác phẩm giao hưởng, thính phòng. Thật không dễ gì mời được một cái tên như Trần Mạnh Hùng nhận phối mới toàn bộ 21 ca khúc trong chương trình, cho cả các tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca. Chỉ riêng sự đầu tư này đã khẳng định giá trị cống hiến của cuộc-chơi-nghệ-thuật sau 20 năm đã được Đăng Dương mang “đốt” trong… 2 đêm live concert của mình và toàn êkíp.

Đó là sự tham gia chỉ đạo dàn nhạc của chỉ huy Lê Ha My cùng 60 nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Thăng Long. Đó còn là những khách mời “đo ni đóng giày” với giọng hát và đường hướng với Đăng Dương trong 20 năm ca hát như Trọng Tấn, Việt Hoàn, Lan Anh, Hồng Vy, Duyên Huyền, Đào Mác…

Ngoài ra, đạo diễn Tất My Loan được giao trọng trách đảm trách về thiết kế sân khấu và giám đốc âm thanh Khắc Anh sẽ đảm bảo chất lượng âm thanh tối ưu để “Mặt trời của tôi” lọt tốp chương trình đáng xem nhất năm 2017.

Lẽ dĩ nhiên, được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc đậm đầy thính phòng từ giọng hát, cách hát , hòa âm, dàn nhạc, đến không gian thánh đường Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm nhạc “Mặt Trời của tôi”sẽ khá “nặng đô” và “kén” khán giả.

Trong bối cảnh nền âm nhạc được bao phủ bởi lớp bề mặt chiều thị hiếu và giải trí thì phần lõi thuộc vốn thuộc về nền tảng và đám đông nhân loại là thính phòng cổ điển vẫn chưa được truyền thông trong nước ưu ái phổ cập và quan tâm đúng mức. Thành ra, nếu có bất cứ tín hiệu lạc quan nào thì đó hoàn toàn nhờ tâm huyết và nỗ lực tự thân của từng cá nhân.

Lý tưởng và sự ngoan cố của Đăng Dươngtrong âm nhạc khiến “Mặt trời của tôi” còn là“đại công trình” quy tụ những tên tuổi hàng đầu của nhạc cổ điển

Giữa những tranh cãi về dòng nhạc, sang-sến, bác học-thị trường chẳng thể đi đến hồi kết mà chỉ phơi bày thực trạng đời sống âm nhạc hiện nay như vùng trũng bởi những thứ mùa vụ, trào lưu lặp đi lặp lại, khỏi phải nói hết nỗi niềm xúc động và phấn khích trước sự nhiệt huyết và cực đoan của những cái tên lâu nay những tưởng bảo thủ và an toàn.

Là nhà báo theo dõi âm nhạc, lâu lắm rồi cá nhân người viết mới được nhìn thấy bầu không khí cống hiến, chung tay, chung sức, chung lòng, chung lý tưởng, để kích hoạt và hiện thực hóa một cuộc chơi nghệ thuật đáng ngưỡng mộ như vậy.

Trong âm nhạc số lượng không phải là điều quan trọng, mà quan trọng là có tạo được dấu ấn riêng hay không? Có những ca sỹ mỗi năm đẻ một liveshow và vài đĩa nhạc, mà khán giả vẫn không thực biết họ là ai thì cũng lại có những giọng ca nhờ bền bỉ lao động nghệ thuật nghiêm túc với “Mặt Trời” lý tưởng và “đền đài” trong tim để sau 20 năm được hát trên sân khấu của chính mình, mặc chiếc áo của mình, đi đến tận cùng con đường mình có thế mạnh nhất như Đăng Dương thì đó không còn là việc xác lập một chỗ đứng./.

(Nguồn: Nhân vật cung cấp)
(Nguồn: Nhân vật cung cấp)