Cẩm Vân

1. Sau nhiều năm vắng bóng, nghệ sỹ Cẩm Vân sẽ tái ngộ công chúng yêu nhạc Hà Nội bên cạnh bốn giọng ca hàng đầu Khánh Ly – Hồng Nhung – Mỹ Linh – Hà Trần trong đêm nhạc “Tình khúc cho em” ngày 8/3 tại Cung Hữu nghị Việt Xô.

Hơn bốn thập kỷ ca hát, tuy không được gán với bất cứ danh hiệu diva hay nữ hoàng nhưng Cẩm Vân luôn là “hiện tượng” độc nhất khi sở hữu giọng ca vàng cùng phong cách riêng, không thể trộn lẫn. Cũng nhờ tiếng hát trầm khàn, ấm áp trữ tình mà đến ngày hôm nay Cẩm Vân vẫn đứng bền bỉ và trụ vững trên sân khấu biểu diễn bất chấp thời gian và sự trồi sụt, biến thiên của thị trường âm nhạc.

Ngoài tiếng hát trời cho và “dấu ấn thời trang” Cẩm Vân với kiểu tóc đặc trưng và tà áo dài, khán giả bao năm qua “không thể nào quên” nữ nghệ sỹ này còn bởi sự nghiệp gắn liền với di sản “hit khủng” mà đời nghệ sỹ nào cũng phải mơ ước.

Giọng hát trầm ấm, trữ tình, cùng lối hát chân phương, cẩn trọng trong từng lời, từng âm sắc khiến Cẩm Vân hát nhạc cách mạng nhưng người nghe không thấy “đỏ” bởi chiều sâu và bề dày trong tiếng hát như chất chứa cái tình mênh mông, những trăn trở, những suy tư về cuộc sống. 

Xuất thân trong gia đình không theo con đường nghệ thuật, ít ai ngờ nghiệp cầm ca của Cầm Vân khởi thủy từ phong trào văn nghệ… phường và học sinh sinh viên. Từ giọng hát từng khiến một giảng viên thanh nhạc lắc đầu: “Giọng ca này mà thi vào trường thì tôi cho rớt ngay” nhưng Cẩm Vân lại may mắn lọt mắt xanh của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Với lời tiên đoán “Cẩm Vân là một viên ngọc, viên kim cương chưa được mài dũa, đánh bóng. Tôi tin rằng cháu sẽ nổi tiếng” tác giả “Dư âm” đã thuyết phục được gia đình để cô bé Cẩm Vân ngày ấy lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình thể hiện ca khúc “Lên ngàn” của nhạc sỹ Hoàng Việt.

Lần xuất hiện này mở ra cơ hội cho Cẩm Vân bước vào con đường biểu diễn chuyên nghiệp cho Cẩm Vân khi trở thành ca sỹ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được mời biểu diễn tại Đức, Bulgarie, Liên Xô, các nước Đông Âu…

Theo trí nhớ của nhạc sỹ Anh Quân thì chính khoảng thời gian này cũng là lần đầu tiên anh được nghe Cẩm Vân hát khi đang tu nghiệp ở nước ngoài: “Tôi hoàn toàn ngạc nhiên vì thời điểm đó Việt Nam lại có một âm sắc đặc biệt như vậy. Nghe Cẩm Vân hát nhạc chính trị mà rất nhẹ nhõm, thời thượng và mình thấy tự hào, ấn tượng kinh khủng. Nên nhớ thời điểm ấy giọng hát nữ cao mới được là thời thượng nhưng Cẩm Vân đã tạo được dấu ấn bởi nét riêng đối với thế hệ cùng thời và sau này.”

Nhưng phải đợi đến hai năm sau, nhờ được giao thể hiện ca khúc “Bài ca không quên” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn trong bộ phim cùng tên như một định mệnh làm nên cuộc bứt phá, đánh dấu thời hoàng kim đưa tên tuổi và tiếng hát Cẩm Vân lên tốp đầu.

Nói là định mệnh bởi ca khúc này vốn được viết cho giọng nam nhưng cũng nhờ chất giọng trầm khàn đầy xúc cảm và nội lực Cẩm Vân đã được chọn và làm nên dấu ấn kỳ diệu khi cất lên những câu hát đầu tiên.

Cẩm Vân trên sân khấu cùng con gái... (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cẩm Vân trên sân khấu cùng con gái… (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giọng hát trầm ấm, trữ tình của trái tim nghệ sỹ nhạy cảm cùng lối hát chân phương, cẩn trọng trong từng lời, từng âm sắc khiến Cẩm Vân hát nhạc cách mạng nhưng người nghe không thấy “đỏ” bởi chiều sâu và bề dày trong tiếng hát như chất chứa cái tình mênh mông, những trăn trở, những suy tư về cuộc sống đã lay động trái tim người nghe nhiều thế hệ.

Từ thành công của “Bài ca không quên” không chỉ xây dựng cho Cẩm Vân một phong cách, sở trường và dấu ấn “chuyên trị” những ca khúc mang nhiều kịch tính như “Nhớ về Hà Nội” (Hoàng Hiệp), “Đêm thành phố đầy sao” (Trần Long Ẩn), “Rừng chiều” (Vũ Thanh) và đặc biệt là những ca khúc của Phạm Minh Tuấn như “Đất nước,” “Mùa xuân,” “Khát vọng,” “Tình yêu và nỗi nhớ”… Quan trọng hơn nhờ sự cách tân và dấu ấn riêng trong phong cách và giọng hát, Cẩm Vân luôn được giới chuyên môn và làm nghề ghi nhận có sức ảnh hưởng tới nhiều phong cách nhạc nhẹ sau này.

Nhờ sự cách tân và dấu ấn riêng trong phong cách và giọng hát, Cẩm Vân luôn được giới chuyên môn và làm nghề ghi nhận có sức ảnh hưởng tới nhiều phong cách nhạc nhẹ sau này.

Từ cái tên “nằm lòng” và hát nhạc cách mạng như máu thịt, Cẩm Vân với nỗ lực tự thân vượt qua bế tắc, đã mạnh dạn ra ngoài biên độ dòng nhạc khi chuyển sang hát nhạc Nga hay nhạc mới. Ngoài di sản về “hit” dấu ấn của Cẩm Vân còn ở  sự vận động tự thân khi sản xuất hàng loạt album độc lập vào những năm nửa cuối thập niên 1990 như “Lạc mất em,” “Anh đã biết,” “Cơn mưa lao xao,” “Thiên đường mong manh,” “Huế – Sài Gòn – Hà Nội,” “Xin cho tôi,” “Cõi tình,” “Hát mãi cho nhau”…

Chính nỗ lực “làm cách mạng” thành công giúp Cẩm Vân sau thời đỉnh cao tiếp tục được giới trẻ yêu thích với những ca khúc lọt vào topten “Làn Sóng Xanh” như “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa,” “Cơn mưa lao xao,” “Thiên đường mong manh”… bên cạnh những “Biển cạn,” “Còn đó chút hồng phai”…

Đặc biệt, Cẩm Vân gặt hái nhiều thành tựu nhất với nhạc Trịnh Công Sơn và Thanh Tùng,khi lại dấu ấn riêng bởi hàng loạt “hit” như “Huyền thoại mẹ,” “Xin cho tôi,” “Xin mặt trời ngủ yên,” “Một ngày như mọi ngày,” “Sóng về đâu”… đến “Một mình,” “Hoàng hôn màu lá,” “Ngôi sao cô đơn”…

Cẩm Vân và nhạc phẩm “Sóng về đâu” của Trịnh Công Sơn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 5

2. Với một sự nghiệp đi dài hơn nửa đời người, để lý giải cho sức sống bền bỉ của Cẩm Vân có lẽ không chỉ nhờ “hit khủng” – “Bài ca không quên” hay tiếng hát “không bao giờ quên” thiên phú. Để làm nên hành trình “mặt trời không ngủ yên” đó là bởi Cẩm Vân đã xây dựng thành công hình mẫu nữ nghệ sỹ luôn đam mê và chỉnh chu trên cả sân khấu lẫn cuộc sống đời thường.

Suốt 40 năm ca hát, khán giả ngày hôm nay còn được thấy một Cẩm Vân vẫn kiểu tóc và phong cách thời trang không khác nhiều so với những ngày đầu tiên, vẫn giọng hát nội lực, đam mê; vẫn cung cách nhu mì, kín đáo và giản dị; vẫn người bạn đời sớm tối đi về… dường như mọi sự bất biến của Cẩm Vân đã cho công chúng một định nghĩa vững chãi về hạnh phúc trong nghệ thuật.

Để làm nên hành trình “mặt trời không ngủ yên” đó là bởi Cẩm Vân đã xây dựng thành công hình mẫu nữ nghệ sỹ luôn đam mê và chỉnh chu trên cả sân khấu lẫn cuộc sống đời thường.

Táo bạo và dấn thân chuyển từ nhạc cách mạng sang nhạc mới là thế, nhưng Cẩm Vân có nhiều giai thoại về sự “cực đoan” trong việc chọn và thể hiện bài hát khi nhiều lần khước từ những “thử nghiệm” làm mới.

Người ta thường nói điều đáng sợ nhất của ngôi sao là sợ bị lãng quên, sau 40 năm vẫn phong độ và vững chãi trên trên sân khấu, trái lại, Cẩm Vân lại kén sân khấu và luôn kỹ lưỡng. Kỹ nhưng không cứng. Cảm tưởng, nếu không cẩn trọng và chỉnh chu thì không phải là Cẩm Vân. Thậm chí, nếu hỏi điều gì làm nên đẳng cấp của Cẩm Vân hẳn đó là sự cẩn trọng, cũng chính là sự tự trọng của người nghệ sỹ lớn hiểu rõ giá trị của mình và âm nhạc.

Nhiều năm, khán giả ít thấy Cẩm Vân xuất hiện nhiều chốn “xô bồ” và hầu như vắng mặt trên các gameshow. Người ta thấy Cẩm Vân thường nhận làm khách mời đặc biệt trong những chương trình đậm chất nghệ thuật. Nhưng công chúng yêu mến giọng hát Cẩm Vân luôn biết tìm chị ở đâu. Nói như một nhạc sỹ thì đó là sự chuyên nghiệp và tôn trọng khán giả

Gia đình hạnh phúc của Cẩm Vân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Gia đình hạnh phúc của Cẩm Vân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với bạn nghề, sự cẩn trọng của Cẩm Vân còn ở tính cách khiêm nhường, ẩn giật hầu như hiếm khi phát ngôn động chạm, “gây sốc” trên mặt báo về đồng nghiệp và âm nhạc.

Cẩn trọng đến thế rồi, vẫn có thời gian Cẩm Vân “dính phốt” khi vướng phải “ì xèo” trên mặt báo khi mất số tiền lớn khi hùn vốn kinh doanh vựa tôm. Những tưởng phen này Cẩm Vân ngã quỵ. Cẩm Vân từng tâm sự trên mặt báo “Khi biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội đầu năm 2014, được khán giả yêu cầu hát thêm bài ‘Bài ca không quên’ ngoài chương trình, Vân quyết định hát mộc, được một lúc thì cả khán phòng cùng đứng lên hát theo, lúc đó Vân chỉ biết ngồi xuống và khóc… Lúc đó mình nghĩ, sao có mình ngu quá vậy, được khán giả yêu như vậy đi làm kinh tế làm chi…”

Dường như, yếu tố may mắn luôn ở lại với Cẩm Vân, mà trong nghề gọi là tổ đãi như là định mệnh. Đó là sự mến mộ, tin yêu của khán giả, như thứ “bùa hộ mệnh” với người nghệ sỹ. Nhờ những khoảnh khắc trên sân khấu đã giúp Cẩm Vân tìm về lại với âm nhạc để trú ngụ, có lại niềm tin vào chính mình và nghệ thuật.

Đó còn là “người bạn đời – bạn nghề” tay trống Khắc Triệu, điểm tựa vững chắc cho Cẩm Vân. Có thể nếu không lập gia đình với một người cùng nghề như Khắc Triệu, hẳn sẽ không tạo dựng được Cẩm Vân ngày hôm nay. Người phụ nữ, lại là nghệ sỹ tiếng tăm nếu không khéo thì rất khó giữ được hạnh phúc gia đình. Lịch sử các cặp đôi làng nhạc Việt cũng cho thấy, duy trì được hạnh phúc gia đình như Cẩm Vân – Khắc Triệu và sau này có Mỹ Linh – Anh Quân không nhiều. Song hành hơn 30 năm qua đã minh chứng chỉ khó khăn là liều thuốc thử hiệu nghiệm cho niềm tin, tình nghĩa bền chặt của cặp đôi Khắc Triệu – Cẩm Vân.

Cẩm Vân hát nhạc phẩm “Ngôi sao cô đơn” của Thanh Tùng

Với người viết, thì việc duy trì được tổ ấm và tay trống Khắc Triệu còn ảnh hưởng và giúp Cẩm Vân có những bước đột phá sang nhạc nhẹ sau này để đi một bước dài trong sự nghiệp.

Ai rồi cũng đi qua thời tuổi trẻ, với nghiệp cầm ca thì thanh và sắc không thể bất biến. Xu hướng sẽ qua đi và bị thay thế, duy dấu ấn thì ở lại. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một giọng hát cuối cùng là giữ được niềm yêu thương của khán giả.

Mới đây nhất, trả lời trên báo, diva Trần Thu Hà cho rằng “quan trọng là một ngôi sao thì sức cháy được bao lâu,” nếu chiếu theo nhận định này, hẳn sau bốn thập kỷ đam mê và tận tụy, neo được “tiếng hát không bao giờ quên” bất chấp thời gian như Cẩm Vân thì đó chính là sự bất biến của một tượng đài./.

Hơn 40 năm ca hát, Cẩm Vân luôn có 'người bạn đời - bạn nghề' Khắc Triệu sau lưng... (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hơn 40 năm ca hát, Cẩm Vân luôn có ‘người bạn đời – bạn nghề’ Khắc Triệu sau lưng… (Ảnh: Nhân vật cung cấp)