Nhí anh hùng

sieunhanvame-1536825573-23.png

“Tự nhiên tui mệt quá, mấy người chở tui đi”, chị Yến “nhõng nhẽo” với cậu con trai chín tuổi tên Nhí của mình. Hai mẹ con đang trải qua một ngày mưu sinh bình thường như mọi ngày. Họ sẽ cùng đi chung một đoạn, rồi mỗi người sẽ chia ra một hướng để nhặt ve chai, trước khi trở về lại nhà trọ vào sáng sớm ngày hôm sau.

Rồi một tiếng va chạm lớn nổ ra. Chị Yến văng từ trên xe xuống đất. Người phụ nữ tần tảo bật dậy như chiếc lò xo, định bụng cho bọn trẻ trâu đua xe say xỉn một bài học. Nhưng tiếng chửi thề chuẩn bị văng ra khỏi miệng thì… nuốt ngược trở vô. Trước mặt chị là một ông già, cũng đang lồm cồm bò dậy.

Những người già chạy xe ôm như thế trên cái đất Sài Gòn này rất nhiều. Con cháu chẳng nuôi, đâu còn công ty nào dám thuê, họ chỉ có thể chạy xe ôm để kiếm sống qua ngày.

Và bây giờ, người đàn ông lớn tuổi ấy đề nghị đưa chiếc xe của mình cho chị Yến.

Tối hôm ấy chị xoay người thôi cũng đau thấu trời. Chị không đi làm được nữa. Và đấy là lúc người đàn ông của đời chị nói:- Mẹ ở nhà, để con đi một mình.

– Tui không có tiền. Cô lấy cái xe này bán đi, rồi đi khám coi sao. Tui xin lỗi cô.

Chị Yến đành đoạn nào lấy món tài sản độc nhất của ông già. Người nghèo chẳng thương người nghèo thì còn thương ai. Chị bảo ông hãy về nghỉ ngơi đi. Chị cũng trở về nhà. Hên quá không đau đớn gì mấy, vặn mình không nghe rốp rốp là không có cái xương nào gãy rồi. Nghỉ một ngày mai lại đi làm tiếp. Kêu Nhí ra ngoài mua thuốc giảm đau, thuốc bong gân, thuốc tan máu bầm uống một hôm rồi mai khỏe lại chứ gì.

Tưởng không đau, ai ngờ… đau không tưởng. Tối hôm ấy chị xoay người thôi cũng đau thấu trời. Chị không đi làm được nữa. Và đấy là lúc người đàn ông của đời chị nói:

– Mẹ ở nhà, để con đi một mình.

Cậu chưa từng ăn một món ngon lành nào trong đời, chưa biết mùi vị của bánh trung thu hay trà sữa. Nhưng cậu mang một sức sống mãnh liệt và và một sự lạc quan khủng khiếp. (Ảnh: Thắng Chín Chắn)
Cậu chưa từng ăn một món ngon lành nào trong đời, chưa biết mùi vị của bánh trung thu hay trà sữa. Nhưng cậu mang một sức sống mãnh liệt và và một sự lạc quan khủng khiếp. (Ảnh: Thắng Chín Chắn)

Hơn ba mươi năm sống trên đời, cuộc đời của chị Yến vui ít, buồn nhiều. Chị bỏ nhà ở Sóc Trăng theo xe khách lên Sài Gòn năm 10 tuổi. Đứng giữa thành phố xa lạ, cô bé ấy không có một xu dính túi, không có người thân, không biết một chữ!

Yến là “tên mới” của chị ở Sài Gòn, như một sự đoạn tuyệt với tuổi thơ bất hạnh. Tên trên giấy tờ của chị là Trần Hồng Tâm, một người lai Khmer, chào đời tại huyện Long Phú, Sóc Trăng. Chị không biết ba mẹ ruột của mình. Mẹ chị sinh con xong thì ném cho ông ngoại nuôi. Ông ngoại lúc ấy đã ngoài 70 tuổi, nhấp cá lóc ra chợ bán đổi gạo sống qua ngày, mà cũng bữa có bữa không. Đứa cháu ngoại tội nghiệp uống toàn nước cơm mà lớn, chứ làm gì có tiền mua sữa. Đến tuổi cháu biết bò, ông cột giò nó vô chân giường để khỏi bò ra đường, lọt sông chết sảng.

Một ngày mưa tầm tã, có vị công an xã đi ngang qua, thấy đứa con gái nhìn cưng ghê, nhưng mà dơ dáy và ốm nhom. Ngó tội quá mới xin về nhà nuôi. Ông ngoại bèn gửi đứa cháu cho ân nhân, hy vọng nó lớn lên có cha có mẹ như người ta.

Ông công an xã có lòng, nhưng… không có tiền. Có mảnh đất cất nhà chui mà cũng bị đuổi lên đuổi xuống. Vợ con nheo nhóc, nay lại cắp thêm một đứa con gái ất ơ ở đâu về nhà ăn ké. Bà vợ quy cho là con riêng của vợ bé. Thế là bà hè ra đập.

“Ba thương em lắm, nhưng hễ ba đi là dì đập em,” chị Yến nói. “Năm lên 10, em chịu hết nổi nên chạy ù ra lộ, trèo lên xe đi Sài Gòn. Xe nhung nhúc người, họ cứ tưởng em là con của ai đó trên xe nên cũng chẳng hỏi. Xe chạy mấy tiếng đến chợ Tân Hương thì em xuống. Cô bé chính thức ra đời năm 10 tuổi.

Sài Gòn chào đón tất cả những mảnh đời như chị Yến. Nên dù không có tiền, không người thân, không biết chữ nghĩa, chị vẫn có thể mưu sinh với nghề nhặt ve chai.

Sài Gòn chào đón tất cả những mảnh đời như chị Yến. Nên dù không có tiền, không người thân, không biết chữ nghĩa, chị vẫn có thể mưu sinh với nghề nhặt ve chai. Đời tưởng như mỉm cười khi chị Yến tìm được người yêu. “Thời trẻ trâu đó mà, cũng bày đặt yêu đương với người ta,” chị nói. “Nhưng khi biết em có bầu thì người ta bỏ em”.

Dẫu vậy, chị Yến vẫn mang bầu. Biết phận con nuôi, chị đâu dám trở về quê cậy nhờ ai. Một mình mang bầu rồi vào bệnh viện Gò Vấp đẻ. Mấy tháng cuối bầu bì nặng nề đâu có đi làm, tiền đâu ra mà trả. Chị cắp con… trốn khỏi bệnh viện. Thai kỳ ăn uống qua loa đại khái, đứa con trai chào đợi nặng có 2 kí lô. Nhỏ quá, nên chị đặt tên là Nhí. Nhưng tên trên giấy tờ thì rõ đẹp: Trần Hoàng Anh. Chị không biết, cậu nhóc bé nhỏ ấy sẽ là niềm vui lớn nhất của cuộc đời chị. Vui như Tết, vì cậu sinh ra đúng tết Tây: ngày 1/1/2009!

Những ngày đầu đi lượm ve chai buổi tối con mệt quá, buồn ngủ nữa. Nên có lúc đang đạp xe vậy đó con… ngủ luôn. (Ảnh: Thắng Chín Chắn)
Những ngày đầu đi lượm ve chai buổi tối con mệt quá, buồn ngủ nữa. Nên có lúc đang đạp xe vậy đó con… ngủ luôn. (Ảnh: Thắng Chín Chắn)

Cậu bé mang họ mẹ ấy không có tình thương của cha. Cậu chưa từng ăn một món ngon lành nào trong đời, chưa biết mùi vị của bánh trung thu hay trà sữa. Nhưng cậu mang một sức sống mãnh liệt và và một sự lạc quan khủng khiếp. Vì mẹ cậu luôn dạy cậu cách hạnh phúc với những gì mình có. Những khi hai mẹ con cùng xe ve chai đi ngang qua chùa Miên, những người Khmer ấy nói với nhau: “Coi hai mẹ con tội chưa”. Chị quay lại nói với họ bằng tiếng Khmer: “Tội gì mấy anh ơi, cuộc sống mà”.

“Cuộc sống mà”. Mới 6 tuổi Nhí đã theo mẹ ra đường nhặt ve chai. “Ban đầu con thấy mọi người nhìn con, con cũng… quê quê,” Nhí nói. “Nhưng riết rồi cũng quen. Quen rồi thì thấy… không có ai nhìn mình nữa. Vả lại có mẹ ở bên mình, thì có gì phải lo nữa”.

Con có bao giờ buồn không? Cậu bé nói chả biết buồn là gì. Đi nhặt ve chai vui quá trời mà. Nhí nói: “Mấy hôm đầu đi con bị chó dí. Tại con chỉ vô mặt nó con nói: Ê Kiki, mày cắn tao đi tao cho mày 10 ngàn. Vậy mà nó… cắn thiệt đó chú. Chắc nó thích 10 ngàn. Nó dí con chạy quá trời. Sau này nó quen con luôn, nó không dí nữa. Con bị chó dí con cũng vui. Con bị cái xe tải phun nguyên cục khói vô mặt con cũng vui. Những ngày đầu đi lượm ve chai buổi tối con mệt quá, buồn ngủ nữa. Nên có lúc đang đạp xe vậy đó con… ngủ luôn. Tay không gồng cái xe nữa, con té cái bịch, người con bầm tè le. Mà… vui”.

Mẹ con nói không nên gây sự. Mẹ nói đất nước phải hòa bình thì mọi người mới sống được.

Tìm vui trong những thứ nhỏ nhặt, người lớn kỳ thực phải học ở trẻ con nhiều lắm. Cậu bé bảo con học vài ngày mà đã có “ẻm” rồi đó, chú mà muốn chinh phục cô nào cứ hỏi con để con chỉ cho. Một đoạn đối thoại giữa chúng tôi và bé:

– Sao con về nhà là cởi trần vậy?

– Nóng quá mà chú.

– Sao con không cởi truồng luôn?

– Chú ngồi xe hơi mui trần, nóng quá thì mình kéo cái mui ra, chứ mình dẹp luôn phía dưới thì sao xe chạy được.

– Con có ước mơ gì không?

– Con muốn chế tạo xe tăng.

– Tại sao?

– Để bảo vệ nước mình trước mấy nước lớn. Rồi con chế tạo tên lửa bắn máy bay, chế tiếp tàu ngầm để nước lớn đưa tàu vào nước mình thì mình phòng thủ được. Cuối cùng con tạo thêm máy bay không người lái để bay vòng vòng trên trời kiểm tra nữa.

– Biết may bay không người lái luôn hả?

– Dạ. Chứ có người nó bắn mình sao? Xe tăng của con cũng không có ai lái cả, robot lái hết. Khi có chiến tranh, người của mình phải chui xuống hầm trốn. Không ai được chết hết.

– Sao mình không đánh người ta?

– Mẹ con nói không nên gây sự. Mẹ nói đất nước phải hòa bình thì mọi người mới sống được.

Những khi hai mẹ con cùng xe ve chai đi ngang qua chùa Miên, những người Khmer ấy nói với nhau: “Coi hai mẹ con tội chưa”. Chị quay lại nói với họ bằng tiếng Khmer: “Tội gì mấy anh ơi, cuộc sống mà”. (Ảnh: Thắng Chín Chắn)
Những khi hai mẹ con cùng xe ve chai đi ngang qua chùa Miên, những người Khmer ấy nói với nhau: “Coi hai mẹ con tội chưa”. Chị quay lại nói với họ bằng tiếng Khmer: “Tội gì mấy anh ơi, cuộc sống mà”. (Ảnh: Thắng Chín Chắn)

Nhặt ve chai cùng mẹ được hai năm thì mẹ gặp tai nạn. Nhí một mình mưu sinh nuôi mẹ. Cậu không sợ công an, không sợ ma, không sợ ai cả. “Mẹ nói không ăn trộm, không phạm pháp, thì mình không sợ ai cả,” Nhí nói. “Mình lượm ve chai, moi từng đống rác để kiếm sống thì vẫn có thể vươn đầu cao được, vì mình đâu có xin của ai điều gì. Nên gặp mấy chú công an, còn đều chào sếp hết. Mẹ nói gặp người lớn thì mình phải chào. Ai giúp gì thì mình cám ơn”.

Lần đầu tiên Nhí lên Facebook, đoạn video của cậu lập tức viral. Người ta tự hỏi: vì sao một cậu bé lam lũ giữa Sài Gòn lại có thể ngoan đến như thế, vui vẻ đến như thế. Rồi các phóng viên mau chóng chỉ ra: mỗi ngày cậu phải đạp xe ve chai đi mấy chục cây số để làm, kết hợp với bán vé số.

Ban đầu cậu chỉ nhặt ve chai, nhưng bình thường hai mẹ con cùng làm, giờ chỉ còn mình cậu, mỗi ngày chỉ kiếm được có 20-50 nghìn. Cậu về lấy hết 440.000 đồng tiền dành dụm ra thế chân để mua vé số, kiếm thêm thu nhập. Nhí nói: “Mẹ nói mình nghèo, nhưng nếu mỗi ngày mình để dành một ngàn, thì sau một thời gian mình sẽ có một đống tiền”. Nhí đã lấy “môt đống tiền” ấy để làm vốn buôn vé số. “Con sợ mẹ đau. Nên con ráng được,” Nhí nói.

Cuộc sống mưu sinh tưởng chừng vất vả ấy, với Nhí, đã là thiên đường. Bởi trước đó vài năm, khi thấy cuộc sống giữa Sài Gòn quá chật vật, chị Yến đã gửi Nhí về Sóc Trăng, hy vọng ông ngoại cho nó đi học ở quê cho đỡ tiền. Chị ráng mưu sinh, rồi gửi ngược tiền về quê cho con.

Người dì của Yến ngày xưa ghét Yến thế nào, nay ghét Nhí thế đó. Nhà ngày xưa nghèo sao, giờ nghèo… y chang vậy. Không có nước máy, cơm chẳng đủ ăn, Nhí lang thang trên đất quê, lượm me lượm xoài mà ăn cho đỡ đói. Không có xà bông, chẳng có nước sạch, cậu chỉ tắm sông, người hôi như cú, tóc cứng lại như bàn chải. Đám cháu ruột của bà dì Yến thỉnh thoảng lại đánh cu cậu một trận. Một người dưới quê tội quá, mói gọi lên cho Yến:

– Tâm ơi mày xuống rước con mày về, không người ta đánh nó chết.

“Con không sợ khổ, con chỉ sợ mẹ buồn và sợ đói thôi,” Nhí nói.

Yến nghe vậy xót con, lại đi vay tiền góp mua vé về quê rước con lên. Nhìn thấy con có cục bầm đen to cỡ cái trứng trên mắt, tim người mẹ thương con thắt lại. Thôi thì không xa nhau nữa, hai mẹ con giữa Sài Gòn nương nhau mà sống. Mẹ nhặt ve chai thì con cũng nhặt ve chai.

“Con không sợ khổ, con chỉ sợ mẹ buồn và sợ đói thôi,” Nhí nói. “Con mà đói con không có làm gì được hết”. Chị Yến nói: “Nhí tuổi ăn tuổi lớn, nên dù phải vay tiền nóng, tiền nguội, tiền đứng tiền ngồi thì em cũng phải vay cho con ăn”. Dạo gần đây Nhí đã được đến trường, chị cho nó tiền ăn sáng. Còn phần chị một ngày chỉ ăn đúng một buổi vào ban đêm, còn lại cả ngày không ăn gì cả.

Nghèo vậy, mà chị vẫn yêu đời, yêu người. Chúng tôi hỏi Nhí:

– Vì sao con lại thương mẹ?

– Tại mẹ con nhìn… xấu xấu chứ mẹ… cũng được.

– Cũng được là sao?

– Mẹ là người tốt. Mẹ nghèo chứ thấy ai nghèo hơn mẹ cũng thương. Mẹ cho người ta tiền đi xe bus đi về quê hoài chứ gì.

– Con có phải là người tốt không?

– Dạ không. Vì con chưa giúp gì cho ai được.

– Nếu có điều kiện giúp, con có giúp không?

– Giúp chớ.

– Vậy con cũng là người tốt. Nếu con có điều kiện giúp mà không giúp, con mới là người xấu.

– Vậy con sẽ là người tốt.

Cả hai mẹ con hơi buồn khi chúng tôi hỏi: “Con có muốn đi tìm cha không?”, Nhí nói: “Con không cần ba. Có mẹ là đủ rồi. Mốt ba có đi tìm con, nhìn mặt con cũng không thèm. Con ghét ba vì ba bỏ con”.

Tôi hỏi Nhí tên thật là gì, Nhí nói: “Con là Trần Hoàng Anh Đẹp Trai. Chú gọi con là Đẹp Trai thôi được rồi”. Vậy hiện tại con muốn làm gì nhất? Nhí nói: “Con thích học tiếng Anh, để sau này chế xe tăng làm việc với các chuyên gia Mỹ nói cho họ hiểu mình”.

Nhí không chửi thề, nói chuyện thông minh hài hước, lại lễ phép vô cùng. Nhìn Nhí, ta thấy rằng ngay cả một người phụ nữ ít học cũng có thể dạy con thành một người lễ phép, hữu dụng. Quan trọng hơn, nhìn Nhí, chúng ta thấy hy vọng. Chúng ta thấy rằng cuộc đời vẫn đẹp nhờ có những con người quá đỗi bình thường. Với mọi người, Nhí có thể chẳng là ai, chị Yến chẳng là ai. Nhưng Nhí là anh hùng của mẹ, và mẹ là cả bầu trời của Nhí.

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”

Bài: Bình Bồng Bột

Ảnh: Thắng Chín Chắn

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà