Tre nứa ra biển lớn

vnp2mega-1536809118-41.jpg

Cách đây tròn ba thập kỷ (13/9/1988), 13 nhà khoa học trẻ với vốn liếng gói gọn trong hai từ “hoài bão“ đã bắt đầu hành trang khởi nghiệp của mình tại khu vườn nhỏ trên phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Đó là vào thời kỳ đất nước bước vào công cuộc đổi mới và doanh nghiệp mang tên FPT đó cùng những người khai lập đã tham gia vào hành trình vượt khó của đất nước. Cháy bỏng trong họ là khát vọng tiên phong, khát vọng thoát nghèo, không chỉ cho cá nhân mỗi người, cho riêng FPT mà là của cả nền kinh tế đất nước.

Khát vọng đó, đã giúp họ vượt qua những thử thách, chông gai đầy cam go đã khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững – như lời quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Nhiều doanh nghiệp đã không bao giờ đạt được số tuổi (30) ấy.”

“Hướng ra biển lớn, không có tàu

ta sẽ kết bè

Nứa tre không chìm,

gặp giông bão lênh đênh mà đi

Lửa trong tim, lần mò bóng đêm

Quân tiên phong công nghệ thông tin…”

Bản nhạc với giọng ca trầm khàn của nhạc sỹ Trương Quý Hải cuốn lấy những người tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm của FPT, đưa người nghe về những ngày đầu gian khó…

30 năm về trước, tin học, phần mềm vốn là một vấn đề còn rất mới mẻ không chỉ ở Việt Nam. Nhưng, với một niềm tin rằng công nghệ thông tin sẽ là chìa khóa cho sự phát triển, mở ra những con đường mới, tạo ra đổi thay cho đất nước, 13 nhà khoa học đã quyết định dấn thân, mở lối tiên phong bước vào công cuộc đổi mới của nền kinh tế thị trường.

Trong phát biểu của mình, Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc – 1 trong số 13 người sáng lập FPT đúc kết: “Lối đi ở dưới chân mình, đường là do khai mở mà có.”

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho FPT.
Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho FPT.

Khi người ta thành đạt, câu nói nào cũng là chân lý. Nhưng cách đây ba thập kỷ, vấn đề lớn nhất của mỗi cá nhân là mưu sinh, sao cho đủ ăn, đủ mặc không đói khát, rách rưới thì khát vọng “mở lối,” dùng công nghệ thông tin làm tiền đề phát triển kinh tế đất nước… sẽ là một thứ gì đó na ná như “điên rồ, hoang tưởng!”

Song, có lẽ ưu thế lớn nhất của FPT đó chính là con người điên rồ và giàu hoang tưởng đó. Những người sáng lập FPT vốn đều là các nhà khoa học, là những cựu sinh viên từ các trường danh tiếng của Nga và các nước Đông Âu (cũ). Nhiều người trong số họ là những học sinh đã đoạt giải cao trong các kỳ thi Toán, Lý quốc tế. Với trí tuệ vốn có và sự đào tạo bài bản của nền giáo dục mà họ may mắn được tiếp cận, các nòng cốt FPT đã xác định khá giản đơn điều cốt lõi: Cái mới luôn khó khăn và muốn khẳng định mình, thì không được phép ngại dấn thân, không được phép dừng bước nếu lỡ chưa đúng, cứ dò dẫm mà đi, nhưng phải tiến lên!

Không ngoa khi nói FPT chính là doanh nghiệp đầu tiên mang thương hiệu của mình ra thị trường thế giới ở lĩnh vực vô cùng mới mẻ không chỉ với người Việt Nam mà trên bình diện toàn cầu, đó là Tin học-IT và những ứng dụng của nó vào trong cuộc sống, trong nền kinh tế (sau đó dần được phát triển lên công nghệ thông tin, tiếp đó là công nghệ thông tin và Truyền thông/ICT và giờ đây là AI/Trí tuệ nhân tạo, là chuyển đổi số… là công nghiệp 4.0).

Khi sứ mệnh tiên phong được nâng bước, FPT đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên, cũng là thương hiệu uy tín nhất định vị tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Khi sứ mệnh tiên phong được nâng bước, FPT đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên, cũng là thương hiệu uy tín nhất định vị tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Từ sự ra mắt của Trung tâm Dịch vụ tin học FPT (ISC) chỉ với công việc chính là “test máy tính,” vào năm 1988, FPT cũng trải qua một chặng đường khởi nghiệp gian khó là cần phải phát triển, có doanh thu để tồn tại. Đó là khoảng thời gian họ lao vào “cuộc chiến” giành quyền đại lý cho các thương hiệu công nghệ lớn của nước ngoài như HP, Compaq, IBM, Microsoft, Oracle, Cisco…

FPT là thương hiệu uy tín định vị tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
FPT là thương hiệu uy tín định vị tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Nhưng khi đã là đối tác của không thiếu một tên tuổi công nghệ thông tin lớn nào, FPT nhanh chóng hiểu ra rằng “miếng bánh ngon” không phải là doanh thu từ sản phẩm được bán mà chính là phần hậu mãi, bảo hành và phát triển dịch vụ giá trị gia tăng.

Những phần mềm và sản phẩm ứng dụng đầu tiên đã bắt đầu được mày mò nghiên cứu, thử nghiệm và quan trọng nhất: Thuyết phục các khách hàng sử dụng.

Thành quả đầu tiên đến với FPT chính là khi giành được hợp đồng xây dựng hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Vietnam Airlines vào năm 1990. Đây là dự án mang tính giải pháp đầu tiên của FPT, đặt nền móng cho định hướng đưa ứng dụng tin học vào cuộc sống.

Nhìn lại phần mềm này, có lẽ chính người FPT cũng phải thấy “buồn cười” vì mức độ sơ khai của nó. Nhưng thời đó, nó là một điều kỷ diệu mang tên “giải pháp” và là nền tảng ban đầu để FPT tự tin bước tiếp con đường quá khó khăn mà họ đã chọn.

Cuối năm 1998, chủ tịch FPT Trương Gia Bình – người được mệnh danh là “kho ý tưởng siêu dị” đã đưa ra chiến lược tiến công vào thị trường sản xuất phần mềm và phần mềm xuất khẩu. Vào thời điểm đó, chiến lược xuất khẩu phần mềm do FPT khởi xướng đã được các lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), bộ Khoa học và Công nghệ… hết sức ủng hộ, hỗ trợ. Trào lưu xuất khẩu phần mềm đã được đẩy lên cao trào và nổi tiếng đến mức vượt xa cả trào lưu nuôi cá tra, trồng hạt điều hay nuôi ốc bươu vàng…

Thời đó, ngay cả những người nông dân ở vùng sâu xa hẻo lánh thời không biết gì về Internet hay viễn thông di động cũng có thể nói về phần mềm, cũng muốn đi làm phần mềm…

Không phải không có những ‘xét lại’ sau thời kỳ xuất khẩu phần mềm rầm rộ đó, khi mà mục tiêu 500 triệu USD tưởng như trong tầm tay mà hóa quá vợi xa. Những doanh nghiệp “a dua” theo ông anh FPT “ngã sấp mặt” và chính FPT đã suýt phá sản bởi văn phòng tại Mỹ sớm đóng cửa do không có khách, sau đó là văn phòng tại Bangalore (Ấn Độ). Hai thủ phủ về phần mềm đã đóng cửa lại với FPT sau khi ngốn đi của họ hơn 2 triệu USD – số vốn quá lớn thời đó.

Giống như Khổng Minh gạt lệ chém Mã Tốc, FPT đã phải “trảm” khá nhiều những tướng giỏi thời đó, trong đó có Nguyễn Văn Hùng (Henry Hùng) – của văn phòng đại diện ở tại Silicon Valley (Mỹ), Khúc Trung Kiên và cả Nguyễn Khắc Thành (hiện là Hiệu trưởng Đại học FPT) của văn phòng đại diện tại Bangalor (Ấn Độ).

Họ biết phần mềm và xuất khẩu phần mềm cũng như công nghệ thông tin và những dịch vụ, ứng dụng giá trị gia tăng trên nền tảng của công nghệ sẽ là chìa khóa đưa họ đến tương lai, giúp họ thực hiện hoài bão.

Nhưng, sự thua lỗ đó người FPT ‘cắn răng’ gánh và quyết tâm không dừng lại, với nhãn quan tinh tường của các nhà khoa học làm kinh tế, họ biết phần mềm và xuất khẩu phần mềm cũng như công nghệ thông tin và những dịch vụ, ứng dụng giá trị gia tăng trên nền tảng của công nghệ sẽ là chìa khóa đưa họ đến tương lai, giúp họ thực hiện hoài bão.

Dẫu thị trường nước ngoài bị chặn đứng, nhưng đâu đó cái tên FPT đã vượt ra khỏi biên giới chữ S, vượt qua khỏi châu lục để đến những miền đất mới – nơi mở ra mọi cơ hội cho tất cả.

Chưa hết, chính sự đi ra nước ngoài này đã khiến cái tên FPT trở nên có giá trong thị trường trong nước và giúp họ ‘lặng lẽ’ thu về những hợp đồng có giá nhất thời kỳ những năm từ 2000-2005. Những người cầm quân đánh đông dẹp bắc khi đó chính là Tổng giám đốc FPT hiện nay Bùi Quang Ngọc với các dự án triển khai quản trị doanh nghiệp (ERP) và Phó Tổng giám đốc Đỗ Cao Bảo cầm quân nhánh Phát triển Hệ thống thông tin (IS). Trong khi đó, cựu Tổng giám đốc Nguyễn Thành Nam rút về phía sau chuẩn bị cho một ngày “tái khởi nghĩa” chiến lược xuất khẩu phần mềm.

FPT là đơn vị tiên phong trong nhập khẩu, bán lẻ sản phẩm công nghệ.
FPT là đơn vị tiên phong trong nhập khẩu, bán lẻ sản phẩm công nghệ.

Các hợp đồng ứng dụng, triển khai phần mềm hay quản trị dữ liệu lần lượt nếu không về tay FPT thì cũng sẽ có FPT làm nhà thầu phụ hoặc cùng triển khai với các đối tác nước ngoài tên tuổi sừng sỏ.

“Năng nhặt chặt bị,” chẳng những họ thu hồi khoản lỗ mà bắt đầu có lợi nhuận. Song trên hết, đó là những kinh nghiệm đã tích lũy được từ đối tác nước ngoài và thực tế của các dự án được tham gia.

Trong lúc đó, nguồn nhân lực đã được chuẩn bị, từ những lớp phần mềm sơ khai như Aptech, Arena… đặt nền móng cho Đại học FPT sau này. Vị tướng bại trận năm xưa ở Ấn Độ Nguyễn Khắc Thành đã được đặt về đúng nơi sở trường đã góp một phần vô cùng lớn vào việc gia tăng quân số làm công nghệ, làm phần mềm cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam.

Không ra quân rầm rộ, FPT lặng lẽ xâm nhập thị trường quốc tế từ chính những dự án nội theo sách lược “cáo gửi chân.” Đánh dấu bước chuyển mình đầu tiên chính là những dự án thành công trên đất hoa anh đào vào cuối năm 2005.

Trong hơn 15 năm qua, xuất khẩu phần mềm của FPT liên tục tăng trưởng trung bình 30-40%/năm, là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT và kỳ vọng đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020, đóng góp 505 tỷ trọng doanh thu của FPT.

Những năm sau đó, FPT mở rộng sự lan tỏa của mình ra những nơi được coi là huyết mạch của công nghệ thông tin như Singapore và một số nước châu Âu để rồi quay trở lại Mỹ. Từ những dự án vài trăm ngàn USD, đến vài triệu USD lên tới những dự án có năm số 0… FPT đã dần phủ kín các địa bàn lớn của thế giới với các dự án của mình.

Bằng thương vụ 30 triệu USD mua lại công ty Intellinet Consulting (Mỹ), FPT đã đánh dấu sự trở lại đầy ngoạn mục trên xứ cờ hoa để lấy đó làm bàn đạp tiếp tục chiếm lĩnh thêm những thị trường đầy tiềm năng của thế giới.

Trong hơn 15 năm qua, xuất khẩu phần mềm của FPT liên tục tăng trưởng trung bình 30-40%/năm, là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT và kỳ vọng đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020, đóng góp 50% tỷ trọng doanh thu của FPT.

Tới nay, tập đoàn đến từ đất nước hình chữ S đã cung cấp dịch vụ tại 33 quốc gia. Bộ sưu tập “khách hàng” cũng đồ sộ hơn với hàng chục cái tên trong danh sách Fortune 500 toàn cầu.

FPT được công nhận ở cấp đối tác hàng đầu của nhiều “ông lớn” như Microsoft, IBM, Amazon, General Electrics, Siemens, Dupont, Airbus

Trong hành trình 30 năm ấy, thất bại và thành công không làm người FPT chùn bước hay tự cao, tự đại. Họ vẫn luôn tìm hướng tiên phong như khát khao ban đầu của 13 nhà khoa học trẻ dù giờ đây FPT đã lớn mạnh với 33.000 nhân viên – trong đó có gần 14.000 chuyên gia công nghệ. Các chàng thanh niên U30 năm xưa giờ tóc đã muối tiêu, sợi trắng nhiều hơn sợi đen.

Họ đang đứng trên sân khấu hát say sưa hào hứng ca khúc “Tre nứa vượt đại dương” với một nhiệt huyết hiếm có. Sự nhiệt huyết của những khát vọng không dừng lại, vẫn nguyên vẹn sự “cháy!”

Họ vẫn luôn tìm hướng tiên phong như khát khao ban đầu của 13 nhà khoa học trẻ dù giờ đây FPT đã lớn mạnh với 33.000 nhân viên – trong đó có gần 14.000 chuyên gia công nghệ.

Có lẽ, đây chính là bí quyết giúp những con người dám khởi đầu ra khơi bằng những chiếc bè thuở nao đạt được thành tựu hôm nay: Ca khúc khải hoàn lại trên những con tàu hiện đại, sang trọng.

Nhưng thành công không khiến FPT cho mình được quyền đứng lại hưởng thụ. Chàng thanh niên hăm hở làm giàu ngày nào đã lớn lên, đã trưởng thành, đã mang một tầm vóc mới. Họ không còn chỉ đơn thuần là người mở đường cho chính mình mà đặt ra trách nhiệm khai phá, dẫn đầu với sứ mệnh cùng hợp sức mạnh để tiếp cận, chiếm lĩnh và chiến thắng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo đà nhảy vọt cho nền kinh tế đất nước.

Xác định chưa bao giờ Việt Nam được đứng cùng vạch xuất phát với các quốc gia như ngày hôm nay, lãnh đạo FPT bảo rằng đây là cơ hội và cũng là thách thức. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc này bằng rất nhiều chính sách, công việc để quyết không lỡ chuyến tàu 4.0.

Là doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam về công nghệ thông tin, FPT chính thức công bố sứ mệnh tiên phong trong chuyển đổi số để chuyển đổi kinh tế Việt Nam. Người FPT tin rằng, công cuộc chuyển đổi số do FPT tiên phong sẽ tạo ra một môi trường kích thích và nuôi dưỡng trí tuệ Việt.

“Tre nứa vượt đại dương” – khúc ca khát vọng của FPT.

Bởi lẽ, có những bài toán chuyển đổi số không chỉ được giải quyết nhờ vào hạ tầng, ngân sách mà còn cần cả sự thấu hiểu sâu sắc về văn hóa, con người. Đôi khi, còn cần cả lòng tự tôn, tự hào dân tộc mới đủ sức để tìm ra lời giải.

Khi đưa ra quyết định mang tính chất bước ngoặt, người FPT xác định “dấn thân vào cơ hội để góp phần đưa Việt Nam nói chung, nền công nghệ nước nhà nói riêng nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển so với thế giới.”

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bảo rằng, 30 năm FPT cũng là 30 năm đổi mới của đất nước. Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã sinh ra FPT và FPT đã đóng góp phần mình vào sự nghiệp ấy. Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2045, khi đất nước kỷ niệm dịp 100 năm Quốc khánh sẽ là nước phát triển.

“Khát vọng mới của đất nước sẽ ‘tái sinh FPT’ để đồng hành trong chặng đường vĩ đại sắp tới…”- lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng.

Khi kết thúc bài viết, tôi lại văng vẳng câu hát của người nhạc sỹ tài hoa Trương Quý Hải…

“Nứa tre Việt Nam, khao khát tươi trẻ

Tre nứa ngút ngàn

Dợp tương lai… tươi sáng…!!!”

Dân tộc Việt Nam cần nhiều những tre nứa ngoan cường như FPT, cùng kết thành những chiếc bè thật chặt để vượt trùng khơi ra biển lớn, đưa Việt Nam đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, trở thành một quốc gia hùng mạnh.

Và, nếu có ngại ngần, nếu chưa sẵn sàng, hãy nhìn vào FPT hôm nay, hãy nhìn những “ông già/đại gia” giàu có và danh tiếng đang hồn nhiên, say sưa…

“Hướng ra biển lớn

không có tàu, ta sẽ kết bè

Nứa tre không chìm,

gặp giông bão lênh đênh mà đi

Lửa trong tim, lần mò bóng đêm

Quân tiên phong công nghệ thông tin…”

…để được thắp lên ngọn lửa của lòng tự tôn dân tộc, của trách nhiệm với non sông mà cùng tiến bước./.

Và, nếu có ngại ngần, nếu chưa sẵn sàng, hãy nhìn vào FPT hôm nay.
Và, nếu có ngại ngần, nếu chưa sẵn sàng, hãy nhìn vào FPT hôm nay.

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà