Khoa học vị nhân sinh

Khi ngồi ôn lại với chúng tôi câu chuyện của mình, ông Trần Ngọc Phúc, hiện là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, nói rằng hàng chục năm bươn chải tại Nhật Bản đã thành kỷ niệm. Những ngày khủng hoảng, mất phương hướng khi đột ngột không còn sự hỗ trợ của gia đình, những vất vả gian nan của những ngày đầu đơn thương độc mã lập nghiệp ở xứ người, những quả ngọt mà ông gặt hái được sau những năm tháng bền bỉ và ý chí… tất cả đã trôi qua như ông vừa trải qua một giấc mộng.

Những hạt mầm nhân sinh

Vào những năm 50-60, trong thời buổi đất nước liên tục biến động, gia đình của ông Trần Ngọc Phúc cũng phải gánh chịu những cơn sóng lớn. Mặc dù còn nhỏ, song cậu bé Trần Ngọc Phúc đã cảm nhận được những thử thách khắc nghiệt mà cha mẹ của cậu đang phải chèo chống để bảo vệ gia đình. Thế nhưng, cho dù các thử thách có khắc nghiệt đến đâu, cha và mẹ cậu chưa bao giờ từ bỏ sự thiện lương, sự kiên cường và lòng tự trọng của những con người xuất thân từ những gia đình gia phong, nề nếp. Chính trong những tháng ngày gian khó đó, những hạt mầm làm người đầu tiên đã được ươm vào trí óc của cậu bé Trần Ngọc Phúc.

Ông Trần Ngọc Phúc kiểm tra một máy trợ thở đã được lắp ráp. (Nguồn: Vietnam+)
Ông Trần Ngọc Phúc kiểm tra một máy trợ thở đã được lắp ráp. (Nguồn: Vietnam+)

Năm 1968, chàng thanh niên 21 tuổi Trần Ngọc Phúc lúc đó sang Nhật Bản du học tự túc. Lý do để ông sang Xứ sở Mặt trời mọc rất giản dị. Vốn là gia đình Phật tử xứ Huế, nơi có cụ Phan Bội Châu với phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20, Nhật Bản trở nên quen thuộc với gia đinh ông khi thường xuyên được các sư thầy giới thiệu. Từ các mối quan hệ gia đình, ông lên đường sang Nhật Bản.

Thử thách lớn nhất của ông Trần Ngọc Phúc cũng như các du học sinh Việt Nam khác tại Nhật Bản là ngôn ngữ vì tiếng Nhật được đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó trên thế giới. Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng như những khó khăn khác liên quan đến năng lực bản thân đã không làm nản chí cậu thanh niên Trần Ngọc Phúc, người vốn coi đó là những điều đương nhiên phải đối mặt khi đi du học. Điều quan trọng nhất là ông vẫn được cha mẹ hỗ trợ, tạo cho ông điều kiện sống tốt nhất để ông chỉ việc tập trung trau dồi kiến thức.

Ông Trần Ngọc Phúc ung dung với cuộc sống du học. Để hỗ trợ, cha mẹ ông đã lập sẵn hãng sản xuất, chuẩn bị cho ông bệ phóng để khi về Việt Nam, ông sẽ có một giang sơn riêng để phát huy những kiến thức của mình.

Ông Trần Ngọc Phúc trao đổi với nhân viên về thiết kế một sản phẩm mới. (Nguồn: Vietnam+)
Ông Trần Ngọc Phúc trao đổi với nhân viên về thiết kế một sản phẩm mới. (Nguồn: Vietnam+)

Bước ngoặt cuộc đời

Sự thay đổi số phận của đất nước một lần nữa đã làm thay đổi số phận của gia đình ông Trần Ngọc Phúc. Giải phóng đất nước năm 1975, Chiến tranh Lạnh và Việt Nam bị áp đặt cấm vận đã khiến cho các du học sinh miền Nam trước 1975 bị mất liên lạc hoàn toàn với gia đình. Nếu như trước kia, mọi sóng gió đều do cha và mẹ gánh chịu để bảo vệ gia đình thì giờ đây, lần đầu tiên cậu thanh niên Trần Ngọc Phúc phải trực tiếp đối mặt với thử thách.

Từ một công tử với một cuộc sống an nhàn, vô lo, trong phút chốc, cậu thanh niên Trần Ngọc Phúc rơi vào tình cảnh mất phương hướng khi không còn liên lạc được với cha mẹ, những người đã luôn bảo vệ và vạch sẵn đường đi tương lai cho cậu.

Những người bạn Việt Nam cùng du học lần lượt lựa chọn các quốc gia Âu Mỹ để rời đi, mỗi một lần ra tiễn bạn tại sân bay Haneda, cậu thanh niên Trần Ngọc Phúc lại thấy cô đơn và hoang mang khi nghĩ đến tương lai của mình.

Thế nhưng, bản lĩnh của một thanh niên xuất thân từ một gia đình có bề dày nề nếp gia phong không cho phép cậu bi lụy quá lâu về biến cố của cuộc đời.

Sáng tạo từ con số 0

Chuyên môn của ông Trần Ngọc Phúc là hóa công nghiệp. Mục tiêu học tập của ông lúc đó là sử dụng dầu dừa làm nguyên liệu để chế tạo các sản phẩm dầu gội, bột giặt. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được nhận được học bổng dành cho nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, vào thời điểm ông đi thực tập, thế giới đang rơi vào khủng hoảng dầu mỏ. Nhật Bản là nước không có tài nguyên nên phải nhập hoàn toàn nguyên liệu dầu thô từ nước ngoài. Vì vậy, ông Trần Ngọc Phúc không có cơ hội để thực tập đúng chuyên môn của mình.

Thay vào đó, ông được trường giới thiệu đến thực tập tại hãng chế tạo thiết bị y khoa Senko Medical Instrument Manufacturing, chuyên nghiên cứu về các ống nhựa dùng cho các thiết bị truyền dịch tại bệnh viện. Đây là bộ phận đóng vai trò tối quan trọng trong thiết bị y tế. Với tính cách đã làm là làm đến cùng, ông đã đọc hàng trăm nghìn trang tài liệu, nghiên cứu chi tiết các kiến thức liên quan đến các loại ống nhựa này.

Máy trợ thở đã hoàn thiện chờ xuất xưởng. (Nguồn: Vietnam+)
Máy trợ thở đã hoàn thiện chờ xuất xưởng. (Nguồn: Vietnam+)

Số thời gian ông có mặt tại bệnh viện và số trang tài liệu ông đọc về các thiết bị y tế không hề kém, thậm chí còn vượt cả nhiều bác sỹ. Nhiều bác sỹ cấp lãnh đạo còn giao cho ông xem xét, đánh giá các bản nghiên cứu về thiết bị y tế của các bác sỹ khác tại bệnh viện vì tin tưởng vào trình độ của ông trong lĩnh vực này. Gia đình ông và ông đã dự định sau khi về Việt Nam, ông sẽ chế tạo các loại ống nhựa truyền dịch cho hãng của gia đình.

Tuy nhiên, biến cố mất liên lạc với gia đình đã khiến kế hoạch đó bị tan vỡ. Sau một thời gian chới với trong khủng hoảng, ông quyết định đứng dậy, trở lại hãng, tiếp tục làm việc. Nếu trước kia ông an tâm với bệ đỡ là gia đình, là cha mẹ, thì giờ đây ông phải tự tạo bệ đỡ cho mình. Khó khăn càng lớn hơn khi ông phải khẳng định mình tại một quốc gia có nền văn hóa không cởi mở với người nước ngoài.

Nếu trước kia ông Phúc an tâm với bệ đỡ là gia đình, là cha mẹ, thì giờ đây ông phải tự tạo bệ đỡ cho mình

Để khẳng định được mình tại một đất nước xa lạ, ông quyết định tạo cho mình một con đường riêng, đó là đi vào lĩnh vực mà Nhật Bản chưa có. Nếu thành công, ông sẽ là người tiên phong, đứng đầu.

Ông vẫn được tạo điều kiện tiếp tục làm việc tại hãng, vẫn được phép tiến hành các nghiên cứu của mình song vì là người nước ngoài, ông phải tự tiến hành một mình.

Người Nhật Bản vốn coi an toàn là tiêu chí hàng đầu, chính vì vậy họ thường ít khi chọn những lĩnh vực có nhiều rủi ro. Sau thời gian thực tập tại các bệnh viện, ông nhận ra rằng Nhật Bản không sản xuất máy hô hấp nhân tạo do đặc thù có độ rủi ro cao. Ông quyết định dấn thân vào lĩnh vực này. Để tạo ra được một máy hô hấp nhân tạo trong hoàn cảnh không có ai cùng tham gia, ông Trần Ngọc Phúc phải tự đảm nhận một khối lượng công việc khổng lồ các kiến thức về đủ các lĩnh vực như cơ khí, hàn, tiện, thiết kế…

Không chỉ như vậy, cùng với những người Nhật có thái độ thân thiện, vẫn có những người Nhật tỏ rõ sự xa lánh. Khó khăn không nản, bị xa lánh cũng không thu mình, ông vẫn tươi cười mở lòng với tất cả mọi người. Sự chân tình và cởi mở đó đã giúp ông có thêm nhiều người bạn Nhật thân thiết, hỗ trợ ông khai phá một lĩnh vực hoàn toàn mới tại Nhật Bản.

Ông Trần Ngọc Phúc đang thao tác thử một máy trợ thở đã được lắp. (Nguồn: Vietnam+)
Ông Trần Ngọc Phúc đang thao tác thử một máy trợ thở đã được lắp. (Nguồn: Vietnam+)

HFO – ước mơ đem điều tốt đẹp đến cho nhân loại

Từ những năm tháng thực tập tại các bệnh viện, ông Phúc đã có ước mơ về những điều tốt đẹp cho sự sống của con người. Chứng kiến những trẻ sơ sinh thiếu tháng tử vong do không thể hô hấp, ông đã mong muốn chế ra một chiếc máy phù hợp với lá phổi mỏng manh của các cháu bé. Phổi của trẻ sinh thiếu tháng chưa hoàn thiện vì vậy máy trợ thở thông thường dùng áp lực từ bên ngoài đưa không khí vào phổi có thể khiến cho khí quản bị phình to do không khí không thể vào phổi.

Không chỉ cứu người, một giá trị nữa mà ông Phúc mong muốn là cố gắng đem lại một cuộc sống khỏe mạnh, không di chứng cho những trẻ được cứu sống. Vào thời điểm đó, nếu không dùng máy trợ thở, trẻ sơ sinh thiếu tháng sẽ được tăng lượng oxy đưa vào phổi, tuy nhiên, lượng oxy nếu vượt quá mức cho phép sẽ gây biến chứng mù mắt.

Năm 1984, ông Trần Ngọc Phúc với sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè đã thành lập công ty Metran Co.Ltd để tập trung nghiên cứu và cho ra đời chiếc máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation) đầu tiên dành cho trẻ sinh thiếu tháng. Chiếc máy thở do ông Trần Ngọc Phúc sáng chế, hoạt động với nguyên tắc rung nhẹ từ 900-1.500 lần/phút để đưa không khí thấm dần vào các phế nang của phổi. Không chỉ giúp nâng cao tỷ lệ cứu sống trẻ sinh non, máy HFO còn được đánh giá cao vì đã giải quyết được vấn đề không gây biến chứng về sau đối với trẻ.

Máy HFO liên tục được Metran cải tiến và nâng cấp. Từ phiên bản đầu tiên khá to và nặng, máy HFO hiện nay của Metran khá gọn nhẹ và hiện đại, được trang bị bảng điều khiển điện tử. Máy HFO của do Metran sản xuất được xác nhận đã cứu sống hàng nghìn trẻ sinh non tại Nhật Bản. Cho đến thời điểm này, 90% các bệnh viện, trung tâm y tế lớn của Nhật Bản trang bị máy HFO của ông Trần Ngọc Phúc. Máy cũng đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới như Đức, Anh, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Costa Rica, Mexico…

Ông Trần Ngọc Phúc giới thiệu bức ảnh kỷ niệm ghi lại ngày Nhà vua Nhật Bản đến thăm Metran. (Nguồn: Vietnam+)
Ông Trần Ngọc Phúc giới thiệu bức ảnh kỷ niệm ghi lại ngày Nhà vua Nhật Bản đến thăm Metran. (Nguồn: Vietnam+)

Câu chuyện chiếc máy HFO của một doanh nhân gốc Việt giúp hồi sinh cho hàng nghìn trẻ sinh thiếu tháng tại Nhật Bản đã đem lại cho ông Trần Ngọc Phúc một vinh dự vô cùng lớn lao. Trong chuyến thăm hồi tháng 7/2012 của Nhà Vua Nhật Bản, ông Trần Ngọc Phúc là người duy nhất được đi cạnh Nhà Vua Nhật Bản suốt thời gian đó để giới thiệu về Metran và HFO. Sự tinh tế và chú ý của Nhà Vua tới từng chi tiết nhỏ tại Metran, từ lời cảm ơn vì ông Trần Ngọc Phúc đã lặng lẽ đặt một chiếc ghế ở chiếu nghỉ để cho Nhà Vua có thể nghỉ chân nếu như cảm thấy mệt do leo cầu thang quá nhiều, sự ân cần, nhẹ nhàng của Nhà Vua khi nói chuyện với nhân viên Metran và những kiến thức của Nhà Vua về hóa công nghiệp, tất cả đã tạo ấn tượng mạnh với ông Trần Ngọc Phúc.

Có lẽ, tài năng thôi chưa đủ, triết lý nhân sinh mà ông Trần Ngọc Phúc gửi gắm trong sáng chế của mình chính là cơ duyên để, trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ tại Nhật Bản, Nhà Vua Nhật Bản quyết định chọn Metran, một doanh nghiệp khiêm tốn của một người gốc nước ngoài.

Thành công với máy HFO, ông Trần Ngọc Phúc cùng với Metran tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và sáng chế các dòng máy hô hấp. Hiện nay, Metran còn có thêm các dòng sản phẩm như máy cô đặc ôxy, máy trợ thở dùng tại gia đình cho những người mắc chứng ngừng thở khi ngủ…

Tháng 12/2017, Metran Co.Ltd vinh dự được Chính phủ Nhật Bản công nhận “Doanh nghiệp đóng vai trò động lực tăng trưởng tương lai của khu vực” dựa trên phân tích về giá trị gia tăng của doanh nghiệp đóng góp cho xã hội và dự đoán những đóng góp mà doanh nghiệp sẽ đem lại cho nền kinh tế khu vực trong tương lai.

HFO đã tạo dựng uy tín cho ông Trần Ngọc Phúc trong lĩnh vực máy hô hấp nhân tạo. Ông thường xuyên nhận được các đề nghị từ khắp nơi trên thế giới về hợp tác, hỗ trợ và tham vấn ý kiến để nghiên cứu và phát triển dòng máy hô hấp nhân tạo. Thành công về kinh tế và danh tiếng mà HFO mang lại cho ông Trần Ngọc Phúc không làm giảm đi niềm say mê sáng tạo của ông.

Năm 2017, ông Trần Ngọc Phúc đã lập Trung tâm nghiên cứu Magos, nơi mà ông có thể chuyên tâm nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm mới. Magos hiện đang trong quá trình nghiên cứu và chế tạo một thiết bị trợ thở cầm tay gọn nhẹ, hỗ trợ hô hấp cho những người phổi bị tổn thương do hút thuốc lá. Sản phẩm này đang được kỳ vọng sẽ là bước đột phá trong lĩnh vực máy hô hấp nhân tạo trên thế giới.

Gặp gỡ và trò chuyện với các sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nhật Bản. (Nguồn: Vietnam+)
Gặp gỡ và trò chuyện với các sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nhật Bản. (Nguồn: Vietnam+)

Tình yêu với đất Mẹ

Đã tự khẳng định được mình tại một Nhật Bản, nơi đã trở thành quê hương thứ hai, song ông Trần Ngọc Phúc chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ về đất Mẹ, nơi có cha mẹ và những người thân của ông đang sinh sống. Vốn tiếng Nhật và bề dày về kiến thức y khoa đã giúp ông có cơ duyên gặp gỡ bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong thời gian bà có mặt tại Nhật Bản để tìm hiểu về việc tiến hành ca mổ tách cặp song sinh Việt-Đức.

Cảm nhận được tâm huyết của ông Trần Ngọc Phúc muốn đóng góp cho Tổ quốc, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã nhiệt tình hỗ trợ ông về nước tìm lại gia đình, đồng thời tiến hành khảo sát thực trạng các bệnh viện tại Việt Nam để sau đó xác định kế hoạch hỗ trợ.

Năm 1986, ông đã được đoàn viên với gia đình, gặp lại cha mẹ và các em tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với niềm vui đoàn tụ, ông đã được bố trí đi khảo sát một loạt các bệnh viện tại Việt Nam. Sau khi trở lại Nhật Bản, ông đã tặng máy HFO cho nhiều bệnh viện nhi tại Việt Nam. Không chỉ vậy, với uy tín của mình, ông còn nhiệt tình hỗ trợ cho các bác sỹ Việt Nam trong quá trình học tập nghiên cứu tại Nhật Bản.

Khi ông Trần Ngọc Phúc còn là du học sinh, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản chỉ có vài chục người. Con số này đã lên đến hàng trăm nghìn người trong năm 2017.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhóm người Việt tại Nhật Bản do ông Trần Ngọc Phúc thành lập. (Nguồn: Vietnam+)
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhóm người Việt tại Nhật Bản do ông Trần Ngọc Phúc thành lập. (Nguồn: Vietnam+)

Vui mừng với sự phát triển của cộng đồng người Việt song ông Trần Ngọc Phúc cũng đau đáu những điều cần phải làm cho đồng bào của mình đang ở xứ Phù Tang. Nếu như ngày xưa, chàng thanh niên Trần Ngọc Phúc phải “đơn thương độc mã” lập nghiệp ở xứ người thì ngày nay nhà khoa học Trần Ngọc Phúc tìm cách hỗ trợ những thanh niên Việt Nam có năng lực, ý chí, giảm bớt cho họ những trở ngại mà ông phải vượt qua khi một mình lập nghiệp.

Ông đã lập ra những nhóm sinh hoạt dã ngoại, có chung sở thích, tạo cho các em những cơ hội thư giãn, kết nối trong cộng đồng. Đối với ông, những nhóm sinh hoạt chung là những lồng ấp để nuôi dưỡng những nhân tài, trí đức cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Đối với ông Phúc, những nhóm sinh hoạt chung là những lồng ấp để nuôi dưỡng những nhân tài, trí đức cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản

Ngày 28/5/2017, ông Trần Ngọc Phúc được bầu làm Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2017-2020. Ông huy động các thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản cùng ông xây dựng các chương trình hành động với mục đích nâng cao nhận thức cho người Việt tại Nhật Bản, hỗ trợ những người Việt khó khăn hòa nhập với xã hội Nhật Bản. Mục tiêu của ông là xây dựng một cộng đồng người Việt văn minh, làm đẹp hình ảnh người Việt tại Nhật Bản. Ông tin tưởng điều này cũng chính là yếu tố trọng cho quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia và giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.

Đối với ông Trần Ngọc Phúc, sáng tạo hay kinh doanh không chỉ đem lại những lợi nhuận về kinh tế mà cùng với đó là tinh thần nhân văn. Sự thiện lương là điều gốc rễ trong con người ông Phúc và được phản ánh trong mọi giai đoạn cuộc đời của ông. Với tư cách là nhà khoa học sáng chế, ông luôn tâm niệm “khoa học vị nhân sinh.” Khoa học để phục vụ con người, giúp cho con người có một cuộc sống tốt đẹp hơn là nguyên tắc căn bản trong cuộc đời và sự nghiệp của ông Trần Ngọc Phúc./.

Ông Trần Ngọc Phúc hướng dẫn các kỹ thuật chụp ảnh cho các thành viên trong nhóm nhiếp ảnh. (Nguồn: Vietnam+)
Ông Trần Ngọc Phúc hướng dẫn các kỹ thuật chụp ảnh cho các thành viên trong nhóm nhiếp ảnh. (Nguồn: Vietnam+)