30 năm FDI

Lời tòa soạn

Năm 1987 là một dấu mốc lịch sử đối với Việt Nam, khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chính thức được Quốc hội thông qua lần đầu tiên. Sau 30 năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trong khu vực và là một trong những nơi thu hút vốn nước ngoài mạnh mẽ nhất.

Dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc (Ảnh: Danh Lam - TTXVN)
Dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc (Ảnh: Danh Lam – TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tổ chức tại Hà Nội hôm 4/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 8/2018 đã có hơn 26.500 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Đầu tư nước ngoài có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó 58% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Số liệu cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng đầu năm 2018.

Đáng chú ý, số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

Từ kết quả trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời tạo nên nền tảng quan trọng cho tăng trưởng cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

30 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng đầu tư FDI vào Việt Nam lớn nhất trong 8 tháng của năm 2018

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại trong thu hút FDI tại Việt Nam như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là khu vực FDI chưa tạo ra được sự lan tỏa trong việc kết nối với khu vực kinh tế tư nhân như mong đợi.

Do vậy, theo Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam phải có chính sách để khắc phục được những tồn tại và hạn chế trên. Hơn nữa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra những yêu cầu phải có sự thay đổi trong chiến lược thu hút nước ngoài giai đoạn tới.

Trong chuyên đề về 30 năm tổng kết FDI, VietnamPlus sẽ điểm lại từ mốc khởi đầu, những thành tựu cũng như những gì cần khắc phục, để chúng ta có được một cái nhìn toàn diện hơn về khu vực đầu tư nước ngoài trong bức tranh kinh tế sôi động của Việt Nam giai đoạn hiện nay.

(Mời xem tiếp trang bên)

Những mô hình tiên phong

Anh Tuấn – Tiến Lực – Xuân Anh

Với truyền thống sáng tạo, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương có những cách làm “vượt rào”, đột phá trong phát triển kinh tế.

Trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố mang tên Bác cũng là nơi thí điểm các mô hình mẫu, rồi rút kinh nghiệm để nhân rộng ra cả nước.

Từ khu chế xuất …

Ngay sau khi chính sách thu hút vốn FDI được cụ thể hoá từ đầu năm 1988, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình khu chế xuất tại khu vực phía Nam thành phố.

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận, một trong những “kiến trúc sư” của Khu chế xuất Tân Thuận, nhớ lại, Khu chế xuất Tân Thuận được hình thành trong những năm 1988 -1990, khi Việt Nam còn chịu cấm vận kinh tế, không có nhà đầu tư nước ngoài nào vào đầu tư còn các doanh nghiệp quốc doanh hoạt động không hiệu quả, đang tự ăn vào vốn của chính mình.

Khi đó để “phá rào” khỏi cơ chế bao cấp, Thành phố Hồ Chí Minh được chọn là nơi thí điểm để xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm kêu gọi đầu tư nước ngoài. Về lý do phải xây dựng khu chế xuất, ông Phan Chánh Dưỡng phân tích: Muốn thu hút đầu tư nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế thì phải có các điều kiện cơ bản về hạ tầng, giao thông, điện, nước,….

Trong khi đó hạ tầng của Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh thời đó rất kém và không có khả năng nâng cấp trên diện rộng. Chỉ có cách quy hoạch một khu nhỏ và phát triển hạ tầng trong đó mới khả thi và tập trung được các nhà đầu tư nước ngoài.

Khu Công nghệ cao tại Quận 9 (Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN)
Khu Công nghệ cao tại Quận 9 (Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN)

Ông Phan Chánh Dưỡng, khi đó là Giám đốc Công ty Cholimex, được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giao phụ trách đề án “Xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp”. Theo ông Dưỡng, dù Đề án là xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp, nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ, chỉ có xây dựng khu chế xuất là khả thi.

Bởi quy chế của khu chế xuất là doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Còn nếu xây dựng khu công nghiệp, doanh nghiệp được quyền mua nguyên liệu trong nước dẫn đến cạnh tranh nguồn nguyên liệu với doanh nghiệp nhà nước, được quyền bán hàng cả trong nước và xuất khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

“Nếu xét về chất đất thì Tân Thuận là vùng bỏ đi, nhưng nhìn vào vị trí thì đây là đất vàng để xây khu chế xuất. Vì đây là cửa ngõ từ Thành phố Hồ Chí Minh ra biển Đông, kết nối với các nước Đông Nam Á,”

Theo ông Phan Chánh Dưỡng, đã làm khu chế xuất thì vị trí là rất quan trọng. Việc chọn bán đảo Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè, nay là quận 7 để xây dựng khu chế xuất Tân Thuận là bởi nơi này hội đủ các điều kiện về vị trí thuận lợi: nằm bên cạnh cảng Sài Gòn, gần trung tâm thành phố có nhiều lao động, cơ bản đã có nguồn nước, điện, đường giao thông dù hẹp nhưng đã có thể đến tận nơi. Như thế thì có thể thuyết phục nhà đầu tư quan tâm đến.

“Nếu xét về chất đất thì đây là vùng bỏ đi, nhưng nhìn vào vị trí thì đây là đất vàng để xây khu chế xuất. Vì đây là cửa ngõ từ Thành phố Hồ Chí Minh ra biển Đông, kết nối với các nước Đông Nam Á,” ông Phan Chánh Dưỡng chia sẻ.

Với quyết tâm của những người tham gia đề án và lãnh đạo Thành phố, một khu chế xuất với quy mô 300 ha đã hình thành với cơ sở hạ tầng hoàn thiện gồm hệ thống nhà máy cùng với các tiện ích như đường xá, hệ thống cấp thoát nước, cảnh quan và các công trình khác.

Ngày 6/5/2018, Phó thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế đã đến tham quan cửa hàng thực phẩm San Hà (doanh nghiệp chuỗi thực phẩm an toàn) và bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Nicdec Tosok Việt Nam (Khu Chế xuất Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 6/5/2018, Phó thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế đã đến tham quan cửa hàng thực phẩm San Hà (doanh nghiệp chuỗi thực phẩm an toàn) và bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Nicdec Tosok Việt Nam (Khu Chế xuất Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngay sau khi đi vào hoạt động, khu này đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Đến nay, đã có 199 nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia đầu tư vào khu với tổng số vốn đầu tư 1,690 tỷ USD. Từ thành công của Khu chế xuất Tân Thuận, mô hình này đã được nhân rộng ra cả nước. Gần 300 khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay đều được xây dựng dựa trên mô hình của Khu chế xuất Tân Thuận.

Từ khu đầm lầy, không ai muốn ở khi đó, sau gần 30 năm không chỉ có một Khu chế xuất Tân Thuận tầm cỡ khu vực, điểm sáng trong thu hút FDI mà còn lan tỏa theo trục đường Nguyễn Văn Linh đến khu Nam Sài Gòn, trong đó có khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Khu chế xuất Tân Thuận cũng là cơ sở để Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Hiệp Phước và Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An), tạo thành một tổng thể thúc đẩy phát triển cả khu vực.

…đến khu đô thị mới

Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển Phú Mỹ Hưng được thành lập và đi vào hoạt động năm 1993 với nhiệm vụ chính là xây dựng tuyến đường Nam Bình Chánh – Bắc Nhà Bè và kiến tạo cụm đô thị dọc theo tuyến đường này.

Trải qua quá trình đầu tư, đến năm 2007, Đại lộ Nguyễn Văn Linh – tuyến đường đô thị lớn nhất, hiện đại nhất của Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm này với chiều dài 17,8 km, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD đã hình thành, băng qua vùng đầm lầy của huyện Nhà Bè, Quận 8, huyện Bình Chánh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tuyến đường huyết mạch này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam thành phố, kết nối với những công trình trọng điểm trong khu vực. Đồng thời, việc trung chuyển hàng hóa từ Khu chế xuất Tân Thuận, Cảng Sài Gòn, Cảng Tân Thuận với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại cũng đã được giải quyết.

Mặt khác, trục xương sống huyết mạch này còn đóng vai trò quyết định trong việc định hình và phát triển hơn 20 phân khu chức năng xoay quanh gồm khu dân cư, trung tâm lưu thông hàng hoá, khu công nghệ cao, khu làng đại học…

Trong vòng 25 năm qua, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng đã xây dựng thành công khu đô thị rộng hơn 400 ha, cải tạo 1 vùng sình lầy, hoang hóa thành khu đô thị đạt chuẩn kiểu mẫu đầu tiên của cả nước với hàng chục nghìn sản phẩm căn hộ, nhà phố.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, Khu A- Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là một trong 20 phân khu chức năng thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố có hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và các công trình kiến trúc phủ kín trên 70%, được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu. Riêng trong năm 2017, Khu A đã đầu tư xây dựng hơn 2,48 triệu m2 thuộc 90 công trình với quy mô khoảng 11.050 căn hộ.

Hồ bán nguyệt trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN)
Hồ bán nguyệt trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN)

Đánh giá cao các công trình đầu tư tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, đây là mô hình FDI đầu tiên của cả nước đầu tư vào phát triển đô thị và được xem là một mô hình phát triển đô thị kiểu mẫu. Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực rất lớn của nhà đầu tư cũng như sự hỗ trợ của chính quyền thành phố để xây dựng khu đô thị này.

Theo ông Lê Hoàng Châu, từ trục đường chính Nguyễn Văn Linh, thành phố đã đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, hạ tầng kết nối khá hoàn chỉnh như trục Bắc Nam Nguyễn Hữu Thọ, hệ thống cầu đường kết nối với khu vực trung tâm thành phố. Từ trục chính này, hàng loạt các cầu đường nhánh được hình thành đi vào các quận, khu đô thị, khu công nghiệp, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn đưa Nam Sài Gòn kết nối với khu vực trung tâm thành phố cũng như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hiện xung quanh Phú Mỹ Hưng đang mọc lên ngày càng nhiều dự án “tỉ đô” được quy hoạch và đầu tư bài bản như Dragon City, Saigon Peninsula, GS Metro City, khu dân cư Trung Sơn, đô thị – cảng Hiệp Phước…, từ đó biến nơi đây trở thành vùng đất vàng, có giá trị cao

Với nhiều lợi thế được tạo ra như trên, hiện nay Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng là một trong những địa điểm thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Phú Mỹ Hưng đã đón nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn thuộc nhiều lĩnh vực đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD mỗi dự án. Mặt khác, Phú Mỹ Hưng đã hình thành hệ thống tài chính, dịch vụ, các dự án thương mại cùng hàng trăm doanh nghiệp thứ cấp đã chọn nơi đây làm “tổng hành dinh”.

Hiện xung quanh Phú Mỹ Hưng đang mọc lên ngày càng nhiều dự án “tỉ đô” được quy hoạch và đầu tư bài bản như Dragon City, Saigon Peninsula, GS Metro City, khu dân cư Trung Sơn, đô thị – cảng Hiệp Phước…, từ đó biến nơi đây trở thành vùng đất vàng, có giá trị cao.

Chính sự phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng và cùng với tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã làm thay đổi cả một vùng đất, cả khu vực phía Nam thành phố. Từ một vùng nông thôn, nông nghiệp thuần túy đất phèn chua, sình lầy, sông rạch chằng chịt, giao thông đi lại khó khăn, thông qua các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nay đã trở thành một vùng đất trù phú, tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển hàng đầu của Tp. Hồ Chí Minh.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh cạnh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN)
Đại lộ Nguyễn Văn Linh cạnh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN)

Những ‘gã khổng lồ’ đều góp mặt

Thái Hùng – Quảng Hạnh

Chặng đường 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, theo các chuyên gia, đầu tư nước ngoài không chỉ là nguồn lực quan trọng đóng góp vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội mà đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Điều đáng nói, các nhà đầu tư lớn và nhiều thương hiệu tên tuổi trên thế giới như Intel, Samsung, Toshiba, Mercedes… đều đang muốn mở rộng và đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Kết quả ấn tượng

Theo thống kê của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2018, Việt Nam có 26.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin, đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017

Về kinh tế, đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.

Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài cũng tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7% tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

Samsung là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đóng góp lớn vào GDP cả nước

Đáng chú ý, tại 3 trung tâm lớn nhất của đất nước là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thấy rõ nét sự lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như kinh tế vùng.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, đối với thủ đô, khu vực doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trên cả góc độ đóng góp cho tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội và GDP. Đồng thời đóng góp cơ bản trong tỷ trọng gia tăng nhanh giá trị xuất khẩu và tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất…

Ở một khía cạnh khác, khu vực FDI đã tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao giấy chứng nhận đầu tư cho tập đoàn AquaOne của Đức (Nguồn: Vietnam+)
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao giấy chứng nhận đầu tư cho tập đoàn AquaOne của Đức (Nguồn: Vietnam+)

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hà Nội cũng nhấn mạnh đến sự đóng góp của khu vực FDI trong việc hình thành và phát triển các khu cụm công nghiệp tập trung chuyên ngành, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của thành phố như: điện tử vi tính, phương tiện vận tải, thực phẩm, dệt may…

Tính đến hết tháng 6/2018, trên địa bàn thủ đô có khoảng 4.300 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 33,38 tỷ USD

“Với tổng vốn FDI khoảng 5,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước về thu hút FDI,” ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

Nhiều doanh nghiệp lớn muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Với Thành phố Hồ Chí Minh, một đầu tầu về kinh tế của đất nước, theo ghi nhận của ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, đóng góp của khối FDI đã giúp cơ cấu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Từ năm 2006 đến nay, làn sóng FDI có khuynh hướng tập trung vào các ngành nghề hàm lượng chất xám cao như công nghiệp phần mềm, điện tử tin học, công nghiệp dược phẩm, cơ khi chính xác… Trong đó, nổi bật là dự án của Tập đoàn Intel vào Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào ngành công nghệ bán dẫn.

Khu công nghệ cao và Khu Công viên Phần mềm Quang Trung đã thu hút được khá nhiều các dự án công nghệ thông tin, công nghệ cao theo đúng định hướng phát triển của Thành phố với sự có mặt của các công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này như: BP, Samsung, Toshiba, Mercedes…

Trong lĩnh vực thương mại, các doanh nghiệp FDI đã góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thương mại của Thành phố, góp phần thay đổi phương thức cung cấp hàng hóa và dịch vụ đến các doanh nghiệp, người dân thông qua hệ thống các kênh phân phối tiêu chuẩn quốc tế.

Số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới trong 8 tháng của năm 2018 trên từng địa phương

Đến thời điểm này, các hệ thống siêu thị và trung tâ mua sắm mang thương hiệu quốc tế như Mega Market Vietnam, Aeon, Lotte, BgC… đã mở nhiều hệ thống tại thành phố, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Với xu hướng hiện nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ tập trung thu hút FDI theo hướng tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, cũng như phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, đồng thời khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư các ngành Thành phố đang ưu tiên phát riển như: Dịch vụ vận tải cảng và kho bãi, Công nghệ, Y tế, Cơ khí, Điện tử, Công nghệ thông tin…

Còn tại Đà Nẵng, với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội, là cửa ngõ nối ra Biển đông, Đà Nẵng đã và đang trở thành một đô thị hiện đại, môi trường sống có chất lượng và thân thiện với môi trường.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, nhằm “trải thảm đỏ” thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến thực hiện thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng sẽ tập trung tháo gỡ các thủ tục liên quan đến đầu tư và tiếp cận đất đai, cụ thể về thủ tục, quy trình đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất…

Diện mạo Đà Nẵng đang thay đổi từng ngày (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Diện mạo Đà Nẵng đang thay đổi từng ngày (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Một điểm nhấn nữa được ông Huỳnh Đức Thơ đề cập đến chính là việc Thành phố sẽ thiết lập các kênh hỗ trợ, cung cấp và giải đáp cho nhà đầu tư các thông tin về thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư cũng như hỗ trợ và phát triển các nhà đầu tư tại chỗ thông qua việc kết nối cung cầu, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh…

Ông Thơ cũng khẳng định ưu tiên của thành phố trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hải sản, khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ mới, có thể hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân Thành phố thì đến nay Đà Nẵng đã thu hút được 630 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 3,16 tỷ USD.

“Thỏi nam châm” Bắc Ninh

Trong bức tranh thu hút FDI trên cả nước, nếu chỉ nhắc tới những đầu tầu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng thì sẽ là một thiếu sót lớn. Câu chuyện của Bắc Ninh, một tỉnh nhỏ ở đồng bằng Bắc Bộ chính là ví dụ điển hình cho thấy nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài có thể giúp thay đổi bộ mặt tỉnh lẻ như thế nào, nếu biết tận dụng những nguồn lực sẵn có, cũng như đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các nhà đầu tư ngoại.

Tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh chỉ có vỏn vẹn 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 178 triệu USD. Đến nay, vốn FDI vào tỉnh Bắc Ninh liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt kể từ khi thống nhất Luật Đầu tư năm 2005, nguồn vốn này đã tăng cao vào năm 2008 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD và đạt đỉnh điểm vào năm 2017 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,5 tỷ USD.

Đến hết năm 2017, toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 1.140 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước về quy mô vốn đầu tư.

Lũy kế đến hết năm 2017, toàn tỉnh có gần 1.140 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước về quy mô vốn đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 13/21 ngành lĩnh vực; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm vị trí chủ đạo với 902 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng, vận tải kho bãi.

Trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư tại tỉnh, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 725 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với 88 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,1 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Mike Spanos, Giám đốc điều hành Công ty PepsiCo khu vực châu Á, Trung Đông và Bắc Phi. Pepsico là một trong những tập đoàn đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh, có đóng góp quan trọng cho ngân sách của tỉnh (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Mike Spanos, Giám đốc điều hành Công ty PepsiCo khu vực châu Á, Trung Đông và Bắc Phi. Pepsico là một trong những tập đoàn đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh, có đóng góp quan trọng cho ngân sách của tỉnh (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)

Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với gần 1.100 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký 15,3 tỷ USD, chiếm 95% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Có thể kể đến một số tập đoàn lớn và thương hiệu toàn cầu tham gia đầu tư như Samsung (Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển)…

Để đạt được những “con số biết nói” trên, tỉnh Bắc Ninh đã huy động toàn bộ nguồn lực, tận dụng các tiềm năng và lợi thế để thu hút vốn FDI.

Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI giúp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn vào chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Trong hơn 20 năm qua, nguồn vốn FDI đã có những đóng góp to lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh, thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP). Theo giá so sánh năm 2010, GRDP 2017 đạt gần 142.000 tỷ đồng, gấp gần 26 lần so với năm 1997.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp, dự án FDI đã trở thành nhân tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhanh chóng của hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội như giao thông, điện, nước, viễn thông…. đặc biệt là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; góp phần phát triển nhanh các khu đô thị, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại…

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân, Bắc Ninh đang xếp thứ sáu trên cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ðây là tiền đề quan trọng giúp Bắc Ninh phát triển hơn nữa về kinh tế – xã hội, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

“Bắc Ninh luôn chú trọng hướng đến các tập đoàn đa ngành, đa quốc gia để chủ động tiếp cận giới thiệu, mời gọi và thu hút đầu tư. Mỗi khu công nghiệp tập trung đều có một vài tập đoàn đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có thương hiệu đã kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, tạo giá trị gia tăng cao, tạo lập khu công nghiệp chuyên ngành và cụm công nghiệp phụ trợ. Sau một thời gian hoạt động, nhiều nhà đầu tư đã quyết định tăng vốn, mở rộng sản xuất. Do đó, Bắc Ninh được coi là “thỏi nam châm” thu hút nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn”, ông Nguyễn Đình Xuân nói.

Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam, Khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chuyên sản xuất các sản phẩm đĩa quang CD, DVD, CDR và lắp ráp linh kiện điện tử công nghệ cao cung cấp cho các công ty như: Canon, Brother, Samsung, Kawasaki…, Hiện công ty tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam cho các tập đoàn, công ty 100% vốn nước ngoài đang có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và hướng ra khu vực. (Ảnh: Trần Việt - TTXVN)
Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam, Khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chuyên sản xuất các sản phẩm đĩa quang CD, DVD, CDR và lắp ráp linh kiện điện tử công nghệ cao cung cấp cho các công ty như: Canon, Brother, Samsung, Kawasaki…, Hiện công ty tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam cho các tập đoàn, công ty 100% vốn nước ngoài đang có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và hướng ra khu vực. (Ảnh: Trần Việt – TTXVN)

FDI là một “mảnh ghép” thành công trong bức tranh kinh tế

Cho dù khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, song như nhiều quốc gia khác, chúng ta cũng đang phải đối mặt với bài toán khó về việc làm thế nào để tận dụng vốn FDI một cách hiệu quả nhất mà vẫn hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dòng vốn này đối với nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về bức tranh thu hút và những tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua?

Ông Sebastian Eckardt: Trong 30 năm qua, Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút FDI và nguồn vốn này đã đóng góp cho nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Trong đó phải kể đến vai trò của FDI với quá trình công nghiệp hóa đất nước. Bởi Việt Nam có lượng FDI đầu tư nhiều vào lĩnh vực chế tạo, góp phần xây dựng năng lực sản xuất tại một loạt ngành nghề như điện tử cùng nhiều ngành công nghiệp truyền thống khác như may mặc và giày dép…

Ngoài ra, dòng vốn FDI là cũng là yếu tố hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn. FDI giúp kiến tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm có hiệu suất cao cùng mức lương hấp dẫn. Những công việc này có thể được tạo ra một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp, thông qua việc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ dịch vụ xây dựng, hoặc thậm chí là những nông sản được sử dụng để cung cấp cho các nhà máy.

Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam Sebastian Eckardt (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam Sebastian Eckardt (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Do đó, tôi cho rằng, thu hút FDI là một mảnh ghép rất thành công trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong vòng 3 thập kỷ qua.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam so với các nước trong khu vực?

Ông Sebastian Eckardt: Việt Nam đã và sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về khả năng thu hút FDI. Điều này thể hiện qua tỷ lệ đóng góp của dòng vốn này vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế. Hiện có khoảng 12.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các doanh nghiệp FDI không chỉ góp phần vào quá trình sản xuất mà còn giới thiệu thêm những sản phẩm mới vào Việt Nam. Vì thế, phải nói rằng Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tôi cho rằng Việt Nam cần chuyển hướng sang thu hút FDI vào những phân khúc cao hơn, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, và đặc biệt là chú trọng vào sản xuất những thành phẩm có giá trị lớn.

Mặc dù vậy, có một lưu ý quan trọng đó là vẫn có nhiều nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam hiện được phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng. Vì thế, khi nhìn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh vì Việt Nam chỉ đang đóng vai trò là nơi lắp ráp cuối cùng.

Tôi cho rằng Việt Nam cần chuyển hướng sang thu hút FDI vào những phân khúc cao hơn, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, và đặc biệt là chú trọng vào sản xuất những thành phẩm có giá trị lớn. Để làm được điều đó, Việt Nam có thể tập trung vào đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), hoặc những dòng chảy thuận chiều, ví dụ như tiếp thị và phát triển thương hiệu. Điều này sẽ giúp làm tăng thêm giá trị và tạo ra lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế.

Đông đảo quan khách quốc tế tham dự Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội trong kỷ nguyên mới” tổ chức ở Hà Nội ngày 4/10 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đông đảo quan khách quốc tế tham dự Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – Tầm nhìn và cơ hội trong kỷ nguyên mới” tổ chức ở Hà Nội ngày 4/10 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Việt Nam đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu một cách thành công. Đến nay, tiến trình này vẫn đang phát triển với tốc độ nhanh hơn không chỉ những nước khác trong khu vực, mà còn so với cả những nền kinh tế có chung mức thu nhập. Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc đầu tư vào phát triển các kỹ năng và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối, bởi vì các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay được vận hành theo hướng rất chặt chẽ và kịp thời. Do đó, nền tảng cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được những yêu cầu đó, cả về mặt hữu hình, (ví dụ như hệ thống cảng biển, đường sắt và mạng lưới giao thông), và hạ tầng về mặt vô hình (ví dụ như quy trình xử lý các thủ tục hải quan, hành chính).

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là đầu tư vào con người. Việt Nam có lợi thế sở hữu lực lượng lao động tương đối trẻ, với một nửa dân số lao động dưới 35 tuổi. Theo tôi, Việt Nam muốn cạnh tranh ở cấp độ cao hơn điều quan trọng là phải xây dựng một hệ thống đào tạo nghề tốt, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện để lao động trong nước thực hiện những công việc mang lại giá trị cao hơn. Đây là điều cốt lõi mà Việt Nam cần lưu tâm trong thời gian tới.

Phóng viên: 30 năm qua, Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được trong cải thiện môi trường đầu tư? Và đâu là những thách thức trong vấn đề này?

Ông Sebastian Eckardt: Việt Nam đã tận dụng những lợi thế thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đưa ra những chính sách tự do hoá thương mại và nỗ lực ký kết rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương khác. Số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với các đối tác nhiều hơn tất cả các nền kinh tế Đông Á khác (trừ Singapore). Vì thế, có thể coi đây là một trong số những nền kinh tế mở cửa nhất.

Việt Nam đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thông qua việc hạn chế những rào cản đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thuế và cải thiện hệ thống quản lý thuế cũng như quy trình xử lý các thủ tục hải quan… Có thể nói, đây chính là những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua.

Ngoài ra, Việt Nam đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thông qua việc hạn chế những rào cản đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thuế và cải thiện hệ thống quản lý thuế cũng như quy trình xử lý các thủ tục hải quan… Có thể nói, đây chính là những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn những hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh cần cải thiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô nói chung và thu hút FDI nói riêng. Hiện Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đẩy lùi nạn quan liêu, cũng như tinh giản các thủ tục để xoá bỏ những bước không cần thiết được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, tôi cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách đảm bảo tính hiệu quả và thân thiện với doanh nghiệp, để không gây ra những gánh nặng không đáng có cho họ.

Phóng viên: Thế giới đang bước vào kỷ nguyên 4.0, Việt Nam đang đứng trước thách thức làm sao thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu về công nghệ thông tin. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút dòng đầu tư này?

Ông Sebastian Eckardt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những tác động sâu rộng đến một vài ngành công nghiệp mà trước đây Việt Nam từng rất thành công. Để tận dụng được cuộc cách mạng này, theo tôi Việt Nam cần đầu tư vào con người và phát triển các kỹ năng cần thiết. Việt Nam cần đào tạo được những nhân công với kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu việc làm, trao cho họ cơ hội hợp tác với máy móc, hơn là cạnh tranh với chúng.

Vì thế, tôi cho rằng việc đầu tư vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là các môn công nghệ khoa học và toán học, là chìa khoá để thu hút dòng vốn FDI trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bởi vì đây sẽ là những kỹ năng được tìm kiếm trong tương lai.

Phóng viên: Xin cảm ơn!

Làm gì để cất cánh?

Thạch Huê-Xuân Quảng-Hạnh Nguyễn

“Bên cạnh các công ty Nhà nước, công ty thuộc khối FDI và một số công ty tư nhân quy mô lớn, Việt Nam có rất ít doanh nghiệp tư nhân quy mô trung bình và điều này tạo ra một ‘khoảng trống’ trong nền kinh tế. Chính vì vậy, khả năng tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa tích cực từ khu vực FDI còn rất hạn chế.”

Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế chỉ ra những nguyên nhân sâu sắc cản trở sự lan tỏa từ khu vực kinh tế FDI ra các khu vực kinh tế trong nước.

Vấn đề từ về nội tại

Theo các chuyên gia kinh tế, các thành tích nổi bật của dòng vốn FDI vào phát triển kinh tế đất nước trong hơn ba thập qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do cách tiếp cận thiếu đầy đủ về tác động của FDI cùng chủ nghĩa thành tích cộng thêm lợi ích cục bộ (của các nhóm, địa phương) có thể làm thêm nguy cơ cũng như những tác động tiêu cực của FDI lên nền kinh tế.

Phân tích cụ thể hơn, tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và Quản lý đại học Fulbright Việt Nam chỉ ra, vấn đề lớn nhất đối với FDI tại Việt Nam đó là sự tồn tại như “ốc đảo,” khi chưa bám rễ hay tạo ra sự lan tỏa và hình thành các cụm liên kết có khả năng cạnh tranh cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước đang ở các giai đoạn phát triển ban đầu, chưa tạo ra được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.

“Đây là vấn đề của nội tại, với ba trục chính rất lớn là chất lượng giáo dục, khả năng nghiên cứu phát triển gắn với đổi mới sáng tạo và vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ”

Không nên né tránh, ông Huỳnh Thế Du cho rằng cần phải nhìn nhận thẳng thắn để tìm ra các giải pháp hiệu quả trong thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới với cách tiếp cận mới.

“Đây là vấn đề của nội tại, với ba trục chính rất lớn là chất lượng giáo dục, khả năng nghiên cứu phát triển gắn với đổi mới sáng tạo và vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ,” ông này nhấn mạnh.

Trên thực tế, hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trước bối cảnh hội nhập và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng còn rất mỏng, do đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam với mục tiêu khai thác lực lượng lao động chi phí thấp.

Hướng đi mới trong bối cảnh mới

Thêm vào đó, thế giới đang chuyển đổi sâu sắc trong các mối tương tác giữa các khu vực và các nước lớn, do đó ông Du cho rằng, thay vì các địa phương cạnh tranh “xuống đáy” với nhau thì chính sách chung cần tìm ra một giải pháp thấu đáo về thu hút vốn trên bình diện toàn cầu.

Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng, tìm một hướng đi là hết sức quan trọng. Theo ông, ở đây là tối đa hóa hiệu quả trong thu hút FDI và điều này phức tạp hơn nhiều so với mục tiêu tối đa hóa lượng vốn đầu tư.

Từ đó, ông Thành đưa ra đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục tạo dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. “Chất” thị trường mạnh hơn, hội nhập sâu rộng hơn đồng nghĩa với sự thu hẹp khả năng sử dụng các công cụ can thiệp truyền thống của Nhà nước.

“Chất” thị trường mạnh hơn, hội nhập sâu rộng hơn đồng nghĩa với sự thu hẹp khả năng sử dụng các công cụ can thiệp truyền thống của Nhà nước.  

“Nhà nước chuyển trọng tâm sang kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, tiên liệu đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khuyến khích đầu tư và đổi mới, chuyển giao công nghệ, cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.”

“Điều này sẽ tạo ra sự hấp dẫn các dự án FDI có hiệu quả đồng thời thúc đẩy được doanh nghiệp trong nước lớn mạnh,” ông này nói.

Báo cáo “Việt Nam 2035” của Bộ Kế hoạch và đầu từ và Ngân hàng Thế giới chỉ ra, bảo vệ quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ , đảm bảo cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận các nhân tố sản xuất và giảm thiểu chi phí giao dịch cho doanh nghiệp là những vấn đề cốt lõi trong tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Và ông Thành cho rằng, hoàn thiện khung pháp lý, quy trình hành chính và xây dựng bộ máy Nhà nước chuyên nghiệp… quan trọng hơn nhiều so với các ưu đãi về thuế. Thực tế cũng cho thấy, những ưu đãi thuế không phải là nhân tố có nhiều ý nghĩa trong thu hút FDI.

Tình hình thu hút FDI trong 8 tháng của năm 2018 theo từng ngành

Một điểm nhấn khác được ông Thành đề cập là việc tận dụng những lợi ích và khả năng song hành cùng cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, ông đưa kiến nghị, Chính phủ cần tạo dựng một khung khổ pháp lý thích hợp cùng sự thực thi quyết liệt thực trong các vấn đề liên quan đến chính sách cạnh tranh và thu hút FDI công nghệ.

“30 năm thu hút FDI với nhiều ‘gam màu sáng’ đáng trân trọng. Dòng vốn FDI là một khu vực quan trọng trong nền kinh tế và tiến trình phát triển đất nước. Và trong bối cảnh mới, Việt Nam rất cần ‘tư duy lại’, ‘thiết kế lại’ cả về cách nhìn nhận và cách thu hút FDI. Vấn đề đặt ra cần có đủ bản lĩnh và hành động quyết liệt vì một nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng, khu vực tư nhân lớn mạnh và phát triển bền vững,” ông Thàn tâm huyết nói.

Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh (KOCHAM):

Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần ban hành quy định rõ ràng “Miễn thuế đối với cả trường hợp sản xuất bằng thuê ngoài” sẽ góp phần phát triển các doanh nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; đồng thời thúc đẩy thương mại, hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư và hoạt động ở Việt Nam đầu những năm 90 dưới hình thức liên doanh và để cho doanh nghiệp Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất đang gặp phải vấn đề chưa hết thời hạn liên doanh, nhưng lại cấp mới quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp khác. Điều này khiến việc liên doanh không thể tiếp tục và phải kết thúc trước thời hạn; hoặc “bị” nhận thông báo chấm dứt ưu đãi một cách đơn phương từ các sở, ngành địa phương.

Cảng Đình Vũ tại Hải Phòng (Nguồn: TTXVN)
Cảng Đình Vũ tại Hải Phòng (Nguồn: TTXVN)

Những quyết định hành chính như vậy đang ảnh hưởng đến việc chuyển giao kỹ thuật, hợp tác cùng phát triển dưới hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi các doanh nghiệp FDI nhận thấy rằng những ưu đãi mà mình đang được nhận có thể bị chấm dứt đột ngột khiến họ nhận thấy cần phải giảm đầu tư hoặc tìm kiếm đối tác khác.

Ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI):

JCCI muốn đề xuất thực hiện Đề án thí điểm đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính mà cụ thể và trước mắt là đối với Tổng cục Hải quan. Qua đó, khắc phục một số tình trạng như “cán bộ chưa hiểu rõ quy định; thiếu sự chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành liên quan” hay “việc giải thích, hướng dẫn chưa rõ ràng”… vốn là những bất cập còn tồn tại cố hữu mà nhiều năm qua vẫn chưa khắc phục triệt để.

Ngay như quy trình xác nhận trước về áp mã hải quan HS mà Tổng cục Hải quan đang thực hiện cũng chưa góp phần cải thiện quy trình thông quan do tỷ lệ áp dụng còn thấp. Cùng với đó là việc hoàn thiện thủ tục hải quan hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cấp bách của các doanh nghiêp nước ngoài hiện nay.

Ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham):

Không ít doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều tỷ USD hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, tạo thêm các công việc chất lượng cho người lao động, mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, AmCham nhận thấy còn nhiều khoản đầu tư chưa được hiện thực hóa do các thách thức đến từ môi trường pháp lý và việc cấp phép chưa rõ ràng, còn phức tạp và nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp thành viên AmCham cần nhiều hơn những nỗ lực cải cách nhằm tạo môi trường cạnh tranh và công bằng hơn, các quyết định cần được ban hành kịp thời, các thủ tục bớt rườm rà hơn. Cùng đó, các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chính giá trị của mình, bao gồm cả khả năng tiếp cận đất đai và những cơ hội khác.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham):

Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ hướng dẫn thêm về chính sách cho các doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm cơ chế bảo hộ đầu tư hiệu quả, cải thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp và thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp một cách nhất quán. Cùng với đó, cần có những thay đổi tích cực trong việc thực thi và bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ cũng như Luật Chuyển giao công nghệ đang được hướng dẫn thi hành.

Chính sách thuế cũng cần được cải thiện để mời gọi đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế. Cụ thể như cải cách trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong ngành ô tô. Việc rà soát các quy định và áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn đối với các sản phẩm rượu vang, rượu mạnh nhập khẩu sẽ gia tăng nguy cơ và rủi ro tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu bất hợp pháp, không kiểm soát được và gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng…

Phiên kết nối các doanh nghiệp địa phương với các doanh nghiệp FDI tại hội nghị tổng kết 30 năm ở Hà Nội tháng 10/2018 (Ảnh: Danh Lam - TTXVN)
Phiên kết nối các doanh nghiệp địa phương với các doanh nghiệp FDI tại hội nghị tổng kết 30 năm ở Hà Nội tháng 10/2018 (Ảnh: Danh Lam – TTXVN)