Mega Story

Chuyển đổi số trên rẫy càphê

16/11/2022 09:35

Bước ngoặt đã xuất hiện khi dự án NESCAFÉ Plan đến với Tây Nguyên. Chương trình này đã mở ra cho hàng chục nghìn nông hộ một bước ngoặt lớn để hiện thực hóa giấc mơ làm giàu.

Một tách càphê đặt trên bàn hội nghị quốc tế tại Mỹ có thể có xuất xứ từ Đắk Lắk. Đó không còn là điều gây ngạc nhiên khi Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu càphê hàng đầu thế giới. Nhưng để có được hạt càphê đạt tiêu chuẩn ấy, người nông dân không còn chỉ trông chờ vào sự cần cù, hay thời tiết thuận lợi như trước đây, mà còn phải tuân thủ những quy trình khắt khe của cái gọi là “nông nghiệp tái sinh,” và đương nhiên là cả yếu tố công nghệ nữa. Chuyển đổi số đã và đang diễn ra trên những rẫy càphê xanh mát ở Tây Nguyên!

Một ngày như mọi ngày, anh nông dân Y Hưng đi kiểm tra rẫy, vừa lấy tay gạt tán càphê vừa lướt điện thoại. Trên cao nguyên lộng gió như lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường, giữa bạt ngàn càphê và hồ tiêu, sóng điện thoại vẫn “căng đét” chả kém gì ở dưới xuôi. Nhờ thế, anh Y Hưng vẫn có thể kiểm tra giá càphê trên thị trường thế giới, và điều quan trọng là kiểm tra số nhật ký nông hộ điện tử (Digital Farmer Field Books – FFB).

Điểm đặc biệt của “nhật ký nông hộ” là bộ nhớ thông minh, giúp người nông dân ghi chép tất cả các khoản chi phí đầu tư cho từng cây, cách bón phân, chăm sóc cây. Sau đó hệ thống sẽ tính được giá thành sản xuất ra một ký càphê mất bao nhiêu tiền, tới kỳ thu hoạch, bán sản phẩm, lợi nhuận thu được bao nhiêu. Từ đó, người nông dân sẽ có được sự chủ động, nhanh chóng nắm bắt được cơ hội và quyết định giá bán theo kịp với nhịp độ tăng giảm từng ngày của thị trường thế giới.

can-bo-ho-tro-nong-nghiep-nestle-viet-nam-huong-dan-nong-dan-su-dung-ffb.jpg
Cán bộ hỗ trợ nông nghiệp Nestlé hướng dẫn nông dân sử dụng FFB

Điểm đặc biệt của “nhật ký nông hộ” là bộ nhớ thông minh, giúp người nông dân ghi chép tất cả các khoản chi phí đầu tư cho từng cây, cách bón phân, chăm sóc cây. Sau đó hệ thống sẽ tính được giá thành sản xuất ra một ký càphê mất bao nhiêu tiền, tới kỳ thu hoạch, bán sản phẩm, lợi nhuận thu được bao nhiêu.

Từng có 2 năm làm việc tại Israel cho một công ty của Thái Lan, anh Y Hưng (26 tuổi) không còn lạ lẫm với việc áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác trong nông nghiệp. Nhưng làm điều đó ngay tại rẫy càphê của cha ở buôn Pu Hue, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) thì là điều mà trước khi “xuất dương” anh chưa hề nghĩ tới.

Nhưng như đã nói, Tây Nguyên giờ đã khác, nhất là sau khi dự án NESCAFÉ Plan được triển khai rộng rãi. Và anh Y Hưng (26 tuổi) cũng chính là gương mặt điển hình cho thế hệ nông dân trẻ, những người kế thừa mảnh đất cha ông, biết cách vun trồng trong một nền nông nghiệp tái sinh và ứng dụng số hóa trong quản lý nông hộ.

tit-bai-nestle-3-.gif

Gia đình Y Hưng tham gia NESCAFÉ Plan từ 2014 và đã mua giống của NESCAFÉ - WASI về tái canh năm 2015. Theo đó, trang trại đã chuyển hoàn toàn sang phương pháp canh tác “nông nghiệp tái sinh,” áp dụng mô hình xen canh phù hợp, giảm 40%-60% lượng nước tưới, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.

Điều quan trọng nữa là tất cả cả các hoạt động của gia đình Y Hưng đã được ghi lại đầy đủ trên ứng dụng kỹ thuật số FFB để tính toán phát thải CO2 và chi phí sản xuất. Điều này đã hỗ trợ gia đình anh đưa ra các quyết định, giải pháp phù hợp, đồng thời tính toán thời điểm bán càphê và tiêu đen của mình vào thời kỳ có lãi tốt nhất để cải thiện thu nhập và năng suất, cũng như giảm nhẹ tác động lên môi trường của vườn nhà.

su_08472.jpg
Nụ cười rạng rỡ của những người nông dân tham gia chương trình NESCAFÉ Plan

Hiện nay, gia đình Y Hưng có 1,7 hécta càphê, trong đó tái canh 800 cây trồng xen kẽ với 500 gốc tiêu (mật độ 3 hàng càphê, xen 2 băng tiêu). Nhờ trồng xen canh càphê và hồ tiêu bền vững, năng suất cao, niên vụ 2019-2020, gia đình anh đã thu về được hơn 207 triệu đồng, trừ chi phí 120 triệu đồng, lãi gần 88 triệu đồng; niên vụ 2020-2021 lãi 157,4 triệu đồng; niên vụ 2021-2022 lãi 284 triệu đồng.

Không chỉ gia đình anh Y Hưng, khái niệm nông nghiệp tái sinh đã lan tỏa khắp các rẫy cà phê ở Đắk Lắk. Không còn một gia đình nào sử dụng thuốc diệt cỏ để canh tác, đất đai được cải tạo nhờ giải pháp bồi bổ và kỹ thuật trồng xen canh như đã nói, cộng thêm với việc sử dụng FFB theo hướng dẫn từ các kỹ sư của chương trình NESCAFÉ Plan.

Anh Trần Xuân Hồng, bộ phận hỗ trợ nông nghiệp Nestlé Việt Nam phụ trách địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Với cách làm trên, đến nay, nếu tính chung cả khu vực Tây Nguyên, thành quả của NESCAFÉ Plan là hơn 330.000 buổi đào tạo về càphê bền vững cho hơn 330.000 lượt nông dân; 274 nhóm nông dân được thành lập, trong đó 30% trưởng nhóm là phụ nữ. Hiện lực lượng “nông dân 4.0” với 21.000 nông hộ này đang trồng càphê trên diện tích 34.000 hécta.

Những con số ấn tượng đó thực sự đã góp phần đáng kể để đưa vị thế của hạt càphê Việt lên tầm cao mới, đến được với những thị trường khó tính, xuất hiện trên các bàn trà của hội nghị quốc tế.

tit-bai-nestle-2-.gif

Điều thú vị là khi quan sát những người nông dân trồng càphê, câu chuyện của họ không chỉ còn xoay quanh phân đất-chăm bón, giá cả, mà còn có cả những “từ khóa thời thượng” như COP hay Net Zero! Chia sẻ với phóng viên, nông dân Hoàng Xuân Hùng quê ở tỉnh Thái Bình, cho biết gia đình ông hiện đang có cuộc sống “no đủ” nhờ vào 5,5 sào càphê trồng xen kẽ với cây hồ tiêu. Nhưng hơn 10 năm trở về trước, nó thực sự là vấn đề khiến ông mất ăn mất ngủ.

Ông Hùng kể từ năm 1984, theo người dân trong xã “đi phát triển kinh tế mới,” gia đình ông đã tìm đến huyện Cư Kuin để trồng càphê nuôi khát vọng “đổi đời.” Thế nhưng, suốt nhiều năm canh tác theo kiểu quán tính, gia đình ông đã trải qua không ít thăng trầm vì cây càphê ngày càng thêm già cỗi, cho năng suất rất thấp.

coffee-infographic_vietnamplus.jpeg

Cộng với thực trạng chung của nông dân trồng càphê ở Tây Nguyên hồi đó, như ông Hùng nói là lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đất đai ngày càng thoái hóa, nhiều niên vụ cây trồng bị chết đã khiến rất nhiều gia đình từng phải nghĩ tới việc “giải thể.” Và, gia đình ông cũng không nằm ngoài nỗi buồn đó.

Nhưng bước ngoặt đã xuất hiện khi dự án NESCAFÉ Plan đến với Tây Nguyên. Chương trình này đã mở ra cho hàng chục nghìn nông hộ một bước ngoặt lớn để hiện thực hóa giấc mơ làm giàu.

Với việc tham gia chương trình trồng càphê bền vững từ năm 2014, lần đầu tiên ông Hùng và những người nông dân trồng càphê ở đại ngàn biết lựa chọn giống càphê như thế nào là tốt, kỹ thuật canh tác, cải tạo đất ra sao để giảm thiếu chi phí đầu vào mà vẫn có thể đạt năng suất cao. Những lớp học, tập huấn theo từng chủ đề tưới nước tiết kiệm, làm phân vi sinh, xử lý cỏ dại, bảo quản chất lượng càphê sau thu hoạch, đã giúp người dân nhận ra rằng hóa ra phương pháp canh tác bấy lâu vừa tốn kém vừa độc hại mà năng suất, giá trị mang lại chẳng đáng bao nhiêu.

“NESCAFÉ Plan đã giúp gia đình tôi tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, làm giàu cho đất, từ đó tiết kiệm được từ 20-30% chi phí đầu tư so với trước. Ngay từ vụ đầu tiên tham gia, sản lượng càphê của gia đình đã tăng lên rõ rệt, đó là những hiệu quả rất rõ mà nông dân chúng tôi đã thấy ngay được,” ông Hùng phấn khởi nói.

nong-dan-nestle(1).jpg
Niềm vui của những người nông dân tham gia chương trình NESCAFÉ Plan trên những rẫy càphê chất lượng cao


Cũng từ “hiệu quả thấy ngay” đó, đến nay, vùng càphê ở xã Ea Ktur đã có 100 nông hộ tham gia chương trình NESCAFÉ Plan với diện tích trên 150 hécta.

Rảo bước dẫn chúng tôi đi thăm những khu vườn càphê trĩu quả, anh Trần Đức Trường (quê tỉnh Thái Bình), hiện đang là nhóm trưởng NESCAFÉ Plan ở xã Ea Ktur hào hứng chia sẻ: “Từ khi tham gia chương trình NESCAFÉ Plan, được các cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của dự án đến tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm trồng càphê đều đặn mỗi năm 3 lần, được trợ giá cây giống, giờ đây những người nông dân trồng càphê như chúng tôi sướng lắm!”

Nhờ chuyển đổi theo mô hình nông nghiệp tái sinh, nhiều năm nay, người dân trồng càphê ở xã Ea Ktur đã không còn phải sử dụng thuốc diệt cỏ đồng thời tận dụng tối đa bã, vỏ càphê trộn với men vi sinh để làm phân bón hữu cơ. Vì thế mà việc sử dụng phân bón hóa học đã giảm rõ rệt. Như hộ gia đình anh Trường, với 2 hécta, trước đây, mỗi đợt bón, anh sử dụng từ 1-1,2 tấn phân hóa học, thì nay chỉ còn sử dụng 4-6 tạ đổ lại và được bón chia nhỏ ra thành 3-4 đợt. Nhờ vậy, nguồn nước tưới tiêu được bảo vệ, đảm bảo môi trường, đất đai ngày càng màu mỡ.

Đặc biệt với việc loại bỏ mô hình “sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên” trước đây, hiện nay, trừ chi phí đầu tư, mỗi niên vụ gia đình anh Trường cũng “bỏ túi” được từ 150-300 triệu đồng, nhà đó mà gia đình anh ngày một khá giả hơn.

tit-bai-nestle-4-.gif

Những hiệu quả từ thực tế đã thu hút nhiều chuyên gia và các nhà quản lý tới với núi rừng Tây Nguyên, trong đó có “Diễn đàn Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 10/2022.

Tất cả đều mong muốn, câu chuyện “tái sinh cho Mẹ Đất” không phải chỉ là lời nói chót lưỡi đầu môi, hay kế hoạch trên giấy, mà phải được nhân rộng. Bởi lẽ, nông nghiệp tái sinh mang tới nhiều lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội, giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ cũng như độ phì nhiêu của đất; đảm bảo chất lượng nước, giảm tình trạng hạn hán do thiếu nước. Đồng thời, nó giúp lưu giữ carbon trong đất trồng và thân cây, qua đó giảm lượng phát thải CO2 vào bầu khí quyển. Về lâu dài, nông nghiệp tái sinh giúp tăng độ chống chịu với biến đổi thời tiết của đất nông nghiệp, qua đó bảo vệ tốt hơn sinh kế của người nông dân. Muốn làm được vậy thì “mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người nông dân làm trung tâm.”

su_08915.jpg

Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết toàn tỉnh có hơn 13.000 km2 diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp gần 1,2 triệu hécta. Riêng diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 527.000 hécta (đứng thứ 10 cả nước), trong đó nhiều diện tích trồng cây càphê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng và ca cao. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh này có khoảng hơn 1,2 triệu tấn phế phụ phẩm (rơm rạ; thân, lá, lõi cây ngô; vỏ càphê, sầu riêng; bã mía…) và khoảng 4 triệu tấn chất thải trong chăn nuôi được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp tái sinh. Tuy nhiên, mô hình nông nghiệp tái sinh hiện mới chỉ ở quy mô nông hộ và trang trại với quy mô nhỏ, chưa phổ biến.

Trước thực tế đó, ông Cảnh cho rằng để phát huy những tiềm năng, lợi thế đồng thời khắc phục những hạn chế, nhất là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan xây dựng, điều chỉnh cơ chế phát triển kinh tế xã hội phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Trọng tâm là sản xuất nông nghiệp gắn với việc bảo vệ tài nguyên đất, nước và môi trường; giảm lượng khí thải, tái tạo rừng và thúc đẩy nông nghiệp carbon, để góp phần đưa biến đổi khí hậu về “mức an toàn,” qua đó nâng cao đời sống nhân dân.

su_08080.jpg

xen-canh.jpg
su_09130.jpg
su_08334.jpg
su_092411.jpg
su_094641-1-.jpg


Bàn về “cuộc cách mạng xanh” như lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng thay đổi tập quán canh tác của người nông dân không phải là quá khó nếu chúng ta có mô hình thực sự hiệu quả. Và, những mô hình như NESCAFÉ Plan mà viện này cùng Nestlé Việt Nam liên kết xây dựng là minh chứng.

Từ năm 2011, Nestlé đã gắn kết với người nông dân trong canh tác bền vững thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, nhằm đạt mục tiêu tối đa hoá lợi ích môi trường và thu nhập của người dân. Đến nay, thành quả chính là việc hơn 21.000 trang trại càphê thuộc chuỗi cung ứng của NESCAFÉ Plan đã đạt chứng chỉ canh tác cà phê bền vững 4C (Common Code for Coffee Community).

Không chỉ vậy, NESCAFÉ Plan còn hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phân phối hơn 63,5 triệu cây giống cà phê kháng bệnh, chống hạn và năng suất cao tới nông dân trong khu vực; qua đó đã tái canh 63.000 hécta diện tích trồng càphê già cỗi và cho năng suất thấp, cũng như hỗ trợ mạnh mẽ cho chương trình quốc gia về cải tạo diện tích càphê của Chính phủ. Nhờ vậy, năng suất trang trại trồng càphê tăng cao hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước (trung bình 3,2 tấn/hécta so với 2.8 tấn/hécta bình quân cả nước).

tit-bai-nestle-5-.gif

Lẽ tất nhiên, so với con số khoảng 600.000 nông hộ trồng càphê ở Tây Nguyên, cộng đồng NESCAFÉ Plan mới chỉ chiếm số lượng còn khiêm tốn, nhưng sau 12 năm triển khai, những câu chuyện của nông dân trong chương trình này chia sẻ, rõ ràng nông nghiệp tái sinh đã mang lại kết quả ngọt ngào, khiến nhiều người mơ ước.

Nhìn rộng ra, đối với Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn. Bởi vậy, tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp quốc về hệ thống lương thực-thực phẩm, Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch-trách nhiệm-bền vững; đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân trong nước cũng như an toàn cho xuất khẩu.

Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến nông nghiệp: Tham gia sáng kiến Giảm phát thải khí methane toàn cầu và thực hiện Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.

thu-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-le-quoc-doanh.-anh-pv.vietnam-.jpg

Để thực hiện chiến lược trên cũng như đạt được cam kết quốc tế, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh 

Trên tinh thần đó, trong tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.” Và hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tuy vậy, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cùng nhận định của giới chuyên gia, để thực hiện chiến lược trên cũng như đạt được cam kết quốc tế, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau. Trong đó, việc “khơi thông” nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thậm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu” là rất cấp thiết.

tit-bai-nestle.gif

Đến nay, những thành tựu mà NESCAFÉ Plan mang lại cho nông dân Tây Nguyên là không phải bàn cãi. Không ngoa khi nói rằng một diện tích lớn đất trồng càphê và cả số phận của hàng vạn hộ nông dân trên mảnh đất đó đã được “hồi sinh.” Dẫu vậy, tham vọng của Nestlé Việt Nam còn lớn hơn thế.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông David Rennie, Phó Chủ tịch điều hành, Phụ trách các thương hiệu càphê, Tập đoàn Nestlé cho biết việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách mà Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt. Trên hành trình đó, bản thân Nestlé cũng có những cam kết và thực thi các hành động cụ thể cho vấn đề này.

Theo ông David Rennie, năm 2019, Nestlé là một trong những đơn vị tiên phong tham gia cam kết của Liên hợp quốc về đưa giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Với nỗ lực đó, doanh nghiệp này rất hân hạnh khi được làm việc với Chính phủ Việt Nam và thống nhất được với cam kết tương tự tại COP 26 về mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Dẫu hành trình đến năm 2050 rất dài và thách thức, song chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ nếu muốn tạo ra sự thay đổi.

Với lý do đó, ngày 4/10/2022 vừa qua, Nestlé đã công bố kế hoạch NESCAFÉ Plan đến năm 2030. Theo đó, trong hành trình hướng đến sự phát triển trong 1 thập kỷ tới, Nestlé cam kết sẽ đầu tư hơn 1 tỷ CHF (Franc Thụy Sĩ) nhằm đạt các mục tiêu: Nâng tỷ trọng thu mua càphê từ nguồn canh tác tái sinh đến 50% vào năm 2030; giảm 50% lượng carbon vào năm 2030 và đạt mục tiêu “Net zero” vào năm 2050.

“Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng người nông dân Việt Nam trong quá trình canh tác bền vững để nâng chuẩn chất lượng hạt càphê và nâng tầm cuộc sống, như cách chúng tôi đã và đang làm trong nhiều năm qua,” ông David Rennie nói và khẳng định nông nghiệp tái sinh là trọng tâm trong chương trình cắt giảm lượng khí thải carbon của toàn bộ hoạt động kinh doanh của Nestlé.

Với tầm nhìn của thương hiệu càphê hàng đầu thế giới, ông Philipp Navratil, Phó Chủ tịch cấp cao, Phụ trách ngành hàng càphê, Tập đoàn Nestlé bày tỏ mong muốn những nông dân trồng càphê trên toàn cầu nói chung, và tại Tây Nguyên nói riêng, sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đi cùng với đó, “chúng tôi muốn càphê sẽ mang lại những tác động tích cực đến môi trường. Hành động của chúng tôi có thể thúc đẩy sự thay đổi trong toàn ngành càphê,” ông Philipp Navratil chia sẻ.


Trên chặng đường tới đây, có lẽ cũng không cần phải bàn nhiều đến những giá trị mềm, những vấn đề vĩ mô mà hãy bắt đầu từ những điều thực tế, đơn giản. Nông nghiệp tái sinh là một cách tiếp cận canh tác nhằm cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học. Đất khỏe hơn sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước tác động của biến đổi khí hậu và có thể tăng năng suất, giúp cải thiện sinh kế của nông dân. Và, các mô hình trồng càphê xen canh hợp lý với tiêu, bơ, sầu riêng cùng một số cây ăn trái khác sẽ giúp nông dân tăng thu nhập 30-100% so với phương pháp trồng thuần càphê trước đây.

Khi người nông dân nhìn thấy lợi ích kinh tế được đảm bảo, họ sẵn sàng tuân thủ các quy trình, giải pháp mới và những giá trị khác của nông nghiệp sẽ hình thành.

“Tham vọng đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại cà phê. Trong vài năm tới, sự gia tăng này sẽ không đến từ sản lượng mà đến từ việc gia tăng giá trị cho cà phê.

Bởi vậy chúng ta càng phát triển nông nghiệp tái sinh thì Việt Nam sẽ càng có nhiều thị trường xuất khẩu hơn. Các thị trường sẽ sẵn sàng trả phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng, được canh tác bền vững. Ví dụ như thị trường EU đang ngày càng kiểm soát chặt hơn đối với hàng nhập khẩu,” ông David Rennie nhấn mạnh.

ong-david-rennie-pho-chu-tich-dieu-hanh-va-giam-doc-cac-thuong-hieu-caphe-cua-tap-doan-nestle.-anh-truong-van-vi.jpg

Tham vọng đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại cà phê. Trong vài năm tới, sự gia tăng này sẽ không đến từ sản lượng mà đến từ việc gia tăng giá trị cho cà phê.

Bởi vậy chúng ta càng phát triển nông nghiệp tái sinh thì Việt Nam sẽ càng có nhiều thị trường xuất khẩu hơn. Các thị trường sẽ sẵn sàng trả phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng, được canh tác bền vững.

Ông David Rennie, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc các thương hiệu càphê, Tập đoàn Nestlé

Trong cuộc hành trình đó, NESCAFÉ biết rằng cần phải đồng hành cùng nông dân. Theo đó, một số chương trình, kế hoạch giúp nông dân trong quá trình chuyển đổi như tổ chức cho họ các khóa đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây càphê năng suất cao để giúp họ chuyển sang phương pháp canh tác càphê tái sinh, sẽ tiếp tục được thực hiện. Lẽ tất nhiên, sẽ có hỗ trợ tài chính cho những nông dân cam kết tham gia chương trình, để họ có cơ hội để thực hành. Cùng với đó, sẽ có một hệ thống khen thưởng để khuyến khích cho nông dân trong quá trình chuyển đổi.

Ngoài ra, “chúng tôi cũng đang xem xét bảo hiểm cây trồng cho các khu vực hạn hán, hoặc các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão và mưa gây bất lợi, gây hại cho cây trồng” ông Philipp Navratil tiết lộ và cho biết NESCAFÉ cam kết hỗ trợ những nông dân giải quyết rủi ro và chi phí liên quan đến việc chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh; giúp nông dân cải thiện thu nhập và đưa họ trở thành một phần của chương trình, sau đó chia sẻ rộng ra cho các nông dân và trang trại khác.

“Qua những gì đã làm được trong 12 năm qua, chúng tôi tin rằng NESCAFÉ có thể là đơn vị thu mua càphê lớn nhất trên thế giới và lớn nhất ở Việt Nam nhưng chúng tôi không thể thực hiện quá trình chuyển đổi này một mình. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải có những sự hợp tác để kế hoạch được thực hiện thành công. Chắc hẳn bạn sẽ thấy rằng các công ty đang cùng nhau đi theo một hướng và điều này thật tuyệt vời,” Giám đốc Bộ phận Chiến lược kinh doanh càphê của Nestlé lạc quan nói./.


“Tôi cảm thấy rất hào hứng đối với tiềm năng của ngành càphê Việt Nam. Như mọi người đã biết, Việt Nam là nước sản xuất càphê lớn thứ hai trên thế giới, và là nhà cung ứng nguyên liệu này lớn nhất cho Nestlé. Là công ty càphê lớn nhất thế giới, chúng tôi thu mua càphê từ Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đồng thời, chúng tôi đã mở rộng gấp đôi quy mô nhà máy ở Trị An với kinh phí 132 triệu USD để gia tăng đáng kể khả năng sản xuất, chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm NESCAFÉ với sản lượng lớn từ Việt Nam sang 26 quốc gia khác trên thế giới, như khu vực EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,...

Tôi cho rằng đó là minh chứng cho thấy Việt Nam đã làm tốt như thế nào cho đến thời điểm hiện tại. Vì vậy, chúng tôi đang rất mong chờ vào một tương lai phát triển hơn nữa của ngành cà phê tại Việt Nam, và cam kết đồng hành với sự phát triển này qua chương trình NESCAFÉ Plan 2030 với trọng tâm là thực hành nông nghiệp tái sinh” ông David Rennie, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc các thương hiệu càphê, Tập đoàn Nestlé chia sẻ.

su_08980.jpg
su_08980.jpg
su_08980.jpg
1920x1080-4.png
su_07857.jpg

“Tôi cảm thấy rất hào hứng đối với tiềm năng của ngành càphê Việt Nam. Như mọi người đã biết, Việt Nam là nước sản xuất càphê lớn thứ hai trên thế giới, và là nhà cung ứng nguyên liệu này lớn nhất cho Nestlé. Là công ty càphê lớn nhất thế giới, chúng tôi thu mua càphê từ Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đồng thời, chúng tôi đã mở rộng gấp đôi quy mô nhà máy ở Trị An với kinh phí 132 triệu USD để gia tăng đáng kể khả năng sản xuất, chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm NESCAFÉ với sản lượng lớn từ Việt Nam sang 26 quốc gia khác trên thế giới, như khu vực EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,...

Tôi cho rằng đó là minh chứng cho thấy Việt Nam đã làm tốt như thế nào cho đến thời điểm hiện tại. Vì vậy, chúng tôi đang rất mong chờ vào một tương lai phát triển hơn nữa của ngành cà phê tại Việt Nam, và cam kết đồng hành với sự phát triển này qua chương trình NESCAFÉ Plan 2030 với trọng tâm là thực hành nông nghiệp tái sinh” ông David Rennie, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc các thương hiệu càphê, Tập đoàn Nestlé chia sẻ.

Bài: Hùng Võ
Ảnh: Trương Văn Vị
Thiết kế: Võ Hoàng Long, Hào Nguyễn


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trên rẫy càphê