Món ngon không dễ ăn

privatizatio-1474442278-13.jpg

Món ngon không dễ ăn

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Hạnh Nguyễn

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang bước vào giai đoạn nước rút nhất với hàng loạt ông lớn chuẩn bị đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Những cái tên như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng Công Ty Lương Thực Miền Bắc (Vinafood1), Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL)…, chỉ cần xướng lên đã thấy được “sức nặng” về tính hấp dẫn của nó đối với giới đầu tư.

Vận hành thiết bị cung cấp điện tại nhà máy điện Cà Mau 1 thuộc PV Power. (Ảnh: TTXVN)
Vận hành thiết bị cung cấp điện tại nhà máy điện Cà Mau 1 thuộc PV Power. (Ảnh: TTXVN)

Hấp dẫn qua từng “con số”

Có thể điểm qua những con số “biết nói”, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) được thành lập năm 2007, sau đó nhanh chóng trở thành nhà cung cấp điện năng đứng thứ hai cả nước. PV Power hiện có vốn điều lệ 13.078 tỷ đồng, qui mô với 8 công ty con và 14 công ty liên kết. Riêng sáu tháng đầu năm, doanh thu của Tổng này đã đạt khoảng 12.398 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 897 tỷ đồng và bằng 149% kế hoạch cả năm 2016. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 563 tỷ đồng. Theo kế hoạch, PV Power sẽ tổ chức IPO trong tháng 10/2016, sau cổ phần hóa PVN sẽ nắm giữ 75% cổ phần tại PV Power.

Cũng trong ngành dầu khí, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) được giao trọng trách tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Lọc Hóa Dầu Bình Sơn có vốn điều lệ 35.000 tỷ đồng và do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chủ sở hữu. Báo cáo kinh doanh cho thấy, năm 2015, BSR đạt doanh thu 94.133 tỷ đồng, nộp ngân sách 20.377 tỷ đồng đồng thời cuối năm 2015, PVN đã chính thức ký quyết định về việc cổ phần hóa của BSR và nếu công tác này được hoàn tất theo kế hoạch thì BSR sẽ IPO vào năm 2017.

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang bước vào giai đoạn nước rút nhất với hàng loạt ông lớn chuẩn bị đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Chị Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc tư vấn Khối tài chính doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đánh giá, giai đoạn cổ phần hóa tới đây dự kiến là rất sôi động, mặc dù danh sách không còn nhiều nhưng lại tập trung khá vào các “ông lớn” có lợi thế về thị phần và ngành nghề.

“Nhìn chung đánh giá tính hấp dẫn của từng ngành nghề, có thể thấy viễn thông là số 1 rồi đến lương thực, cà phê, cao su, hóa chất, điện lực, dầu khí. Song, độ hấp dẫn về ngành cũng tùy vào khẩu vị từng nhà đầu tư,” chị Hà chia sẻ.

Ngoài ra, ông Phạm Việt Duy, Chuyên gia phân tích về Tài chính doanh nghiệp cũng chỉ ra, bên cạnh “độ hot” về kết quả kinh doanh, thị phần thị trường, giá trị thương hiệu… thì quy mô vốn của doanh nghiệp “hàng khủng” cũng là trong những mục tiêu săn đuổi của các nhà đầu tư “cá mập”.

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư quan tâm đến những mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, thị trường lớn đồng thời có khả năng tồn tại qua được thời kỳ khủng hoảng, bởi khi đó các công ty con sẽ mất dần lợi thế và các công ty lớn duy trì tồn tại, sẽ có cơ hội lấy được thị trường cũng như tăng trưởng trong doanh thu.

“Theo tôi, những tổng, tập đoàn Nhà nước sắp IPO ra thị trường dự báo sẽ tạo ra một làn sóng tăng giá mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì trong các rổ các chỉ số (Index) của Việt Nam còn khá thiếu những mã dẫn dắt có vốn hóa lớn,” ông Duy phân tích, xét về lĩnh vực kinh doanh của các ‘ông lớn,’ như VinaFood1 hay VinaCafe.. . thuộc nhóm nông sản là một trong những ngành lợi thế của Việt Nam, nên khi Nhà nước thoái vốn ra mà thị trường, bên cạnh lợi thế doanh thu lớn, các đơn vị này chỉ cần cải thiện một chút về lợi nhuận gộp hay lợi nhuận dòng, sẽ khiến các nhà đầu tư thích thú và quan tâm.

Hay như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), theo kế hoạch quý 4/2016, VRG sẽ trình phê duyệt đề án cổ phần để thực hiện cổ phần hóa. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, VRG có doanh thu hơn 15.115 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế trên 1.935 tỷ đồng.

Ông Duy phân tích, giá cao su hiện đang ở mức rất thấp, trong thời gian tới chỉ cần giá cao su tăng gấp đôi, chắc chắn cổ phiếu ngành cao su sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, hóa chất hiện là ngành có chỉ số tăng trưởng cao thứ ba ở Việt Nam và kế hoạch cổ phần hóa Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cũng là một mục tiêu đáng quan tâm.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Đức Quân, Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán APEC cho biết thêm, doanh nghiệp lớn sở hữu nguồn đất đai tiềm năng (đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…) cũng luôn là lợi thế được giới đầu tư chú trọng.

“Trên thực tế, các phiên IPO của các doanh nghiệp nắm giữ những mảnh đất ‘vàng’ luôn thành công 100%, thậm chí tỷ lệ đăng ký mua vượt quá tỷ lệ chào bán gấp vài lần là bình thường,” ông Quân nói.

Vận hành nhà máy điện phân thuộc VINACHEM. (Ảnh: TTXVN)
Vận hành nhà máy điện phân thuộc VINACHEM. (Ảnh: TTXVN)

Món ngon, song ăn có dễ?

Theo báo cáo Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm 2015 từ Ban chỉ đạo Đổi mới Phát triển Doanh nghiệp, bình quân năm 2015, số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 36,25% trên tổng số cổ phần chào bán. Ngoài nguyên nhân khác quan do tình hình biến động thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, còn phải kể đến các nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt. Thêm vào đó, các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ – tài chính, phương án sử dụng đất… nên mất khá nhiều thời gian.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận, nguyên nhân chậm cổ phần hóa một mặt do tác do tác động tăng trưởng kinh tế thế giới chậm, kinh tế cũng khó khăn dẫn tới các dòng vốn cũng hạn chế. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là các bộ, ngành, địa phương thiếu sự quyết liệt. Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp khi nằm diện vốn Nhà nước cần nắm giữ phải bán hết, thì lãnh đạo tại các doanh nghiệp này còn vướng mắc tâm tư.

Điều quan trọng nhất vẫn là các bộ, ngành, địa phương thiếu sự quyết liệt. Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp khi nằm diện vốn Nhà nước cần nắm giữ phải bán hết, thì lãnh đạo tại các doanh nghiệp này còn vướng mắc tâm tư.

“Như bán hết cổ phần Nhà nước, họ sẽ làm ở đâu, vị trí nào. Họ đang đi ô tô, làm trong phòng máy lạnh, sau một ngày đại hội cổ đông lại về cơ quan chủ quản hoặc nghỉ hưu, vậy khi quyền, uy, lợi ích mất đi thì ít nhiều cũng có hụt hẫng. Chính vì thế bản thân những người trong cuộc khi thực hiện sẽ cân nhắc tính phương án cổ phần hóa như nào, để đảm bảo họ ở lại hoặc ít nhiều có lợi ích,” ông Tiến thẳng thắn nói.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã có quy trình IPO song người bán lại không mấy mặn mà. Do đó, nhà đầu tư không được cung cấp đầy đủ thông tin để tham gia. Bởi, doanh nghiệp có thể công bố thông tin nhưng lại đóng khung, như chỉ công khai trong đơn vị và trong thời gian ngắn.

“Nhà đầu tư không có thông tin dĩ nhiên là họ sẽ không mặn mà mua,” ông Tiến nói.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Đức Quân cũng chỉ ra những khó khăn về công bố thông tin, bởi theo quy định các doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 500 tỷ đồng sẽ không bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh và theo thông thường nhiều doanh nghiệp cũng chỉ công bố thông tin khiên cưỡng là chấp hành những điều kiện bắt buộc. Hơn thế, các nhà đầu tư không có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin và hầu như họ có thể tiếp tiếp cận qua website của các Sở, song các bản báo cáo đăng lên nhiều khi bằng file ảnh nên không thể chuyển đổi văn bản dịch ra được./.

10 doanh nghiệp Nhà nước “hàng khủng” sắp cổ phần hóa

Những ông lớn trong ngành viễn thông, điện lực, lương thực như MobiFone, Vinacafe, Vinafood1,.. được giới phân tích đánh giá là nguồn hàng nóng trên thị trường trong thời gian tới.

Dưới đây là 10 tập đoàn, tổng công ty đáng chú ý trong những tháng cuối năm nay và các năm sau.

1. Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được thành lập năm 2007. Đây là nhà cung cấp điện năng đứng thứ 2 cả nước.

Tính đến hết năm 2015, PV Power có vốn điều lệ 13.078 tỷ đồng, với 8 công ty con và 14 công ty liên kết. Một số công ty con và công ty liên kết thuộc PV Power đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại các dự án thủy điện và nhiệt điện lớn như dự án điện Vũng Áng 1, Nhơn Trạch, điện Cà Mau hay Thủy điện Hủa Na, Dakrinh có doanh thu bán điện ổn định và khả năng sinh lời tốt.

Một số dự án của PV Power được đánh giá là mang nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng như nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2. Đây là những dự án quan trọng nhằm góp phần hạn chế tình trạng thiếu điện cho khu vực miền Nam.

Tổng sản lượng điện 6 tháng đầu năm 2016 của PV Power đạt 10.738.000.000 kWh. Các nhà máy điện khí được vận hành và huy động tốt, sản lượng điện tăng cao so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2015. Doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt 12.398 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế sau 6 tháng đạt 897 tỷ đồng, bằng 149% kế hoạch cả năm 2016. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 563 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2016, PV Power phấn đấu đạt tổng sản lượng điện 21 tỉ kWh, doanh thu đạt 29.445 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, PV Power sẽ tổ chức IPO trong tháng 10/2016 và trong tháng 12/2016, tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, đăng ký doanh nghiệp, ra mắt công ty cổ phần. Sau cổ phần hóa, PVN sẽ nắm giữ 75% cổ phần tại PV Power.

Vận hành thiết bị cung cấp điện tại nhà máy điện Cà Mau 1 thuộc PV Power. (Ảnh: TTXVN)
Vận hành thiết bị cung cấp điện tại nhà máy điện Cà Mau 1 thuộc PV Power. (Ảnh: TTXVN)

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR)

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. BSR có trọng trách tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Công ty có vốn điều lệ đăng ký tới đầu năm 2015 là 35.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chủ sở hữu.

Năm 2015, BSR đạt tổng sản lượng hơn 6,7 triệu tấn (đạt trên 116% kế hoạch), tổng sản phẩm tiêu thụ đạt trên 6,7 triệu tấn, doanh thu 94.133 tỷ đồng, nộp ngân sách 20.377 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, BSR đã chính thức triển khai các hoạt động cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng số vốn là 1,8 tỷ USD. Dự án nhằm hiện thực hóa việc sử dụng các nguồn nguyên liệu đầu vào là các loại dầu thô tính chua hơn từ các nước Trung Đông, Nga, Tây Phi,…

Từ năm 2010 Chính phủ đã có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư /đối tác nước ngoài mua cổ phần của BSR nhằm thu hồi lại một phần vốn của nhà nước. Tới cuối năm 2015, PVN đã chính thức ký quyết định về việc cổ phần hóa của BSR và nếu công tác này được hoàn tất theo kế hoạch thì BSR sẽ IPO vào năm 2017.

Một phân xưởng chính của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: TTXVN)
Một phân xưởng chính của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: TTXVN)

3. Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL)

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. PV OIL chính thức đi vào hoạt động từ 6/6/2008.

Ngoài các phòng ban nghiệp vụ tại cơ quan Tổng công ty, các đơn vị gồm có 29 chi nhánh, 03 Văn phòng đại diện tại nước ngoài, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, 13 Công ty góp vốn chi phối và 7 công ty góp vốn không chi phối. Hiện nay Tổng công ty có 14 ban chuyên môn tại cơ quan Tổng công ty, 13 đơn vị trực thuộc (7 xí nghiệp, chi nhánh, 1 văn phòng đại diện ở nước ngoài, 5 Ban QLDA đầu tư xây dựng), 31 công ty thành viên có vốn góp chi phối (2 công ty ở nước ngoài) và 21 công ty liên kết.

Lĩnh vực hoạt động chính của PV OIL là: Xuất nhập khẩu và kinh doanh thô; Chế biến sản phẩm dầu; Chế biến và sản xuất kinh doanh Nhiên liệu sinh học; Kinh doanh vật tư thiết bị kỹ thuật dầu khí; Kinh doanh sản phẩm dầu,…

PV OIL kết thúc năm 2015 với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 49.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn tổng công ty ước lãi 600 tỷ đồng, số lãi kỷ lục đối với PV OIL.

Năm 2016 nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của PV OIL là phải hoàn thành công tác cổ phần hóa theo lộ trình đã đề ra. PV OIL đã ký hợp đồng tư vấn với Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – Công ty Cổ phần Thẩm định giá miền Nam để thực hiện công tác tư vấn cổ phần hóa. Hiện tại, PV OIL đang cùng tư vấn triển khai công tác xác định giá trị doanh nghiệp và dựng phương án cổ phần hóa. Trong đó, công tác chuẩn bị cổ phần hóa, kiểm kê phân loại tài sản và xử lý tài chính; hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp trước 30-6-2016; hoàn thành xây dựng phương án cổ phần hóa trước 31-7-2016 và thực hiện phương án cổ phần hóa, tổ chức bán đấu giá cổ phần trước 30-11-2016.

Vận hành thiết bị cung ứng xăng dầu tại Kho cảng xăng dầu Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) thuộc PV OIL. (Ảnh: TTXVN)
Vận hành thiết bị cung ứng xăng dầu tại Kho cảng xăng dầu Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) thuộc PV OIL. (Ảnh: TTXVN)

4. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe)

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 251/TTg ngày 29/4/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Một số ngành nghề kinh doanh chính của Vinacafe gồm: Trồng, sản xuất, kinh doanh càphê, ca cao, cao su, tiêu, điều, mía, chè; Đầu tư công nghiệp chế biến nông sản; Sản xuất, kinh doanh phân bón, vật tư,…

Theo báo cáo tài chính Công ty mẹ Vinacafe năm 2015, doanh thu của đơn vị này giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận lại nhỉnh hơn. Cụ thể, số thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ là hơn 2.073 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức trên 3.016 tỷ đồng cuối năm 2014. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế trong năm 2015 được tính toán ở mức hơn 54 tỷ đồng, cao hơn ngưỡng 52 tỷ đồng cách đó 1 năm.

Về chủ trường cổ phần giai đoạn tới năm 2017, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 51% tổng số cổ phần đối với Công ty mẹ – Tổng công ty Cà phê Việt Nam, trong đó bao gồm các đơn vị hạch toán phụ thuộc sản xuất kinh doanh và 7 đơn vị nông nghiệp gồm: Công ty Cà phê Ia Sao 1; Công ty Cà phê Ia Sao 2; Công ty Cà phê Đắk Đoa; Công ty Cà phê Đắk Uy; Công ty Cà phê Buôn Hồ; Công ty Cà phê 706; Công ty Cà phê 719.

Đóng gói sản phẩm tại Vinacafe Biên Hòa. (Ảnh: TTXVN)
Đóng gói sản phẩm tại Vinacafe Biên Hòa. (Ảnh: TTXVN)

5. Tổng Công Ty Lương Thực Miền Bắc (Vinafood1)

Vinafood1 là một trong những cái tên lâu đời trong ngành lương thực Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh của Vinafood1 trải khá rộng bao gồm: Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống, bán buôn gạo, xay xát và sản xuất bột thô, bán lẻ lương thực, thực phẩm, khai thác muối,…

Hiện nay, tổng công ty có 28 đơn vị thành viên hạch toán độc lập đã được cổ phần hóa là các công ty con; 7 công ty liên kết và 3 công ty liên doanh với nước ngoài (Malaysia, Singapore, Iraq). Phần lớn các đơn vị thành viên của tổng công ty có trụ sở chính tại các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Vinafood1 đã thành lập 9 chi nhánh đóng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung đề án tái cơ cấu Vinafood 1. Theo kế hoạch, tổng công ty sẽ cổ phần hóa công ty mẹ – Vinafood 1 cùng 2 công ty con là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lương thực Lương Yên và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Muối Việt Nam trong năm 2017.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quyết định tỷ lệ cổ phần Vinafood 1 nắm giữ tại các công ty cổ phần: Lương thực và Thương mại Phú Thọ, Lương thực và Thương mại Vĩnh Phúc, Lương thực Hưng Yên, Lương thực Ninh Bình, Lương thực Hà Nam, Lương thực Lào Cai.

Đóng gói bột mỳ trước khi đưa ra thị trường. (Ảnh: TTXVN)
Đóng gói bột mỳ trước khi đưa ra thị trường. (Ảnh: TTXVN)

6. Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG)

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được thành lập theo Quyết định 248/2006/QĐ-TTg ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Ngành, nghề kinh doanh chính của VRG là trồng, chế biến, kinh doanh cao su, chế biến gỗ nhân tạo; công nghiệp cao su.

Theo báo cáo của VRG, tập đoàn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án thoái vốn ngoài ngành chính cho 24 công ty.

Theo kế hoạch, quý 1 năm nay, VRG lựa chọn đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp. Trong quý 2, tập đoàn thuê tư vấn đấu thầu lựa chọn đơn vị lập phương án CPH. Quý 3 sẽ thẩm định và công bố giá trị doanh nghiệp. Tới quý 4, VRG sẽ trình phê duyệt đề án cổ phần để thực hiện cổ phần hóa trong quý 4 năm nay và quý 1 năm 2017.

Kết quả giai đoạn năm 2011 – 2015, toàn tập đoàn đã thực hiện thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành chính thu về trên 1.447 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách là 1.230,19 tỷ đồng). Trong đó riêng năm 2015, tập đoàn thoái vốn được 552,72 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách là 457,69 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, VRG có doanh thu hơn 15.115 tỷ đồng với tổng lợi nhuận sau thuế là trên 1.935 tỷ đồng.

Công nhân Công ty cổ phần một thành viên Cao su Tây Ninh cạo lấy mủ cao su. (Ảnh: TTXVN)
Công nhân Công ty cổ phần một thành viên Cao su Tây Ninh cạo lấy mủ cao su. (Ảnh: TTXVN)

7. Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO)

Với một hệ thống đầu mối khoảng 50 xí nghiệp, công ty, phòng, ban, trên 4.000 công nhân lao động, lĩnh vực các doanh nghiệp hoạt động của VINAPACO trải rộng gồm: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ thương mại, tài chính, tín dụng, nghiên cứu khoa học, thậm chí có cả lĩnh vực văn hóa, giải trí,…

Tại thời điểm 1/1/2015, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của công ty mẹ VINAPACO (không bao gồm hai viện giấy) sau khi thẩm định là 6.969 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.407 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, năng lực sản xuất của VINAPACO đạt xấp xỉ 200.000 tấn bột giấy/năm và 300.000 tấn giấy/năm. Năm 2015 VINAPACO đạt doanh thu hơn 2.700 tỷ đồng, sản xuất được hơn 113.000 tấn giấy các loại; tiêu thụ được hơn 110.000 tấn.

Theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, năm 2015 Tổng Công ty Giấy phải hoàn thành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, để chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa từ năm 2016.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy của VINAPACO. (Ảnh: TTXVN)
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy của VINAPACO. (Ảnh: TTXVN)

8. Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (VINACHEM)

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) là doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con.

Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bao gồm: Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, kinh doanh máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất,…

Theo báo cáo từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong năm 2015, doanh thu của tập đoàn đạt gần 45.600 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2014; Nộp ngân sách nhà nước đạt 1.794 tỷ đồng.

Trong kế hoạch 2016, Tập đoàn đặt mục tiêu đạt mức doanh thu 50.455 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2015; Lợi nhuận đạt 1.827 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015…

Trong năm 2015, Vinachem đã hoàn tất việc cổ phần hóa ở một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Đạm Ninh Bình; Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất.

Công nhân Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (Hà Nội) vận hành hệ thống lò cao nung chảy. (Ảnh: TTXVN)
Công nhân Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (Hà Nội) vận hành hệ thống lò cao nung chảy. (Ảnh: TTXVN)

9. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

VNPT có 71 đơn vị trực thuộc, 2 công ty con và vốn điều lệ 72.237 tỷ đồng. Số lượng lao động của VNPT khoảng trên 3,6 vạn.

Ngành nghề kinh doanh chính của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin.

VNPT được biết đến là là nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, một số dự án lớn được VNPT triển khai như phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 và 2 nhằm chủ động được toàn bộ các phương thức truyền dẫn, hoàn thiện thông tin liên lạc quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, VNPT đạt doanh thu 61.347 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch; trong đó tổng doanh thu khách hàng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin đạt 21.932 tỷ đồng, bằng 47,4% kế hoạch, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2015.

Theo giới thiệu, VNPT đang tham gia xây dựng thành phố thông minh (smartcity) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc. VNPT cũng hợp tác với Microsoft nhằm đẩy mạnh năng lực cung cấp và triển khai các lĩnh vực công nghệ thông tin trọng tâm, trong đó có mảng xây dựng thành phố thông minh.

Kiểm tra chất lượng dịch vụ của VNPT. (Ảnh: VNPT)
Kiểm tra chất lượng dịch vụ của VNPT. (Ảnh: VNPT)

10. Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone)

MobiFone là một trong những cái tên nóng nhất của danh sách sắp IPO thời gian tới. Giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào MobiFone bởi doanh nghiệp này có tiếng là phát triển lành mạnh và có mô hình quản trị tiên tiến.

MobiFone được thành lập ngày 16/04/1993 với tên gọi ban đầu là Công ty thông tin di động. Ngày 01/12/2014, Công ty được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Vốn điều lệ của MobiFone được xác định là 15.000 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh chính của MobiFone là đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác và cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình, truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh đó, MobiFone còn sản xuất, lắp ráp và xuất nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; Tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây lắp chuyên ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; Bảo trì, sửa chữa thiết bị chuyên ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin.

Tại Việt Nam, MobiFone là một trong ba mạng di động lớn nhất với hơn 30% thị phần. Hiện nay, MobiFone có gần 50 triệu thuê bao với gần 30.000 trạm 2G và 20.000 trạm 3G.

Vào cuối tháng 10/2014, Ban chỉ đạo Cổ phần hóa MobiFone đã được thành lập. Theo kế hoạch, đến khoảng cuối năm 2016, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ được hoàn tất.

Xem truyền hình trực tuyến trên dịch vụ 4G của MobiFone. (Ảnh: MobiFone)
Xem truyền hình trực tuyến trên dịch vụ 4G của MobiFone. (Ảnh: MobiFone)