‘Cơn lốc’ bệnh viện mở rộng điều trị bằng y học cổ truyền

Trong những năm gần đây, dược liệu đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược để sản xuất thuốc từ dược liệu, nguyên liệu để sản xuất thực phẩm chức năng, cho chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền…

Dược liệu được bày bán, tràn lan từ các cửa hàng, các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền tư, các phòng mạch tư đến các bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền, các cơ sở y tế…

16 triệu lượt người chữa bằng y học cổ truyền

Đến nay, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong cả nước được củng cố và mở rộng, từ trung ương đến địa phương, thành thị và cả nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, phát triển nền y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại là chủ trương mà Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế quan tâm hàng đầu.Từ Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị đến phương châm hoạt động của ngành đều khẳng định phát triển y học cổ truyền là một nhiệm vụ quan trọng.

Số bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh tăng từ 53 bệnh viện năm 2010 lên 58 bệnh viện năm 2015 và đến nay là 63 bệnh viện trên toàn quốc.

Tính đến nay, trên cả nước có 129 cơ sở điều trị liên quan đến y học cổ truyền, trong đó 63 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chuyên khoa về y học cổ truyền, 66 cơ sở có hoạt động điều trị bằng thuốc y học cổ truyền.

Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở các tuyến đã thành lập khoa, y học cổ truyền chiếm 92%. Tại tuyến huyện, tỷ lệ các bệnh viện/trung tâm y tế có khoa y học cổ truyền chiếm 63%; mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã ngày càng phát triển với 84,8% trạm y tế tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ dược liệu thiên nhiên tại một công ty. (Ảnh: Bang Nhiệm/TTXVN)
Sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ dược liệu thiên nhiên tại một công ty. (Ảnh: Bang Nhiệm/TTXVN)

Năm 2016, số bệnh nhân điều trị nội trú là 749.518 lượt người với mức chi phí bình quân lượt điều trị nội trú là hơn 3,2 triệu đồng/lượt.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng y học cổ truyền liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2015 có hơn 9,8 triệu lượt người điều trị ngoại trú khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng y học cổ truyền, với chi phí bình quân 234.000 đồng/lượt; số lượt điều trị nội trú là 554.260 người với chi phí bình quân lượt điều trị nội trú là hơn 2,3 triệu đồng. Năm 2016 số lượt điều trị ngoại trú đã tăng lên 16,6 triệu lượt người, chi phí bình quân là 255.000 đồng/lượt; số bệnh nhân điều trị nội trú là 749.518 lượt người với mức chi phí bình quân lượt điều trị nội trú là hơn 3,2 triệu đồng/lượt.

Hoạt động khám chữa bệnh tại 63 bệnh viện y học cổ truyền trong 8 tháng đầu năm 2017 – Nguồn: BHXHVN.(Đồ họa: Hoàng Long)

Trong 8 tháng đầu năm 2017, một số bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền có tổng số lượt khám chữa bệnh cao như: Viện Y học cổ truyền Quân đội (hơn 70.000 lượt khám), Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội (hơn 51.000 lượt khám), Viện y học cổ truyền Bộ Công an (gần 66.000 lượt khám), Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Vĩnh Long (hơn 63.000 lượt khám),  Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (hơn 41.000 lượt khám), Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang (Hơn 36.000 lượt khám)…

Những bệnh viện có số ngày điều trị nội trú dài như: Bệnh viện Châm cứu Trung ương (27 ngày), Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Nam Định (26 ngày), Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng (25 ngày), Viện Y học cổ truyền Quân đội (20 ngày), Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (21 ngày), Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước (23 ngày)…

Tại hội thảo một số khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở lĩnh vực y học cổ truyền, do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức, được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ ra: “Hiện nay, thanh toán bảo hiểm y tế trong lĩnh vực y học cổ truyền còn nhiều vướng mắc, vừa thiệt cho người bệnh, vừa khó cho các cơ sở y tế. Nguyên do là các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều, nhưng chưa đồng bộ và thiếu tính thực tiễn. Bên cạnh đó, việc điều trị chưa hợp lý, làm tăng chi phí cho người bệnh và việc sử dụng thuốc, dược liệu còn nhiều vấn đề.”

Chữa bệnh bằng châm cứu trong y học cổ truyền được nhiều người lựa chọn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chữa bệnh bằng châm cứu trong y học cổ truyền được nhiều người lựa chọn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

700 tỷ đồng tiền thuốc

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, chi phí thuốc chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng chi phí thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2015 tổng chi phí thuốc chung là hơn 24.491 tỷ đồng, trong đó tổng tiền vị thuốc y học cổ truyền là gần 700 tỷ đồng (chiếm 2,6%). Năm 2016, tổng chi phí thuốc chung là hơn 32.117 tỷ đồng, trong đó tổng tiền vị thuốc y học cổ truyền là hơn 821 tỷ đồng (chiếm 2,5%).

Tỷ lệ dùng thuốc y học cổ truyền, khoảng 2,5-2,6%, năm sau tăng hơn năm trước.

Một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng vị thuốc y học cổ truyền cao nhất như: Đắk Nông hơn 7,6 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 13,2% trong tổng số tiền thuốc chung), tiếp đến là Hòa Bình: hơn 24 tỷ đồng (chiếm 11,2% trong tổng số tiền thuốc chung), Yên Bái: hơn 19,6 tỷ đồng (chiếm 11% trong tổng số tiền thuốc chung), Lạng Sơn: hơn 9,4 tỷ đồng (chiếm 9,96% trong tổng số tiền thuốc chung), Bình Định: hơn 26,5 tỷ đồng (chiếm 9,5% trong tổng số tiền thuốc chung).

Chi phí cho hoạt động khám chữa bệnh nội trú tại 63 bệnh viện y học cổ truyền trong 8 tháng đầu năm 2017 – Nguồn: BHXHVN. (Di chuột vào bong bóng để xem thông tin chi tiết). (Đồ họa: Hoàng Long.)

Trong 8 tháng đầu năm 2017, một số bệnh viện y học cổ truyền có tổng số tiền chi trả dành cho bệnh nhân nội trú (bao gồm cả bệnh nhân đồng chi trả) cao: Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Ninh: hơn 38 tỷ đồng, Viện Y học cổ truyền Quân đội: hơn 35 tỷ đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương: hơn 35 tỷ đồng,  Bệnh viện Y học tỉnh Thái Bình: hơn 32 tỷ đồng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An: hơn 31 tỷ đồng…

Một số bệnh viện chi bình quân/lượt điều trị nội trú cao: Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương: hơn 10,1 triệu đồng/lượt; Bệnh viện Châm cứu Trung ương: 11,5 triệu đồng/lượt; Bệnh viện Y học cổ truyền Lạng Sơn: 11,4 triệu đồng/lượt; Bệnh viện Y dược cổ truyền Thanh Hóa: 11,8 triệu đồng/lượt; Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Sơn La: 9,7 triệu đồng/lượt, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình: 9,1 triệu đồng/lượt; Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng: 9,2 triệu đồng/lượt…

Đánh giá về công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn chỉ rõ có rất nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế y, dược cổ truyền cần phải được xem xét lại.

Có rất nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế y, dược cổ truyền cần phải được xem xét lại.

Cụ thể, trong thực hiện và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền, nhiều cơ sở y học cổ truyền chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật; Chỉ định đồng thời nhiều dịch vụ kỹ thuật có cùng cơ chế tác dụng/bệnh nhân, kéo dài ngày điều trị nội trú, đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú khi chưa cần thiết…

Bên cạnh đó, để hợp thức nguồn gốc dược liệu, vị thuốc, nhà thầu thường quay vòng sử dụng một giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu (CO, CQ) cho nhiều lần đấu thầu.

Sấy khô dược liệu bằng máy móc tự động. (Ảnh: TTXVN)
Sấy khô dược liệu bằng máy móc tự động. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, giá dược liệu, vị thuốc có CO, CQ tăng lên rất nhiều so với giá dược liệu không có CO như trước đây. Chẳng hạn Nhân sâm Hàn Quốc từ khoảng gần 7 triệu đồng/kg tăng lên hơn 9,5 triệu đồng/kg; Tam thất từ khoảng 2,9 triệu đồng/kg tăng lên hơn 4,4 triệu đồng/kg, Trầm hương từ 1,2 triệu đồng/kg tăng lên hơn 2,3 triệu đồng/kg…

Năm 2016, quỹ bảo hiểm y tế chi trả 281 tỷ đồng cho vị thuốc y học cổ truyền được sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Ðiều đáng nói là, tình trạng lợi dụng quay vòng giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu (CO, CQ) nhập khẩu ít nhưng cung ứng nhiều, giá trúng thầu chênh lệch lớn… đã được Bộ Y tế đề cập nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện, xử lý được trường hợp vi phạm nào.

Một số cơ sở khám chữa bệnh tự bào chế thuốc y học cổ truyền, quá trình sản xuất chưa chặt chẽ nên giá thành cao hơn so với sản phẩm tương tự trên thị trường. Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số cơ sở y tế chỉ định đồng thời cả thuốc tây y theo phác đồ điều trị với thuốc thang, thuốc chế phẩm y học cổ truyền không hợp lý, gây lãng phí nguồn lực.

Bộ Y tế từng đưa ra giải pháp đăng tải giá trúng thầu để các đơn vị mời thầu tham khảo xây dựng giá kế hoạch, nhưng với mức giá biến động như trên rất khó để chọn giá đúng. Trong khi đó, hằng ngày, nguy cơ giá thuốc vẫn tiếp tục bị nâng lên, do tình trạng thiếu cạnh tranh trong đấu thầu, gian lận giấy tờ trong cung ứng thuốc chưa được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời.

Vậy câu hỏi đặt ra, dược liệu giá cao liệu chắc chắn đã là dược liệu tốt?

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)