Công nghệ đồng hành chống dịch COVID-19

1507congnghe-1594821270-74.jpg

Hàng loạt công nghệ mới đang được các nước sử dụng như những “vũ khí hữu hiệu”, cả trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cả trong việc thích ứng với những thay đổi do đại dịch.

Những bước tiến đột phá của ứng dụng công nghệ trong thời kỳ đại dịch đặt ra câu hỏi, phải chăng COVID-19 đang đẩy thế giới tiến nhanh hơn vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những công nghệ cốt lõi như Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, công nghệ nano, vốn đang manh nha diễn ra tại nhiều nước phát triển.

Các chuyên gia nhận định COVID-19 đang định hình lại những nét căn bản của cuộc sống. Dịch bệnh kèm theo các biện pháp phong tỏa, ở nhà chống dịch trở thành chất xúc tác khiến Internet phát triển nhanh hơn.

Không thể phủ nhận công nghệ truy vết giúp giám sát sự lây lan của virus tốt hơn, và sớm ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng mặt trái của điều đó là những lo ngại về quyền riêng tư bị xâm phạm khi khung luật pháp của hầu hết các quốc gia đều không kịp cập nhật để thích nghi với những bước tiến thần tốc của công nghệ.

Chùm bài viết “Công nghệ đồng hành chống dịch COVID-19” đã phân tích những hiệu quả tích cực của việc ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch cũng như những giải pháp của các nước trên thế giới  để vừa đảm bảo kiểm soát dịch, vừa không xâm phạm quyền riêng tư./.

Công nghệ – Vũ khí đắc lực phòng chống dịch

Hàng loạt công nghệ mới đang được các nước sử dụng như những “vũ khí hữu hiệu”, cả trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cả trong việc thích ứng với những thay đổi do đại dịch.

Theo các chuyên gia, trong cuộc chiến chống lại đại dịch chưa từng có này, 5 ứng dụng công nghệ gồm theo dõi dịch bệnh bằng kỹ thuật số, khám chữa bệnh từ xa, AI, công nghệ in 3D và và công nghệ thực tế ảo được đánh giá là rất hữu ích cho ngành y.

Những bước tiến đột phá của ứng dụng công nghệ trong thời kỳ đại dịch đặt ra câu hỏi, phải chăng COVID-19 đang đẩy thế giới tiến nhanh hơn vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những công nghệ cốt lõi như Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, công nghệ nano, vốn đang manh nha diễn ra tại nhiều nước phát triển.

Các chuyên gia nhận định COVID-19 đang định hình lại những nét căn bản của cuộc sống. Dịch bệnh kèm theo các biện pháp phong tỏa, ở nhà chống dịch trở thành chất xúc tác khiến Internet phát triển nhanh hơn.

Mạng xã hội giúp mọi người luôn kết nối với cộng đồng và cập nhật thông tin nhanh chóng. Các hoạt động “không tiếp xúc” dựa trên hạ tầng công nghệ sẵn có trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

(Nguồn: Barrons.com)
(Nguồn: Barrons.com)

Các nhà cung cấp dịch vụ truyền phát video hay nhà sản xuất podcast cũng “tăng tốc” bổ sung thêm băng thông vì lượng người dùng tăng đột biến.

Trong cuộc chiến chống COVID-19, việc ứng dụng công nghệ hiệu quả đã trở thành một trong những yếu tố giúp nhiều quốc gia có thể khống chế được dịch bệnh.

Công nghệ được ứng dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, chăm sóc các bệnh nhân và giảm áp lực cho hệ thống y tế. Công nghệ hỗ trợ giới chức y tế đưa ra quyết định. Trí tuệ nhân tạo, robot và máy bay không người lái được triển khai để giúp theo dõi nguồn bệnh và thực thi các nỗ lực hạn chế dịch bệnh.

Giới khoa học cũng ứng dụng công nghệ để nghiên cứu cơ chế lây nhiễm và phương pháp điều trị COVID-19, phát triển vắcxin phòng bệnh.

Theo các chuyên gia, trong cuộc chiến chống lại đại dịch chưa từng có này, 5 ứng dụng công nghệ gồm theo dõi dịch bệnh bằng kỹ thuật số, khám chữa bệnh từ xa, AI, công nghệ in 3D và và công nghệ thực tế ảo được đánh giá là rất hữu ích cho ngành y.

Công nghệ hiện đại giúp việc giám sát, theo dõi, cách ly và kiểm soát dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều. Việc áp dụng công nghệ vào giám sát, truy vết đã giúp Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia xác định và đánh giá tình hình dịch bệnh chính xác nhất thế giới.

Hàn Quốc đã thông qua các giao dịch thanh toán, dữ liệu định vị trên điện thoại và các camera an ninh CCTV để thiết lập một hệ thống bản đồ truy vết những người mắc hoặc có liên quan tới các ca mắc, từ đó nhanh chóng tiến hành xét nghiệm và khoanh vùng dịch.

Trung Quốc đưa vào sử dụng robot khử trùng thế hệ đầu tiên tại công ty công nghệ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trung Quốc đưa vào sử dụng robot khử trùng thế hệ đầu tiên tại công ty công nghệ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hiệu quả của việc áp dụng Big Data giúp theo dõi và dự đoán rủi ro lây nhiễm kết hợp với sàng lọc quy mô lớn tại sân bay cũng được chứng minh tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) lại sử dụng vòng tay có kết nối với một ứng dụng trên điện thoại di động nhằm kiểm soát các trường hợp đang trong diện cách ly theo dõi.

Nếu những người này tự ý rời khỏi khu vực cách ly, thiết bị sẽ tự động gửi thông báo tới cơ quan chức năng, Singapore đã triển khai ứng dụng có tên TraceTogether. Bằng việc sử dụng tín hiệu Bluetooth trên điện thoại thông minh, TraceTogether sẽ phát hiện những người có tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh.

Công nghệ khám chữa bệnh từ xa được ứng dụng không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm mà còn tiết kiệm thời gian, giúp các bác sĩ tập trung chăm sóc các trường hợp khẩn cấp. Tại Mỹ, nhiều hãng áp dụng kỹ thuật này thành công như Amwell, PlushCare hay HeyDoctor, Everlywell.

Tại Việt Nam, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, giúp triển khai đồng loạt hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng nghìn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19 là hai ví dụ điển hình về sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ như một vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2.

Viettel đưa AI vào trong lĩnh vực y tế. (Ảnh: Viettel)
Viettel đưa AI vào trong lĩnh vực y tế. (Ảnh: Viettel)

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, do Viettel phát triển đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa gồm tư vấn y tế, hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh; hội chẩn tư vấn giải phẫu bện; hội chẩn tư vấn phẫu thuật; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh.

Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa.

Với ứng dụng Bluezone, người dân có thể cài ứng dụng này trên điện thoại nhằm bảo vệ mình và cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus. Đây là những sản phẩm công nghệ hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam.

AI cũng được sử dụng phổ biến. Tại Pháp, nhiều bệnh viện sử dụng công nghệ này để rút ngắn thời gian xét nghiệm cho bệnh nhân và tính toán nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh thiếu nhân lực.

Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên, cũng nhanh chóng đưa AI vào thực tế, cụ thể là trong các biện pháp hạn chế đi lại, dự báo quá trình phát triển của dịch bệnh hay nghiên cứu phát triển vaccine điều trị. AI còn được áp dụng để đẩy nhanh quá trình giải mã gen, chẩn đoán, thực hiện quét phân tích dữ liệu, đôi khi là đưa vào trong các robot vận chuyển.

Tại Mỹ, Nhà Trắng đã đề nghị các công ty công nghệ và nhóm nghiên cứu sử dụng công cụ AI để phối hợp hỗ trợ công tác chống dịch, trong đó có việc sàng lọc, phân tích hơn 29.000 trang tài liệu về virus corona chủng mới nhằm tìm ra được cách khắc chế.

Bệnh viện đa khoa Tampa ở Florida, Mỹ, với sự hỗ trợ của AI, đã sử dụng một phần mềm có khả năng thực hiện quét khuôn mặt để xác định bệnh nhân bị sốt, nhờ đó có thể giảm 75% nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

Công nghệ AI đã được giới khoa học Australia ứng dụng để phát triển thành công một công cụ chẩn đoán hình ảnh, cho phép nhân viên y tế xác định chính xác người mắc COVID-19 thông qua phương pháp phân tích hình ảnh chụp cộng hưởng từ (CT) phổi của bệnh nhân.

Với kết quả nhận được sau khoảng một giờ, công nghệ này sẽ thay thế bác sĩ X-quang, cung cấp những phân tích cần thiết trong tình huống có quá nhiều bệnh nhân và không đủ nhân viên y tế, để xác định chính xác tổn thương phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Nhờ khả tăng tạo ra sản phẩm trong thời gian ngắn, công nghệ in 3D nhanh chóng được sử dụng để sản xuất vật tư y tế thiết yếu. Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Italy, thiết bị van khuếch tán, một bộ phận quan trọng của máy trợ thở được sản xuất nhờ công nghệ in 3D đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân.

Ứng dụng Bluezone. Ảnh chụp màn hình
Ứng dụng Bluezone. Ảnh chụp màn hình

Tây Ban Nha cũng đã sản xuất thành công máy trợ thở đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng với chi phí thấp bằng công nghệ in 3D. Các máy in 3D có thể sản xuất tới 300 máy trợ thở mỗi ngày.

Công nghệ thực tế ảo được xem là trợ thủ đắc lực cho nhân viên y tế tuyến đầu. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Harvard Business Review, các bác sĩ phẫu thuật được đào tạo với thực tế ảo có thể đạt hiệu quả công việc cao hơn so với người được đào tạo bằng các phương pháp truyền thống.

Nhờ công nghệ thực tế ảo, các bác sỹ có được lựa chọn tốt hơn và giảm bớt các triệu chứng rối loạn tâm lý sau sang chấn thường gặp đối với các các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu, những người phải chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 nặng và làm việc trong môi trường khắc nghiệt.

Công nghệ đặc biệt hỗ trợ các nhà khoa học trong cuộc đua tìm kiếm vaccine, từ việc xây dựng hệ thống nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, phân lập, giải mã bộ gen và tới tìm hiểu cặn kẽ cấu trúc phân tử của virus.

Trên thực tế, trước đại dịch, các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã là một lĩnh vực nghiên cứu bùng nổ. Cụ thể, công nghệ học sâu (Deep learning) đã cho kết quả ấn tượng trong phân tích ảnh y khoa giúp xác định các bệnh như ung thư vú và ung thư phổi hoặc bệnh tăng nhãn áp, ít nhất là độ chính xác.

Các nghiên cứu cũng cho thấy tiềm năng của việc sử dụng thị giác máy tính để trông nom người già và bệnh nhân tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại trong việc đưa những nghiên cứu này vào thực tiễn.

Đơn cử như quan ngại về quyền riêng tư khiến việc thu thập đủ dữ liệu cho các thuật toán đào tạo trở nên khó khăn trong khi các cơ quan quản lý cũng thận trọng khi cấp phép phát triển các công nghệ này.

Sự xuất hiện của COVID-19 đã thay đổi điều đó. Nói cách khác, đại dịch đã buộc các cơ quan chức năng “mở cửa” cho việc áp dụng nhiều hơn công nghệ trong chăm sóc sức khỏe. Đơn cử như AI, ngoài tốc độ đánh giá nhanh và độ chính xác cao, một điều nữa có thể khuyến khích các bệnh viện áp dụng AI trong đại dịch: đó là chuẩn bị cho tình huống thiếu hụt nhân viên y tế.

Cơ hội cũng mở ra cho các tập đoàn công nghệ trong giai đoạn dịch bệnh. Hàng chục công ty phát triển công nghệ AI đã tích cực nghiên cứu phần mềm mới hoặc sửa chữa những thiết bị có sẵn, giới thiệu hàng loạt sản phẩm ứng dụng AI để phòng chống dịch.

Tháng 3/2020, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ ở Thung lũng Silicon đã thành lập Nhóm công nghệ và nghiên cứu (Technology and Research Task Force) để phối hợp phát triển các ứng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch. Công nghệ cũng mang lại “vận may” cho các nhà cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.

Số lượng đăng ký dịch vụ khám bệnh của KRY International, một công ty Thụy Điển, tăng tới 200% trong thời kỳ dịch bệnh.

Chuyên gia Andrew Keen, tác giả nhiều cuốn sách về công nghệ số, nhận định thế giới số đang phát triển mạnh và chúng ta đang sống sót qua đại dịch này nhờ vào công nghệ.

Giải pháp trực tuyến đã cho thấy hiệu quả cao trong đại dịch, và công nghệ đang trở thành trợ thủ đắc lực của con người, kể cả trong phòng chống dịch lẫn trong thích ứng với thế giới mới hậu COVID-19.

Mọi người đang ngồi trong nhà và nhìn ra thế giới bằng chiếc smartphone, bởi vậy mà trong thế giới sau đại dịch, công nghệ sẽ được ứng dụng phổ biến hơn nữa nhằm hỗ trợ cuộc sống con người./.

Một hành khách trình mã y tế để được phép lên tàu tại nhà ga ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 7/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Một hành khách trình mã y tế để được phép lên tàu tại nhà ga ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 7/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Khắc phục những mặt chưa hoàn hảo

Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, việc ứng dụng công nghệ mang lại cả cơ hội và rủi ro. Lo ngại về bảo mật an ninh mạng, quyền riêng tư là một trong những vấn đề nổi cộm nhất, những bài toán hóc búa nhất liên quan tới công nghệ, vốn đã xuất hiện từ lâu và khi công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong mùa dịch COVID-19, càng trở nên cấp thiết.

Các chuyên gia của McKinsey & Company, công ty tư vấn quản lý của Mỹ, cho rằng sau đại dịch, thế giới sẽ chứng kiến sự nổi lên của mô hình kinh tế “không tiếp xúc,” điển hình là sự phát triển của các lĩnh vực: thương mại điện tử, khám chữa bệnh từ xa và tự động hóa.

Lo ngại về bảo mật an ninh mạng, quyền riêng tư là một trong những vấn đề nổi cộm nhất, đặc biệt khi công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong mùa dịch COVID-19.

Chúng ta có thể hình dung ra một thế giới mà sự tiếp xúc của con người từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm được giảm thiểu tối đa, nhưng không bị loại bỏ hoàn toàn. Phương thức làm việc từ xa và trực tuyến qua kết nối Internet sẽ ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho tội phạm mạng.

Các nhóm tin tặc có thể lợi dụng sự thay đổi trong phương thức làm việc để thực hiện nhiều vụ tấn công mạng. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các vụ tấn công mạng gia tăng đột biến nhằm vào thư điện tử của các nhân viên.

Nhiều tổ chức hoạt động chống Covid-19 bị tội phạm mạng đánh cắp tài khoản email. (Nguồn: Technologik.fr)
Nhiều tổ chức hoạt động chống Covid-19 bị tội phạm mạng đánh cắp tài khoản email. (Nguồn: Technologik.fr)

Hồi tháng 4, khoảng 450 thư điện tử của các nhân viên WHO bị rò rỉ trên mạng, cùng với đó là hàng nghìn thư điện tử khác của giới chuyên gia nghiên cứu phòng dịch. WHO cho biết tổng số vụ tấn công mạng nhằm vào tổ chức này đã cao hơn 5 lần so với năm ngoái, và gần như ngày nào cũng xảy ra các vụ tấn công.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch, chính phủ nhiều nước đang áp dụng các biện pháp giám sát công nghệ, nhằm truy tìm những người có khả năng nhiễm virus.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhiều công ty công nghệ và ít nhất 30 chính phủ đã bắt đầu áp dụng và triển khai các công cụ theo dõi. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hầu hết các công cụ này đều thiếu khuôn khổ quản lý.

Không thể phủ nhận công nghệ truy vết giúp giám sát sự lây lan của virus tốt hơn, và sớm ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng mặt trái của điều đó là những lo ngại về quyền riêng tư bị xâm phạm khi khung luật pháp của hầu hết các quốc gia đều không kịp cập nhật để thích nghi với những bước tiến thần tốc của công nghệ.

Báo cáo viên của Liên hợp quốc về quyền riêng tư Joseph Cannataci cho rằng công nghệ đang thay đổi quá nhanh, nhưng lại thiếu những quy định về bảo mật riêng tư cho người dùng.

Một hành khách trình mã y tế để được phép đi lại tại trạm thu phí đường cao tốc ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 24/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Một hành khách trình mã y tế để được phép đi lại tại trạm thu phí đường cao tốc ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 24/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

COVID-19 và những bước tiến thần tốc của công nghệ cũng một lần nữa nhắc nhở về những thách thức nhân loại sẽ phải đối mặt trong một tương lai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một trong số đó là vấn đề bất bình đẳng. Theo ước tính của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), có khoảng 3,6 tỷ người không tiếp cận được Internet. Thiếu Internet và điện thoại thông minh, người dân sẽ khó tiếp cận được với các thông tin và bị bỏ lại trong tiến trình số hóa.

Liên hợp quốc, WHO và nhiều tổ chức quốc tế khác từng bày tỏ quan ngại người nghèo là đối tượng bị tổn thương do dịch. Lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở. Ngay cả với các nước phát triển như Mỹ, những người ở các vùng hẻo lánh, nông thôn cũng khó tiếp cận được với Internet, bởi chi phí lắp đặt đường truyền cao, và cũng không phải công ty nào cũng sẵn sàng cung cấp Internet tới các khu vực nông nghiệp của nước này.

Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp cũng đặt con người đối mặt với nhiều nguy cơ về tài chính, an ninh hay sức khỏe. Do giãn cách xã hội, ngày càng nhiều người dành thời gian ở nhà, khiến họ phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào công nghệ để duy trì các mối quan hệ ngoài đời thật.

Trong rất nhiều trường hợp, hiệu quả của các cuộc tiếp xúc từ xa không thể bằng các hình thức giao tiếp truyền thống. Nếu nhà quản lý không gặp nhân viên hằng ngày, sự tin tưởng lẫn nhau trong doanh nghiệp có thể sẽ đi xuống, dẫn tới hợp tác không hiệu quả. Đó là chưa kể mối rủi ro đối với những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, như trẻ em.

Làn sóng phát triển quá nhanh của công nghệ cũng có thể kéo theo những bất ổn về kinh tế, đời sống và chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp lần thứ tư, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.

Theo đánh giá của WEF, để hạn chế những mặt tiêu cực, các chính phủ cần xây dựng những cấu trúc giám sát công nghệ phù hợp. Một số giải pháp chính phủ các nước có thể thực hiện ngay trong giai đoạn chống dịch COVID-19, như việc sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng cần được giới hạn cụ thể và trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn để theo dõi tiếp xúc xã hội hoặc thực hiện cách ly. Bên cạnh đó, cần áp dụng nguyên tắc minh bạch.

Thực tế nhiều nước trên thế giới đang có những bước đi quyết liệt để vừa đảm bảo kiểm soát dịch, vừa không xâm phạm quyền riêng tư.

Đầu tháng 5, Chính phủ Australia đã giới thiệu phần mềm truy vết COVID-19 mang tên Covidsafe, với độ bảo mật cao, theo đó dữ liệu mà ứng dụng thu thập sẽ được lưu trên điện thoại trong vòng 21 ngày và chỉ được chia sẻ cho nhân viên y tế nếu người sử dụng đồng ý.

Ngoài ra, dữ liệu của ứng dụng được lưu giữ trên máy chủ đặt tại Australia và không một ai có thể truy cập các thông tin này ngoài các nhân viên y tế của các bang. Dữ liệu này chỉ để phục vụ mục đích duy nhất là truy tìm những người mà bệnh nhân mắc COVID-19 đã có tiếp xúc gần.

Cách thức hoạt động của hệ thống ứng dụng Bluezone phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)
Cách thức hoạt động của hệ thống ứng dụng Bluezone phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Tại Việt Nam, trước những lo ngại về ứng dụng Bluezone, cơ quan chức năng khẳng định Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy của người dùng, không chuyển tiếp lên hệ thống. Chỉ khi người dùng trở thành F0, dữ liệu này mới được chia sẻ cho cơ quan chức năng, bởi lẽ mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đều ẩn danh với những người khác.

Đặc biệt, Bluezone cũng không thu thập dữ liệu về vị trí người dùng và được mở mã nguồn để bảo đảm tính minh bạch. Toàn bộ dữ liệu liên quan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật.

Chuyên gia tư vấn kỹ thuật số Jonathan Tanner thuộc Viện Phát triển hải ngoại (ODI) có trụ sở tại Anh nhận định: “Đôi khi tốc độ phát triển của các công nghệ mới bị kìm hãm bởi những hạn chế về cơ sở hạ tầng, tài chính và chính sách. Nhưng khi đối mặt với một thách thức như đại dịch COVID-19, sẽ có những động lực mạnh mẽ thôi thúc chúng ta nhanh chóng khắc phục những khó khăn này và đưa công nghệ mới vào thử nghiệm thực tế.”

Dịch bệnh khiến chính phủ các nước hướng tới công nghệ nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi một cách tiếp cận phù hợp trên cơ sở cân nhắc cẩn thận khả năng ứng dụng công nghệ để chống lại dịch COVID-19 và giải quyết một loạt các vấn đề khác liên quan.

Với việc các nước áp đặt biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, và ngày càng nhiều người phụ thuộc vào công nghệ, các nhà hoạch định chính sách có thể coi đây là cơ hội để thiết lập những công cụ số và hợp tác trong tương lai.

Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy một thực tế là công nghệ có thể trở thành trợ thủ đắc lực đồng hành cùng con người, nếu con người biết tận dụng hiệu quả và hợp lý./.

Trung Quốc đưa vào sử dụng robot khử trùng thế hệ đầu tiên tại công ty công nghệ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trung Quốc đưa vào sử dụng robot khử trùng thế hệ đầu tiên tại công ty công nghệ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)