Cuộc chiến chống COVID-19

ttxvnxetng-1597024071-84.jpg

Hơn 7 tháng từ khi bùng phát lần đầu ở Trung Quốc, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới tính đến 7 giờ sáng 10/8 (theo giờ Việt Nam) đã lên 20.008.255 người, số ca tử vong là 733.345 người, cho thấy dịch bệnh chẳng những chưa được kiểm soát mà còn gia tăng tốc độ lây lan trên toàn cầu.

Giới chuyên gia dần thay đổi nhận định về xu hướng dịch bệnh, các quốc gia vẫn phải thường trực cảnh giác và liên tục linh hoạt biện pháp ứng phó, rõ ràng hành trình chống dịch sẽ khó có khả năng kết thúc trong tương lai gần, đòi hỏi sự đoàn kết giữa các quốc gia và tinh thần tự giác bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khoảng 1 tháng qua, trung bình mỗi ngày lại có thêm 250.000 ca mắc mới.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch này là cuộc khủng hoảng chỉ có một trong cả thế kỷ, với những “di chứng” sẽ còn kéo dài nhiều thập niên tới.

Tổng Giám đốc WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng chỉ có một trong cả thế kỷ, với những “di chứng” sẽ còn kéo dài nhiều thập niên tới

Nhiều quốc gia tin rằng đã qua thời kỳ đỉnh dịch nay lại tiếp tục chứng kiến những đợt bùng phát mới, trong khi có những quốc gia chịu ít tác động hơn trong những tuần đầu dịch bệnh lây lan thì nay đang ghi nhận số ca mắc mới và tử vong gia tăng mạnh.

Đầu tháng Sáu, khi hầu hết các quốc gia đều đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế thì số ca mắc mới trên toàn cầu cũng bắt đầu tăng mạnh, thường xuyên ở mức hơn 100.000 ca/ngày.

Đến đầu tháng Bảy, số ca mắc mới tăng lên hơn 200.000 ca/ngày và đỉnh điểm là ngày 31/7, ghi nhận con số cao nhất trong một ngày từ trước tới nay, trên 293.000 ca.

Kể từ khi các ca bệnh đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019 cho tới khi thế giới ghi nhận tổng cộng 1 triệu ca mắc là khoảng 3 tháng. Nhưng riêng trong tháng Bảy, trung bình chỉ 5 ngày lại có thêm 1 triệu ca mắc mới, đặc biệt có lúc còn chưa đầy 100 giờ, như từ ngày 22-25/7, tổng số ca bệnh trên toàn cầu đã tăng từ mốc 15 triệu lên 16 triệu. Tới nay, khoảng thời gian này có xu hướng ngắn lại khi thế giới ghi nhận mốc 18 triệu bệnh nhân vào ngày 3/8 thì tới ngày 6/8 con số đã là 19 triệu.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 15/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 15/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đây là thời kỳ số ca mắc mới tại châu Mỹ tăng mạnh nhất. Tới nay, toàn bộ châu lục đã chiếm hơn một nửa số ca mắc và tử vong toàn cầu. Riêng Mỹ, số ca mắc theo ngày duy trì ở mức khoảng 60.000, thậm chí ngày 16/7 ghi nhận hơn 77.000 ca mắc mới, cao hơn tổng số ca bệnh của cả nước Ukraine từ khi dịch bùng phát.

Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ cũng diễn biến phức tạp và là một trong những nơi có số ca mắc nhiều nhất trong 2 tháng qua trên thế giới. Từ tháng Tám, mỗi ngày quốc gia này ghi nhận 50.000-60.000 ca mắc mới, khiến chỉ sau 20 ngày, số bệnh nhân COVID-19 ở Ấn Độ từ 1 triệu lên hơn 2 triệu.

Với tâm dịch Ấn Độ, biểu đồ dịch bệnh ở khu vực Nam Á và Đông Á cũng diễn biến theo chiều hướng tăng dần, đỉnh điểm là ngày 7/8, toàn khu vực ghi nhận 67.863 ca mắc mới, cao nhất từ trước tới nay, trong đó riêng Ấn Độ hơn 62.500 ca. Tỷ lệ lây nhiễm ở Trung Đông và châu Phi vẫn rất cao.

Theo WHO, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là hầu hết các quốc gia đã nới lỏng hạn chế, rục rịch mở cửa trở lại kinh tế và xã hội sau vài tháng phong tỏa gây nhiều thiệt hại.

Người dân sau thời gian dài ở nhà nay được tự do ra ngoài và tụ tập, một bộ phận không nhỏ có tâm lý chủ quan. Thế giới muốn thay đổi nhưng chủng virus gây chết người vẫn đang hiện diện, biến đổi và lây lan với mức độ nguy hiểm không hề thuyên giảm. Đây đều là những điều kiện khiến làn sóng dịch bệnh lại dâng lên sau một khoảng thời gian tạm lắng. WHO đánh giá đây là lúc dịch bệnh bước sang “một giai đoạn nguy hiểm mới.”

Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm, giáo sư Michael Osterholm ở Đại học Minnesota (Mỹ) mô tả dịch COVID-19 cứ nóng dần lên như “một đám cháy rừng”

Đặc phái viên về COVID-19 của WHO David Nabarro nhận định đây là thời điểm dịch bệnh bắt đầu tấn công những cộng đồng dân cư đông đúc và nghèo khó, vốn là nhóm dễ bị tổn thương trong mọi cuộc khủng hoảng, ở các quốc gia đang phát triển.

Virus SARS-CoV-2 tìm được điều kiện lý tưởng để lây lan trong những hộ gia đình sống trong những không gian chật hẹp, thiếu thốn mọi điều kiện vệ sinh, và việc phải ra đường kiếm sống, thường xuyên phải tiếp xúc xã hội để duy trì các bữa ăn hằng ngày là điều không thể tránh.

Trong khi đó, hệ thống chăm sóc y tế còn hạn chế ở nhiều nước như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi… càng khiến tình hình thêm nghiêm trọng.

Ngoài ra, tại nhiều quốc gia, áp lực ngày càng gia tăng do các biện pháp hạn chế và phong tỏa đối với nền kinh tế vốn đã không vững mạnh buộc các chính phủ phải tìm cách nhanh chóng mở cửa trở lại, dù nguy cơ dịch bệnh vẫn cao.

Bên cạnh đó, những cản trở chính trị cũng góp phần khiến số ca mắc gia tăng, một vấn đề đặc biệt rõ ràng tại các quốc gia phát triển.

Tại Mỹ hay Brazil, nguyên nhân chính khiến những quốc gia này chưa kiềm chế được dịch bệnh được cho là do thiếu biện pháp phòng và xử lý dịch nhất quán, các bang tự áp dụng biện pháp riêng, việc đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội vẫn còn là những vấn đề gây tranh cãi. Tổng Giám đốc WHO từng cảnh báo “mối đe dọa lớn nhất có thể không phải là virus SARS-CoV-2 mà lại là sự thiếu đoàn kết và thiếu một vai trò dẫn dắt toàn cầu.”

Nghiên cứu viên bào chế vắcxin phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Viện sản xuất vắcxin lớn nhất Ấn Độ ở Pune ngày 18/5/2020. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Nghiên cứu viên bào chế vắcxin phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Viện sản xuất vắcxin lớn nhất Ấn Độ ở Pune ngày 18/5/2020. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo WHO, kể cả với các quốc gia đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nguy cơ vẫn thường trực và song hành cùng nỗ lực đưa cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường, bởi vậy công tác chống dịch vẫn cần coi trọng.

Tại châu Âu, nhờ những bước đi thận trọng trong kế hoạch mở cửa trở lại và các biện pháp giãn cách được người dân tuân thủ khá đồng đều, tới nay hầu hết các nước dù ghi nhận số ca mắc mới tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, số ca mắc mới ở nhiều nơi gia tăng khiến chính quyền phải tái áp đặt biện pháp hạn chế theo khu vực.

Tương tự, Hàn Quốc cũng được đánh giá cao trong việc sử dụng công nghệ và ứng dụng truy dấu tiếp xúc để liên tục kiềm chế các đợt bùng phát mới.

Việt Nam, được coi là hình mẫu chống dịch trong giai đoạn một nhờ những biện pháp quyết liệt, hiệu quả cùng sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” cũng đang đưa tinh thần này vào giai đoạn chống dịch mới.

Trong thời gian tới, WHO dự báo châu Phi có thể trở thành điểm nóng. Tới nay, nhiều khu vực tại châu Phi, nhất là những cộng đồng chưa thực sự kết nối đều đặn với thế giới bên ngoài, vẫn chưa ghi nhận sự gia tăng mạnh, song tình hình có thể diễn biến tồi tệ hơn trong vài tháng tới, khi virus lan tới những nơi hẻo lánh này. Không ít ý kiến quan ngại rằng việc thiếu phương tiện xét nghiệm trên diện rộng khiến tình hình dịch bệnh ở châu Phi chưa thực sự sáng tỏ.

Trong khi đó, giới chuyên gia ngày càng lo ngại trước thực tế rằng không có bằng chứng nào cho thấy dịch bệnh sẽ sớm thuyên giảm.

Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm, giáo sư Michael Osterholm ở Đại học Minnesota (Mỹ) mô tả dịch COVID-19 cứ nóng dần lên như “một đám cháy rừng.”

Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy một tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu vàng) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Fort Detrick, Maryland, Mỹ ngày 15/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy một tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu vàng) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Fort Detrick, Maryland, Mỹ ngày 15/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hồi tháng Tư, chuyên gia này từng dự báo dịch bệnh sẽ diễn biến theo từng đợt, theo dạng các làn sóng. Tuy nhiên, hiện ông nhận định không có làn sóng dịch bệnh mới hay cũ mà chỉ có một làn sóng duy nhất ngày càng dâng cao, hay có thể mô tả giống như một đợt cháy rừng xảy ra trong dài hạn và thế giới đang ở giữa đám cháy đó, chứng kiến trong cùng một thời điểm có những chỗ lửa bùng lên và có những chỗ lửa đang dịu xuống, nhưng có thể bùng lại bất kỳ lúc nào.

Người phát ngôn WHO Margaret Harris cũng từng nhắc tới khả năng đại dịch diễn tiến theo mô hình “một làn sóng lớn.”

Chuyên gia Nabarro nhận định số ca mắc bệnh trên toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng, với những hậu quả đan xen có thể còn chưa được xác định.

Dịch diễn biến phức tạp không chỉ tạo ra gánh nặng điều trị và phòng ngừa, mà còn làm gián đoạn nhiều dịch vụ y tế khác như tiêm chủng, phát hiện và điều trị sớm ung thư, chăm sóc sức khỏe tinh thần… Cùng với đó là những tác động khôn lường, vẫn chưa thể định lượng về mặt kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn thế giới từ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Việc tìm ra loại vắcxin hiệu quả cũng ngày càng trở nên cấp bách và được kỳ vọng nhiều hơn. Tới nay, ít nhất 141 loại vắcxin đang được phát triển và ít nhất 13 loại đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Nhưng theo WHO, do virus SARS-CoV-2 đã biến chủng, để có một loại vắcxin phòng ngừa hiệu quả và an toàn, cần có thời gian.

Bên cạnh cuộc đua vắcxin, giới khoa học cũng đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển những phương pháp xét nghiệm, điều trị hiệu quả. Đơn cử như hình thức xét nghiệm theo nhóm hay xét nghiệm chùm (pool testing) được giới chức y tế Mỹ khuyến khích sử dụng, giúp tăng năng lực nhận diện và khoanh vùng những ca mắc bệnh mà tiết kiệm vật tư và thời gian xét nghiệm.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 7/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 7/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phương pháp trên, mẫu xét nghiệm của nhiều người (ít nhất 32 người) được trộn lẫn để thực hiện trong một xét nghiệm duy nhất, nếu có kết quả âm tính thì toàn bộ những người này không cần phải thực hiện các xét nghiệm riêng rẽ.

Các chuyên gia đánh giá phương pháp này giúp giảm áp lực về nguồn lực y tế và số lượng xét nghiệm phải thực hiện mà lại tăng số người được xét nghiệm (nâng số người mỗi ngày từ mức 500.000 lên 5 triệu người), tăng cơ hội phát hiện sớm những ca bệnh trong cộng đồng, kể cả các ca không triệu chứng vốn đang gây nhiều lo ngại.

Với những quốc gia có nguồn lực y tế hạn chế, phương pháp này được đánh giá là rất hữu ích. Biện pháp này đã được áp dụng tại Đức, Trung Quốc, Ấn Độ và mới đây là Việt Nam.

Trước diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp và khó lường, WHO đã quyết định duy trì Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời cảnh báo cuộc chiến chống dịch nhiều khả năng sẽ kéo dài.

Với COVID-19, “không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn,” bởi vậy, WHO kêu gọi mỗi quốc gia, mỗi cá nhân cần chủ động và tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ, giãn cách xã hội, tuân thủ các khuyến cáo vệ sinh dịch tễ, tăng cường xét nghiệm phát hiện và khoanh vùng sớm các ca bệnh, truy dấu tiếp xúc để đảm bảo không bỏ sót các ca mắc và chuẩn bị các phương tiện điều trị thích hợp.

WHO khẳng định “không bao giờ là quá muộn” để đảo ngược tình hình, điều quan trọng là duy trì các nỗ lực phòng chống và ứng phó bền vững ở tất cả các cấp từ cộng đồng, quốc gia, khu vực và trên toàn cầu với tinh thần đoàn kết./.