Đà Nẵng lấy đà phục hồi, phát triển kinh tế

toancanhda-1591085593-56.jpg

LỜI NÓI ĐẦU

Dưới sự nỗ lực chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dịch COVID-19 đã được khống chế kịp thời tại Việt Nam, nhưng nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tại thành phố Đà Nẵng, bên cạnh triển khai các giải pháp của Trung ương, nhiều giải pháp đặc thù để khôi phục sản xuất, kinh doanh đã được gấp rút nghiên cứu, triển khai ngay trong và sau khi kết thúc giãn cách xã hội.

Ngay trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều công ty, doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn tiếp tục sản xuất để đảm bảo cung cấp nguồn hàng hóa thiết yếu cho các đối tác trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp này đã thực hiện rất nghiêm ngặt nhiệm vụ “kép,” vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho hàng nghìn công nhân, người lao động. Công nhân, người lao động cũng đã ủng hộ, chia sẻ với các doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về các giải pháp giảm thiểu tác động, thích nghi với hoàn cảnh mới, “lấy đà” phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

Cùng chia sẻ khó khăn

Ngay trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều công ty, doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn tiếp tục sản xuất để đảm bảo cung cấp nguồn hàng hóa thiết yếu cho các đối tác trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp này đã thực hiện rất nghiêm ngặt nhiệm vụ “kép,” vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho hàng nghìn công nhân, người lao động. Công nhân, người lao động cũng đã ủng hộ, chia sẻ với các doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Duy trì sản xuất

Do cảnh giác cao với dịch COVID-19, nên sau giãn cách xã hội, không khí lao động, sản xuất vẫn diễn ra hăng hái, nhịp nhàng tại các phân xưởng của Công ty cổ phần Sản xuất-Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng (Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Trước khi vào cổng công ty và mỗi nhà xưởng, các công nhân phải xếp hàng, khử trùng tay, lần lượt đi qua máy đo thân nhiệt tự động. Các công nhân được bố trí ngồi giãn cách, một số bộ phận làm việc luân phiên, khu vực nhà ăn cũng đảm bảo khoảng cách đúng quy định và là tất cả đều đeo khẩu trang liên tục khi làm việc.

Công nhân, người lao động cũng đã ủng hộ, chia sẻ với các doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hiện tại, công ty này có 2.300 lao động, mỗi năm sản xuất khoảng 10 triệu sản phẩm giày thể thao, tập trung chính vào thị trường châu Âu. Năm 2020, công ty đề ra kế hoạch tăng trưởng 10% tổng sản phẩm, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc xuất nhập hàng hóa khó khăn hơn, lượng đơn đặt hàng các tháng đầu năm nay cũng giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, Ban lãnh đạo công ty vẫn rất lạc quan, nếu thời gian tới ảnh hưởng của dịch bệnh không tác động nhiều bên phía khách hàng quốc tế, không bị giảm sản lượng hay hủy đơn hàng thì mục tiêu tăng trưởng này vẫn đảm bảo.

Tuy quy trình phòng chống dịch khá nghiêm ngặt, nhưng các công  nhân tại Khu Công nghiệp An Đồn (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã luôn hợp tác, tuân  thủ quy định để đảm bảo sức khỏe và góp phần ủng hộ công ty. (Ảnh: Quốc  Dũng/TTXVN)
Tuy quy trình phòng chống dịch khá nghiêm ngặt, nhưng các công nhân tại Khu Công nghiệp An Đồn (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã luôn hợp tác, tuân thủ quy định để đảm bảo sức khỏe và góp phần ủng hộ công ty. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Phú Bình – Giám đốc nhân sự Công ty, việc đảm bảo sức khỏe cho công nhân đã luôn được chú trọng, không chỉ trong đợt phòng chống dịch này. Cách đây 5 năm, công ty đã triển khai nhiều biện pháp như đảm bảo nhà xưởng thông thoáng, trang bị hệ thống quạt làm mát tự động, những khu vực có sử dụng keo hóa chất thì có lắp máy xử lý không khí để tốt cho người lao động. Đến nay, các chỉ số về vệ sinh môi trường hiện rất tốt và người lao động cũng đánh giá tích cực.

“Sức khỏe của người lao động là một yếu tố rất quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc.” (Ông Phan Ngọc Tuấn, Giám đốc chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng)

Còn tại chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng, trước đây chi nhánh này chuyên sản xuất mặt hàng quần áo, nhưng hiện đang tập trung sản xuất khẩu trang theo đặt hàng của các đối tác. Vì vậy, số lượng đơn hàng, công việc thậm chí còn tăng lên chứ không giảm đi so với trước đây. Tổng số lao động tại chi nhánh Đà Nẵng khoảng 700 người nên việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh luôn được đề cao.

Ông Phan Ngọc Tuấn, Giám đốc chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng cho biết, trong thời gian cao điểm phòng chống dịch, công ty đã có những quy định riêng như khử trùng hàng tuần toàn bộ Công ty, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào làm việc buổi sáng, sắp xếp giãn cách, hạn chế tập trung đông khi ăn trưa. Môi trường làm việc luôn giữ sạch sẽ, thoáng khí và công nhân luôn đeo khẩu trang trong lúc làm việc.

“Chúng tôi luôn nhận thức rằng, sức khỏe của người lao động là một yếu tố rất quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc.” – Ông Tuấn nhận định.

Chăm lo cho người lao động

Là người lao động đã gắn bó trên 10 năm với chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng, chị Huỳnh Thị Tiên, công nhân may chia sẻ, làm việc đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên các công nhân phải vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh. Nhiều công ty, xí nghiệp khác đã bị ảnh hưởng, công nhân không có việc làm, nhưng công ty đã kịp thời sản xuất mặt hàng mới nên đã giải quyết được việc làm. Vui hơn là công nhân đã phải tăng ca làm việc để kịp suất khẩu trang đi nước ngoài, nên lương thưởng đợt này thậm chí còn cao hơn mọi khi.

Sau đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, các chủ doanh nghiệp đã quan  tâm, chăm lo nhiều hơn đối với sức khỏe và an toàn của người lao động.  (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Sau đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, các chủ doanh nghiệp đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn đối với sức khỏe và an toàn của người lao động. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Còn với các công nhân của Công ty cổ phần Sản xuất-Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng, tuy quy trình phòng chống dịch bệnh khá nghiêm ngặt, nhiều thủ tục, nhưng họ đã luôn tuân thủ quy định để góp phần ủng hộ công ty.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, công nhân xưởng giày cho biết, trong thời gian qua, công nhân rất yên tâm vì công ty lo về an toàn lao động, vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Do dịch bệnh nên số lượng đơn hàng bị giảm, các công nhân phải cắt giảm luân phiên, thu nhập cũng bị giảm nhưng đều sẵn sàng chia sẻ với khó khăn chung của công ty. Việc công ty vẫn đảm bảo duy trì sản xuất và hỗ trợ cho những công nhân khó khăn trong thời gian qua là rất đáng mừng.

Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã chi 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1.500 người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Thời gian qua, các cấp công đoàn thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều hoạt động chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ để các công nhân an toàn trong sản xuất, ổn định trong cuộc sống. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh, không chỉ trong tháng công nhân, mà các hoạt động đã được triển khai quyết liệt ngay trước và trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố đã chi 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1.500 người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Vận động 98% các công đoàn cơ sở đơn vị, doanh nghiệp trang bị bình sát khuẩn, phát 250.000 khẩu trang vải kháng khuẩn miễn phí cho người lao động. Tổng số tiền đơn vị, doanh nghiệp đã chi cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ người lao động là gần 4 tỷ đồng.

Thiết thực chăm lo cho đời sống công nhân, Liên đoàn Lao động thành phố đã gửi thư ngỏ, vận động được hơn 90% chủ nhà trọ ở các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động, từ 30-70% giá thuê nhà.

Ông Nguyễn Duy Minh nhận định, sau đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, các chủ doanh nghiệp đã đề cao việc quan tâm, chăm lo đối với sức khỏe và an toàn của người lao động. Khi đảm bảo được cho người lao động thì các doanh nghiệp mới có đủ nhân lực để phục hồi sản xuất, bắt kịp nhu cầu của thị trường sau giãn cách. Các cấp công đoàn cũng đã triển khai nhiều chương trình, vận động các chủ doanh nghiệp và người lao động cùng nhau chia sẻ khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh để sớm phục hồi, phát triển kinh tế./.

Đảm bảo an toàn cho người lao động thì các doanh nghiệp mới đủ nhân lực  để phục hồi sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Đảm bảo an toàn cho người lao động thì các doanh nghiệp mới đủ nhân lực để phục hồi sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Hoàn thiện hạ tầng

Việc các nước trên thế giới thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tác động rất lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, những ngành kinh tế biển chủ lực của thành phố Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển kinh tế mới.

Đón đầu chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, để đón làn sóng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều dự án cụ thể về lĩnh vực logistic như thúc đẩy chủ trương đầu tư, xây dựng mới Cảng Liên Chiểu; di dời Ga đường sắt Đường sắt; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B; dự án tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2; phối hợp triển khai dự án nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; xây dựng mới tuyến đường bộ kết nối Cảng Liên Chiểu với Quốc lộ 1 phía Nam hầm Hải Vân hoặc với đường cao tốc.

Thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển kinh tế mới.

Thành phố Đà Nẵng cũng nhanh chóng lập quy hoạch chi tiết hình thành các trung tâm logistics gồm Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logsistics Khu công nghệ cao và các trung tâm logistics khác để có cơ sở tiến hành đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương thành phố cũng đẩy mạnh hợp tác công tư PPP đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics.

Đường cao tốc La Sơn-Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên-Huế với Đà Nẵng. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Đường cao tốc La Sơn-Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên-Huế với Đà Nẵng. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc cho hay, Sở sẽ tập trung cập nhật, phổ biến, tuyên truyền, thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics và các văn bản pháp luật về dịch vụ logistics của trung ương và địa phương.

Cùng đó, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương, các trường đại học (hoặc khoa chuyên ngành logistics thuộc các trường đại học) tổ chức có hiệu quả các hoat động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Duy trì gắn kết mối quan hệ chặt chẽ giữa Sở với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố. Qua đó nắm bắt, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố giải quyết, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, phục hồi sau dịch COVID-19.

Giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả

Trong các tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Đà Nẵng đều bị ảnh hưởng nặng nề, có lúc gần như đình trệ do tập trung phòng chống dịch COVID-19. Nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Đà Nẵng lại khá ấn tượng, cao gấp nhiều lần cùng kỳ các năm qua. Nhiều dự án mới được khởi công, nhiều dự án khác đang gấp rút hoàn thành, khẩn trương tạo đà phát triển kinh tế sau thời gian chống dịch.

Trong các tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Đà Nẵng đều bị ảnh hưởng nặng nề, có lúc gần như đình trệ do tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, đến ngày 15/5/2020, đã giải ngân 2.300 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch giao, là cơ sở để phấn đấu đến 30/6/2020 đạt 35% theo tiến độ giao.

Kết quả này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm qua (gấp 3,5 lần năm 2019; gấp 4,4 lần năm 2018), vượt chỉ tiêu tiến độ được Ủy ban Nhân dân thành phố giao trước đó.

Nhờ các giải pháp, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố và sự nỗ lực của các các chủ đầu tư, đơn vị… ngay trong cao điểm phòng chống dịch đã có một số dự án được khởi công. Trong đó có các dự án trọng điểm động lực như: Đường và cầu qua sông Cổ Cò và Đường Vành đai phía Tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng – OFID; Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà; Nhà máy nước Hòa Liên; Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý… góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân.

Phối cảnh cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần  Thị Lý.
Phối cảnh cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.

Đáng chú ý, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu năm 2020 giải ngân đạt khá, đạt 75% kế hoạch (245 tỷ đồng/323 tỷ đồng); trong đó, có một số đơn vị có quy mô vốn lớn đã có tỷ lệ giải ngân cao, vượt tiến độ quy định (theo quy định đến 30/4/2020 giải ngân đạt 15%) đã góp phần đưa tỷ lệ giải ngân chung của thành phố đạt cao.

Bên cạnh đó, do quy mô vốn đầu tư công năm 2020 rất lớn, gấp đôi năm 2019 đòi hỏi các cấp, ngành cũng phải nỗ lực gấp đôi. Cụ thể, kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố Đà Nẵng năm 2020 là 12.373 tỷ đồng để đầu tư cho 536 dự án. Thời gian qua, do phòng chống dịch COVID-19 kéo dài nên nguồn cung lao động, nhất là sau Tết cũng gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước.

Kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố Đà Nẵng năm 2020 là 12.373 tỷ đồng để đầu tư cho 536 dự án.

Để triển khai giải ngân vốn đầu tư hiệu quả, ông Phan Quảng Thống – Phó giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã xác định năm 2020 sẽ có nhiều khó khăn, vì đầu tư công chiếm tỉ lệ khá cao so với các năm trước, cộng thêm áp lực ảnh hưởng của dịch bệnh.

Kho bạc đã thực hiện nhiều biện pháp để thích ứng như cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục giải ngân từ 3 ngày xuống còn 1-2 ngày làm việc; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên giải ngân vốn đền bù giải phóng mặt bằng; đôn đốc, theo dõi các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án kịp thời thanh toán vốn tạm ứng tại kho bạc nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích…

Để góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, Kho bạc Nhà nước thành phố đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng thường xuyên theo dõi tiến độ của thu ngân sách Nhà nước. Trong lúc nguồn thu có dấu hiệu giảm (theo kịch bản từ 40–50%), cần giảm những phần chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết như hội nghị trong và ngoài nước, khánh tiết, tiếp khách, mua sắm các tài sản chưa cần thiết…

Bên cạnh đó, thành phố vẫn phải đảm bảo đủ chi 100% cho con người, đảm bảo kế hoạch đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Việc đầu tư có trọng tâm nhằm đảm bảo phục vụ việc đầu tư, phát triển bền vững, hiệu quả và lâu dài, đáp ứng chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của thành phố./.

Đón sóng đầu tư mới

Chủ đề của Đà Nẵng cho năm 2020 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư,” ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành thành phố biển đã triển khai nhiều biện pháp để tiếp tục phát huy những thành công của việc xúc tiến đầu tư các năm trước.

Sau khi cơ bản khống chế thành công dịch COVID-19, việc xúc tiến thu hút đầu tư của thành phố càng được chú trọng, tập trung để sẵn sàng đón đầu những làn sóng đầu tư mới.

Ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao

Tuy chịu ảnh hưởng chung do dịch COVID-19, nhưng trong các tháng đầu năm 2020, tình hình thu hút đầu tư của khu công nghệ tại thành phố Đà Nẵng vẫn được chú trọng, đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, đã có 8 dự án mới được xúc tiến; trong đó, có 7 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng và 1 dự án  vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư 60 triệu USD.

Việc xúc tiến thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng được chú trọng, tập trung để sẵn sàng đón đầu những làn sóng đầu tư mới.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng xem xét, duyệt tăng vốn cho 2 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 4 triệu USD. Lũy kế đến ngày 30/4/2020, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã thu hút 484 dự án; trong đó, 355 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng và 129 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,54 tỷ USD.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng nhận định, so với cùng kỳ năm 2019, thu hút vốn đầu tư FDI của 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 25%, do tác động của dịch bệnh trên toàn cầu. Do tình hình cách ly giữa các nước nên thành phố chưa thể tổ chức kế hoạch xúc tiến đầu tư như dự định, các chương trình trọng điểm, các diễn đàn đầu tư cũng chưa thể tổ chức. Tuy vậy, việc thu hút các nhà đầu tư trong nước đang có tín hiệu khả quan với 7 dự án. Số lượng dự án trong nước tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, số vốn tăng 73% so với cùng kỳ 2019.

Đường vào Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng. (Nguồn: vietnammoi.vn)
Đường vào Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng. (Nguồn: vietnammoi.vn)

Cũng theo ông Phạm Trường Sơn, Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng hiện có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ thông tin… Thời gian qua, bằng các hình thức họp trực tuyến, online, Ban quản lý đã tiếp xúc được với một số tổ chức, doanh nghiệp châu Âu để giới thiệu về các ưu đãi này. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban quản lý đã tham gia một số chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng để nghiên cứu kỹ về các điều khoản của các Hiệp định thương mại tự do mới, đảm bảo sẽ triển khai đúng, đủ các điều khoản này trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.815 tỷ đồng và cấp mới cho 50 dự án đầu tư FDI với tổng vốn cấp mới 77,546 triệu USD. Lũy kế đến nay, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 115.713 tỷ đồng và có 853 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,476 tỷ USD.

Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.815 tỷ đồng và cấp mới cho 50 dự án đầu tư FDI với tổng vốn cấp mới 77,546 triệu USD.

Nói về Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 của thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, Sở đã tập trung nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Theo đó, ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, công nghệ cao,…

“Đà Nẵng tập trung xúc tiến thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các sản phẩm mang tính toàn cầu, ít gây ô nhiễm, có giá trị gia tăng cao góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu lớn. Kịp thời đón đầu làn sóng di chuyển đầu tư mới đang hướng vào Đông Nam Á, với môi trường đầu tư thật thông thoáng, hấp dẫn, hạ tầng hiện đại, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư khó tính đến từ châu Mỹ, châu Âu thời hậu COVID-19,” ông Trần Phước Sơn thông tin thêm.

Chuẩn bị sẵn sàng

Tuy đạt được kết quả khả quan vào những tháng đầu năm, nhưng theo ông Ngô Đình Tráng, Phó trưởng phòng Kinh tế ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đà Nẵng, về công tác giải tỏa đền bù hiện nay còn quá chậm, tính đến 30/4 mới giải ngân được 75 tỷ đồng/2.150 tỷ đồng (đạt 6,3% kế hoạch).

Đây là điểm nghẽn chính trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Một số dự án đã lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thi công được do chưa có mặt bằng như dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; tuyến đường Trục I Tây Bắc (đoạn từ đường sắt đến Quốc lộ 1A)… 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một số dự án đã triển khai từ các năm trước đến nay vẫn còn vướng mặt bằng như dự án Đường vành đai phía Tây; đường ven sông Tuyên Sơn-Túy Loan (đoạn Km5+226,59-KM10+501-từ Cầu Đỏ-Quốc lộ 14B); tuyến đường liên xã Hòa Phú-Hòa Ninh; các tuyến đường 45m (đoạn từ đường Hồ Ngọc Lãm đến đường Trương Định, đoạn từ đường Lê Hữu Trác đến đường Nguyễn Văn Thoại); đường ĐH 2 (xã Hòa Phú–xã Hòa Nhơn)… Để giải quyết vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận huyện (Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng) tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các “điểm nghẽn” mặt bằng.

Bên cạnh chuẩn bị các quỹ đất và cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị thực hiện tổng rà soát, đánh giá hiệu quả và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đang được triển khai trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, ưu đãi, nhất là các chính sách, ưu đãi về vốn, lãi suất, đổi mới công nghệ…

Các cấp, các ngành tại Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 cũng như đón thời cơ phát triển mới.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, thời gian qua thành phố đã đổi mới phương thức tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Châu Âu… Đồng thời, tạo mối quan hệ với nhiều địa phương của Nhật Bản (Yokohama) và một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)… để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về thành phố Đà Nẵng, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao,… thông qua các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, các diễn đàn, hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước; kết hợp công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ trong các sự kiện nhằm tận dụng tối đa nguồn lực.

Các đại biểu trong nước và Quốc tế thảo luận tại Diễn đàn Logistic Việt Nam 2019. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Các đại biểu trong nước và Quốc tế thảo luận tại Diễn đàn Logistic Việt Nam 2019. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Để tiếp tục thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý cho biết, tập chung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vật chất của các khu công nghiệp, tập trung triển khai giai đoạn 3 của khu Công nghệ cao với diện tích gần 900 hecta để đón đầu làn sóng đầu tư thời gian tới.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công nhân viên chức, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi hóa cho các nhà đầu tư mới.

Về lao động, Ban quản lý khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, trang bị kỹ năng cho lao động hiện hữu (khoảng 80.000 người) trong các khu công nghiệp; tổ chức chương trình phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố để kết nối các doanh nghiệp, liên kết đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên phạm vi cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng cơ bản đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các cấp, các ngành tại Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 cũng như đón thời cơ phát triển mới./.