Để Đảng mãi là đảng của dân, vì dân

vnapotalle-1589944775-2.jpg

Phong cách dân vận Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn riêng, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người. Đó là phong cách của một vĩ nhân, lãnh tụ vĩ đại, chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, có giá trị khoa học và lan tỏa sâu rộng.

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận – công tác vận động quần chúng – là một hệ thống những quan điểm, phương thức dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người.

Thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân là quan điểm bao trùm trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, cơ sở để hình thành tư tưởng dân vận của Người.

Công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng.

Người luôn ý thức “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” hoặc “Ở trong xã hội muốn thành công phải có ba điều kiện là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là quan trọng hơn hết.”

Trước lúc ra đi, Bác còn viết trong Di chúc: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.”

Bác nói về việc riêng của Bác: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điểm gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.”

Bác Hồ trò chuyện với dân làng Lâm Xuyên, tỉnh Bắc Giang, sau phong trào Cải cách ruộng đất năm 1955. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Bác Hồ trò chuyện với dân làng Lâm Xuyên, tỉnh Bắc Giang, sau phong trào Cải cách ruộng đất năm 1955. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Người coi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, nhưng nhân dân cần Đảng dẫn đường. Đảng có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp nhân dân, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng.

Trong cuốn Đường cách mệnh (1927) Người đã khẳng định: “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người.” Đó là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ cơ sở nhận thức khoa học: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề đoàn kết, tập hợp được đông đảo nhân dân. Đảng dù vĩ đại đến mấy cũng chỉ là một bộ phận của nhân dân. Người nêu lên một luận đề như một chân lý: Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

Ba tư tưởng cơ bản chỉ đạo công tác dân vận

Tất cả vì lợi ích của nhân dân. Người thường nói: Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi  ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh. Đó cũng chính là mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.

Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

Dân chủ là tư tưởng cơ bản xuyên suốt công tác dân vận. Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có cái cốt lõi: Dân là gốc. Bản chất dân chủ là quyền làm người. Bác Hồ nói: Lãnh đạo một nước mà để cho nước mình lạc hậu, bị thiệt thòi trong hưởng hạnh phúc con người cũng là mất dân chủ.

Dân là gốc thì dân phải là chủ và dân phải làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Bác đánh giá rất cao về dân chủ: Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.

Đoàn kết, tập hợp lực lượng là nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận. Đoàn kết không chỉ là nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận, mà còn là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Quan tâm đặc biệt vấn đề đại đoàn kết dân tộc

Trong tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Người có những vấn đề cơ bản sau:

Giữ vai trò của Đảng Cộng sản, hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc. Người nói: “Cách mạng muốn thành công, trước hết phải có Đảng cách mệnh.” “Nhân dân cần có Đảng dẫn đường. Bởi vậy đại đoàn kết phải có Đảng lãnh đạo. Đảng phải được xây dựng xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận. Đảng của giai cấp nhưng Đảng cũng là của dân tộc. Nhân dân công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của mình. Đây thật là một vinh dự.

Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.

Đảng là thành viên bình đẳng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng là thành viên lãnh đạo Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng thuyết phục và nêu gương. Đảng phải tiêu biểu cho mọi sự đoàn kết nhất trí, bảo đảm dân chủ nội bộ, thống nhất tư tưởng, tự phê bình và phê bình.

Bốn nguyên tắc đại đoàn kết: Đại đoàn kết toàn dân phải được xây dựng, củng cố trên nền tảng thống nhất chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, trên lợi ích tối cao của dân tộc với quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động. Cốt lõi của nó là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp-dân tộc-nhân loại. Đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng chính là điểm tương đồng để thực hiện đại đoàn kết.

Đoàn kết trên nền tảng vững chắc là liên minh công-nông-trí; trong một tổ chức rộng rãi nhất là Mặt trận Dân tộc thống nhất. Mặt trận phải thực sự xây dựng trên nền tảng đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ. Bác nhấn mạnh ba yêu cầu với Mặt trận: Rất vững chắc. Rất rộng rãi. Rất thiết thực.

Phương thức cơ bản của công tác dân vận là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”

Đoàn kết chân thành và triệt để, đoàn kết thật lòng (không phải là một thủ đoạn chính trị mà là một chủ trương lâu dài, cơ bản). Muốn vậy, phải trên cơ sở tin dân, dựa vào dân thật lòng, chống “bệnh độc hành,” hẹp hòi.

Đoàn kết phải gắn với đấu tranh, không đoàn kết xuôi chiều, gắn với tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ, đoàn kết là để tiến bộ, phát triển.

Phương thức cơ bản của công tác dân vận là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc dân là chủ, phương thức cơ bản của công tác dân vận là phương pháp dân chủ chứ không phải là những thủ thuật chính trị. Tuy khi đó chưa có phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra,” nhưng cách nói của Bác trong bài báo Dân vận (15/10/1949) cũng chính là như vậy.

“Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, míttinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.

Trước nhất phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích  dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp  xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ, tháng 10/2029. (Ảnh: Trí  Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ, tháng 10/2029. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bên cạnh phương thức cơ bản này, Bác Hồ thường nhấn mạnh:

Một là cán bộ đảng viên phải tự mình làm gương cho quần chúng. Với đặc điểm, tâm lý của người phương Đông, người Việt Nam, việc nêu gương có một tác dụng to lớn. Cán bộ, đảng viên phải tự mình làm gương cũng chính là yêu cầu đầu tiên của phong cách Leninist. Lời nói đi đôi với việc làm.

Hai là, phải gần gũi quần chúng, kiên trì, giải thích cho quần chúng hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách. Người dạy: Muốn thực sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết sinh hoạt của quần chúng thế nào …mới biết nguyện vọng của quần chúng thế nào.

Ba là, cách tổ chức, cách làm việc cũng phải phù hợp với quần chúng.

Lực lượng làm công tác dân vận là lực lượng của cả hệ thống chính trị-trước hết là của chính quyền.

Tất cả cán bộ chính quyền đều phải làm dân vận. Đây là đặc điểm nổi bật của công tác dân vận khi Đảng ta có chính quyền.

Trong bài báo Dân vận, Bác viết: “Tất cả cán bộ, chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể  và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…)đều phải phụ trách dân vận.”

Điều ấy có nghĩa là: Tất cả cán bộ chính quyền đều phải làm dân vận. Đây là đặc điểm nổi bật của công tác dân vận khi Đảng ta có chính quyền. Chính quyền của ta là công cụ chủ yếu của nhân dân. Chính quyền không những chỉ phải làm dân vận mà còn có nhiều điều kiện làm công tác dân vận thuận lợi hơn.

Phẩm chất và phong cách người cán bộ dân vận

Vấn đề phẩm chất, tác phong hay phong cách (tác phong và tư cách) của người cán bộ cách mạng, cán bộ dân vận có ý nghĩa rất quan trọng. Về phong cách làm việc của cán bộ dân vận, Bác Hồ có nhiều cách nói khác nhau, ở những ngữ cảnh khác nhau nhưng tập trung nhất là trong bài báo Dân vận ngày 15/10/1949, Người đúc kết thành 12 từ: óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.

Đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu, Bác Hồ muốn khẳng định công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học – khoa học về con người, một nghệ thuật – nghệ thuật tiếp cận và vận động con người, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả.

Bộ đội Biên phòng đồn Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu  tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới gia đình  đồng bào dân tộc ở bản Chung Chải, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ. (Ảnh:  Quý Trung/TTXVN)
Bộ đội Biên phòng đồn Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới gia đình đồng bào dân tộc ở bản Chung Chải, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

“Mắt trông, tai nghe, chân đi” là yêu cầu sát cơ sở, sát thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách.

“Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất hiện nay, “phải thật thà nhúng tay vào việc,” không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại. Bác cũng nghiêm khắc phê phán “bệnh nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh.”

Muốn làm tốt công tác dân vận, người cán bộ phải thông hiểu nghiệp vụ về lĩnh vực này, nắm vững mục tiêu, nội dung, phương thức dân vận mà cần có tác phong, phong cách công tác cần thiết. Bởi vì, tác phong, phong cách của những người “phụ trách dân vận” sẽ giúp cho công tác dân vận  thực thi có hiệu quả trong thực tiễn, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Người đòi hỏi những người cán bộ dân vận cần có phẩm chất, tác phong, phong cách công tác phải toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.”

Người cán bộ không những hòa mình với cuộc sống của người lao động, hiểu được mọi nỗi vui buồn, sướng khổ của nhân dân mà bằng việc làm cụ thể còn góp phần làm cho nhân dân từng bước được nâng cao đời sống về mọi mặt.

Người cán bộ dân vận phải óc nghĩ-trí tuệ; tắm mình vào cuộc sống lao động, chiến đấu của quần chúng để “trông”, để “nghe” quần chúng cày ruộng và đánh giặc, “chân” phải đi, đến trực tiếp với quần chúng’ “miệng” phải tìm cách giải thích cho mọi người dân hiểu rằng: Việc “kháng chiến, kiến quốc” “đổi mới, xây dựng,” đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Đặc biệt, là “tay” phải thật sự làm, cùng hai sương một nắng với các tầng lớp nhân dân.

Làm được như vậy, người cán bộ không những hòa mình với cuộc sống của người lao động, hiểu được mọi nỗi vui buồn, sướng khổ của nhân dân mà bằng việc làm cụ thể còn góp phần làm cho nhân dân từng bước được nâng cao đời sống về mọi mặt.

Người cán bộ dân vận muốn toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì lúc nào cũng phải năng động, sáng tạo sâu sát thực tế, gắn bó với quần chúng để không những “nghe” và “trông” quần chúng đang nghĩ gì, đang làm gì, đang phải trải qua những khó khăn, thử thách gì, mà còn phải tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng thành phong trào hành động cách mạng và đặc biệt là phải cùng “làm” với quần chúng để hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng, góp phần thiết thực giải quyết những khó khăn thiếu thốn về vật chất và tinh thần của quần chúng. Bác Hồ nhấn mạnh tác phong, lề lối làm việc của “những người phụ trách dân vận” là “miệng nói, tay làm,” nhận thức đi liền với hành động, nhận thức để giải thích thế giới, hành động để cải tạo thế giới. Người chính là mẫu mực của sự kết hợp này.

Lực lượng công an, đoàn viên thanh niên tỉnh Hà Tĩnh giúp dân thu hoạch lúa chạy bão. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Lực lượng công an, đoàn viên thanh niên tỉnh Hà Tĩnh giúp dân thu hoạch lúa chạy bão. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Đối lập với tác phong “miệng nói, tay làm” là lối “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” tức là nói mà không làm, và nếu có làm thì chỉ làm theo lối quan liêu “bàn giấy.”

Trong thư gửi các đồng chí Bắc Bộ năm 1947, Bác đã phê phán tác phong làm việc kiểu này: “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác để vạch ra những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của Đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến.”

Và Bác nhấn mạnh hậu qủa tai hại của căn bệnh này: “Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn.” “Phải thật thà nhúng tay vào việc.”

Việc “giải thích cho dân hiểu” đã được Đảng ta nêu rõ trong Nghị quyết số 25-NQ/TƯ khóa XI về công tác dân vận

Người làm dân vận phải thật thà “nhúng” tay vào việc, tức là làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hàng ngày của quần chúng để thực hiện mục đích của công tác dân vận. Nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân, làm sao để dân có tự do, hạnh phúc thật sự.

Thực hiện đường lối của Đảng và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều năm qua công tác dân vận của cả hệ thống chính trị được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đạt kết quả tốt.

Việc “giải thích cho dân hiểu” đã được Đảng ta nêu rõ trong Nghị quyết số 25-NQ/TƯ khóa XI về công tác dân vận: “Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội.” Về hành động của người làm công tác dân vận chính là phong cách: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân.”

Hội nghị cán bộ toàn quốc, tháng 4/2020. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hội nghị cán bộ toàn quốc, tháng 4/2020. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Để làm được điều này, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chăm lo xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trung thành, hết lòng vì dân.

Mọi quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận phải được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân…

71 năm, đọc lại, cùng suy ngẫm về những điều Bác viết trong bài báo “Dân vận,” Bác làm, Bác mong, trí ta thêm sáng, lòng ta thêm trong, thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm, làm tốt hơn phận sự của mỗi người.

Hãy cùng nhau nhắc lại lời dạy ân cần của Bác “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.