Doanh nghiệp lữ hành

Khi đất nước còn bao cấp, nghề nghiệp được phân cấp rất rõ. Chẳng hạn nghề cơ khí phân làm 7 bậc, thì thợ cơ khí bậc 7 được đánh giá cao nhất, lương cao hơn, thậm chí được trọng vọng hơn cả kỹ sư. Hay như nghề dệt có 5 bậc, nghề nấu ăn xưa cũng chia 5…

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khắc nghiệt, lãnh đạo các doanh nghiệp dần chọn lao động theo nhãn quan cá nhân hay tôn chỉ đơn vị mình, đôi khi không có “chuẩn cứng.”

Bên cạnh những lợi ích, thực tế này cũng gây thiệt thòi cho người lao động cũng như cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành du lịch.

Trước tình hình đó, lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, “đã đến lúc phải quay lại việc xếp hạng và Hiệp hội Du lịch Việt Nam xin tiên phong trong lĩnh vực này với việc đầu tiên là xếp hạng đội ngũ hướng dẫn viên, sau đó đến buồng, bàn, bar, bếp… với kỳ vọng có những người tiêu biểu của ngành, những thợ bậc cao, những người được xã hội tôn vinh.”

Xung quanh dự án Xếp hạng Hướng dẫn viên du lịch sẽ được triển khai thí điểm trong năm 2018, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã trao đổi cùng các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Hướng dẫn viên Việt Nam giới thiệu bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng với du khách Bắc Âu những năm 80 thế kỷ trước. (Ảnh tư liệu)
Hướng dẫn viên Việt Nam giới thiệu bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng với du khách Bắc Âu những năm 80 thế kỷ trước. (Ảnh tư liệu)

– Thưa ông, các công ty lữ hành hiện đang chọn lựa hướng dẫn viên bằng cách nào và tại sao phải tiến hành xếp hạng cho họ?

Ông Vũ Thế Bình (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam): Hiện nay, hầu hết các công ty lữ hành hiện nay đều căn cứ vào sự quen biết, kinh nghiệm trong thời gian hành nghề để hình thành đội ngũ hướng dẫn viên của mình.

Nhưng điều này sẽ gây ra thiệt thòi cho các doanh nghiệp khi còn những hướng dẫn viên giỏi hơn ở những nơi khác mà họ không biết; thiệt thòi cho các hướng dẫn viên là chuyên gia về một lĩnh vực nhưng lại chỉ gắn bó với một công ty hoặc làm những việc không chuyên về lĩnh vực đấy.

Du khách và đoàn báo chí Việt Nam tìm hiểu về quy trình ủ rượu mơ truyền thống ở Ibaraki, Nhật Bản. (Ảnh: Như Nam)
Du khách và đoàn báo chí Việt Nam tìm hiểu về quy trình ủ rượu mơ truyền thống ở Ibaraki, Nhật Bản. (Ảnh: Như Nam)

Trước bức xúc này, để kiến thức của mỗi hướng dẫn viên thể hiện ra thành những tiêu chuẩn giúp các công ty lữ hành chọn lựa được đối tác phục vụ cho tour của mình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề xuất việc xếp hạng, phân loại hướng dẫn viên.

Phân loại ở đây không mang tính là phân biệt. Chúng ta không phân biệt giữa các hướng dẫn viên vì đã làm việc được thì ai cũng đều tốt cả. Nhưng các loại khác nhau, các nghề khác nhau, những đối tượng kiến thức khác nhau cần phải được xếp hạng.

Nhìn tấm thẻ 5 sao chúng ta cảm thấy tự hào vì họ là người tiêu biểu của ngành du lịch.

Có những hướng dẫn viên ở đẳng cấp rất cao, họ có quyền đòi hỏi mức thù lao ở mức cao nhất có thể mà đôi khi các công ty lữ hành không mời nổi họ. Những hướng dẫn viên như thế phải được vinh danh, phải được xác định và khẳng định rằng họ là những người tiêu biểu của nghề hướng dẫn, thì phải xếp cho họ mức cao nhất hiện nay là 5 sao chẳng hạn. Nhìn tấm thẻ 5 sao chúng ta cảm thấy tự hào vì họ là người tiêu biểu của ngành du lịch.

Có loại hướng dẫn viên có trình độ cao, kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm xử lý tình huống tốt, hiểu biết nhiều nền văn hóa… sẽ ở tầm cỡ 4 sao. Đương nhiên mức thù lao mà các công ty lữ hành trả cho họ sẽ phải tương đương với chất lượng 4 sao đó chứ không có chuyện mặc cả.

Ở Nhật không hiếm gặp hình ảnh những hướng dẫn viên 80-90 tuổi vẫn cần mẫn làm việc trong các khu di tích. (Ảnh: Như Nam)
Ở Nhật không hiếm gặp hình ảnh những hướng dẫn viên 80-90 tuổi vẫn cần mẫn làm việc trong các khu di tích. (Ảnh: Như Nam)

Ví dụ, chúng ta có thể đặt ra các mức thù lao cho 5 sao là 100 USD/ngày trở lên, 4 sao là 50 USD/ngày trở lên… Như vậy công việc của các đơn vị lữ hành cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, các hướng dẫn viên cũng sẽ thể hiện năng lực của mình đúng với mức thu nhập mà họ có được. Và chất lượng giảm dần cho hạng 3 sao tới 1 sao là hướng dẫn viên hạng thường.

Việc xếp hạng hướng dẫn viên này cũng không có gì mới mẻ, vì rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện xếp hạng hướng dẫn viên như vậy rồi.

Đôi khi do thiếu người mà các doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép,” ai cũng có thể nhận vào làm cho xong, hay hiện tượng nhảy việc liên tục do người lao động được trả lương cao hơn…

Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam phát triển rầm rộ theo bề ngang, thể hiện ở lượng khách tăng rất nhanh nhưng chất lượng và sản phẩm chưa theo kịp và đặc biệt nhân lực du lịch chạy theo tốc độ tăng trưởng lượng khách quá chậm. Chúng ta luôn luôn bị so sánh rằng, khả năng cạnh tranh về du lịch của Việt Nam rất thấp, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp du lịch khó có khả năng sánh với các nước trong khu vực… Mà, một trong những nguyên nhân là vấn đề nhân lực.

Đôi khi do thiếu người mà các doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép,” ai cũng có thể nhận vào làm cho xong, hay hiện tượng nhảy việc liên tục do người lao động được trả lương cao hơn…

Những tình trạng như vậy thì phải lấy tiêu chí gì để đánh giá? Phải có chuẩn, chuẩn ở đây là trình độ của họ đến đâu, phải có chứng chỉ nghề nghiệp. Cho nên việc xếp hạng hướng dẫn viên thực chất là tạo ra một chứng chỉ mới, đánh giá trình độ của họ mà thôi.

Du khách Việt khám phá Colorado - một tiểu bang phía Tây ở miền trung Hoa Kỳ. Tiểu bang nổi tiếng về địa hình nhiều núi. (Ảnh: Tu Mu)
Du khách Việt khám phá Colorado – một tiểu bang phía Tây ở miền trung Hoa Kỳ. Tiểu bang nổi tiếng về địa hình nhiều núi. (Ảnh: Tu Mu)

– Vậy quy chế của việc xếp hạng này ra sao?

Ông Vũ Thế Bình (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam): Về quy chế xếp hạng, căn cứ vào sự tự nguyện của các hướng dẫn viên và không bắt buộc ai cả. Bởi khi họ có thẻ hướng dẫn viên, là hội viên của một tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn hiển nhiên họ có quyền hướng dẫn.

Thế nhưng, các doanh nghiệp lữ hành có sử dụng họ hay không là tùy thuộc vào trình độ của họ đến đâu. Cho nên việc xếp hạng chỉ làm tăng thêm giá trị của mỗi hướng dẫn viên.

Sẽ có nhiều hướng dẫn viên không dám đăng ký xếp hạng bởi họ tự hiểu trình độ của mình đang ở đâu. Song tôi nghĩ, nếu không có một đánh giá chính xác thì làm sao họ có thể phấn đấu để vươn lên trình độ cao hơn được.

Nếu anh chỉ là 1 sao thôi, anh vẫn hành nghề được vì sẽ có những đoàn khách chỉ cần hướng dẫn viên 1 sao. Nhưng nếu muốn mức thu nhập cao hơn, muốn lên 3 sao hay 4 sao thì bắt buộc phải học, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm…

Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội Hướng dẫn viên Việt Nam sẽ tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cấp cho những hướng dẫn viên chưa đủ điều kiện. Vậy ai sẽ là người truyền thụ kiến thức để hướng dẫn viên được nâng cấp? Đó chính là đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia và các hướng dẫn viên bậc cao. Người 5 sao hoàn toàn có thể truyền thụ kiến thức cho người 3 sao, 2 sao để nâng cấp dần.

Nếu lao động du lịch không được phân loại thành các bậc khác nhau thì chúng ta không biết tiến lên bằng cách nào.

Ông Đỗ Đình Cương (đứng thứ hai từ phải sang), một trong số ít người thuộc lứa hướng dẫn viên đầu tiên của Việt Nam dẫn đoàn khách du lịch Liên Xô thăm Lăng Bác từ những năm 1970. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Ông Đỗ Đình Cương (đứng thứ hai từ phải sang), một trong số ít người thuộc lứa hướng dẫn viên đầu tiên của Việt Nam dẫn đoàn khách du lịch Liên Xô thăm Lăng Bác từ những năm 1970. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

– Vì không bắt buộc xếp hạng nên có lẽ nhiều hướng dẫn viên sẽ không thấy được lợi ích gì từ việc này…?

Ông Nguyễn Hồng Đài (Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Hà Nội): Tôi nghĩ tất cả ngành nghề nào cũng đều muốn được vinh danh và muốn được xã hội khẳng định. Đặc biệt, trong thời đại 4.0 và hội nhập, khách hàng tìm kiếm dịch vụ hay mua tour… đều tìm kiếm trên mạng để xem những đánh giá trước đó thế nào, có đủ niềm tin hay không.

Hiện nay, hướng dẫn viên hầu hết đều làm tự do chứ không làm cố định cho công ty nào cả, nên việc xếp hạng sẽ giúp họ nhận thức được nhu cầu, yêu cầu và thực tế các công ty lữ hành cũng như du khách đang tìm kiếm mình thông qua hệ thống đánh giá.

Hướng dẫn viên Việt Nam giới thiệu về Văn Miếu với đoàn khách quốc tế giai đoạn những năm 1980. (Ảnh tư liệu)
Hướng dẫn viên Việt Nam giới thiệu về Văn Miếu với đoàn khách quốc tế giai đoạn những năm 1980. (Ảnh tư liệu)

Chúng ta biết TripAdvisor chuyên cung cấp các đánh giá liên quan tới du lịch, trong đó có khách sạn, nhà hàng thông qua một hệ thống đánh giá của khách hàng trên trang điện tử này.

Nếu chúng ta có một kênh đánh giá, đặc biệt là sự tham gia của Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam hỗ trợ những tiêu chuẩn xếp hạng thì các hướng dẫn viên sẽ có cơ sở để dựa vào đó cố gắng nâng cấp kiến thức. Và rõ ràng có thể thấy ngay lợi ích cho chính hướng dẫn viên khi họ được khẳng định giá trị bản thân, được khách hàng đánh giá cao sau khi phục vụ.

– Việc xếp hạng hướng dẫn viên sẽ đóng vai trò gì trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Đài (Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Hà Nội): Mục tiêu của việc xếp hạng thứ nhất là để tôn vinh các hướng dẫn viên. Bởi khi được xếp hạng, hướng dẫn viên đã tạo được niềm tin với các hãng lữ hành chứ không chỉ với du khách.

Việc xếp hạng cũng chính là cách các hướng dẫn viên được tôn vinh… có thêm cơ hội trau dồi kiến thức… các em mới ra trường cũng có quy chuẩn để cố gắng phấn đấu.

Không những thế, nếu được khẳng định trong quá trình cống hiến, quá trình làm việc, thì khi có xếp hạng, các doanh nghiệp lữ hành (đặc biệt là trong Hiệp hội lữ hành Việt Nam) sẽ căn cứ vào đó để ưu tiên những hướng dẫn viên này tham gia các hành trình trước.

Như vậy, việc xếp hạng cũng chính là cách các hướng dẫn viên được tôn vinh, tăng khối lượng công việc nhờ tạo được uy tín, có thêm cơ hội trau dồi kiến thức, kinh nghiệm; các em mới ra trường cũng có quy chuẩn để cố gắng phấn đấu.

Những điểm đến mới lạ luôn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. (Ảnh: Tu Mu)
Những điểm đến mới lạ luôn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. (Ảnh: Tu Mu)

Bộ tiêu chuẩn xếp hạng hướng dẫn viên được chuyên gia châu Âu tư vấn xây dựng, các công ty cũng lấy ngay các tiêu chuẩn này để làm tiêu chuẩn cho đội ngũ hướng dẫn viên của mình.

Hưởng ứng bộ tiêu chuẩn xếp hạng hướng dẫn viên, nhiều công ty lữ hành đã chia sẻ sẽ cho áp dụng hình thức xếp hạng này ở công ty của mình.

Khi nhìn hướng dẫn viên có đánh giá hạng sao trên thẻ, du khách cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn với chất lượng dịch vụ. Khi có sao, du khách yên tâm, doanh nghiệp yên tâm và ngay trong tiêu chuẩn đáng giá xếp hạng chúng tôi cũng đề nghị Hội Hướng dẫn viên cho các doanh nghiệp du lịch tham gia.

–  Theo ông, hướng dẫn viên cần làm gì để hoàn thiện hành trang nghề cho mình?

Ông Nguyễn Hồng Đài (Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Hà Nội): Hướng dẫn viên đóng vai trò rất quan trọng trong một hành trình tour, giống như là một đại sứ văn hóa du lịch để truyền tải đi những hình ảnh đẹp, những câu chuyện hay, những giá trị lịch sử của dân tộc… đến với du khách.

Vì thế để có thể làm tốt vai trò của mình, tôi nghĩ đầu tiên các em nên tham gia các khóa học về đào tạo kỹ năng giao tiếp, tham gia những khóa đào tạo khảo sát các tour…

Trong thời đại 4.0 này các em phải tự học là nhiều. Chỉ có tự học mới có thể đáp ứng được muôn vàn nhu cầu tại các điểm thăm quan. Vì nếu trong trường học hay ở các công ty, thường các em chỉ được đào tạo theo tuyến điểm nhất định thôi, do yêu cầu tour tuyến cụ thể ở các đơn vị.

Thiên nhiên Hoa Kỳ đẹp như một bức tranh. (Ảnh: Tu Mu)
Thiên nhiên Hoa Kỳ đẹp như một bức tranh. (Ảnh: Tu Mu)

Do đó, hành trang kiến thức các em phải luôn chuẩn bị trước và sẵn sàng để nếu các công ty lữ hành mời các em có thể sẵn sàng lên đường ngay. Còn các trung tâm tâm đào tạo, trường đào tạo, hay doanh nghiệp họ chỉ đào tạo những quy trình cụ thể thôi.

– Trong thực tế, khi hướng dẫn viên không ký hợp đồng hoạt động với doanh nghiệp thì việc xếp hạng này có ý nghĩa thế nào?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Thực chất hướng dẫn viên luôn là vấn đề rất khó đối với tất cả các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt khi vào mùa cao điểm cần lượng nhân sự rất đông để phục vụ lượng tour lớn, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng “nuôi” được cả một hệ thống đồ sộ hướng dẫn viên.

Trong thời đại 4.0 này các em phải tự học là nhiều. Chỉ có tự học mới có thể đáp ứng được muôn vàn nhu cầu tại các điểm thăm quan…

Vì thế, việc xếp hạng hướng dẫn viên của Hội hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vấn đề lựa chọn hướng dẫn viên. Nếu chương trình này được triển khai tốt sẽ khiến các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn yên tâm.

Khoảng hai năm trở lại đây, vấn đề hướng dẫn viên ôm tiền, đánh khách, ép khách vào điểm… đã từng xảy ra, gây bức xúc khiến các doanh nghiệp lữ hành vô cùng bất an, không đảm bảo được tour tuyến cho khách hàng. Bởi vậy, dự án xếp hạng hướng dẫn viên là điều mà các đơn vị lữ hành mong mỏi, nhất là những hãng lữ hành chạy nội địa.

Thiên nhiên phía Tây Bắc Hoa Kỳ. (Ảnh: Tu Mu)
Thiên nhiên phía Tây Bắc Hoa Kỳ. (Ảnh: Tu Mu)

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có trên 23.000 hướng dẫn viên nội địa, quốc tế và tại điểm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5 % số này có ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp lữ hành, được các công ty trả lương vả đóng bảo hiểm xã hội. Khoảng 95 % số người còn lại hoạt động tự do.