Đóng cửa rừng tự nhiên

ttxvn0905ru-1590844942-99.jpg

Sau Hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020,” tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk ngày 20/6/2016 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ngày 22/7/2016, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, việc đóng cửa rừng tự nhiên đã mang lại kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, đòi hỏi cần có những biện pháp căn cơ và quyết liệt, nhằm làm tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong những năm tới.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng hiện có khoảng 2,55 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 2,206 triệu ha, còn lại là rừng trồng; độ che phủ rừng bình quân là 46,19%.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên triển khai nhiều biện pháp để giữ rừng và đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn là vấn đề “nóng” ở Tây Nguyên làm giảm cả về diện tích, trữ lượng rừng. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng hết sức nghiêm trọng.

TTXVN giới thiệu loạt 9 bài viết “Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên: Cần giải pháp căn cơ và quyết liệt,” đề cập đến những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên; những áp lực, khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp từ các lực lượng chức năng, địa phương để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay./.

Những chuyển biến tích cực

Văn Hào

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã nhanh chóng triển khai việc đóng cửa rừng tự nhiên tại 58 tỉnh, thành phố có rừng; ban hành 7 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp. Mặt khác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức 7 hội nghị về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Nếu như giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 27.265 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân 2.648 ha/năm thì đến giai đoạn 2016-2018, số vụ vi phạm giảm 35%, diện tích rừng bị thiệt hại  giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011-2015.

Các địa phương cũng đã ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy hoặc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; riêng 5 tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Thông báo số 191. Nhờ đó tạo nên sự chuyển biến rõ rệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cộng đồng xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Rừng được phục hồi và phát triển

Từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả các đơn vị đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế; không giải quyết khai thác tận dụng sau khai thác; dừng việc cấp chỉ tiêu khai thác gỗ gia dụng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ khác và sử dụng vật liệu thay thế.

Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chủ động tuần tra phòng cháy trong mùa khô. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chủ động tuần tra phòng cháy trong mùa khô. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Nếu như giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 27.265 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân 2.648 ha/năm thì đến giai đoạn 2016-2018, số vụ vi phạm giảm 35%, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân 2.328 ha/năm, giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011-2015.

Các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, trong đó xử lý hình sự 363 vụ.

Giai đoạn 2016-2018 cả nước trồng được gần 628.000ha rừng, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng trên 44.000ha, rừng sản xuất hơn 577.000ha.

Sản lượng khai thác rừng trồng tập trung đạt 54 triệu m3 gỗ (năm 2016 là 17,5 triệu m3, năm 2017 là 18 triệu m3, năm 2018 là 18,5 triệu m3). Năm 2019, tổng diện tích đất có rừng toàn quốc trên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng trên 4,3 triệu ha.

Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc trên 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 41,89%, tăng 0,70% so với năm 2016.

Khu vực phía Bắc bao gồm 31 tỉnh (4 tỉnh vùng Tây Bắc, 13 tỉnh vùng Đông Bắc, 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ), với tổng diện tích có rừng 8.793.961ha, chiếm 60,68% diện tích rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng bình quân các tỉnh năm 2018 là hơn 49,9%.

Tính đến tháng 11/2019, các tỉnh phía Bắc phát hiện 5.912 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 662 vụ (tương đương 10%) so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị báo cáo về tại hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tháng 12/2019. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị báo cáo về tại hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tháng 12/2019. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha.

Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương nơi đây đã xác định điểm nóng phá rừng cần tập trung triển khai xử lý, mặt khác kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nên bước đầu diện tích rừng Tây Nguyên đã tăng trở lại, chấm dứt tình trạng suy giảm diện tích rừng của khu vực này trong suốt 45 năm qua, kể từ năm 1975.

Tác động tích cực của các chính sách

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị khẳng định trong quá trình thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, lực lượng Kiểm lâm đã có những thay đổi căn bản để phù hợp với thực tế.

Đó là từ việc quản lý rừng tận gốc chuyển mạnh sang chú trọng hơn nữa nhiệm vụ hướng dẫn cho người dân phát triển rừng và làm công tác khuyến lâm hiệu quả.

Cùng với việc hướng dẫn không cấp chỉ tiêu khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí hơn 332 tỷ đồng cho các địa phương, chủ rừng bù đắp lợi nhuận từ không khai thác gỗ rừng tự nhiên, để họ có kinh phí đầu tư quản lý, bảo vệ rừng.

Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp địa phương kết hợp với các cuộc họp làng để tuyên truyền việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp địa phương kết hợp với các cuộc họp làng để tuyên truyền việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Đặc biệt, Nghị định 156/2018 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 quy định rõ những chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời bãi bỏ 44 thủ tục hành chính. So với các quy định hiện hành, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đã cụ thể hóa các tiêu chí xác định rừng tự nhiên, rừng trồng theo 3 tiêu chí về độ tàn che, diện tích liền vùng và chiều cao của cây rừng ứng với từng điều kiện lập địa; tiêu chí cụ thể của từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của các văn bản hiện hành về thành lập các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ rừng; khai thác rừng, Nghị định quy định mới một số nội dung như quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Quy định cụ thể một số loại dịch vụ môi trường rừng mới như cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở nuôi trồng thủy sản; hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn. Trong đó đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thí điểm đến hết năm 2020, tổng kết, trình Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, những năm qua việc triển khai có hiệu quả Quỹ gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại những tín hiệu tích cực, được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm và đánh giá cao.

Riêng năm 2018, có 2 nguồn thu dịch vụ môi trường rừng mới đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có sử dụng môi trường rừng đã chính thức được quy định tại Nghị định 156/2018, góp phần gia tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.

Tiêu biểu như Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Hà Tĩnh đã chủ động ký được 28 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, Quỹ Trung ương cũng đang phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam và Dự án Trường Sơn xanh triển khai nghiên cứu thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh (do dự án VFD hỗ trợ nghiên cứu); Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế (do dự án Trường Sơn xanh hỗ trợ nghiên cứu).

Nhờ đó, năm 2018 thu tiền dịch vụ môi trường rừng trên cả nước đạt 2.937,9 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2017. Hiện diện tích rừng được trả tiền dịch vụ lên tới 5,2 triệu ha rừng trên tổng 6,3 triệu ha được thụ hưởng, chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc.

Năm 2019, riêng 20/31 tỉnh phía Bắc có nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đã giải ngân 1.608,9 tỷ đồng, góp phần bảo vệ nghiêm ngặt 3,94ha triệu ha rừng./.

Nhiều hộ dân ở huyện Mường Tè mỗi năm nhận được hàng chục triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Nhiều hộ dân ở huyện Mường Tè mỗi năm nhận được hàng chục triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Vẫn xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật

Tuấn Anh

Sau 4 năm thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, những kết quả đạt được khá nổi bật, diện tích rừng, độ che phủ rừng liên tục tăng lên, số vụ vi phạm pháp luật và thiệt hại về rừng giảm rõ nét. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm trong cả nước giảm 35% số vụ và 20% diện tích rừng bị thiệt hại.

Mặc dù cây pơmu phân bố ở địa hình hiểm trở, trên những đỉnh núi có độ cao từ 1.500 mét so với mực nước biển, nhưng vì thuộc loài quý hiếm nên “lâm tặc” luôn tìm mọi cách khai thác trái phép. Nếu không kịp thời bảo vệ, loài cây quý hiếm này có nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy vậy, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương.

Tình trạng phá rừng pơmu vẫn tiếp diễn

Theo phản ánh của phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk, những năm gần đây, tình trạng phá rừng pơ mu tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc phá rừng pơmu liên tiếp xảy ra mà không tìm được thủ phạm.

Mặc dù cây pơmu phân bố ở địa hình hiểm trở, trên những đỉnh núi có độ cao từ 1.500 mét so với mực nước biển, nhưng vì có giá trị kinh tế cao, thuộc loài quý hiếm nên “lâm tặc” luôn tìm mọi cách khai thác trái phép. Nếu không kịp thời bảo vệ, loài cây quý hiếm này có nguy cơ tuyệt chủng.

Một cây pơmu khoảng 400-500 năm tuổi tại tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Một cây pơmu khoảng 400-500 năm tuổi tại tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Những ngày giữa tháng 5/2020, phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk đã tận mục sở thị khu vực phân bố, hiện trường các vụ phá rừng pơ mu tại huyện Krông Bông – nơi có nhiều quần thể cây pơmu.

Sau hai ngày đi bộ, vượt địa hình núi cao hiểm trở, phóng viên có mặt tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông).

Khu vực này có độ cao trên 1.600 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ cùng độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để cây pơmu sinh trưởng và phát triển.

Tiểu khu 1219 là “thủ phủ” sinh sống của cây pơ mu cũng chính là “miếng mồi ngon” hút các nhóm lâm tặc đua nhau khai thác trái phép.

Những năm gần đây, tại khu vực này liên tiếp xảy ra các vụ “thảm sát” rừng pơmu, điển hình như các vụ khai thác trái phép: 48 cây gỗ pơmu xảy ra tháng 10/2018, 24 cây pơmu vào tháng 2/2019, 9 cây pơmu vào tháng 12/2019; 14 cây pơmu vào tháng 2/2020 và gần đây nhất là vụ cưa hạ 19 cây pơmu vào tháng 4/2020.

Điều đáng nói, tình trạng phá rừng pơmu không chỉ nóng lên trong thời gian gần đây mà đã diễn ra suốt nhiều năm liền.

Trên hành trình tiếp cận hiện trường các vụ phá rừng pơmu, bắt đầu từ độ cao khoảng 1.500 mét so với mặt nước biển tại tiểu khu 1213, phóng viên đã bắt gặp rất nhiều cây pơmu bị cưa hạ từ nhiều năm trước, dấu vết còn nguyên với những phần gốc, thân, cành và cả những phần gỗ xấu của cây pơmu còn vương vãi. Có cây đường kính gốc lên đến 1,5 mét, nằm bên vực sâu, nhưng vẫn bị lâm tặc lắp đặt hệ thống dàn giáo để cưa hạ, sau đó lấy phần gỗ từ vực sâu và vận chuyển ra khỏi rừng.

Thậm chí, nhiều phần gỗ cây pơmu bị chặt hạ từ các năm trước cũng bị lâm tặc xẻ gốc và thân cây để “mót” lại những khúc pơmu từng bị vứt bỏ tại rừng già.

Hiện trường khai thác gỗ Pơ mu trái phép từ các năm trước tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Hiện trường khai thác gỗ Pơ mu trái phép từ các năm trước tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tiếp tục men theo lối mòn, vượt qua những con dốc gần như thẳng đứng, phóng viên tiếp cận hiện trường vụ chặt hạ 19 cây pơmu gần đây nhất (xảy ra tháng 4/2020) tại các lô 8, 9, 11, 13, khoảnh 4, tiểu khu 1219. Tại hiện trường, 1 cây pơmu đã bị lấy đi phần thân, 3 cây đã bị cắt thành đoạn ngắn, 15 cây còn nguyên tại hiện trường.

Ngoài phần gỗ đã bị lấy đi, qua đo đếm sơ bộ, số gỗ còn lại tại hiện trường khoảng gần 38m3. Vị trí các cây gỗ bị cắt hạ thuộc rừng phòng hộ.

Tại tiểu khu 1219, phóng viên còn ghi nhận nhiều cây pơmu đã bị lâm tặc cưa một phần vào gốc cây khoảng 5-10cm, một số cây còn bị đốt tại các vị trí cưa.

Theo lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của tiểu khu 1219, việc làm trên là cách mà “lâm tặc” kiểm tra xem gỗ cây pơmu có hư bên trong hay không, đồng thời là cách “thực thi luật rừng” để các nhóm lâm tặc đánh dấu “quyền sở hữu” cây pơmu đã được nhóm mình thăm dò và chỉ chờ cơ hội để cưa hạ.

Những vụ án không tìm ra “hung thủ”

Trên hành trình tìm đến “thánh địa” của cây pơmu sinh sống tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, có thể nhận thấy một thực tế diễn ra từ nhiều năm qua là cây pơmu có mặt ở đâu thì lâm tặc mở đường đi tới đó nhằm “truy cùng diệt tận” loài thực vật quý hiếm này.

Trong khu rừng nguyên sinh, từ độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển tại tiểu khu 1213 giáp ranh với tiểu khu 1219, cây pơmu đã bắt đầu phân bố thưa thớt. Tại đây, dọc con đường mòn do lâm tặc “khai lối” là những cây pơmu đã bị khai thác nằm rải rác từ nhiều năm trước.

 Hiện trường vụ phá rừng pơmu xảy ra vào tháng 4/2020 tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 
 Hiện trường vụ phá rừng pơmu xảy ra vào tháng 4/2020 tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 

Những năm gần đây, khi cây pơmu tại tiểu khu 1213 bắt đầu khan hiếm, “lâm tặc” đã mở đường “tấn công” lên tiểu khu 1219, nơi có những quần thể pơmu phân bố dày hơn. Điều này cho thấy, chỉ cần pơmu mọc ở đâu thì ở đó sẽ có đường mòn để phục vụ khai thác và vận chuyển.

Những dấu vết tại hiện trường cũng thể hiện rõ, quần thể pơmu cổ thụ ở đây đã liên tục bị “thảm sát” không thương tiếc trong nhiều năm.

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay đã xảy ra 5 vụ khai thác gỗ pơ mu tại tiểu khu 1219 khiến 114 cây pơ mu bị cưa hạ. Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả những vụ cưa hạ pơmu đều không được xử lý dứt điểm, vì không tìm ra “hung thủ.”

Chủ rừng “bất lực”

Rõ ràng trách nhiệm đầu tiên trong việc để mất rừng pơmu thuộc về chủ rừng. Ngoài chủ rừng còn có các lực lượng khác như Kiểm lâm, Công an, chính quyền địa phương. Vậy tại sao lâm tặc vẫn ngang nhiên lộng hành?

Tiểu khu 1219 có diện tích hơn 1.500ha, được giao cho Phân trường 2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý bảo vệ. Đây là khu vực có địa hình vô cùng hiểm trở khiến lực lượng quản lý, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn trong quá trình tuần tra, truy quét các nhóm “lâm tặc.”

Là người trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng tại tiểu khu 1219, anh Chu Minh Quang, Phân trường phó Phân trường 2 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông) cho biết khu vực tiểu khu 1219 là nơi phân bố nhiều cây pơmu nhất, cũng là vị trí đồi núi hiểm trở, dốc cao và cách trạm của Phân trường 2 hơn 20km.

Một khúc gỗ pơmu trên đường vận chuyển ra khỏi rừng bị lâm tặc bỏ lại khi phát hiện lực lượng quản lý bảo vệ rừng tuần tra. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Một khúc gỗ pơmu trên đường vận chuyển ra khỏi rừng bị lâm tặc bỏ lại khi phát hiện lực lượng quản lý bảo vệ rừng tuần tra. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Để tiếp cận khu vực này, lực lượng chức năng phải mất 2 ngày đi bộ. Do đó, dù thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét, nhưng rất khó kiểm soát tình trạng các nhóm “lâm tặc” chặt hạ cây pơmu.

Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Phân trường 2 chỉ có 13 người, nhưng phải quản lý, bảo vệ hơn 12.000ha rừng. Lực lượng tuần tra được chia theo ca, mỗi ca có 3-4 người, mỗi đợt tuần tra kéo dài từ 4-5 ngày, sau đó có nhóm khác thay thế.

Các đối tượng phá rừng cũng lợi dụng khoảng thời gian giao ca giữa hai đợt tuần tra để phá rừng. Hơn nữa, việc phá rừng pơmu đa số diễn ra ban đêm, “lâm tặc” dùng đèn pin và cưa máy để thực hiện nên rất khó trong việc phát hiện và bắt quả tang đối tượng.

Đặc biệt, khi phát hiện có dấu hiệu tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng, những đối tượng cảnh giới của “lâm tặc” sẽ đánh động cho các nhóm phá rừng tháo chạy.

Theo anh Chu Minh Quang, cũng chính vì địa hình hiểm trở, việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng cũng được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Các đối tượng lâm tặc thuê người dân sống gần rừng dùng trâu kéo hoặc gùi trên vai từng tấm gỗ ra khỏi rừng.

Khi bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, người dân lập tức bỏ lại gỗ để chạy thoát vào rừng. Do người dân bản địa sống gần rừng, thông thạo địa hình nên rất khó để truy bắt.

Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông) Đoàn Văn Thành cho biết một trong những khó khăn nữa là gần khu vực tiểu khu 1219 có rất nhiều con đường tỏa đi các hướng khác nhau như về xã Yang Mao, Cư Đrăm (huyện Krông Bông), đi về các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Tuy nhiên, do lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng, nên việc kiểm soát các con đường vận chuyển gỗ rất khó triển khai. Hơn nữa, nếu tập trung hết lực lượng để bảo vệ tiểu khu 1219 thì những tiểu khu khác có nguy cơ bị xâm nhập, khai thác trái phép khi “vắng bóng” lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Ngoài địa hình hiểm trở làm hạn chế hoạt động tuần tra, tiếp cận các “điểm nóng” phá rừng pơmu, lực lượng tuần tra bảo vệ rừng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác do điều kiện đi lại, ăn, ở, sinh hoạt trong rừng vô cùng khắc nghiệt.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông Bùi Quốc Tuấn phân trần những năm gần đây, do ảnh hưởng của thiên tai, đời sống người dân sống xung quanh khu vực rừng do Công ty quản lý, rất khó khăn.

Nhiều người dân phải dựa vào rừng để kiếm kế sinh nhai, trong đó một bộ phận tham gia vào các nhóm lâm tặc chặt hạ, vận chuyển gỗ pơmu trái phép khiến áp lực giữ rừng đè nặng lên chủ rừng.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng pơmu bị tàn phá là do hầu hết các vụ phá rừng đều được cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, khởi tố vụ án để điều tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có vụ án nào tìm ra được đối tượng gây án nên không tạo được sự răn đe đối với các nhóm lâm tặc,” ông Tuấn cho hay.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết hầu hết các vụ phá rừng pơmu đều được khởi tố vụ án, tuy nhiên không bắt được người vi phạm, dẫn đến vụ việc không xử lý được, không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật. Đây cũng là thực trạng diễn ra trong nhiều năm qua khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Những khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng pơmu và những hạn chế trong công tác điều tra làm rõ vụ việc đã đặt ra cho cả chủ rừng, cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương “bài toán cân não” để giữ rừng pơmu trước thực trạng bị khai thác “tận diệt” như hiện nay./.

 Một lán trại của lâm tặc dựng giữa rừng để khai thác gỗ pơmu trái phép. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 
 Một lán trại của lâm tặc dựng giữa rừng để khai thác gỗ pơmu trái phép. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 

Giải bài toán giữ rừng

Tuấn Anh

Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, số vụ vi phạm pháp luật và thiệt hại về rừng đã giảm, nhưng tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương. Để giải bài toán giữ rừng, cần tìm ra những căn nguyên, từ đó mới có thể đề ra các biện pháp căn cơ, mang lại hiệu quả trong thực tế.

Các cấp chính quyền địa phương cần tạo chuyển biến trong việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp; quy định rõ xử lý trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra mất rừng. 

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta dừng khai thác rừng tự nhiên, trong khi nhu cầu, thói quen về sử dụng gỗ rừng tự nhiên của một bộ phận dân cư chưa thay đổi, nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có xu thế giảm; khai thác gỗ bất hợp pháp trở nên “siêu lợi nhuận.”

Một cây pơmu tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông đã bị lâm tặc cưa vào gốc cây để thăm dò gỗ có bị hư hay không. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Một cây pơmu tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông đã bị lâm tặc cưa vào gốc cây để thăm dò gỗ có bị hư hay không. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, sức ép về phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là nhu cầu đất để trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp có giá trị kinh tế ngày càng cao.

Bên cạnh đó, tại những nơi xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật đều cho thấy, chủ rừng còn buông lỏng quản lý, các cơ quan chức năng, chính quyền sơ sở không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, việc xử lý người có hành vi vi phạm và người có trách nhiệm quản lý chưa nghiêm.

Để giải quyết căn cơ tình trạng này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, trước hết các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các quy định của pháp luật và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các cấp cần tạo chuyển biến trong việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp; quy định rõ xử lý trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra mất rừng.

Bên cạnh đó, cần tập trung xử lý dứt điểm các “điểm nóng,” kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; truy quét các “đầu nậu,” xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đề xuất xứ lý người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật.

Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng; tập trung giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng…

Xử lý nghiêm các sai phạm

Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ lâm tặc tấn công rừng pơmu tại địa bàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông Bùi Quốc Tuấn thừa nhận việc để mất rừng pơmu trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng.

Một cây pơmu có đường kính gốc hơn 1,5m, trên 800 năm tuổi tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông bị lâm tặc cưa hạ từ các năm trước.  (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 
Một cây pơmu có đường kính gốc hơn 1,5m, trên 800 năm tuổi tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông bị lâm tặc cưa hạ từ các năm trước. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 

Tuy nhiên, đặc thù cây pơmu phân bố ở địa hình núi cao, hiểm trở gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Để hạn chế việc khai thác trái phép cây pơ mu tại tiểu khu 1219, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như lực lượng Công an, Kiểm lâm và cả chính quyền các xã giáp ranh với rừng được giao cho Công ty quản lý, bảo vệ.

Với vai trò quản lý, bảo vệ rừng, Công ty cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm những đầu nậu đứng sau mua bán, vận chuyển gỗ pơmu trên địa bàn huyện.

Nếu tạo được sự răn đe đối với các đối tượng phá rừng và kiểm soát, xử lý được các đầu nậu vận chuyển, mua bán gỗ pơmu, sẽ giảm được áp lực phá rừng tại các tiểu khu có cây pơmu phân bố.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông cho biết trước tình trạng phá rừng pơmu diễn ra phức tạp, Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông đã triển khai các biện pháp cấp bách, căn cơ để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, đặc biệt đối với các quần thể cây pơmu tại tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông.

Trong đó, Ủy ban Nhân dân huyện giao cho lực lượng Công an huyện Kông Bông đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng pơmu trên địa bàn.

Đặc biệt, lực lượng Công an chủ động thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vi phạm lâm luật; xây dựng các phương án mật phục, các điểm chốt chặn trên địa bàn huyện để ngăn chặn, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Krông Bông phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án cụ thể để triển khai quản lý, bảo vệ hiệu quả rừng trên địa bàn.

Đặc biệt, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật.

Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông cũng đề nghị đơn vị chủ rừng khắc phục khó khăn về địa bàn, địa hình để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra trên lâm phần có các quần thể cây pơmu phân bố; nâng cao hiệu quả kiểm soát tại các trạm, chốt chặn, đảm bảo đủ khả năng phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm lâm luật, đặc biệt trong công tác bảo vệ khu vực phân bố các cây gỗ giá trị kinh tế cao như pơmu.

Ông Lê Văn Long cho biết thêm để giảm bớt áp lực trong việc người dân các xã như Yang Mao, Cư Đrăm, Cư Pui… sinh sống gần rừng xâm nhập, tham gia vào hành vi khai thác, vận chuyển gỗ pơmu trái phép, Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông đã triển khai các giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, kêu gọi đầu tư… nhằm cải thiện đời sống kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân.

Làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông, các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm lâm luật và chính quyền các xã cần có biện pháp để tìm, xử lý những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi bao che, tiếp tay, thông tin cho lâm tặc phá rừng, buôn bán và vận chuyển gỗ, tránh tình trạng khi tổ chức tuần tra, truy quét thì không có lâm tặc phá rừng nhưng khi hết tuần tra, truy quét, lâm tặc lại xuất hiện.

Một cây pơmu đã bị lâm tặc cưa hạ nhưng chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông.  (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 
Một cây pơmu đã bị lâm tặc cưa hạ nhưng chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 

Trước tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp của các vụ tấn công rừng pơ mu diễn ra liên tiếp trong những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu đơn vị chủ rừng ngoài việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong các vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra trong thời gian vừa qua.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông có liên quan trong việc để xảy ra vụ khai thác 19 cây gỗ pơmu hồi tháng 4 vừa qua và các vụ phá rừng, khai thác gỗ pơmu trái pháp luật trên lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, nhưng chưa chủ động kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.

Thực trạng phá rừng nếu không được chặn đứng kịp thời, thế hệ sau chỉ biết được rừng pơmu cổ thụ, quý hiếm trên dãy Chư Yang Sin hùng vĩ qua lời kể của các già làng.

Để giữ được những quần thể pơmu còn lại trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ không thể trông chờ vào sự thức tỉnh của lâm tặc, mà cần sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong cuộc chiến bảo tồn loài thực vật quý hiếm này./.

Hiện trường vụ phá rừng pơmu xảy ra vào tháng 4/2020 tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Hiện trường vụ phá rừng pơmu xảy ra vào tháng 4/2020 tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tháo gỡ vướng mắc, sử dụng đúng mục đích quỹ đất nông, lâm trường

Văn Hào

Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014 của Chính phủ về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh,” các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai, tạo sự chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý các nông, lâm trường theo cơ chế thị trường.

Các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện và thực hiện ngay phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Đây chính là biện pháp cốt lõi để bảo vệ, phát triển rừng bền vững. 

Tuy vậy, trên thực tế, tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn tiếp diễn; việc xử lý đất giao khoán chưa đảm bảo quyền lợi của người dân, đã gây ra những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài…

Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện và thực hiện ngay phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Đây chính là biện pháp cốt lõi để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết tháng 7/2019, tổng số công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát là 246 đơn vị với diện tích đất giữ lại gần 1,87 triệu ha tại 45 tỉnh, thành phố; diện tích các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng 463.088ha.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tý (phải), thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trồng 3ha rừng theo tiêu chuẩn FSC với thu nhập đạt 80 triệu/năm. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Gia đình ông Nguyễn Văn Tý (phải), thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trồng 3ha rừng theo tiêu chuẩn FSC với thu nhập đạt 80 triệu/năm. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Trong số đó, đất giao khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn, đang có tranh chấp, bị lấn chiếm 267.445ha, chiếm 57,75% tổng diện tích dự kiến bàn giao. Riêng đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm lên tới 133.800ha, chiếm 28,89% tổng diện tích dự kiến bàn giao.

Từ khảo sát thực tiễn trên địa bàn Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu Trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới cho rằng mâu thuẫn về quyền sử dụng đất lâm nghiệp xảy ra phần lớn liên quan giữa người dân địa phương với các đơn vị chủ quản rừng là các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đối tượng rừng sản xuất.

Có những trường hợp dẫn đến khiếu kiện kéo dài giữa người dân địa phương với các doanh nghiệp tư nhân đang thuê đất, thuê rừng sản xuất để triển khai các dự án phát triển nông, lâm nghiệp.

Mặt khác, tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất vẫn đang xảy ra, một số nơi tranh chấp và mâu thuẫn giữa người phá rừng, lấn chiếm với các đơn vị chủ rừng không thể giải quyết được.

Tình trạng vi phạm trong sử dụng đất lâm nghiệp kéo dài, không được báo cáo sớm và xử lý dứt điểm, nên nhiều thành phần, không chỉ riêng người dân địa phương tiếp tục phá rừng, lấn chiếm.

Rừng của hầu hết các ban quản lý đều gặp phải tình trạng này, trong đó có những ban quản lý không thể kiểm soát tệ nạn phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Nguyên nhân do nhiều ban quản lý rừng phòng hộ được hình thành từ các lâm trường trước đây tách và sáp nhập, trong khi diện tích rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý có cả rừng phòng hộ lẫn rừng sản xuất, khi quy hoạch bao gồm cả đất rẫy của dân đã làm trước đó.

Trong quá trình các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, dân vẫn tiếp tục lấn chiếm, xâm canh tạo ra tình trạng “da báo” đất canh tác xen kẽ trong đất rừng phòng hộ.

Hơn nữa, ban quản lý rừng phòng hộ không có chức năng xử lý vi phạm, khi phát hiện sai phạm chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, ngăn chặn, lập biên bản và báo với đơn vị Kiểm lâm.

Song Kiểm lâm chỉ hỗ trợ xử lý những trường hợp vi phạm lâm luật, còn vi phạm liên quan đến đất rừng và tài sản trên đất như chòi, cây trồng… Kiểm lâm không đủ thẩm quyền xử lý, phải báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường…

Việc xử lý các vụ vi phạm lâm luật chưa dứt điểm đã không thể hiện tính răn đe, cảnh báo, dẫn đến các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật, người dân mất lòng tin vì thấy mất công bằng trong vấn đề sử dụng đất.

Đối tượng phá rừng là dân địa phương, nhưng sau đó cho thuê và sang nhượng cho nhiều đối tượng từ nơi khác đến, trong đó có một số lượng không nhỏ dân di cư từ các địa phương khác. Cùng với giá một số loại nông sản tăng mạnh, nhiều người muốn mua đất để đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tháng 12/2019. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tháng 12/2019. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đây chính là nguy cơ của tình trạng lấn chiếm, xâm canh đất lâm nghiệp, đã và đang diễn ra phổ biến tại các địa phương có rừng.

Hiện vẫn thiếu chế tài xử lý và giải quyết triệt để đối với tình trạng dân di cư tự do và tình trạng mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong điều tra, xử lý các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ như mua bán, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp… thiếu chặt chẽ, chưa nghiêm và chưa kịp thời dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật và tiếp tục vi phạm…

Cơ chế hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp còn chậm, ảnh hưởng đến hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án sử dụng đất.

Diện tích rừng do các công ty bị giải thể quản lý, hiện địa phương chưa xác định được phương án giao quản lý, bảo vệ phù hợp do không tìm được chủ để giao. Giá trị của nguồn tài nguyên rừng ở tất cả các chủ thể quản lý chưa được định giá, báo cáo biến động dựa vào từng vụ việc xảy ra, chưa hệ thống và minh bạch làm cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm về lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp trái phép.

Hướng liên kết thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên cũng là nguy cơ để các diện tích rừng hiện còn sẽ tiếp tục bị chuyển đổi, vì mục đích và kỳ vọng của phía doanh nghiệp góp vốn.

Chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên là cơ hội cho nhiều đơn vị chủ rừng, nhưng cũng là một thách thức cho các chủ rừng sản xuất, vì thiếu nguồn thu phục vụ trở lại cho bảo vệ và phát triển rừng…

Những giải pháp khả thi

Ngày 17/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 536/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với quan điểm lập quy hoạch là rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.

 Đội Bảo vệ rừng số 6, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
 Đội Bảo vệ rừng số 6, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Quyết định nêu rõ nguyên tắc lập quy hoạch đảm bảo quản lý rừng bền vững; khai thác, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế của rừng và giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân; rừng tự nhiên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Tuy vậy, công việc cấp bách hiện nay theo các chuyên gia là phải tập trung giải quyết tận gốc những mâu thuẫn về quyền sử dụng, tình trạng lấn chiếm, xâm canh đất lâm nghiệp.

Trước hết cần có sự thống nhất và phân công trách nhiệm cụ thể trong quản lý nhà nước giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Tài nguyên và Môi trường về quản lý đất lâm nghiệp.

Bởi trên thực tế, chức năng của kiểm lâm là quản lý tài nguyên rừng dựa vào Luật Bảo vệ và phát triển rừng; xử lý vi phạm liên quan đến tài nguyên rừng dựa vào Nghị định 157/2013, nhưng không có thẩm quyền giải quyết những sai phạm trong sử dụng đất lâm nghiệp.

Bộ phận thanh tra, quản lý đất đai ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý đất lâm nghiệp phụ thuộc vào Luật Đất đai, xử lý vi phạm về đất đai dựa vào Nghị định 102/2014.

Những vụ vi phạm liên quan đến lấn chiếm đất lâm nghiệp, việc chỉ đạo được triển khai nhưng hồ sơ vẫn nằm ở đơn vị Kiểm lâm, trong khi tình trạng lấn chiếm và sang nhượng đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra.

Mặc dù việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất của các nông, lâm trường quốc doanh được thực hiện từ những năm 2003, nhưng thực tế vẫn còn một số hạn chế như chậm tiến độ điều chỉnh mô hình sắp xếp; phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các công ty.

Các địa phương chưa tập trung cho công tác hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật và pháp lý, để quản lý loại đất này một cách thống nhất với thực tế sử dụng.

Giải đáp về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện và thực hiện ngay phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất.

Đồng thời, Bộ tiếp tục lập tổ công tác liên ngành xuống từng địa phương khảo sát đánh giá về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tập trung thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường; giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân địa phương.

Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, doanh nghiệp trong công tác quản lý đất, thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất./.

 Cây càphê trồng trên diện tích lấn chiếm đất rừng tại xã Phúc Thọ (Lâm Hà, Lâm Đồng). (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN) 
 Cây càphê trồng trên diện tích lấn chiếm đất rừng tại xã Phúc Thọ (Lâm Hà, Lâm Đồng). (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN) 

Giải quyết sinh kế của người dân sống gần rừng

Dư Toán

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, tập trung giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng là một trong những biện pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép còn diễn ra ở một số địa phương, thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế những năm qua, việc triển khai có hiệu quả Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại những tín hiệu tích cực, được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện đời sống cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng là một trong những biện pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép.

Tại Kon Tum, năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã chi trả hơn 255 tỷ đồng cho ba nhóm đối tượng tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn là: Nhóm Chủ rừng; nhóm Ủy ban Nhân dân các xã; nhóm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

Riêng đối với nhóm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, nguồn quỹ đã chi trả hơn 32 tỷ đồng, giúp bà con, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo.

Mới đây, người dân xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum phấn khởi đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã nhận tiền chi trả từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đăk Hà, với 92% là đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Người dân xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN) 
Người dân xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN) 

Từ khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng, bà con nơi đây đã có thêm nguồn thu nhập, từng bước cải thiện đời sống. Năm 2019, toàn xã có 470 hộ được chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền trên 3,6 tỷ đồng.

Anh A Rin, sinh năm 1977, trú thôn 8, xã Đăk Pxi cho biết, trước đây, kinh tế gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng như lúa, sắn, bời lời trên diện tích 8 ha. Vợ chồng anh có tới 7 người con nên dù vất vả làm việc, gia đình anh cũng không dư dả.

“Từ khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng, mình có thêm nguồn thu nhập để vừa trang trải sinh hoạt trong gia đình, vừa làm vốn sản xuất nông nghiệp như mua giống, bón phân. Năm nay, nhà mình có 20,85 ha rừng được chi trả với số tiền hơn 17,8 triệu đồng. Gia đình mình vui lắm, không phải lo lắng cái ăn, cái mặc mà còn mua được ti vi, xe máy nữa,” anh A Rin vui mừng nói.

Còn anh A Ngôn, sinh năm 1971, trú thôn 7, xã Đăk Pxi chia sẻ, gia đình anh có tới 12 người con, song quỹ đất canh tác nông nghiệp không có nhiều, chỉ khoảng 2 sào trồng lúa, nên không đủ ăn. Để có tiền trang trải sinh hoạt, các thành viên trong gia đình phải đi làm thuê, làm mướn.

Từ khi tham gia dịch vụ môi trường rừng, gia đình anh đã có thêm nguồn thu nhập. Năm 2019, anh A Ngôn được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả số tiền 7,6 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh có thêm nguồn tiền để trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăk Pxi cho biết, khi chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì ý thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên, người dân biết lo lắng hơn cho diện tích rừng được giao khoán.

Người dân xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đang chuẩn bị cấy giống cho vụ trồng rừng năm 2020. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)
Người dân xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đang chuẩn bị cấy giống cho vụ trồng rừng năm 2020. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Bên cạnh đó, khi có tiền dịch vụ môi trường rừng, đời sống của bà con đã nâng lên rõ rệt, họ sử dụng tiền để phát triển kinh tế, đầu tư con giống, cây giống, phân bón cho việc sản xuất nông nghiệp; chăm lo cho việc học hành của con cái đàng hoàng hơn, cuộc sống gia đình tốt hơn.

Đối với việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư thôn, các cộng đồng cũng chia tỉ lệ là 50% cho công tác tuần tra truy quét, 20% dành cho quỹ thôn để phục vụ các hoạt động chung của cộng đồng và 30% còn lại cho việc phát triển kinh tế.

Năm 2020, xã Đăk Pxi phát triển dự án nuôi heo sọc dưa, được người dân đồng tình ủng hộ. Bà con sẽ vay vốn từ 30% tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư thôn để phát triển mô hình.

Đây là một trong những dự án quan trọng để xã xây dựng các mô hình trang trại, kinh tế hộ gia đình, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt để phát triển kinh tế mang tính bền vững.

“Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 64,37% thì đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 42,5%. Tuy đây là kết quả chưa đạt so với kế hoạch đề ra, song để đạt được thành công trên có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, nền kinh tế của người dân đã từng bước được cải thiện, đa dạng giống cây trồng, vật nuôi,” ông Nguyễn Phúc Đoan chia sẻ.

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay Quỹ đã chi trả gần xong tiền dịch vụ môi trường rừng của năm 2019.

Đặc biệt, toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng được Quỹ thanh toán thông qua tài khoản của từng hộ gia đình, cá nhân được đơn vị mở tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Kon Tum, sau đó phối hợp với ngân hàng chi trả lưu động tại Ủy ban Nhân dân các xã, đảm bảo an toàn nguồn tiền chi trả và người dân thuận tiện hơn trong việc nhận chi trả.

Ngoài ra, tại các buổi chi trả lưu động, người dân sẽ làm quen với các ngân hàng, đồng thời được tư vấn gửi tiết kiệm tại các ngân hàng để tránh thất thoát nguồn tiền được hưởng khi chưa có nhu cầu sử dụng.

“Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum phối hợp với các đơn vị kiểm lâm, chính quyền địa phương tổ chức khoảng 50 hội nghị cấp xã để tăng cường công tác tuyên truyền, phát triển sinh kế cho người dân, giới thiệu các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, giúp bà con sử dụng đúng, phù hợp nguồn tiền nhận từ dịch vụ môi trường rừng,” ông Hồ Thanh Hoàng nhấn mạnh./.

Người dân xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vui mừng nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN) 
Người dân xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vui mừng nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN) 

Bảo vệ rừng ở Tây Nguyên sau lệnh “đóng cửa rừng”

Nhóm PV TTXVN tại Tây Nguyên

Triển khai các chính sách, pháp luật về công tác lâm nghiệp; đặc biệt là sau lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng Chính phủ chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm lâm luật từng bước được kiềm chế.

Xử lý nghiêm vi phạm

Tại Đắk Lắk, sau Hội nghị “Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo thực hiện như Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/10/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp khôi phục và phát triển rừng bền vững tỉnh Đắk Lắk; Chương trình số 13/CTr-TU ngày 19/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 1287-QĐ/TU ngày 04/1/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đôn đốc thanh tra, kiểm tra, điều tra giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và nhiều chỉ đạo khác.

Hiện trường của một vụ khai thác gỗ bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 
Hiện trường của một vụ khai thác gỗ bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng ban hành Quyết định số 3419/QĐ-UBND ngày 13/11/2019 về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019, trong đó đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần đạt được, triển khai các giải pháp tổng hợp và đặc biệt là các giải pháp xử lý đồng bộ những vấn đề dân sinh, kinh tế đang tạo áp lực lớn đối với rừng, đặc biệt là giải pháp về nguồn lực, kinh phí đầu tư để bảo vệ và khôi phục rừng.

Tỉnh Đắk Lắk cũng rà soát các dự án cấp thiết để giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, các dự án ổn định dân di cư tự do mà trước đây đã dự kiến lấy từ quỹ đất rừng do không thể cân đối từ quỹ đất khác.

Sau lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm lâm luật từng bước được kiềm chế. 

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà có liên quan đến phải chuyển đổi một bộ phận rừng, đất rừng (diện tích này không lớn), để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ xem xét cụ thể, cho chủ trương giải quyết. Nội dung này cũng là thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; qua đó làm giảm áp lực phá, lấn chiếm rừng để làm nương rẫy.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, từ năm 2015 đến nay, các cấp, ngành của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, lập hồ sơ xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp.

Phương tiện độ chế của các đối tượng lâm tặc bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 
Phương tiện độ chế của các đối tượng lâm tặc bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 

Từ năm 2015 đến tháng 4/2020 đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 7.017 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã xử lý hành chính: 6.959 vụ; xử lý hình sự: 90 vụ/77 bị can.

So với giai đoạn (2010-2014), số vụ vi phạm đã giảm 30,5% (giảm 3.093 vụ). Từ năm 2017 đến nay, những năm sau số vụ vi phạm đều giảm so với năm trước.

Tỉnh Đắk Nông được xem là địa phương đi đầu, quyết liệt thực hiện xử lý vi phạm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, kể cả việc xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Tháng 12/2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn ký Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND, ngày 30/12/2016 quy định về xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đây là quyết định quan trọng, quy định rõ trách nhiệm chủ rừng; Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn; kiểm lâm địa bàn; trạm kiểm lâm, trạm cửa rừng; hạt kiểm lâm khu bảo tồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; hạt kiểm lâm cấp huyện, thành phố.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, tính đến hết năm 2019, sau 2 năm thực hiện Quyết định 44, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng đã nâng cao vai trò, trách nhiệm, từng bước thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trong 2 năm 2017 và 2018, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 1.000 vụ phá rừng, với gần 500 ha rừng bị thiệt hại. Căn cứ vào Quyết định 44, các ngành chức năng đã xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng.

Điển hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã ban hành 19 quyết định kỷ luật cán bộ, công chức kiểm lâm liên quan đến các vụ phá rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm 17 công chức kiểm lâm vì chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm để xảy ra phá rừng.

Đối với cấp xã, Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã đã tổ chức kỷ luật, cảnh cáo 1 người, khiển trách 5 người, kiểm điểm rút kinh nghiệm 15 người và 5 ban lâm nghiệp xã.

Tháng 9/2016, Công an tỉnh Đắk Nông xác lập chuyên án (TX0916) và triển khai các kế hoạch chuyên đề tập trung đấu tranh trấn áp, xử lý tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau gần 3 năm (từ tháng 9/2016- 8/2019), lực lượng Công an Đắk Nông đã tiếp nhận, xử lý hơn 500 vụ việc với gần 550 đối tượng vi phạm; Trong đó, ngành chức năng đã khởi tố 138 vụ với 250 bị can, chủ yếu các tội “hủy hoại rừng,” “Đưa hối lộ,” “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Lực lượng Công an cũng đã triệt phá, làm tan rã 21 nhóm với 125 đối tượng liên quan đến hoạt động bảo kê, chặt phá rừng; tranh chấp, lấn chiếm, mua bán trái phép đất rừng… Đồng thời chuyển cơ quan chức năng xử lý hành chính 330 vụ với 258 đối tượng về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản.

Bảo vệ được rừng nhờ lệnh đóng cửa rừng

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) đầu tư phát triển Đại Thành (trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông) được giao quản lý, bảo vệ hơn 18.000 ha rừng tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

 Gỗ tang vật của Vườn quốc gia Yok Đôn bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
 Gỗ tang vật của Vườn quốc gia Yok Đôn bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty, lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ là một giải pháp bảo vệ, phục hồi rừng, góp phần ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Công ty thấy đây là giải pháp rất hợp lý, cần thiết, trong bối cảnh rừng tự nhiên tại Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung liên tục suy giảm trong vòng mấy chục năm qua.

Tác động trực tiếp của chính sách này là từ thời điểm đóng cửa rừng đến nay, toàn bộ diện tích rừng được giao cho Công ty quản lý, bảo vệ hầu như không xảy ra tình trạng phá rừng để khai thác gỗ trái phép hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp. Chất lượng, trữ lượng rừng tăng nhanh, đều đặn qua từng năm đã góp phần trực tiếp vào việc ổn định khí hậu, gìn giữ nguồn nước trong khu vực.

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Công ty vào tháng 10/2019, từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm trữ lượng gỗ của Công ty tăng 18.000m3. Như vậy, trong vòng 5 năm (từ 2014- 2019), trữ lượng gỗ trên lâm phần được giao cho Công ty đã tăng gần 100.000 m3.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông) được giao quản lý, bảo vệ gần 23.500ha đất rừng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty cho biết lệnh đóng cửa rừng đã tạo nên một hành lang pháp lý, một nền tảng quan trọng và hết sức thuận lợi cho đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ, tiếp theo đó là Quyết định 44 của UBND tỉnh Đắk Nông (Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND, ngày 30/12/2016 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông quy định về xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông) cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp đã vào cuộc mạnh mẽ để phối hợp, hỗ trợ với đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Việc phá rừng khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp giảm mạnh về số vụ cũng như quy mô. Rừng được bảo vệ, bảo tồn để phát triển, trữ lượng tăng mạnh và tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cơ bản được ngăn chặn.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông khẳng định lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ đã bảo tồn, bảo vệ được tài nguyên rừng tự nhiên đang trên đà suy giảm mạnh trong thời gian dài trước đó.

Lệnh đóng cửa rừng cũng đã chặn đứng, có thể nói là chấm dứt việc lợi dụng “chỉ tiêu” khai thác gỗ để tàn phá rừng trái phép. Nhờ lệnh đóng cửa rừng và hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả.

Chính điều đó đã thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cũng theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, bên cạnh quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, mấy năm nay, công tác phát triển rừng cũng được chú trọng, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Từ năm 2017-2019, Đắk Nông đã trồng mới gần 4.800ha rừng.

Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, nơi vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh, hoang sơ cần bảo vệ. Những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng loạt các giải pháp như ngừng cấp phép khai thác lâm sản, tận thu – tận dụng lâm sản trên diện tích rừng tự nhiên.

Tỉnh thoái trả bồi thường giá trị tài nguyên rừng trên diện tích tận dụng lâm sản cho các doanh nghiệp trong các dự án đã cấp phép trước đó; kiểm kê lại tài nguyên rừng cho các doanh nghiệp để thoái trả giá trị lâm sản đã bồi thường. Những khu vực rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đều nghiêm cấm khai thác, chỉ quản lý bảo vệ. Tất cả các dự án đầu tư vào rừng, liên quan đến rừng đều dừng lại hết…

Qua triển khai, tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 8 giấy phép đã cấp cho 7 doanh nghiệp trồng rừng cao su và rừng kinh tế trên diện tích hơn 465ha, tổng sản lượng gỗ gần 14.000m3. Với những trường hợp đã nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng, tỉnh đã thoái trả tiền bồi thường cho 12 đơn vị với số tiền trên 11 tỷ đồng …

Nhờ thực hiện những giải pháp khá mạnh mẽ, nên trong 5 năm qua, diện tích rừng của Lâm Đồng không giảm mà còn tăng thêm. Đến nay đã đạt 536.680ha trên tổng số 978.334ha diện tích tự nhiên, đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 54,5%, mỗi năm tăng 0,5%, trong khi độ che phủ bình quân của cả khu vực là 46,19%.

Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, độ che phủ rừng toàn khu vực đạt 46,19%, đứng thứ 2 của cả nước, sau khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các tỉnh Tây Nguyên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, từng bước nâng cao độ che phủ rừng trên toàn khu vực./.

 Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
 Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bảo vệ rừng Tây Nguyên: Dễ đóng cửa, khó cài then

Nhóm PV TTXVN tại Tây Nguyên

Tháng 6/2016, Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên tổ chức tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP, ngày 22/7/2016 về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

 Trong những năm qua tại Tây Nguyên vẫn liên tục bị mất rừng với nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp dẫn đến thực trạng “đóng cửa nhưng không cài được then.”

Thực hiện lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng chính phủ các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp để giữ rừng. Tuy nhiên, trong những năm qua tại Tây Nguyên vẫn liên tục bị mất rừng với nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp dẫn đến thực trạng “đóng cửa nhưng không cài được then.”

Rừng vẫn mất

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháng 5/2017 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, diện tích đất có rừng ở Tây Nguyên là 2.558.646ha, trong đó rừng tự nhiên có 2.234.440ha.

Hiện trường vụ phá rừng và hành hung các bộ quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn xảy ra ngày 18/12/2019. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Hiện trường vụ phá rừng và hành hung các bộ quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn xảy ra ngày 18/12/2019. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đến năm 2018, diện tích đất có rừng ở Tây Nguyên là 2.557.322ha, trong đó rừng tự nhiên có 2.206.975ha. Như vậy, mặc dù các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện các biện pháp đóng cửa rừng tự nhiên theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nhưng diện tích rừng tự nhiên vẫn giảm hàng năm. Đặc biệt, tại một số tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông có diện tích rừng suy giảm nghiêm trọng.

Theo Thống kê của Chi Cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích rừng tự nhiên năm 2019 giảm so với năm 2018 là trên 11.251ha.

Trong số đó diện tích giảm tập trung nhiều nhất tại địa bàn các huyện M’Đrắk 7.284ha; Ea Súp 1.254ha; Lắk 1.293ha…Tại tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích rừng tự nhiên năm 2019 so với năm 2018 giảm là 7.156ha.

Trong đó diện tích giảm tập trung nhiều nhất ở địa bàn các huyện Đắk Glong trên 5.681ha; Krông Nô trên 465ha; Đắk Song trên 461ha…

Nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên tại các địa phương giảm là do phá rừng trái pháp luật, cháy rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng và nguyên nhân khác (do sai số trong kiểm kê rừng).

Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến ngày 25/5, toàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện 193 vụ phá rừng với khối lượng hơn 666 m3. Diện tích rừng bị thiệt hại hơn 20 ha. Riêng trong tháng 5/2020 tỉnh Kon Tum đã phát hiện 43 vụ phá rừng, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2019.

Các vụ vi phạm lâm luật chủ yếu xảy ra tại các “điểm nóng” về phá rừng từ trước đến nay như các huyện Đắk Glei, Đắk Tô và Kon Plông.

Tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng cũng diễn ra tình trạng tương tự. Bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp bảo vệ rừng của chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên những đối tượng lâm tặc, đầu nậu gỗ vẫn “hành quân” lên rừng để rút ruột tài nguyên.

Phương tiện và gỗ tang vật bị lực lượng chức năng của Vườn quốc gia Yok Đôn thu giữ. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)
Phương tiện và gỗ tang vật bị lực lượng chức năng của Vườn quốc gia Yok Đôn thu giữ. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Những con số thống kê cho thấy, tình trạng mất rừng tự nhiên diễn ra liên tục trên khắp các địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Điều đáng nói, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương tại Tây Nguyễn đã “đóng cửa” rừng bằng những biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ, hệ thống văn bản chỉ đạo nhưng thực tế là rừng vẫn mất.

Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng tại khu vực Tây Nguyên lại “nóng” lên khi nhiều vụ việc liên tục được phát hiện với tính chất nghiêm trọng, diễn biến ngày phức tạp thể hiện sự lộng hành, ngang nhiên coi thường pháp luật của lâm tặc.

Ngang nhiên “bức tử” rừng

Sự hấp dẫn từ lợi ích kinh tế đã khiến các đối tượng lâm tặc, những đầu nậu mua bán gỗ rừng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã xâm nhập và hủy hoại rừng tự nhiên.

Thời gian gần đây, vụ việc rừng pơmu tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk liên tục bị “thảm sát” đã khiến dư luận không khỏi bức xúc khi những cây gỗ pơmu hàng trăm năm tuổi bị “xẻ thịt” không thương xót ngay trên thủ phủ sinh sống của mình.

Tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) là “thủ phủ” sinh sống của cây pơmu.

Hiện trường khai thác gỗ Pơ mu trái phép từ các năm trước tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Hiện trường khai thác gỗ Pơ mu trái phép từ các năm trước tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Mặc dù phân bố ở địa hình hiểm trở với độ cao trên 1.600 mét so với mặt nước biển nhưng những năm gần đây, tại khu vực này liên tiếp xảy ra các vụ “thảm sát” rừng pơmu, điển hình như các vụ khai thác trái phép: 48 cây gỗ pơmu xảy ra tháng 10/2018; 24 cây pơmu vào tháng 2/2019; 9 cây pơmu vào tháng 12/2019; 14 cây pơmu vào tháng 2/2020 và gần đây nhất là vụ cưa hạ 19 cây pơmu vào tháng 4/2020.

Hoạt động cưa, xẻ gỗ pơmu thành từng tấm diễn ra “nhộn nhịp” ngay tại hiện trường. Một số người được bố trí làm nhiệm vụ cảnh giới, khi phát hiện “bóng dáng” của lực lượng chủ rừng thì báo động cho cả nhóm bỏ chạy vào rừng và chờ thời cơ để tiếp tục công việc được “lập trình” nhiều năm nay là thăm dò cây pơmu – cưa hạ – xẻ thành tấm – vận chuyển ra khỏi rừng.

Hay trong những tháng đầu năm 2020, tình trạng phá rừng giáp ranh giữa huyện Krông Pa (Gia Lai) với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) nóng lên từng giờ khi những cánh rừng giáp ranh bị tàn phá nặng nề.

Các loài cây bị khai thác trái phép không chỉ là những loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm mà còn cả những loài thực vật rừng thông thường như Bằng lăng, Gáo vàng, Ké, Sao…

Trước tình trạng rừng giáp ranh bị tác động mạnh, ngày 15/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk có văn bản văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk.

Sự ngang nhiên của lâm tặc còn được thể hiện trong thủ đoạn phá rừng khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc. Điển hình như vụ việc đầu độc trên 10ha rừng thông tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vào năm 2019.

Các đối tượng phá rừng khoan vào gốc cây và bơm hóa chất diệt cỏ qua lỗ khoan. Hậu quả, toàn bộ số cây thông trên 10ha chết khô mà không thể cứu chữa.

Hay vụ việc phá trắng, cạo trọc, đốt trụi hơn 15ha rừng xảy ra vào năm 2018 tại tại lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) quản lý.

Mục đích chính của các đối tượng phá rừng là chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp ngay tại vùng lõi rừng tự nhiên. Vụ việc chỉ được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý khi cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh.

Những vụ việc trên chỉ là điển hình cho tình trạng lộng hành, coi thường pháp luật của lâm tặc. Điều này cũng cho thấy tính chất nghiêm trọng, phức tạp của nạn phá rừng chưa bao giờ “nguội” trên những cánh rừng Tây Nguyên.

Đây cũng là “dấu hỏi lớn” mà dư luận và công luận đặt ra cho chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng của các tỉnh Tây Nguyên khi nắm trong tay “công cụ quyền lực” nhưng tình trạng ngang nhiên phá rừng vẫn diễn ra.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng IV, điểm tồn tại lớn nhất hiện nay là nhiều đơn vị chủ rừng ở hầu hết các địa phương chưa lập được hồ sơ xác định rõ vị trí, nguyên nhân, thời điểm, trạng thái rừng bị biến động, mất theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; báo cáo không trung thực, không kịp thời.

Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo, đặc biệt là khâu giám sát, xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời. Việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xảy ra mất rừng vẫn chưa được làm rõ./.

Hiện trường vụ phá rừng và hành hung các bộ quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn xảy ra ngày 18/12/2019. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Hiện trường vụ phá rừng và hành hung các bộ quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn xảy ra ngày 18/12/2019. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhiều thách thức trong giữ rừng tự nhiên ở Tây Nguyên

Nhóm PV TTXVN tại Tây Nguyên

Ngoài sự lộng hành, coi thường pháp luật của những đối tượng phá rừng, do đặc thù địa hình hiểm trở, địa bàn rộng lớn của khu vực Tây Nguyên cùng những bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng cũng tạo ra nhiều áp lực đối với các lượng lượng quản lý bảo vệ rừng.

Đây là vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá để có giải pháp đồng bộ trong “cuộc chiến” khôi phục và phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên.

Áp lực bảo vệ rừng

Theo ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với đặc thù địa lý của của khu vực Tây Nguyên, rừng tự nhiên trải rộng trên khắp các địa phương, địa hình có nhiều núi cao, hiểm trở, khó di chuyển.

Ngoài sự lộng hành, coi thường pháp luật của lâm tặc, đặc thù địa hình hiểm trở, địa bàn rộng lớn của khu vực Tây Nguyên cùng những bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng cũng tạo ra nhiều áp lực đối với các lượng lượng quản lý bảo vệ rừng. 

Đặc biệt, trong mùa mưa Tây Nguyên việc di chuyển tuần tra, truy quét tại các khu vực núi cao, rừng có nhiều gỗ quý gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây các đối tượng “lâm tặc” trở nên manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng quản lý bảo vệ rừng khi bị phát hiện và khống chế. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Một lán tạm của lực lượng quản lý bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên niên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).  (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)
Một lán tạm của lực lượng quản lý bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên niên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Đơn cử như việc tiếp cận được khu vực phân bố những quần thể pơmu tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk), lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải đi bộ mất hai ngày với địa hình vô cùng hiểm trở ở độ cao trên 1.600 mét so với mực nước biển.

Có thể nói, để tiếp cận, bảo vệ được khu vực phân bố gỗ quý đã rất khó khăn thì việc bắt quả tang, truy bắt đối tượng phá rừng là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại khu vực này.

Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều kiểm lâm phải “đổ máu” trong rừng bởi các đối tượng “lâm tặc” chống trả khi bị phát hiện và truy bắt.

Một trong những vụ việc nghiêm trọng xảy ra vào tháng 9/2018 là tổ tuần tra của Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk và Lâm Đồng) do kiểm lâm Ngô Đức Liên làm tổ trưởng bị một nhóm người tấn công bằng súng tự chế.

Hậu quả, khiến anh Liên bị trúng 20 viên đạn tự chế khắp cơ thể. Mặc dù tích cực điều trị và cứu được tính mạng nhưng đến nay trong cơ thể anh Liên vẫn còn những viên đạn do bị “lâm tặc” tấn công. Hiện anh Ngô Đức Liên phải nghỉ việc do sức khỏe yếu và trở thành gánh nặng cho gia đình khi không còn sức lao động.

Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn bị hành hung sau khi bắt quả tang đối tượng phá rừng xảy ra ngày 18/12/2019. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)
Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn bị hành hung sau khi bắt quả tang đối tượng phá rừng xảy ra ngày 18/12/2019. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Hay gần đây nhất là hai vụ việc hành hung cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk và Đắk Nông) xảy ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Khi lực lượng quản lý bảo vệ rừng phát hiện các vụ phá rừng, vận chuyển gỗ rừng từ Vườn gia Yok Đôn nên tổ chức truy đuổi và vây bắt.

Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng có ít người, các đối tượng “lâm tặc” đã quay lại tấn công khiến nhiều cán bộ kiểm lâm phải “đổ máu” giữa rừng.

Không chỉ tấn công gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm giữ rừng mà các “tổ chức” phá rừng, đầu nậu gỗ còn thực hiện “khủng bố tinh thần” của lực lượng Kiểm lâm bằng tin nhắn đe dọa qua điện thoại và mạng xã hội.

Rõ ràng, một nghịch lý đang diễn ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng khi lực lượng kiểm lâm lại trở thành “mục tiêu” tấn công của các đối tượng vi phạm pháp luật. Đây cũng là áp lực không nhỏ “đè nặng” lên lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, tình trạng di dân ngoài kế hoạch tại khu vực Tây Nguyên diễn biến phức tạp trong những năm qua cũng làm diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm bởi nhu cầu đất ở, đất sản xuất của dân di cư tự do.

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đắk Lắk không đón nhận người dân di cư theo kế hoạch. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến 31/12/2019 vẫn có có 1.841 hộ với 9.109 khẩu của 51 tỉnh, thành, di cư tự do đến 10 huyện trên địa bàn tỉnh.

Riêng trong 2 năm (2018-2019) đã có 150 hộ với 748 khẩu di cư đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó chủ yếu là đồng bào Mông với 134 hộ, 698 khẩu, tập trung đến các huyện Ea Súp, Lắk, M’Đrắk.

Cùng với số dân trước đó chưa được quy hoạch, giải quyết đất ở, đất sản xuất tạo ra sức ép rất lớn cho các vấn đề kinh tế, xã hội, anh ninh trật tự tại địa phương, trong đó có cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang triển khai 13 dự án bố trí dân di cư tự do với quy mô bố trí cho 4.402 hộ với 23.269 khẩu, số này còn sống rải rác trong rừng nhưng chưa được Trung ương bố trí đủ kinh phí để thực hiện.

Ngoài ra, qua rà soát trên địa bàn tỉnh còn phát sinh 7 điểm có dân di cư tự do cần đầu tư cấp bách với quy mô 2.635 hộ cần phải lập dự án quy hoạch để có cơ sở đầu tư sắp xếp, ổn định dân cư với tổng mức đầu tư dự kiến 945.283 triệu đồng.

Với địa hình hiểm trở, địa bàn rộng lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo các điều kiện ăn, ở. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)
Với địa hình hiểm trở, địa bàn rộng lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo các điều kiện ăn, ở. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn gần 6.000 hộ dân, với gần 17.000 nhân khẩu đang cư trú trái phép trên diện tích gần 12.000ha rừng.

Tình trạng người dân di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy cũng tạo áp lực không nhỏ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực Tây Nguyên. Theo thống kê của Chi Cục Kiểm lâm vùng VI, chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 11/2019 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 550 vụ phá rừng làm nương rẫy, trong đó, tỉnh Đắk Nông xảy ra 382 vụ; Lâm Đồng xảy ra 116 vụ; Gia Lai có 44 vụ…

Cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện

Sau khi thực hiện chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016. Trung ương cùng các bộ, ngành đã triển khai các văn bản pháp luật như Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng; Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 về phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 và một số quyết định, thông tư về chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho các công ty lâm nghiệp không được khai thác rừng tự nhiên.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) gặp nhiều khó khăn trong tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)
Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) gặp nhiều khó khăn trong tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, việc thực hiện các cơ chế, chính sách trên còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chỉ được thực hiện đối với các chủ rừng có diện tích rừng nằm trong lưu vực các hồ, đập thủy điện. Đối với các chủ rừng còn lại chỉ được cấp kinh phí theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó gặp nhiều khó khăn về tài chính khi không đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Theo quy định trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng thì chỉ có những công ty lâm nghiệp Nhà nước được hỗ trợ. Đối với các công ty lâm nghiệp ngoài quốc doanh, được Nhà nước giao đất, giao rừng hoặc cho thuê đất, thuê rừng thì không được hỗ trợ kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng.

Điều này cũng làm giảm hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên khi các doanh nghiệp tư nhân phải trả tiền thuê rừng cho Nhà nước và phải bỏ kinh phí để quản lý bảo vệ rừng nhưng không được hưởng lợi từ rừng.

Cũng theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, một trong những nguyên nhân khiến rừng tự nhiên tại Tây Nguyên bị suy giảm là một bộ phận lớn các chủ rừng, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp Nhà nước, các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ mặc dù được Nhà nước giao quản lý với diện tích lớn nhưng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ lâm phần được giao.

Chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa thực sự quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng chức năng, chủ rừng còn chưa đồng bộ để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm “lâm luật.”

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về diễn biến tài nguyên rừng năm 2018 tại Tây Nguyên, diện tích rừng tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý là 300.453 ha, đây thực sự là những diện tích rừng “vô chủ” và dễ bị xâm hại nhất khi hầu hết cấp xã không đủ kinh phí và lực lượng để quản lý, bảo vệ rừng.

Những khó khăn, áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng cùng những bất cập trong việc thực hiện hệ thống cơ chế, chính sách khiến nguồn tài nguyên rừng Tây Nguyên đang bị suy thoái nghiêm trọng về cả số lượng lẫn chất lượng dẫn đến nguy cơ “sa mạc hóa” khu vực Tây Nguyên khi liên tục mất rừng.

Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải có những giải pháp thật sự hiệu quả, phù hợp với tình hình mới để khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên bền vững./.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) gặp nhiều khó khăn trong tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) gặp nhiều khó khăn trong tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát triển rừng bền vững ở Tây Nguyên

Nhóm PV TTXVN tại Tây Nguyên

Đối với khu vực Tây Nguyên, tình trạng vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp chưa bao giờ hết “nóng.” Điều này đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương cùng chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên cần có giải pháp căn cơ, thật sự hiệu quả để đẩy lùi nạn phá rừng tự nhiên và phát triển rừng bền vững.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Phải khẳng định rằng, Tây Nguyên là khu vực còn nhiều diện tích rừng tự nhiên và nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Thị trường lâm sản đang có nhu cầu cao, giá trị lâm sản về gỗ, đặc biệt là gỗ rừng tự nhiên ngày càng tăng nên có thể ví rừng Tây Nguyên như “miếng bánh giàu dinh dưỡng” mà bất cứ đối tượng “lâm tặc” nào cũng “thèm muốn.”

 Để bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên bền vững thì cần thêm những giải pháp đồng bộ mang tính vĩ mô, đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách và vấn đề an sinh xã hội cho người dân sống gần rừng.

Thực tế trong thời gian qua, trên khắp các địa phương còn rừng ở Tây Nguyên đều bị “lâm tặc” mở đường “khai chiến” để khai thác gỗ trái phép, đặc biệt là tại các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk Song, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông); Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Đạ Tẻh, Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng); Ia HDrai, Ngọc Hồi, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đắk Tô (tỉnh Kon Tum); Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Hleo, MĐrắk, Kông Bông, Lắk (tỉnh Đắk Lắk); Ia Grai, Mang Giang, Chư Prông, Krông Pa, Kbang, Chư Pah, Ayun Pa (tỉnh Gia Lai).

Hiện trường vụ chặt phá rừng trên lâm phần được giao cho Công ty TNHH Hoàng Ba quản lý. (Ảnh : Hưng Thịnh/ TTXVN)
Hiện trường vụ chặt phá rừng trên lâm phần được giao cho Công ty TNHH Hoàng Ba quản lý. (Ảnh : Hưng Thịnh/ TTXVN)

Điều này cho thấy, chỉ khi nào hết rừng thì lâm tặc mới “tìm nghề mới” và phá rừng Tây Nguyên sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng là hai địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn ở khu vực Tây Nguyên. Các biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng đã được tăng cường trong thời gian qua để “hạ nhiệt” nạn phá rừng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết trong thời gian tới để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn, tỉnh Đắk Lắk đã quyết liệt chỉ đạo cấp ủy chính quyền các cấp, các chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng, các cơ quan Công an, Kiểm sát, Quân đội và các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc quyết liệt, đấu tranh một cách có hiệu quả, xử lý nghiêm những hành vi phá hoạt tài nguyên rừng, làm rõ trách nhiệm người phụ trách từng địa bàn, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng.

Đắk Lắk đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân, triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, tỉnh tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương, cho đội ngũ cán bộ quản lý rừng, đặc biệt đội ngũ cán bộ kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Trước tình trạng phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khôi phục rừng trên diện tích bị lấn chiếm giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030,” đang trình Ủy ban Nhân dân tỉnh và lấy ý kiến đóng góp.

Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp địa phương kết hợp với các cuộc họp làng để tuyên truyền việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp địa phương kết hợp với các cuộc họp làng để tuyên truyền việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Tại đề án này, Sở đề xuất không phê duyệt các dự án cho thuê rừng phòng hộ, kinh doanh du lịch dưới tán rừng nữa, mà chỉ còn dự án cho thuê môi trường rừng.

Đặc biệt, ngày 19/5/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 4523/UBND-LN về tổ chức Đợt cao điểm ra quân kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết đơn vị sẽ tổ chức các đợt ra quân trong toàn lực lượng Kiểm lâm, trên phạm vi toàn tỉnh để tuần tra; hỗ trợ các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV Hà Công Tài, trước sự ngang nhiên, lộng hành của “lâm tặc” trong thời gian vừa qua, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã tăng cường lực lượng, hỗ trợ chủ rừng, cơ quan Kiểm lâm tổ chức các đợt truy quét tại các điểm nóng phá rừng trên khắp địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Đây là “cuộc chiến” không khoan nhượng để bảo vệ những các cánh rừng nguyên sinh ở khu vực Tây Nguyên.

Cũng theo ông Hà Công Tài, bên cạnh tăng cường kiểm tra, truy quét các điểm nóng phá rừng, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các hành vi vi phạm “lâm luật” tại các điểm nóng, nhạy cảm về phá rừng, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tài nguyên rừng. Đồng thời xử lý nghiêm, dứt điểm những vụ án còn tồn đọng về phá rừng, chống người thi hành công vụ để kịp thời răn đe các đối tượng khác.

Rừng thông gần 40 năm tuổi bị tàn phá, bức tử trên quy mô lớn, trong thời gian dài mà không bị ngăn chặn, xử lý. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Rừng thông gần 40 năm tuổi bị tàn phá, bức tử trên quy mô lớn, trong thời gian dài mà không bị ngăn chặn, xử lý. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Việc tuần tra, truy quét lâm tặc có thể làm “hạ nhiệt” nạn phá rừng trong thời gian nhất định. Để bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên bền vững thì cần thêm những giải pháp đồng bộ mang tính vĩ mô, đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách và vấn đề an sinh xã hội cho người dân sống gần rừng.

Tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững

Theo Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, đối với các tỉnh tại Tây Nguyên, công tác quản lý, bảo vệ rừng rừng là nội dung liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Tại nhiều cuộc họp, hội thảo các cấp, các ngành đã xác nguyên nhân chưa ngăn chặn xử lý được tình trạng xâm hại rừng trên bàn địa tỉnh là cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập; nguồn vốn, kinh phí nhà nước đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn quá thấp so với nhu cầu thực tế, hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của tỉnh.

Bên cạnh đó, chưa đủ nguồn lực để giải quyết đồng bộ hài hòa các vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng như: Bố trí sắp xếp, ổn định dân cư giải quyết đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân sống gần rừng và các vấn đề phát triển kinh tế xã hội khác liên quan đến rừng, đất rừng.

Để giảm áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, giải quyết căn bản tình trạng dân di cư tự do trên địa tỉnh trước năm 2025.

 Nhà cửa kiên cố của một số hộ dân xây dựng trên đất rừng thông ven Quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN) 
 Nhà cửa kiên cố của một số hộ dân xây dựng trên đất rừng thông ven Quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN) 

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn vốn để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 (trong đó ngân sách Trung ương hơn 661 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 283 tỷ đồng) để giải quyết vấn đề dân di cư tự do để giảm sức ép vào rừng, đất rừng.

Đối với Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2006-2020, Trung ương mới bố trí vốn cho tỉnh Đắk Lắk hơn 66 tỷ đồng, đạt khoảng 15% nhu cầu đi của tỉnh, do vậy rất khó để có nguồn lực đầu tư phát triển rừng, địa phương phải tự chủ động bố trí, phân bổ đầu tư cho các dự án trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn, chủ yếu để bố trí cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, chưa ưu tiên để thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng, do vậy rất khó để có nguồn lực đầu tư phát triển rừng.

Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương quan tâm, bố trí vốn để thực hiện chương trình này gắn với thực hiện Quyết định 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030.

 Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chủ động tuần tra phòng cháy trong mùa khô. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
 Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chủ động tuần tra phòng cháy trong mùa khô. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cũng là vấn đề cần thiết phải có đề xuất, kiến nghị tháo gỡ.

Tỉnh Đắk Lắk đã có 8 văn bản báo cáo kiến nghị Trung ương xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay để các bộ, ngành, Chính phủ xem xét, tháo gỡ, tuy nhiên hiện nay nhiều kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết hoặc có hướng dẫn thực hiện.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, thực tế ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang có hàng trăm ngàn hécta rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt năng suất, chất lượng thấp, tỷ lệ cây phi mục đích, tỉ lệ cây gỗ có đường kính trên 20cm rất ít và chủ yếu là cây phẩm chất xấu không đáp ứng trước yêu cầu về kinh tế, phòng hộ, môi trường trong khoảng vài chục năm nữa, không thể phục hồi, trong đó có một bộ phận lớn là rừng khộp.

Trên cơ sở quy định của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ “được phép thực hiện cải tạo rừng”, tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm có kết luận đầy đủ về khoa học” tại Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ cho địa phương thực hiện việc cải tạo rừng theo quy định của Nhà nước.

Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo trong gian đoạn 2021-2025 nhưng đổi mới phương pháp tiếp cận, các cách thức hỗ trợ, tiêu chí đánh giá… nhằm kết nối tất cả các chương trình, tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ người nghèo về sinh kế, xoá nhà dột nát, cải thiện điều kiện sống của người nghèo, nhất là người dân sống gần rừng.

Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổng kết về giao rừng, cho thuê rừng trên cơ sở đó xây dựng cơ chế rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng nhận rừng, để họ yên tâm đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lâu dài, ổn định.

Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, mối quan hệ với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý xâm hại rừng, đất lâm nghiệp để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả mọi hành vi xâm hại rừng.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực Tây Nguyên đang đứng trước nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục vào cuộc “mổ xẻ” những nguyên nhân làm mất rừng, từ đó đề ra những giải pháp đồng bộ, đột phá để khôi phục và phát triển bền vững rừng Tây Nguyên./.

Đội Bảo vệ rừng số 6, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Đội Bảo vệ rừng số 6, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)