Đông Nam Á trước thách thức COVID-19

ttxvn2204as-1587552535-88.jpg

Với số ca nhiễm hiện đã lên đến hàng chục nghìn người và tốc độ lây lan cấp số nhân ở một số nước chỉ trong vài ngày qua, khu vực Đông Nam Á đang có nguy cơ trở thành một điểm nóng mới của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tính đến sáng 22/4, khu vực này ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 88,8% là ở Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Thực trạng này đòi hỏi các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải hành động quyết liệt hơn ở quy mô trong nước cũng như toàn khu vực.

Tính đến sáng 22/4, khu vực ASEAN ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 88,8% là ở Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Singapore hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại Đông Nam Á, trong đó phần lớn là lao động nước ngoài hợp pháp sống chen chúc trong các khu nhà tập thể.

Sau vài ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới trong ngày vượt quá con số 1.000, tới nay Singapore ghi nhận tổng cộng 9.125 ca nhiễm, với 11 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc bệnh tại đảo quốc này đã tăng gấp 6 lần kể từ đầu tháng.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người dân tại khu tập thể Toh Guan ở Singapore ngày 8/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người dân tại khu tập thể Toh Guan ở Singapore ngày 8/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vùng dịch lớn thứ hai là Indonesia, với 7.135 người nhiễm song số ca tử vong cao nhất khu vực (616 ca), nằm trong nhóm 5 nước châu Á có tỉ lệ tử vong cao. Tiếp đến là Philippines, 6.599 ca và Malaysia 5.482 ca.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh ở một số nước Đông Nam Á đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Năng lực y tế được coi là một yếu tố, song cũng có ngoại lệ, như trường hợp Singapore được đánh giá là một trong những nước có hệ thống y tế tốt nhất thế giới. Tuy vậy, tình trạng nhiều nước ASEAN chỉ dành ngân sách tối thiểu cho hệ thống y tế rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ.

Ngân sách y tế hạn hẹp khiến cho các nước như Philippines, Indonesia, Lào… rơi vào cảnh thiếu bộ xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 cũng như thiết bị bảo hộ khi “cơn lốc” COVID-19 bất ngờ ập đến.

Tỷ lệ xét nghiệm còn quá thấp, nhiều nước thậm chí còn phải gửi mẫu xét nghiệm sang các nước láng giềng để phân tích, trong khi nhân viên y tế phải tận dụng túi đựng rác và áo mưa để bảo vệ mình.

Quân đội và cảnh sát Indonesia tham gia phun thuốc khử trùng phòng lây lan dịch COVID-19 tại Surabaya, ngày 16/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Quân đội và cảnh sát Indonesia tham gia phun thuốc khử trùng phòng lây lan dịch COVID-19 tại Surabaya, ngày 16/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoài ra, do thiếu bảo hiểm y tế, nhiều người không đi khám sức khỏe khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh COVID-19, khiến cho công tác phát hiện, sàng lọc và khoanh vùng thêm khó khăn.

Nguyên nhân thứ hai là sự bùng nổ lao động nhập cư ở Đông Nam Á, vốn đóng góp rất lớn vào sự phát triển của khu vực với số lượng hiện khoảng 10 triệu người.

Đơn cử tại Singapore, khoảng 90% số ca lây nhiễm COVID-19 là lao động nước ngoài sinh sống tại hơn 1.200 khu nhà ở chật chội trên khắp cả nước.

Nhiều phòng trọ là nơi sinh hoạt chung của 10-20 người, khiến nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Chi phí y tế đắt đỏ so với thu nhập cũng khiến nhiều người ngần ngại đi khám sức khỏe khi có triệu chứng.

Kết quả là, chỉ trong 2 tuần qua, số ca nhiễm trong cộng đồng người lao động nhập cư ở Singapore đã tăng gấp 70 lần, lên thành hơn 3.000 ca từ mức chỉ 38 ca hồi đầu tháng này.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Damansara, Malaysia ngày 30/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Damansara, Malaysia ngày 30/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Truyền thống tập trung đông người trong các sự kiện tôn giáo cũng có thể là một lý do. Ví dụ điển hình là Malaysia, nhiều ca nhiễm có liên quan đến một sự kiện tôn giáo diễn ra từ ngày 27/2-1/3 với sự tham gia của gần 16.000 người, trong đó có 1.500 người nước ngoài.

Việc tổ chức một sự kiện tập trung hàng nghìn người như vậy không những làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Malaysia mà còn khiến virus nguy hiểm này phát tán ra nhiều nước.

Ngoài ra, tình hình an ninh bất ổn ở miền Nam Philippines hay những khó khăn kinh tế tại một số nước cũng đang gây cản trở nỗ lực dập dịch.

Một lý do nữa cũng phải nhắc đến là tâm lý chủ quan, lơ là của người dân, trong khi tại nhiều nơi, chính quyền chưa kịp thời có biện pháp can thiệp quyết liệt từ sớm.

Ở Singapore, nhiều người vẫn đi làm khi thấy không khỏe, vẫn đến các trung tâm mua sắm hay quán bar đông người để tụ tập với bạn bè, trong khi nhiều người vì ích kỷ cá nhân vẫn cố tình vi phạm dù được yêu cầu cách ly 14 ngày tại nhà.

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hiệu ở Manila, Philippines ngày 11/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hiệu ở Manila, Philippines ngày 11/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đây là một trong những nguyên nhân khiến Singapore, từ một quốc gia được coi là “mô hình” kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn đầu tiên, nay lại đứng đầu khu vực về số ca lây nhiễm.

Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang được đánh giá là kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, dù có đường biên giới dài hơn 1.000 km với Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên của thế giới.

Tới sáng 22/4, Việt Nam đã bước qua ngày thứ sáu liên tiếp không ghi nhận các ca nhiễm mới, 81% trong tổng số 268 ca mắc COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh (216 ca) và không có ca tử vong.

Tại cuộc họp báo trực tuyến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tổ chức ngày 21/4, ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đánh giá cao nỗ lực chống dịch của Việt Nam, với “sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền,” đồng thời “đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn.”

Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ ca mắc COVID-19 trên tổng dân số thấp thứ hai của khu vực Tây Thái Bình Dương (3 ca bệnh/1000.000 dân).

Truyền thông quốc tế và khu vực nhận định Việt Nam là “hình mẫu” thành công của một chiến lược chống dịch “chi phí thấp” song hiệu quả cao nhờ có phản ứng nhanh chóng với các biện pháp chủ động, quyết liệt, đồng bộ và minh bạch mà các quốc gia ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới có thể học hỏi.

Tích cực điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Hồng Hà/TTXVN)
Tích cực điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Hồng Hà/TTXVN)

Nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch COVID-19, hiện các nước ASEAN đều đang áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly xã hội ở nhiều mức độ khác nhau.

Philippines là một trong những quốc gia đầu tiên tại khu vực thực hiện, với khoảng 50% trong tổng số 107 triệu dân thuộc diện cách ly.

Singapore đóng cửa toàn bộ các công sở, dịch vụ không thiết yếu từ ngày 7/4, các trường học, chuyển sang học trực tuyến từ ngày 8/4.

Tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, thủ đô Jakarta triển khai giãn cách xã hội trên diện rộng, đóng cửa các trung tâm thương mại, các chợ chuyển sang bán hàng trực tuyến và các nhà hàng chỉ cung cấp dịch vụ cho khách mang đi, việc tụ họp trên 5 người bị cấm.

Trong khi đó, Malaysia áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc với những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ ngày 18/3.

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại một trạm kiểm soát ở Bangkok, Thái Lan nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 26/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại một trạm kiểm soát ở Bangkok, Thái Lan nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 26/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thái Lan coi giãn cách xã hội là “một vũ khí mạnh” để chống lại COVID-19 và đặt mục tiêu đạt 80% dân số thực hiện giãn cách xã hội, trong khi Việt Nam, bên cạnh hàng loạt biện pháp hiệu quả được áp dụng từ cuối tháng 1, cũng đã thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4, yêu cầu người dân không ra đường khi không cần thiết, chỉ mở cửa những cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống xã hội…

Cùng với Việt Nam, tới nay một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia… cũng đã ghi nhận tiến triển bước đầu trong phòng chống COVID-19 khi số lượng các ca nhiễm mới đang trong xu hướng giảm.

Tuy nhiên, kết quả này chưa đồng đều ở tất cả các nước Đông Nam Á, khiến dịch bệnh COVID-19 vẫn đang là thách thức đối với toàn khu vực.

Nguy cơ trở thành một điểm nóng mới của đại dịch COVID-19 đòi hỏi lãnh đạo các quốc gia ASEAN phải hành động quyết liệt hơn ở quy mô trong nước cũng như toàn khu vực. 

Trước tình hình này, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 14/4, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) dưới hình thức trực tuyến để thảo luận việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác nhằm cũng nhau đối phó với đại dịch COVID-19.

Tuyên bố chung của cả hai hội nghị trên đều khẳng định quyết tâm và cam kết của các nước trong việc tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước đó, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt Cộng đồng ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19, với việc ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát của dịch bệnh hồi tháng 2 vừa qua, đề nghị và chủ trì một loạt cuộc họp của ASEAN và ASEAN với Trung Quốc để thảo luận về hợp tác phòng chống COVID-19, cũng như chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia…

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Như đánh giá của Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi sau hai hội nghị cấp cao đặc biệt nêu trên: “Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức từ đại dịch COVID-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau trong tình đoàn kết và sự kiên cường” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và không có giới hạn quốc gia, các nước Đông Nam Á cần một nỗ lực chung và phản ứng tập thể để đối phó với khủng hoảng.

“Gắn kết và chủ động thích ứng,” đó là tinh thần mà Chủ tịch ASEAN năm 2020 Việt Nam đã và đang tích cực điều phối và thúc đẩy để cả Cộng đồng ASEAN cùng nhau vượt qua thời khắc cam go này./.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)