Hiếu Thảo

untitled28-1543892279-28.png

Hiếu Thảo là một cô gái bốn không. Không tay, không chân, không cha và (gần như) không mẹ. Nhưng Thảo không cô đơn, vì em còn đó người bà tuyệt vời nhất thế gian và những tấm lòng yêu thương từ bốn phương trời.

Bốn năm kể từ khi xuất hiện trên truyền thông lần đầu, cuộc sống của cô bé cụt cả tứ chi Trần Thị Hiếu Thảo đã rất khác. Chiếc xe đạp cọc cạch năm nào ông ngoại chở em đến trường nay đã là một chiếc xe máy. Giữa cuộc trò chuyện, bà ngoại vào nhà lấy một chiếc mirco Bluetooth ra để Thảo hát tặng chúng tôi bài “Tình cha”, dẫu cho ký ức về người cha trong Thảo chỉ còn mờ như những bóng mây.

Vài tháng nữa, Thảo sẽ lên Sài Gòn, vì một tổ chức đã quyết định tài trợ tiền lắp tay và chân giả cho Thảo. Em mong đợi gì khi được có tay và có chân như các bạn, Thảo nói: “Em sẽ phụ giúp bà ngoại làm việc nhà, và sẽ… đấm lưng cho bà bớt mệt”.

Sau nhiều năm tiếp xúc với truyền thông, có lẽ Thảo cũng ý thức được ít nhiều sứ mệnh truyền cảm hứng đến cộng đồng. Cô bé đã xuất hiện trên VTV, đã xuất hiện trên gần như những tờ báo lớn nhất nước. Nhưng khi biết Thảo trên vai trò một người cháu của bà, chúng ta vẫn còn rất những câu chuyện để kể.

Thảo không có tay chân. Ở chỗ lẽ ra phải là bàn chân lành lặn, có một ngón chân lòi ra. Chúng tôi nói với Thảo đó là một ngón chân “hên”, cũng giống như chiếc vây “hên” của chú cá Nemo trong bộ phim Finding Nemo nổi tiếng của Pixar. Nemo hên vì em vẫn sống, vẫn có những người bạn dễ thương, vẫn có một người cha dám vượt qua nỗi sợ hãi mà băng qua cả đại dương để tìm mình.

Cũng như Nemo, Thảo vẫn sống. Và dù từng đau đớn hứng chịu những lời lẽ cay nghiệt từ các bạn cùng trang lứa (‘mày là đồ mồ côi,’ ‘mày không có tay có chân thì đi học làm gì’), Thảo vẫn còn đó một người bà thương em hết mực.

Bà ngoại em, Lý Thị Cho, kể lại:

“Thai kỳ của con gái tui bình thường. Dưới quê đâu có mỗi tháng mỗi khám như trên thành phố được. Nên nó siêu âm tổng cộng bốn lần. Lần thứ hai là hồi thai được bốn tháng mấy, bác sĩ bảo con bình thường. Đến bảy tháng rưỡi, bác sĩ vẫn bảo bình thường. Thai được 1,8 kg, giờ đã biết máy, đã biết xoay trở trong bụng mẹ rồi”.

Người nhà quê sinh nở đơn giản. Bản thân bà Cho sinh con bốn lần, đều sinh tại nhà, nói đẻ là đẻ, cùng lắm thì nhớ mấy bà hộ sinh làng đi qua rặn phụ, chứ làm gì biết đến không khí của nhà hộ sinh, làm gì biết thế nào là mổ.

Khi nghe con gái bảo: “Vú ơi con khó chịu quá”, bà chở con lên bệnh viện huyện Cù Lao Dung. Lúc này, người bác sĩ tiến hành siêu âm lần thứ tư. Người ấy nói: “Chà, cháu lớn dữ rồi. Giờ đang muốn ra ngoài đây nè”. Nhưng khựng lại một chút, người bác sĩ siêu âm kỹ hơn, nhìn vào màn hình lâu hơn rồi… bật khóc.

Bà Cho nhớ lại: “Tui đâu biết vì sao cô bác sĩ siêu âm lại khóc. Tui hỏi thì cổ chỉ nói bà về chuẩn bị, vì con bà chuẩn bị sinh rồi. Tui mới nói thôi con gái ở lại, để tui chạy về nhà lấy đồ đạc lên, chứ lúc đi vội quá đâu đã chuẩn bị gì được.”

Lúc bà Cho về nhà, người ta mới báo là con gái chuẩn bị phải lên bàn mổ vì đứa bé sẽ không thể chui ra theo cách bình thường. Người nhà quê nghe đến dao kéo là bủn rủn, bà sợ đến mức chạy xe không nổi, mới bảo đứa con thứ ba chở vào bệnh viện.

“Đứng chờ nó mổ, tui khóc quá trời,” bà Cho nói. “Tui không biết các bác sĩ làm gì ở trỏng. Cả đời tui cứ… đau bụng là đẻ, bây giờ gặp gảnh tượng này nghĩ tầm bậy tầm bạ chứ đâu bình tĩnh nổi. Tui vừa chờ vừa cầu nguyện thánh thần cho mẹ con nó bình an.”

Rồi người y tá ẵm đứa con ra. Vậy là con sống rồi, chắc mẹ nó cũng ổn. Bà mới đến hỏi giám đốc, người trực tiếp mổ cho con bà: “Trai hay gái vậy bác sĩ?” Khi bác sĩ trả lời là bé gái, bà thở phào nhẹ nhõm. Khi bác sĩ mang cháu gái bà vào phòng săn sóc đặc biệt, bà cũng chỉ nghĩ là bé sinh mổ nên sẽ yếu hơn mấy đứa sinh thường. Thế là bèn lật đật chạy vào chăm sóc cho con gái.

Ngồi cạnh con gái hai ba tiếng, mới có người đến thông báo với bà:

“Em bé nhà mình có tật bẩm sinh.”

Bà Cho nhớ lại: “Tôi nghe thế thì chỉ dám nghĩ là chắc tật gì đó nhẹ thôi, sứt môi, hay tay chân nó hơi dị dạng một chút. Đến khi cầm cháu trên tay rồi, lật khăn ra tôi mới kinh hoàng. Thánh thần ơi, sao nó… trụi lủi vậy nè, không có tay, cũng chẳng có chân. Cái đầu thì như trái bí hồ lô. Tôi như người mất hồn, chả còn biết phải nói gì nữa. Ngồi đó bần thần một hồi mới trở lên phòng coi con gái thế nào. Vừa dợm bước đi thì cháu nó khóc inh ỏi. Tôi bèn pha sữa cho cháu uống.”

Nhìn cháu uống sữa bình thường, người bà thương con thương cháu vừa mừng vừa tủi. Tối hôm ấy, Thảo khóc rất nhiều. Đứa bé như có linh tính mình sẽ bị bỏ rơi, cứ bà dợm bước ra khỏi phòng là khóc. Bà bèn để con gái nằm một mình ở phòng hậu phẫu, ôm đứa cháu ngoại ngủ trên sàn nhà lạnh lẽo.

Bà cứ ôm cháu trong lòng như thế được hai hôm thì bác sĩ nói: “Cháu là nạn nhân chất độc da cam. Bà làm giấy cho nhà nước nuôi đi.”

Câu chuyện của bà Cho và Thảo cứ thế diễn ra trước mắt chúng tôi. Bà gần như không nói gì tới mẹ của Thảo, và tuyệt nhiên không nói gì về cha. Có thể vì bà sợ nhắc đến cha mẹ, Thảo sẽ buồn. Chúng tôi cũng chẳng gặng hỏi, vì Thảo đang tròn xoe mắt ngồi kế bên. Câu chuyện cứ thế mà tiếp tục.

Bà Cho nói: “Tôi về làm giấy, ấp ký, xã ký, nhưng khi lên huyện, người ta nói: “Cháu vẫn còn cha mẹ, ông bà, thôi thì đem về nuôi đi.” Tôi nghe thế thì dẹp mớ giấy tờ sang một bên. Nuôi thì nuôi thôi chứ có gì đâu.”

Đi tới đi lui làm giấy, găp thêm tinh thần hoang mang bà Cho bị suy nhược phải nhập viện hết chín ngày. Trong viện, biết câu chuyện của bà, nhiều người xúi dại tui hãy bỏ đứa nhỏ đi, vì ba má thấy cũng đâu có mặn mà gì với nó. Có người lại bảo hay là mang Thảo đi cho người ta. Bà Cho nói: “Tui bảo dẫu gì nó cũng là cháu mình, mình ôm nó vào người, nó ngủ trên người mình, sao có thể nói bỏ là bỏ, nói cho là cho. Nhà nước không nuôi nó thì mình nuôi nó thôi. Bỏ đi thì tội nó, mà thân mình mang tội nữa.”

Lại có người xin… mượn cháu Thảo để đi ăn xin. Họ nói: “Cho tui xin đi, tui nuôi nó cho, tui đẩy nó đi xin rồi nó nuôi lại tui. Lớn lên tui trả nó về.” Bà nói với họ: “Đâu có được. Nó còn nhỏ xíu bắt nó ra đường dang nắng. Rồi sau này biết chuyện, nó oán ba mẹ, oán bà ngoại nó thì sao?”

“Bà ngoại ơi, sao mẹ sinh em con thì có tay có chân? Còn con sao lại thế này? Sao mẹ đẻ con chi cho con khổ cả đời vậy ngoại?”

Khi Thảo lên 10 tháng tuổi, cha của em bị tai nạn giao thông, tử vong trên đường về Nha Trang thăm quê. Khi Thảo đón thôi nôi thì đến lượt mẹ cũng rời em mà đi. Ngày ấy, mẹ em nói với bà ngoại:

– Vú ơi, hoàn cảnh khó khăn quá, con phải đi làm mướn kiếm đồng ra đồng vô chứ ngồi yên coi sao được.

Rồi cô vào Bình Dương sinh sống, làm việc, thỉnh thoảng gửi tiền về cho mẹ nuôi con mình. Ở đó, cô gặp được một người đàn ông mới. Năm Thảo 5 tuổi, cô xin mẹ đi thêm bước nữa. Người mẹ thương con cố phân trần với những người xung quanh, mà có khi là tự an ủi chính mình: “Con gái mình nó vẫn còn trẻ mà, giờ muốn lấy chồng mới không lẽ mình cản nó. Thế là tui mới gả nó lần nữa. Nó lo gia đình mới, tui nuôi bé Thảo cũng được.”

Cách kể chuyện bình thản của bà Cho có lẽ đã làm nên một Trần Thị Hiếu Thảo cũng vô cùng bình thản. Bé luôn thêm chữ “dạ” trước khi trả lời các câu hỏi của chúng tôi, luôn làm những gì chúng tôi yêu cầu, luôn để cho người đối diện thấy mình là một cô bé bình thường. Nhưng không phải là không có những phút tự vấn.

Ngày mẹ ruột sinh con đầu với chồng mới, thấy tấm hình của đứa em cùng mẹ khác cha, Thảo suy nghĩ cả ngày. Đến bốn giờ sáng một ngày nọ, em chịu hết nổi, bèn lay bà ngoại dậy mà hỏi:

– Bà ngoại ơi, sao mẹ sinh em con thì có tay có chân? Còn con sao lại thế này? Sao mẹ đẻ con chi cho con khổ cả đời vậy ngoại?

Bà Cho nói: “Lúc ấy tôi chỉ biết khóc, nước mắt tự động chảy ra, chứ còn biết trả lời gì nữa.”

Nhưng đấy chỉ là một trong những lần hiếm hoi bé than thân trách phận. Cuộc sống tước đi của Thảo tay, chân và bố. Người mẹ ruột chỉ về thăm một hoặc hai lần một năm. Nhưng cũng cuộc sống lại bù cho Thảo một nghị lực phi thường và sự lạc quan khủng khiếp.

Khi bà ngoại tủi thân nói với cháu: “Bà xin lỗi con, bà dốt quá không biết chữ. Con người ta học có cha mẹ chỉ bảo, học cùng, còn bà chả giúp gì được cho con.” Thảo đã nói: “Ngoại đừng lo, con học mình ên cũng vui mà”.

Chữ “ên” xuất hiện nhiều vô tỷ trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và em. Em múc cơm ăn mình ên, tắm mình ên và học bài mình ên. Em cũng có những tò mò như bất kỳ đứa trẻ nào đang tuổi ăn tuổi lớn. Em cũng có những người bạn và chỉ cảm thấy vui khi được đi học. “Đi học có bạn bè nói chuyện. Vui. Ở nhà mình ên. Buồn”.

Những người bạn ngày xưa chọc ghẹo Thảo bây giờ đã xem Thảo như một tấm gương để vươn lên. Thầy cô, ba mẹ của lũ trẻ chỉ cho chúng thấy: một người xui rủi đến từng đó vẫn tràn ngập ý chí vươn lên. Suốt ba năm đầu trên ghế nhà trường tiểu học, Thảo đều là học sinh giỏi. Cô học giỏi hơn những người bạn đầy đủ tay chân, cha mẹ. “Chắc tại mắt con gí sát vào tập, nên con nhớ dai hơn các bạn,” Thảo mỉm cười nói.

Mắt Thảo gí sát thật. Vì không có tay, khi đọc phải lấy cùi tay lật từng trang vở. Khi viết, bé dùng cổ và vai để viết. Vậy mà chữ Thảo rất đẹp, thậm chí còn được cô giáo chọn là một trong ba người đi thi viết chữ đẹp. Một người không tay lại đi thi viết chữ đẹp, còn câu chuyện nào lạ kỳ và cảm hứng hơn thế.

Tình bạn, tình người ánh lên trong hành trình lớn lên của Thảo. “Bạn giúp con lấy tập, lấy sách, lấy viết. Khi học xong bạn cất tập cho con,” Thảo nói. “Các bạn nói, nhìn con giống như một… ngôi sao,”

Thảo rất thích hát bài “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao,” bởi vì mỗi lần hát bài ấy, em lại nhớ mình là một ngôi sao. Cô bé chỉ có đầu, tứ chi bị cụt, nhìn từ xa quả thật giống với một ngôi sao năm cánh. Và chính em, với niềm lạc quan vô ngần, quả thực là một ngôi sao, tỏa ra thứ ánh sáng dễ chịu cho người đối diện. Em nói: “Con ước mơ được làm bác sĩ. Con sẽ đi cứu người, và chữa bệnh cho ngoại.”

Cô bé chỉ có đầu, tứ chi bị cụt, nhìn từ xa quả thật giống với một ngôi sao năm cánh.

Người bà ngoại ấy hiện đang bị đủ thứ chứng bệnh trong người, hệ lụy của những năm tháng làm việc không nghỉ ngơi. Người bà ấy vẫn mang em theo bên mình khi còn nhỏ, để tạm em ở dưới một gốc mai để làm đồng, xới đất cho vụ mùa mía tiếp theo, mỗi ngày kiếm vài chục đến một trăm nghìn.

Em nằm yên, không la hét, dù thỉnh thoảng có bị… kiến cắn. Năm em lên ba, bà ngoại nghèo quá không có tiền mua sữa cho em. Em nói: “Vậy thì con… không uống sữa nữa là được.” Nói bỏ là bỏ, từ đó em chuyển sang ăn cháo.

Cả cuộc đời em chưa từng biết đến sữa mẹ. Mẹ em mổ, sau đó mất sữa. Người mẹ ấy chả mấy khi ôm em vào lòng. Thỉnh thoảng nhớ mẹ, em dùng môi bấm điện thoại gọi cho mẹ, nhưng mẹ bận rộn cũng chả nói chuyện được nhiều. Riết cũng thành quen. “Ban đầu em cũng buồn, nhưng rồi em cảm thấy cũng bình thường,” Thảo nói. “Vì nếu mình buồn, thì cũng có thay đổi được gì đâu.”

Trao hết tình yêu thương cho bà ngoại, Thảo còn cố phụ giúp việc nhà cho bà đỡ nhọc. Câu hát “chổi to bà quét sân to, ấy còn chổi nhỏ dành bé chăm lo quét nhà” chưa bao giờ sống động đến thế. Vì bà Cho đã làm cho Thảo một cây chổi bé, Thảo kẹp vào cổ, cứ thế mà quét nhà. Bụi có bay vào mắt, vào mũi con không? Thảo nói: “Dạ ban đầu cũng bay, riết rồi không còn bay nữa”.

Câu hát “chổi to bà quét sân to, ấy còn chổi nhỏ dành bé chăm lo quét nhà” chưa bao giờ sống động đến thế. Vì bà Cho đã làm cho Thảo một cây chổi bé, Thảo kẹp vào cổ, cứ thế mà quét nhà.

Mỗi ngày Thảo được cho 5.000 đồng, theo thời gian Thảo chỉ ăn có 3.000, lấy 2.000 để dành. Những lúc bà không làm ra tiền, Thảo lấy tiền để dành ra xài. Bà hay chóng mặt, nhức đầu, đau khớp. Thảo đến kế bên, lấy “tay” xoa đầu cho ngoại, xoa xong thì thổi cái “phù” và nói:

– Rồi. Bác sĩ đã chữa xong. Ngoại mạnh lại rồi đó.

– Ngoại yếu quá. Ngoại sợ ngoại chết sớm quá Thảo ơi.

– Ngoại chết rồi con ở với ai? Ngoại chết chắc con khổ lắm ngoại ơi.

Những lúc nói đến đó, Thảo bảo chỉ ước mình có bàn tay, để ôm ngoại thật chặt. Một chương trình từ thiện đã quyên góp được gần 250 triệu đồng để lắp chân, tay giả cho Thảo. Họ đã mang thảo lên Sài Gòn một lần để lấy số đo. Điều tiếc nuối duy nhất của chuyến đi ấy là Thảo chưa được đi Thảo Cầm Viên, để tận mắt nhìn thấy những con thú mà em đã được học hoặc được thấy trên tivi. Thảo nói:

– Lần sau lên Sài Gòn. Em sẽ xin đi vào Thảo Cầm Viên, để thấy con cọp, con hưu cao cổ và con nhím nữa.

Có một con mà Thảo cũng muốn nhìn thấy, một con vật ở mùa đông lạnh lẽo mà người ta đã ví von với em: chim cánh cụt. Nhưng người viết không thích sự ví von này. Cách các bạn gọi Thảo gợi cảm hứng hơn nhiều: một ngôi sao.

Thảo đích thị là một ngôi sao, tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh của tình bà cháu, thứ tình cảm đã từng được mô tả tuyệt đẹp trong thơ của Bằng Việt. Để sau này em sẽ nhớ về ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn, ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng là Thảo sẽ khôn lớn. Ngọn lửa giúp bà nửa đời nuôi con, giờ lại dành nốt nửa đời còn lại để nuôi cháu. Đấy cũng là một ngôi sao bình dị, không màng quá nhiều quá khứ, chưa nhuốm mối lo của tương lai. Như Thảo nói: mỗi ngày thức dậy, thấy bà mạnh giỏi cũng đủ vui rồi.

Trần Thị Hiếu Thảo chào đời năm 2010. Bé lớn lên tại ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Mẹ của Thảo, Trần Thị Nhàn đi làm thuê ở Bình Dương thì quen biết và kết hôn với một người đàn ông. Người này gia đình chỉ gọi là Vũ, quê Nhà Trang. Sau khi Thảo được 10 tháng tuổi, Vũ bảo về quê thăm gia đình thì bị tai nạn, qua đời.

Ông ngoại của Thảo là Trần Văn Nhở. Bà ngoại là Lý Thị Cho, năm nay 64 tuổi. Bà Cho có ba người con gái và một người con trai. Ngoài bé Thảo, bà Cho còn nuôi thêm một cháu ngoại trai. Bé là con của chị Trần Thị Thúy An (em của Nhàn). Chị An và chồng đi làm thuê ở Sài Gòn. Nhưng chồng của chị An cũng bị đột quỵ khi đang làm phụ hồ. Gánh nặng lên vai bà Cho lại càng nặng hơn.

Hiện cháu Thảo đang theo học tại trường Tiểu học An Thạnh 2B (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung).

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”