Hương vị “tự do” tại Sydney sẽ mang lại bài học về “sống chung với COVID”

Từ ngày 18/10, bang New South Wales của Australia đã dỡ bỏ hàng loạt biện pháp hạn chế, sau khi tỷ lệ tiêm chủng tại bang này đạt tới 80% số người trưởng thành. Theo tờ ABC News, những kinh nghiệm của NSW khi mở cửa có thể sẽ mang lại bài học về sống chung với COVID-19 cho phần còn lại của đất nước, cũng như cho nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Cuộc sống của hàng triệu người Australia sắp trở lại bình thường, hoặc ít nhất là gần giống như bình thường, cho dù cảm giác thực tế có thể không phải là như vậy. Tờ ABC News mượn lời cố Thủ tướng Anh Winston Churchill nói rằng thời điểm này chưa phải là kết thúc, nhưng cũng không phải là cái kết của sự khởi đầu, hy vọng nó là khởi đầu cho sự kết thúc của đại dịch tại Australia.

Trước đó, với việc theo đuổi chiến lược “zero covid”, Sydney chính là thành phố áp đặt lệnh phong tỏa dài nhất thế giới với hơn 100 ngày. Nhưng có lẽ, cuộc sống sẽ trở lại trạng thái giống như bình thường một cách rất nhanh chóng sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Điều đó cũng sẽ đến với người dân tại Victoria và Canberra một khi các hạn chế tại đó được nới lỏng. Và đó thậm chí có thể sẽ là viễn cảnh trong tương lai khi COVID vẫn tồn tại trong cộng đồng, với giả định rằng Australia đạt được mục tiêu ít nhất 85-90% dân số trưởng thành đã được tiêm chủng.

Báo cáo giao thông của Fitch

Giao thông đường bộ là một chiếc phong vũ biểu hợp lý về mức độ hoạt động. Cơ quan xếp hạng toàn cầu Fitch đã biên soạn dữ liệu về việc sử dụng đường bộ có thu phí tại một số quốc gia. Xu hướng giữa các nước này cực kỳ giống nhau: trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi hầu như mọi nơi đều ít nhiều bị phong toả hoàn toàn, giao thông đường bộ đã giảm xuống còn 20% đến 60% so với giai đoạn trước dịch.

Hiện tại, khi đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của các đợt bùng phát và với tỷ lệ tiêm chủng cao ở hầu hết các nước trong nghiên cứu, hoạt động giao thông đường bộ nhìn chung đã trở về, hoặc thậm chí tăng cao hơn trước dịch. Mặc dù có khả năng tồn tại một số sự thay đổi từ di chuyển bằng phương tiện công cộng sang phương tiện cá nhân do rủi ro COVID vẫn còn, dữ liệu này cho thấy mọi người đang ngày càng ra ngoài nhiều hơn.

COVID ở Vương quốc Anh

Một quốc gia không có mặt trong báo cáo các nước “sống chung với COVID” tiêu biểu của Fitch là Vương quốc Anh.

Khoảng 90% dân số trên 16 tuổi tại nước này đã được tiêm ít nhất một mũi và khoảng 80% đã được tiêm mũi thứ hai – những mức độ tiêm chủng mà bang NSW dự kiến sẽ đạt được trong hai tuần nữa. Mặc dù vậy, theo ABC News, Vương quốc Anh cũng có mức độ miễn dịch do virus tạo ra tương đối cao, với việc COVID vẫn lây lan rộng rãi và đôi khi là ồ ạt trong vòng 18 tháng qua.

Những người thường xuyên theo dõi giải bóng đá Premier League chắc chắn sẽ thấy những sân vận động đầy ắp cổ động viên, hầu hết không đeo khẩu trang, hò hét cổ vũ đội bóng của họ trong mùa giải này.

Các cổ động viên sát khuẩn tay trước khi vào sân ở Premier League (Nguồn: premierleague.com)

Nhưng không chỉ các cổ động viên bóng đá là những người đang sống như thể COVID đã biến mất. Văn phòng Thống kê Quốc gia của Vương quốc Anh đã vẽ nên một bức tranh tương tự thông qua những dữ liệu “chỉ báo theo thời gian thực”, hầu hết là từ tháng 9 năm ngoái.

Mặc dù hầu hết các số liệu gần đây cho thấy lưu lượng giao thông đã giảm xuống còn 95% so với mức trước dịch, điều này là do có sự sụt giảm lớn hàng tuần trong bối cảnh nước Anh đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu.

Phần lớn người lao động (72%) đang ở nơi làm việc bình thường trước đại dịch, hơn gấp đôi so với tháng 6/2020. Dữ liệu của OpenTable cho thấy số các nhà hàng có khách ngồi ăn tại chỗ đã tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng người đến các cửa hàng bán lẻ cũng được ước tính đạt khoảng 85% mức cùng kỳ trước đại dịch.

Và tất cả những hoạt động đó được phản ánh thông qua các camera giao thông ghi hình người đi bộ và người đi xe đạp tại London, cao hơn 27% so với tuần ngay trước khi Vương quốc Anh bước vào giai đoạn phong tỏa toàn quốc. Ngay cả các chuyến bay cũng đã trở lại hơn một nửa mức trước đại dịch.

Học sinh cũng đã quay trở lại trường học, góp phần vào sự gia tăng hoạt động ở bên ngoài. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động này đã dẫn đến sự gia tăng số ca mắc, quay trở lại mức trên 40.000 ca/ngày, chủ yêu là do virus lây lan rộng đáng kể ở trẻ em.

Dù vậy, bất chấp tỷ lệ nhiễm bệnh cao và tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em còn thấp (trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện tiêm vaccine COVID), các ca nhập viện và tử vong vẫn thấp hơn mức đỉnh trước đó và vẫn chủ yếu tập trung ở các nhóm tuổi cao hơn.

700

Số ca nhập viện mỗi ngày ở Anh do COVID-19 sau khi đã mở cửa

100

Số ca tử vong mỗi ngày do COVID-19 ở Anh sau khi đã mở cửa

1000

Số ca tử vong mỗi ngày do COVID-19 ở Anh hồi tháng 1/2021

Vương quốc Anh hiện đang chứng kiến khoảng 700 ca nhập viện và 100 ca tử vong mỗi ngày, so với mức hơn 1.000 ca tử vong do COVID mỗi ngày hồi tháng 1 vừa qua.

Điều đó cho thấy rằng, ngay cả số ca mắc hiện tại cũng đang đẩy một số bệnh viện trở lại đối mặt với áp lực tại những vùng có sự bùng phát dịch lớn nhất. Vương quốc Anh, và đặc biệt là nước Anh, có thể được xem là một ngoại lệ trong những phản ứng với COVID hiện tại vì tương đối thiếu các biện pháp hạn chế và phòng ngừa COVID.

Tình hình sống chung với COVID trên toàn thế giới

Ngoài Vương quốc Anh, một ngoại lệ khác đã xuất hiện là Đan Mạch, một quốc gia có dân số 5,8 triệu người, đang ghi nhận khoảng 600 ca nhiễm mỗi ngày.

Một tháng trước, nước này đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế COVID còn lại – ngoại trừ yêu cầu hộ chiếu vaccine để vào các hộp đêm. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng đã được bãi bỏ vài tuần trước đó.

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đã trở lại nhịp sống bình thường (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bí quyết thành công của họ đến nay dường như là xét nghiệm thật nhiều – đã có hơn 42 triệu xét nghiệm COVID được thực hiện, với tỷ lệ hơn 7 xét nghiệm/người – và tỷ lệ tiêm chủng rất cao, hơn ba phần tư tổng dân số và 85% người từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm vaccine. Nhưng, ngay cả ở những nơi vẫn duy trì các hạn chế, chúng đang dần được dỡ bỏ.

“Thành phố New York đã trở lại như bình thường – chúng tôi đang đi xem ballet,” ABC News dẫn lời một cư dân NYC và nói thêm rằng khẩu trang cùng bằng chứng về việc đã tiêm chủng là những điểm bất thường duy nhất trong buổi tối ra ngoài dạo chơi của họ ở thành phố lớn nhất nước Mỹ.

Ở bang Illinois cũng có quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà, áp dụng cho cả học sinh, cùng với việc xét nghiệm hàng tuần tại trường và tại nơi cách ly và học tại nhà với những lớp có ca mắc COVID.

Bên kia biên giới phía bắc, Canada hiện đang cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm vaccine không phải cách ly, nhưng tại tỉnh Quebec với tỷ lệ tiêm chủng đạt khoảng 80%, vẫn còn những hạn chế về số lượng người có thể đến thăm nhà cũng như các địa điểm công cộng, và việc đeo khẩu trang khi ra ngoài vẫn được yêu cầu.

Tại Malaysia, nơi đang dần thoát khỏi một trong những đợt bùng phát lớn nhất tại Đông Nam Á dù vẫn ghi nhận gần 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, khẩu trang và bằng chứng tiêm chủng cũng là yêu cầu bắt buộc nếu muốn ra khỏi nhà. Nhưng các hạn chế về di chuyển đang được nới lỏng khi có khoảng 90% dân số trưởng thành đã được tiêm.

Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia nghèo hơn, đại dịch dường như đang tiến gần đến sự bắt đầu hơn là sự kết thúc, với tỷ lệ tiêm chủng thấp (chỉ 7% ở Namibia chẳng hạn), và các hạn chế như giới hạn số người tụ tập, giới nghiêm và đeo khẩu trang ở nơi công cộng vẫn được duy trì.

Thử nghiệm sống chung với COVID của Australia

Quay trở lại Australia, cụ thể là bang NSW, nơi đây đang bắt tay vào thử nghiệm cục bộ đầu tiên về chung sống với COVID, thay vì phong toả và tìm cách loại bỏ virus. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Tỷ lệ tiêm chủng cao có đủ để đối phó với mức độ di chuyển và tiếp xúc gia tăng giữa người với người không? Số người tiếp tục cách ly và xét nghiệm nếu cảm thấy không khoẻ có cao không?

NSW có thể giữ cho số ca mắc ở quanh mức giống như Đan Mạch (dưới 1.000 ca) không, hay NSW sẽ giống như Vương quốc Anh (khoảng 5,000 ca mới/ngày)?

Hệ thống bệnh viện có thể đối phó được không? Có thể là có, nếu áp dụng kịch bản của Đan Mạch, và có thể là không trong bối cảnh đợt bùng phát kéo dài hiện tại ở Vương quốc Anh.

Người dân Sydney tận hưởng ánh nắng mặt trời tại bãi biển vào cuối tháng 9/2021

Và từ quan điểm kinh tế, Australia sẽ hành động như các nước châu Âu vừa thoát khỏi phong toả bằng một loạt các buổi ăn mừng, chè chén, sự kiện và đi cắt tóc hay không? Hay vẫn sẽ có nhiều người thận trọng và thắt chặt những khoản chi tiêu cho những dịch vụ mà rất nhiều doanh nghiệp đang hy vọng họ rút hầu bao?

Nếu là trường hợp đầu tiên, việc ăn mừng có dẫn đến sự huỷ hoại thông qua số ca mắc tăng cao và những hạn chế mới hay không?

Những câu hỏi này hiện dành cho NSW, nhưng cũng sẽ sớm khiến người dân tại Victoria và Canberra phải suy nghĩ.

Các bang khác có học được bài học không?

Cho đến nay, ngoài nỗi sợ hãi dịch bệnh lạ, cuộc sống tại các bang không có COVID hoặc gần như không có COVID vẫn khá bình thường, trừ việc không được đi du lịch hay tiếp đón khách du lịch từ các bang và các nước khác có COVID.

Mặc dù điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số ngành kinh doanh và người lao động, hầu hết mọi người vẫn có thể tiếp tục sống như bình thường. Thật không may, điều này sẽ không tiếp diễn. Một lúc nào đó, virus sẽ xâm nhập những khu vực không có COVID và lây lan.

New Zealand và Victoria đã chứng minh rằng biến thể Delta là không thể loại bỏ được một khi nó đã xâm nhập vào một khu vực nào đó, ngay cả khi áp dụng phong toả cứng rắn và nhanh chóng.

Nhưng các bang và vùng lãnh thổ đã duy trì được trạng thái gần như không có COVID đến thời điểm này có thể sẽ đạt được lợi ích gấp đôi nếu họ chấp nhận.

Đầu tiên là nó tạo cơ hội cho việc đưa mức độ tiêm chủng lên rất cao trước khi xảy ra một đợt bùng phát, tức là ít áp lực hơn cho hệ thống y tế và có thể là khả năng tránh được bất kỳ đợt phong toả nào.

Thứ hai là họ sẽ có vài tuần, có thể là vài tháng, để theo dõi quá trình tái mở cửa ở New South Wales, và sau đó là Victoria và ACT, để học hỏi từ bất kỳ sai lầm nào các bang này mắc phải.

Và sai lầm có thể được nhìn nhận theo hai chiều – có thể là một số lệnh hạn chế được nới lỏng quá nhanh dẫn đến gia tăng đột biến số ca mắc và nhập viện bất chấp việc tiêm chủng.

Hoặc là, các quy định cũng có thể bị nới lỏng quá chậm, và những lệnh hạn chế không hiệu quả gây ức chế các hoạt động xã hội và kinh tế mà không mang lại nhiều lợi ích về sức khoẻ cộng đồng.

Sống chung an toàn với COVID-19: Australia dự kiến dỡ bỏ phong tỏa thành phố Sydney

Giống như trạng thái không COVID của Australia đã mang lại một cơ hội có một không hai để đi tắt đón đầu – một cơ hội được cho là đã bị lãng phí vì triển khai tiêm chủng chậm – các vùng hiện không có COVID cần nắm lấy khoảng thời gian quý giá này để chuẩn bị sống chung với COVID.

Thay vì nhìn vào New South Wales, Victoria và ACT với sự thương hại hoặc khinh miệt đối với những trải nghiệm gần đây của họ về COVID, có lẽ phần còn lại của Australia cần bắt đầu nhìn về phía đông nam như một khuôn mẫu cho tương lai sắp tới của chính họ.

Mai Nguyễn
Mai Nguyễn

Lược dịch từ ABC News