‘Huyền thoại’ về đường ống xăng dầu xuyên Trường Sơn

60699587301-1558191687-70.jpg

Đường ống xăng dầu dài 1.700 km xuyên suốt chiều dài đất nước và mở rộng tới gần 5.000 km là một trong những yếu tố góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ở bảo tàng đường Hồ Chí Minh, đặt tại phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, rất nhiều người dân đang tới xem triển lãm nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn thắng lợi. Bức ảnh hai nữ chiến sĩ Trung đoàn 671 đường ống binh trạm 14 lắp đặt đường ống xăng dầu qua trọng điểm Phu La Nhích vào năm 1972 được đặt ở sảnh chính được rất nhiều người chiêm ngưỡng, thán phục. Nhiều người đánh giá đây là bức ảnh đẹp, tiêu biểu cho lực lượng xăng dầu trong chiến tranh chống Mỹ.

Bức ảnh này cũng được dùng làm ảnh bìa của cuốn sách “5 đường mòn Hồ Chí Minh” mà chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng Phong biên soạn (NXB Tri thức xuất bản năm 2008).

Trong cuốn sách của mình, tác giả Đặng Phong xác định, để phục vụ chiến trường miền Nam, có đến 5 con đường mòn đã được dùng để vận chuyển nhân lực, vật lực, bao gồm đường mòn trên bộ, trên biển, hệ thống đường ống xăng dầu, đường hàng không và đường chuyển ngân.

Trong các chiến dịch Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng, rồi sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi quân đội huy động lực lượng lên tới nhiều quân đoàn tham gia với hàng chục nghìn xe, pháo, lực lượng hậu cần vẫn luôn đảm bảo được xăng dầu cho lực lượng xe cộ hùng hậu này. Đó chính là nhờ hệ thống đường ống huyền thoại.

Người đặt khai sinh ra đường ống

Tác giả Đặng Phong ghi lại lời kể của Đại tá Nguyễn Việt Phương, cho biết người đầu tiên nghĩ đến việc sử dụng hệ thống ống xăng dầu trên chiến trường chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong một lần đại tướng đi làm việc tại Liên Xô, ông đã được Liên Xô viện trợ cho 2 bộ đường ống dẫn xăng dầu dã chiến, loại phi 10 cm, mỗi bộ dài 100 km. Song, hệ thống đường ống này tuy đưa về Việt Nam nhưng cũng chỉ cất trong kho bởi chưa biết dùng vào việc gì. Từ khi chiến trường phía Nam có những phát triển sôi động, một lần họp với các tướng tá, Đại tướng gợi ý rằng hiện có 2 bộ đường ống xăng dầu do Liên Xô viện trợ, đề nghị mọi người suy nghĩ xem có thể sử dụng tại chiến trường hay không.

Hầu hết các tướng tá đều lặng thinh, không đồng tình, nhưng cũng không phản đối, vì hình như ai cũng nghĩ rằng trên chiến trường dày đặc bom đạn, máy bay Mỹ đánh phá hàng ngày mà làm đường ống dẫn xăng dầu là điều phi thực tế. Riêng Trung tướng Đinh Đức Thiện thì hưởng ứng ngay, nhận lời và hứa với đại tướng sẽ tìm hiểu và khẩn trương thực thi.

Bắt đầu tiến hành từ tháng 4/1968 với mật danh “Công trường Thủy lợi 01”, công trình đường ống được khởi công từ Nghệ An, do Trung tá Mai Trọng Phước, thuộc Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần chỉ huy. Dưới bàn tay và khối óc của bộ đội và nhân dân ta, tuyến đường ống cứ vươn dần về phía Nam, vượt qua vùng “tam giác lửa” Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm, vượt sông Lam và sông La để tới kho N2 ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Từ Quảng Bình, đường ống được phân ra làm hai ngả: Vượt Tây Trường Sơn và đi theo hướng Đông Trường Sơn.

Tính đến năm 1972, hai đoạn đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã có chiều dài lên tới 700km, với khối lượng kho dự trữ xăng dầu là 12.800 m³.

Trong lễ tưởng niệm mười năm ngày mất của Thượng tướng Đinh Đức Thiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/1/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động nói: “Đồng chí Đinh Đức Thiện và đồng chí Đồng Sĩ Nguyên có công lớn trong việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn 559, xây dựng hệ thống giao thông vận tải lớn từ hậu phương miền Bắc đến các chiến trường, trong đó có tuyến đường ống dẫn xăng dầu, nhằm bảo đảm chi viện cho miền Nam, tạo cơ sở hạ tầng cho cơ động lực lượng và vận chuyển lớn, phục vụ đắc lực cho thời cơ chiến lược, nhất là cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.”

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn cũng đánh giá: Ngành Đường ống Xăng dầu Trường Sơn đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, đảm bảo yêu cầu cơ động cao của các quân đoàn, các binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch…

Năm 1970, Bộ Quốc phòng phê duyệt đề nghị của Bộ tư lệnh Trường Sơn (trước đây là Bộ tư lệnh 559) thành lập hai trung đoàn đường ống là Trung đoàn 592 do Trung tá Mai Trọng Phước làm Trung đoàn trưởng, Chính ủy là Trung tá Lê Đức và Trung đoàn 532 do Thiếu tá Nguyễn Tuấn là Trung đoàn trưởng; Thiếu tá Trần Ninh Châu là Chính ủy. Đây là hai lực lượng xây dựng đường ống xăng dầu đầu tiên của Trường Sơn.

Những thành tựu đáng kinh ngạc

Trên toàn bộ hệ thống này, đã có tới 316 trạm bơm đẩy, 101 kho với sức chứa trên 300 nghìn m³. Từ hai trung đoàn ban đầu, bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã phát triển lên thành 4 trung đoàn là các trung đoàn 671, 592, 532, 537 và một số phân đội độc lập. Có thể coi đây như một binh chủng xăng dầu trong đội hình Binh chủng hợp thành trên chiến trường Trường Sơn.

Ngày 20/1/1975, đường ống xăng dầu đã được Bộ đội Trường Sơn xây dựng vào tới Bu Prăng (nay thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông). Đến tháng 3/1975, trước các chiến dịch quyết định của cuộc kháng chiến, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được 596km đường ống kéo dài tới Bù Gia Mập (nay thuộc tỉnh Bình Phước), hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn Đông và Tây Trường Sơn.

Theo “Hồi ký Trường Sơn” của Đại tá Mai Trọng Phước, sau là Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng Cục Hậu cần, thì hệ thống đường ống có tất cả 50 kho dã chiến liên hoàn, có trữ lượng 27.050 m3 nhiên liệu, với 114 trạm bơm đẩy với công suất bơm 600-800 m³/ngày.

Ngoài chiều dài tuyến dẫn dầu từ Bến Quang, Quảng Bình vào tới Bù Gia Mập, Bình Phước có tổng chiều dài 1.445km, thì tính tổng hệ thống đường ống dẫn từ các ngả Lạng Sơn, Móng Cái vào Nhân Mục (Hà Nội) rồi từ đây vào Quảng Bình với nhiều nhánh hợp lưu, nhánh phân chia, các đoạn song song, đoạn nối ngang… tổng chiều dài của đường ống lên tới 5.000km!

Càng đáng khâm phục hơn khi hệ thống đường ống này được xây dựng vượt qua rất nhiều sông, suối hiểm trở, băng qua rừng già, đèo cao và duy trì dưới mưa bom, bão đạn, các cuộc tấn công phá hoại khốc liệt của bộ binh đối phương.

Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Ảnh: Vương Khánh Hồng – TTXVN)
Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Ảnh: Vương Khánh Hồng – TTXVN)


Theo “Tổng kết Chiến tranh Cách mạng Việt Nam”, thì trong 7 năm từ 1968-1975, hệ thống đường ống này đã giúp chi viện cho miền Nam 5,5 triệu m³ xăng dầu.

Nhờ các hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, mà đầu năm 1975, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có thể khẳng định với Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là “cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ.”

Đường ống huyền thoại khiến đối thủ cũng phải thán phục

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trong bức điện khen ngợi bộ đội xăng dầu gửi ngày 17/2/1975, đã viết: “Sau một thời gian lao động khẩn trương, vượt qua nhiều khó khăn trong công tác, các đồng chí đã hoàn thành thắng lợi việc xây dựng một tuyến xăng dầu rất dài từ hậu phương ra tiền tuyến. Thành tích đó có ý nghĩa to lớn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ chiến đấu của quân và dân ta trên khắp chiến trường.”

Đại tá Phan Tử Quang, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng) kể rằng, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã bày tỏ sự thán phục với ông: “Tôi không ngờ là Việt Nam lại làm được đường ống xăng dầu dài đến 5.000 km” và ông đã cử một phái đoàn gần 20 kỹ sư và chuyên gia về đường ống xăng dầu đi tham quan từ Hà Nội theo đường ống đến Mụ Giạ (Quảng Bình).

Các tài liệu từ phía Mỹ cũng cho biết, các tướng không quân Harry Aderholt và Richard Serd của họ đánh giá: “Đường ống xăng dầu của Việt Nam là huyền thoại có thật”.

Rất nhiều chuyên gia quân sự, nhà sử học Mỹ sau này đã nhận định, sở dĩ Mỹ thất bại ở Việt Nam là do đã không thể ngăn chặn được tuyến chi viện từ miền Bắc nói chung cũng như tuyến đường ống xăng dầu nói riêng, trong bối cảnh chiến tranh hiện đại cần huy động rất nhiều phương tiện cơ giới, máy móc.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara trong cuốn hồi ký của ông phải thừa nhận rằng, dù đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như máy bay ném bom B-52, hàng rào điện tử hay chất diệt cỏ, bom napalm, quân đội Mỹ vẫn không thể bóp nghẹt Đường mòn Hồ Chí Minh.

“Con đường mòn Hồ Chí Minh là một trong những kỳ tích vĩ đại nhất về quân sự Việt Nam, là tột đỉnh của kỹ nghệ công trình”, tiến sĩ Mỹ Virginia Louise Morris cũng nhận định như vậy.

Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Ảnh: Ngọc Phụng - TTXVN)
Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Ảnh: Ngọc Phụng – TTXVN)