Hy vọng gì từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên?

ttxvnmytri-1525683348-75.jpg

Cuộc gặp cấp cao Donald Trump-Kim Jong-un chắc chắn sẽ có bầu không khí ấm áp. Ông Kim có thể sẽ thết đãi ông Trump bằng những kế hoạch phát triển kinh tế của ông và mục tiêu của ông biến thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên thành một thành phố đạt đẳng cấp thế giới với một khách sạn thuộc đẳng cấp thế giới.

Một cách cụ thể hơn, ông sẽ giải thích logic của việc tại sao phải hủy bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi ông thậm chí có thể bắt tay vào việc đặt nền tảng cho việc phi hạt nhân hóa.

Christopher R. Hill, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, hiện là Cố vấn trưởng bên cạnh Hiệu trưởng danh dự Viện Global Engagement và là giáo sư môn Ngoại giao thuộc Đại học Denver, Mỹ, đưa ra dự báo như vậy về cuộc gặp rất được mong đợi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Kể từ cuộc gặp cấp cao ngày 27/4 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tìm cách thể hiện mình là người đạo diễn đứng sau những diễn biến ngoại giao liên Triều. Tuy nhiên, bất chấp những tia hy vọng đang nhen nhóm trên bán đảo Triều Tiên, ông Trump có thể sẽ phải hối tiếc về việc đứng ra làm người đóng vai chính trên sân khấu, đặc biệt khi cuộc gặp cấp cao giữa chính bản thân ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang ngày càng đến gần.

Để chuẩn bị cho sự kiện đó, được dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu tới, ông Trump có khả năng sẽ tránh đọc hay lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia, và sẽ để mình tránh xa những thông tin trái ngược. Suy cho cùng, người ta cho rằng ông không có khả năng hấp thụ được những báo cáo chính sách toàn diện, được chuẩn bị chặt chẽ, và những ý kiến của ông có khuynh hướng phản ánh những gì mà ông vừa nói trước đó với một ai đó.

Ngoài điều đó ra, ông nhìn chung còn bị dẫn dắt bởi cảm giác khó chịu đối với những người tiền nhiệm, đặc biệt là Tổng thống Barack Obama, cho rằng những người này đã quá ngây thơ hoặc không chịu tập trung vào việc giải quyết vấn đề rắc rối đang gặp phải.

(Nguồn: Sky News)
(Nguồn: Sky News)

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ gây nhiều cảm xúc giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un ở Panmunjom, “làng hòa bình” nằm trên biên giới chia cắt hai nước Triều Tiên, đang đặt ra một thách thức lớn đối với ông Trump, người đang muốn có một màn trình diễn hoành tráng, phô trương cho thấy tài ảo thuật đạt thỏa thuận thông qua thương lượng của chính ông để ông có thể nói với thế giới rằng: “Này các vị đã nhìn thấy có cuộc khủng hoảng, giờ đây các vị không còn thấy nó nữa.” Điều không may là mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể đơn thuần chỉ phù phép là nó biến mất.

Trong hoàn cảnh tốt nhất, một cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ đưa ra những công thức mơ hồ hơn cho cái có thể sẽ phải tiếp tục hoàn thiện thông qua nhiều cuộc thảo luận nữa.

Người Triều Tiên sẽ coi việc ông Trump sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un như là bước đi đầu tiên đáng hoan nghênh trên con đường dẫn tới phi hạt nhân hóa

Để có thể hình dung là những thông báo ngoại giao như vậy có thể mơ hồ và không rõ ràng như thế nào, chỉ cần xem lại bản tuyên bố chung giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un sau cuộc gặp gỡ của hai ông này, trong đó hai ông khoe là cùng chia sẻ giấc mơ về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, là có thế thấy rõ.

Có khả năng nhất là ông Kim Jong-un sẽ đưa ra cho ông Trump những đảm bảo nghe có vẻ đáng khích lệ hơn những gì ông chìa ra cho Moon Jae-in, nhưng sẽ không nhiều. Đặc biệt, người Triều Tiên sẽ lập luận rằng kho vũ khí hạt nhân của họ là để tự vệ – một phản ứng hợp lý trước nhiều thập kỷ của cái gọi là thái độ thù địch của Mỹ. Người Triều Tiên sẽ coi việc ông Trump sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un như là bước đi đầu tiên đáng hoan nghênh trên con đường dẫn tới phi hạt nhân hóa; và họ sẽ đáp lại cử chỉ này bằng một vài sự nhượng bộ tương ứng nào đó, ví dụ như ngừng thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm dài chẳng hạn.

Tuy nhiên, đối với câu hỏi liệu Triều Tiên có sẽ quay trở lại quy chế quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân và tham gia trở lại Hiệp ước không phổ biến Hạt nhân không, ông Kim sẽ tìm cách lảng tránh trả lời. Nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nói điều này sẽ cần nhiều thời gian hơn, và sẽ đòi hỏi có thêm những biện pháp từng bước một từ phía Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực nhằm loại bỏ tình trạng “mất lòng tin” hiện nay – một mối quan tâm ưa thích của Triều Tiên.

Về phần mình, ông Trump sẽ không có chuyện chấp nhận chuyện “từng bước một” như vậy, và do vậy ông sẽ tìm cách đi tắt để đạt được một điều gì đó giống như mục tiêu mà ông đã tuyên bố. Mặc dù cho đến nay ông vẫn chỉ trích những căn cứ quân sự được triển khai ở phía trước của Mỹ trong quá khứ, ông có thể gợi ý sẽ có một cử chỉ mạnh mẽ nhằm cho thấy rằng Mỹ không có ý định sử dụng quân đội của mình ở Hàn Quốc để chống lại Triều Tiên.

Ông Trump cũng có thể sẽ nêu vấn đề công dân Mỹ hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù của Triều Tiên

Chắc chắn, ông Kim sẽ rất quan tâm, và ông này thậm chí có thể còn chấp nhận thỏa thuận một vài điều gì đó theo hướng “phi hạt nhân hóa” để đối lấy việc Mỹ rút quân. Nhưng ông Kim Jong-un sẽ vẫn đòi hỏi có thêm thời gian.

Ông Trump cũng có thể sẽ nêu vấn đề công dân Mỹ hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù của Triều Tiên. Về vấn đề này, ông Kim có khả năng sẽ trả lời rằng việc thả tù nhân là khó khăn, do hệ thống tư pháp của Triều Tiên là “độc lập” nhưng vì lý do nhân đạo, đích thân ông sẽ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm để giúp phía Mỹ. Và ông thậm chí có thể còn bày tỏ lấy làm tiếc đối với trường hợp Otto Warmbier, sinh viên Mỹ được Triều Tiên trả tự do trong tình trạng hôn mê hồi năm ngoái và tử vong sau đó.

Mới đây, ngày 9/5, Triều Tiên đã thả 3 công dân Mỹ là Kim Hak-song, Kim Sang-duk và Kim Dong-chul (ảnh giữa). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mới đây, ngày 9/5, Triều Tiên đã thả 3 công dân Mỹ là Kim Hak-song, Kim Sang-duk và Kim Dong-chul (ảnh giữa). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc gặp cấp cao Trump-Kim chắc chắn sẽ có bầu không khí ấm áp. Ông Kim có thể sẽ thết đãi ông Trump bằng những kế hoạch phát triển kinh tế của ông và mục tiêu của ông biến thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên thành một thành phố đạt đẳng cấp thế giới với – thử đoán xem – một khách sạn thuộc đẳng cấp thế giới. Một cách cụ thể hơn, ông sẽ giải thích logic của việc tại sao phải hủy bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi ông thậm chí có thể bắt tay vào việc đặt nền tảng cho việc phi hạt nhân hóa.

Ông Trump sẽ cần phải có được nhiều hơn thế để có thể khoe là đạt được thành công. Có một khả năng là ông sẽ phải tranh cãi với ông Kim xung quanh cách định nghĩa lỏng lẻo của Triều Tiên về “phi hạt nhân hóa.” Cho dù không đạt được thỏa thuận nào sẽ được ghi trong thời gian biểu, ông Kim Jong-un ít nhất cũng phải chấp nhận rằng phi hạt nhân hóa có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể đảo ngược đối với chương trình vũ khí hạt nhân của nước ông.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để chứng tỏ rằng ông không bị “lừa một vố đau,” ông Trump sẽ cần phải thực hiện đồng thời một số công việc. Đối với công luận ở Hàn Quốc, ông sẽ phải phác thảo chi tiết một tiến trình giữa một bên là tôn vinh tinh thần của cuộc gặp gỡ cấp cao liên Triều và bên kia là không nhượng bộ trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Ông Kim có thể sẽ thết đãi ông Trump bằng những kế hoạch phát triển kinh tế

Ông cũng không được làm điều gì có thể làm suy yếu các liên minh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, và điều này sẽ đòi hỏi ông phải tiếp tục duy trì sự tiếp xúc chặt chẽ với cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lẫn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua tiến trình trên, nếu không muốn để một trong hai nhà lãnh đạo trên có thể cảm thấy bị qua mặt hoặc bị mất uy tín.

Ngoài ra, ông sẽ cần phải duy trì tất cả những sự lựa chọn khác trên bàn thảo luận, cho dù những sự lựa chọn quân sự đang trở nên không còn hợp thời nữa trong bối cảnh cuộc đối thoại liên Triều hiện nay. Điều quan trọng nhất, ông sẽ cần phải làm cho chế độ Triều Tiên ít nhất phải thừa nhận rằng việc phi hạt nhân hóa thực sự là mục tiêu theo đuổi, cũng như phải đồng ý với một tiến trình đối thoại tiếp tục, có khả năng sẽ là một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh tiếp theo.

Cho dù kết quả có là thế nào đi chăng nữa, ông Trump cũng nên tự hỏi mình liệu thỏa thuận này có tốt hơn Kế hoạch Hành động chung toàn diện với Iran, là cái mà ông mô tả là “thỏa thuận tồi tệ nhất chưa từng có,” hay không. Ở đây một lần nữa, việc thuyết phục ông Trump thực hiện việc tự đánh giá mình có thể sẽ lại là thách thức gay go nữa./.

Singapore là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. (Nguồn: AFP)
Singapore là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. (Nguồn: AFP)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập