Khi các ‘ông lớn’ công nghệ

lureanddec-1584864392-48.jpg

Chỉ mới hơn một tháng trước, khi nói đến sự tham gia của giới công nghệ trong nỗ lực kiểm soát đà lây lan chóng mặt của virus corona mới (SARS-CoV-2), người ta dễ dàng nhận thấy vai trò nổi bật của các công ty công nghệ Trung Quốc từ các ứng dụng di động tổng hợp tất cả trong một cho phép mọi người theo dõi diễn biến dịch bệnh, xin tư vấn bác sỹ, mua hàng trực tuyến cho đến các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp đỡ các nhà khoa học trong nghiên cứu vắcxin.

Trong khi đó, cùng thời điểm, các đại gia công nghệ hàng đầu thế giới chỉ quanh quẩn trả lời câu hỏi: Làm sao bù đắp doanh số sụt giảm do thị trường Trung Quốc và châu Á bị khóa chặt trong vòng vây của COVID-19? hay xứ lý thế nào với bài toán chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn khi công xưởng của thế giới tê liệt?

Có chăng, ở thời điểm đó, một số trang mạng xã hội như Facebook đưa ra các tuyên bố cùng những hành động ở mức khiêm tốn nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch về virus.

Khi COVID-19 không còn là “chuyện nhà người ta,” và “giặc” đã ở ngay trong nhà, các đại gia công nghệ mới chợt tỉnh giấc.

Tuy nhiên, “gió đã đảo chiều” nhanh như cái cách virus SARS-CoV-2 âm thầm xâm nhập, bùng phát và giáng một “cú đấm knoc-out” hạ gục hàng loạt nước châu Âu và Mỹ – nơi đặt tổng hành dinh của các đại gia công nghệ.

Giờ đây, khi COVID-19 không còn là “chuyện nhà người ta,” và “giặc” đã ở ngay trong nhà – nhiều nhân viên của Google, Facebook, Microsoft, Apple… dương tính với SARS-CoV-2 – cùng với đó là nhiều chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp, phong tỏa quốc gia, các đại gia công nghệ mới chợt tỉnh giấc, tham gia cuộc chiến chung của toàn nhân loại chống lại đại dịch mà như Thủ tướng Australia Scott Morrison nói là “sự kiện dạng trăm năm mới xảy ra một lần.”

Cơ hội lấy lại niềm tin từ công chúng

Khi nước Mỹ chuyển sang một cuộc chiến toàn diện để chiến đấu với COVID-19, Tổng thống Trump và Nhà Trắng đã kêu gọi các công ty công nghệ giúp đỡ. Các công ty đang đàm phán với chính phủ để tận dụng sức mạnh và quy mô kinh doanh của họ trong hoạt động phòng chống dịch.

Nhà Trắng đã tổ chức một hội nghị để đặt hàng các hãng công nghệ về những gì họ có thể làm, từ việc giúp phân tích nghiên cứu học thuật đến ngăn chặn thông tin sai lệch về virus.

Đối với những gã khổng lồ công nghệ, lời đề nghị này thể hiện một cơ hội lớn để khôi phục niềm tin đã mất từ công chúng sau hàng loạt những bê bối dữ liệu. Nó thúc giục các đại gia công nghệ bước lên, thể hiện vai trò người hùng trong thời điểm khẩn cấp quốc gia.

Với kho dữ liệu thông tin người dùng toàn cầu khổng lồ không ngừng được cập nhật từng giây, từng phút, Facebook, Apple, Twitter, Amazon và Google đang nắm giữ những dữ liệu mơ ước mà các nhà nghiên cứu y tế công cộng luôn mong muốn có được: Họ biết chúng ta đang ở đâu, chúng ta đang tìm kiếm gì, thường mua gì, chúng ta đang dành thời gian với ai. Với loại thông tin đó, theo Larry Brilliant, một nhà dịch tễ học đang là giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Google.org: “Bạn có thể thay đổi bộ mặt của sức khỏe cộng đồng.”

Từ sự giúp đỡ của những dữ liệu kỹ thuật số quý hơn vàng đó, các nhà nghiên cứu có thể biết sớm về nơi có khả năng bùng phát dịch bệnh và triển khai thử nghiệm vắcxin. Họ có thể nhắm mục tiêu đóng cửa trường học, đọc chính xác hơn về tỷ lệ tử vong và tìm hiểu xem liệu chúng ta có thấy đầy đủ diễn biến virus lây lan hay chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Facebook, Apple, Twitter, Amazon và Google đang nắm giữ những dữ liệu mơ ước của các nhà nghiên cứu y tế công cộng

Tuy vậy, việc hợp tác với chính phủ lại gợi nhắc một ký ức buồn muốn lãng quên của các đại gia công nghệ. Đó là những bê bối xoay quanh quyền riêng tư cá nhân.

Trong những năm qua, Thung lũng Silicon đã cố gắng đào thoát khỏi vấn đề này, bao gồm cả sự kiện Cambridge Analytica 2018, nơi Facebook cung cấp dữ liệu cho các nhà nghiên cứu nhưng rốt cuộc những dữ liệu của hàng chục triệu người dùng lại bị đem bán để thao túng chính trị, và những tiết lộ năm 2013 của Edward Snowden rằng các công ty công nghệ và viễn thông đang chia sẻ dữ liệu với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.

Và nay khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ, các đại gia công nghệ lo ngại rằng chính phủ sẽ xâm phạm dữ liệu cá nhân khách hàng của họ, như yêu cầu nhiều dữ liệu khác nhau hơn mức cần thiết cho nhu cầu thực sự trong phòng chống dịch.

Sau cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo công nghệ và Nhà Trắng hôm thứ Tư 18/3, các nguồn tin nói với tờ Politico của Mỹ rằng chính quyền đã yêu cầu các công ty chia sẻ dữ liệu để giúp theo dõi virus, nhưng Nhà Trắng sau đó đã phủ nhận điều này.

Facebook và Twitter từ chối bình luận về việc họ có nhận được yêu cầu của chính phủ về việc chia sẻ dữ liệu hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ một mẩu giấy liên quan đến Google, khi ông phát biểu trong cuộc họp báo ngắn về COVID-19 ở Phòng họp báo của Nhà Trắng, ngày 15/3. (Nguồn: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ một mẩu giấy liên quan đến Google, khi ông phát biểu trong cuộc họp báo ngắn về COVID-19 ở Phòng họp báo của Nhà Trắng, ngày 15/3. (Nguồn: AP)

Nhưng trong một tuyên bố sau đó, Google cho biết dữ liệu vị trí ẩn danh có thể giúp các quan chức y tế “xác định tác động của cách ly xã hội, tương tự như cách chúng tôi hiển thị theo thời gian thực các nhà hàng phổ biến và mô hình giao thông trong Google Maps.”

Gã công nghệ khổng lồ nói thêm: “Công việc này sẽ tuân theo các quy trình bảo mật nghiêm ngặt của chúng tôi và sẽ không liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu về bất kỳ vị trí, di chuyển hoặc liên hệ của bất cứ cá nhân nào.”

Trong một tuyên bố riêng rẽ khác, Facebook nói với CNN rằng công ty này đã xuất bản các bản đồ số về các thảm họa với dữ liệu vị trí người dùng tổng hợp kể từ năm 2017. Ví dụ, Facebook đã xuất bản các bản đồ theo dõi các hoạt động đi lại của người dùng để đối phó với thảm họa cháy rừng ở California. Cũng như Google, dữ liệu vị trí mà Facebook thu thập đến từ những người dùng đồng ý tham gia chia sẻ vị trí.

Các đại gia công nghệ lo ngại chính phủ sẽ xâm phạm dữ liệu cá nhân khách hàng của họ, như yêu cầu nhiều dữ liệu khác nhau hơn mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực sự trong phòng chống dịch.

“Trong bối cảnh lây lan của virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu và tổ chức phi lợi nhuận có thể sử dụng những bản đồ này… để hiểu và giúp chống lại sự lây lan của virus,” tuyên bố của Facebook cho biết.

Trước đó, hôm 17/3, tờ Washington Post đưa tin chính phủ Mỹ đang đàm phán với giới công nghệ về việc truy cập dữ liệu điện thoại di động tổng hợp và ẩn danh. Israel, một đồng minh của Mỹ, đã sử dụng công nghệ theo dõi điện thoại cá nhân để cảnh báo người dùng tránh tham gia các sự kiện, địa điểm có người nhiễm SARS-CoV-2.

Giúp mọi người giao tiếp, làm việc thời cách ly

Giữa thời điểm hàng triệu người bị khóa chặt trong nhà, trong thành phố và quốc gia mà họ đang ở vì đại dịch COVID-19 thì những giải pháp công nghệ giúp giao tiếp trực tuyến với thế giới bên ngoài của các hãng công nghệ thực sự lên ngôi.

Nhiều công ty khuyến cáo, thậm chí yêu cầu nhân viên làm việc từ xa, tại nhà để phòng lây nhiễm virus. Facebook đã hỗ trợ cho mỗi nhân viên của mình một khoản tiền 1.000 USD trong đợt bùng phát COVID-19. Theo Facebook, phần hỗ trợ này giúp các nhân viên làm việc từ xa trang trải các chi phí bổ sung, chẳng hạn như thiết lập khu vực làm việc tại nhà hoặc chi tiêu cho việc chăm sóc con cái. Google, Twitter và nhiều hãng công nghệ khác cũng có động thái tương tự.

Khi mọi người chuyển công việc từ văn phòng về nhà thì các điều kiện cần thiết về công nghệ từ phần cứng (hệ thống máy tính, thiết bị mạng) đến phần mềm (các ứng dụng cho công việc, bảo mật thông tin) đòi hỏi mọi người tìm đến sản phẩm của các hãng công nghệ.

Lấy ví dụ về ứng dụng làm việc trực tuyến Teams của Microsoft. Ứng dụng này đã có thêm 12 triệu người dùng mới trong một tuần nhờ gia tăng số người làm việc tại nhà. Microsoft cho biết hiện có 44 triệu người dùng ứng dụng hàng ngày và 20 khách hàng có hơn 100.000 người dùng đăng nhập vào dịch vụ làm việc nhóm từ xa. Không rõ chính xác có bao nhiêu trong số 12 triệu người dùng mới đã trả tiền cho dịch vụ và bao nhiêu trong số đó là miễn phí. Gần đây, Microsoft đã mở khóa một số tính năng cao cấp cho người dùng dịch vụ miễn phí.

Số người làm việc tại nhà tăng dẫn đến sự gia tăng các ứng dụng như Microsoft Teams, Slack và dịch vụ hội nghị truyền hình Zoom.

Số lượt tải xuống toàn cầu của các ứng dụng làm việc nhóm trực tuyến bao gồm Tencent Conference, WeChat Work, Zoom, Microsoft Teams và Slack đã tăng gần năm lần kể từ đầu năm, khi dịch COVID-19 buộc các công ty thay đổi cách làm việc.

Điều này cho phép các nhóm lớn người kết nối trong khi làm việc ở các địa điểm xa – bao gồm cả nhà của họ.

Microsoft cho biết Teams đã có 44 triệu người dùng tính đến ngày 18/3, gấp đôi con số 20 triệu người dùng hoạt động hàng ngày mà gã khổng lồ phần mềm báo cáo vào tháng 11/2019. Số lượng người dùng hàng ngày tăng 37% chỉ trong một tuần từ 11/3 đến 18/3 – trùng với các lệnh phong tỏa được ban bố ở châu Âu và Mỹ.

Dữ liệu từ hãng phân tích Sensor Tower cho thấy, số lượt tải xuống toàn cầu của các ứng dụng làm việc nhóm trực tuyến bao gồm Tencent Conference, WeChat Work, Zoom, Microsoft Teams và Slack đã tăng gần năm lần kể từ đầu năm, khi dịch COVID-19 buộc các công ty thay đổi cách làm việc.

Theo công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower, trong khi các ứng dụng như vậy thu hút 1,4 triệu người dùng mới trên App Store và Google Play trong tuần đầu tiên của tháng 1, thì nay con số đó đã nhảy vọt lên mức kỷ lục 6,7 triệu trong tuần đầu tiên của tháng 3.

(Nguồn: news.sky.com)
(Nguồn: news.sky.com)

Cùng với việc cung cấp các giải pháp tiện ích cho người dùng trực tuyến từ nhà, các công ty công nghệ còn chấp nhận hy sinh chất lượng dịch vụ  cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngày 20/3, Netflix và YouTube thông báo giảm chất lượng hình ảnh mặc định của dịch vụ truyền phát video trực tuyến (Streaming video) tại châu Âu để giảm tải cho mạng Internet tại thị trường này trong bối cảnh nhu cầu truy cập mạng tăng mạnh khi hàng triệu khách hàng ở nhà do lo ngại lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Ủy viên Kinh tế công nghệ Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton kêu gọi các hãng dịch vụ kết nối Internet chuyển đổi từ độ phân giải cao sang độ phân giải tiêu chuẩn như trước đây để giảm dung lượng các file truyền tải trong thời điểm mọi người dân đều mong muốn được truy cập Internet giải trí và đọc tin tức về dịch bệnh tại nhà.

EU muốn dành băng thông Internet để đối phó với các dịch vụ quan trọng như chăm sóc sức khỏe và học tập trực tuyến của hàng ngàn trẻ em ở nhà trong thời gian dịch COVID-19.

Khi ngày càng nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa và cách ly, các trường học, cửa hàng và biên giới tạm đóng cửa, các hoạt động tụ tập cũng không được diễn ra, nhu cầu truy cập Internet của người dân trên toàn châu Âu ngày càng gia tăng.

Ủy viên Breton cho rằng những dịch vụ truyền phát trực tuyến dung lượng lớn, độ phân giải cao của những nhà mạng lớn như Netflix, Disney Plus, Hulu, HBO và Amazon là những yếu tố làm chậm đáng kể tốc độ kết nối mạng.

Cơ quan quản lý của EU muốn dành băng thông Internet để đối phó với các dịch vụ quan trọng như chăm sóc sức khỏe và học tập trực tuyến của hàng ngàn trẻ em ở nhà trong thời gian dịch COVID-19.

Chung tay ngăn chặn “bệnh dịch thông tin”

Facebook, Alphabet – công ty mẹ của Google, Microsoft, Twitter và Reddit cho biết đang hợp tác để cung cấp thông tin chính xác về virus SARS-CoV-2 và bệnh COVID-19 mà nó gây ra.

Theo một tuyên bố chung từ các tuyên bố chung của các công ty trên: “Chúng tôi sẽ giúp đỡ hàng triệu người kết nối đồng thời chống lại các hành vi lừa đảo và thông tin sai lệch về virus, tăng cường những nội dung chính thống trên các nền tảng của chúng tôi và chia sẻ các cập nhật quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan chăm sóc sức khỏe của các chính phủ trên khắp thế giới.”

Mạng xã hội LinkedIn của Microsoft và YouTube của Google cũng là một phần của liên minh này.

Các gã khổng lồ công nghệ và mạng xã hội cho biết các công ty khác đều được chào đón tham gia nỗ lực của họ.

Một số công ty, bao gồm cả Facebook và YouTube, trước đó đã có những cam kết riêng rẽ chống lại thông tin sai lệch về COVID-19.

Aleksandra Kuzmanovic, người phụ trách mảng truyền thông xã hội của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Trong hoàn cảnh cụ thể của dịch COVID-19, do sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền thông xã hội những năm gần đây, thông tin phát tán còn nhanh hơn cả bản thân con virus này.”

Việc chia sẻ thông tin quá dễ dàng trên các ứng dụng khiến nhiều người không để ý đến tính chính xác của thông tin mà họ chia sẻ. Người ta chia sẻ thông tin vì tin rằng nó đúng, để rồi sau đó (hoặc không bao giờ) phát hiện ra rằng nó hoàn toàn sai lệch.

“Chúng tôi sẽ giúp đỡ hàng triệu người kết nối đồng thời chống lại các hành vi lừa đảo và thông tin sai lệch về virus, tăng cường những nội dung chính thống trên các nền tảng của chúng tôi.”

WHO đã phải gọi sự bùng phát của tin tức sai lệch liên quan đến COVID-19 với một thuật ngữ hoàn toàn mới nhưng rất sát nghĩa, “infodemic” (dịch bệnh thông tin). Theo WHO, infodemic là “tình trạng quá dư thừa thông tin – gồm cả thông tin chính xác và thông tin không chính xác – khiến mọi người rất khó tìm ra những nguồn tin đáng tin và chỉ dẫn tin cậy khi họ cần.”

Các nền tảng xã hội như Google (bao gồm cả YouTube), Facebook (bao gồm cả Whatsapp, Instagram) đã tung ra hàng loạt các công cụ giúp công chúng hiểu đúng và cập nhật những thông tin chính thống về COVID-19.

Ngày 18/3, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến công bố ra mắt “Trung tâm thông tin COVID-19.”

Trung tâm này sẽ xuất hiện ở đầu Nguồn cấp dữ liệu (News Feeds) của người dùng với thông tin chính thống từ các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC).

Giao diện trung tâm thông tin COVID-19 trên ứng dụng Facebook.
Giao diện trung tâm thông tin COVID-19 trên ứng dụng Facebook.

Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ và Anh sẽ là những quốc gia đầu tiên nhận được bản cập nhật Facebook có Trung tâm thông tin COVID-19 trong 24 giờ tới, và ra mắt toàn cầu trong vài ngày tới.

“Ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi là đảm bảo mọi người có thể truy cập vào thông tin về sự bùng phát của COVID-19 từ các nguồn đáng tin cậy,” ông Zuckerberg nói trong cuộc họp báo.

Trung tâm thông tin COVID-19 sẽ bao gồm các cập nhật tin tức theo thời gian thực từ các cơ quan y tế và các tổ chức uy tin trên toàn cầu, cũng như các bài báo, video và bài đăng về các khuyến nghị ngăn chặn sự lây lan của virus.

“Ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi là đảm bảo mọi người có thể truy cập vào thông tin về sự bùng phát của COVID-19 từ các nguồn đáng tin cậy.”Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg

Trong khi đó, ngày 21/3, Google đã ra mắt một trang web phổ biến kiến thức về virus SARS-CoV-2 và đại dịch COVID-19 mà con virus này gây ra trên toàn cầu.

Trang web này cung cấp các mẹo giữ vệ sinh an toàn và thông tin chính thống về đại dịch.

Trang web có địa chỉ: google.com/covid19, “tập trung vào giáo dục, phòng ngừa và cung cấp các tài nguyên thông tin địa phương. Mọi người có thể tìm thấy thông tin dựa trên trạng thái, mẹo giữ an toàn và phòng ngừa, xu hướng tìm kiếm liên quan đến COVID-19 và các tài nguyên khác cho các cá nhân, nhà giáo dục và doanh nghiệp,” Google cho biết trong một bài đăng trên blog.

Gã khổng lồ tìm kiếm cũng cho biết rằng họ sẽ bắt đầu cung cấp những thông tin đáng tin cậy về virus trực tiếp trong kết quả tìm kiếm và trên Google Maps khi người Mỹ tìm kiếm các dịch vụ y tế.

Rõ ràng với sự chung tay, hỗ trợ từ các gã khổng lồ công nghệ, thế giới sẽ không thể bị chia cắt dù nhiều quốc gia đã phong tỏa biên giới, hạn chế đi lại, thay vào đó, nó góp phần giúp nhân loại đoàn kết hơn trong cuộc chiến chung chống lại đại dịch chết người./.