Kinh tế tư nhân

gdp5-1525247344-52.jpg

Đơn thương, độc mã! Dò dẫm từng bước đi, vừa làm ông chủ vừa làm nhân viên. Vừa viết đề án lập kế hoạch, tầm nhìn theo hướng vĩ mô, vừa bê vác như một phu hồ chính hiệu. Trăn trở, và thối chí, nản lòng muốn dừng bước rồi như lại bị đam mê bỏ bùa, rồi gạt bỏ tất cả, đối diện với áp lực, khó khăn để tiếp tục con đường đã chọn…

Đó là câu chuyện khởi nghiệp của Lê Ngọc Tùng – “ Ông chủ Đá mỹ nghệ Ninh Bình,” cũng là câu chuyện chung của hầu hết các doanh nhân Việt khi chọn đường đi là kinh tế tư nhân. Con số này khá đông, có thể nói là chiếm đa số lựa chọn của các trí thức trẻ, rời ghế đại học và muốn tạo dựng cuộc đời với năng lực chính mình, không theo lối mòn công chức, nhất là trong giai đoạn chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được mở rộng quyết liệt.

Rõ ràng, về thời điểm, về chiến lược, tầm nhìn số đông đó đã chọn đúng hướng, nắm bắt được xu thế chung. Nhưng, nghịch lý là lại có ít, rất ít trong số họ có thể tồn tại được với dòng chảy kinh tế. Và lại cũng rất ít số còn trụ lại có một năng lực đủ mạnh để cạnh tranh, để xác lập được chỗ đứng.

Phát triển theo chu trình sinh học của “Dị nhân Benjamin”

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2018 của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,38% so với cùng kỳ, đây là mức cao nhất trong 10 năm qua.

Song theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tăng trưởng không bao trùm, “mưa không đều” tới mọi thành phần kinh tế. Một minh chứng khá sinh động là trong quãng tăng trưởng vô cùng ấn tượng nêu trên chỉ có thêm 26.785 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 1,2% so với quý 1 năm 2017 và con số kém xa so với mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong quãng tăng trưởng vô cùng ấn tượng, quý 1 cả nước có thêm 26.785 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2017 và con số này kém xa so với mức tăng trưởng GDP 7,38%. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)
Trong quãng tăng trưởng vô cùng ấn tượng, quý 1 cả nước có thêm 26.785 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2017 và con số này kém xa so với mức tăng trưởng GDP 7,38%. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)

Chưa hết, vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ ở mức 10,4 tỷ đồng, quá khiêm tốn so với những năm gần đây.

“Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang nhỏ đi,” ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI nhận định. Theo ông Tuấn, sự đóng góp của khu vực kinh tế này vào GDP là rất khiêm tốn, khoảng 9%, thấp hơn mức từng đạt cách đây 7 năm tới 1,5%. Năm 2009 đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế là 10,5%, đây cũng là mức cao nhất từng có, và từ đó đến nay chưa có năm nào chạm lại đỉnh trên, ông Tuấn cho biết.

Quy mô lao động tại các doanh nghiệp đang lùi về mức thấp nhất trong lịch sử

Về cơ bản, các doanh nghiệp mới luôn đóng vai trò chính trong các tính toán tỷ trọng vốn đầu tư tại khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên từ số liệu từ Tổng cục Thống kê, quy mô của doanh nghiệp giảm liên tục (mức trung bình 460 triệu đồng/giá trị năm 1994, tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng/năm 2017) và hiện đang dừng ở mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Chưa hết, quy mô lao động tại các doanh nghiệp đang lùi về mức thấp nhất trong lịch sử (17 việc làm/công ty). Tình hình còn tệ hơn khi ông Tuấn nhấn mạnh, “con số trên là quá cao so với thực tế. Bởi từ kết quả điều tra PCI 2017, hiện trên 50% doanh nghiệp có dưới 10 lao động và 25% doanh nghiệp có hơn 50 lao động!”

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Và một thực tế u ám trong “bức tranh” vốn đã xám xịt, trong quý 1, cả nước đã chứng kiến “sự ra đi” của 3.321 doanh nghiệp và 23.658 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ hoàn tất giải thể (trong đó doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm trên 90%).

Điểm ngược lại với thời kỳ trước, khi kinh tế tư nhân còn chưa được nhiều ưu đãi và có những chính sách thuận lợi như hiện nay, thì lại là lúc “bung lụa,” cả về số doanh nghiệp mới, số vốn rót vào nền kinh tế và nguồn việc làm mà nó tạo ra.

Vậy điều gì đang xảy ra?

Lâu nay, khối doanh nghiệp tư nhân luôn “nức tiếng” là năng động, song tại sao họ không “kham nổi” áp lực cạnh tranh? Có thể liệt kê vài nguyên nhân chủ yếu là sự tồn tại của những nghịch lý.

Nghịch lý của “Quy mô Tự”

Theo tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé. Số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% của cả nước. Về năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới. Do đó, khối doanh nghiệp này gần như không đảm nhận nổi chức năng – cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới, vào thị trường trong nước.

“Quy mô Tự”, vốn dĩ là vũ khí giết chết tính chuyên nghiệp, thì ở đây lại là cách để nó tồn tại qua cơn bĩ cực.

Nhận định này của ông Lâm vô cùng xác đáng. Có thể quay lại trường hợp của đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đá mỹ nghệ Ninh Bình, với người Tổng giám đốc (29 tuổi) mò mẫm tự viết web, tự lên mạng tìm nguồn cung cấp đá, thiết bị, tự đi xin giấy phép, rồi cả tự thiết kế mẫu mã sản phẩm cho đến “thậm chí là bê đá cùng công nhân,” như Tùng kể.

Lê Ngọc Tùng, người mặc áo đen bên tay phải - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đá mỹ nghệ Ninh Bình đang giới thiệu sản phẩm với đối tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lê Ngọc Tùng, người mặc áo đen bên tay phải – Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đá mỹ nghệ Ninh Bình đang giới thiệu sản phẩm với đối tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Quy mô Tự,” vốn dĩ là vũ khí giết chết tính chuyên nghiệp – yếu tố vô cùng quan trọng của một doanh nghiệp, thì ở đây lại là cách để nó tồn tại qua cơn bĩ cực. Thành lập từ năm 2013 đến cuối năm 2017, Đá mỹ nghệ Ninh Bình có quy mô còn khá nhỏ (doanh thu 26 tỷ đổng – 30 tỷ đồng/năm) với 8 xưởng sản xuất liên kết. Công ty đang nhắm vào các dòng sản phẩm mới với mục tiêu hướng ra thị trường quốc tế. Song hiện tại, ông chủ Công ty này vẫn đang “đơn thương, độc mã” và rất muốn tìm kiếm những đối tác “có tâm, có tầm” cùng hợp tác phát triển.

Có lẽ cũng vì “Quy mô Tự”, mà ngành nghề của các doanh nghiệp thành lập mới luôn có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xây dựng, bất động sản, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo, du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Và, cũng bởi vậy mà như đánh giá của người đứng đầu ngành thống kê quốc gia: “Trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn lạc hậu, chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp nội địa hầu như chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia lớn nên chưa tận dụng được tính lan tỏa của tri thức, công nghệ và năng suất lao động.”

Nghịch lý nhận định thị trường

Nghiên cứu mới đây nhất của VCCI cũng cho thấy nhiều điểm cần lưu tâm, hiện khu vực kinh tế tư nhân sản xuất chủ yếu là phục vụ thị trường trong nước, chỉ có 11% doanh xuất khẩu và 14% doanh nghiệp bán hàng cho khu vực FDI

Mặc dù hướng vào thị trường nội địa nhưng các doanh nghiệp lại không đánh giá hết thị trường, có đến 60,4% doanh nghiệp phàn nàn “khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ,” theo Báo cáo Điều tra về xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – quý I/2018 của Tổng cục thống kê.

Mô hình “cứ đi, sẽ đến” đã quá lỗi thời, lạc hậu ở thế kỷ 21 với sự thông quan quy mô toàn cầu.

Hơn thế nữa, 46,3% số doanh nghiệp nhìn nhận “nhu cầu thị trường trong nước thấp,” trong khi mức chi tiêu thực tế của người Việt trong quý 1 lên đến 1 triệu tỷ đồng.

Năm 2018 là thời điểm phải thực hiện nhiều cam kết đối tác song phương và đa phương. Nhưng ngay lúc này, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa đánh giá cao những sức ép lực cạnh tranh đến từ bên ngoài, chỉ có “21,9% số doanh nghiệp nhận thức tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng,” theo báo cáo Điều tra.

Ngoài ra, 1/3 các doanh nghiệp được hỏi cho biết, “họ còn đang miệt mài giải quyết các vấn đề đầu vào, như khó khăn về tài chính hay không tuyển được lao động theo yêu cầu.”

Từ thực tế các con số trên cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt vô cùng mơ hồ về thị trường. Họ lao vào các dự án kinh doanh, đầu tư vào sản xuất, buôn bán các sản phẩm đầy cảm tính mà không hề có nghiên cứu rằng làm sản phẩm này cho thị trường nào, bán đi đâu, cung ứng cho ai? Nhưng mô hình “cứ đi, sẽ đến” đã quá lỗi thời, lạc hậu ở thế kỷ 21 với sự thông quan quy mô toàn cầu.

Nhưng ngay lúc này, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa đánh giá cao những áp lực cạnh tranh đến từ bên ngoài. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)
Nhưng ngay lúc này, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa đánh giá cao những áp lực cạnh tranh đến từ bên ngoài. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)

Xe ngược chiều trên đường cao tốc…

Môi trường kinh doanh trong nước gần đây được cải thiện mạnh mẽ. Năm 2017, Việt Nam đã tăng 14 hạng lên vị trí 68/190 nền kinh tế (trong Báo cáo “Doing Business” do Ngân hàng Thế giới thực hiện).

Song, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phản ánh, mặc dù các chỉ số đã cải thiện rõ rệt nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn chưa đạt được chuẩn trung bình của khu vực ASEAN. Việc thực hiện tại một số bộ, ngành “chạy” theo mục tiêu “hoàn thành,” có nghĩa là phần lớn chỉ sửa đổi các điều kiện kinh doanh thay vì bãi bỏ.

Chi trả chi phí không chính thức được coi như luật bất thành văn

“Tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’ vẫn còn. Tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đều ‘nóng’ là yếu tốt quyết định đạt được kết quả đồng đều, toàn diện, đúng mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đề ra,” ông Cung khẳng khái nói.

Dưới góc độ của gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm quốc tế, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu ví von, một nền kinh tế giống như cây cầu hiện đại. Nó rất lớn, rất hoành tráng và nếu người đi trên đó vi phạm luật giao thông song không được cơ quan chức năng xử lý thì rủi ro là hiện hữu, thậm chí là thảm khốc.

Với nền kinh tế cũng tương tự.

Môi trường kinh doanh trong nước gần đây được cải thiện mạnh mẽ. Năm 2017, Việt Nam đã tăng 14 hạng lên vị trí 68/190 nền kinh tế. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)
Môi trường kinh doanh trong nước gần đây được cải thiện mạnh mẽ. Năm 2017, Việt Nam đã tăng 14 hạng lên vị trí 68/190 nền kinh tế. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ông chia sẻ, “Tôi đang đi từ Sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, khi xe qua cầu Nhật Tân, anh tài xế gọi giật giọng ‘bác xem! bác xem kìa!’ Tôi nhìn thấy, một cô chạy xe máy ngược chiều phía bên kia cầu. Trên một đường, tốc độ chạy xe trung bình 60 – 80 km/giờ, một người điều khiển xe gắn máy chạy ngược chiều vào làn xe nhanh nhất. Sự vi phạm này ẩn chứa rủi ro kinh khủng. Song, cô gái đó vẫn bon bon chạy ngược đường trên chiếc cầu mà không gặp bất cứ sự cản trở nào.”

Báo cáo PCI 2017 của VCCI chỉ ra một phát hiện thú vị, “chi trả chi phí không chính thức được coi như luật bất thành văn” đã ăn mòn trong tiềm thức và trở thành “nét văn hóa kinh doanh” của khối doanh nghiệp. Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp cho biết, họ sẵn sàng chi trả các khoản chi phí không chính thức hay tặng quà. Đối với họ điều này phổ biến đến mức thậm chí hai bên không cần phải trao đổi với nhau.

Ở đây, tư duy “ Sông Cầu là đầu câu chuyện, Ba con 5 vừa nằm vừa ký” vẫn tồn tại gốc rễ, một thứ luật trên luật, được áp dụng mọi lĩnh vực, từ đăng ký, giấy phép ban đầu cho đến các khâu hành chính, đường đi của hàng hóa… cho đến lĩnh vực thanh kiểm tra. Các doanh nghiệp hầu như coi đây là “ngẫu, dĩ, tất yếu” rất chủ động trong việc quà cáp, không cần đến nhắc nhở hay có động thái vòi vĩnh.

“Hành vi này dường như đã trở thành một quy tắc ứng xử,” ông Đậu Anh Tuấn lo lắng nói.

Với sự tồn tại của “Quy tắc ứng xử” này, cũng như chiếc xe ngược chiều trên đường cao tốc kia, sẽ chỉ đem lại những hệ lụy vô cùng xấu cho tất cả, tiến sỹ Võ Trí Hiếu nói thêm.

(Nguồn: Vnews)

Công nghiệp 4.0 không phải là “sáo ngữ’’

Trở lại vấn đề khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam dẫu chiếm tới 98% số doanh nghiệp của cả nước, nhưng phần lớn trong số họ là những hộ gia đình với khả năng cạnh tranh yếu, và đóng góp vào GDP rất thấp (khoảng 9%), chuyên gia kinh tế, Lê Đăng Doanh lật lại: Phải chăng môi trường kinh doanh chưa thực chất tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân?”

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận định: Năm nay là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) đồng thời là năm hội nhập với các cam kết hội nhập sẽ được thực hiện rất nghiêm túc, theo đó thuế suất của hầu hết các dòng thuế nhập khẩu về 0%. Chính vì vậy, đã đến lúc phải chuyển hướng chính sách, không thể trù trừ, chậm trễ.

Phải chăng môi trường kinh doanh chưa thực chất tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân?

Ủng hộ các nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, ông Doanh khuyến nghị các nhà làm chính sách cần phải coi “minh bạch là yếu tố cốt yếu để cải cách thành công.” Theo đó, “các quy chế mới nên tận dụng công nghệ thông tin để công khai thông tin trước công chúng cũng như trách nhiệm giải trình của nhà quản lý.”

“Các doanh nghiệp thay vì biếu xén, lợi ích nhóm, ăn chênh lệch giá… thì dùng các chi phí để đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy sự năng động và sáng tạo của thế hệ trẻ,” ông Doanh nhấn mạnh.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển nhận định: “Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nói chung là tốt, đứng đầu khu vực ASEAN, thuộc vào nhóm cao của thế giới, điều này khẳng định nỗ lực của Chính phủ với những giải pháp quyết liệt giải quyết các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên sự tăng trưởng này chưa bảo đảm phát triển bền vững, khi động lực tăng trưởng chính vẫn là đầu tư nước ngoài với công nghệ thấp.”

Nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa tận dụng được tính lan tỏa của tri thức,  công nghệ và năng suất lao động. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn:  TTXVN)
Nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa tận dụng được tính lan tỏa của tri thức, công nghệ và năng suất lao động. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)

Nhận định về xu hướng kinh tế trong năm, ông Trương Đình Tuyển phân tích: Thời gian qua, chúng ta thấy vấn đề ít các doanh nghiệp cỡ vừa, thiếu hụt của các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu liên tục được nêu ra, nhưng không có lời giải. Nguyên nhân, chính là ở chỗ sản xuất trong nước chưa dịch chuyển cơ cấu nội ngành rõ ràng. Phần lớn vẫn hướng tập trung vào thị trường tài sản.

Trong nước, các nhà quản lý nói rất nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi các nước láng giềng không nói nhiều về điều này, nhưng từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… các chương trình hành động của họ là rất mạnh.”

Với phân tích trên, có thể thấy rằng nếu cách mạng công nghiệp 4.0 cứ chỉ tồn tại ở các hội thảo, các bản tham luận… và những hô hào chung chung mà không đi vào thực tiễn, nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục đưa lót tay, trả hoa hồng thành quy tắc ứng xử hàng ngày, tiếp tục “Quy mô Tự”… thì việc doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ tiếp tục “tý hon” dần cho đến khi tự triệt tiêu là điều có thể hình dung.

Trở lại với câu nhận định của ông Đậu Anh Tuấn: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang nhỏ đi, mang đến niềm sự chua xót, cay đắng đến nghẹn ngào. Nó là nhận định của người tận mắt chứng kiến sự hao khuyết dần trong bất lực. Bỗng dưng, người viết bài có cảm nghĩ, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đang như câu chuyện về cuộc đời Benjamin- dị nhân với chu trình sinh học ngược, từ một người trưởng thành, vạm vỡ rồi cứ trẻ dần, bé dần… cho đến khi chỉ còn là hình hài một đứa trẻ sơ sinh nhưng gánh cả một thời gian của cả cuộc đời dài với bao thăng trầm. Có lẽ nào?

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang nhỏ đi. Năm 2009 đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế là 10,5%, đây cũng là mức cao nhất từng có. (Nguồn: TTXVN)
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang nhỏ đi. Năm 2009 đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế là 10,5%, đây cũng là mức cao nhất từng có. (Nguồn: TTXVN)