‘Made in Vietnam’-Niềm tự hào đang nằm ở đâu?

cover01-1526980060-45.jpg

Là công dân Australia gốc Việt, chị Nguyễn Thị Huyên có một sở thích chọn mua các hàng hóa tiêu dùng mang xuất xứ “Made in Vietnam.” Theo chị, điều này chứng tỏ rằng quê nhà đang rất phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Chị cho biết, mỗi lần mua những món hàng về nhà, chị thường khoe với chồng mình (công dân Australia gốc Trung Quốc) về những thành tựu của đất nước thông qua các sản phẩm hàng hóa có giá trị cả về chất lượng và thương hiệu. Anh chồng chị luôn cười vui vẻ, chúc mừng những niềm vui “dễ thương” đó của chị.

Song cho đến một hôm, anh tủm tỉm cười và nói với chị: “Em yêu Việt Nam và anh cũng yêu mảnh đất sinh ra mình. Mỗi thứ đồ em mang về đều có phần đóng góp của người Trung Quốc ở trong đó và anh cũng vui về điều này.” Chị Huyên ngớ người và suy nghĩ về điều chồng mình nói, cuối cùng mới ngờ ngợ hiểu thế nào là chuỗi giá trị của một sản phẩm hàng hóa.

Công nhân sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thượng Đình, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/ TTXVN)
Công nhân sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thượng Đình, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/ TTXVN)

Một đôi giày thể thao xuất khẩu ra nước ngoài mang thương hiệu Nike có in dòng chữ “Made in Vietnam” sẽ được tính vào kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Do đó, niềm hạnh phúc, sự hãnh diện của chị Huyên là hoàn toàn chính đáng, nhiều người dân Việt Nam ở trong nước hay sinh sống ở nước ngoài cũng có chung tâm lý như chị.

Nhưng theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), một đôi giày xuất khẩu và mặc dù ghi xuất xứ “Made in Vietnam” song từ ý tưởng tới thiết kế hình hài, mẫu mã đôi giày, đến công nghệ, thương hiệu, các bộ phận cấu thành nên đôi giày (mũi, đế, da, dây, chỉ khâu, keo dán…) lại được đến từ nhiều quốc gia khác.

Chưa hết, trước khi đến với các “thượng đế,” đôi giày này tiếp tục được cộng thêm các chi phí gia tăng khác, từ khâu đóng gói, vận chuyển, marketing, phân phối, bán lẻ… và quan trọng hơn, công đoạn nhận giá trị cao nhất thường thuộc về ông chủ thực sự của “thương hiệu.”

Nhãn hàng của một mẫu giày
Nhãn hàng của một mẫu giày “Nike” được gia công tại Việt Nam. (Nguồn: originalfakevsreal.com)

Vậy phần “Made in Vietnam” của chúng ta đang nằm ở đâu và được bao nhiêu trong chuỗi giá trị này?

THIẾU VẮNG HOÀN TOÀN CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ

Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 25 toàn cầu về giá trị xuất khẩu (xấp xỉ 214 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu dệt may đạt 31 tỷ USD (chiếm 4% thế giới), điện thoại và linh kiện đạt 45,27 tỷ USD, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 25,94 tỷ USD…

Con số chung thì lớn như vậy, nhưng điều đáng nói kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI lại chiếm tới 72% tổng kim ngạch của cả nước (đạt 155 tỷ USD).

Mặc dù là người làm công tác quản lý, song bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngại nói ra các vấn đề vốn đang là thực trạng, “nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào FDI và mặc dù đã hình thành một số chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành nhưng rất ít trong đó tham gia được chuỗi toàn cầu. Thêm vào đó, các cụm kiên kết ngành đều do doanh nghiệp nước ngoài tham gia và sự đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng nhỏ bé (chỉ dừng lại ở việc cung cấp hạ tầng, năng lượng, dịch vụ an ninh, vệ sinh, v.v…). “Thiếu vắng hoàn toàn công nghiệp phụ trợ!” bà Thủy nhấn mạnh.

Các cụm kiên kết ngành đều do doanh nghiệp nước ngoài tham gia và sự đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng nhỏ bé

Giáo sư Nguyễn Mại, người gắn bó cả sự nghiệp với “công cuộc” thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam, từ những ngày đầu “đổi mới” đến nay (giai đoạn 1988- 2018). Hiểu rõ hơn ai hết, song ông chỉ biết thở dài đến nao lòng, “đi một chặng đường dài 30 năm, nhưng kết quả – hoạt động lan tỏa từ vực FDI vào khối doanh nghiệp trong nước không như kỳ vọng, các mối liên kết giữa những tập đoàn xuyên quốc gia với doanh nghiệp Việt Nam theo chuỗi cung ứng là hạn chế.”

Diễn giải điều này hết sức đơn giản và dễ hiểu, vị giáo sư già từ tốn: “Đôi giày Nike được nhìn nhận như một trong những biểu tượng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Và mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu giày Nike của Việt Nam là nhiều tỷ USD và giá một đôi giày Nike được bán lẻ trên thị trường hàng trăm USD song phần của người Việt Nam nhận được chưa đến 10 USD.”

TẠI SAO DOANH NGHIỆP VIỆT ĐỨNG NGOÀI CUỘC CHƠI?

Trên thực tế, Việt Nam có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất …, nhưng sự liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài các khu vực này phải nói là lỏng lẻo. Chưa hết, với văn hóa “ăn sổi,” nhiều doanh nghiệp nội ra sức cạnh cạnh tranh mua và bán với nhau, vô hình chung mở ra lợi ích cho khối doanh nghiệp nước ngoài.

Công nhân sản xuất giày xuất khẩu tại một nhà máy ở Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) 
Công nhân sản xuất giày xuất khẩu tại một nhà máy ở Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) 

Quan sát trên phương diện tổng thể, bà Bùi Thu Thủy chỉ ra, các doanh nghiệp Việt sản xuất và tiêu thụ phân mảnh và thiếu liên kết, chưa tham gia được những khâu có giá trị gia tăng cao (như nghiên cứu và phát triển – R&D, chế biến, phân phối và marketing) hoặc mức độ rất thấp.

Điều này dẫn tới, kim ngạch xuất khẩu của cả nước thì cao nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Thậm chí thời gian gần đây, khối FDI đã thâm nhập cả vào những lĩnh vực thuộc lợi thế của quốc gia (như cà phê, cao su, thuỷ sản…), khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu giá rẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam đứng trước nguy cơ chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu giá rẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Tổng thư ký Hiệp hội da giày, túi xách (Lefaso), bà Phan Thị Thanh Xuân không khỏi quan ngại chỉ ra những thách thức của ngành trong giai đoạn tới, đó là phí nhân công cao, xu thế tự động hóa, chính sách bảo hộ mậu dịch và sự cạnh tranh thị trường quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

“Qua khảo sát của Lefaso, hiện nay 75% doanh nghiệp rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng tự động hóa, chỉ 25% bắt đầu ở quy mô nhỏ và dưới 5% có kế hoạch xây dựng,” bà Xuân cho hay.

Bài học từ gã “khổng lồ” Samsung

Để tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, theo Bà Trương Thị Chí Bình Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc về tiêu chuẩn kỹ thuật, hàm lượng hóa chất, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống quản trị cũng nằm trong yêu cầu chung (như hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, năng lượng, các công cụ quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế…).

“Phát triển bền vững là điểm cộng, được các đối tác quốc tế khuyến khích trong quá trình đàm phán đưa ra quyết định hợp tác,” bà Bình cho biết thêm.

Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã tạo ra việc làm cho 64.000 lao động. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã tạo ra việc làm cho 64.000 lao động. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

“Các doanh nghiệp nội vẫn có thể tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua mối liên kết với doanh nghiệp FDI,” khẳng định điều này giáo sư Nguyễn Mại lấy câu chuyện Samsung làm ví dụ điển hình về việc tham gia chuỗi cung ứng của một tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1996, nhưng tới năm 2008, Samsung mới mở rộng quy mô sản xuất. Tới nay, Samsung đã có 6 nhà máy tại Việt Nam với “cỗ máy” sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng (tivi, máy điều hóa nhiệt độ, máy giặt, điện thoại…). Với số vốn đầu tư lên trên 17 tỷ USD, tập đoàn này đã tạo ra 170.000 việc làm cho người lao động.

Năm 2017, Samsung đạt doanh thu 62 tỷ USD, xuất khẩu ra thị trường 52 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch 54,4 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim gạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Mại, từ tháng 9/2015, Samsung đã triển khai các chương trình tăng cường năng lực cho các nhà cung ứng Việt Nam, thông qua việc cử chuyên gia Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho công ty Việt Nam. Các chuyên gia đã hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn về cung ứng linh kiện, phụ kiện cho nhà máy của Samsung.

Triển lãm nghành công nghiệp phụ trợ. (Nguồn: TTXVN)
Triển lãm nghành công nghiệp phụ trợ. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả, ông Mại cho biết một số dẫn chứng có tính thuyết phục, “sau 3 tháng làm việc với chuyên gia, tỷ lệ hàng tồn kho tại Công ty Goldsun (Việt Nam) đã giảm 60%, tỷ lệ lỗi thiết bị cũng giảm 72% đồng thời tỷ lệ sản xuất chính xác tăng từ 0% lên 94%.

Tương tự, Công ty Mida (Việt Nam) đạt hiệu suất tổng hợp thiết bị tăng 26%, năng suất vận hành thiết bị tăng 59% và tỷ lệ hàng lỗi giảm 52%, tỷ lệ hàng tồn kho giảm 54%.”

Với phương thức làm việc đó, đến cuối năm 2017, Samsung hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, trong đó có 29 nhà cung cấp (cấp I) và dự kiến lên 50 nhà cung cấp (cấp I) vào năm 2020.

“Từ kinh nghiệm hợp tác thành công giữa doanh nghiệp Việt Nam với tập đoàn Samsung, có thể khẳng định rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu họ đủ tự tin và chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt phải xác định đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao theo lộ trình thích hợp,” ông Mại nói.

Nhìn rộng ra, trong thế giới hội nhập và phẳng hơn bao giờ hết, mỗi công dân Việt Nam cũng đang chờ đợi một vị thế rõ ràng hơn, hiệu quả hơn sự đóng góp của họ trong “chuỗi giá trị” của mỗi sản phẩm hàng hóa được gắn mác thương hiệu quốc gia “Made in Vietnam”./.

Biểu đồ nghành công nghiệp điện tử.(Nguồn: Vietnam+)
Biểu đồ nghành công nghiệp điện tử.(Nguồn: Vietnam+)