Nước Mỹ có thể học được gì?

Suốt nhiều thập kỷ qua, Mỹ luôn là nước đi đầu trong việc hỗ trợ các quốc gia khác phát triển, bất kể là thông qua các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) như Nông dân tới Nông dân, các chương trình giáo dục như học bổng Fulbright, hay các hoạt động tình nguyện như Đoàn Hòa bình.

Nhưng tình thế đã thay đổi – ít nhất là khi xét tới những tiến bộ về tài chính toàn diện. Các quốc gia như Kenya và Việt Nam đã và đang có những bước tiến vượt bậc so với Mỹ. Trong khi hàng chục triệu người Mỹ không có tài khoản ngân hàng hay không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, những quốc gia này lại đang nhanh chóng phát triển các hệ thống tài chính hiện đại, giúp hàng triệu người tiếp cận với những dịch vụ trước đây chưa từng có.

Đương nhiên, môi trường của các thị trường mới nổi có sự khác biệt rất lớn với những thị trường đã cân bằng như Mỹ, và các giải pháp không chỉ đơn giản là sự sao chép và áp dụng từ thị trường này sang thị trường khác. Nhưng xét về tốc độ tiến bộ ở mỗi nước này, rất đáng dành thời gian để tìm hiểu xem họ đã làm được điều đó bằng cách nào, và nước Mỹ vẫn còn thiếu sót ở đâu.

(Nguồn: Getty Images)
(Nguồn: Getty Images)

Câu khẩu hiệu “muốn nghèo là điều xa xỉ” vẫn tiếp tục là sự thật ở Mỹ. Trong khi những khách hàng giàu có bị cám dỗ bởi những tổ chức tài chính với những lời đề nghị tham gia hấp dẫn và miễn phí kèm theo thời gian chơi golf, những người ở dưới đáy kim tự tháp phải trả tiền cho mọi dịch vụ cơ bản, bao gồm phí giao dịch viên, in sao kê bằng giấy và phí duy trì tài khoản hàng tháng.

Với nhiều người, việc không có khả năng tiếp cận một chi nhánh ngân hàng thực tế – các chi nhánh ngân hàng chỉ tập trung ở các vùng đô thị – cũng có nghĩa là họ chẳng thể tiếp cận với bất kỳ dịch vụ ngân hàng nào.

Kết quả là, “khoảng 6,5% số hộ gia đình ở Mỹ không có tài khoản tại ngân hàng, trong khi 18,7% “không sử dụng ngân hàng” – họ có tài khoản, nhưng cũng dùng cả chi phiếu hoặc các khoản vay nóng. Nhìn chung, hơn 60 triệu người trưởng thành ở Mỹ không có tài khoản ngân hàng hoặc “không sử dụng ngân hàng.”

“Khoảng 6,5% số hộ gia đình ở Mỹ không có tài khoản tại ngân hàng, trong khi 18.7% “không sử dụng ngân hàng”

Không nhất thiết phải như vậy. Lấy ví dụ tại Kenya: 82% dân số ở đây có tài khoản tài chính – tỷ lệ cao nhất ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara – và cao gần gấp đôi so với năm 2011 theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Kenya có thể bứt phá như vậy trong khi Mỹ vẫn dậm chân tại chỗ chủ yếu vẫn là nhờ hệ thống ví di động M-Pesa. Sáng chế công nghệ thấp này – có thể sử dụng được trên cả điện thoại di động thông thường thay vì chỉ trên điện thoại thông minh – đã đặt chân đến Kenya rất lâu trước khi Venmo trở thành cơn sốt mới của những người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ.

Ra mắt năm 2007 bởi nhà khai thác mạng di động Safaricom, M-Pesa cho phép người dùng thanh toán mọi thứ, từ các hóa đơn dịch vụ tiện ích tới đồ ăn tại các hàng quán ven đường. Hệ thống này rất đơn giản: Người dùng cất tiền trong ví điện tử trên điện thoại của họ và dùng ví này để trả tiền cho các dịch vụ bằng cách gửi tiền ngay qua tin nhắn tới người dùng khác với mức phí rất thấp hoặc thậm chí là miễn phí.

Bị những lợi ích của dịch vụ này thuyết phục, người dân Kenya đã đổ xô đi cài đặt ứng dụng này. Không chỉ gần như tất cả những người có tài khoản tài chính sử dụng nền tảng M-Pesa, hàng triệu người trước đây chưa từng có tài khoản tài chính cũng đã sử dụng hệ thống ví điện tử này. Theo số liệu năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, thực tế có tới 73% người dân Kenya sử dụng tài khoản tiền trên di động.

Sự phát triển tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam. Sau nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh và các chính sách kinh tế thất bại khiến Việt Nam trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới, đất nước này đã trở thành một “Trung Quốc thu nhỏ” về mặt kinh tế trong 10 năm qua với sự chiếm lĩnh của cuộc cách mạng di động. Điện thoại thông minh và cước sử dụng tương đối rẻ, giúp hàng triệu người Việt Nam tiếp cận với thế giới trực tuyến.

Những kết quả thu được cũng ở tốc độ nhanh như chớp. Theo Ngân hàng Thế giới, tới năm 2014, cứ ba người ở Việt Nam thì có một người có tài khoản ngân hàng chính thức. Con số này chỉ bằng khoảng một nửa so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu. Nhưng khi ví điện tử nổi lên như một lựa chọn thay thế, ngày càng có nhiều người tiếp cận được với hệ thống tài chính.

MoMo, một dịch vụ thanh toán trực tuyến ở Việt Nam, hiện đã có 5 triệu người dùng. Và chỉ mới trong tháng vừa qua, Grab – Uber Đông Nam Á – đã ra mắt giải pháp thanh toán qua di động GrabPay, dự kiến sẽ đưa thêm hàng triệu người nữa vào hệ thống tài chính.

Tới năm 2014, cứ ba người ở Việt Nam thì có một người có tài khoản ngân hàng chính thức.

Các sáng kiến như vậy cũng tồn tại ở Mỹ. Hiện nay có rất nhiều người sử dụng PayPal, Venmo, Zelle hoặc một số ứng dụng ngân hàng di động khác. Và một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính về công nghệ tài chính đã nhấn mạnh rằng trong 7 năm qua, hơn 3.330 công ty “công nghệ tài chính” (fintech) mới đã được thành lập. Các công ty này cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính, bao gồm các khoản vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ vốn trước đây luôn gặp khó khăn trong việc đi vay, thanh toán điện tử và đầu tư.

Tuy nhiên, việc áp dụng các sáng kiến tài chính một cách nhanh chóng và ở quy mô lớn tại Mỹ vẫn còn là một thách thức. Trong khi các thị trường mới nổi như Việt Nam nhìn chung vẫn tụt hậu khi xét về khía cạnh tài chính toàn diện, nhưng họ lại thường ở vị trí có lợi thế để đột phá do không phải chịu gánh nặng của những lề thói lỗi thời và cơ sở hạ tầng như tại các nước phát triển.

Lấy ví dụ, không người tiêu dùng nào ở Kenya mơ về việc viết một tờ séc. Thế nhưng ở Mỹ, séc bằng giấy vẫn là một bộ phận phiền toái, nhưng được chấp nhận trong đời sống tài chính.

Vậy nước Mỹ cần phải làm gì?

Đầu tiên, cần mở rộng phạm vi phủ sóng di động ở vùng nông thôn Hoa Kỳ. Ủy ban Truyền thông Liên bang ước tính có 30% người dân sống ở vùng nông thôn Hoa Kỳ thiếu tiếp cận với internet băng thông rộng. Rất nhiều trong xấp xỉ 15 triệu người Mỹ vẫn không được tiếp xúc với Internet băng thông rộng cũng như các dịch vụ tài chính cơ bản nếu chính phủ và các nhà khai thác mạng di động không hành động.

Trong thập niên 1930 và 1940, chính phủ liên bang đã thành lập một hệ thống tài trợ và cho vay để bảo đảm toàn dân được tiếp cận với điện và dịch vụ điện thoại. Các doanh nghiệp và các khách hàng ở thành thị chịu phí cao hơn một chút để trợ cấp cho việc mở rộng kết nối ở nông thôn. Cách tiếp cận tương tự có thể có ích với việc mở rộng tiếp cận băng thông rộng ngày nay.

(Nguồn: Getty Images)
(Nguồn: Getty Images)

Thứ hai, nâng cao hiểu biết về tài chính. Những nỗ lực giáo dục học sinh trung học về các kỹ năng tài chính cơ bản vẫn đang được thực hiện trong vài năm qua. Những nỗ lực này chủ yếu tập trung vào các cộng đồng có thu nhập thấp, và có xu hướng thu được kết quả tốt.

Nhưng số người thiếu kiến thức về tài chính ở Mỹ lớn hơn nhiều so với học sinh trung học. Việc đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn đòi hỏi sự ôn lại các bài học một cách thường xuyên. Ví dụ, môi trường lãi suất thấp trong thập kỷ vừa qua về cơ bản đã định hình lại cách mà người lao động nên tiếp cận với tiết kiệm hưu trí. Vay mượn quá nhiều cũng tiếp tục tạo ra những thách thức đáng kể cho nhiều hộ gia đình ở Mỹ.

Số người thiếu kiến thức về tài chính ở Mỹ lớn hơn nhiều so với học sinh trung học.

Thứ ba, cập nhật các quy tắc và quy định từ các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương để khuyến khích thay vì ức chế sự đổi mới. Một sự chắp vá của các cơ quan quản lý nhà nước và sự không chắc chắn ở mức cao về phương hướng quy định trong tương lai khiến các công ty công nghệ tài chính gặp khó khăn trong việc tổ chức quy mô kinh doanh và khiến các nhà đầu tư đang tìm cách rót vốn cho họ hay các ngân hàng truyền thống đang cân nhắc hợp tác với họ phải đau đầu.

Trong khi Hoa Kỳ vẫn là nhà của một số tên tuổi lớn nhất trong ngành, nhiều doanh nghiệp tỷ đô đang xuất hiện ở những vùng địa lý khác, cụ thể là tại các hệ sinh thái thân thiện với sự đổi mới ở châu Á. Một cách giải quyết nhanh chóng mà các nhà quản lý nên cân nhắc là: Giới thiệu những “hộp cát,” tức là những lĩnh vực mà quy định cho phép việc thử nghiệm có trách nhiệm. Chúng sẽ cho phép các nhà cung cấp thử nghiệm các giải pháp mới ở quy mô hạn chế trước khi giới thiệu chúng cho các nhóm khách hàng lớn hơn.

Nếu chính phủ và khu vực tư nhân hành động trong lĩnh vực này và trên các mặt trận khác, tài chính toàn diện một ngày nào đó sẽ là điều có thể ở Mỹ. Nhiều người Mỹ có thể chưa từng nghĩ rằng họ có thể đạt được điều đó bằng cách học hỏi từ Kenya và Việt Nam. Nhưng đó có lẽ chính xác là những gì nước Mỹ cần làm.

(Kai Keller là người lãnh đạo dự án ổn định tài chính, đổi mới và tăng trưởng kinh tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Peter Vanham là cây bút chính của Diễn dàn Kinh tế Thế giới. Các ý kiến được trình bày trong bài viết này là ý kiến riêng của họ).

(Nguồn: Getty Images)
(Nguồn: Getty Images)