Mỹ là bên thua cuộc trong chiến tranh thương mại?

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây đã chuyển từ lời nói sang hành động trong chiến dịch được tuyên bố công khai nhằm bảo vệ người lao động Mỹ trước điều mà Trump gọi là “sự tàn bạo” của “những thỏa thuận thương mại khủng khiếp.” Tuy nhiên, cho dù chính quyền Trump kêu gào “Nước Mỹ trên hết,” nước Mỹ có thể đã thấy mình ở bên thua cuộc trong một cuộc chiến tranh thương mại.

Stephen S. Roach, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Yale và là cựu Chủ tịch tập đoàn Morgan Stanley Asia, tác giả cuốn “Unbalanced: Codependency of America and China” (Tình trạng mất cân bằng: Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc) cho rằng chiến tranh thương mại chỉ dành cho những kẻ thua cuộc. Có lẽ đây là điều hoàn toàn trớ trêu đối với một vị tổng thống từng lên tiếng cam kết nước Mỹ sẽ bắt đầu “chiến thắng” trở lại.

Bản dịch bài viết của giáo sư Stephen S. Roach – bằng cách nào để thua một cuộc chiến tranh thương mại – được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Theo chủ nghĩa bảo hộ ngay từ đầu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây đã chuyển từ lời nói sang hành động trong chiến dịch được tuyên bố công khai nhằm bảo vệ người lao động Mỹ trước điều mà Trump gọi là “sự tàn bạo” của “những thỏa thuận thương mại khủng khiếp.”

Điều không may là đường hướng hành động này tốt nhất cũng chỉ được coi là hành động nhìn lại quá khứ. Trong trường hợp tồi tệ nhất, điều này có thể dẫn đến những biện pháp trả đũa mà nó chỉ làm trầm trọng hơn thảm cảnh của người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ đang phải đối mặt. Đây chính xác là cách thức khởi đầu cho một cuộc chiến tranh thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) ký ban hành luật áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu pin Mặt trời và máy giặt tại Washington, DC. ngày 23/1. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) ký ban hành luật áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu pin Mặt trời và máy giặt tại Washington, DC. ngày 23/1. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Trung Quốc rõ ràng là mục tiêu được nhắm tới. Việc áp đặt vào ngày 23/1 vừa qua cái gọi là biểu thuế tự vệ đối với việc nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt theo Điều 201 Đạo luật Thương mại 1974 chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều có ý nghĩa là hành động này có thể là loạt súng khai mào cho một loạt biện pháp khác sẽ được áp dụng tiếp sau đó.

Tháng Tám năm ngoái, Đại diện thương mại Mỹ đã phát động các cuộc điều tra theo Điều 301 nhằm vào Trung Quốc trong 3 lĩnh vực bao trùm: quyền sở hữu trí tuệ, sáng tạo, và phát triển công nghệ. Điều này có thể dẫn tới các biện pháp trừng phát tiếp theo. Ngoài ra, cái gọi là cuộc điều tra Điều 232 về mối đe dọa an ninh quốc gia xuất phát từ sản phẩm thép nhập khẩu không công bằng cũng nhằm hoàn toàn vào Trung Quốc với tư cách là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Những hành động này khó có thể coi là một điều bất ngờ đối với một vị tổng thống đã từng lên tiếng cam kết trong bài phát biểu nhậm chức của mình cách đây một năm là “… bảo vệ đường biên giới (của nước Mỹ) trước sự tàn phá của các quốc gia khác đang làm ra những sản phẩm của chúng ta, đánh cắp các công ty của chúng ta, và đang triệt phá công ăn việc làm của chúng ta.” Tuy nhiên đó chính là rắc rối của vấn đề. Cho dù chính quyền Trump kêu gào “Nước Mỹ trên hết,” nước Mỹ có thể đã thấy mình ở bên thua cuộc trong một cuộc chiến tranh thương mại.

Biểu thuế áp đặt cho sản phẩm tấm pin năng lượng Mặt Trời và máy giặt là đi chệch một cách vô vọng khỏi những dịch chuyển mang tính chuyển đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu của cả hai ngành công nghiệp này.

Trước hết, biểu thuế áp đặt cho sản phẩm tấm pin năng lượng Mặt Trời và máy giặt là đi chệch một cách vô vọng khỏi những dịch chuyển mang tính chuyển đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu của cả hai ngành công nghiệp này. Việc sản xuất tấm pin Mặt Trời từ lâu đã được chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Malaysia, Hàn Quốc, và Việt Nam, những nước chiếm khoảng 2/3 toàn bộ sản phẩm pin Mặt Trời nhập khẩu của Mỹ. Còn Samsung, một công ty cung cấp máy giặt nước ngoài hàng đầu, mới đây đã khai trương một nhà máy sản xuất máy giặt mới ở bang South Carolina.

Ngoài ra, trong khi chính quyển Trump cứ nhăm nhăm vào tình trạng mất cân bằng quá mức trong thương mại song phương với Trung Quốc thì họ lại tiếp tục bỏ qua những lực lượng kinh tế vĩ mô đã gây ra một mức thâm hụt thương mại đa phương của Mỹ với 101 quốc gia. Do tiết kiệm nội địa cũng như tiêu dùng và tăng trưởng trong nước không đủ, nước Mỹ phải nhập các khoản tiết kiệm thặng dư từ bên ngoài và chịu những mức thâm hụt tài khoản vãng lai và thương mại khổng lồ nhằm thu hút vốn từ nước ngoài.

Máy giặt LG được trưng bày tại Triển lãm điện tử tiêu dùng ở Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 6/1/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Máy giặt LG được trưng bày tại Triển lãm điện tử tiêu dùng ở Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 6/1/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hậu quả là việc tìm cách để đuổi kịp Trung Quốc, hay bất kỳ nước nào khác, mà không giải quyết nguyên nhân gốc rễ là mức tiết kiệm thấp, có khả năng giống như việc bóp một đầu một quả bóng nước: nước đơn thuần sẽ dồn sang đầu kia của quả bóng. Với mức thâm hụt ngân sách của Mỹ có khả năng sẽ tăng thêm ít nhất 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới do những biện pháp cắt giảm thuế gần đây, những sức ép đối với tiết kiệm trong nước sẽ chỉ tăng lên mà thôi. Trong bối cảnh như vậy, các chính sách bảo hộ mậu dịch sẽ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những nhu cầu về vốn nước ngoài vốn đang gặp khó khăn đối với nước Mỹ – tạo ra sức ép đối với lãi suất của Mỹ, đối với tỷ giá hối đoái của đồng đôla, hoặc đối  với cả hai.

Thêm vào đó, các đối tác thương mại của Mỹ có khả năng sẽ đáp trả giống như vậy, đẩy sự tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của Mỹ vào nguy cơ nghiêm trọng. Ví dụ, các mức thuế trả đũa của Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và đang tăng trưởng nhanh chóng của Mỹ – có thể sẽ dẫn tới việc ngừng thực sự các hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Mỹ vào nước này như đậu tương, máy bay, một loạt rộng lớn máy móc thiết bị, và phụ tùng ôtô. Và dĩ nhiên, Trung Quốc luôn có khả năng giảm việc mua trái phiếu của Mỹ với những hậu quả nghiêm trọng đối với giá trị tài sản tài chính (của Mỹ).

LG Electronics, công ty cung cấp nước ngoài hàng đầu, mới đây đã loan báo tăng giá mỗi sản phẩm thêm 50 USD để đối phó với việc Mỹ áp đặt thuế mới. Người tiêu dùng Mỹ hiện đã ở bên thua cuộc trong các cuộc chiến thương mại đầu tiên của chính quyền Trump.

Cuối cùng, người ta phải xem xét đến những điều chỉnh giá có khả năng sẽ tăng trở lại từ tình trạng trì trệ trong dòng chảy thương mại hiện tại. Những sức ép cạnh tranh từ lĩnh vực chế tạo giá thành thấp của nước ngoài đã làm chi phí trung bình cho việc lắp đặt thiết bị pin Mặt Trời tại Mỹ giảm tới 70% kể từ năm 2010. Những mức thuế mới sẽ làm tăng giá của các tấm pin Mặt Trời sản xuất ở nước ngoài – điều này về mặt chức năng tương đương với việc tăng thuế đối với người tiêu dùng năng lượng và là một sự thụt lùi đối với nỗ lực đẩy mạnh việc sử dụng nhiên liệu không phải carbon.

Một hành động tương tự như vậy có thể sẽ được thực hiện bởi các nước sản xuất máy giặt; LG Electronics, công ty cung cấp nước ngoài hàng đầu, mới đây đã loan báo tăng giá mỗi sản phẩm thêm 50 USD để đối phó với việc Mỹ áp đặt thuế mới. Người tiêu dùng Mỹ hiện đã ở bên thua cuộc trong các cuộc chiến thương mại đầu tiên của chính quyền Trump.

Trái ngược với những lời lẽ cứng rắn của Trump, hiện Mỹ không có chiến lược nào để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Điều này không có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên né tránh việc giải quyết những hành vi buôn bán không công bằng. Cơ chế giải quyết tranh quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới được thiết kế cho chính mục tiêu đó cần được ghi nhớ, và cơ chế này đã làm việc hoàn toàn có hiệu quả có lợi cho nước Mỹ trong những năm qua.

Lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt trời của Công ty năng lượng Goldin. (Nguồn: GETTY IMAGES/TTXVN)
Lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt trời của Công ty năng lượng Goldin. (Nguồn: GETTY IMAGES/TTXVN)

Kể từ khi WTO ra đời năm 1995, Mỹ đã nộp đơn khiếu nại 123 trong số 537 vụ tranh chấp được đưa ra trước tổ chức này – trong đó có 21 vụ kiện nhằm vào Trung Quốc. Trong khi việc phân xử của WTO cần thời gian và nỗ lực, thì phần lớn những phán quyết đưa ra là có lợi cho Mỹ.

Với tư cách là một quốc gia của luật pháp, nước Mỹ khó có thể đứng ra ngoài khuôn khổ hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy định luật lệ. Nếu như có thể nói được điều gì đó, chính điều này càng làm nổi bật tình cảnh đáng buồn của việc chính quyền Trump rút khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều cái chắc chắn sẽ đem lại một khuôn khổ mới và mạnh mẽ cho việc giải quyết những lo ngại về những hành vi thương mại của Trung Quốc.

Đồng thời, Mỹ hoàn toàn có quyền nhấn mạnh vào việc các công ty đa quốc gia của mình có quyền tiếp cận công bằng với các thị trường nước ngoài; trong những năm qua, đã có hơn 3.000 hiệp định đầu tư song phương được ký kết trên khắp thế giới nhằm đảm bảo việc đối xử bình đẳng như vậy.

Chiến tranh thương mại chỉ dành cho những kẻ thua cuộc. Có lẽ đây là điều hoàn toàn trớ trêu đối với một vị tổng thống từng lên tiếng cam kết nước Mỹ sẽ bắt đầu “chiến thắng” trở lại.

Việc hiện không tồn tại một hiệp định như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc là một ngoại lệ nổi bật, với tác động không may mắn là hạn chế những cơ hội của các công ty Mỹ được tham gia vào quá trình mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước của Trung Quốc. Với tình trạng căng thẳng về thương mại tăng lên, những hy vọng về một sự khai thông đối với một hiệp định đầu tư Mỹ-Trung hầu như đã bị loại trừ.

Chiến tranh thương mại chỉ dành cho những kẻ thua cuộc. Có lẽ đây là điều hoàn toàn trớ trêu đối với một vị tổng thống từng lên tiếng cam kết nước Mỹ sẽ bắt đầu “chiến thắng” trở lại.

Thượng nghị sỹ Reed Smoot và Hạ nghị sỹ Willis Hawley cũng đã từng đưa ra lời hứa trống rỗng tương tự như vậy vào năm 1930, dẫn tới những biểu thuế bảo hộ mậu dịch mà chúng đã làm trầm trọng thêm cuộc Đại Suy thoái và làm mất ổn định trật tự quốc tế. Điều đáng buồn là một trong những bài học đau lòng của lịch sử hiện đại hầu như đã bị quên lãng hoàn toàn./.

Ông Trump luôn đề cao khẩu hiệu
Ông Trump luôn đề cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” (Nguồn: AFP/TTXVN)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập