Nghe ‘dân nhà nghề’ chia sẻ

Những người làm nghề du lịch thường đi du lịch như thế nào, có gì đặc biệt và khác biệt với dân “ngoại đạo”? Chắc chắn, do đặc thù công việc, họ sẽ có rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm và “bí kíp” bổ ích.

Cùng lắng nghe chia sẻ bàn tròn của những người đã từng đặt chân đến cả trăm quốc gia, hay được ví như “cán bộ đường lối” ở các nước trong khu vực châu Á, để xem có những câu chuyện gì thú vị, tìm hiểu cách họ khám phá thế giới ra sao để vừa an toàn, vừa vui lại vừa “chất”…

“Đi du lịch sung sướng thì cũng… bình thường thôi”

– Xin anh, chị có thể chia sẻ cách mà những người làm nghề du lịch như anh, chị khi đi khám phá thế giới có gì khác biệt và đặc biệt hơn những người được coi là “ngoại đạo”?

Chị Vũ Minh Châu (Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Cũng như tất cả mọi người đang làm các công việc khác, người làm du lịch như tôi cũng rất yêu thích khám phá thế giới, không phải với tư cách công việc mà với tư cách một du khách.

Điều khác biệt nếu có thì nằm ở chỗ, do bản thân tôi là người trong nghề, nên tiêu chí lựa chọn điểm đến, yêu cầu về dịch vụ và cách thức tiếp cận dịch vụ sẽ không giống như đại đa số các du khách khác.

Du khách Việt Nam lễ trong một đền thờ ở Ibaraki. (Ảnh: Như Nam)
Du khách Việt Nam lễ trong một đền thờ ở Ibaraki. (Ảnh: Như Nam)

Mỗi lần đi du lịch tôi đều có kế hoạch trước, có thể ngắn gọn hay dày đặc tùy thuộc vào từng chuyến đi khác nhau, và luôn có ba bước.

Bước 1: Chọn điểm đến. Tôi ít khi chọn một điểm đến chỉ vì điểm đến đó đang “hot” trên truyền thông hay đơn giản đó là điểm đến nhiều người lựa chọn. Tôi chọn điểm đến theo cảm giác mà mình đang muốn có, theo tâm trạng và theo tính chất những người tham gia.

Ví dụ, khi cần một điểm đến sau thời gian làm việc vất vả và cần nghỉ ngơi, tôi thường chọn những khu nghỉ dưỡng trên núi, thật gần gũi thiên nhiên, yên tĩnh để đơn thuần hít thở không khí trong lành, tái tạo năng lượng và đọc sách thư giãn.

“Tôi ít khi chọn một điểm đến chỉ vì điểm đến đó đang ‘hot’ trên truyền thông hay đơn giản đó là điểm đến nhiều người lựa chọn.“

Khi đi với nhóm bạn đồng niên vui vẻ, tôi lại chọn những bờ biển nắng ấm, có không gian trẻ trung đầy âm nhạc và các hoạt động giải trí. Khi đưa bố mẹ đi nghỉ, tôi chọn những điểm đến có những di tích lịch sử, có bề dày văn hóa, nghệ thuật…

Bước 2: Lên kế hoạch về thời lượng chuyến đi, các dịch vụ cần hỗ trợ và những điểm đến không thể bỏ qua. Ở bước này, tôi kết hợp cả hai cách thức tiếp cận dịch vụ đã nêu ở trên, tinh lọc những điểm mạnh của từng cách thức và hạn chế những hậu quả xấu.

Thời lượng chuyến đi cần phù hợp với đối tượng đi du lịch, tình trạng sức khỏe và cả tính chất công việc của các thành viên chuyến đi. Người già thì ít phù hợp với những bãi biển nóng bỏng; trẻ sơ sinh nếu đến những vùng thời tiết khắc nghiệt sẽ vất cả cho cả bé và bố mẹ; người quá bận rộn mà cố đi một chuyến quá dài sẽ ảnh hưởng hoặc công việc hoặc chất lượng chuyến đi, do phát sinh các việc cần giải quyết khi bản thân đang đi nghỉ.

Du lịch tâm linh là loại hình du lịch được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn vào mỗi dịp năm mới. (Ảnh: Như Nam)
Du lịch tâm linh là loại hình du lịch được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn vào mỗi dịp năm mới. (Ảnh: Như Nam)

Tôi thường đi du lịch với người thân, bạn bè nên luôn tìm các điểm đến phù hợp cho từng nhóm khác nhau. Cũng may, tôi là người dễ thích nghi nên từ nhóm người già đến nhóm trẻ em, tôi đều dễ dàng hòa nhập và thưởng thức.

Có điều, việc đặt trước những dịch vụ cơ bản của chuyến đi như phương tiện di chuyển (vé máy bay/ tàu xe…), và điểm lưu trú là rất quan trọng. Những dịch vụ khác có thể linh động hoặc đặt thêm khi tới địa phương, nhưng hai yếu tố cơ bản trên không đặt trước thì nguy cơ “vỡ tour” rất cao.

Nếu quan sát kỹ về những lùm xùm kêu ca của du khách về việc bị “chặt chém” hoặc không ưng ý thì đa phần vấn đề nằm ở hai dịch vụ này. Cũng vì thế, tôi thường dành một khoản khá dày dặn cho khách sạn và phương tiện di chuyển.

Phương tiện di chuyển tốt và an toàn, sẽ mang lại sức khỏe và tinh thần tốt để hưởng thụ chuyến du lịch; khách sạn tốt mang lại sự yên tâm và cơ hội tái tạo sức lực cho toàn bộ những ngày trong chuyến đi. “Một đêm nằm bằng một năm ở” là như vậy.

“Tìm hiểu trước, đi, quan sát rồi lựa chọn là mấu chốt của chuyến đi như ý.”

Ngoài ra, đồ ăn hoặc các trải nghiệm tại điểm đến thì tùy vào độ hiểu biết điểm đến mà tôi lựa chọn đặt dịch vụ trước hay để đến nơi mới mua dịch vụ. Thường những chỗ đến lần đầu tiên, tôi sẽ đặt cả dịch vụ ăn uống trước cho 1-2 ngày đầu, rồi sau đó tự khám phá sau.

Với những khám phá tại địa phương, tôi vừa dựa vào danh sách điểm đến được khuyến nghị trước để tham khảo, đồng thời quan sát rồi mới quyết định có lựa chọn những điểm đó không.

Có lợi thế mắt quan sát của dân trong nghề nên tôi thường kết hợp danh sách có trước với tình hình thực tế khá ổn. Có những điểm đến rất nổi tiếng nhưng tôi vẫn không chọn, đơn giản vì nếu chỉ đến vì người ta từng đến thì chuyến đi của mình lại trở thành chuyến đi hộ cho người ta mất rồi. Ngược lại, có những điểm đến không nổi tiếng nhưng được người dân địa phương yêu thích, có khi lại chính là hồn cốt của chuyến đi.

Tìm hiểu trước, đi, quan sát rồi lựa chọn là mấu chốt của chuyến đi như ý.

Chị Minh Châu thích ghi dấu ấn Việt Nam ở bất cứ nơi nào từng ghé qua. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Minh Châu thích ghi dấu ấn Việt Nam ở bất cứ nơi nào từng ghé qua. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Phùng Quang Thắng (Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam): Những người làm nghề như chúng tôi đi du lịch sẽ rất khác với những người khác.

Điểm thứ nhất, những ai làm du lịch rồi thường hướng đến du lịch thông minh. Có nghĩa là, chọn thời điểm thích hợp nhất, là những mùa thấp điểm thì sẽ có cơ hội trải nghiệm du lịch tốt hơn, dịch vụ cũng tốt hơn, giá cả rẻ hơn… Tất nhiên, còn tùy thuộc vào sở thích từng nhóm người, từng người.

Trước mỗi chuyến đi, tôi thường nghiên cứu rất kỹ và cập nhật tình hình những điều kiện khách quan điểm đến, từ thời tiết, tình trạng các khu du lịch, thông tin xã hội của khu vực sẽ đến.

Thứ hai, tôi quan tâm những điểm đến có tính khám phá và thích tìm hiểu những thông tin về văn hóa, lịch sử, thông tin điểm đến.

“Tôi thích đi kiểu ‘du lịch balo’ chứ đi du lịch sung sướng thì cũng bình thường thôi. Vì đi kiểu này trải nghiệm được nhiều hơn, dịch vụ phổ thông được nhiều người sử dụng.”

Thứ ba, tôi thích đi kiểu “du lịch balo” chứ đi du lịch sung sướng thì cũng bình thường thôi. Vì đi kiểu này trải nghiệm được nhiều hơn, dịch vụ phổ thông được nhiều người sử dụng. Đi balo cũng sẽ giúp mình “va chạm” nhiều, tạo cảm giác thích thú hơn. Một ngày “đi balo” tôi có thể đi bộ được 20km.

Tuy nhiên, điều kiện để đi du lịch balo ở mỗi nước một khác nhau. Điều quan trọng nhất là phải đánh giá được tình hình ở khu vực đó an toàn hay không an toàn, bằng cách thường xuyên cập nhật thông tin. Tôi cũng thường phải xét đến khả năng khai thác thông tin qua mạng internet về điểm đến như thế nào, có dễ dàng cho mình không. Ví dụ nếu sang Trung Quốc, tôi sẽ phải sử dụng những dịch vụ mạng của họ nếu muốn có mạng di động.

Anh Phùng Quang Thắng là người từng có cơ hội đến cả trăm quốc gia trên giới. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Phùng Quang Thắng là người từng có cơ hội đến cả trăm quốc gia trên giới. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Trần Việt Hương (Giám đốc Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam): Riêng cá nhân tôi, tôi thích đi những điểm đến mới, có tính trải nghiệm cao, tìm hiểu sâu đời sống của người dân địa phương ở đó. Vì thế, khi đi đến các điểm du lịch mới tôi hay dành thời gian đi chợ, ăn uống tại những quán dành cho người bản địa và đến các làng nghề truyền thống…

Tôi cũng thường tham dự các lễ hội địa phương hay học nấu ăn và ở trong các home stay. Bởi nó mang lại những trải nghiệm rất thật.

Tôi chọn hình thức đi này chi phí dễ phát sinh nên thường tìm hiểu thông tin rất kỹ, đặt trước các dịch vụ có thể đặt, sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng tối đa khi đi và kết bạn với người địa phương. Làm những điều đó sẽ hỗ trợ cho chuyến đi tốt hơn rất nhiều.

Chị Việt Hương thích đến những nơi có tính trải nghiệm cao. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Việt Hương thích đến những nơi có tính trải nghiệm cao. (Ảnh nhân vật cung cấp)

– Theo anh, chị, người Việt Nam hiện đang có xu hướng đi du lịch như thế nào?

Chị Vũ Minh Châu (Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Theo tôi quan sát, dường như du khách Việt Nam đang có hai cách tiếp cận dịch vụ du lịch cơ bản: thứ nhất là mua các tour du lịch trọn gói của các công ty du lịch mà họ tin tưởng; hai là hoàn toàn ngược lại, họ nghe nói về một điểm đến nào đó rồi xách balo lên đi mà không đặt dịch vụ hay tìm hiểu kỹ trước.

Hai cách thức này đem lại hai kết quả khá trái ngược. Với cách thứ nhất, nếu du khách lựa chọn nhà cung cấp có uy tín, họ sẽ được hưởng dịch vụ đầy đủ, an toàn và tuần tự. Mặt trái của cách thức này là du khách phụ thuộc hoàn toàn vào công ty du lịch, từ chất lượng dịch vụ, điểm đến cho đến thời gian. Đôi khi họ có thể cảm thấy hơi gò bó. Nếu nhà cung cấp thiếu chuyên nghiệp hoặc năng lực yếu kém thì còn mang lại những cảm giác tiêu cực hơn nữa.

Chị Minh Châu mặc trang phục Heian, một loại trang phục cổ của người dân Nhật Bản. (Ảnh: Như Nam)
Chị Minh Châu mặc trang phục Heian, một loại trang phục cổ của người dân Nhật Bản. (Ảnh: Như Nam)

Với cách thứ hai, nếu thời điểm du lịch không vào mùa cao điểm, du khách thực sự có năng lực tổ chức tốt và may mắn thì chuyến đi của họ vẫn diễn ra ổn thỏa.

Tuy nhiên, hầu hết cách thức này đem lại sự bất an đặc biệt trong chính nội địa Việt Nam khi còn tồn tại nhiều điểm du lịch “chặt chém” khách khi khách không đặt dịch vụ trước, khách gặp khó khăn hoặc thậm chí có những chiêu trò ép khách để thu lời mà chất lượng dịch vụ thì vô cùng tồi tệ.

Ấn tượng sâu đậm từ cuộc sống của người dân bản địa

– Làm nghề này, cả cuộc đời anh, chị là những chuyến đi và tôi cho rằng điều đó thật may mắn. Từng khám phá nhiều vùng đất có lịch sử, văn hóa và thắng cảnh đặc biệt trên thế giới, có nơi nào và câu chuyện gì khiến anh, chị thấy ấn tượng nhất?

Linh thiêng bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới. (Xuân Mai/Vietnam+)

Chị Vũ Minh Châu (Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Đây là câu hỏi khó vì so sánh vẻ đẹp là sự so sánh khó khăn nhất. Tuy nhiên, dù đã đi rất nhiều nước trên thế giới rồi nhưng Nhật Bản có lẽ là nơi in nhiều dấu ấn sâu đậm nhất đối với tôi. Vì ngoài giá trị về điểm đến du lịch thì thái độ sống của con người Nhật Bản và sự đồng cảm gần gũi giữa hai đất nước khiến tôi ấn tượng sâu sắc hơn cả.

Ấn tượng trong tôi về Nhật Bản không hùng vỹ, to lớn mà trái lại, là những điều hết sức dung dị, có ở khắp nơi trên đất nước xinh đẹp này. Nhật Bản được đánh giá là sạch sẽ nhất nhì thế giới nhưng lại ít khi thấy thùng rác nơi công cộng. Bởi người dân luôn mang rác về nhà, phân loại rồi mới đổ rác theo ngày và theo loại rác quy định của từng ngày trong tuần.

 “…cái hồn cốt của một dân tộc tinh tế và trân trọng thiên nhiên, hòa hảo với con người đều trở thành tài nguyên du lịch vô giá mang dấu ấn rất riêng của Nhật Bản.”

Đặc biệt, ý thức đóng góp cho xã hội của người Nhật hết sức nghiêm túc. Rất nhiều người già 70-80 tuổi vẫn tình nguyện làm việc ở các khu du lịch, từ nhổ cỏ, chăm cây, quét dọn cho đến làm hướng dẫn viên không chuyên nhưng vô cùng tâm huyết…

Có lẽ, chính nhờ những điều giản dị mà phổ biến cuộc sống của người dân Nhật Bản như vậy mà đây đã trở thành đất nước có thể khai thác du lịch ở bất cứ đâu trên toàn quốc. Thậm chí, ở bất cứ ngôi làng nhỏ sâu trong núi hay một góc phố nào, cái hồn cốt của một dân tộc tinh tế và trân trọng thiên nhiên, hòa hảo với con người đều trở thành những tài nguyên du lịch vô giá mang dấu ấn rất riêng của Nhật Bản.

Dãy Kogumotori-goe ở Nhật Bản. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Dãy Kogumotorigoe ở Nhật Bản. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Phùng Quang Thắng (Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam): Ngoài chủ quan ở cách nhìn, quan trọng là người dân bản địa tác động đến nhìn nhận và cảm nhận của tôi. Trong rất nhiều nước, đất nước Nhật Bản là đất nước rất đặc biệt, vì vẫn giữ được những nét văn hóa rất đặc trưng của người Nhật và thậm chí là đặc trưng của từng địa phương.

Với tôi, cảm nhận rất quan trọng. Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, là đất nước có nhiều điều đặc biệt và khác biệt. Tôi từng đứng trên eo biển Bosphorus dài 31km, eo biển chia cắt phần thuộc châu Âu (Rumelia) của Thổ Nhĩ Kỳ với phần thuộc châu Á (Anatolia) của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 40 thành phố dưới lòng đất và hiện chỉ mở cửa một số thành phố cho du khách thăm quan thôi. Ở đó có đầy đủ dịch vụ cho con người, kể cả nhà thờ.

Nhưng có lẽ, cảm nhận mang tính khám phá nhất với tôi có lẽ là các dòng tôn giáo ở vùng Trung Đông đó, nó tạo cho con người những nét sống khác nhau mà chỉ khi được tiếp xúc tôi mới có những cảm nhận và tìm hiểu sâu sắc nhất.

Du khách Việt Nam rất chuộng những mùa hoa trên thế giới. (Ảnh: Như Nam)
Du khách Việt Nam rất chuộng những mùa hoa trên thế giới. (Ảnh: Như Nam)

Một nền du lịch copy

– Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, anh, chị thấy điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?

Anh Phùng Quang Thắng (Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam): Điểm yếu nhất của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam là hay đi copy, chứ ít chịu đầu tư để tạo ra một sản phẩm mới và khác biệt.

Khi đã làm kinh tế, cái quan trọng nhất của du lịch là sản phẩm, đã làm kinh tế thì phải có sản phẩm để bán đúng không ạ? Thực tế, chỉ có những doanh nghiệp vừa vừa hoặc lớn mới có kinh phí để đầu tư nghiên cứu sản phẩm, còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ đi copy. Sản phẩm du lịch bị copy nhanh lắm. Do đó, các cấp quản lý cần làm sao để hệ thống đó cùng vận hành, tạo sức cạnh tranh lành mạnh.

Tôi lấy ví dụ, khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, ngành du lịch hội nhập nhanh nhất và sớm nhất là trong công nghệ khách sạn, nhưng hội nhập về công nghệ lữ hành thì đi sau rất nhiều.

Hội nhập về công nghệ lữ hành là những dịch vụ liên quan đến lữ hành được tiêu chuẩn hóa theo thế giới và khu vực, từ vấn đề quản lý đến sản phẩm, trình độ nhân lực trong các doanh nghiệp. Tất nhiên, để có chuẩn cho lữ hành thì không phải dễ vì thậm chí nó nằm ở từng con người. Ví dụ như chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, thì hướng dẫn viên đã đạt trình độ quốc tế chưa để có thể hội nhập quốc tế.

Lạc bước dưới rừng mơ trắng muốt. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Lạc bước dưới rừng mơ trắng muốt. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Vũ Minh Châu (Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Là một đơn vị đặc thù bán buôn (wholesale), tôi nhận thấy có 3 điểm hạn chế của doanh nghiệp chúng tôi và đồng nghiệp cùng ngành.

Một là, tôi đồng tình với ý kiến của anh Phùng Quang Thắng, đó là sự thiếu sáng tạo. Rất ít các doanh nghiệp chịu khó đi mở đường, khai phá, tìm tòi sản phẩm mới. Cả công ty du lịch làm nội địa, inbound và outbound đều dựa trên những sản phẩm du lịch sẵn có. Không hiếm để nhận thấy có những sản phẩm du lịch mà 10 năm không có gì thay đổi mới mẻ, cả về tuyến điểm, dịch vụ, hay cách thức tiếp cận.

Hai là, truyền thông lu mờ, không có bản sắc. Có lẽ do ảnh hưởng của luật sở hữu trí tuệ Việt Nam còn dễ dãi, nên các hình ảnh sử dụng để truyền thông cho các tour du lịch cả nội địa lẫn inbound, outbound ở Việt Nam đều đa phần lấy từ một nguồn: interrnet. Nếu như ở một số nước phát triển, các nhà in không nhận in ấn phẩm không chứng minh được nguồn gốc hình ảnh, thì ở Việt Nam điều này diễn ra rất bình thường.

Ba là, thiếu thông tin. Không khó tìm ra những công ty du lịch bán sản phẩm du lịch mà chính nhân viên tư vấn, người làm tour hoặc thậm chí chưa ai ở công ty đó từng đến điểm đến đó.

Chiếc máy ảnh là vật bất ly thân của chị Việt Hương trong mỗi chuyến đi xa. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chiếc máy ảnh là vật bất ly thân của chị Việt Hương trong mỗi chuyến đi xa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sự phó thác du khách cho những bên cung cấp dịch vụ ở địa phương sở tại nơi gửi khách đến vô hình chung đưa du khách vào trạng thái hết sức hên xui: gặp được nhà cung cấp tốt thì tour diễn ra ổn thỏa, còn gặp nhà cung cấp tồi thì tiền mất tật mang. Việc thiếu thông tin còn có thể dẫn đến những thiệt thòi cho du khách khi dễ gặp phải khó khăn do không được tư vấn kỹ càng về phong tục tập quán hay tình trạng nơi điểm đến.

Chị Trần Việt Hương (Giám đốc Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam): Theo tôi, sản phẩm du lịch, truyền thông ra nước ngoài, công nghệ trong quản trị doanh nghiệp là ba yếu tố được xem là cần phải đầu tư và thay đổi lớn nếu muốn phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của anh, chị./.