Nghĩa tình giữa mùa dịch COVID-19

ttxvnsuana-1586618138-30.jpg

Ấm lòng người nghèo trong mùa dịch

Cùng cả nước ứng phó với đại dịch COVID-19, với phương châm “không quyết liệt, có lỗi với cả nước, nhân dân,” Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chung tay, chung sức, đoàn kết một lòng để tham gia phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả nhất.

Hơn lúc nào hết, tinh thần “Vì nhân dân thành phố, vì cả nước, cùng cả nước,” “thành phố nghĩa tình” của Thành phố mang tên Bác lại được thể hiện rõ như lúc này.

Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no,” “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều,” trong những ngày qua, nhiều “mạnh thường quân,” tổ chức xã hội, nhiều cá nhân đã chung tay cùng thành phố, cùng cả nước với những hành động và nghĩa cử đẹp tiếp tục lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Những hoạt động hướng đến những người khó khăn, yếu thế như ăn xin, bán vé số, chạy xe ôm, phụ hồ, nhặt ve chai… lại càng thiết thực, ý nghĩa hơn.

Ai khó khăn lấy một phần

Những ngày gần đây, nhất là từ khi bắt đầu thực hiện cách ly toàn xã hội để hạn chế dịch COVID-19 lây lan, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang… được tổ chức, lan truyền mạnh mẽ thông điệp đầy tính nhân văn với những tấm băngrôn: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần-Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác.”

Trong những ngày đầu tháng Tư, nhiều người nghèo khó, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cả những người bán vé số truyền tai nhau đến quán cơm chay Bình An, (đường Ngô Quyền, quận 10). Tại đây, ngày 3 cữ ăn sáng-trưa-chiều, mọi người đều được nhận phần cơm, trái cây, nước suối, khăn. Đặc biệt trẻ em, người bệnh, già yếu còn có những hộp sữa, ai chưa có khẩu trang cũng được cấp phát miễn phí.

Nhiều phần quà được các tổ chức, cá nhân, nhóm làm xã hội từ thiện trao tận tay người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Nhiều phần quà được các tổ chức, cá nhân, nhóm làm xã hội từ thiện trao tận tay người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo chị Võ Thị Thùy Trang, chủ quán cơm chay Bình An, để phòng chống dịch COVID-19, hai vợ chồng quyết định đóng cửa, ngưng bán cùng các con về quê ngoại nghỉ ngơi, trách dịch. Tuy nhiên, duyên nợ ngày đóng cửa, phát 50 phần cơm từ thiện cũng là ngày những người bán vé số tạm ngưng việc do các công ty xổ số ngưng phát hành.

“Vừa phát cơm, vừa được nghe nhiều câu chuyện của những người nghèo khó; nhiều mảnh đời, hoàn cảnh gia đình khác nhau của những người bán vé số đã lay động tình cảm ‘lá lành đùm lá rách’ của hai vợ chồng tôi. Vì thế, hai vợ chồng tôi quyết định gửi con về quê để ở lại phục vụ người nghèo trong những ngày dịch bệnh,” chị Võ Thị Thùy Trang chia sẻ.

Từ chỗ tặng 50 suất cơm miễn phí/ngày, đến nay nhiều người biết đã ủng hộ, nên số lượng cơm miễn phí trao tặng cũng tăng lên khoảng 1.000-1.500 suất ăn miễn phí/ngày. Ngoài ra, quán cơm còn mang đến tận nhà các hộ nghèo, cho thêm mì gói, gạo vào những buổi tối.  

Chung tay với chủ quán cơm Bình An, nhiều người mang gạo, sữa, nước suối, rau, củ, quả và cả tiền để chung tay giúp người nghèo.

“Bà con lối xóm ngụ ở hẻm 51, đường Ngô Quyền, cũng rủ nhau ra giúp nhặt rau, nấu cơm, canh, làm đủ các món kho, xào, chiên và giúp việc sắp xếp những người đến nhận phần cơm miễn phí giữ gìn trật tự, giãn cách theo yêu cầu, rửa tay khử trùng, đeo khẩu trang…,” chị Võ Thị Thùy Trang cho biết.

Chị Võ Thị Thùy Trang, chủ cửa hàng cơm chay Bình An trao từng phần cơm, quà tận tay người nghèo trong những ngày dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Chị Võ Thị Thùy Trang, chủ cửa hàng cơm chay Bình An trao từng phần cơm, quà tận tay người nghèo trong những ngày dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Hai mẹ con bà Phương Yến Anh, trọ tại số 36/44 Nguyễn Hiền, Quận 3, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhất là khi người con khuyết tật đang nằm điều trị nhiễm trùng, không đi bán vé số được. Nhiều lần chính quyền địa phương đã hỗ trợ để mổ vết thương cho người con, nhưng vết thương cứ tái phát. Thỉnh thoảng, các tổ chức từ thiện cũng đến trao quà, nhưng dần dần cũng hết.

Bà Yến Anh cho biết do lớn tuổi, nên chẳng làm được việc gì ngoài việc đi phụ giúp việc nhà để lo trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. “Tuy nhiên, có được những suất cơm hằng ngày như thế này thì số tiền kiếm được sẽ để dành thang thuốc cho con,” bà Yến Anh chia sẻ.

Tại địa chỉ số 530 đường Hoàng Sa (quận 3), từ ngày 1/4, anh Lê Thanh Bình tổ chức phát hơn 100 phần gồm mì tôm, bánh bao, nước suối và gạo cho người nghèo, neo đơn, bán vé số…

Vui vẻ nhận phần cơm từ quán An Bình, cô Lê Thị Sương (ngụ huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), sống bằng nghề bán vé số, chia sẻ: “Tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh bán vé số được khoảng 7 tháng nay. Khi có lệnh cấm bán vé số từ ngày 1/4, tôi không có xe về quê, tiền bạc cũng không có, rồi không có chỗ ngủ phải ở lề đường, ban ngày thì đi xin cơm từ thiện. Mấy cô, mấy chú có lòng từ bi, giúp chúng tôi có cơm ăn hàng ngày, đỡ đần vượt qua khó khăn.”

San sẻ bớt khó khăn

Khi dịch COVID-19 xảy ra, đối tượng bị tác động nhất là những người nghèo, không có thu nhập ổn định. Với tấm lòng “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều,” mỗi cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm khác nhau để san sẻ bớt khó khăn với người nghèo, cùng “dắt tay nhau” vượt qua dịch bệnh.

Từ những việc làm nhỏ như em bé 11 tuổi dành toàn bộ tiền lì xì Tết của mình để giúp người khó khăn, Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt đã hơn 95 tuổi ở quận Gò Vấp vẫn tỉ mẩn cắt, may từng chiếc khẩu trang để tặng người nghèo với suy nghĩ mộc mạc “Mẹ muốn góp chút gì đó cho công việc phòng, chống dịch bệnh,” đến các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên quyên góp tiền, vận động các mạnh thường quân tài trợ khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm… để phát cho người già neo đơn, tàn tật, trẻ em cơ nhỡ.

Một người phụ nữ bán vé số nhận gạo miễn phí. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Một người phụ nữ bán vé số nhận gạo miễn phí. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Tham gia cùng với Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nấu và phát cơm cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các quận vùng ven thành phố, ông Nguyễn Văn Thiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May Essential cho biết dịch COVID-19 gây khó khăn cho nền kinh tế đất nước nói chung, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Việc tổ chức chăm lo cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong lúc này là một trong những hoạt động thiết thực, nên làm và nhân rộng đến mọi thành phần. Dù vất vả hay doanh nghiệp có khó khăn thêm chút nữa, nhưng họ cũng cảm thấy ấm lòng, chung tay chia sẻ cùng những người đang gặp khó khăn trong mùa dịch.

“Những người bán vé số, trẻ em cơ nhỡ, neo đơn… phải lo chạy ăn từng bữa cho nên việc ngừng bán vé số trong thời gian như vậy khiến họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mình muốn góp chút sức nhỏ để cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn này,” bạn Huỳnh Đạt, đại diện nhóm bạn trẻ của Hội tình nguyện Gió yêu thương chia sẻ. Nhóm đã tự vận động, quyên góp tiền và thực phẩm để đem phát tận tay người nghèo, bán vé số trên địa bàn thành phố.

Thành phố là nơi tập trung đông nguồn lao động nhập cư đến làm việc, học tập, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, nhu cầu về chỗ ở rất lớn. Với rất nhiều người, chi phí cho thuê chỗ ở cũng là gánh nặng rất lớn. Trong hoàn cảnh đó, việc hàng ngàn chủ nhà trọ quyết định giảm giá thuê từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/tháng là rất đáng quý.

Mọi người tuân thủ giữ khoảng cách và thực hiện rửa tay khử trùng trước khi nhận cơm và phần quà tại cửa hàng cơm chay Bình An trên đường Ngô Quyền, quận 10 trong mùa dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Mọi người tuân thủ giữ khoảng cách và thực hiện rửa tay khử trùng trước khi nhận cơm và phần quà tại cửa hàng cơm chay Bình An trên đường Ngô Quyền, quận 10 trong mùa dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nói về quyết định giảm giá tiền thuê phòng trọ cho công nhân, bà Bùi Thị Bên chia sẻ: “Các cháu xa quê để mưu sinh đã là khó. Trong khả năng mình giúp được gì để chúng đỡ vất vả thì làm. Góp ít sức nhỏ để chăm lo công nhân lao động, tôi thấy hạnh phúc vô cùng.”

Hơn tháng nay, bà Phạm Thị Thủy Tiên, chủ nhà trọ ở phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đã quyết định giảm giá tiền thuê nhà trọ cho công nhân mỗi phòng 100.000 đồng/tháng. Bà Thủy Tiên cho biết sẽ giảm giá tiền thuê nhà cho đến khi hết dịch COVID-19 và tình hình sản xuất ổn định, để công nhân an tâm làm việc.

Bà Vương Nhã Khanh, chủ nhà trọ 74/10 đường số 7 (phường Linh Trung, Thủ Đức) cũng quyết định giảm giá 200.000 đồng/phòng đối với sinh viên, người mất việc làm hoặc chưa có việc làm. Theo bà Khanh, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp bị giảm ca, giảm thu nhập, hoặc sinh viên mới ra trường chưa kiếm được việc làm. Vì vậy, gia đình bà quyết định giảm tiền thuê để chia sẻ khó khăn và sẽ duy trì việc giảm giá đến khi tình hình ổn định.

Điểm tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên đường Cách mạng tháng 8, quận 3 trong những ngày dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Điểm tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên đường Cách mạng tháng 8, quận 3 trong những ngày dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tương tự, chị Nguyễn Thị Giám (phường 16, quận 8), chia sẻ hiện gia đình có hơn 200 phòng trọ, chủ yếu cho người bán vé số, phụ hồ thuê. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập của họ vốn bấp bênh lại càng bấp bênh hơn. Gia đình chị đã bàn bạc, quyết định giảm giá thuê cho tất cả người thuê ở đây.

Chia sẻ khó khăn với gần 12.000 người bán vé số dạo cư trú trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày; thời gian hỗ trợ là 15 ngày, kể từ ngày 1/4 (thời gian ngưng phát hành xổ số kiến thiết). Tổng kinh phí hỗ trợ là gần 9 tỷ đồng được chi từ Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, cuộc sống của những người bán vé số hiện rất chật vật, vì vậy tiền hỗ trợ sẽ được triển khai ngay, chậm nhất trong 10 ngày tới, thì tiền hỗ trợ mới có ý nghĩa.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ phần lớn những người bán vé số đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ từ các tỉnh khác đến thành phố để mưu sinh, kiếm sống qua ngày, có người phải nuôi gia đình từ nguồn thu nhập chính là bán vé số. Thành phố Hồ Chí Minh chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhưng cũng không quên chăm lo đời sống cho những người nghèo bị ảnh hưởng./.

Trao những suất cơm nghĩa tình công nhân đến tận tay người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các khu trọ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Trao những suất cơm nghĩa tình công nhân đến tận tay người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các khu trọ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh không để ai ở lại phía sau

“Không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành phương châm hành động, một quyết sách để thực thi, hơn thế là một đạo lý sống và hành xử của cả hệ thống chính trị, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn quyết định đến sự thành công của công tác phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng với nhiệm vụ hàng đầu thực hiện chống dịch, cũng dành sự quan tâm để giúp những đối tượng mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nhường cơm sẻ áo

Theo thống kê của các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khoảng 600.000 lao động bị ngừng việc, mất việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vì chưa chấm dứt hợp đồng lao động. Đó là những công nhân, giáo viên nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo tư thục trên địa bàn.

Để thiết thực hỗ trợ những đối tượng này, trong phiên họp bất thường diễn ra vào chiều 27/3, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết triển khai gói chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hai đối tượng chính được nhận trợ cấp theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố là người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Ngoài ra, giáo viên trường mầm non tư thục, học sinh nghỉ học, trường không thu học phí nên không có nguồn lực chi trả lương giáo viên, thành phố cũng sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/3 tháng/người.

Đáng chú ý, toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ này với khoảng 1.800 tỷ đồng được trích từ một phần thu nhập tăng thêm trong năm 2020 của cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Qua đó, có thể thấy sự quan tâm đến các lao động khó khăn trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo” của thành phố nói chung, của những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thành phố nói riêng.

Từng phần cơm miễn phí được trao tận tay người nghèo tại cửa hàng cơm chay Bình An trên đường Ngô Quyền, quận 10 trong mùa dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Từng phần cơm miễn phí được trao tận tay người nghèo tại cửa hàng cơm chay Bình An trên đường Ngô Quyền, quận 10 trong mùa dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chị Lê Ngọc Thương, quê Cà Mau, đang làm công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), cho biết hơn 1 tháng nay, công ty chị cho làm việc cầm chừng, cách đây 2 tuần cho nghỉ luôn do không còn hàng để chạy máy. Nhiều công nhân không biết xoay sở ra sao trong tình cảnh hiện nay.

Theo chị Thương, nghe Thành phố có chính sách hỗ trợ công nhân mất việc mỗi tháng một triệu đồng/người, ai ai cũng mừng.

Chia sẻ về chính sách đậm tính nhân văn của Thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố hỗ trợ người mất thu nhập do dịch bệnh sẽ làm giảm khoảng một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của thành phố. Số tiền này dành ra để hỗ trợ cho người lao động mất việc, ngừng việc. Đây thực sự là sự chia sẻ với người lao động trong thời gian khó khăn.

Đối với người vô gia cư, “Thành phố sẽ bàn chuyện giúp người vô gia cư như thế nào. Đây là việc chưa từng có nhưng trong mùa dịch này cũng là chuyện nên bàn,” ông Nhân nhấn mạnh.

Trước khi có chính sách chung, cả hệ thống chính trị của Thành phố đã cùng chung sức hỗ trợ công nhân, giáo viên bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, vượt qua khó khăn.

Thành viên Ban tiếp nhận ủng hộ kiểm đếm số tiền từ 'con heo đất tiết kiệm' của một cửa hàng trà Bắc (quận 12, TP Hồ Chí Minh) gửi đến ủng hộ. (Ảnh: TTXVN)
Thành viên Ban tiếp nhận ủng hộ kiểm đếm số tiền từ ‘con heo đất tiết kiệm’ của một cửa hàng trà Bắc (quận 12, TP Hồ Chí Minh) gửi đến ủng hộ. (Ảnh: TTXVN)

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố cho biết Liên đoàn Lao động Thành phố đã định hướng các cấp công đoàn tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với lao động ngừng việc do dịch bệnh. Công đoàn chủ động nắm bắt tình hình, đề xuất các giải pháp chăm lo đoàn viên công đoàn, người lao động; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, tránh xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Đến nay, các cấp Công đoàn thành phố đã hỗ trợ hơn 5.000 đoàn viên, công nhân lao động bị mất việc do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, trong đó chủ yếu là nữ đoàn viên công đoàn mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, giáo viên ở các nghiệp đoàn trường mầm non, đoàn viên công đoàn bị giảm thu nhập, mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo… Liên đoàn Lao động các quận, huyện đã vận động và được hàng trăm chủ nhà trọ đồng ý giảm tiền thuê phòng trọ cho hàng ngàn công nhân lao động.

Những cách làm thiết thực

Với nỗ lực không để sót bất cứ đối tượng nào bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 mà không được quan tâm, chăm lo, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những việc làm rất cụ thể, thiết thực.

Để những người trên 60 tuổi hạn chế phải đi ra khỏi nhà, Sở Y tế Thành phố đã chỉ đạo, yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế, phòng y tế các quận, huyện, phòng khám đa khoa chịu trách nhiệm khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi. Người từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh thông thường, bệnh lý mãn tính ổn định đều có thể được khám và cấp phát thuốc tại nhà. Trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện điều trị, thủ trưởng đơn vị sẽ phân công bác sỹ, điều dưỡng đến khám bệnh tại nhà cho người bệnh.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ, Bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đối với người cao tuổi mắc bệnh mãn tính đang theo dõi và điều trị định kỳ, nếu số lượng đông, người bệnh ở xa…, thủ trưởng đơn vị phải phân công bác sỹ bệnh viện có thể đến thăm khám, hay trao đổi trực tiếp qua điện thoại cùng người bệnh. Đối với hình thức cấp phát thuốc, nhân viên y tế sẽ giao tận nhà, người nhà có thể nhận thuốc trực tiếp cho người bệnh.

Để đưa đón người đau bệnh đến cơ sở y tế trong bối cảnh phương tiện công cộng phải dừng hoạt động, ngành Giao thông vận tải Thành phố phối hợp với Tập đoàn Mai Linh cung ứng 200 xe taxi để sử dụng vào mục đích hỗ trợ miễn phí cho người dân khi cần thiết. Từ ngày 4/4 đến hết ngày 15/4, các xe này hỗ trợ người bệnh cấp cứu cần di chuyển đến bệnh viện và người bệnh sau khi xuất viện không thể ngồi được xe 2 bánh (không áp dụng đối với người mắc hoặc nghi mắc COVID-19). Những chiếc taxi này sẽ túc trực tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, dưới sự điều phối của Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh và không được đón trả khách dọc đường.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở lưu trú, rà soát tất cả các trường hợp lang thang, cơ nhỡ, đặc biệt là những người già không nơi cư trú, để chăm sóc và theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của cơ quan y tế.

Thanh niên Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tặng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn miễn phí cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Thanh niên Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tặng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn miễn phí cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng đã có chính sách hỗ trợ khẩu trang cho học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập; công nhân vệ sinh (thu gom rác, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) với định mức hỗ trợ 3 khẩu trang/người/tháng (loại khẩu trang kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần).

Để đảm bảo đời sống cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành đã cân đối đủ nguồn chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 4 và tháng 5; đồng thời phối hợp với Bưu điện Thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc chi trả này. Khoảng 235.000 người hưởng lương hưu; khoảng 45.000 người hưởng chính sách có công với cách mạng lãnh trợ cấp ưu đãi hàng tháng và 50.000 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng được chi trả từ ngày 6/4 thông qua tài khoản cá nhân; từ ngày 7-28/4 với hình thức chi trả tiền mặt tại nhà, không thu phí.

Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã xây dựng các website cung cấp thông tin các điểm bán lương thực, thực phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn… tại 24 quận huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện hỗ trợ người nghèo, người lao động bị mất việc làm vì dịch COVID-19, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) cũng đã quyết định miễn tiền nước trong 3 kỳ, từ tháng 3 đến tháng 6/2020 cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu vực cách ly tập trung của thành phố. Đồng thời, Sawaco cam kết luôn đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân thành phố, đặc biệt trong mùa khô, hạn mặn và giai đoạn quyết liệt phòng, chống đại dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Với chính sách này, khoảng 3.700 hộ nghèo, chiếm 0,19% và khoảng 22.000 hộ cận nghèo, chiếm 1,15% dân số thành phố, sẽ giảm bớt được phần nào chi phí trong sinh hoạt hàng ngày.

“Lãnh đạo Thành phố mong mọi người cùng chia sẻ, chấp nhận khó khăn trước mắt, đảm bảo sự an toàn sức khỏe của cộng đồng, trong đó có cá nhân và gia đình của mỗi người. Mỗi người dân phải là chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kêu gọi./.

Đại diện Chương trình “Cùng Tuổi trẻ chống dịch COVID -19” trao tặng khẩu trang y tế và các phương tiện phòng dịch cho đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Đại diện Chương trình “Cùng Tuổi trẻ chống dịch COVID -19” trao tặng khẩu trang y tế và các phương tiện phòng dịch cho đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Nặng nghĩa đồng bào

Là cửa ngõ đón rất nhiều người Việt Nam từ nước ngoài trở về trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tổ chức các địa điểm cách ly tập trung với những điều kiện tốt nhất có thể. Trong một thời gian rất ngắn, thành phố đã chạy đua lo “chỗ ăn, chỗ nghỉ” cho hàng chục ngàn người với điều kiện phải đảm bảo an toàn, chăm lo chu đáo về chỗ ăn nghỉ, y tế…

An tâm lúc đến…

“14 ngày ở khu cách ly là 14 ngày vui vẻ và nhẹ nhõm nhất của cháu suốt vài tháng nay,” “cháu có cảm giác như là có thêm một gia đình vậy.” Đây là những lời chia sẻ hết sức mộc mạc, chân thành của em Lưu Nhã Đình, du học sinh ở châu Âu sau khi hoàn thành cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7.

Em Lưu Nhã Đình chia sẻ: “Cháu không chỉ được về quê hương, về nhà, được nghe và nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, mà cháu cũng không phải căng thẳng một mình ở nơi xứ người chống chọi với bệnh dịch. Các cô, chú ở trường tốt lắm, các anh quân nhân và các bác sỹ, y tá lúc nào cũng vui vẻ lạc quan, chính sự lạc quan và niềm nở của các cô chú, anh chị đã giúp cháu an tâm hơn nhiều.”

Tương tự như vậy, rất nhiều người được cách ly tập trung tại khu tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có quy mô tập trung lớn nhất của Thành phố với hơn 10.000 chỗ, đánh giá rất cao về sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đối với các khu cách ly.

Lực lượng chức năng chuẩn bị khẩu phần ăn trưa cho người trong khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)
Lực lượng chức năng chuẩn bị khẩu phần ăn trưa cho người trong khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)

Được cách ly tại đây từ ngày 20/3 sau khi trở về nước, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, kiều bào ở Australia, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, đánh giá rất cao sự chuẩn bị chu đáo, tính tổ chức chuyên nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện rất tốt trong sinh hoạt, chăm sóc y tế cho kiều bào, du học sinh trở về nước và những người được cách ly khác. Đội ngũ phục vụ phải thức dậy từ 5 giờ sáng hàng ngày chuẩn bị cơm nước, rồi vệ sinh nơi ở, phun xịt hóa chất tiêu độc khu vực, chăm sóc y tế cho mọi người.

Hương Giang, du học sinh ở Mỹ, cách ly tại Khu ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Em trở về Việt Nam trên một trong những chuyến bay cuối trước khi việc hạn chế xuất nhập cảnh được áp dụng cùng với tâm lý vô cùng lo lắng, hoang mang khi được biết sẽ phải cách ly 14 ngày ngay khi về đến Việt Nam. Nhưng khi được cách ly tại đây, mọi chuyện diễn ra khá bất ngờ, cán bộ nhân viên rất thân thiện, gần gũi, giúp cho những người trong khu cách ly rất an tâm, thoải mái như ở nhà của mình.”

Một khẩu phần ăn trưa của người dân trong khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)
Một khẩu phần ăn trưa của người dân trong khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)

Để tổ chức đón, cách ly tập trung cho hàng ngàn trường hợp người Việt Nam từ nước ngoài về và du khách, người nước ngoài đến Thành phố cũng như các ca nghi ngờ mắc, tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương, huy động tất cả các nguồn lực sẵn có để tổ chức các khu cách ly một cách tốt nhất có thể.

Từ chuẩn bị 1.000 chỗ, rồi lên 2.000 đến 5.000, 10.000 chỗ, sẵn sàng chuẩn bị cho hơn 20.000 chỗ và hơn thế nữa nếu nhu cầu cách ly tiếp tục gia tăng.

Để có các khu cách ly tập trung, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên ở các doanh trại quân đội, khu ký túc xá đã phải nhường lại chỗ nghỉ của mình để Thành phố tổ chức, triển khai các khu cách ly có đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện cách ly tốt nhất.

Cùng với đó, thành phố cũng đã huy động hàng nghìn tình nguyện viên là cán bộ, sinh viên của Đại học Quốc gia thành phố, lực lượng quân đội, thanh niên xung phong, y, bác sỹ tham gia dọn dẹp, hỗ trợ công tác chăm sóc y tế, ăn uống, vệ sinh hàng ngày tại các khu cách ly.

Toàn cảnh khu cách ly tại trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Toàn cảnh khu cách ly tại trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ngay sau khi Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương trưng dụng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh và Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để làm nơi cách ly phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị chỗ ở; phối hợp với các đơn vị chuẩn bị trang thiết kỹ thuật, hậu cần, dịch tễ, nhất là đội ngũ cán bộ y tế phục vụ thật tốt cho công tác cách ly, chữa bệnh cho bà con.”

Lo xong chỗ ở, đến lo cái ăn, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động giao cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) phối hợp với các đơn vị đồng hành cung cấp các suất ăn hàng ngày cho các khu cách ly y tế tập trung. Từ chỗ chuẩn bị hơn 10.000 suất ăn/ngày, đến nay mỗi ngày Saigon Co.op đã cung cấp hơn 30.000 suất ăn/ngày cho khu vực cách ly. Cùng với tăng số lượng suất ăn, thực đơn suất ăn rất đa dạng với hơn 60 món, chay mặn đầy đủ, từ phở, nui, bún, cơm… đảm bảo 3 bữa chính (sáng, trưa và tối).

Cùng 100 cán bộ, chiến sỹ trong trung đoàn được tăng cường về phục vụ khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung úy Nguyễn Đức Hoàng Hải (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Gia Định-Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Chúng tôi hiểu được tâm trạng của người dân không khỏi lo lắng trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, điều kiện sinh hoạt không được thoải mái như ở nhà. Vì vậy, anh em cố gắng hết khả năng của mình trong khâu dọn dẹp đồ dùng, vệ sinh phòng ốc sạch sẽ để đón bà con tới cách ly an toàn.”

Thượng tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, cho biết: “Tại khu cách ly, chúng tôi còn thiết lập đường dây nóng, phục vụ người dân 24/7. Từ việc họ thèm ăn một tô phở đến chuyện riêng tư thầm kín… đều được tổ tư vấn đáp ứng và giải đáp, để họ yên tâm thực hiện cách ly theo quy định.”

… an toàn lúc về

Để chuẩn bị cho người hoàn thành thời gian cách ly y tế tại các khu cách ly trở về nhà, nhất là trước áp lực hàng ngàn người hoàn thành cách ly trở về gia đình trong cùng một thời điểm, về nhiều địa phương khác nhau.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, điều này gây một áp lực nhất định trong việc đảm bảo an ninh an toàn, nhất là trong giai đoạn quyết định của cuộc chiến với COVID-19 hiện nay, hạn chế việc tập trung đông người, ngành y tế phối hợp với các cơ quan chức năng như quân đội, giao thông vận tải, xây dựng phương án để đưa người cách ly về nhà sao cho an toàn, phù hợp nhất với người cách ly. Người rời khỏi khu cách ly vẫn tiếp tục tuân thủ biện pháp phòng bệnh, cũng như chia sẻ, hợp tác để quá trình rời khỏi khu cách ly một cách trật tự và an toàn.

Ông Tăng Hữu Thủy, Giám đốc Trung tâm Quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với cán bộ, nhân viên Trung tâm, bố trí lần lượt từng nhóm người có cùng điểm đến (cùng quê) sẽ đi về cùng nhau. Việc này tránh tình trạng quá tải, mặt khác kiểm soát tốt số lượng người đủ điều kiện ra về và bố trí đón rước nhanh hơn. Công đoạn xác nhận thông tin, nhận giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly y tế được thực hiện chặt chẽ.

Một em nhỏ tranh thủ học online trong khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)
Một em nhỏ tranh thủ học online trong khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)

Về việc di chuyển về nhà cho người hoàn thành cách ly, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lên phương án cho từng đối tượng. Đối với người cư trú tại các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, xe của Thành phố vận chuyển người từ khu cách ly về địa điểm cố định do quận, huyện bố trí để người nhà đón về.

Đối với người cư trú tại các tỉnh miền Tây, xe của Thành phố vận chuyển người từ khu cách ly về 4 điểm đón tập trung tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ.

Các điểm đón tập trung do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 bố trí, từ đó các tỉnh khác của miền Tây đưa xe đến đón người dân về địa phương. Đối với người cư trú tại các tỉnh miền Trung, xe của Thành phố vận chuyển người từ khu cách ly về điểm đón tập trung tại tỉnh Đồng Nai và Thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận); từ đó các tỉnh khác của miền Đông Nam Bộ và miền Trung đưa xe đến đón người dân về địa phương.

Đối với người về địa phương bằng máy bay, tàu hỏa, người cách ly chủ động tìm phương tiện vận chuyển về địa phương mình, các cơ quan chức năng tổ chức xe đưa người cách ly đến nhà ga, sân bay.

Với cách tổ chức khoa học, chu đáo như trên, trong những ngày qua, các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho hàng ngàn người hoàn thành cách ly trở về địa phương một cách an toàn, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Chúc mừng người cách ly trở về nhà, các y bác sỹ cũng luôn nhắc nhở, lưu ý tất cả mọi người: Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, người cách ly vẫn phải tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày nữa, hạn chế tiếp xúc gần với người khác. Khi tiếp xúc cần đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách 2m. Hạn chế ra khỏi nhà. Không tổ chức tiệc tùng, tụ tập đông người trong gia đình. Thực hiện rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.

Gửi lời tri ân đội ngũ tham gia phục vụ cách ly tại các khu cách ly, một người cách ly tại phòng 1040, khu G4 Khu ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ với tựa đề “Cám ơn”:

“Cảm ơn Đại học quốc gia Cho mượn cư xá làm nhà cách ly Cảm ơn cô, chú ngành y Chăm lo sức khỏe thiếu gì thuốc men Tận tụy chẳng kể lạ quen Giúp ngăn “cô vít” chẳng chen được vào Thức ăn nước uống chẳng sao Quân đội chu cấp ngày nào cũng no Dân quân đi dưới nắng to Giúp đỡ dân chúng chăm lo giữ gìn Cảm ơn các chú vệ sinh An toàn sạch sẽ cho mình bớt lo Thanh niên xung kích giúp cho Tươi cười vui vẻ chẳng to tiếng nào Mỗi ngày thân nhiệt ra sao Sáng, chiều y tế phòng nào cũng đo Nước cơm ăn uống khỏi lo Các anh phục vụ phát cho tận phòng Hai tuần đã cách ly xong Cảm ơn Chính phủ, sớm mong về nhà.” Sự chuẩn bị chu đáo để tổ chức các khu cách ly tập trung của Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhiều người thực hiện cách ly đánh giá cao, tri ân. Điều đó không chỉ là thể hiện trách nhiệm của Thành phố trước đại dịch COVID-19, mà hơn hết đó là những tình cảm, nghĩa đồng bào của chính quyền, nhân dân thành phố dành cho những con người từ phương xa trở về trong hoạn nạn, khó khăn./.

Các y, bác sỹ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm từng người trong khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)
Các y, bác sỹ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm từng người trong khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)