Tiếng réo gọi tâm hồn

img0011-1475048874-22.jpg

1.Tên gọi chỉ mới lần đầu nghe đã ăn vào nỗi nhớ, giai điệu thoáng nghe đã hấp dẫn lòng người, “Ngọt” – ban nhạc indie Hà Nội – đang được xem “hiện tượng hot” với công chúng trẻ bằng thứ âm nhạc như “tiếng réo gọi tâm hồn” thức tỉnh đám đông.

Nói về tên gọi của ban nhạc. Trên truyền thông, với mỗi bài báo “Ngọt” lý giải một kiểu. Lúc đơn giản “chỉ là, nhạc sao thì gọi tên thế” lúc thì “nguy hiểm” “tưởng thế này nhưng cả thế kia, giống như chocolate vừa đắng vừa ngọt,” giống như một kiểu trộn lẫn cả “ngọt ngào và man trá.”

Hỏi trực tiếp Thắng, người nghĩ ra tên “Ngọt” thì nhận được câu trả lời, tất nhiên vẫn kiểu lý giải không giống những lần trước đó – “tôi thích một tên gọi bằng tiếng Việt, không cao siêu và thật gần gũi.”

Hẳn vì “không cao siêu và thật gần gũi” mà đến nay “Ngọt” có lẽ là tên gọi ban nhạc hiếm hoi ở Việt Nam làm tôi ấn tượng, sau “Gạt tàn đầy.” Những tên gọi đầy tính biểu tượng, và rất Việt Nam. Vừa dung dị, hài hước, vừa gợi cảm giác chua chát, tàn khốc, mơ hồ.

Nhắc đến “Ngọt” hẳn ai là fan của ban nhạc này thì đã đều biết cả. “Ngọt” gồm bốn thành viên là Thắng (sáng tác, hát, guitar), Nam Anh (hát bè, trống), Tuấn (guitar) và Hoàng (bass). Họ đều là những chàng trai 9x, tuổi từ 21-25.Họ còn là những đứa trẻ cùng thời, học cùng lớp, lớn lên trong cùng một khu phố, trong cùng một xã hội, dưới một vòm trời.

(Ảnh: Đô Tăng)
(Ảnh: Đô Tăng)

Lý do khiến các thành viên đến với âm nhạc cũng giống giống nhau, tức đều vô thưởng vô phạt. Hoàng được mẹ cho đi học đàn chỉ vì lý do con mình cũng phải đi học một môn năng khiếu như con hàng xóm. Nam Anh làm quen với trống bằng việc tham gia đội trống ở trường. Tuấn tập đàn, đơn giản chỉ là nghịch. Thắng thì “amateur” hơn, thấy anh trai học đàn, Thắng cũng học đàn. Thấy anh trai lập ban nhạc, Thắng cũng lập ban nhạc [anh trai của Thắng là thành viên của Mimetals, ban nhạc indie đầu tiên của Hà Nội – PV].

Ước muốn thành lập ban nhạc đã được nhen nhóm từ khi họ còn học trung học nhưng phải đến 2013 “Ngọt” mới chính thức trình làng.

Tháng Năm vừa rồi, “Ngọt” đã có buổi ra mắt giới thiệu album đầu tay đồng thời biểu diễn một số buổi tại Hà Nội. Cũng trong tháng này, ban nhạc biểu diễn lần đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá, giới thiệu album trên.

Rõ ràng, “Ngọt” đang được yêu thích. Cũng có thể, sự hiện diện của “Ngọt” đang rất hợp thời. Âm nhạc mà, nếu mang vị “ngọt” tự nhiên và rất con người như thế, thì luôn là giá trị bản nguyên đang thiếu.

Sau album này, lần mới nhất “Ngọt” biểu diễn là ở không gian “Salon âm nhạc thứ Bảy” ở Hà Nội. Đó là tối 18/9. Đời sống thưởng thức của Hà Nội hôm ấy đầy xôn xao và tấp nập. Buổi sáng người Hà Nội xếp hàng dài để xin chữ ký của hiện tượng best seller Việt Nam Nguyễn Nhật Ánh khi nhà văn này ra mắt cuốn sách mới. Buổi chiều, từ 15 giờ, cả vạn người đổ về Ecopark “quẩy” với EDM và DJ hàng đầu thế giới Martin Garrix. Ấy thế nhưng, điểm hẹn văn hóa “Salon âm nhạc Thứ Bảy” do nhạc sỹ Dương Thụ làm chủ tọa vẫn bị thất thủ bởi sức hút của “Ngọt.” Thế cơ mà!

Nói như thế, bởi, “Salon âm nhạc thứ Bảy” chưa bao giờ là không gian của đám đông, ồn ào. Vậy mà từ hơn 17 giờ, hàng trăm người xếp thành hàng dài trên con phố Ngô Quyền, kiên nhẫn và yên lắng. Thậm chí, có khá nhiều fan ruột của “Ngọt” còn đến từ 16 giờ. Không gian nhỏ xinh và ấm cúng của “Salon Thứ Bảy” vốn chỉ chứa được hơn trăm người và bình thường luôn thoáng đãng nhưng là vì “Ngọt” mà khán giả chen chật kín cả lối ra vào. Thậm chí, không gian chính kín thì người người nườm nượp bấu lấy cầu thang lên xuống, tràn cả ra lan can và phủ kín hết cả tầng một xem “Ngọt” qua… màn hình chiếu. Khán giả thì đa phần là người trẻ, nhưng tuyệt đối trật tự. Họ nghêu ngao hát theo những bài hát của “Ngọt” với vẻ tươi vui và say sưa thật sự.

(Ảnh: Đô Tăng)
(Ảnh: Đô Tăng)

2. Cá nhân người viết bài cũng thích trải nghiệm âm nhạc của “Ngọt” qua diễn live hơn nghe album phòng thu. Thắng, được xem linh hồn của “Ngọt” dù chất giọng mảnh và đuối nhưng cũng đủ vừa vặn với thứ nhạc cậu viết ra và truyền cảm hứng hiệu quả khi diễn live.

Thắng hát không làm khán giả sướng bằng kỹ thuật hay giọng hát nội lực vang rền thường thấy ở những giọng ca chính. Nhưng Thắng, với giọng hát nhẹ mà chân thật, lại bộc lộ tâm hồn và khiến người nghe cảm thấy rung động.

Hát thì vậy, viết nhạc cũng thế. Giống vẻ ngoài thư sinh của Thắng, những bài hát của “Ngọt” đều có vẻ hiền hòa, trong sáng, không lên gân. Linh hoạt, sống động, thật như cuộc sống, âm nhạc của “Ngọt” trải rộng nhiều phong cách, không chỉ riêng rock.

Mỗi bài hát lại mang một âm hưởng đặc biệt, có khi tươi vui như “Vì ai,” hứng khởi như “Be cool,” dễ thương như “Cá hồi,” duyên dáng như “Xanh,” tối giản như “Quan điểm” lúc lại trừu tượng và triết lý như “Khắp xung quanh,” rồi chiêm nghiệm như “À… ơi,” “Không làm gì,” hay băn khoăn, nhắn nhủ, tán gẫu lảm nhảm như “Em dạo này”…

Ca khúc “Không làm gì”

Đằng sau tất cả nốt nhạc, cảm xúc âm nhạc là quá khứ hồn Việt. Thắng bảo viết nhạc nhờ lấy cảm hứng từ chính xã hội cậu đang sống, từ vòng quay bạn bè. Lúc mới đầu tập tọe sáng tác, Thắng cover, xem người ta thường sử dụng những hợp âm gì và dần thấy rằng hợp âm nào cũng sử dụng, Thắng hiểu ra rằng, mỗi người cần có một con đường đi riêng.

Thành ra, tất cả những sáng tác của Thắng không có ai góp ý về vòng hòa âm, cách đặt lời, cùng lắm cô bạn gái Thắng thi thoảng thành người soát lỗi chính tả, khi bản viết tay được in ra. Và đến thời điểm này, với vài chục bài hát được viết ra, Thắng khá tự tin khoe cái của mình, là chính mình, cũng như thấy sự độc lập này khá ổn. Thắng quan niệm, khi người viết ra bài hát nhìn bài hát luôn có cảm giác bài hát cũng đang nhìn ngược lại. Người sáng tác phải có trách nhiệm với tác phẩm, và khi đặt câu hỏi vì sao, mà thấy mình cảm thấy hài lòng nghĩa là ổn rồi.

Ca khúc “Quan điểm”

Nói như nhạc sỹ Dương Thụ thì, quan trọng nhất trong nghệ thuật là thật. Thật chính là tài năng. Vì tài năng nên họ tự tin nói cái riêng của mình. Âm nhạc của “Ngọt” phóng khoáng, không trưng trổ hay tỏ ra ăn to nói lớn hoặc ra vẻ bi kịch hóa, vỡ òa, thăng hoa như phần lớn bản sao bây giờ.

21 tuổi nhưng xét về phần ca khúc, tư duy ca từ trong hầu hết những sáng tác của Thắng đều trong sáng, ngọt ngào nhưng lại nhiều tầng sâu, và thoáng vị chua chát. Có cảm giác phía trong Thắng vừa có cậu bé mới lớn, mở lòng tỏa ánh sáng rất chan hòa vừa là là người đàn ông trưởng thành, sắc bén chạm tới cảnh giới minh triết.

“…Khắp nơi nơi Không ai nhìn Mỗi con người chẳng ai tin Không ai biết Không ai khiến Không ai xinKhắp xung quanh Tôi đi tìm Những tấm lòng Của không ai Không ai nói Không ai đúng Không ai saiĐường dài không cuối không đầuCó mấy ai vượt khóĐường dài không cuối không đầu Có mấy ai trở vềNhững mắt xích trên con đường tôi đi Cứ thế kéo tôi ra khỏi an nguy tôi từng có…” (Khắp xung quanh)

(Ảnh: Đô Tăng)
(Ảnh: Đô Tăng)

3. Nói hơi nhiều về Thắng và âm nhạc của “Ngọt” không có nghĩa hiệu ứng album phòng thu đã ra mắt của nhóm thì không ấn tượng.

Một trong những việc nhóm làm được, cũng là đóng góp nổi bật của album “Ngọt” chính là việc áp dụng thành công quy trình sản xuất đĩa bằng hình thức gây quỹ cộng đồng (crowdfunding). Đây là cách làm hay, nhất cử lưỡng tiện. Một mặt có nguồn tài trợ tự nguyện để ra đĩa, mặt khác tương tác và tăng sự liên kết ý thức, trách nhiệm trong chính cộng đồng nghe nhạc thành vòng khép kín. Đó là lối đi riêng vừa thành thật, hồn nhiên vừa nhạy bén, táo bạo trong “giai đoạn online” hiện nay.

Thực tế, sau khi kêu gọi ngay lập tức, ban nhạc indie trẻ này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Và với số tiền 50 triệu đồng, “Ngọt” đã ra mắt album đầu tiên của mình.

Âm nhạc của “Ngọt” phóng khoáng, không trưng trổ hay tỏ ra ăn to nói lớn hoặc ra vẻ bi kịch hóa, vỡ òa, thăng hoa như phần lớn bản sao bây giờ. (Dương Thụ)

Cũng với tên gọi “Ngọt” – Album bao gồm 10 ca khúc – con số tròn trịa, nhưng lại tạo cảm giác cả thừa, cả thiếu. Theo quan sát của người viết bài, lý do khiến các fan ruột của nhóm hụt hẫng bởi sự vắng mặt của một số bài hát tiêu biểu như “Quan điểm,” “Em dạo này”…

Bên cạnh cách sắp xếp hơi tham về số lượng, lại không có đột phá đáng kể nào về cách hát, bè phối lẫn nhạc cụ cũng khiến album đầu tiên của nhóm khá an toàn.

Hoàng, thành viên cũng là quản lý của “Ngọt” thừa nhận đó là sự lựa chọn có chủ ý của nhóm. Hiện tại gia tài sáng tác của Thắng đủ để ra mắt đến đến đĩa thứ ba. Những bản nhạc đã giới thiệu và được yêu thích tạm được gọi là “hit” của “Ngọt” sẽ được chia đều để đặt bên cạnh những sáng tác mới mà “Ngọt” vẫn còn “ém hàng” chưa tung ra.

Nói về đường hướng phát triển của nhóm, “Ngọt” quan điểm, nghệ thuật có thể đi hai hướng đi: đặt mục tiêu làm khán giả cười, cho dù có lố bịch và chạm tới những nơi sâu thẳm trong tâm hồn người nghe. Ngọt muốn bước trên cả hai con đường này.

Nhạc sỹ Thanh Phương cho rằng, nói về âm nhạc của “Ngọt” hay hay không hay chưa bàn, nhưng hấp dẫn.“Hấp dẫn ở cấu trúc rất văn minh, hòa thanh hấp dẫn, nó chính là con đường dẫn lối đến người nghe. Âm nhạc là tâm hồn, cũng giống như đánh đàn là bằng cảm giác, Thắng có năng khiếu về đàn và sáng tác nhạc nên chọn những nốt rất hấp dẫn. Ca khúc của Thắng rất tự nhiên.”

Ca khúc “Cá hồi”

Nghe nhạc của “Ngọt” và nghe Thắng hát, có cảm giác, cậu trai đang lớn này viết nhạc với sự tự do tuyệt đối, viết-những-điều-mình-thích, không bị ngăn cấm, không bị xui khiến.

Rõ ràng, “Ngọt” đang được yêu thích. Cũng có thể, sự hiện diện của “Ngọt” đang rất hợp thời. Âm nhạc mà, nếu mang vị “ngọt” tự nhiên và rất con người như thế, thì luôn là giá trị bản nguyên đang thiếu.

Mừng thì vẫn mừng, mà lo thì vẫn lo. Bởi làm nên “Ngọt” là một khối, được trộn lẫn hài hòa của bốn thành viên trong một nhóm nhạc không thể tách rời.

Mà như lời cảnh tỉnh của nhạc sỹ Dương Thụ thì, “lâu nay, tuổi thọ của những ban nhạc ở Việt Nam là rất ngắn. Đại đa số là dần rơi rụng và tan rã khi bắt đầu chạm ánh hào quang của sự nổi tiếng và tiền bạc, từ đó làm nảy sinh yếu tố cá nhân, ngôi sao.”

Cũng theo vị nhạc sỹ này, chừng năm năm nữa, nếu “Ngọt” vẫn còn và tiếp tục thì mới cho phép chúng ta hy vọng về tương lai nhạc Việt sẽ lặp lại thời hoàng kim của nhóm nhạc.

Khi không làm gì và không thể làm gì, thì cứ hy vọng vậy./.

(Ảnh: Đô Tăng)
(Ảnh: Đô Tăng)