Những câu chuyện cảm động

alfredriedl-1599653591-49.jpg

Một người đàn ông nước ngoài tiến lại gần, vỗ nhẹ bàn tay lên vai trái của anh nhà báo thể thao Việt Nam đang tác nghiệp tại sân vận động quốc gia Lào. Rồi hai người nhận ra nhau, bắt đầu những câu chuyện dù cho không khí nhộn nhịp của SEA Games 2009 khiến mọi thứ trở nên gấp gáp và áp lực hơn.

“Ông ấy nói: Nếu sáng mai rảnh thì tôi có thể mời anh đi ăn sáng và uống cà phê. Khi ấy, Alfred Riedl là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Lào, mang trong mình áp lực rất lớn. Vậy mà ông vẫn có lời mời thân thiện khiến tôi thật sự cảm động,” nhà báo Minh Hải, người sau này nổi tiếng với kênh Vlog chuyên về thể thao, bóng đá Việt Nam nhớ lại.

Huấn luyện viên Alfred Riedl và nhà báo Minh Hải.(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Huấn luyện viên Alfred Riedl và nhà báo Minh Hải.(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong suốt thời gian làm việc tại Việt Nam, hiếm có ai thân thiết và gần gũi nhất với vị chiến lược gia người Áo như nhà báo Minh Hải, ở cả khía cạnh công việc và cuộc sống.

Ông Riedl rất thích những món ăn Việt Nam, đặc biệt là món đặc trưng như phở, bún chả, bún bò Huế…”

Và qua cuộc trò chuyện với Báo điện tử VietnamPlus, nhà báo Minh Hải đã tiết lộ nhiều mẩu chuyện thú vị về người đàn ông Áo có nhiều ảnh hưởng với bóng đá Việt Nam qua nhiều thế hệ.

“Đem” ngôi nhà Việt về Áo

Ít ai biết rằng huấn luyện viên Alfred Riedl yêu say đắm Việt Nam. Những ngày đầu ông làm việc với bóng đá ở dải đất hình chữ S gắn liền với ẩm thực.

Kết thúc mỗi buổi tập, khi cầu thủ đã về nghỉ và tắm giặt, ông thầy người Áo luôn có thói quen chọn cho mình một chai bia Hà Nội lạnh.

“Đối với ông ấy, ẩm thực Việt Nam rất quan trọng dù bản thân là người khó ăn. Ông không phù hợp với thức ăn đường phố hay văn hòa vỉa hè, nhưng rất thích những món ăn Việt Nam. Đặc biệt là món đặc trưng như phở, bún chả, bún bò Huế…,” nhà báo Minh Hải kể lại.

Ông Alfred Riedl gắn bó với nhiều thế hệ tuyển thủ Việt Nam. Trong ảnh là ông Riedl và tiền vệ Minh Phương (Ảnh: Văn Cường/Vietnam+) 
Ông Alfred Riedl gắn bó với nhiều thế hệ tuyển thủ Việt Nam. Trong ảnh là ông Riedl và tiền vệ Minh Phương (Ảnh: Văn Cường/Vietnam+) 

Nhiều người hâm mộ vẫn luôn nhầm tưởng rằng tình yêu dành cho Việt Nam của người đàn ông gốc Áo này tới từ việc được ân nhân người Việt Nam hiến thận. Nhưng không hẳn vậy, Alfred Riedl yêu Việt Nam từ những thứ bình dị nhất.

Ông đặc biệt thích nghiên cứu về văn hóa xưa của người Việt. Khi còn làm việc ở Việt Nam, vị huấn luyện viên tài năng này có thói quen bắt xe tới những phòng trưng bày tranh mỗi khi rảnh rỗi, đặc biệt là các phòng tranh dân gian. Ngoài những bức tranh mang đậm trường phái hội họa nổi tiếng, điều gì liên quan tới dân tộc Việt Nam đều thu hút người đàn ông gốc Áo.

Alfred Riedl kể với nhà báo Minh Hải rằng không ai có thể tưởng tượng được ngôi nhà của ông tại Áo giống như một ngôi nhà ở Việt Nam. Ông đã phải mang từng thứ ở “quê hương thứ hai” về để thiết kế, trang hoàng theo cách “Việt Nam nhất.” Nếu ai đó bước vào ngôi nhà ấy thì dễ dàng nhận ra không gian Việt Nam. Những ký ức của bản thân với Việt Nam qua ảnh cũng được Alfred Riedl treo kín những bức tường trong ngôi nhà nhỏ.

“Việt Nam không chỉ là quê hương…”

Đó là câu nói được nhà báo Minh Hải nhớ mãi về huấn luyện viên Alfred Riedl. Bao nhiêu lần hai người nói chuyện là bấy nhiêu lần vị chiến lược gia gốc Áo nhắc tới.

Nếu không có người hiến tặng, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam phải chạy thận ba lần một tuần và sớm rời xa bóng đá.

Alfred Riedl luôn lấy câu chuyện ghép thận để bày tỏ rằng đất nước Việt Nam là máu thịt với bản thân.

Năm 2007, nhờ rất nhiều sự trợ giúp của các bác sỹ Việt Nam, ông được ghép thận khi trước đó đã suy thận nặng nhiều năm. Nếu không có người hiến tặng, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam phải chạy thận ba lần một tuần và sớm rời xa bóng đá.

(Ảnh: Văn Cường/Vietnam+) 
(Ảnh: Văn Cường/Vietnam+) 

Trong chương trình Satu Jam Lebih Dekat năm 2011 trên truyền hình của Indonesia, ông Alfred Riedl bất ngờ gặp lại bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền – người góp công lớn giúp ông thực hiện thành công ca phẫu thuật của cuộc đời và chàng trai đã hiến thận cho mình.

Trong giây phút nghẹn ngào, vị chiến lược gia người Áo rơi lệ cảm động, ôm lấy người hiến thận cho mình mà nghẹn ngào: “Anh đã cứu sống tôi.”

Alfred Riedl vẫn nói bản thân được hưởng rất nhiều tình yêu thương từ đất nước Việt Nam nên luôn có bổn phận đền đáp lại. Chính vì điều đó, bằng nhiều cách khác nhau, ông luôn thể hiện tình cảm ấy.

Nhà báo Minh Hải kể lại: “Khi đội tuyển còn tập trung ở Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia I, một gia đình làm công nhân trồng cỏ trong trung tâm có con bị bệnh nặng và rất khó khăn. Mỗi tháng, Alfred Riedl chu cấp cho gia đình này một số tiền và giấu kín. Mãi về sau, báo chí và nhiều người mới biết. Khi ấy, không ai biết vì sao ông lại nắm rõ thông tin hoàn cảnh của gia đình này tới vậy.”

Một nhân cách lớn

“Khoan nói về những thành tích của ông trong bóng đá, với suy nghĩ của tôi, Alfred Riedl chuyên nghiệp, văn minh và là nhân cách rất đáng nể của bóng đá Việt Nam thời kỳ ấy. Sự văn minh được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Ông không bao giờ chửi học trò dù các huấn luyện viên khác thường sử dụng nhiều ngôn ngữ mạnh khi họ sai lầm, mắc lỗi,” nhà báo Minh Hải tiết lộ.

(Ảnh: Văn Cường/Vietnam+) 
(Ảnh: Văn Cường/Vietnam+) 

Hay như chính những học trò của huấn luyện viên Alfred Riedl cũng thừa nhận như vậy. Họ gọi ông một tiếng thầy thân thương. Cựu tuyển thủ Quốc Vượng bộc bạch: “Không ai có thể trách cứ được thầy điều gì, kể cả những cầu thủ thường xuyên bị ông cho dự bị. Họ đều biết chấp nhận điều đó và tôn trọng Alfred Riedl trong chuyên môn. Thầy là người tâm huyết.”

Trong khi đó, tài năng một thời Phạm Văn Quyến xúc động viết: “Với Alfred Riedl, tôi chỉ muốn nói lời biết ơn thầy. Ông là vị huấn luyện viên đã uốn nắn Quyến một cách nhiệt tâm và chân thành từ những ngày đầu lên tuyển, là người đã chứng kiến những vinh quang và thất bại đáng nhớ nhất của Quyến.”

Năm 2005, trợ lý của huấn luyện viên Alfred Riedl là Vũ Tiến Thành vướng vòng lao lý trước pháp luật và phải ra tòa. Ông thầy người Áo là huấn luyện viên duy nhất có mặt tại phiên tòa xét xử. Alfred Riedl đã nói: “Trước pháp luật, Vũ Tiến Thành là tội phạm. Nhưng đối với tôi, anh ấy là người bạn thân thiết và tôi muốn động viên anh ấy trong lúc khó khăn nhất.”

“Trước pháp luật, Vũ Tiến Thành là tội phạm. Nhưng đối với tôi, anh ấy là người bạn thân thiết”

Hay như câu chuyện giữa ông và tiền vệ Vũ Minh Hiếu ngày nào. Vì tính thẳng thắn, để lộ ra những chuyện trong phòng thay đồ của đội tuyển Việt Nam, tiền vệ tài hoa một thời từng không được triệu tập lên tuyển. Vì với Alfred Riedl, đó là quy tắc.

Cho tới mãi sau này, khi được nhà báo Minh Hải hỏi lại, ông vẫn luôn tiếc nuối: “Tôi ân hận vì không giữ được Vũ Minh Hiếu ở tuyển Việt Nam trong thời điểm đó mặc dù biết đây là cầu thủ giỏi, tài năng. Nhưng theo quy định, tôi chọn lợi ích chung chứ không thể nào xử lý theo tình riêng”./.

Sau khi ghép thận, huấn luyện viên Alfred Riedl có thể tiếp tục gắn bó với bóng đá. Nhưng thật sự cơ thể ấy không ổn bởi dù sao cũng đã tổn thương nặng và phải ghép thêm một bộ phận ngoại lai.

Cho tới giai đoạn bệnh trở nặng, vợ ông Alfred Riedl phải rất khó khăn mới thuyết phục được chồng trở về Áo nghỉ ngơi thay vì chọn sống tiếp cùng bóng đá. Sau cùng, giữa lẽ sống và sự sống, Alfred Riedl chỉ được chọn một.

“Tôi biết ngày này rồi cũng sẽ tới. Nhưng sao ngăn nổi cảm xúc buồn bã lúc này khi đã mất đi một người bạn. Tôi đã sốc vì không nghĩ Alfred Riedl ra đi nhanh như vậy,” nhà báo Minh Hải thương tiếc.

(Ảnh: Văn Cường/Vietnam+) 
(Ảnh: Văn Cường/Vietnam+)