Tây Du Ký

tonngokhon-1493115860-86.jpg

Ngày 15/4, Lục Tiểu Linh Đồng chia sẻ trên mạng Weibo rằng: “Vị nữ đạo diễn thuộc thế hệ đạo diễn đầu tiên của Trung Quốc, vị nữ đạo diễn đáng kính Dương Khiết đã ra đi… Đạo diễn Dương Khiết không chỉ là ân sư của tôi mà là người thầy trên con đường nghệ thuật và cả cuộc đời tôi. Không có bản ‘Tây Du Ký’ 1986 sẽ không có Lục Tiểu Linh Đồng của ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ mãi mãi nhớ về bà…”

Những dòng tâm sự này được đăng tải sau khi tổng đạo diễn, nhà sản xuất của bộ phim “Tây Du Ký” bản 1986, Dương Khiết, qua đời ở 88 tuổi.

Bắt đầu phát sóng chính thức từ năm 1986, bộ phim đã tạo cơn sốt khắp châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tân Hoa xã đã từng dẫn một báo cáo năm 2014 cho biết “Tây Du Ký” đã được phát lại 3.000 lần và trở thành một trong những bộ phim có lượt phát lại và tỷ lệ người xem cao nhất thế giới.

Đối với những khán giả thế hệ 8X, mỗi khi đài truyền hình phát sóng “Tây Du Ký” cũng chính là lúc những ngày Hè bắt đầu.

Trong 30 năm qua đã xuất hiện rất nhiều phiên bản “Tây Du Ký” nhưng bản được yêu thích nhất vẫn là bản năm 1986. Tại sao lại vậy? Có phải do nó xuất hiện sớm nhất, hay do mọi người thích hoài niệm. Dù câu trả lời là gì đi chăng nữa thì hầu hết đều phải công nhận rằng nó thực sự rất hay.

“Tây Du Ký” đã được phát lại 3.000 lần và trở thành một trong những bộ phim có lượt phát lại và tỷ lệ người xem cao nhất thế giới.

“Tây Du Ký” thực sự là một phần không thể tách rời trong tuổi thơ của nhiều người. Mặc dù hết mùa Hè này đến mùa Hè khác đều xem “Tây Du Ký” nhưng chắc chắn bạn sẽ không khỏi rạo rực khi tiếng nhạc mở đầu của phim vang lên. Và cho dù, bạn đã biết tất thảy những kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng sẽ phải trải qua thì vẫn không khỏi căng thẳng khi chứng kiến cảnh họ gặp nạn.

Bộ phim thành công đến nỗi mỗi khi nhớ lại mùa Hè năm đó, dường như tiếng nhạc trong ca khúc chủ đề của bộ phim lại văng vẳng bên tai bao nhiêu người.

Vị đạo diễn quá cố Dương Khiết từng nói trong một chương trình rằng bà không ngờ rằng “Tây Du Ký” có thể được hâm mộ suốt 30 năm trời.

Bà nói: “Tại sao ‘Tây Du Ký’ lại được mọi người yêu thích trong suốt 30 năm? Bởi chúng tôi đang làm nghệ thuật, chúng tôi không làm vì danh, cũng không vì lợi, không vì giải thưởng. Những diễn viên chính của chúng tôi nhận 80, 90 nhân dân tệ/tháng nhưng chẳng có ai nhắc đến một chữ khổ. Chúng tôi quay 25 tập trong 6 năm, không phải trả tiền theo tháng mà là trả tiền theo tập nhưng một tập phải quay mất bao lâu? Những nhân viên trong đoàn làm phim nhận mức lương 30 nhân dân tệ, nhưng họ cũng giống như chúng tôi, nỗ lực bằng cả tính mạng, sáng tạo bằng mồ hôi, nước mắt. Tại sao chúng tôi lại tạo ra bộ phim được yêu thích trong suốt 30 năm trong tình cảnh chẳng có gì trong tay như vậy? Đó chính là vì nhiệt huyết của chúng tôi.”

Đạo diễn Dương Khiết và các diễn viên trong phim Tây Du Ký
Đạo diễn Dương Khiết và các diễn viên trong phim Tây Du Ký

Sự ra đời của Tây Du Ký

Có thể rất nhiều người không biết rằng bản “Tây Du Ký” đầu tiên trên màn ảnh nhỏ lại không phải là của Trung Quốc mà là của Nhật Bản. Trong phiên bản của Nhật Bản được quay từ năm 1978, Đường Tăng lại là phụ nữ. Và khi đó người Trung Quốc cho rằng điều này đã không đúng với nguyên tác và họ nghĩ rằng “Tây Du Ký” phải do người Trung Quốc làm.

Đạo diễn Dương Khiết vào Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc từ năm 1958 nhưng phải đến khi trở thành tổng đạo diễn của “Tây Du Ký” bản 1986, tên tuổi của bà mới được khán giả khắp Trung Quốc biết tới.

Trong một cuốn sách có tiêu đề “Tự thuật Dương Khiết: 81 kiếp nạn của tôi,” bà đã kể lại những câu chuyện trong quá trình quay “Tây Du Ký,” từ chuyện tìm ngoại cảnh đến chọn diễn viên.

“Dương Khiết, cô có dám quay ‘Tây Du Ký’ hay không?” Đó có lẽ là câu hỏi đưa cuộc đời bà rẽ sang một trang mới.

Cuối tháng 11/1981, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc nhận một nhiệm vụ là chuyển thể thành phim truyền hình tác phẩm “Tây Du Ký,” một trong tứ đại kỳ thư của Trung Quốc.

Rất nhiều người không biết rằng bản “Tây Du Ký” đầu tiên trên màn ảnh nhỏ lại không phải là của Trung Quốc mà là của Nhật Bản. Trong phiên bản đó, Đường Tăng lại là phụ nữ.

Khi nghe đến kế hoạch này, bà Dương có cảm giác đây không phải là chuyện của mình. Nhưng rồi ngay sau đó, có người hỏi bà rằng: “Dương Khiết, nếu giao cho cô ‘Tây Du Ký,’ cô có dám nhận không?” Bà không ngờ rằng nhân vật chính trong câu nói đó lại chính là mình, bà ngước lên nhìn chằm chằm vào người hỏi thể hiện sự nghi ngờ. Sau đó, anh ta nhắc lại bằng ánh mắt kiên định: “Cô có dám quay ‘Tây Du Ký’  hay không?” Lúc đó bà bước lên phía trước và nói “Chỉ cần có tiền, có gì mà không dám.” Ngay lúc đó, anh ta dõng dạc tuyên bố với mọi người: “Được, chúng tôi quyết định giao ‘Tây Du Ký’ cho Dương Khiết.”

Câu nói này như tiếng sét ngang tai không những khiến mà muốn “ngất xỉu” mà còn khiến rất nhiều người có mặt trong cuộc họp hôm đó cảm thấy mơ hồ. Họ không thể tưởng tượng nổi tại sao Dương Khiết lại được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy.

Lúc này, trong suy nghĩ của họ, bà chỉ là một đạo diễn kịch, là người mà cả ngày mơ đến chuyện được quay phim truyền hình. Tại sao lại có thể giao một bộ phim quan trọng như vậy cho bà? Thế nhưng sự phản đối của họ chỉ càng khiến bà kiên định vơi nhiệm vụ huy hoàng này.

Ngay sau đó, bà đã bắt tay vào việc tìm ngoại cảnh cho bộ phim “Tìm đường lấy Kinh.” Bà đã cùng với cộng sự của mình lang thang khắp mọi miền Trung Quốc.

Đi tìm Tôn Ngộ Không

Trong “Tây Du Ký,” bốn thầy trò Đường Tăng là nhân vật chính và Tôn Ngộ Không là nhân vật quan trọng nhất. Vì vậy, đầu tiên phải tìm được diễn viên vào vai Tôn Ngộ Không. Nhưng phải đi đâu để tìm người này, nên dùng diễn viên võ thuật hay diễn viên kịch? Ban đầu Dương Khiết khá bối rối.

Bà đã đến các trường võ thuật để tìm một số diễn viên trẻ, võ công của họ rất khá nhưng lại hơi kém trong khâu diễn xuất. Đã có rất nhiều Tôn Ngộ Không trên sân khấu kịch vì vậy bà đã nghĩ rằng sử dụng họ rồi bồi dưỡng cho họ về phần diễn xuất, muốn thứ võ thuật phô trương của họ và võ thuật theo lối nghệ thuật hòa quyện lại với nhau, đó chính là Tôn Ngộ Không mà bà muốn.

Có người giới thiệu cho bà một học viên trường nhạc kịch Trung Quốc tên là Đồng Chí Hoa. Võ công của anh ta rất tốt, bà cảm thấy ưng ý nhưng năm đó anh ta phải ra nước ngoài biểu diễn mà đoàn kịch không tìm được diễn viên thay thế nên bà chỉ còn cách từ bỏ.

Bất chợt bà nhớ tới một Tôn Ngộ Không trong đoạn kịch “Tam Đả Bạch Cốt Tinh.” Nhân vật Tôn Ngộ Không trong đó diễn xuất rất tốt, gây ấn tượng mạnh cho bà. Người đó chính là Lục Linh Đồng Nam Hầu Vương. Và thế là bà đã gọi cho ông ta.

Trong điện thoại, Lục Linh Đồng rất nhiệt tình. Ông ta nói: “Tôi có một lớp học, có rất nhiều tiểu hầu, cô mau đến chọn.”

Lục Tiểu Linh Đồng và nhân vật Tôn Ngộ Không
Lục Tiểu Linh Đồng và nhân vật Tôn Ngộ Không

Ngày 28/2/1982, bà hào hứng đến Thiệu Hưng. Lục Linh Đồng đưa bà về nhà. Trong cuộc nói chuyện, bà đã hỏi ý kiến ông về nhân vật Tôn Ngộ Không trong bộ phim truyền hình: “Trong quá trình tách mình từ vách đá để trở thành Phật, Tôn Ngộ Không nên thay đổi thế nào?”

Người bạn già lập tức đứng dậy, biểu diễn cho bà xem hình ảnh yếu ớt khi con khỉ mới chào đời, đến những bước đi nghiêng ngả, đến vẻ phô trương khi đại náo thiên cung, gương mặt cười đùa và vẻ tận tụy của anh ta khi hộ tống sư phụ.

Dương Khiết tỏ vẻ hối tiếc nói rằng: “Tiếc quá, nếu anh mới 30 tuổi, Tôn Ngộ Không chính là anh rồi.”

Ông ta lập tức chỉ về người thanh niên trẻ tuổi và nói: “Nó là con trai của tôi…”

Bà không hiểu ý của Lục Linh Đồng nên tiếp tục hỏi: “Khi nào có thể đến đoàn kịch để phỏng vấn học viên của ông?”

Ông ta dường như có chút thất vọng, liên tục nói: “Không vội, không vội.”

Sau khi ăn cơm tối, Lục Linh Đồng đưa bà đến nhà khách, còn đưa cho bà một ít báo và tài liệu. Buổi tối, bà giở đống tài liệu, bên trong ngoài nội dung giới thiệu Lục Linh Đồng, còn có giới thiệu những diễn viên từng đóng vai Tôn Ngộ Không trong đoàn kịch, trong đó còn nhắc tới một diễn viên hầu kịch trẻ tuổi với lời miêu tả rằng “diễn xuất của anh ấy khiến người khác ngạc nhiên.” Nghe giới thiệu, bà quyết tâm đi tìm anh ta trong ngày hôm sau.

Ngày thứ hai, Lục Linh Đồng lại đưa bà về nhà nhưng bà yêu cầu ông ta đưa đến đoàn kịch. Ông ta vẫn nói: “Không vội, vẫn còn kịp, vẫn còn kịp.” Bà nói rằng muốn xem mặt những diễn viên trẻ mà ông ta nhắc đến trong tài liệu nhưng ông ta coi như không nghe thấy gì, một mực giới thiệu người con trai.

“Sáu năm trôi qua, cậu ấy thành công rồi, trở thành ngôi sao của Trung Quốc và được thế giới biết tới.” (Đạo diễn Dương Khiết)

Lúc này, bà đã hiểu ra rồi, ông ấy muốn giới thiệu con trai với bà để vào vai Tôn Ngộ Không. Bà bắt đầu chú ý vào chàng trai trẻ này. Anh ta tên là Chương Kim Lai (Lục Tiểu Linh Đồng) là một diễn viên đoàn kịch Chiết Giang, Hàng Châu, được miêu tả là người rất “điềm tạc, tinh tế, giống một học giả.”

Bà muốn anh ta diễn một số động tác. Những động tác của Lục Tiểu Linh Đồng dường như rất chính xác nhưng so với người cha, anh ta vẫn còn thiếu một chút gì đó. Tôi hỏi Lục Tiểu Linh Đồng: “Những gì cha cậu vừa nói, cậu có hiểu không? Cậu vẫn có thể biểu diễn khi thiếu bộ gõ chứ?”

Người cha già vỗ ngực nói: “Cái này cô cứ yên tâm, cứ giao cho tôi.”

Lúc này mà vẫn còn nhắc đến chuyện đến gặp người khác xem ra không còn hợp lý. Bà chỉ biết nói rằng quyết định còn phụ thuộc lãnh đạo. Người diễn viên già tỏ ra thông cảm, trong thời gian chuẩn bị ông bảo đảm sẽ dạy con trai mọi thứ.

Sau đó, Lục Linh Đồng đưa Lục Tiểu Linh Đồng đến Bắc Kinh. Màn biểu diễn của chàng trai trẻ tiến bộ hơn so với hôm trước. Quả thực người cha đã bỏ ra không ít công sức. Lãnh đạo đài tương đối hài lòng, và quyết định chọn anh ta vào vai Tôn Ngộ Không.

Dương Khiết đã nhắc lại một cách nghiêm túc những yêu cầu đối với Lục Tiểu Linh Đồng: phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận trong những trường hợp khó khăn, và dù là diễn viên chính thì cũng không có người chăm sóc riêng.

Lục Tiểu Linh Đồng đã thực hiện lời hứa của anh ta, không chỉ trong diễn xuất và trong cuộc sống, anh cũng phải chịu đựng rất nhiều nỗi vất vả, khắc phục nhiều khó khăn, và không ngừng hoàn thiện bản thân để trưởng thành hơn. “Sáu năm trôi qua, cậu ấy thành công rồi, trở thành ngôi sao của Trung Quốc và được thế giới biết tới,” Dương Khiết nói.

Diễn viên Trì Trọng Thụy trong vai Đường Tăng
Diễn viên Trì Trọng Thụy trong vai Đường Tăng

Những câu hỏi “Tại sao?”

Tại sao bộ phim phải quay trong nhiều năm ròng rã? Vào thời điểm năm 1982, công nghệ quay phim vẫn chưa phát triển, cộng thêm với việc “Tây Du Ký” phải quay ngoại cảnh ở nhiều nơi, đi lại khó khăn, nên bộ phim phải quay trong một thời gian dài. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là kinh phí eo hẹp.

Do thiếu kinh phí nên trong những năm 80 chỉ quay được 25 tập, rất nhiều tình tiết trong tác phẩm chưa được truyền tải đến khán giả, đạo diễn và diễn viên đều cảm thấy hối tiếc.

Vì thế, phần hai phim Tây Du Ký được sản xuất năm 1998-1999, phát sóng năm 2000, gồm 16 tập, bổ sung cho những chuyện mà phần một chưa kể hết.

Tại sao Đường Tăng lại phải thay đến 3 diễn viên? Trong phim “Tây Du Ký,” nhân vật Đường Tăng do ba diễn viên thể hiện, đó là: Uông Việt, Từ Thiếu Hoa và Trì Trọng Thoại. Uông Việt là diễn viên đầu tiên được đạo diễn Dương Khiết mời đóng vai Đường Tăng, khi đó anh đang là học viên của Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Do thời gian quay bộ phim Tây Du Ký kéo dài quá lâu, trong khi Uông Việt lại muốn thử sức với những vai mới, nên anh đã xin “rút tên” khi phim vừa quay được vài tập.

Nhạc phẩm nổi tiếng trong phim “Tây Du Ký”

Khi quay đến cảnh của Bạch Long Mã, đoàn làm phim không tìm được ngựa trắng nên phải dùng ngựa đen để thay thế. Họ đã sơn một lớp sơn trắng lên ngựa nhưng mỗi khí xuống sông để quay cảnh dưới nước, nước sông lại đục trắng, và khi từ sông lên thì “Bạch Long Mã” lại biến thành một chú ngựa đen.

Thế nhưng, “Tây Du Ký” vẫn để lại một “bí ẩn vĩnh cửu” mà đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Đó chính là chẳng ai biết rõ có những gì trong chiếc gánh mà Sa Tăng luôn mang bên mình. Trên con đường lấy Kinh, vượt núi qua sông, chiếc gánh đó vẫn luôn trên vai Sa Tăng, và gần như chẳng khi nào thấy anh ta lấy thứ gì từ trong đó. Vậy có gì trong gánh đó?

Tây Du Ký là bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Cục Đường sắt Trung Quốc phối hợp sản xuất.

“Tây Du Ký” bắt nguồn từ một câu chuyện có thật: nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông tên là Trần Huyền Trang, năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Ông ra đi từ năm 629 đến năm 645 mới về Trung Quốc, tổng cộng là 17 năm; trong đó, có 6 năm tu học ở chùa Na Lan Đà – một trung tâm Phật giáo hồi bấy giờ. Khi về nước, ông phải dùng tới 24 ngựa tải 657 bộ kinh Phật.

Tây Du Ký có 41 diễn viên, trong đó có 7 diễn viên chính (Đường Tăng có 3 diễn viên), 11 người đóng vai thần tiên, 9 người đóng vai yêu quái, người thường là 16 người, chưa kể một bộ phận đông đảo diễn viên quần chúng.

Diễn viên Mã Đức Hoa trong vai Trư Bát Giới
Diễn viên Mã Đức Hoa trong vai Trư Bát Giới