giao_vien_vung_cao

biagieochu-1574212921-58.jpg

Nặng lòng với miền đất khó

Nhiều thầy cô giáo từ miền xuôi lên vùng cao, biên giới công tác, tận mắt thấy cuộc sống khó khăn nơi đây muốn bỏ về, nhưng nhìn khuôn mặt học sinh nhem nhuốc, ánh mắt hồn nhiên, trìu mến như muốn níu kéo nên thương trò, họ quyết định ở lại và gắn bó với mảnh đất biên viễn nắng và gió này.

Thương trò vùng sâu

Chúng tôi đi xe ôtô từ thành phố Lai Châu hơn gần ngày đường mới vào trung tâm xã Pa Ủ của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Pa Ủ thuộc là xã biên giới, tất cả dân địa phương là dân tộc La Hủ, đời sống rất khó khăn. Thầy cô giáo phải thường xuyên trèo đèo, lội suối về các bản, gặp phụ huynh để vận động đưa học sinh ra lớp. Về trường ở bán trú, học sinh được thầy cô giáo yêu thương như con, mua quần áo, dày dép và lo lắng từ miếng ăn đến giấc ngủ.

Sau giờ học trên lớp, các em cùng các thầy cô giáo ra vườn chăm sóc luống rau xanh và hái rau về cải thiện bữa ăn tối. Trời Đông biên giới lạnh, chúng tôi trò chuyện ấm cúng bên mâm cơm gia đình thầy giáo Hà Ánh Hùng, hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Pa Ủ.

Nhìn khuôn mặt học sinh nhem nhuốc, ánh mắt hồn nhiên,trìu mến như muốn níu kéo nên thương trò, nhiều thầy cô quyết định ở lại vùng cao

Thầy giáo Hùng cho biết xã Pa Ủ thuộc địa bàn biên giới, cách xa trung tâm huyện và tỉnh, khó khăn về nhiều mặt, trình độ dân trí thấp, giao thông cách trở… giáo viên miền xuôi lên công tác, nếu không chịu khó, không yêu nghề, yêu trẻ thì sẽ bỏ về.

Theo thầy Hà Ánh Hùng, giáo viên phải vượt qua nhiều khó khăn để mang con chữ lên với vùng đặc biệt khó khăn biên giới. Những dịp Hè, Tết, giáo viên phải về trường sớm so với các vùng thuận lợi khác để vận động, đưa các em về trường học chữ. Các em về trường rồi, giữ các em lại càng khó hơn. Vì vậy, bằng tình yêu thương, các thầy cô đã chăm sóc các em như con mình, tổ chức các hoạt động để học sinh muốn ở lại trường, không bỏ về bản.

Giáo viên và học sinh trường Tiểu học số 2 xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu băng qua suối để tới lớp học. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học số 2 xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu băng qua suối để tới lớp học. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Nhớ lại buổi đầu vào Pa Ủ nhận công tác, thầy giáo Hùng chia sẻ năm 2007, anh lên mảnh đất này dạy chữ, chưa có điện thắp sáng và sóng điện thoại, giao thông đi lại vất vả. Học sinh ít, trường lớp tạm bợ, nơi ăn chốn nghỉ của thầy cô và trò chật vật. Học sinh bỏ học theo bố mẹ vào rừng ở, tỷ lệ chuyên cần thấp…

Trong những năm qua, chính sách đầu tư của Nhà nước cho vùng biên giới, đặc biệt là dân tộc La Hủ, hiện nay đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 94% (năm 2015) xuống còn 72%. Cơ sở vật chất đường, điện, trường, trạm được đầu tư khang trang, kiên cố. Phụ huynh quan tâm đến việc học của con cái nên tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 95%.

Trong bữa cơm, tôi hỏi cô giáo Bùi Thị Tháp (vợ thầy Hùng) có nhớ các con ở quê không. Thầy Hùng thay lời vợ nói “nhớ cũng đành chịu.” Cô giáo Bùi Thị Tháp quê ở Hòa Bình lên vùng đất khó Pa Ủ công tác, cạnh trường của thầy Hùng. Thương cảnh nam giới ở một mình, cô giúp thầy Hùng bữa cơm, giặt hộ bộ quần áo, rồi nảy sinh tình cảm.

Năm 2009, họ nên duyên vợ chồng, tổ chức đám cưới tại bản Mu Chi trong niềm vui hân hoan của đồng nghiệp và học sinh, phụ huynh. Từ đó đến nay, vợ chồng thầy giáo Hùng gắn bó với đất và người Pa Ủ, không muốn rời xa. Vì công việc, vợ chồng thầy Hùng phải gửi hai con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc, mỗi năm được hai dịp Hè và Tết về nhà. Hết phép, vợ chồng chia tay con về trường công tác, lòng quặn thắt. Nhớ con bao nhiêu, họ lại dồn tình yêu thương cho những đứa trẻ vùng cao.

Vượt khó cắm bản

Nói đến dạy và học ở các điểm trường lẻ vùng cao của một trong những huyện nghèo nhất của cả nước là nghĩ ngay đến những gian khó, vất vả. Những ngày này, trên những điểm trường xa xôi, khó khăn ấy ở huyện vùng cao Bát Xát (Lào Cai), đội ngũ các thầy cô giáo vẫn miệt mài gắn bó với công việc “gieo chữ,” ươm những mầm xanh.

Những ngày đầu bỡ ngỡ đặt chân đến điểm trường Mầm non Ngải Thầu, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, Lào Cai, hai cô giáo trẻ Lê Thị Tuyết và Trương Bích Hương thật khó để hình dung chặng đường sắp tới sẽ khó khăn như thế nào. Khung cảnh hoang vu, hẻo lánh trước mắt khác xa với những gì các cô mường tượng về một ngôi trường khang trang, đủ đầy tiện nghi khi còn ngồi trên giảng đường. Giấc mơ ấy giờ hiện lên trần trụi với những trận gió rít lạnh lẽo, đường núi đá lởm chởm, sự khác biệt về ngôn ngữ văn hóa với người dân bản địa và cả những cô đơn chờ đón.

Các giáo viên vùng cao dắt xe máy qua điểm sạt lở do mưa lũ gây ra để đến điểm trường trong năm học mới. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Các giáo viên vùng cao dắt xe máy qua điểm sạt lở do mưa lũ gây ra để đến điểm trường trong năm học mới. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Nói về gian khó khi đặt chân lên xã Dề Thàng của huyện Bát Xát, cô giáo Lê Thị Tuyết chia sẻ: “Thật ngỡ ngàng, không thể tin được vào mắt mình! Quãng đường 35km ở dưới xuôi rất bình thường nhưng trên này càng đi càng thấy xa. Những ngày đầu, tôi đã khóc vì quá vất vả, nhớ nhà. Lên đến đây, nhà ở quá tạm bợ, chật chội, hiu quạnh, chỉ có núi nối núi và rừng thăm thẳm, mọi thứ đều mông lung. Tôi đã định bỏ về nhưng vì nghề nên cố gắng ở lại.”

Điểm trường Mầm non Ngải Thầu cách trung tâm hơn 10km nhưng đường trơn trượt, gồ ghề nên đi mất gần một giờ đồng hồ, đây là điểm xa nhất của xã Dề Thàng. Cô giáo Tuyết và cô giáo Hương gắn bó với điểm trường này 5 năm rồi, nhiều lần đi ra đi vào bị ngã xe, lấm lem bùn đất, nhưng đi nhiều, ngã nhiều rồi cũng quen. Năm học 2019-2020, điểm bản có 41 cháu mầm non, con em của đồng bào dân tộc Mông.

“Khó khăn như vậy nhưng khi nhìn thấy học sinh thân yêu, lòng yêu nghề lại trỗi dậy mạnh mẽ. Các em học sinh mặt nhem nhuốc, mắt đen lay láy vô tư tinh nghịch. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, còn nhỏ tuổi, nhưng các em học sinh đã phải vừa giúp đỡ việc gia đình vừa đi học. Học sinh chăm ngoan, nghe lời, đã bù đắp lại những khó khăn thiếu thốn của các thầy cô giáo cắm bản nơi đây,” cô giáo Trương Bích Hương cho hay./.

Ở nhiều địa phương của tỉnh Lai Châu, học sinh phải đi đò qua sông đến trường với sự giúp đỡ của giáo viên. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Ở nhiều địa phương của tỉnh Lai Châu, học sinh phải đi đò qua sông đến trường với sự giúp đỡ của giáo viên. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Dạy chữ nơi có nhiều ‘không’

Hiện nay, ở vùng Tây Bắc, nhiều điểm bản không có đường, điện, nước sinh hoạt, sóng điện thoại, lớp học tạm bợ… Các thầy cô giáo vì yêu nghề, thương học sinh nên đã bám trường, bám lớp, lặng thầm gieo con chữ nơi rẻo cao.

Vượt khó để dạy chữ

Mất hơn 2 giờ đồng hồ men theo sườn núi với những con dốc dài lởm chởm đá, có chỗ mặt đường bùn lầy, trơn trượt…, chúng tôi cũng vượt qua quãng đường 25km từ trường trung tâm để đến điểm trường Khau Luông – điểm trường xa nhất và khó khăn nhất của xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Bản Khau Luông nằm trên đỉnh núi, có 27 hộ đồng bào Mông sinh sống và được mệnh danh là “bản nhiều không”

Bản Khau Luông nằm trên đỉnh núi, có 27 hộ đồng bào Mông sinh sống và được mệnh danh là “bản nhiều không”: không đường, điện lưới, chợ, sóng điện thoại. Cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây phụ thuộc vào việc làm nương rẫy.  

Phụ trách điểm trường Khau Luông là cô giáo Nguyễn Thị Minh, có thâm niên 34 năm trong nghề. Cô Minh được phân công phụ trách điểm trường đã được 2 năm. Cùng ăn, cùng ở với người dân trong bản, cô Minh thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi đây. Ngoài việc dạy chữ cho các em, cô thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào cách ăn, ở sao cho hợp vệ sinh, cách phòng chống bệnh tật ở trẻ em.

Giáo viên trường Tiểu học số 2 xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đưa học sinh tới trường trung tâm. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Giáo viên trường Tiểu học số 2 xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đưa học sinh tới trường trung tâm. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Cô giáo Nguyễn Thị Minh cho biết điểm trường Khau Luông hiện có 15 học sinh học từ bậc mầm non đến lớp 4. Tất cả học sinh của điểm trường là con em đồng bào Mông. Điểm trường có 3 cô giáo, do nhà xa nên các cô ở lại đây từ thứ Hai đến thứ Sáu. Ở điểm trường này, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn như không có điện lưới, sóng điện thoại, không chợ… Khi mới lên đây công tác, các cô cảm thấy như rời xa với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, thương học trò, các cô giáo cố gắng vượt qua khó khăn để dạy chữ cho các em.

“Giáo viên coi học sinh như con, em của mình. Thấy quần áo các em rách quá, các cô thay người mẹ vá cho các em, xin quần áo cho các em mặc… Ngoài ra, việc dạy học cho học sinh người Mông cũng gặp nhiều khó khăn do các em không biết tiếng phổ thông, ít tiếp xúc với bên ngoài gây ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học của các em. Tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, đầu tư làm đường và điện lưới vào bản Khau Luông để người dân đỡ vất vả, học sinh có cơ hội được tiếp xúc với bên ngoài,” cô giáo Nguyễn Thị Minh chia sẻ.

Đầu năm 2019, điểm trường được một tổ chức từ thiện tài trợ xây dựng hai phòng học, một phòng cho giáo viên ở và làm việc khá khang trang nhưng điều kiện sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, các cô giáo phải tự trồng rau xanh, mang thực phẩm từ nhà lên điểm trường sử dụng. Những lúc nhớ nhà, các cô giáo phải đi lên đỉnh đồi nằm cách điểm trường gần 3km để bắt sóng điện thoại gọi điện về cho gia đình.

Giờ học của học sinh mầm non điểm trường Thẩm Xét (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)
Giờ học của học sinh mầm non điểm trường Thẩm Xét (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)

Điều kiện làm việc, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng với tình yêu nghề, thương học sinh, các cô giáo ở điểm trường Khau Luông vẫn quyết tâm gắn bó, từng bước khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt. Điểm trường Khau Luông nhiều năm liền không có học sinh bỏ học, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 100%.

Ông Lều Chính Phủ, thôn Khau Luông, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn cho biết nhờ có các cô giáo cắm bản, con em đồng bào Mông không phải đi xa để học chữ, thực hiện ước mơ của mình. Đồng bào ở đây rất biết ơn, yêu quý các cô giáo.     

Hoa rừng tặng cô

Chúng tôi đi từ trung tâm xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vào tới bản Ngải Thầu hơn một giờ đồng hồ. Đoạn đường 10km trơn trượt, đất đá gồ ghề, có chỗ lầy lội. Đoạn đường này chỉ có giáo viên cắm bản và người dân địa phương quen đường mới có thể đi xe máy qua một cách thuận lợi. Bản Ngải Thầu có 100% là người Mông sinh sống, ở đây vẫn chưa có điện lưới quốc gia, thiếu thốn nước sinh hoạt.    

Ngoài vấn đề đi lại, các cô ở điểm Trường Mầm non-Tiểu học Ngải Thầu gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất. Phân hiệu được đặt ở giữa khoảng sân của một số nhà dân, gồm 4 phòng học và không có sân chơi (2 lớp mầm non và 3 lớp tiểu học). Theo các thầy cô giáo ở đây, có được diện tích như vậy để xây dựng phân hiệu đã là quá lý tưởng bởi địa hình dốc cao núi đá, khó tìm được một khoảng đất trống bằng phẳng.

Điểm trường Khau Luông nhiều năm liền không có học sinh bỏ học, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 100%

Hai cô giáo Mầm non Lê Thị Tuyết và Trương Bích Hương đã gắn bó ở đây 5 năm, với 41 học sinh từ 3-5 tuổi. Gọi là điểm trường nhưng ở đây chỉ có 5 phòng học, phòng ngủ của giáo viên và nhà bếp tạm bợ. Đây là phân hiệu nằm xa nhất, khó khăn nhất của xã Dền Thàng.

Cô giáo Trương Bích Hương tâm sự trong hoàn cảnh khó khăn nhưng các cô không hề nản chí, từng bước khắc phục để mang đến cho các em một môi trường giáo dục tốt nhất. Cô mong chính quyền các cấp sớm đầu tư làm đường vào bản, kéo điện lưới và xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt để người dân đỡ vất vả.

Chia tay cô giáo Lê Thị Tuyết và Trương Bích Hương, đi đến đầu cổng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các cháu mẫu giáo trên tay cầm bó hoa rừng hớn hở đi về phía lớp học. Những lời bộc bạch, nhiệt huyết của cô giáo trẻ vùng cao khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, vững tay lái xuống núi./.

Do thiếu phòng học, nhiều điểm trường ở vùng cao phải học ghép lớp và được ngăn bởi những tấm phên nứa. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Do thiếu phòng học, nhiều điểm trường ở vùng cao phải học ghép lớp và được ngăn bởi những tấm phên nứa. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Chăm sóc học sinh như con

Học sinh người Mông, Dao, Tày…từ bản xa về ăn, ở bán trú tại các điểm trường được thầy, cô giáo yêu thương, chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Thương học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên giáo viên đã nhận các em làm con nuôi để học sinh có điều kiện tốt hơn khi tới trường.

Cô giáo đùm bọc 4 em nhỏ

Mỗi sớm, tại khu vực thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), người ta lại thấy một người phụ nữ với dáng vẻ gầy guộc tất bật chuẩn bị cho bốn đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau đến trường. Nếu ai không biết có thể nghĩ rằng đó là một người mẹ và bốn đứa con nhỏ. Thực tế, người phụ nữ ấy là một cô giáo đã tình nguyện đón 4 em nhỏ người Mông về nhà để chăm lo cho các cháu ăn học…

Về thị trấn Phong Hải, hỏi cô giáo nhận nuôi 4 cháu nhỏ ai cũng biết là cô Nguyễn Thị Thanh Minh, giáo viên Trường Mầm non số 2 (thị trấn Phong Hải).

Nhìn lũ trẻ hớn hở, vui đùa vì lần đầu được tắm gội bằng xà phòng thơm, rồi được mặc áo mới cười khúc khích, cô rất hạnh phúc…

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh cho biết nhà các cháu ở bản xa, phải trèo lên đỉnh Sảng Pả, đường đất ẩm ướt, trơn trượt khó đi. Thấy 4 đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, quần áo không lành lặn, thương các con, cô giáo đã xin nhà trường và phụ huynh để đưa về nhà chăm sóc. Sau khi về ở, các cháu được dạy dỗ cẩn thận, mọi thứ đi vào khuôn phép. Những đứa trẻ thiếu ăn trở nên khỏe mạnh, mỗi cháu tăng 1-2kg.

Cô Minh kể: Cháu Cư Thị Chứ nhỏ tuổi nhất, tóc vàng hoe, có cả tổ chấy trên đầu. Cô phải tắm rửa, chải tóc cho cháu liên tục mới hết ngứa ngáy, khó chịu. Mấy ngày đầu nhìn lũ trẻ hớn hở, vui đùa vì lần đầu được tắm gội bằng xà phòng thơm, rồi được mặc áo mới cười khúc khích, cô rất hạnh phúc.

Cô Minh trong giờ dạy học tại trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai). (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Cô Minh trong giờ dạy học tại trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai). (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Nhờ có sự kiên trì cùng nhiệt huyết, cô giáo được đồng bào Mông trên đỉnh Sảng Pả rất yêu quý và đồng ý cho con xuống dưới học tập. Những nghĩa cử cao đẹp của cô Minh cũng đánh thức được lòng tốt của mọi người. Lo cho cô vất vả, nhà trường kêu gọi giáo viên và các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ gạo, quần áo, một số nhu yếu phẩm khác hỗ trợ học sinh có cuộc sống tốt hơn.

Nuôi dạy tốt học sinh bán trú

Những năm gần đây, có chế độ bán trú, học trò vùng cao Tây Bắc được ăn, ở tại trường để yên tâm học tập. Mỗi bữa cơm nóng hổi trở thành động lực khuyến khích học trò vùng cao Tây Bắc xuống núi học chữ.

Pa Vệ Sử thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là xã biên giới, có hai dân tộc ít người là La Hủ và Mảng, đời sống đồng bào rất khó khăn. Thầy cô giáo phải thường xuyên trèo đèo, lội suối về các bản, gặp phụ huynh để vận động đưa học sinh ra lớp. Về trường ở bán trú, học sinh được thầy cô giáo yêu thương như con, mua quần áo, giày dép và lo lắng từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Vì vậy, các em vui sướng khi về trường vì vừa được ăn ngon và vui chơi cùng bạn bè.

Xã Pa Vệ Sử có hơn 2.600 nhân khẩu và hơn 560 hộ, trình độ dân trí thấp, đời sống đồng bào đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 15 bản nhưng có tới 4 bản giáp biên giới, giao thông đi lại vất vả. Phụ huynh mong muốn con ở nhà phụ giúp công việc, các em ngại đường xa nên không muốn xuống trường học.

Năm học 2019-2020, Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Pa Vệ Sử có 275 học sinh, trong đó 172 học sinh ở bán trú. Theo chế độ chính sách học sinh bán trú, mỗi tháng, các em được hỗ trợ 520 nghìn đồng và 15kg gạo.

Thầy Phan Thanh Hội, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Pa Vệ Sử cho biết để học sinh từ bản xa về trường ăn học, không bỏ học, các giáo viên phải yêu thương, chăm sóc tận tình, chu đáo cho các em. Nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động vui chơi, sinh hoạt ngoại khóa để gắn kết học sinh khác dân tộc, khác lứa tuổi hòa đồng vui vẻ, muốn ở lại trường, không bỏ về bản. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích, có học sinh đạt học sinh giỏi huyện và tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 90% đến 100% học sinh lên lớp.

Mặc dù gặp nhiều khó khan, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập và sinh hoạt, nhưng thầy cô và học sinh ở Lai Châu luôn phấn đấu quyết tâm dạy tốt, học tốt. (Ảnh: Nguyễn Duy/TTXVN)
Mặc dù gặp nhiều khó khan, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập và sinh hoạt, nhưng thầy cô và học sinh ở Lai Châu luôn phấn đấu quyết tâm dạy tốt, học tốt. (Ảnh: Nguyễn Duy/TTXVN)

Theo thầy Phan Thanh Hội, để đạt tỷ lệ chuyên cần cao, ngay từ đầu năm, các thầy cô giáo phải tập trung về trường sớm, thực hiện nhiệm vụ vận động, đưa học sinh ra lớp. Do điều kiện thiếu thốn nên thầy cô giáo phải ở nhà tạm bợ, để dành phòng xây kiên cố cho học sinh ở. Để rèn kỹ năng sống và ý thức tự giác, có rau xanh cải thiện bữa ăn, thầy cô giáo Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Pa Vệ Sử tổ chức cho các em trồng rau xanh.

Chiều về, các em tập trung vun luống trồng rau, tưới nước. Vườn rau cải của thầy cô và trò đã bén rễ, phát triển xanh tốt. Nơi biên giới, núi nối núi, rừng nối rừng, sương mù bao bọc nhưng tình yêu thương của thầy cô giáo và học sinh rất ấm áp.

Do điều kiện thiếu thốn nên thầy cô giáo phải ở nhà tạm bợ, để dành phòng xây kiên cố cho học sinh ở

Hiện nay, địa bàn huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) có 22 trường phổ thông dân tộc bán trú, nuôi dạy 3.072 học sinh.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè Lý Mý Ly khẳng định nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự cống hiến tận tâm của đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục của huyện được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ chuyên cần đạt 96%…

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè quyết liệt trong việc không để bản “trắng” lớp học và học sinh không được đến trường. Dù các điểm trường ở vùng sâu nhưng giáo viên vẫn vượt khó khăn để đứng lớp, dạy con chữ cho học sinh. Tuy nhiên, hệ thống trường, lớp còn nhiều phòng học tạm, học sinh còn thiếu thốn đủ bề…/.

Ngoài học tiếng phổ thông, thầy cô tại các điểm trưởng còn phụ trách dạy nhạc, họa và thể dục. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)
Ngoài học tiếng phổ thông, thầy cô tại các điểm trưởng còn phụ trách dạy nhạc, họa và thể dục. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa

Trong những năm qua, nhiều thế hệ các thầy cô giáo đã nỗ lực, hy sinh thầm lặng để cống hiến, cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng trường lớp và thực hiện chế độ hỗ trợ cho học sinh… Nhờ vậy, chất lượng giáo dục vùng cao ngày một nâng cao. Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn có điều kiện tốt hơn để tới trường học chữ.

Tham dự Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2019 diễn ra tối 17/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự cảm phục trước những tấm gương của các thầy cô giáo đang hằng ngày, hằng giờ vượt qua khó khăn để cống hiến cho giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, nhà giáo vừa cần có tri thức vừa phải có tấm lòng. Tất cả các thầy cô giáo đều cố gắng để vượt qua chính mình, tiếp tục phát huy thành tích tốt, khắc phục những tiêu cực, hạn chế còn tồn tại, chắc chắn sự nghiệp đổi mới giáo dục sẽ thành công, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước sẽ ngày càng nâng lên.

Các thầy, các cô cắm bản đã hy sinh tuổi xuân, phải sống xa gia đình, sống trong điều kiện thiếu thốn để mang kiến thức đến cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa…

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Minh Anh Tuấn chia sẻ các thầy, cô giáo cắm bản thực sự là những con người rất tâm huyết với nghề. Thầy, cô giáo đã nỗ lực hết sức mình để đưa chính sách giáo dục của Nhà nước, các chủ trương của ngành giáo dục đến với học sinh, đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Sự nỗ lực của các thầy, cô giáo cắm bản đã giúp cho ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của từng năm học.

“Các thầy, các cô cắm bản đã hy sinh tuổi xuân, phải sống xa gia đình, sống trong điều kiện thiếu thốn để mang kiến thức đến cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, làm thay đổi tư duy, suy nghĩ của cha mẹ học sinh về vấn đề cho con em đến trường học tập. Đồng thời, thầy cô giáo đã góp phần nâng cao dân trí của xã hội đặc biệt là vùng sâu, vùng xa,” Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho hay.

Giáo viên tận tuỵ dạy trẻ tập viết ở điểm trường nhỏ lẻ vùng sâu, vùng xa tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Giáo viên tận tuỵ dạy trẻ tập viết ở điểm trường nhỏ lẻ vùng sâu, vùng xa tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Chúng tôi đi các điểm trường bản khó khăn, được ăn món cá khô kho, trứng rán… của giáo viên tiếp đãi thịnh soạn và nghe câu chuyện thu nhập, chi tiêu đắt đỏ ở đây. Giáo viên vùng cao, biên giới phải đi lại khó khăn, cách trở, mọi chi phí sinh hoạt đắt gấp 3 lần so với miền xuôi, trong khi đó thu nhập không cao. So với chế độ của giáo viên vùng đồng bằng, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn được hưởng tiền hỗ trợ thu hút 5 năm đầu với mức từ 5-7% lương, địa bàn biên giới được hưởng thêm 70-100% lương.

Theo các thầy cô giáo, tiền lương và các khoản hỗ trợ khác, nếu chi tiêu không tằn tiện thì khó để dư ra đồng nào gửi về quê nuôi con. Ở địa bàn dân tộc, thương học sinh, giáo viên còn phải bỏ tiền túi mua thêm đồ dùng học tập, mua quần áo cho các em.

Bà Trần Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai mong muốn trong thời gian tới giáo viên vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng chế độ thu hút kéo dài hơn (hiện 5 năm là chấm dứt chế độ thu hút), được hưởng các chế độ chính sách khác như hỗ trợ kinh phí xăng xe đi lại và nước sạch cho giáo viên. Đời sống được bảo đảm tốt, giáo viên mới yên tâm cống hiến lâu dài. Nhà nước cần đầu tư làm đường giao thông thuận lợi, để người dân và thầy cô giáo đi lại bớt phần khó khăn, gian khổ.

Giáo viên điểm trường Mầm non Suối Tiếu, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đến từng nhà để vận động phụ huynh cho học sinh đến lớp. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Giáo viên điểm trường Mầm non Suối Tiếu, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đến từng nhà để vận động phụ huynh cho học sinh đến lớp. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu Đinh Trung Tuấn, Nhà nước cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ, địa phương bố trí cấp đất cho giáo viên, chí ít phải xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở. Ngành giáo dục chú trọng đến công tác khen thưởng, cử giáo viên đi học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Nếu chính sách thực hiện tốt, các thầy, cô giáo sẽ ổn định tâm lý và đầu tư cho công tác giảng dạy, chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn sẽ được nâng lên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu khẳng định giáo viên các nhà trường học sẽ phát huy kết quả đạt được tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện. Ngành giáo dục Lai Châu sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng công tác nuôi dạy học sinh bán trú để bảo đảm tỷ lệ chuyên cần, hạn chế thấp nhất số lượng học sinh bỏ học…

Khi tiếp xúc với các thầy, cô giáo vùng cao, biên giới, chúng tôi thấy nụ cười luôn hiện hữu trên khuôn mặt họ. Dù trong hoàn cảnh nào, các cô giáo, thầy giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo, như lời của ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân” của tác giả Hoàng Vân:

Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương Có những bài ca nghe rạo rực lòng người Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em – người giáo viên nhân dân…/.

Cô giáo Mông Thị Hồng, phụ trách điểm trường Khuẩy Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có 25 năm gắn bó với các lớp học vùng cao của huyện Yên Sơn. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Cô giáo Mông Thị Hồng, phụ trách điểm trường Khuẩy Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có 25 năm gắn bó với các lớp học vùng cao của huyện Yên Sơn. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)