Những trái tim nhiệt huyết trong ‘trận chiến’… đầy thử thách

Lời giới thiệu

Hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, thách thức hệ thống y tế nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Việt Nam đã trải qua hoàn cảnh rất khó khăn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta rất nguy hiểm. Đó là cuộc chiến chống lại “kẻ thù vô hình” luôn tìm mọi cách nhằm chống lại sự nỗ lực của loài người.

COVID -19 là đại dịch nguy hiểm nhất của thế kỷ 21. “Cuộc chiến” chống COVID-19 chưa từng có trong tiền lệ trong lịch sử với mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng, xảy ra ở cả 3 miền của đất nước.

Qua những đợt dịch đối phó với “giặc” COVID-19, người dân trên mảnh đất hình chữ S đã chứng kiến nhiều lực lượng tuyến đầu, trong đó có ngành y đã quên hiểm nguy để khoác lên người bộ đồ bảo hộ, đem theo trong tim lời thề hippocrates, quyết tâm chữa bệnh cho đồng bào. Những con người ấy đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch.

Áp lực, vất vả là thế nhưng đội ngũ y, bác sỹ đã cho thấy sức chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân. Tất cả mọi người đều đồng lòng, tập trung hết sức lực, trí tuệ của mình để điều trị bệnh nhân tốt nhất, sớm đẩy lùi dịch bệnh và đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường.

Những đảng viên, cán bộ ngành y trong loạt bài viết dưới đây là minh chứng sống động nhất của hàng chục, hàng trăm nghìn nhân viên y tế tuyến đầu đang ngày đêm để sống đúng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” để chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Qua dịch COVID-19, chúng ta đã thấy được những giá trị cốt lõi của con người, đó chính là sự đùm bọc, che chở nhau trong hoạn nạn và cả những tấm gương hy sinh vì dân, khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục.

Bài 1: Trò chuyện với “tướng” chỉ đạo dập dịch COVID-19

Trò chuyện với “tướng” chỉ đạo dập dịch COVID-19

Năm 2020, với sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế và các lực lượng khác cùng đoàn kết, đồng lòng Việt Nam đã đẩy lùi được 2 làn sóng của đại dịch COVID-19 xâm nhập vào nội địa. Trong năm 2021, cả thế giới sẽ phải tiếp tục chiến đấu với đại dịch lâu dài, vì tình hình trên thế giới vẫn còn diễn biến khá phức tạp.

Tại Việt Nam, trong năm 2020, “chiến trường” Đà Nẵng những ngày cuối tháng 7 và tháng 8 được coi là điểm nóng cam go nhất…

Chính trong những thời khắc khó khăn ấy, chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng rất cảm kích đón nhận sự chia sẻ, hỗ trợ về nhiều mặt, đặc biệt là đón các đoàn công tác từ Bộ Y tế, các bệnh viện lớn trên cả nước và từ các địa phương bạn đến tham gia, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Đêm 30/7 Bộ Y tế đã quyết định thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng” để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và điều trị bệnh nhân tại khu vực này, dưới sự chỉ huy của Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế – Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Các y bác sỹ nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Y tế để có cái nhìn tổng những chiến lược tạo nên thành công trong đợt dịch thứ hai tại Việt Nam.

Những “mũi công” chiến lược

– Thưa Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, năm 2020 chứng kiến hai làn sóng COVID-19 ở Việt Nam. Tại đợt dịch thứ 2 với tâm điểm là Đà Nẵng, ông được xem là “tư lệnh” ở mặt trận “chống giặc” COVID tại địa phương này. Điều này đã tạo áp lực thế nào cho ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Quả thực, đó là một thách thức vô cùng lớn. Lúc đó chúng tôi nhận nhiệm vụ là phải làm sao hạn chế được số lượng mắc, làm sao hạn chế được tỷ lệ tử vong và phải điều trị giảm, tỷ lệ tử vong càng lớn càng tốt. Bên cạnh đó, công tác triển khai phòng, chống dịch trong thành phố cũng phải có những ý kiến tư vấn đối với cả hệ thống dịch của thành phố Đà Nẵng.

Với những áp lực đó, mình bản thân tôi chắc không thể chịu nổi. Tuy vậy, tôi may mắn được các đồng nghiệp cùng tham gia vào thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó có các hệ thống chỉ đạo từ phía Trung ương, Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, các hệ thống hỗ trợ hội chẩn từ các giáo sư đầu ngành tại Hà Nội và tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế.

ĐÓ LÀ MỘT THÁCH THỨC VÔ CÙNG LỚN. LÚC ĐÓ CHÚNG TÔI NHẬN NHIỆM VỤ LÀ PHẢI LÀM SAO HẠN CHẾ ĐƯỢC SỐ LƯỢNG MẮC, LÀM SAO HẠN CHẾ ĐƯỢC TỶ LỆ TỬ VONG VÀ PHẢI ĐIỀU TRỊ GIẢM, TỶ LỆ TỬ VONG CÀNG LỚN CÀNG TỐT.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn

Phải nói là các “mũi tên” về sách lược mà chúng tôi phân công như các hướng về phòng dịch, điều trị và tăng cường năng lực xét nghiệm ở Đà Nẵng đều là những chuyên gia rất giỏi, có nhiều kinh nghiệm.

Chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ và sau đó đưa ra những quyết định rất phù hợp với tình hình Đà Nẵng.

– Ngày đó, đã có những lá đơn tình nguyện xung phong vào Đà Nẵng của các cán bộ y tế. Ông nghĩ thế nào về việc này?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Tôi hết sức trân quý những tấm gương tình nguyện của các đồng nghiệp trên khắp cả nước đã xung phong vào Đà Nẵng để cùng với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của quốc gia hỗ trợ y tế Đà Nẵng trong bối cảnh dịch lan rộng, đặc biệt khi có tới 3 bệnh viện của Đà Nẵng đang bị phong tỏa.

– Theo ông, điều gì đã thôi thúc những đội ngũ y, bác sỹ ở khắp nơi trên cả nước xung phong đến điểm nóng Đà Nẵng và đã hy sinh rất nhiều những quyền lợi cá nhân của mình trong sự nghiệp cứu người?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Tôi nghĩ đây không phải là chuyện thôi thúc mà là vấn đề trách nhiệm.

Với tôi, trước khi đi Thủ tướng cũng như đồng chí quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó có giao nhiệm vụ phối hợp với Ban chỉ đạo phối hợp với Sở Y tế và các ngành y tế của Đà Nẵng để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bản thân tôi nhận thức đây là trách nhiệm của bản thân. Khi chúng tôi được mọi người gọi là sĩ quan ra trận tuyến trong cuộc chiến chống COVID-19 thì phải có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ mới trở về.

Trong cuộc họp Chính phủ, khi Thủ tướng yêu cầu, tôi có báo cáo về tình hình dịch và tất cả anh em ở đây đều trong tâm thế sẵn sàng phòng, chống dịch. Tất cả mọi người đều xin Thủ tướng là đến khi nào dịch ổn định thì mới ra Bắc.

Bản thân tôi nhận thức đây là trách nhiệm của bản thân. Khi chúng tôi được mọi người gọi là sĩ quan ra trận tuyến trong cuộc chiến chống COVID-19 thì phải có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ mới trở về.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn

Đây những ý nghĩ tự đáy lòng của tất cả các đồng nghiệp có tâm nguyện đi vào hỗ trợ Đà Nẵng. Họ ra đi nhận nhiệm vụ với một tâm thế sẵn sàng. Cho đến bây giờ chúng ta rất vui mừng khi chiến dịch dập dịch ở Đà Nẵng đã thành công.

Trăn trở của “tư lệnh” chiến trường COVID-19

– Trong những ngày không thể nào quên trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Thứ trưởng có những kỷ niệm sâu đậm gì trong thời khắc cam go nguy nan nhất?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Thời khắc cam go nguy nan nhất là trong những ngày đầu. Tất cả những bệnh nhân nặng của Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã được vận chuyển đến bệnh viện khác như Bệnh viện Trung ương Huế.

Sau khi chúng tôi thành lập 2 bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi của Đà Nẵng, các bệnh viện Dã chiến bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân. Khi đó, số lượng bệnh nhân tử vong và số lượng người mắc trong cộng đồng ngày càng tăng lên, kể cả trong bệnh viện.

Tôi nhớ, ngày cao điểm nhất có tới 4 trường hợp tử vong trong một ngày. Lòng tôi lúc đó cảm xúc khó tả, trùng xuống. Nhưng tôi nghĩ nếu mình không có bản lĩnh, không chịu đựng được thì đồng nghiệp của mình, cấp dưới của mình cũng sẽ bị hiệu ứng lan tỏa.

– Xin ông kể rõ hơn những áp lực khi ấy?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Áp lực, khó khăn rất nhiều. Thứ nhất là về tình hình lan rộng dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Thứ hai là có nhiều bệnh nhân, bệnh nhân nặng yếu thế bị bị mắc COVID-19. Chúng tôi đã tập trung tất cả mọi nỗ lực, nhưng một số trường hợp không qua khỏi.

Trường hợp tử vong do COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam đã xảy ra trong vụ dịch tại thành phố Đà Nẵng. Sau dịch đã có 35 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh COVID-19. Đó là áp lực lớn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo công tác chống dịch COVID-19. (Ảnh: PV/vietnam+)

Áp lực lớn thứ ba nữa là khi chúng tôi làm việc với Ban chỉ đạo thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 8. Lúc đó, có một số ý kiến cho rằng phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với Đà Nẵng là còn tương đối nhẹ và đề xuất những biện pháp cao hơn. Chẳng hạn như giống với Vũ Hán (Trung Quốc).

Khi đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có hỏi ý kiến tham mưu, đoàn chúng tôi rất phân vân, bởi nếu chúng ta thực hiện phong tỏa như vậy sẽ làm cả thành phố Đà Nẵng bị đình trệ toàn bộ.

Với thực tiễn khảo sát Đà Nẵng trong thời gian trước đó, đến thăm các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở sản xuất và cơ sở điều trị…, chúng tôi tự tin báo cáo là việc phong tỏa chưa cần thiết và Đà Nẵng nên tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng với tâm thế cao hơn một chút. Chúng tôi gọi lúc đó là Chỉ thị 16+, tức là mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn.

– Khi bệnh nhân cuối cùng ở Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh, cảm giác của ông thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Lúc bệnh nhân cuối cùng Đà Nẵng xuất viện thì tôi đang ở Hà Nội.

Khi đó, một niềm vui khôn tả dâng trào. Chúng tôi ở Hà Nội họp nhóm “Bộ Chỉ huy tiền phương” chống dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, liên hoan nhẹ với nhau một bữa để chúc mừng thành công của đội tiền phương, tổ công tác của Bộ Y tế.

– Đội tiền phương đó chắc chắn vẫn là nòng cốt để sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu nếu như có những phát sinh mới về các hộ dịch tại các địa phương?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Đây là một đội rất tinh nhuệ, kể cả về thời gian công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh… Đặc biệt, lần này trong “Bộ Chỉ huy tiền phương” chống dịch COVID-19 ngoài các đội: Điều tra giám sát dịch; Điều trị; Xét nghiệm còn có thêm Truyền thông.

Thông qua phòng, chống dịch của COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng, đội hình này đã được bổ sung rất mạnh, thêm những công cụ, thêm những trình độ, thêm vũ khí để có thể là hoàn toàn chủ động.

Tôi chắc chắn là tất cả các đồng nghiệp đã tham gia vào Đà Nẵng, đến khi có sự điều động mới, sẽ hoàn toàn chủ động và vào trận với tâm thế quyết liệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác chống dịch tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chìa khóa thành công

– Trong năm 2021, theo ông, đâu là chìa khóa quan trọng nhất để Việt Nam chúng ta tiếp tục duy trì được thành tựu đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chiến đấu chiến thắng với đại dịch này?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất để phòng, chống dịch COVID-19 đó là sự tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, của các tổ chức chính trị xã hội, từng người dân để chúng ta ý thức được và chúng ta cùng nhau hợp tác, phối hợp để đảm bảo được công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo được an toàn xã hội.

Tôi nghĩ là vai trò của cộng đồng cũng hết sức quan trọng. Nếu mỗi người dân ý thức được tự bảo vệ mình đồng thời phát hiện được những trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 và báo cho lực lượng chức năng thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát sớm và kiểm soát chủ động.

TOÀN THỂ ĐỒNG NGHIỆP CỦA TÔI ĐÃ THỂ HIỆN TINH THẦN TẬN TỤY VÀ TINH THẦN CHIA SẺ TINH THẦN TƯƠNG TRỢ, LÀM THEO ĐÚNG LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, ĐÓ LÀ LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU.

– Trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 được xác định còn dài lâu và nhiều cam go không thể lường trước được, cá nhân ông muốn nói điều gì với những người đồng nghiệp của mình?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Đầu tiên tôi muốn gửi lời cảm ơn đến toàn bộ các đồng nghiệp đã tham gia vào trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Đà Nẵng và cuộc chiến với dịch từ đầu năm 2020 cho đến nay. Toàn thể đồng nghiệp của tôi đã thể hiện tinh thần tận tụy và tinh thần chia sẻ tinh thần tương trợ, làm theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là lương y như từ mẫu.

Trong năm 2021 tôi gửi đến các đồng nghiệp, nhân viên y tế trong cả nước lời chúc mừng năm mới và tuân theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống dịch. Đó là chúng ta không được lơ là, đánh mất cảnh giác và khi dịch xảy ra thì các cơ sở y tế là những đơn vị tiền tiêu.

Vì vậy, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị khác thì công tác tham gia trực tiếp của ngành y tế vào trong công cuộc phòng, chống COVID-19 là một trong những thách thức rất lớn.

Tôi rất mong toàn thể các đồng nghiệp và nhân viên y tế ý thức được điều này và cùng nhau chung sức để có thể giúp cho đất nước đạt được thắng lợi trong công cuộc phòng, chống COVID-19.

– Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bài 2: Chuyện về đội quân dịch tễ’ đắp đê vây giặc’’ COVID-19

Thùy Giang
Thùy Giang