Nỗ lực hòa giải mới giữa hai miền Triều Tiên

Hai miền Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới, sau hai cuộc gặp vào các ngày 27/4 và 26/5 đều tại làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự giữa hai miền.

Cuộc gặp thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo này sẽ đánh dấu việc lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, một vị Tổng thống Hàn Quốc tới thủ đô của Triều Tiên, đồng thời cho thấy thiện chí và những nỗ lực nhằm thúc đẩy các kế hoạch hòa giải của hai miền.

Cuộc gặp thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo này sẽ đánh dấu việc lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, một vị Tổng thống Hàn Quốc tới thủ đô của Triều Tiên.

Không thể phủ nhận mối quan hệ liên Triều đã có nhiều chuyển biến rất tích cực sau hai cuộc gặp thượng đỉnh ở Panmunjom trong năm nay.

Việc hai nước vừa khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây vào ngày 16/7 vừa qua, tiến hành các cuộc đàm phán quân sự cấp tướng, tiếp tục thực hiện các cam kết tiến tới phi vũ trang khu vực an ninh chung tại làng đình chiến Panmunjom,.. đã góp phần làm giảm căng thẳng quân sự cũng như xây dựng lòng tin giữa hai miền Triều Tiên.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Lotte, Hyundai, Hyosung và KT cũng đã lần lượt công bố các kế hoạch tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư vào Triều Tiên sau khi hai nước đã nhất trí cùng nhau cải thiện tuyến đường sắt liên Triều.

Khoảnh khắc hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên nắm tay nhau bước sang phần lãnh thổ Triều Tiên ở khu phi quân sự DMZ. (Nguồn: EPA)
Khoảnh khắc hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên nắm tay nhau bước sang phần lãnh thổ Triều Tiên ở khu phi quân sự DMZ. (Nguồn: EPA)

Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao đã giúp gắn kết người dân hai miền, góp phần thúc đẩy bầu không khí hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, Bình Nhưỡng và Seoul đang cùng nhau thực hiện những bước chuẩn bị cuối cùng cho cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên. Cuộc đoàn tụ dự kiến diễn ra từ ngày 20-26/8 tới sẽ đánh dấu một bước tiến nữa trong nỗ lực đưa hai miền Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau.

Trong khi đó, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in diễn ra khi các nỗ lực phi hạt nhân hóa hạt nhân của Triều Tiên có vẻ như đang giậm chân tại chỗ, thậm chí nảy sinh tranh cãi mới, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hôm 12/6 vừa qua. Điều đó có thể ảnh hưởng tới mục tiêu của hai miền Triều Tiên sớm ra tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh trong năm nay.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in diễn ra khi các nỗ lực phi hạt nhân hóa hạt nhân của Triều Tiên có vẻ như đang giậm chân tại chỗ.

Nếu như tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 27/4 ở làng đình chiến Panmunjom, cả hai đã đạt được một thỏa thuận trên diện rộng về giảm bớt căng thẳng quân sự và cải thiện quan hệ hai miền, thì cuộc gặp sau đó vào ngày 26/5 đã giúp đặt nền tảng cho cuộc hội đàm lịch sử giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 12/6 tại Singapore.

Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng về những bước chuyển thuận lợi trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, hiện cả Triều Tiên và Mỹ đang tranh cãi về những gì đã đạt được tại hội nghị trên.

Trong khi giới chức Bình Nhưỡng vẫn khẳng định nước này giữ vững quyết tâm và cam kết thực thi đầy đủ Tuyên bố chung với thái độ trách nhiệm và chân thành thì Mỹ lại dựa vào một báo cáo mới của Liên hợp quốc để khẳng định rằng Triều Tiên chưa dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa, một hành động vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Ảnh tư liệu: Triều Tiên tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong ngày 24/5. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Triều Tiên tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong ngày 24/5. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Bình Nhưỡng ngày càng thể hiện thái độ thất vọng khi Washington chưa có nhiều hành động thiện chí cụ thể, cho dù Triều Tiên đã có hàng loạt bước đi tích cực như ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, phá hủy một bãi thử hạt nhân ngầm và bắt đầu tháo dỡ một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa, trao trả hài cốt binh lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Trên thực tế, Washington đã hủy cuộc tập trận trong năm nay với Hàn Quốc vốn thường diễn ra vào tháng 8 hằng năm với hy vọng khuyến khích Triều Tiên dỡ bỏ hạt nhân, song Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cho rằng Mỹ vẫn chưa “làm đủ trách nhiệm của mình.” Ông nhắc lại rằng hai nước nên thực hiện “các hành động đồng thời và các bước đi theo giai đoạn,” điều này có nghĩa là Mỹ phải thực hiện các động thái tương xứng với những hành động của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng ngày càng thể hiện thái độ thất vọng khi Washington chưa có nhiều hành động thiện chí cụ thể, cho dù Triều Tiên đã có hàng loạt bước đi tích cực.

Gần đây, Triều Tiên đã đề nghị Mỹ cùng ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên như là một khúc dạo đầu cho tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình chính thức để thay thế hiệp định đình chiến, được ký kết năm 1953 nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất ngày 13/8, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris khẳng định còn quá sớm để tiến tới việc tuyên bố kết thúc chính thức Chiến tranh Triều Tiên như yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Tại hội thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 vừa qua, lãnh đạo hai miền Triều Tiên cũng đã đồng ý thúc đẩy một tuyên bố như vậy vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc thực hiện một động thái mang tính biểu tượng cao như vậy trước khi Bình Nhưỡng tiến hành các bước có ý nghĩa hơn đối với tiến trình phi hạt nhân hóa. Về phần mình, Triều Tiên coi một tuyên bố như vậy là cần thiết để cho thấy Mỹ không còn thù địch với họ.

Thời gian đến cuối năm không còn nhiều, cho dù các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra bí mật, nhưng các bên vẫn cho thấy sự mâu thuẫn. Việc Trung Quốc – quốc gia có ảnh hưởng lớn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên, có tham gia vào hiệp ước hòa bình sắp tới hay không vẫn là nội dung chưa xác định.

Bình Nhưỡng muốn kéo nước láng giềng Trung Quốc vào cuộc để làm hậu thuẫn cho mình, nhưng Mỹ có vẻ không muốn điều đó, đồng thời tập trung thúc đẩy ký kết hiệp ước hòa bình giữa ba bên Mỹ-Hàn-Triều. Đây chắc chắn sẽ là một nội dung quan trọng tại cuộc gặp thứ 3 rất được mong chờ giữa Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Bất chấp những phức tạp trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng, nhưng với việc duy trì đà tích cực hiện nay cũng như việc Tổng thống Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới, Chính phủ Hàn Quốc một lần nữa cho thấy thiện chí thúc đẩy các các kế hoạch hòa giải với Triều Tiên./.