Nỗi đau mang tên COVID-19

Hy sinh, mất mát và sự cô đơn

Tiếng còi hú vang, nhiều người tạm biệt gia đình, lên xe cứu thương đi điều trị. Họ không thể ngờ rằng đó cũng là lần cuối cùng được gặp mặt người thân.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đặc biệt ở đợt dịch lần thứ 4, đã có hàng chục nghìn người đã mãi mãi ra đi. Những hy sinh, mất mát ấy sẽ còn dai dẳng mãi trong tâm trí của người ở lại và là những nỗi ám ảnh khôn nguôi với nhân viên y tế…

Những cuộc gọi trong nấc nghẹn

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa đi qua thời kỳ mất mát chưa từng có trong lịch sử. Khởi đầu từ ca lây nhiễm trong cộng đồng vào giữa tháng 5/2021, địa phương này đã trở thành “tâm dịch” lớn nhất cả nước.

Tháng 8/2021, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn đau thương nhất vì dịch COVID-19. Hàng trăm nghìn người phải ứng phó với dịch bệnh. Số ca mắc lần lượt từ 1 con số nhảy lên 2 con số, 3 con số và từ đầu tháng Bảy luôn ở 4 con số.

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm chính (Trung tâm hồi sức lớn nhất ở phía Nam). Dù nỗ lực không mệt mỏi, nhưng trước sức tấn công của chủng virus Delta, COVID-19 lây lan chóng mặt, nhiều bác sỹ đã phải choáng váng. Vào cuối tháng Tám, Thành phố Hồ Chí Minh có tới hơn 100.000 F0, rất nhiều trường hợp trong tình trạng nặng. Cao điểm, số trường hợp tử vong lên đến 2.105 ca/tuần.

Bác sỹ Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay đội ngũ y tế đã phải chạy đua với dịch khi số ca nặng, nguy kịch ngày càng nhiều. Có nhiều tuần liền tại Thành phố Hồ Chí Minh, số trường hợp mắc COVID-19 tử vong 200-300 người mỗi ngày. Rất nhiều F0 dù được can thiệp kỹ thuật chuyên sâu nhất, hiện đại nhất, với các bác sĩ giỏi nhất – nhưng cũng đầu hàng trước COVID-19.

Có nhiều tuần liền tại Thành phố Hồ Chí Minh, số trường hợp mắc COVID-19 tử vong 200-300 người mỗi ngày. Rất nhiều F0 dù được can thiệp kỹ thuật chuyên sâu nhất, hiện đại nhất, với các bác sĩ giỏi nhất – nhưng cũng đầu hàng trước COVID-19.

Là một trong số những người được cử vào chi viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Hoàng Thị Phú Bằng – Phó trưởng Phòng Công tác xã hội (bệnh viện Bạch Mai), cho hay kể từ ngày 11/8, khi Trung tâm COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu nhận bệnh nhân, tất cả đều không ngờ lượng bệnh nhân trong tình trạng nặng lại gia tăng nhanh đến vậy.
Tại Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm, trong tuần đầu tiên, bác sỹ Bằng và nhiều người đồng nghiệp phải liên tục gọi điện tư vấn, thông báo tới thân nhân người bệnh về tình trạng của bệnh nhân.

Nhân viên y tế đưa các bệnh nhân mắc COVID-19 vào cấp cứu. (Ảnh: PV/Vietnam+

“Tôi có một nỗi sợ sau mỗi một buổi giao ban phải thông báo tới thân nhân của người bệnh những trường hợp tử vong trong đêm. Đó là những cuộc gọi tôi không muốn phải thực hiện chút nào, nhưng sự khốc liệt của đại dịch COVID-19 khiến chúng tôi buộc phải có những cuộc gọi đau buồn ấy…,” bác sỹ Bằng nhớ lại.

Cũng đã rất nhiều lần những người làm ngành y phải rơi nước mắt khi nghe phía bên kia đầu dây tiếng người lớn khóc nghẹn gọi thân nhân, tiếng trẻ con khát sữa chờ mẹ… Những âm thanh ấy cứa vào tim họ và là sự ám ảnh khôn nguôi.

Hành trình đơn độc

Chia sẻ về hơn 2 tháng tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sỹ – bác sỹ Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) bảo rằng ông không thể quên những lần đi xuống cơ sở, nhìn bệnh nhân mắc COVID-19 tạm biệt gia đình đi điều trị. Lúc đầu, ai nấy cũng nghĩ đó là điều bình thường nhưng khi số người tử vong do COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh gia tăng nhanh chóng, những cuộc chia tay ấy nặng nề không kể xiết. Với nhiều người, đó là lần gặp mặt người thân cuối cùng trong đời…

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện. (Ảnh; PV/Vietnam+)

Nghiệt ngã nhất trong hành trình khi đi điều trị bệnh, quãng đường còn lại của những bệnh nhân COVID-19 là một mình đơn độc chống lại bệnh tật. Khi tử vong, họ cũng một mình, không có người thân bên cạnh…

“Khi đó, chúng tôi phải xây dựng một quy trình chuẩn áp dụng nhanh chóng để không thất lạc hay thiếu sót thông tin về các bệnh nhân COVID-19. Để khi bất kể một bệnh nhân nào rơi vào tình huống xấu nhất thì điều cuối cùng mỗi nhân viên y tế vẫn cố gắng là làm sao để họ được trở về bên gia đình,” tiến sỹ Cảnh cho hay.

Kể từ ca tử vong đầu tiên liên quan tới COVID-19 từ ngày 31/7/2020, tới nay con số này là hơn 23.300 ca. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 17.265 trường hợp, chiếm 74% số ca tử vong cả nước…

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ ca tử vong đầu tiên liên quan tới COVID-19 từ ngày 31/7/2020, tới nay con số này là hơn 23.300 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm. Nếu ở trong 3 đợt dịch trước chỉ có 35 người tử vong vì COVID-19 thì trong đợt dịch lần thứ 4, con số này tăng lên khủng khiếp.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 17.265 trường hợp, chiếm 74% số ca tử vong cả nước (trong đó có 38 trẻ em và 62 phụ nữ có thai không qua khỏi). Phân tích số liệu về giới, số tử vong ở nam thấp hơn nữ với 41,5% và chiếm 58,5%. Về độ tuổi, 86,5% người tử vong trên 50 tuổi, trong đó người trên 65 tuổi tử vong chiếm 52,3%.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đoàn kết, mạnh mẽ để bước tiếp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay trong 3 đợt dịch trước với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Việt Nam đã khống chế dịch nhanh chóng dịch bệnh. Ngay cả từ đầu đợt dịch lần thứ tư, khi dịch bùng phát ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, chúng ta cũng chỉ mất gần 2 tháng kiểm soát dịch.

“Nhưng vào tháng Năm, khi dịch bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh, không phải chúng ta lơ là, chủ quan với thành tựu trước đây mà do đặc tính biến chủng Delta nên dịch lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường,” ông Sơn cho hay.

Tổng kết, rút những kinh nghiệm từ đợt dịch lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau 2 năm chống dịch, chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đã có những sự trả giá, có mặt còn hạn chế, song từ những kinh nghiệm đó, chúng ta dần thích ứng và hiểu rõ hơn về dịch bệnh này.

Sau 2 năm chống dịch, chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đã có những sự trả giá, có mặt còn hạn chế, song từ những kinh nghiệm đó, chúng ta dần thích ứng và hiểu rõ hơn về dịch bệnh này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đưa ra được các trụ cột phòng chống dịch như: Cách ly nhanh chóng, xét nghiệm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và tốc độ; cuối cùng là điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở, giảm tỷ lệ tử vong. Và, Việt Nam đã hình thành ra được công thức phòng chống như: 5K + Vaccine, thuốc điều trị, các biện pháp điều trị, công nghệ, đặc biệt là đề cao ý thức của nhân dân.

Hiện nay, cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, “cuộc chiến” chống lại “giặc COVID-19” vẫn tiếp diễn. Những ngày gần đây, số ca nhiễm vẫn cao. Từ kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã có những “bài học xương máu” được khắc phục.

Tiếp nhận, bàn giao tro cốt người tử vong do dịch COVID-19 về với gia đình tại tỉnh An Giang.

Trước những mất mát và đau thương ấy, buổi Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức vào 20 giờ ngày 19/11. Điểm cầu chính tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và điểm cầu phụ tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Buổi lễ nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch COVID-19, thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân.

Đây là hoạt động nhằm lan tỏa tình nhân ái cộng đồng, tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch. Thông qua đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

BÀI 1: TẤN CÔNG VÀO BA MẶT TRẬN LỚN ĐỂ DẸP ‘CƠN ÁC MỘNG’ COVID-19
BÀI 2: VACCINE – ‘VŨ KHÍ TỐI THƯỢNG’ ĐỂ ‘TẤN CÔNG ĐẠI DỊCH’
BÀI 3: ‘MẶT TRẬN’ COVID-19: CHIẾN LƯỢC MỚI, GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
BÀI 4: NHỮNG ‘ĐÒN ĐÁNH’ QUYẾT ĐỊNH GIÚP VIỆT NAM KIỂM SOÁT DỊCH
BÀI 5: NỖI ĐAU COVID-19: NHIỀU HY SINH, MẤT MÁT VÀ SỰ CÔ ĐƠN

Thùy Giang
Thùy Giang