Ông chủ quán bia

V-League 2013, Nghiêm Xuân Tú trở thành “cầu thủ phủi” hiếm hoi trong lịch sử ký hợp đồng với một câu lạc bộ chuyên nghiệp trước khi được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam. Nhiều người nói rằng Xuân Tú thăng hoa nhờ bệ phóng Cường Quốc FC.

Nhưng sự thật không phải như vậy. Xuân Tú không cần Cường Quốc để tới tuyển Việt Nam còn Cường Quốc không cần Xuân Tú để được thừa nhận trong ngôi đền huyền thoại của bóng đá phủi.

Chuyện về Cường Quốc FC là chuyện về đội bóng phủi có tuổi đời 18 năm, chuyện về một ông bầu yêu bóng đá tới cuồng dại, chuyện về một trong những đội bóng phủi giàu bản sắc nhất lịch sử bóng đá phủi Hà Thành.

Sinh ra với tình yêu bóng đá trong huyết quản

“Tôi có niềm đam mê rất lớn với bóng đá. Ngày tôi sinh ra là thời bao cấp, bệnh viện không lo ăn uống như bây giờ. Bố tôi được phân công mang cơm vào viện cho mẹ tôi. Nhưng bố tôi mải đi xem bóng đá nên quên mất. Thế là mẹ tôi phải nhịn đói gần một ngày ngay lúc vừa sinh xong. Đam mê của ông già chắc đã truyền cho tôi từ lúc ấy.”

Đó là những dòng chia sẻ đầu tiên của ông bầu, doanh nhân Trần Quốc Cường (biệt danh Cường “hói”) về câu chuyện kéo dài 18 năm của Cường Quốc FC.

Cường “hỏi” thừa hưởng tình yêu bóng đá từ người cha và đã nuôi dưỡng nó để lập nên Cường Quốc FC. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+) 
Cường “hỏi” thừa hưởng tình yêu bóng đá từ người cha và đã nuôi dưỡng nó để lập nên Cường Quốc FC. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+) 

Đội bóng “phủi” Cường Quốc ra đời năm 1999. Tên khai sinh của là FC Núi Trúc. Về sau này, đội bóng mới đổi tên thành Cường Quốc. Đây là đội bóng “phủi” nổi tiếng bậc nhất lịch sử Hà thành, tên tuổi sánh ngang hàng với Trà Dilmah huyền thoại – đội bóng từng sở hữu ba tuyển thủ Futsal Việt Nam trong đội hình.

Lịch sử Cường Quốc chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài từ năm 1999 tới 2008. Giai đoạn hai kéo dài từ năm 2008 tới nay. Cột mốc phân chia hai giai đoạn ấy là sự xuất hiện của huấn luyện viên Ngô Tiến Thiết. Đây cũng là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong việc thay đổi tư duy xây dựng đội bóng của ông bầu Cường “hói.”

Đây là đội bóng “phủi” nổi tiếng bậc nhất lịch sử Hà thành, tên tuổi sánh ngang hàng với Trà Dilmah huyền thoại – đội bóng từng sở hữu ba tuyển thủ Futsal Việt Nam trong đội hình.

Doanh nhân sinh năm 1970 kể lại: “Năm 2008 là một mùa giải thành công rực rỡ của Cường Quốc khi chúng tôi đá đâu, vô địch đó. Đội vô địch giải Futsal Hà Nội, Giải doanh nghiệp vừa và nhỏ, Giải tám đội mạnh sân 11 Hà Nội. Đến năm 2009, khi bước vào bảo vệ chức vô địch Giải doanh nghiệp, với lực lượng này, tôi yên tâm là chúng tôi sẽ vô đối.”

“Nhưng gần tới giải, vài người trong đội bóng chuyển sang đội khác. Vài người khác vì lý do công việc cũng rời đội. Lúc ấy, chúng tôi hụt hẫng lắm. Giải năm ấy, đội bóng tuột mất chức vô địch.”

Ông Cường và huấn luyện viên (cùng đội mũ xanh) tại giải phong trào HPL-S4 mùa 2016. (Ảnh: Ban tổ chức HPL-S4) 
Ông Cường và huấn luyện viên (cùng đội mũ xanh) tại giải phong trào HPL-S4 mùa 2016. (Ảnh: Ban tổ chức HPL-S4) 

“Từ lúc ấy, tôi nhận ra mình cần phải có quân ruột. Mình muốn đội bóng hay thì phải mời ngôi sao. Nhưng đội mình không có nền tảng mà gọi sao về thì không đào tạo và quản lý được họ, không gây được áp lực với họ.”

Bắt đầu từ suy nghĩ ấy, ông bầu Cường “hói” đưa ra một quyết định lịch sử sẽ thay đổi Cường Quốc FC mãi mãi: lập ra các đội trẻ. Ngày nay, ngoài đội một vừa dự giải Ngoại hạng phủi Hà Nội mùa 2016, lực lượng Cường Quốc FC có khoảng bốn đội trẻ nữa với tổng quân số lên tới 40 người, chia ra thành các cấp bậc khác. Các đội bóng tập luyện, sinh hoạt thường xuyên theo cùng một giáo án dưới sự tổng chỉ huy của huấn luyện viên Ngô Tiến Thiết.

Hệ thống ấy là sự mô phỏng cấp độ thấp cách hoạt động của các đội bóng chuyên nghiệp. Quyết định ấy khiến Cường Quốc FC trở thành đội bóng được tổ chức bậc nhất, đoàn kết nhất và có nguồn lực dồi dào về con người. Sau này, xu hướng ấy dần được nhân rộng ra nhiều đội bóng phủi khác và Cường Quốc FC chính là đội bóng tiên phong.

Đội bóng “phủi” Cường Quốc luôn tự hào với bề dày thành tích và nền tảng con người do họ tự đào tạo nên. (Ảnh: Ban tổ chức HPL-S4) 
Đội bóng “phủi” Cường Quốc luôn tự hào với bề dày thành tích và nền tảng con người do họ tự đào tạo nên. (Ảnh: Ban tổ chức HPL-S4) 

Năm 2015, giới phủi Hà Nội dự định tổ chức một giải Tứ hùng vào cuối năm cho các đội có thành tích tốt nhất năm tại Hà Nội. Lúc lên ý tưởng, đội bóng nào cũng hào hứng. Nhưng khi xem xét lực lượng, quân số của ba đội kia bị trộn lẫn vào nhau. Chỉ riêng Cường Quốc đứng một góc, sở hữu lực lượng riêng và không bị trộn lẫn. Đến lúc ấy, nhiều người mới nhận ra “tầm vóc” của đội bóng mà ông Cường “hói” đang sở hữu.

Giải đấu năm ấy không thể diễn ra. Cường Quốc không lên ngôi vô địch. Nhưng sự tôn trọng dành cho hai chữ Cường Quốc là điều lớn nhất họ có được. Nói như ông chủ Cường “hói”: “Bây giờ, chúng tôi không cần phải thắng bằng mọi giá. Tủ Cúp của chúng tôi ở Hà Nội chỉ kém Trà Dilmah. Điều quan trọng với chúng tôi bây giờ là ra sân, đá bằng mọi năng lượng có thể. Thành bại không luận anh hùng. Với chúng tôi, bóng đá giờ là để có niềm vui.”

Vì bóng đá, quên cả kỷ niệm ngày cưới

Những ai tới quán bia Cường “hói” trên đường Thụy Khuê đều sẽ chú ý tới một tủ kính sáng bóng, luôn được lau chùi cẩn thận, đặt ngay dưới bức tường trung tâm của quán.

Trên bức tường sau tủ, một hàng dài những tấm ảnh được in cỡ to, đóng khung cẩn thận, xếp ngay ngắn, thẳng hàng, đều tăm tắp. Góc nhỏ ấy chính là “phòng truyền thống” của đội bóng phủi Cường Quốc, là tình yêu, niềm tự hào cuộc đời của ông chủ quán.

Nói về cái duyên với bóng đá, ông bầu Quốc Cường tâm sự: “Đấy là một đam mê rất khó bỏ. Đến bây giờ, sau 18 năm, tôi không bỏ nó tức là tôi sẽ còn đeo đẳng nó tới khi tôi vẫn còn sức khỏe.”

“Phòng truyền thông” của đội bóng phong trào Cường Quốc có rất nhiều danh hiệu lớn của bóng đá phong trào. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+) 
“Phòng truyền thông” của đội bóng phong trào Cường Quốc có rất nhiều danh hiệu lớn của bóng đá phong trào. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+) 

“Mỗi khi tôi nói tôi đi cùng đội bóng thì cả gia đình, vợ con đều mặc định là thôi kệ, cả nhà coi đó là chuyện đương nhiên, thôi đành phải chấp nhận. Như con trai tôi hay bảo: ‘Bố, lại bóng đá à?’.”

18 năm gắn bó với bóng đá phủi là 18 năm Quốc Cường tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc. Bởi làm bóng đá phủi khác với bóng đá chuyên nghiệp.

Bóng đá chuyên nghiệp có nguồn thu, có nhà tài trợ, tạo ra giá trị kinh tế. Còn bóng đá phủi cũng phải nuôi đội, phải dự giải, phải đầu tư nhưng nguồn thu gần như bằng không. Tất cả những gì thu lại chỉ là cảm giác nhìn đứa con tinh thần của mình tung hoành trên thảm cỏ 60 phút mỗi dịp cuối tuần.

Ông bầu Trần Quốc Cường cùng FC Cường Quốc vô địch Giải Futsal Hà Nội năm 2008. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Ông bầu Trần Quốc Cường cùng FC Cường Quốc vô địch Giải Futsal Hà Nội năm 2008. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Trung bình mỗi năm, đội bóng Cường Quốc FC “ngốn” mất của ông chủ quán bia 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể những khoảng thời gian quý giá cho gia đình, vợ con, những bức xúc ngoài sân cỏ và nhiều vấn đề phức tạp khác trong quản lý đội.

Hồi năm 2011, khi kinh tế suy thoái, vợ Quốc Cường từng hỏi anh có nên giảm bớt sự quan tâm cho đội bóng. Câu trả lời đương nhiên là không dù khi đó, kinh tế gia đình Cường Quốc gặp nhiều khó khăn.

Bản thân Quốc Cường cũng từng vì đi theo đội bóng mà phải hy sinh nhiều ở khía cạnh gia đình. Bởi các đội bóng phủi chủ yếu thi đấu vào thứ Bảy, Chủ Nhật. Mà đó lại là thời gian nghỉ ngơi mà các gia đình, vợ con muốn có. Vậy là cứ đến cuối tuần, Quốc Cường lại biến mất.

Ông bầu Cường “hói” chia sẻ về tuyển thủ quốc gia Nghiêm Xuân Tú.

Cách đây vài năm, ông chủ quán từng mê bóng đá tới độ quên mất kỷ niệm ngày cưới 9 năm của hai vợ chồng. Đêm đấy, khi trở về nhà lúc tối muộn, Cường “hói” mới chợt nhớ ra. Đóa hoa mua vội không thể thay đổi được chuyện đã xảy ra. Với Quốc Cường, đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Nói về đam mê của ông bầu Cường “hói”, huấn luyện viên Tiến Thiết kể lại: “Tôi đi đá bóng phong trào từ ngày xa xưa. Thuở ấy, nhiều nhà có tiền cũng đua nhau đi làm đội bóng. Nhưng sau đó, họ tan rã hết. Không biết bao nhiêu ông bầu như Cường “hói” đã đến và đi. Họ đều chỉ làm được một hai mùa rồi bỏ. Chỉ còn rất ít người ở lại. Và ông Cường là một trong số đó.”

“Không biết bao nhiêu ông bầu như Cường “hói” đã đến và đi. Họ đều chỉ làm được một hai mùa rồi bỏ. Chỉ còn rất ít người ở lại. Và ông Cường là một trong số đó.”

“Khi tôi đến với bóng đá, điều tôi quan trọng nhất là đam mê. Tôi nhìn thấy ông Cường cũng đam mê như tôi nên tôi mới đến đây.”

Bản thân Quốc Cường có lẽ cũng không phải hối hận gì cả. 18 năm gắn bó với trái bóng của ông là không hề uổng phí. Cường Quốc FC giờ là một trong số ít đội bóng mạnh và giàu truyền thống nhất giới phủi Hà Nội. Họ là đội bóng tham gia Giải bóng đá phong trào Ngoại hạng cúp Saigon Special từ những ngày đầu. Mùa 2016, Cường Quốc FC về thứ năm nhưng chỉ kém nhà vô địch Văn Minh đúng 1 điểm. Đây cũng là đội bóng tham gia sáng lập giải Quả bóng Vàng phủi – danh hiệu cao quý nhất của bóng đá phong trào Việt Nam. Trong mùa bình chọn đầu tiên, Cường Quốc có 5 đề cử ở tất cả các hạng mục.

Nghiêm Xuân Tú và cái duyên với Cường Quốc

Viết về Cường Quốc, không thể không nói về Nghiêm Xuân Tú. Tú “ngựa” chỉ gắn bó với Cường Quốc hơn một mùa giải nhưng đây chính là đội bóng đã giúp Tú trở lại sau những tháng ngày khó khăn, là bệ phóng nâng bước anh trở lại với bóng đá chuyên nghiệp.

Nghiêm Xuân Tú vốn là con trai cựu danh thủ Nghiêm Xuân Mạnh của đội Tổng cục Đường sắt. Trưởng thành từ lò đào tạo Hòa phát Hà Nội, Xuân Tú đã góp công lớn đưa đội Hòa Phát-V&V thặng hạng Nhất. Nhưng đó cũng là thời điểm Tú bị loại khỏi đội bóng và phát hiện ung thư đại tràng.

Sau quãng thời gian vật lộn, chữa trị, Xuân Tú chiến thắng tử thần và tìm lại với bóng đá. Nhưng thể lực của một người mới ốm dậy không cho phép Tú chơi bóng chuyên nghiệp ngay. Và Tú đã tìm tới Cường Quốc FC để có chỗ tập luyện và chờ ngày trở lại đỉnh cao.

Chính màn trình diễn trong màu áo Cường Quốc trên sân chơi phong trào đã đưa Xuân Tú trở lại bóng đá đỉnh cao. (Ảnh: Ban tổ chức HPL-S4) 
Chính màn trình diễn trong màu áo Cường Quốc trên sân chơi phong trào đã đưa Xuân Tú trở lại bóng đá đỉnh cao. (Ảnh: Ban tổ chức HPL-S4) 

Ông bầu Cường “hói” kể về ngày đầu tiên gặp Xuân Tú: “Nói thật, lúc mới gặp một người có ngoại hình, đầu tóc như Xuân Tú, tôi cũng chẳng biết được tính cách Tú như thế nào. Cậu ấy đá hay nhưng trông hơi ngổ ngáo. Điều đầu tiên tôi hỏi Tú là ở đội anh, đá hay là chưa đủ mà phải ngoan nữa. Em hay tới đâu mà không ngoan thì anh cũng không cần. Tú có bảo tôi là vâng, em ngoan, em khẳng định với anh là em ngoan. Và quả thật, Tú sau này đã chứng minh được điều đó.”

“Tú có chuyên môn cao nhưng không bao giờ thể hiện tính ngôi sao. Kể cả khi đã đi Thanh Hóa rồi, về Quảng Ninh hay lên tuyển quốc gia, mỗi khi về đội, cậu ấy vẫn nói mình cần phải tập đã. Nếu anh em đang đá hay thì Tú chỉ dự bị thôi. Con người nghị lực, khiêm tốn, cầu tiến như vậy thì thành công là đương nhiên.”

Cột mốc của Tú ở Cường Quốc đến vào giữa năm 2013. Giữa năm ấy, Tú dự HPL và ghi một bàn tuyệt đẹp cho đội bóng. Tú có lẽ không biết rằng trên khán đài hôm ấy có cựu huấn luyện viên trưởng tuyển nữ Việt Nam và đang là huấn luyện viên trưởng Thanh Hóa Mai Đức Chung.

“Tú có chuyên môn cao nhưng không bao giờ thể hiện tính ngôi sao. Kể cả khi đã đi Thanh Hóa rồi, về Quảng Ninh hay lên tuyển quốc gia, mỗi khi về đội, cậu ấy vẫn nói mình cần phải tập đã.”

Sau trận đấu đó, Tú nhận cuộc điện thoại vào Thanh Hóa thử việc. Ngay trận đầu ra sân hôm 11/5, Tú ghi một bàn tuyệt đẹp giúp Thanh Hóa thắng Sông Lam Nghệ An 2-1 ở trận “derby Thanh Nghệ” tại vòng 9 V-League mùa 2013. Phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử.

Xuân Tú tới Than Quảng Ninh, ghi 5 bàn tại V-League 2016, được gọi lên tuyển Việt Nam trước khi sang thử việc tại giải Hạng Nhất Đức. Tất cả bắt đầu bằng một bàn thắng trong màu áo Cường Quốc.

Với Cường Quốc, Tú luôn là một thành viên không thể thiếu. Còn với Tú, Cường Quốc là “ngôi nhà thứ hai”, nơi đã nâng bước anh trở lại với bóng đá đỉnh cao.

Nghiêm Xuân Tú ghi bàn đầu tiên sau khi trở lại với bóng đá chuyên nghiệp ở V-League 2013.