Pháo sáng trên khán đài:

V-League 2018 đã mở màn với cảnh pháo sáng rực cháy trên khán đài sân Hàng Đẫy ở trận cầu tâm điểm giữa FC Hà Nội và Hải Phòng. Hình ảnh tương tự cũng xuất hiện ở nhiều sân bóng nổi tiếng trên thế giới, cho thấy bầu không khí cuồng nhiệt cùng sự hấp dẫn của môn thể thao Vua.

Nhưng bất kể trong hoàn cảnh nào, ở đâu thì việc đốt pháo sáng trên khán đài luôn là hành vi trái pháp luật, bởi nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, cả về an ninh trật sự lẫn sức khỏe con người, thậm chí là nguy hiểm đến tình mạng.

Đặc sản ở nhiều nền bóng đá

Thực tế, đốt pháo sáng được xem là một trong những phong cách cổ vũ đặc trưng của các nhóm ultras, tập hợp các cổ động viên trung thành và có phần cứng đầu nhất của đội bóng. Và các hội ultras thì hầu như nền bóng đá nào cũng có, đặc biệt là ở Đông Âu và Nam Mỹ.

Với các nền bóng đá Tây Âu, một số quốc gia và giải đấu vẫn còn tồn tại việc đốt pháo sáng. Cảnh đốt pháo sáng thường xuyên xảy ra ở các sân bóng nổi tiếng như San Siro tại Italy hay Velodrome tại Pháp. Dĩ nhiên, việc đốt pháo sáng cũng thường chỉ tập trung ở một khu vực khán đài vốn dành riêng cho nhóm ultras.

Trong khi đó, từ lâu nay, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã áp đặt lệnh cấm đốt pháo sáng ở các giải đấu quốc tế. Cũng từ đó, các Liên đoàn bóng đá Quốc gia và Ban tổ chức các giải vô địch quốc gia cũng áp dụng điều luật này ở các giải quốc nội.

Hình ảnh đốt pháo sáng hay xuất hiện trên các sân bóng ở Đông Âu (Nguồn: AFP)
Hình ảnh đốt pháo sáng hay xuất hiện trên các sân bóng ở Đông Âu (Nguồn: AFP)

Song, cũng có những nền bóng đá đã có lúc cổ súy cho hành động này. Cho đến năm 1997, việc đốt pháo sáng ở các sân vận động của Ba Lan được cho phép, thậm chí, cả Liên đoàn bóng đá và Ban tổ chức giải quốc nội còn quyết định trao thưởng (hàng tuần, hàng tháng và mỗi mùa giải) cho các khán đài được thắp sáng bởi pháo sáng rực rỡ nhất.

Với UEFA, án phạt thường là phạt tiền, thậm chí là cấm câu lạc bộ có cổ động viên đốt pháo sáng được tham dự giải đấu. Với các Liên đoàn bóng đá Quốc gia và Ban tổ chức giải đấu, án phạt dành cho các câu lạc bộ cũng là phạt tiền, kết hợp đóng cửa một số khu vực khán đài, thường là khu vực tập trung của các hội ultras. Một khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra từ đốt pháo sáng, những cá nhân cụ thể thực hiện hành vi này có thể hứng chịu những án phạt nặng liên quan đến tội phạm hình sự.

Tử vong vì pháo sáng

Về bản chất, pháo sáng được sử dụng trong hoạt động cứu nạn trên biển; chúng khó bị dập tắt nhanh chóng và dễ dàng. Pháo sáng có chứa hóa chất và có thể nguy hiểm cho người bị hen suyễn. Pháo sáng có thể cháy lên đến nhiệt độ 1600 độ C và vì thế làm nấu chảy thép.

Cảnh sát được huy động đứng ở khu vực khán đài dành cho các cổ động viên Corinthians sau vụ một fan của đội này bị tử vong vì dính pháo sáng hồi năm 2013 (Nguồn: AP)
Cảnh sát được huy động đứng ở khu vực khán đài dành cho các cổ động viên Corinthians sau vụ một fan của đội này bị tử vong vì dính pháo sáng hồi năm 2013 (Nguồn: AP)

Dựa trên những tính chất đó, việc đốt pháo sáng luôn chứa đựng nguy cơ gây nguy hiểm, và không chỉ giới hạn trong khu vực khán đài có pháo sáng được đốt. Nguy cơ gây cháy các hàng ghế, các khu khán đài luôn tồn tại. Thậm chí, có cả những trường hợp tử vong được ghi nhận từ việc đốt pháo sáng gây ra.

Năm 1992, Guillem Lazaro, một cậu bé 13 tuổi người Tây Ban Nha, đã tử vong sau khi bị ném pháo sáng trúng vào ngực ở một sân vận động tại Barcelona. Năm 1993, John Hill, 67 tuổi, qua đời sau khi bị ném pháo sáng trúng người trong một trận đấu tổ chức ở Cardiff. Năm 2013, một cậu bé 14 tuổi tử vong ở Brazil sau khi bị ném trúng một quả pháo sáng trong một trận đấu của Corinthians.

Nguy cơ gây cháy các hàng ghế, các khu khán đài luôn tồn tại. Thậm chí, có cả những trường hợp tử vong được ghi nhận từ việc đốt pháo sáng gây ra.

Đấy chỉ là một vài ví dụ được ghi nhận từ những vụ việc nguy hiểm dẫn đến chết người do hành vi đốt pháo sáng gây ra. Năm 2015, thủ thành đội tuyển Nga Igor Akinfeev bị một quả pháo sáng rơi trúng người trong trận đấu với Montenegro ở vòng loại Euro 2016.

Có thể, bạo lực sân cỏ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những ca tử vong trên, xuất phát từ các vụ đụng độ giữa cổ động viên hai đội. Trong đó, pháo sáng đã đóng vai trò như một công cụ gây thương tích. Và dù trong cơn tức giận hay hòa chung niềm vui, không thể lường trước được những nguy hiểm kéo theo từ việc đốt pháo sáng.

Nhân viên cứu hỏa phải xuống sân Hàng Đẫy để nhặt quả pháo sáng do các cổ động viên Hải Phòng ném xuống sân ở trận đấu gặp FC Hà Nội tại vòng 1 V-League 2018. (Ảnh: Ngọc Anh/Vietnam+)
Nhân viên cứu hỏa phải xuống sân Hàng Đẫy để nhặt quả pháo sáng do các cổ động viên Hải Phòng ném xuống sân ở trận đấu gặp FC Hà Nội tại vòng 1 V-League 2018. (Ảnh: Ngọc Anh/Vietnam+)

Không chỉ gây nguy hiểm cho nhau, các cổ động viên quá khích còn dùng pháo sáng như một cách phản ứng tiêu cực với những gì diễn ra trên sân cỏ mà không theo ý muốn của họ. Trong trường hợp ấy, các cầu thủ, trọng tài, ban huấn luyện cho đến các nhân viên an ninh làm việc trên sân đều có thể trở thành mục tiêu của những cái đầu nóng, như cái cách mà Akinfeev đã “lĩnh đòn.”

Chịu phạt nặng vì đốt pháo sáng

Như đã nói, ở một số nền bóng đá, các hội ultras vẫn được đốt pháo sáng phản ánh sự thỏa hiệp giữa câu lạc bộ với các hội nhóm cổ động viên của họ, nhưng là trong phạm vi giải quốc nội. Bởi bước ra sân chơi châu lục, như tại châu Âu, thì UEFA chắc chắn sẽ không để yên.

Các câu lạc bộ chấp nhận đóng tiền phạt, nhưng nếu có sự việc nghiêm trọng thì buộc phải đóng cửa khán đài vài trận đấu.

Các câu lạc bộ chấp nhận đóng tiền phạt, nhưng nếu có sự việc nghiêm trọng thì buộc phải đóng cửa khán đài vài trận đấu. Ví dụ ở Ligue 1, từ đầu mùa giải 2017-18 đến nay, Marseille đã đóng số tiền phạt khoảng 300.000 euro vì các hội ultras đốt pháo sáng trên khán đài sân vận động Velodrome.

Những khu vực khán đài dành cho các hội ultras ở các sân vận động như La Beaujoire của Nantes hay Geoffroy-Guichard của St-Etienne bị đóng cửa vài trận đấu vì đốt pháo sáng là tình trạng không phải hiếm trong nhiều mùa giải nay.

Cổ động viên Ba Lan đốt pháo sáng trong trận đấu với Ukraine tại vòng đấu bảng Euro 2016 trên sân Velodrome tại Marseille, Pháp (Nguồn: AFP)
Cổ động viên Ba Lan đốt pháo sáng trong trận đấu với Ukraine tại vòng đấu bảng Euro 2016 trên sân Velodrome tại Marseille, Pháp (Nguồn: AFP)

Sự thỏa hiệp đó là đơn giản vì câu lạc bộ cần người hâm mộ. Sự có mặt của các hội ultras luôn mang đến một bầu không khí đặc biệt cho các khán đài và tinh thần thi đấu của cầu thủ. Dẫu biết rằng sẽ phải chịu phạt, nhưng các câu lạc bộ lẫn các hội ultras vẫn chấp nhận, nếu không nói có những lúc yêu thích hành động này.

Những ví dụ khác ở Ligue 1: khi Chủ tịch Jean-Louis Triaud chia tay câu lạc bộ Bordeaux, trong trận đấu tri ân, ông leo lên khán đài đốt pháo sáng với hội UltraMarines; các cầu thủ lẫn Chủ tịch Jean-Michel Aulas của Lyon mùa giải này từng đốt pháo sáng với hội ultras Bad Gones sau chiến thắng trên sân nhà trước Olympique Marseille ở giai đoạn lượt đi.

Không chỉ ở Ligue 1, hành vi đốt pháo sáng cũng diễn ra ở các giải quốc tế lớn như kỳ Euro 2016 ở Pháp. Cho dù nhà chức trách có thắt chặt an ninh nghiêm ngặt đến đâu, những quả pháo sáng vẫn được mang vào một số sân đấu và được đốt trên khán đài.

Phạt nặng không phải là giải pháp duy nhất

Xét ở nhiều nền bóng đá và các câu lạc bộ ở châu Âu, những hội nhóm cổ động viên ultras đều được tổ chức và quản lý bài bản, có người đứng đầu cùng quy định của hội được đặt ra. Vì thế, sự đối thoại với lãnh đạo câu lạc bộ là hoạt động thường xuyên.

Nhân viên cứu hỏa là những người vất vả nhất khi pháo sáng được ném xuống sân (Nguồn: AFP)
Nhân viên cứu hỏa là những người vất vả nhất khi pháo sáng được ném xuống sân (Nguồn: AFP)

Các câu lạc bộ hoàn toàn có thể áp đặt lệnh cấm sử dụng pháo sáng trong các trận đấu trên sân nhà đối với các hội cổ động viên ultras của họ, nhưng đấy không phải là một giải pháp mang tính lâu dài.

Đã từng có thời điểm trong suốt nhiều năm, câu lạc bộ PSG của Pháp nghiêm cấm sự xuất hiện của các hội ultras khét tiếng trong quá khứ ở cầu trường Parc des Princes.

Cách làm khả dĩ nhất và mang tính bền lâu vẫn là tìm cách giáo dục và tuyên truyền về những những nguy hiểm của hành vi đốt pháo sáng trên khán đài.

Nhưng đến mùa giải 2016-17, quy định này dần được tháo gỡ và mùa giải hiện tại, bầu không khí của sân đấu này trở nên sôi động hơn, kèm theo đó là cả những rắc rối: hội ultras đốt pháo sáng.

Sự mềm mỏng trong khâu quản lý và quan hệ giữa câu lạc bộ với các hội ultras về vấn đề đốt pháo sáng là cần thiết. Nhưng cho đến lúc này, cách làm khả dĩ nhất và mang tính bền lâu vẫn là tìm cách giáo dục và tuyên truyền về những những nguy hiểm của hành vi đốt pháo sáng trên khán đài. Ít ra thì đó cũng là cách làm của người Anh.

Nhưng đổi lấy sự yên bình trên các khán đài cũng có nghĩa là mất đi bầu không khí rực lửa. Mỗi vấn đề luôn tồn tại hai mặt, khó có sự lựa chọn nào là tốt nhất một cách tuyệt đối.

Cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy ở trận gặp FC Hà Nội tại vòng 1 V-League 2018 (Ảnh: Trung Hiếu)
Cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy ở trận gặp FC Hà Nội tại vòng 1 V-League 2018 (Ảnh: Trung Hiếu)