Phong cách Duterte

Tờ Todayonline (Singapore) mới đây đăng bài bình luận của tác giả Malcolm Cook, chuyên gia về Philippines tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á-ASEAN (Singapore) bình luận về phong cách lãnh đạo của Tổng thống Duterte sau một năm cầm quyền. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài viết dưới đây.

Sau chiến thắng vang dội và đầy bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 5/2016, rất nhiều nhà quan sát, cả những người chỉ trích lẫn ủng hộ, đều rút ra kết luận rằng ông Rodrigo Duterte sẽ phải đối mặt với “tiến trình học tập kinh nghiệm gấp rút” khi chính thức bước chân vào Malacanang (phủ tổng thống) bắt đầu từ ngày 30/6/2016.

Làm Tổng thống của Philippines thực sự rất khác so với việc làm Thị trưởng thành phố Davao ở miền Nam Mindanao.

Những người đề xướng “tiến trình học tập kinh nghiệm” này đã chỉ rõ rằng thành công của ông Duterte trong việc gắn những bài học kinh nghiệm khi làm thị trưởng và chính trị gia địa phương vào vị trí Tổng thống là vấn đề quyết định cho thành công và các di sản chính trị của nội các ông Duterte.

Một năm sau khi nhậm chức, dường như ông Duterte không những không vận dụng được những kinh nghiệm đó mà còn từ bỏ cả ý định đầy tham vọng cũng như lợi ích mà các kinh nghiệm đó đem lại.

Trong khi có lẽ có rất nhiều lý do đầy sức thuyết phục về chính trị biện giải cho việc từ bỏ đó, thì tác động của nó đối với chính quyền và di sản của ông Duterte dường như tương đối mạnh mẽ.

Việc ông Duterte tiếp tục vận dụng cách tiếp cận có tính “thị trưởng” vào việc đảm nhiệm vị trí Tổng thống Philippines càng lâu thì tác động và những ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề này gây ra đối với việc hoạch định chính sách và sự “cai quản chính trị” rộng hơn ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Có ba sự phân định rõ rệt giữa việc làm thị trưởng, chính trị gia địa phương so với vị trí Tổng thống là đặc biệt quan trọng đối với nền chính trị nội bộ của Philippines. Trong cả ba trường hợp này, yếu tố chuyển giao cần thiết đều bị thiếu hụt hoặc bị hạn chế.

Trong ảnh: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ 4, bên trái) thăm tàu “Đô đốc Tributs” tại Manila ngày 6/1/2017. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Trong ảnh: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ 4, bên trái) thăm tàu “Đô đốc Tributs” tại Manila ngày 6/1/2017. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Mối quan hệ giữa hành pháp và lập pháp

Sự phân định rõ rệt đầu tiên chính là việc quản lý hiệu quả mối quan hệ hành pháp-lập pháp nhằm đưa các chính sách trở thành luật.

Một mặt khó khăn đối với ông Duterte chính là tiến trình lập pháp ở Philippines diễn ra chậm và còn ngổn ngang, với việc cải cách, sửa đổi các dự luật quan trọng thường diễn ra chậm chạp hàng thập kỷ tại cơ quan lập pháp. Trong khi đó, ông Duterte đã trở thành Tổng thống với một chương trình cải cách vô cùng tham vọng.

Nhưng mặt khác, lại có sự thuận lợi cho ông Duterte. Sự hợp tác hành pháp-lập pháp trong nhiệm kỳ của ông Duterte sẽ được hưởng lợi từ một bộ phận đa số quyết định trung thành tại Thượng viện (trong số 291 nghị sĩ, chỉ có 7 nghị sĩ là thành viên các đảng phái đối lập) và một khối đa số mạnh mẽ tại Hạ viện (chỉ 6 trong số 24 Hạ nghị sĩ là thuộc nhóm thiểu số).

Một mặt khó khăn đối với ông Duterte chính là tiến trình lập pháp ở Philippines diễn ra chậm và còn ngổn ngang.

Trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Thượng viện Pantaleon Alvarez khẳng định: “Nếu chương trình lập pháp này dường như quá tham vọng với một số người, thì đó chỉ là do tính trì trệ… Hãy để chúng tôi trở thành những yếu tố của sự thay đổi… Nhiệm vụ của chúng ta, trong nhiệm kỳ Quốc hội lần thứ 17 này là rất rõ ràng: Kích hoạt hệ thống luật pháp vốn sẽ đem lại cho đất nước và người dân chúng ta một tương lai tốt đẹp hơn ngày hôm qua và tươi sáng hơn ngày hôm nay”.

Cả bốn ưu tiên lập pháp được ông Alverez đưa ra trong bài phát biểu của mình, gồm tái áp dụng hình phạt tử hình, hạ thấp độ tuổi thấp nhất chịu trách nhiệm hình sự xuống còn 9 tuổi, khôi phục đạo Luật tuyển quân toàn quốc và thông qua Luật Tự do Thông tin, hiện vẫn chưa đạt được kết quả.

Trong 11 tháng đầu tiên của chính quyền Duterte, chỉ có 4 dự luật được thông qua thành luật, bao gồm một bộ luật về việc trì hoãn các cuộc bầu cử địa phương.

Các tuyên bố của Tổng thống

Điểm phân định thứ hai chính là việc chấp nhận, nhận thức được rằng các tuyên bố công khai của Tổng thống thường được coi là những tuyên bố chính sách chính thức. Phong cách giao tiếp dân dã, nhiều tiếng lóng thông tục của ông Duterte, vốn là yếu tố quan trọng tạo nên sự nổi tiếng của ông, đã gây ra một thách thức riêng biệt và chưa được khắc phục.

Ngày 5/10/2016, sau tuyên bố cắt đứt quan hệ với Mỹ của ông Duterte, người phát ngôn của Tổng thống, ông Ernesto Abella đã khuyến cáo các phóng viên không nên hiểu phát biểu của ông Duterte theo nghĩa đen, mà cần phải sử dụng “sự tưởng tượng sáng tạo” của mình để thấu hiểu phát biểu của ông Duterte và bối cảnh cảm xúc của họ. Ngày 8/2/2017, trong bài phát biểu ở cơ quan Hải quan nước này, ông Duterte khẳng định chỉ 2 trong số 5 điều ông nói với tư cách Tổng thống là sự thật, còn lại 3 điều là “lừa dối”.

 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm các binh sĩ ở thị trấn Carmen, tỉnh Bắc Cotabato ngày 6/6. EPA/TTXVN
 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm các binh sĩ ở thị trấn Carmen, tỉnh Bắc Cotabato ngày 6/6. EPA/TTXVN

Một ngày sau đó, ông Abella đã phải cố gắng làm rõ ngụ ý của phát biểu này theo cách: “Về mặt kỹ thuật, điều chúng tôi thực sự nhấn mạnh trong các cuộc họp báo đã được cân nhắc lại và được điều chỉnh cho phù hợp… Tôi không nói (các tuyên bố của Tổng thống) không được điều chỉnh phù hợp. Tôi chỉ đơn giản nói rằng, trong giai đoạn này, khi chúng tôi nói điều đó, đơn giản chỉ có nghĩa là chúng tôi đã trải qua một quá trình nhận thức rõ liệu đó có phải là một lời nói đùa hay không. Khi có một tuyên bố cụ thể cần được đưa ra, nếu tuyên bố này có xu hướng trở thành một chính sách… thì cần phải được nhấn mạnh trong các cuộc họp báo”.

Một loạt các tuyên bố của Tổng thống Duterte, ngay cả khi được cho rằng không phải là lời nói dối, thì cũng luôn cần phải có sự làm rõ, giải thích quan trọng hoặc phải bác bỏ. Điều này cho thấy chúng đối nghịch, trái ngược với những kết quả của một tiến trình hoạch định chính sách phù hợp.

Ngày 5/10/2016, sau tuyên bố cắt đứt quan hệ với Mỹ của ông Duterte, người phát ngôn của Tổng thống, ông Ernesto Abella đã khuyến cáo các phóng viên không nên hiểu phát biểu của ông Duterte theo nghĩa đen

Ngày 27/9/2016, ông Duterte cáo buộc Chính phủ Mỹ đã thao túng giá trị của đồng peso Philippines. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno tuyên bố rằng không có bất kỳ sự thao túng nào của Mỹ.

Ngày 6/4/2017, Tổng thống Duterte tuyên bố rằng người dân Philippines sẽ được sinh sống trên các cấu trúc không bị chiếm đóng và chưa được khai phá trên quần đảo Trường Sa. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã phải giải thích rõ rằng ông Duterte muốn phát triển và xây dựng hơn nữa các cấu trúc đá hiện do Philippines kiểm soát. Lời giải thích của ông Lorenzana được Văn phòng Tổng thống xác nhận lại một ngày sau đó.

Giới hạn của quyền lực

Điểm khác biệt thứ ba – việc chấp nhận rằng Tổng thống là một trong ba nhánh quyền lực cùng cân bằng của chính phủ – là điều quan trọng nhất, cả với việc điều hành chính quyền của ông Duterte lẫn những di sản sắp tới của ông. Các thị trưởng của Philippines, đặc biệt là những người thuộc dòng dõi chính trị gia địa phương, bị rất ít các cơ chế giám sát quyền lực của họ.

Với việc chiếm đa số đủ điều kiện tại Thượng viện và đa số lớn tại Hạ viện đã làm giảm và hạn chế các cơ hội cho những mâu thuẫn, xung đột hành pháp-lập pháp có thể xảy ra. Trong năm đầu tiên, không có xung đột nào giữa Tòa án tối cao và các cơ quan hành pháp.

Tuy vậy, các tuyên bố của ông Duterte, đặc biệt là việc áp đặt thiết quân luật và đối với cuộc chiến chống ma túy tàn bạo cùng với một loạt các quyết định khác, đã gây ra những nghi ngờ về việc ông Duterte có thực sự chấp nhận vấn đề giới hạn của quyền lực Tổng thống hay không. Hơn thế nữa, hiện đã có những chỉ dấu cho thấy có xu hướng tập trung quyền lực vào tay Tổng thống.

Người dân Marawi đi sơ tán sau khi nổ ra xung đột giữa quân chính phủ với lực lượng phiến quân Hồi giáo cực đoan (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân Marawi đi sơ tán sau khi nổ ra xung đột giữa quân chính phủ với lực lượng phiến quân Hồi giáo cực đoan (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/5/2017, ông Duterte tuyên bố áp đặt lệnh thiết quân luật và tạm dừng việc áp dụng lệnh đình quyền giam giữ người trên toàn Mindanao (chiếm khoảng 22% dân số Philippines) trong vòng 60 ngày sau một loạt các vụ xung đột diễn ra giữa các nhóm khủng bố và lực lượng quân đội chính phủ, cảnh sát tại Marawi.

Ngày 27/5/2017, trong khi phát biểu trước binh lính, ông Duterte khẳng định: “Chỉ khi nào cảnh sát và quân đội khẳng định Philippines an toàn thì lệnh thiết quân luật này mới được dỡ bỏ. Tôi sẽ không nghe bất cứ ai cả. Tòa án tối cao, Quốc hội, họ không có ở đây”.

Ngay hôm sau, người phát ngôn Abella đã phải giải thích rõ rằng Tổng thống không có ý chống đối Tòa án tối cao trong việc đưa ra quyết định về lệnh thiết quân luật, quan điểm này sau đó cũng được chính Tổng thống xác nhận.

Ngày 11/11/2016, trong khi thảo luận khả năng tạm dừng áp dụng quy định quyền giam giữ tại Mindanao do các mối nguy cơ khủng bố, ông Duterte lại khẳng định rằng ông có thể không dừng việc tạm dừng này, ngay cả khi Tòa án tối cao ra lệnh.

Thị trưởng của Philippines

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2015-2016, ứng cử viên Duterte liên tục khẳng định rằng nếu thắng cử, ông sẽ là thị trưởng của Philippines, và yêu cầu người dân tiếp tục gọi ông là thị trưởng thay vì tổng thống. Điều này khẳng định mạnh mẽ rằng ông không nhận thức được những sự khác biệt quan trọng giữa hai vị trí này.

Có nhiều lý do hợp lý giải thích việc ông Duterte bỏ qua những bài học kinh nghiệm cần thiết từ quãng thời gian làm thị trưởng Davao để vận dụng vào vai trò Tổng thống. Ông là một phó thị trưởng và sau này là thị trưởng rất thành công và nổi tiếng của Davao trong gần 3 thập kỷ qua, và là ứng cử viên Tổng thống đầu tiên thắng cử mà xuất thân là từ một chính trị gia địa phương.

Ông Duterte đã biến những thành tựu trong thời kỳ làm thị trưởng của mình là một phần chính trong chiến dịch tranh cử. Kết quả bầu cử năm ngoái cho thấy ông Duterte đã vận động tranh cử quá tốt ở các khu vực thành thị, với việc giành chiến thắng tại 15 trong tổng số 16 quận tại khu vực Metro Manila, điều này khẳng định rằng nhiều cử tri thành thị hy vọng ông sẽ làm cho thành phố của họ như những gì ông đã làm tại Davao.

Ông Duterte đã vận động tranh cử quá tốt ở các khu vực thành thị, với việc giành chiến thắng tại 15 trong tổng số 16 quận tại khu vực Metro Manila

Ông Duterte, bất chấp hoặc bởi vì đã từ bỏ các bài học kinh nghiệm cần thiết, tiếp tục vẫn rất nổi tiếng. Theo kết quả thăm dò hàng quý của Social Weather Station về sự hài lòng đối với năng lực của Tổng thống, không có sự suy giảm đáng kể nào trong quãng thời gian 9 tháng cầm quyền của ông Duterte.

Tháng 9/2016, Tổng thống đã giành được tỷ lệ hài lòng (tỷ lệ hài lòng trừ đi tỷ lệ không hài lòng) lên tới +64%, sau đó là +63% vào tháng 12/2016 và +63% vào tháng 3/2017. Trong cuộc khảo sát vào tháng 3/2017, 75% người dân bày tỏ sự hài lòng đối với Tổng thống, bao gồm 76% tại Metro Manila, 85% các sinh viên tốt nghiệp đại học và 89% dân số ở Mindanao.

Đa số ủng hộ ông Duterte ở Quốc hội và việc Đảng Tự do đang suy yếu càng cho thấy ông Duterte sẽ không gặp trở ngại gì và sẽ không phải đối mặt với một lực lượng đối lập đủ mạnh nào. Ông cũng không phải đối mặt với những vụ tuần hành biểu tình quy mô lớn nào mặc dù ông ủng hộ việc chôn cất cựu Tổng thống Ferdinand Marcos tại nghĩa trang Anh hùng, hay việc tiến hành cuộc chiến chống ma túy tàn bạo khiến hàng ngàn người chết và việc liên tục chỉ trích Nhà thờ Cơ đốc giáo.

Ông Duterte với tư cách “thị trưởng của Philippines” dường như trở thành “áo giáp chống đạn” về mặt chính trị. Những kỳ vọng rằng văn phòng tổng thống sẽ thay đổi Tổng thống Duterte hơn là chính tổng thống sẽ điều hành văn phòng đó đã không xảy ra. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ có sự thay đổi trong thời gian gần.

Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) tới thăm các nạn nhân một vụ nổ ở thị trấn Midsayap, tỉnh Bắc Cotabato ngày 25/12. EPA/ TTXVN
Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) tới thăm các nạn nhân một vụ nổ ở thị trấn Midsayap, tỉnh Bắc Cotabato ngày 25/12. EPA/ TTXVN

Ba vấn đề nảy sinh

Chiến thắng bất ngờ của một ứng cử viên “ngoại đạo” như ông Duterte, và việc ông tiếp tục được yêu thích về mặt chính trị đã rõ ràng tiết lộ về hệ thống chính trị Philippines bằng việc tạo điều kiện cho nhận thức thông thường về người có thể trở thành tổng thống tại Philippines. Điều này rõ ràng là tốt.

Tuy nhiên, nếu cách tiếp cận theo “phong cách thị trưởng” đề cao cá nhân này tiếp tục được theo đuổi trong quãng thời gian nhiệm kỳ còn lại của Chính quyền Duterte, mà là có khả năng rất cao, thì có ba vấn đề nhiều khả năng xảy ra với những tác động trong dài hạn đối với hệ thống chính trị Philippines:

Thứ nhất: Nếu tiến trình lập pháp tiếp tục với việc thông qua quá ít các bộ luật, chương trình cải tổ nhiều mặt đầy tham vọng của ông Duterte sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc cải cách toàn diện nhằm mở rộng cơ sở đánh thuế và đơn giản các quy tắc thuế khóa là cần thiết và là trung tâm trong chương trình kinh tế của Chính quyền Duterte.

Quyết định phá vỡ sự cải tổ này thành 5 dự thảo riêng rẽ và nối tiếp nhau sẽ là sự khảo sát, kiểm tra ngay cả đối với một Quốc hội nhanh nhạy và chủ động. Cho đến nay, chỉ có một trong 20 giai đoạn trong tiến trình lập pháp là có liên quan đến cách tiếp cận này nhằm cải cách hệ thống thuế – dự thảo đầu tiên của bộ luật này – đã được Thượng viện thông qua.

Thứ hai, nếu các tuyên bố của Tổng thống tiếp tục cần thiết phải có sự đính chính hoặc “tưởng tượng sáng tạo” để có thể hiểu đúng, thì các dấu hiệu chính trị sẽ tiếp tục bị duy trì trạng thái không rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu rất khác nhau.

Điều này có thể dẫn đến một tình huống trong đó hai chu trình chính trị song song và không liên quan đến nhau đồng thời diễn ra: Việc triển khai chính sách ở mức độ cấp bộ, và các tuyên bố chính sách của Tổng thống mà không phải là kết quả của bất kỳ một tiến trình hoạch định chính sách có thể xác định nào.

Ông Duterte có xu hướng xích lại gần với Trung Quốc thay vì ngả hẳn theo đồng minh lâu năm là Mỹ. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/10/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ông Duterte có xu hướng xích lại gần với Trung Quốc thay vì ngả hẳn theo đồng minh lâu năm là Mỹ. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/10/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một dấu hiệu của sự bất hòa nói trên chính là vấn đề hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Mindanao. Tháng 9/2016, ông Duterte tuyên bố rằng quân đội Mỹ phải rời khỏi Mindanao. Không có bất kỳ một văn bản chính thức nào được đưa ra về tuyên bố này và lính Mỹ vẫn ở lại. Tháng 10/2016, tại Trung Quốc, ông Duterte thậm chí còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố “rời bỏ” Mỹ cả về quân sự lẫn kinh tế.

Tuy nhiên, tháng 6/2017, lực lượng quân đội Philippines đã yêu cầu sự hỗ trợ hơn nữa từ quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nhằm giải quyết vấn đề ở Marawi, và Mỹ đã đáp ứng đề nghị này. Ông Duterte khẳng định rằng ông không được thông báo về yêu cầu này cũng như ứng xử tích cực của Mỹ.

Những tuyên bố của Tổng thống Duterte đã đặt ra dấu hỏi về giới hạn pháp lý của quyền lực Tổng thống và sẽ làm xói mòn những thông lệ thông thường trong phân chia quyền lực, vốn là trung tâm của hệ thống chính trị của Philippines được quy định trong Hiến pháp 1987 của nước này. Ông Duterte có kế hoạch xem xét lại Hiến pháp 1987 vốn được ban hành ngay sau thời kỳ độc tài của Ferdinand Marcos và việc áp đặt lệnh thiết quân luật, và nhằm mục đích ngăn chặn lịch sử có thể lặp lại. Ông đã chỉ trích các yêu cầu của tòa án đối với việc ban hành lệnh thiết quân luật như là một cách kiềm tỏa sức mạnh quyền lực tổng thống.

Những chỉ trích mạnh mẽ gần đây của Tòa án tối cao và Tòa Phúc thẩm từ ông Alvarez là những dấu hiệu đáng lo ngại về sự gia tăng các thách thức đối với hệ thống chính quyền và luật pháp hiện tại ở Philippines ngay trong Chính quyền Duterte./.

Nhiệm kỳ đầu của ông Duterte gắn liền với cuộc chiến chống ma túy. Trong ảnh:  Lực lượng chống ma túy quốc gia Philippines bắt giữ nghi phạm buôn bán ma túy tại Makati, phía đông Manila ngày 6/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Nhiệm kỳ đầu của ông Duterte gắn liền với cuộc chiến chống ma túy. Trong ảnh:  Lực lượng chống ma túy quốc gia Philippines bắt giữ nghi phạm buôn bán ma túy tại Makati, phía đông Manila ngày 6/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)