Phú Quốc hướng tới thành phố biển đảo

ttxvn1606ph-1592274855-59.jpg

Gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nằm ở trung tâm Đông Nam Á, trên vành đai kinh tế biển Việt Nam-Campuchia-Thái Lan, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia, quốc tế.

Đứng trước ngưỡng cửa trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đồng thời là thành phố biển đảo đầu tiên trong cả nước, Phú Quốc đã có sự phát triển ngoạn mục về kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, huyện đảo cũng đang đối mặt với những bất cập, điểm nghẽn cần được tháo gỡ để có những bước phát triển xứng tầm thành phố biển đảo, trung tâm du lịch-thương mại-công nghệ cao trong tương lai không xa.

Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết với chủ đề: “Phú Quốc hướng tới là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước”./.

Phú Quốc phát triển bứt phá

Tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc đang tiến hành các bước theo lộ trình để Đảo ngọc sớm trở thành thành phố, góp thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc và tạo sự cân đối về phát triển đô thị giữa các khu vực, đồng thời tạo sức hấp dẫn hơn nữa trong thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của Phú Quốc.

Phú Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ, xây dựng theo mô hình thành phố biển đảo để trở thành động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hút đầu tư, tập trung hoàn thiện hạ tầng

Những năm 2000 trở về trước, huyện đảo Phú Quốc còn khá hoang sơ, vắng vẻ thì giờ đây, huyện đảo đã có sự chuyển mình ngoạn mục, là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ, cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ.

Phú Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ, xây dựng theo mô hình thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước,trở thành động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.  

Trong những năm qua, một trong những điểm nhấn nổi bật trong chiến lược phát triển của Phú Quốc được thực hiện hiệu quả chính là thu hút đầu tư mạnh mẽ, phát triển kết cấu hạ tầng.

Một góc khu đô thị mới đang được xây dựng thị trấn An Thới. (Ảnh: Ngọc Hà/ TTXVN)
Một góc khu đô thị mới đang được xây dựng thị trấn An Thới. (Ảnh: Ngọc Hà/ TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, tính đến tháng 6/2020, Phú Quốc thu hút 321 dự án của các nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 340.000 tỷ đồng.

Huyện là địa bàn được đầu tư khá mạnh và cũng là một trong những điểm đầu tư được hưởng rất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương và tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là chính sách liên quan đến tiền thuê đất, thời gian thu tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và những chính sách khác.

Cùng với sự đầu tư của các thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế lớn thì các nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư vào Phú Quốc cũng khá dồi dào.

Đặc biệt là từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Trung ương, vốn của tỉnh, vốn tiền sử dụng đất của địa phương cũng tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng, tập trung cho giao thông nội đảo, sân bay, cảng biển quốc tế, các công trình cấp điện, nước để đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ của Phú Quốc.

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, tập trung nguồn lực đầu tư mạnh hạ tầng giao thông, tạo kết nối liên thông với các trung tâm đô thị lớn trong nước và một số quốc gia trên thế giới, Phú Quốc đã đưa vào khai thác cảng An Thới và Dương Đông theo dự án đã được phê duyệt thành các cảng tổng hợp phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống người dân trên đảo, các cảng này còn phục vụ tàu khách quốc tế.

Các biệt thự nghỉ dưỡng được xây trên các đảo nhỏ thuộc huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Các biệt thự nghỉ dưỡng được xây trên các đảo nhỏ thuộc huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Cảng Mũi Đầm cũng được xây mới, là cảng tổng hợp sử dụng quanh năm và nơi tránh trú cho các tàu thuyền trên bờ phía Đông của đảo.

Đối với hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường bộ trên đảo có tổng chiều dài trên 220km. Các phương tiện di chuyển qua lại được thuận tiện, dễ dàng.

Đường liên xã, đường nông thôn được đầu tư, nâng cấp và làm mới phần lớn đã được nhựa hóa, bêtông hóa đảm bảo việc đi lại của người dân địa phương. Toàn bộ cầu qua các sông, rạch được kiên cố hóa bằng kết cấu bêtông cốt thép tạo điều kiện thuận lợi sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn huyện.

Bến xe khách các thị trấn được đặt theo vị trí của quy hoạch và được trang bị đầy đủ các tiện nghi cho hành khách. Bến xe hàng hóa được bố trí tại các bến cảng và Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc.

Đối với Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, theo quy hoạch đến 2030, cảng hàng không này có khả năng tiếp nhận 20 máy bay trong giờ cao điểm. Lượng hàng hóa qua cảng là 27.600 tấn/năm, công suất 7 triệu hành khách/năm, riêng giờ cao điểm có thể đón 3.500 người.

Về hệ thống điện cung cấp cho đảo, dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc hoạt động đang đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện quốc gia.

Trên địa bàn huyện hệ thống đường dây cao, trung, hạ thế đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, số hộ dùng điện lưới quốc gia trong toàn huyện đạt 100%.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cũng cho biết, hiện nay, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đang được tập trung mở rộng giai đoạn 2, giai đoạn 3, mở rộng thêm đường cất, hạ cánh.

Hệ thống giao thông nội đảo sẽ được đầu tư đồng bộ, đấu nối các khu du lịch, các khu dân cư để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các ngành điện lực, cấp nước đang được đầu tư song song, đồng bộ, nâng cấp hồ cấp nước Dương Đông từ công suất 20.000 m3 ngày đêm lên 30.000 m3/ngày đêm.

Huyện cũng đang nghiên cứu hồ nước Cửa Cạn để đầu tư trong thời gian tới công suất vào khoảng 50.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước ổn định cho Phú Quốc.

Xây dựng móng, trụ đưa lưới điện quốc gia ra huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) (ảnh 5 ngày 16/6)
Xây dựng móng, trụ đưa lưới điện quốc gia ra huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) (ảnh 5 ngày 16/6)

Đối với hệ thống điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đầu tư thêm dự án xây dựng đường dây 220 kV Kiên Bình-Phú Quốc.

Dự kiến, dự án sẽ đóng điện trước Têt Nguyên đán 2021 để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội huyện đảo. Một số công trình y tế, giáo dục, các khu dân cư, tái định cư đang được đầu tư đồng bộ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc khẳng định, đến thời điểm này Phú Quốc đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và điều kiện của một thành phố trực thuộc tỉnh. Nếu được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, Phú Quốc sẽ là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước.

Phát triển mạnh thương mại-dịch vụ, du lịch

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đến năm 2030, Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thực hiện định hướng này, thời gian qua, ngành thương mại-dịch vụ, du lịch của Phú Quốc có bước phát triển rất nhanh chóng.

Khu Vinpearl Phú Quốc, xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) 
Khu Vinpearl Phú Quốc, xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) 

Trên địa bàn các xã, thị trấn không những đầy đủ công trình thương mại cơ bản như chợ, siêu thị. Ngoài ra, còn có các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi phân bố đều trong các ấp, khu phố, có nơi trao đổi mua bán hàng hoá hai chiều, góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông suốt.

Chủng loại hàng hóa đa dạng và phong phú, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân và khách du lịch.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đến năm 2030, Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Tính riêng trong năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn huyện Phú Quốc đạt 56.547 tỷ đồng; trong đó, ngành thương mại-dịch vụ-du lịch đã đạt 29.350 tỷ đồng, chiếm gần 52%.

Ông Trần Văn Thọ, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Quốc chia sẻ, tại huyện đảo, hạ tầng du lịch đã được đầu tư mạnh mẽ, các khu, điểm du lịch được hình thành và phát triển như Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng hành khách Quốc tế Dương Đông, vườn thú Safari, Vinpearl Land…

Các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh như Dinh Cậu, di tích nhà tù Phú Quốc, chùa Hộ Quốc được trùng tu, tôn tạo. Sản phẩm du lịch từng bước đa dạng hóa với các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và khai thác khá hiệu quả các tuyến du lịch, qua đó đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Đặc biệt, các dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác như tuyến cáp treo Hòn Thơm nối từ thị trấn An Thới qua các đảo Hòn Rỏi, Hòn Dừa tới Hòn Thơm được Tổ chức Guinness trao tặng Chứng nhận cáp treo dài nhất thế giới.

Tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới qua Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Nguồn: TTXVN)
Tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới qua Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Nguồn: TTXVN)

Các dự án của Tập đoàn VinGroup, đáng chú ý là những dự án mới ở khu vực phía Nam của đảo đã và đang tạo tiếng vang lớn trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước như khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, khu nghỉ dưỡng hai mặt biển hiếm có Premier Village Phu Quoc Resort, khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park, đã thúc đẩy ngành du lịch huyện đảo ngày càng phát triển.

Hiện nay trên đảo có gần 700 cơ sở lưu trú với hơn 20.000 phòng; trong đó có 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 12 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.

Nếu như năm 2015 Phú Quốc chỉ đón 913.000 lượt du khách thì đến năm 2019, huyện đảo đã đón 2,85 triệu lượt khách. Những tháng đầu năm hoạt động du lịch của huyện đảo gần như tê liệt do ảnh hưởng dịch COVID-19 song với sự phục hồi nhanh chóng, dự báo trong năm nay Đảo Ngọc sẽ đón được khoảng hơn 3 triệu du khách./.

Toàn cảnh thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc). (Ảnh: Bùi Trường Giang/TTXVN)
Toàn cảnh thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc). (Ảnh: Bùi Trường Giang/TTXVN)

Hài hòa trong phát triển kinh tế

Tự tin trước ngưỡng cửa trở thành thành phố biển đảo đầu tiên trong cả nước, song trên bước đường phát triển, huyện đảo Phú Quốc hiện tại, thành phố Phú Quốc trong tương lai gần cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập.

Phú Quốc chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ tài nguyên, đất đai, quy hoạch, xây dựng gắn với xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên các lĩnh vực này để nhà đầu tư, khách du lịch an tâm đến với Phú Quốc.

Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã thẳng thắn nhìn nhận và có biện pháp tháo gỡ, giải quyết triệt để.

Tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Một trong những vấn đề nổi cộm ở Phú Quốc được dư luận hết sức quan tâm hiện nay chính là việc quản lý, xử lý những sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Đề cập đến những tồn tại trong quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng ở huyện đảo Phú Quốc thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, cùng một thời điểm, Phú Quốc thu hút rất nhiều dự án của các nhà đầu tư; trong đó có nhiều tập đoàn lớn cho thấy, các cơ chế, chính sách ưu đãi nổi trội đã phát huy tác dụng. Các dự án đó bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.

Xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, xây cất trái phép trên địa bàn xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) 
Xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, xây cất trái phép trên địa bàn xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh, phát triển mạnh đã làm phát sinh những hệ lụy liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Việc quản lý quy hoạch, xây dựng cũng có những lúc, những nơi chưa thật tốt.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch, huyện nghiêm túc thực hiện những Kết luận của Thanh tra Chính phủ để khắc phục hạn chế yếu kém trong quá trình quản lý, đặc biệt là liên quan đến quản lý đất đai.

Liên quan đến tình trạng bao lấn chiếm đất trái phép, ông Hưng cho biết thêm, thời gian qua tại Phú Quốc tình hình phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp.

Khách sạn cao cấp tại khu Vinpearl Phú Quốc, xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Khách sạn cao cấp tại khu Vinpearl Phú Quốc, xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Thời điểm 2016-2017, giá đất tại Phú Quốc cũng tăng cao đột biến, dẫn đến tình trạng bao lấn chiếm xây dựng trên đất nhà nước quản lý, kể cả đất rừng diễn biến phức tạp.

Huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, xã thị trấn và Ban quản lý Vườn quốc gia Phú Quốc xác minh, kiểm tra, xử lý, tuy nhiên có những lúc, những nơi chưa kịp thời. Thời gian tới huyện tăng cường, quyết liệt kiểm tra, xử lý, cưỡng chế trường hợp xây dựng trái phép đặc biệt là xây dựng trái phép trên đất rừng.

Các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các quy định của Nhà nước lĩnh vực đất đai; xây dựng, ứng dụng mạng xã hội tiếp nhận phản ánh, thông tin của người dân về các hành vi vi phạm để kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Theo thông tin mới nhất từ Huyện ủy Phú Quốc, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm tra, xử lý vi phạm, quản lý đất đai, thực hiện thông báo số 120/TB-VPCP ngày 23/3/2020 của Văn phòng Chính phủ, Kết luận số 602/KL-TTCP ngày 27/4/2020 của Thanh tra chính phủ và kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 1/6/2020 huyện Phú Quốc đã kiểm tra, phát hiện hơn 300 trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai với tổng diện tích 174.397m2; quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trên 90 trường hợp; thông báo yêu cầu tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng đối với 140 trường hợp, đã tổ chức thông báo, thu hồi thực địa đối với 98 trường hợp, các trường hợp còn lại đang tiếp tục được kiểm tra, xử lý.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh khẳng định, nếu không quyết liệt, chủ động chấn chỉnh, xử lý vi phạm, ngăn chặn, lập lại trật tự trong quản lý tài nguyên, đất đai, quy hoạch, xây dựng thì đây sẽ là rào cản, trở ngại lớn, ảnh hưởng bất lợi trong xây dựng phát triển huyện đảo Phú Quốc.

Tình trạng này không giải quyết dứt điểm, đất đai, xây dựng không ổn định thì nhà đầu tư ngần ngại đầu tư vào đảo Phú Quốc, nhất là trong xu thế Phú Quốc đang hướng tới thành phố biển đảo, du khách trong và ngoài nước đến đảo ngọc ngày càng tăng cao.

Xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, xây cất trái phép trên địa bàn xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) 
Xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, xây cất trái phép trên địa bàn xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) 

Vì vậy, Phú Quốc chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ tài nguyên, đất đai, quy hoạch, xây dựng gắn với xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên các lĩnh vực này để nhà đầu tư, khách du lịch an tâm đến với Phú Quốc.

Bảo vệ môi trường

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học từng nhận định, sự tăng trưởng quá nhanh đã phần nào mang tới những hệ lụy liên quan đến môi trường, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của Đảo ngọc.

Ở bất kỳ địa phương có tốc độ phát triển nhanh nào cũng thường có những điểm hạn chế nhất định và Phú Quốc cũng không ngoại lệ.

 Thu gom rác ở bãi biển thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
 Thu gom rác ở bãi biển thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Thậm chí, có du khách tới Phú Quốc từng “nặng lời” cho rằng nhiều nơi ở huyện đảo bị “tấn công” bởi rác thải, các con sông cũng bị ô nhiễm do rác và nước thải.

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, hiện nay việc thu gom và xử lý chất thải rắn do Ban Quản lý công trình công cộng huyện Phú Quốc quản lý.

Năm 2019, trên địa bàn huyện tỷ lệ chất thải rắn được xử lý 100% với hình thức xử lý của huyện sẽ chôn lấp tại bãi rác tạm và giao một phần cho nhà máy xử lý.

Nhà máy xử lý rác thải đã được xây dựng hoàn thiện, đang trong quá trình vận hành thử nghiệm với công suất 200 tấn/ngày đêm, đảm bảo việc thu gom và xử lý rác trên địa bàn huyện hàng ngày.

Việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải ở nhiều khu phố, bệnh viện, xóm ngõ cũng được cải thiện. Việc thu gom chất thải thông thường, phế liệu, chất thải công nghiệp không nguy hại do Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường Trái Đất Xanh thực hiện.

Toàn bộ rác thải được thu gom vận chuyển và xử lý tập trung tại khu xử lý chất thải rắn của các công ty. Khối lượng rác thải sinh hoạt còn lại do các tổ vệ sinh tại các xã, thị trấn được thu gom và xử lý cục bộ.

Thu gom rác ở bãi biển thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Thu gom rác ở bãi biển thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ông Nguyễn Duy Điền, Phó trưởng Ban Dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Quốc cho biết, liên quan đến xử lý rác, thời điểm này tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã kêu gọi dự án đầu tư vào dự án xử lý rác ở Bãi Bổn, xã Hàm Ninh tuy nhiên công nghệ của nhà đầu tư ban đầu đưa ra chưa đáp ứng yêu cầu.

Tỉnh Kiên Giang đang có điều chỉnh, thay đổi nhà đầu tư theo hướng nâng cao công nghệ để đáp ứng yêu cầu. Ban Quản lý khu kinh tế huyện Phú Quốc (đơn vị được phân cấp ủy quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang về lĩnh vực đầu tư) cũng đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác với công nghệ cao ở Phú Quốc theo định hướng đến năm 2030 sẽ không còn các bãi chôn lấp rác thải mà rác thải sẽ được xử lý theo công nghệ cao.

Trong thời gian tới, với định hướng phát triển bền vững đảo Phú Quốc hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Phú Quốc sẽ huy động các nguồn lực, đẩy mạnh nghiên cứu giải pháp thoát nước tổng thể thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Huyện ưu tiên cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước chung, xây dựng hệ thống cống bao và các trạm xử lý nước thải cho các khu vực xảy ra ngập úng.

Phú Quốc cũng tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2025 đã được phê duyệt; nâng cao hiệu quả công tác thu gom, phân loại chất thải rắn tại các đô thị; ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn cấp vùng ở trên địa bàn huyện và các lò đốt chất thải rắn cho các xã đảo.

Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh, một giải pháp rất quan trọng góp phần đảm bảo môi trường cho Đảo ngọc là các ngành, đơn vị, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động từng hộ dân hiểu rõ trách nhiệm tham gia vệ sinh môi trường; tập trung lực lượng tổ chức làm vệ sinh ở các điểm nóng về rác thải, đảm bảo giải quyết hiệu quả, dứt điểm.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác, thải chất thải ra môi trường; bố trí camera tại các điểm nóng về môi trường, lắp đặt các màn hình lớn tuyên truyền bảo vệ môi trường tại khu vực công cộng./.

Khách du lịch vui chơi, tắm biển tại bãi biển Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Khách du lịch vui chơi, tắm biển tại bãi biển Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)