Thách thức và cơ hội trên đường đua tới Nhà Trắng

Mặc dù chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, song thời điểm hiện nay đang vô cùng khó khăn, thậm chí được đánh giá là “ngàn cân treo sợi tóc” đối với tham vọng tái đắc cử của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump khi những thách thức cùng lúc dồn dập ập đến, khiến tất cả những lợi thế về kinh tế mà ông có được trong thời gian trước đó dường như đã “bốc hơi” chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Ở thời điểm nước Mỹ rối ren như hiện nay, câu hỏi liệu Tổng thống Trump có dẫn dắt được nước Mỹ vượt qua khủng hoảng để có thể tiếp tục nhiệm kỳ 4 năm tại Nhà Trắng hay không chưa thể có câu trả lời.

Khó khăn của người này có lẽ lại trở thành cơ hội của người kia và điều này đang đúng với cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ sẽ có nhiều nhân tố cũng như ẩn số bất ngờ trong chặng đường đua phía trước, nên có thể nói cơ hội vẫn đang để ngỏ cho cả hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Người biểu tình tuần hành tại Minneapolis, Minnesota (Mỹ) ngày 29/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người biểu tình tuần hành tại Minneapolis, Minnesota (Mỹ) ngày 29/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kể từ khi lên nắm quyền tháng 1/2017, có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt. Cả nước Mỹ chao đảo trong “cuộc khủng hoảng kép” do đại dịch COVID-19 gây ra cũng như làn sóng biểu tình với quy mô lớn đang lan rộng, phản đối nạn phân biệt chủng tộc và tình trạng đối xử không công bằng của các nhân viên thực thi pháp luật nhằm vào người da màu.

Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thì nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo loạn, những hành động phá hoại, cướp bóc, các vụ đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng thực thi pháp luật khiến chính quyền địa phương cũng như liên bang phải đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ, điều động hàng nghìn binh sỹ liên bang tới các địa phương, áp dụng lệnh giới nghiêm ở hầu hết các thành phố lớn, và thậm chí tính cả phương án sử dụng quân đội để can thiệp.

Biện pháp mạnh mẽ của chính quyền, trong nhiều trường hợp, càng đẩy căng thẳng lên cao. Có thể nói rằng cả xã hội Mỹ đang sôi sục trong sự chia rẽ và giận dữ.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi Tổng thống Trump đang bị “mắc kẹt” trong một loạt vấn đề chưa tìm được lối thoát.

Đó là vấn đề đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người dân trong khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát trên các bang của Mỹ.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đó là kế hoạch mở cửa trở lại đất nước nhằm vực dậy nền kinh tế đang trên đà suy thoái trong khi căng thẳng với Trung Quốc lại tiếp tục leo thang, gây ảnh hưởng tới việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước.

Nhiều người từng tin rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại “lịch sử” với Trung Quốc theo hướng có lợi cho Mỹ vào đầu năm nay đồng nghĩa chắc chắn sẽ có một nhiệm kỳ 4 năm nữa dành cho Tổng thống Trump, song dịch COVID-19 xuất hiện và làm thay đổi mọi tính toán của ông.

Tình trạng bất ổn và căng thẳng liên quan tới nạn kỳ thị chủng tộc bùng phát trên cả nước, cùng với nền kinh tế Mỹ ảm đạm khi các hoạt động kinh doanh và sản xuất chưa được nối lại hoàn toàn, và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp tới cử tri và gây bất lợi cho Tổng thống Trump.

Và điều này được thể hiện rõ nét qua kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Tỷ lệ tán thành công việc của ông Trump rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi ông trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 22/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 22/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả cuộc khảo sát do hãng nghiên cứu Rasmussen công bố ngày 27/5 cho thấy 57% số cử tri Mỹ được hỏi bày tỏ không ủng hộ cách Tổng thống Trump lãnh đạo đất nước, trong khi tỷ lệ ủng hộ là 42%, giảm 4% so với kết quả khảo sát công bố 5 ngày trước.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận phản ánh phần nào triển vọng không mấy khả quan đối với đương kim Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.

Giáo sư lịch sử Allan Lichtman, một trong số ít người dự đoán đúng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, cho rằng đương kim tổng thống đang thực sự rơi vào tình thế tồi tệ hơn so với cách đây 5 tháng và có thể phải trả giá cho những gì đang xảy ra ở nước Mỹ bằng chính kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn ở phía trước đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông cùng với chính quyền đang nỗ lực tập trung vào việc hồi sinh nền kinh tế Mỹ và hiện đã có nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trở lại vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, dù tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump lên xuống thất thường trong đại dịch COVID-19 và nhà lãnh đạo Mỹ bị ứng cử viên Biden dẫn trước trong nhiều cuộc khảo sát, nhưng sự ủng hộ của những cử tri đảng Cộng hòa dành cho ông gần như không thay đổi, cho dù ông thể hiện như thế nào trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cuộc khảo sát cũng cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn được tín nhiệm hơn ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ Joe Biden về khả năng chèo lái nền kinh tế Mỹ, thậm chí cả khi hàng chục triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế Mỹ đình trệ do đại dịch COVID-19.

Dù sự lãnh đạo của Tổng thống Trump có liên quan phần nào đến những cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ phải đối mặt, nhưng nếu các cuộc khảo sát trên phản ánh chân thực tình hình cử tri Mỹ thì đến nay, ông Trump dường như đã tránh được một thảm họa có thể hủy hoại nỗ lực tái tranh cử của ông.

Về phần cựu Phó Tổng thống Joe Biden, trước làn sóng giận dữ của người dân phản đối vụ cảnh sát da trắng gây ra cái chết của người đàn ông da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis, ông Biden có vẻ đang “ghi điểm” khi kêu gọi người dân Mỹ đương đầu với sự bất công chủng tộc ở quốc gia này.

Ông Biden cho rằng vụ việc là lời kêu gọi thức tỉnh cho nước Mỹ và khẳng định quốc gia này đang cần một sự lãnh đạo có thể đoàn kết tất cả người dân Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ tìm cách “chữa lành vết thương chủng tộc” từ lâu ở Mỹ và không sử dụng chúng cho mục đích chính trị.

Sự chia sẻ và đồng cảm của ông Biden đối với nạn nhân cũng như những người biểu tình được đánh giá giúp ông giành được sự ủng hộ của khối cử tri da màu.

Trong hầu hết các cuộc thăm dò mới nhất, ông Biden đang nhận được tỷ lệ ủng hộ của cử tri cao hơn Tổng thống Trump tại nhiều bang, trong đó có các bang dao động quan trọng như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) phát biểu trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi ở tiểu bang Delaware ngày 1/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) phát biểu trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi ở tiểu bang Delaware ngày 1/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cả 3 bang đã từng đứng về phe Cộng hòa năm 2016 giờ đây lại dành nhiều sự ủng hộ cho ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ Biden.

Thế nhưng, ông Biden cũng chưa hẳn không có khó khăn khi các cử tri cho rằng sự thể hiện của ông vẫn mờ nhạt. Ngay cả trong vấn đề đang gây rạn nứt xã hội Mỹ là nạn phân biệt chủng tộc, ông Biden tỏ ra “chịu khó lắng nghe và thấu hiểu,” nhưng chưa cho thấy mình là “một nhân vật hành động.”

Đặc biệt ông không được đánh giá là người có khả năng hàn gắn những vấn đề bất đồng trong nội bộ đảng Dân chủ. Bên cạnh đó, ông cũng không bảo đảm nhận được lá phiếu chắc chắn của những cử tri nghiêng về ông.

Một thực tế không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 gây suy thoái kinh tế, dẫn tới tình trạng thất nghiệp tăng cao, cùng tình trạng bất ổn xã hội hiện nay do các cuộc biểu tình bạo loạn, chính là “cú đòn từ trên trời rơi xuống” gây bất lợi cho Tổng thống Trump, trong khi ông Biden thì “vô tình” được hưởng lợi.

Tuy nhiên, chính những yếu tố này cũng là “con dao hai lưỡi” đối với ông Biden.

Như vậy, trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, bầu không khí ảm đạm vẫn bao trùm nước Mỹ với những cuộc khủng hoảng từ y tế, kinh tế cho tới xã hội, và đây được coi là “phép thử” đối với năng lực lãnh đạo của cả Tổng thống Trump lẫn ông Biden.

Có thể hiểu cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump lúc này phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế hình chữ V và niềm tin của người dân Mỹ vào sự lãnh đạo của ông trong việc ứng phó với đại dịch cũng như với làn sóng biểu tình bạo lực hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng dường như ông Trump đang “đặt cược” vào một cách tiếp cận quyết liệt và cứng rắn trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ phải đối mặt.

Nhưng cách tiếp cận đó có giúp Tổng thống Trump dẫn dắt được nước Mỹ vượt qua khủng hoảng, để có thể tiếp tục nhiệm kỳ 4 năm tại Nhà Trắng, hay ông sẽ phải chịu dừng bước trước ứng cử viên nặng ký của đảng Dân chủ Joe Biden? Ở thời điểm nước Mỹ rối ren như hiện nay, câu hỏi này có lẽ chưa tìm được đáp án./.

Người biểu tình tuần hành tại Minneapolis, Minnesota (Mỹ) ngày 29/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người biểu tình tuần hành tại Minneapolis, Minnesota (Mỹ) ngày 29/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Nguồn: AFP/TTXVN)